Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

[Cơ bản] Khắc phục các lỗi thường gặp với thiết bị Android

Android_loi_thuong_gap.
Android là hệ điều hành dành cho smartphone phổ biến nhất hiện nay với số lượng người dùng khổng lồ. Đi kèm theo đó nhiều vấn đề cũng phát sinh trong quá trình sử dụng, chẳng hạn như máy bị đơ, ứng dụng không mở được, điện thoại chạy chậm hơn bình thường, Wi-Fi không thể kết nối… Sau một thời gian gắn bó với Android, mình xin tổng hợp lại những vấn đề mà người dùng hay bị nhất khi xài hệ điều hành này và cách khắc phục. Hi vọng bài viết sẽ giúp anh em tự sửa được thiết bị của mình một cách nhanh chóng hơn. Thực ra mình đã từng có bài chia sẻ dạng này nhưng bài đó đã 4 năm tuổi nên cũng cần cập nhật lại. Mời anh em theo dõi và cùng đóng góp ý kiến nhé.

Nội dung
Noi_dung.

1. Máy bị đơ, đứng trong lúc đang sử dụng

Nếu gặp tình trạng này, trước tiên các bạn hãy bình tĩnh khởi động lại máy. Thông thường, các nhà sản xuất có tích hợp tính năng reboot "cứng" cho thiết bị Android bằng cách nhấn giữ phím nguồn + phím giảm âm lượng cho đến khi màn hình tắt đi. Sau đó, chỉ nhấn giữ nút nguồn để máy chạy lên lại.

Sau khi khởi động lại, nếu tình trạng vẫn còn tiếp diễn thì bạn nên gỡ bỏ một vài ứng dụng mà bạn đã cài trong thời gian gần đây. Nhiều khả năng máy bị đơ hoặc đứng lo do xung đột với những app mới, nếu gỡ chúng ra thì thiết bị sẽ hoạt động lại bình thường. Vấn đề này rất thường gặp với anh em thích nghịch, thích cài thử app mới trên Play Store.

Trong tình trạng nghiêm trọng hơn, tức là bạn không có cài ứng dụng mới nào vào máy mà thiết bị vẫn hay bị đơ, thì bạn nên tiến hành reset lại thiết bị như khi mới mua. Để thực hiện việc này, bạn vào Settings > Backup & Reset (hoặc Settings > Security / Privacy) > tìm mục Reset phone.

Reset.

Với từng nhà sản xuất khác nhau thì mục này có thể nằm ở những chỗ khác nhau, nhưng cơ bản là vẫn trong Settings, các bạn thử tìm xem sao nhé. Lưu ý là tất cả dữ liệu trong máy sẽ bị xóa sạch, nên bạn cần sao lưu trước khi tiến hành. Tham khảo cách sao lưu dành cho máy Android tại đây.

Nếu đã reset máy mà vẫn không có gì khá hơn, bạn nên mang chiếc smartphone hoặc tablet của mình ra dịch vụ bảo hành hoặc bảo trì chính hãng. Họ sẽ kiểm tra giúp bạn.

2. Ứng dụng bị crash, bị kẹt trên màn hình

Hồi nãy là cả thiết bị bị đơ, còn bây giờ chỉ là một ứng dụng nào đó. Bạn vẫn có thể thoát ra màn hình chính và làm những thao tác khác, nhưng cứ mở app ra thì sẽ bị đứng. Vậy thì làm thế nào? Trước hết bạn hãy nhấn vào phím Recent Apps (có thể là phím ảo trên màn hình hoặc phím cứng trên máy) để liệt kê những ứng dụng mới chạy trong thời gian gần đây, sau đó đóng app bị đứng và chạy lại nó một lần nữa.

Nếu vẫn tiếp tục bị, bạn hãy gỡ bỏ ứng dụng đó ra khỏi máy rồi tiến hành cài đặt lại. Cách gỡ đó là vào Settings > Apps > chọn vào app mong muốn > Uninstall app. Sau đó cài lại từ Play Store (hoặc nguồn ngoài) rồi xem thử xem sao.

Recent_apps.
Giao diện Recent Apps của Samsung, LG và HTC theo thứ tự từ trái sang phải

Với những bạn nào thích nghịch máy, việc các bạn cài app từ bên ngoài vào (tức không qua Play Store) có thể khiến hệ thống bất ổn định. Một số phần mềm không được Google cho xuất hiện trên Play chính là vì lý do này. Do đó, nếu các bạn vừa cài một app không thông qua Play Store mà máy có biểu hiện bất thường thì hãy gỡ nó ra nhé.

3. Màn hình bị đơ

Đây là tình trạng màn hình không phản hồi dù cho bạn có chạm vào bất kì điểm nào đi nữa, hoặc có khi nhận ra thao tác chạm và đôi khi không. Nhiều anh em nhắn tin hỏi mình về vấn đề đó, thì có vài cách khắc phục như sau:
  • Trước tiên bạn hãy khởi động lại máy như hướng dẫn ở mục 1 của bài viết này
  • Nếu tình trạng vẫn còn bị, hãy gỡ những ứng dụng nào đó mà có can thiệp đến cảm ứng của máy, ví dụ như app tạo nút home ảo trên màn hình, app đo cảm ứng,…
  • Tiếp tục, nếu vẫn còn, bạn nên tháo pin thiết bị ra rồi gắn vào. Lưu ý tháo luôn cả dây sạc ra rồi mở máy lại xem còn bị đơ cảm ứng nữa hay không. Có một vài trường hợp mình từng gặp đó là máy bị đơ khi cắm dây sạc, gỡ ra là trở lại bình thường.
  • Nếu vẫn còn, nhiều khả năng thiết bị của chúng ta đã bị liệt cảm ứng. Đây là lỗi phần cứng, do đó bạn nên liên hệ với chỗ bảo hành, sửa chữa chính hãng để được hỗ trợ. Việt Nam có khí hậu ẩm nên tình trạng này khá thường xảy ra.
4. Không thể vào Wi-Fi được

Các bước để xử lý như sau:
  • Đầu tiên bạn hãy thử di chuyển đến nơi gần router hơn. Nhiều thiết bị di động sẽ từ chối truy cập mạng nếu tín hiệu quá yếu.
  • Nếu vẫn còn bị, bạn tắt công tắc Wi-Fi đi rồi mở lại. Cách tắt đó là vào Settings > Wi-Fi > gạt cần OFF, sau đó ON lại
  • Nếu vẫn chưa vào mạng được, bạn nhấn vào chữ Wi-Fi trong phần Settings > nhấn giữ vào tên mạng mà bạn muốn kết nối > chọn Forget Network. Thao tác này là để máy “quên” đi cấu hình của một mạng Wi-Fi đã từng truy cập hoặc cố gắng truy cập. Sau đó bạn tiến hành truy cập lại thử xem sao.
  • Nếu vẫn chưa thành công, thử khởi động lại thiết bị Android của bạn.
  • Cách cuối cùng, cũng là cách bạo lực nhất: tắt mở nguồn router không dây (nếu bạn có thể làm được chuyện đó). Rất nhiều lần mình đã có thể vào mạng bằng cách này.
Forget_Wi-Fi.

5. Bắt tín hiệu vị trí sai

Các bước để khắc phục như sau:
  • Hãy di chuyển ra chỗ thoáng hơn, đừng bị che khuất hay ở trong nhà. Tín hiệu vị trí rất kém khi bạn ở trong nhà.
  • Bạn cần kiểm tra xem bạn đã bật tính năng định vị hay chưa: vào Settings > Location > ON
  • Kiểm tra lại chế độ định vị mà bạn đang thiết lập cho máy. Từ Android Jelly Bean, chúng ta có các chế độ như sau:
    • High accuracy: độ chính xác cao nhất, nhưng cũng hao pin nhất. Nếu bạn cần chỉ đường đi, điều hướng khi lái xe,… thì nên chọn cái này
    • Battery saving: độ chính xác trung bình, có kết hợp với mạng Wi-Fi và mạng di động để định vị, ít hao pin
    • Device only: chỉ sử dụng kết nối GPS để định vị, phương pháp này rất dễ xảy ra sai số khi bạn ở các khu vực có nhiều nhà cao tầng bao vây xung quanh.
  • Trong quá trình định vị, bạn nên bật thêm kết nối Wi-Fi. Mặc dù bạn chẳng kết nối với mạng Wi-Fi nào cả nhưng việc để Wi-Fi bật sẽ giúp thiết bị tìm vị trí của bạn chính xác hơn, nó sẽ là một công cụ hỗ trợ cho GPS.
Location.

6. Ứng dụng khởi động quá lâu

Vấn đề này hay xảy ra khi các bạn di chuyển ứng dụng sang thẻ microSD nhưng thẻ lại có chất lượng kém hoặc tốc độ chậm. Để cải thiện thì bạn chỉ cần di chuyển ngược app vào bộ nhớ máy là xong. Mình đã từng giúp được ba bốn bạn bằng cách này rồi đó.

Cách di chuyển ứng dụng vào lại bộ nhớ máy:
  • Vào Settings > Apps
  • Chọn ứng dụng bị chậm mà bạn đã từng di chuyển sang thẻ microSD
  • Nhấn nút Move
7. Tập tin âm thanh lẫn vào trình chơi nhạc

Bạn sử dụng một trình quản lý file miễn phí nào đó, ví dụ như Astro File Manager hay ES File Explorer, tạo một tập tin văn bản trống, sau đó đổi tên nó lại thành .nomedia. Di chuyển tập tin này đến thư mục có file âm thanh của app mà bạn cảm thấy không muốn nó xuất hiện trong trình chơi nhạc là xong. Khởi động máy để xem kết quả.

8. Lỡ chọn một ứng dụng mặc định cho một thao tác nào đó

Ví dụ thế này: khi bạn đang đọc email, bạn thấy một đường link tới trang web nào đó. Bình thường khi nhấn vào link này, Android sẽ hỏi xem bạn muốn mở nó bằng trình duyệt của nhà sản xuất hay Chrome. Bạn có thể chọn nhấn “Always” để ghi nhớ mãi mãi lựa chọn của bạn, không hỏi lại nữa. Chẳng hạn như bạn chọn mở bằng Chrome đi. Điều này có nghĩa là lần sau, cứ cần mở link là Chrome sẽ được gọi lên. Nhưng lỡ một ngày bạn không còn thích xài Chrome nữa thì sao?

Đừng lo lắng, cách xử lý như sau:
  • Vào Settings > Apps
  • Chọn lấy ứng dụng mà bạn chọn làm mặc định cho một thao tác (trong ví dụ của mình là Chrome)
  • Tìm nút “Clear Default”, nhấn vào đó
  • Xong
Clear_Defaults.

9. Lỡ chọn Launcher làm mặc định và không thể đổi lại được

Vì launcher cũng chỉ là một ứng dụng, do đó bạn có thể áp dụng y hệt cách thức ở mục 8 để xóa một launcher mặc định. Sau khi xóa xong, mỗi khi bạn nhấn nút Home thì hệ thống sẽ hỏi bạn là muốn mở launcher nào.

10. Không thể sử dụng Google Now

Google Now là một tính năng trợ lý ảo cực kì hay mà Google đưa vào Android. “Cô trợ lý” này thậm chí còn có khả năng hiển thị tiếng Việt nữa, rất là hay. Tuy nhiên, để kích hoạt được Google Now thì bạn phải để ngôn ngữ hệ thống là tiếng Anh, sau đó nếu thích thì đổi lại tiếng Việt cũng được. Hơi ngộ nhỉ. Cách làm như sau (và chỉ làm 1 lần duy nhất thôi nhé):
  • Vào Settings > Language & Keyboard
  • Nhấn vào dòng Language
  • Chọn “English (United State)”
  • Chờ cho giao diện máy đổi hết sang tiếng Anh thì khởi động lại máy
  • Khi máy đã chạy lên, mở lại Google Search (ứng dụng có biểu tượng chữ g trên nền màu xanh dương)
  • Máy sẽ hỏi bạn về việc kích hoạt Google Now. Nhấn nút “I’m in” khi được hỏi.
  • Lúc này Google Now đã chạy thành công, bạn có thể đổi lại ngôn ngữ máy là tiếng Việt nếu muốn.
Google_Now.

11. Không thể truy cập 3G

Trước hết, hãy chắc rằng bạn đã đăng kí sử dụng dịch vụ với nhà mạng. Nếu đã đăng kí rồi, bạn vào Settings > Mobile data > gạt nút ON.

Chúng ta cũng nên kiểm tra xem thông tin về APN của nhà mạng đã đúng hay chưa. Bạn chạm vào dòng Mobile data khi nãy > chọn tiếp mục Access Point Name. Thường thì các smartphone Android mới sẽ tự động nhận biết thông tin này, nhưng lỡ như máy không nhận thì bạn phải điền tay vào (nhấn nút menu trên màn hình > New APN). Danh sách APN của các nhà mạng phổ biến mình liệt kê ở bên dưới:

APN.

VinaPhone
APN: m3-world
Username: mms
Password: mms

Mobifone:
APN: m-wap
Username: mms
Password: mms

Viettel:
APN: v-internet
Username: (để trống)
Password: (để trống)

VietnaMobile:
APN: Internet
Username: (để trống)
Password: (để trống)

12. Không thể tải ứng dụng từ Google Play

Tình trạng như sau:
  • Chọn tải về mà ứng dụng không có dấu hiệu bắt đầu download
  • Hiện mãi chữ "Downloading" nhưng không bắt đầu tải về
  • Không cho phép tải về, báo lỗi "Error" kèm theo mã lỗi
Cách khắc phục:
  • Trước hết bạn hãy thử ngắt mạng (Wi-Fi hoặc 3G) đi, sau đó tải lại
  • Nếu vẫn chưa được, vào ứng dụng đang tải về, nhấn nút hủy tải về (dấu x màu xanh) rồi tải lại
  • Kiểm tra xem ngày giờ trên máy đã đúng với giờ thực tế hay chưa. Nếu giờ bị lệch thì server Google sẽ không cho bạn tải về đâu. Cách chỉnh lại giờ: Settings > Date & Time
  • Cách cuối cùng nếu vẫn không tải được ứng dụng: vào Settings > Apps > chuyển sang thẻ All > tìm ứng dụng Google Play Store > chọn nút "Clear cache" để xóa bộ nhớ đệm của app. Khởi động lại máy và tải lại ứng dụng bạn cần.
Play_Store_Clear_Cache.