Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Số lượng động vật hoang dã giảm một nửa kể từ năm 1970

WildLife.

Theo báo cáo mới đây của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) thì số lượng động vật hoang dã đã giảm đi một nửa trong vòng 4 thập kỷ qua. Cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc nhóm động vật hoang dã của WWF, Zoological Society of London và một vài tổ chức khác.

Theo số liệu phân tích số liệu trên hàng ngàn loài động vật có xương sống cho thấy tổng số lượng cá thể đã giảm 52% kể từ năm 1970 cho đến năm 2010.

Sự biến mất dần của các loài động vật hoang dã có thể nhìn thấy ở nhiều nơi như sông hồ, rừng núi và biển cả. Nguyên do chủ yếu là vì môi trường sống của chúng bị phá huỷ, việc đánh bắt cá thương mại và săn bắn. Biến đổi khí hậu cũng được xem là một nguyên nhân, nhưng hậu quả của nó thì khó để đo đếm hơn.

Báo cáo năm 2012 của WWF đưa ra con số giảm 28% trong cùng thời gian nói trên, tuy nhiên trong báo cáo mới nhất họ đã có thêm 15% dữ liệu mới và con số đã tăng lên rất cao.

Sự sụt giảm số lượng cá thể động vật hoang dã xảy ra nhiều nhất ở khu vực sông hồ với hơn 76% kể từ năm 1970. Trong khi đó tỉ lệ giảm sút ở trên đất liền và biển là khoảng 39%.

Khu vực có số lượng động vật hoang dã biến mất nhiều nhất là châu Mỹ Latin với 83%, ngay sau đó là châu Á - Thái Bình Dương.

WWF cũng đưa ra dự báo là cho đến năm 2050 dân số thế giới sẽ tăng thêm 2,4 tỷ người và lúc này vấn đề cung cấp đủ thức ăn, nước uống và năng lượng sẽ ngày càng khó khăn hơn. Gánh nặng sẽ càng đổ về thế giới hoang dã vì loài người sẽ làm tất cả để sinh tồn.