Trong suốt ba năm kể từ khi chính thức ra mắt, iPad đã là một trong những chiếc máy tính bảng phổ biến và nổi tiếng nhất trên thị trường. Thiết bị này có thiết kế thân thiện và ngày càng được Apple điều chỉnh lại cho tiện dụng và đẹp hơn. Mặc dù vậy, thiết kế tổng quan của iPad vẫn gần như không đổi từ đó đến nay: chúng ta vẫn có một thiết bị với màn hình to chiếm trọn mặt trước, một bộ vỏ nhôm chắc chắn bao xung quanh và cả mặt sau. Vậy làm thế nào Apple quyết định chọn kiểu dáng này cho dòng máy tính bảng của mình? Mời các bạn cùng đi ngược thời gian để xem lại những câu chuyện đằng sau quá trình nhà thiết kế Jony Ive cùng nhóm của ông tạo ra chiếc iPad đời đầu.
Mong muốn mang tên "máy tính bảng" của Apple
Trong khi nhóm của Jony Ive đang làm việc một cách bí mật với chiếc iPad thì Steve Jobs lại nói với mọi người rằng Apple không có ý định xây dựng tablet. "Máy tính bảng chỉ thu hút những người giàu đã có sẵn nhiều máy tính và những thiết bị khác", Steve nói. Tuy nhiên vị cố CEO này thực chất chỉ đang giả vờ mà thôi. Phó chủ tịch marketing toàn cầu của Apple, ông Phil Schiller, tiết lộ rằng "Steve chưa bao giờ đánh mất tham vọng làm ra một chiếc máy tính bảng". Thực chất thì ngay cả trong lúc phát triển iPhone 3G, nhóm của nhà thiết kế Jony Ive cũng nghiên cứu và phát triển iPad nữa. Steve Jobs chỉ đang chờ đến đúng thời điểm để tung thiết bị của mình ra mà thôi.
Một trong những động lực giúp Apple tiếp tục dồn nhiều công sức vào tablet đó là do sự xuất hiện của netbook. Netbook là một loại máy tính xách tay mỏng nhỏ nhẹ và giá rẻ được ra mắt năm 2007. Nó nhanh chóng ăn vào thị trường của laptop và đến năm 2009 đã có lúc netbook chiếm đến 20% thị phần máy tính xách tay. Apple không nghĩ đến việc kinh doanh netbook bởi theo Steve Jobs thì đây chỉ là một loại laptop giá rẻ và không có gì tốt hơn máy tính bình thường cả. Tuy nhiên, dù gì thì ý tưởng về netbook cũng ít nhiều xuất hiện trong các cuộc họp lãnh đạo cao cấp của Apple.
Trong số những cuộc họp như thế vào năm 2008, Jony đề xuất rằng chiếc máy tính bảng đang ở trong phòng thí nghiệm của ông sẽ là câu trả lời cho netbook. Nhà thiết kế này gợi ý rằng một chiếc tablet cơ bản là một chiếc laptop nhưng không có bàn phím và giá thấp hơn. Ý tưởng này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của Jobs và Jony được cho phép tiếp tục biến nguyên mẫu của mình trở thành một sản phẩm thực sự.
Jony sau đó đã yêu cầu nhân viên của mình làm ra 20 model máy tính bảng khác nhau với nhiều kích cỡ và tỉ lệ màn hình. Tất cả những chiếc máy này được đặt lên một chiếc bàn tại Apple để Jony và Jobs có thể thử nghiệm. Jony nói "đây là cách mà chúng tôi chọn kích thước màn hình sẽ là bao nhiêu". Đây cũng là cách mà Apple chọn kích thước phù hợp cho Mac mini cũng như nhiều sản phẩm khác của mình. Theo một cựu kĩ sư của Apple có tham gia vào phát triển iPad, "Steve và Jony thích làm như vậy với hầu hết tất cả sản phẩm. Họ bắt đầu bằng việc làm ra nhiều thiết kế với nhiều kích cỡ và hình dáng khác nhau để tìm ra thứ họ muốn".
Một nhân viên quan trọng khác của Apple nói thêm rằng kích thước màn hình của chiếc máy tính bảng mà công ty muốn làm ra cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi kích thước của tờ giấy. Người này giải thích: "Kích thước của tablet sẽ vào khoảng một tờ giấy... và tôi nghĩ đây là một điều đúng đắn bởi vì máy sẽ nhắm đến các trường học, cơ sở giáo dục và những người cần đọc sách". Phần cứng cũng là một yếu tố khác. Ở buổi đầu, iPad được xem như một chiếc iPod touch phóng to.
Mục tiêu cuối cùng của Jony đó là làm ra một thiết bị mà Apple không cần phải giải thích nhiều cho người dùng và nó phải thật sự trực quan. "Nó phải là một thiết bị đẹp và đơn giản, một thứ mà bạn thật sự muốn, và một thứ cực kì dễ hiểu. Bạn cần nó lên, bạn dùng nó, chẳng cần ai phải giải thích cho bạn", Christopher Stringer, một nhà thiết kế kì cựu của Apple, cho biết.
Tất nhiên, để làm ra được một thiết bị như thế cần đầu tư rất nhiều thời gian và sức sáng tạo.
Tạo ra iPad
Nhóm của Jony đã chọn khám phá hai hướng thiết kế khác nhau cho iPad. Dựa trên thiết kế theo phong cách "Extrudo" (chữ này có nghĩa là đẩy ra, ép ra) của Apple, thứ đầu tiên cần làm là tạo nên một bỏ vỏ bằng nhôm giống như iPod mini thời bấy giờ, nhưng phải to hơn và mỏng hơn. Christopher Stringer chính là người dẫn dắt công đoạn này và ông cũng là nhân vật đã tham gia thiết kế nên những nguyên mẫu iPhone đầu tiên. Cũng giống như sản phẩm trước đó, Stringer đã tạo ra iPad từ một khối nhôm duy nhất. Tất nhiên là vì lý do bắt sóng nên ông phải thêm vào thiết kế của mình một miếng nhựa cho model Wi-Fi + 3G. Cạnh của mẫu máy này khá vuông vức chứ không bầu như iPhone "Extrudo" và nó không phải là một điều đáng lo ngại với Apple bởi "không ai đi úp cái tablet vào mặt cả".Chiếc iPhone theo kiểu "Extrudo", một trong những nguyên mẫu iPhone đầu tiên được Apple nghiên cứu
Bên cạnh đó, nhóm của Jony cũng thử nghiệm thêm một vài model khác theo kiểu "khung tranh". Chúng có kích thước lớn hơn iPad hiện nay và có chân chống để dựng lên (hiện nay nhiều tablet đã có chân chống, ví dụ như chiếc Microsoft Surface chẳng hạn). Nhóm thiết kế này quyết định rằng việc theo đuổi một ý tưởng như thế là không khả thi và họ từ bỏ nó. Sau này khi iPad 2 ra đời, Apple sử dụng phụ kiện vỏ Smart Cover để làm chân chống cho iPad.
Tuy nhiên, chiếc iPad "Extrudo" của Stringer lại gặp vấn đề, đó là phần viền làm giảm đi giá trị của màn hình, cũng như những gì diễn ra với chiếc iPhone "Extrudo". Theo lời Jony: "Làm thế nào chúng ta có thể bỏ hàng tấn nút và tính năng có thể làm màn hình bị xấu đi?". Jony hiểu rằng màn hình là thứ quan trọng nhất trên iPad và không gì được làm phép làm người dùng phân tâm khỏi thành phần này.
Trong khi đó, nhà thiết kế Richard Howarth lại theo theo đuổi iPad theo kiểu "Sandwich" mà ông từng làm trước đó. Ông tạo ra nhiều phiên bản khác nhau của nguyên mẫu 035 và tất cả đều được làm từ một chiếc vỏ nhựa vuông vức theo kiểu của MacBook nhựa nhiều năm về trước. Không ngạc nhiên khi Howarth cũng là người tham gia làm vào việc thiết kế nên dòng MacBook nhựa mà Apple ra mắt năm 2006.Nguyên mẫu thiết kế 035 của iPad
Trong quá trình thiết kế, những nguyên mẫu dần dần mỏng hơn, cạnh thiết bị thì trở nên vuông hơn. Một số mẫu dùng mặt lưng bằng nhôm, và rồi sau đó nhóm của Jony đồng ý rằng họ sẽ đi theo hướng của nguyên mẫu 035. Tuy nhiên vẫn còn một thứ làm Jobs cảm thấy chưa hài lòng: iPad vẫn chưa có được kiểu dáng thân thuộc với người dùng.
Jony ngay lập tức tập trung vào giải quyết vấn đề này. Ông nghĩ rằng iPad cần phải có một dấu hiệu gì đó để cho thấy rằng máy rất thân thiện và có thể cầm lên một cách dễ dàng với chỉ một tay. Thế nên bước đi kế tiếp đó là làm sao cho iPad dễ cầm nắm hơn. Một trong những nguyên mẫu sau đó có tay cầm bằng nhựa, điều đó khiến iPad trở thành một cái mâm đựng thức ăn trông không hề sang trọng. Khi nhóm thiết kế nhận ra rằng việc thêm tay cầm sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn, họ chuyển sang hướng sử dụng mặt lưng cong để chừa chỗ cho ngón tay người dùng lòn vào và cầm thiết bị lên. Đây cũng chính là những gì mà chúng ta được thấy trên iPad thế hệ đầu tiên.
Song song với việc thử nghiệm iPad, nhóm của Jony cũng đồng thời hoàn thành phần việc của mình với chiếc iPhone thế hệ thứ hai. Được quảng bá với cái tên iPhone 3G, thiết bị này tập trung nhấn mạnh vào khả năng tương thích với mạng 3G và nó không còn dùng vỏ nhôm như iPhone đời đầu. Thay vào đó, Apple chọn dùng vỏ nhựa polycarbonate cứng cho thiết bị của mình. Và cũng vì iPad được thiết kế song song với iPhone 3G nên cũng có thời gian Apple nghĩ về việc iPad cũng xài vỏ nhựa như thế, cũng có hai màu trắng hoặc đen với viền bằng thép không gỉ.
Tuy nhiên, ngay khi vừa đồng thuận với ý kiến này thì những vấn đề liên quan đến quá trình sản xuất buộc Jony phải thay đổi ý tưởng của nhóm. Mặt lưng nhựa của iPhone 3G trông đơn giản nhưng thật chất nó rất khó để sản xuất. Jony muốn sử dụng mặt lưng tương tự cho iPad, cũng là loại nắp được làm từ polycarbonate trộn với acrylonitrile butadiene styrene, nhưng khó khăn xuất hiện khi chúng ta tăng kích thước của nó lên cho vừa với iPad. Với cỡ lớn như vậy thì khi vừa ra khỏi lò đúc, vỏ sẽ bị cong và thu nhỏ lại, thế nên các nhà sản xuất phải làm ra một tấm lưng lớn hơn kích thước cần thiết để cắt gọt lại cho vừa.
Ngay cả sau khi đã đúc, vỏ nhựa này vẫn cần phải được đánh bóng, sơn và gia công thêm lần nữa để tránh lớp sơn bị tổn hại cũng như để đặt nút và logo Apple vào. Quy trình sản xuất sẽ cần thêm nhiều bước, và chính việc sử dụng nhựa là nguyên nhân của những khó khăn này. Nhà thiết kế Doug Satzger cho biết rằng nếu chuyển sang dùng nhôm thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Thế là nhóm thiết kế của Jony quay trở lại bàn vẽ của mình và tạo ra phần nắp lưng nhôm cho iPad. Họ cảm thấy thoải mái với loại vật liệu này, và họ cũng đã có sẵn quy trình sản xuất cho nhôm. Đổi lại, máy sẽ dày hơn một chút và không cong như những gì Jony muốn. Nhóm phải thêm vào một lớp mỏng để giúp iPad cứng cáp hơn, nhưng cũng khiến iPad dày và to hơn phiên bản nhựa lúc đầu.Một chiếc iPad bản mẫu chạy phần mềm thử nghiệm. Máy này được cho là có đến hai cổng kết nối ở cạnh bên và cạnh dưới máy
Khi họ hoàn thành, nhóm của Jony rất hứng thú với vẻ ngoài theo hướng đơn giản hóa của máy. Chris Stringer hồi tưởng lại: "chúng tôi đã thử qua rất nhiều thứ. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng nhận ra rằng máy cần phải có một thứ gì đó rất riêng của nó. Chúng tôi không thể tự copy chính chính. Apple muốn một kiểu dáng độc nhất... một vật thể vô danh và không giống với bất kì thiết bị điện tử tiêu dùng nào". Quả thật, chiếc iPad của Apple không giống như bất kì thứ gì có trên thị trường vào thời điểm nó ra mắt. Như mô tả của Stringer thì nó là "một vật thể lạ và mới lắm".
Ghi chú: bài viết trên là một phần của quyển sách Jony Ive: The Genius Behind Apple's Greatest Products. Nếu quan tâm, bạn có thể mua sách này về đọc để biết thêm nhiều chi tiết hơn về quá trình Jony Ive tham gia vào việc tạo ra những sản phẩm đặc trưng của Apple.
Xem thêm: Steve Jobs đã làm như thế nào để giúp iPad thành công?Nguồn: Gizmodo
Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013
Câu chuyện đằng sau quá trình thiết kế nên iPad của Jony Ive
[Video] So sánh tốc độ mở phần mềm của Android 4.3 (dalvik) và Android 4.4 (ART)
Android 4.4 có bộ nhân giải mã mới - ART (Android runtime) - với mục đích cải thiện hiệu năng hệ thống, tăng tốc cũng như tiết kiệm pin hơn. Đây là kết quả của hơn 2 năm phát triển của Google, và khi Android 4.4 ra mắt thì ART cũng được tích hợp vào hệ thống luôn. Tuy nhiên việc tích hợp lần này đang ở mức thử nghiệm, mặc định thì ART cũng không được kích hoạt mà bạn cần phải tự tay làm việc này. Có lẽ Google cần thử nghiệm nhiều hơn, và giờ là thời điểm để họ cung cấp ART rộng rãi hơn nhằm thu hút được nhiều người dùng thử hơn, để cho đến khi Android 5.0 ra mắt thì bộ nhân mới này cũng sẽ hoàn thiện. Câu hỏi đặt ra là vậy thì ART có thực sự khác biệt và kết quả nhận được sẽ như thế nào?
Tinhte.vn sẽ có một bài viết khác chi tiết hơn về ART cũng như những điểm mới của bộ nhân giải mã này, theo như Google cho biết thì tốc độ tải cũng như xử lý phần mềm sẽ tăng lên, mức tiêu hao pin cũng được kiểm soát tốt hơn. Dưới đây là thử nghiệm so sánh tốc độ của 2 chiếc Nexus 7 2013, một chiếc chạy Android 4.3 gốc và một chiếc là Android 4.4 gốc. Cả 2 đều được cài phần mềm giống nhau, riêng Android 4.4 đã được kích hoạt ART trong developer, còn Android 4.3 thì mặc định là dalvik nhé.
Có lẽ nào Android 4.4 lại chậm hơn Android 4.3? Thực sự rất khó để khẳng định điều này vì sự sai khác chỉ là trên dưới 1s, chính vì thế để có thể đo đếm chính xác rất là khó. Mình chỉ có thể nói rằng cảm giác dùng Android 4.4 trên Nexus 7 vẫn rất tuyệt, máy vẫn nhanh và mượt. Nên nhớ rằng hiện tại ART vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, có thể suy đoán rằng các phần mềm hiện vẫn chưa tương thích tốt với ART vì thế cần thêm thời gian để các phần mềm cập nhật phiên bản mới tương thích hơn.
ART vẫn sẽ rất tuyệt vì bản chất của nó và trong bài viết sau Tinhte sẽ nói nhiều hơn về câu chuyện này!
Chấm điểm LG G Pad: tốt hơn Nexus 7 2013
Cảm giác sử dụng LG G Pad là khá ổn, BXL Snapdragon 600 với tốc độ thực thi tốt, đáp ứng được yêu cầu của người dùng. Mình đang sử dụng Nexus 7 2013 và chuyển qua G Pad thì thấy có sự khác biệt rõ rệt, ngoài việc màn hình to hơn thì tốc độ cũng có phần nhanh hơn chút xíu. Đặc biệt cảm giác cầm máy chơi game hay coi film cũng tốt hơn đối thủ nhiều, sự chênh lệch về điểm số trong các bài benchmark dưới đây cũng phần nào thể hiện điều này. Bảnh so sánh dưới đây bao gồm cả một số những chiếc điện thoại mới ra mắt với BXL Snapdragon 800, G Pad có điểm số thấp hơn 1 chút, thực tế sử dụng thì nó cũng chậm hơn một chút so với LG G2, Note III hay Z Ultra.
Các bài chấm điểm đều được thực hiện khi máy mới khởi động lại và không chạy thêm bất cứ phần mềm này khác. Dù sao đi nữa thì điểm số benchmark luôn khác nhau giữa các lần thử nghiệm, đó là chưa kể đến việc nếu những phần mềm dùng để benchmark cập nhật phiên bản mới thì kết quả cũng sẽ khác đi. Vì thế bài viết này mang tính tham khảo là chính, về trải nghiệm người dùng thì bạn nên xem thêm: Trên tay LG G Pad 8.3, hoặc chờ đợi bài đánh giá chi tiết của Tinhte về chiếc máy tính bảng mới này, bài viết sẽ có khi LG VN chính thức bán ra vào cuối tháng này.
Tổng hợp điểm chi tiết trong các bài đánh giá![]()
![]()
![]()
![]()
![]()
![]()
![]()
![]()
![]()
Thêm thông tin về APU Mullins và Beema, nỗ lực tiến sâu hơn vào thị trường máy tính di động của AMD
AMD mới đây đã ra mắt ba dòng APU mới của mình, bao gồm Kaveri, Mullins và Beema. Trong đó, trọng tâm là hai series SoC Mullins và Beema bởi chúng mang trong mình nhiều cải tiến về công nghệ so với thế hệ trước, lại là con chip được AMD thiết kế để dùng trong máy tính bảng, máy tính lai và máy tính xách tay siêu mỏng. Chúng ta có thể xem đây là nỗ lực của AMD trong việc tiến sâu hơn vào thị trường máy tính cá nhân di động và cũng để cạnh tranh với những chip Atom Silvermont của Intel. Trong bài viết này, mời các bạn cùng tìm hiểu sâu hơn về Mullins và Beema.
CPU, GPU trong Mullins và Beema
Trước hết, bạn cần biết rằng Mullins và Beema sử dụng nhân CPU hoàn toàn chứ không phải là một phiên bản được tinh chỉnh lại của sản phẩm hiện tại. Temash, thế hệ tiền nhiệm của Mullins và Kabini, tiền nhiệm của Beema hiện đang sử dụng nhân "Jaguar" 28nm. Trong khi đó, Mullins và Beema sử dụng nhân "Puma" 28nm với khả năng tiết kiệm điện tốt hơn, hiệu suất hoạt động cao hơn và tính bảo mật tốt hơn. Số nhân CPU của Beema và Mullins vẫn là 2 hoặc 4 nhân tùy chip, giống với Kabini hay Temash.
Hiện AMD vẫn chưa nói nhiều về những điểm mới trong Puma, hãng chỉ nói rằng Mullins và Beema cung cấp tỉ số hiệu năng/watt cao gấp 2 lần so với Temash và Kabini. Tỉ số này có được bằng cách lấy một số điểm benchmark từ những phép đo phổ biến rồi chia cho TDP của chip.Đi sâu một chút vào Beema, như đã nói ở trên, nó sẽ thay thế cho dòng APU Kabini hiện đang bán trên thị trường. TDP của Kabini nằm trong khoảng từ 15W đến 25W, trong khi TDP của Beema thì được hãng giảm xuống chỉ còn 10W đến 20W mà thôi. Điều này có nghĩa là thiết bị được trang bị Beema sẽ chạy mát hơn và tất nhiên là thời lượng dùng pin sẽ dài hơn. Các con chip Beema sẽ nằm ở phân khúc "Low Power", tức dành cho máy tính bảng và một số máy tính mỏng nhẹ.
Tương tự cho Mullins. Nếu như TDP của người tiền nhiệm Temash là 8W thì của Mullins chỉ là 4W mà thôi, giảm đi đến một nửa. Ngoài ra, AMD cũng có đề cập đến thông số SDP (Scenario Design Power, năng lượng dùng cho hệ thống tản nhiệt khi chip chạy ở xung nhịp mặc định thấp nhất) của Mullins là ~2W, còn của Temash thì đến tận 3W-4W. Vì Mullins được xếp vào dòng "Ultra Low Power" (có mức độ tiêu thụ năng lượng rất thấp) nên chúng ta sẽ thấy dòng chip này xuất hiện phổ biến ở các tablet và các hệ thống tablet lai laptop. Nó cũng cho phép tạo ra những thiết bị không cần đến quạt tản nhiệt.
Bên cạnh đó, AMD cho biết thêm rằng hiệu năng của bộ xử lí đồ họa tích hợp trong Beema và Mullins đều tăng 20% so với sản phẩm mà chúng thay thế, trong khi hiệu năng tổng quát thì tăng 35% với Mullins và tăng 24% với Beema. Kết quả đo bằng PCMark 8 và 3D Mark 11 cho chúng ta số liệu như sau:
Cả Mullins và Beema đều xài GPU Graphic Core Next (GCN) vốn đã có mặt trên hai model tiền nhiệm nhưng có lẽ AMD sẽ tinh chỉnh xung hoặc số nhân để mang lại hiệu quả xử lí đồ họa cao hơn. Trang chuyên về chip AnandTech cho biết rằng APU Kabini/Temash hiện nay có hai đơn vị xử lí (CU) với tổng cộng 128 nhân. Để đạt được con số tăng trưởng khoảng 20% về mặt hiệu năng như quảng cáo, AnandTech cho rằng AMD sẽ phải tăng số CU thành ba với 192 nhân trong Mullins và Beema. Có khả năng AMD chỉ đẩy xung nhịp lên cao và giữ nguyên số nhân để đạt được kết quả như trên, chúng ta phải chờ đến khi có sản phẩm ra đời thì mới biết chính xác AMD đã tinh chỉnh thứ gì.
Cũng cần nói thêm rằng Mullins và Beema đều sở hữu thiết kế System-on-Chip (SoC), tức là ngoài nhân CPU, GPU và bộ nhớ cache ra thì trên con chip này còn có những thành phần hệ thống khác như hub điều khiển bộ nhớ, hub điều khiển các kết nối, bộ phận điều khiển việc xuất tín hiệu hình ảnh... SoC giúp tiết kiệm không gian để chứa phần cứng và giảm lượng điện tiêu thụ so với việc bố trí các thành phần rời nhau, chính vì thế rất phù hợp để sử dụng trong các thiết bị mỏng nhọ nhẹ. Cả Kabini và Temash cũng là SoC, Intel Atom Bay Trail, đối thủ Mullins và Beema cũng là SoC, con chip trong smartphone và tablet mà bạn đang xài cũng là SoC đấy thôi.
Những tính năng khác trong Mullins/Beema
Có ba tính năng mới đáng chú ý mà AMD bổ sung cho Mullins/Beema, bao gồm AMD DockPort, Microsoft InstantGo, và Platform Security Processor. Chúng ta sẽ đi lần lượt qua từng thứ một để sau này nếu như bạn có đi mua máy dùng Mullins/Beema thì cũng biết được những công nghệ đó là gì và chúng có ý nghĩa như thế nào.
Công nghệ AMD DockPort
Đây là một công nghệ kết hợp giao tiếp USB 3.0 và DisplayPort 1.2 vào chung trong một sợi cáp duy nhất giúp bạn vừa có thể xuất hình ảnh ra các màn hình, vừa có thể kết nối đến nhiều thiết bị ngoại vi khác nhau. Giải pháp này gần giống với Thunderbolt của Intel, chỉ khác là Intel sử dụng PCIe để truyền dữ liệu, còn DisplayPort thì vẫn được xài để truyền hình ảnh. Trong bài thuyết trình của mình, AMD không nói nhiều về DockPort, hãng chỉ nói rằng nhà sản xuất thiết bị có thể chọn tích hợp tính năng này hoặc không.
Về những thứ mà DockPort có thể làm được, như slide bên trên, bạn có thể dùng một sợi cáp duy nhất để sạc pin laptop, xuất hình ảnh ra tối đa ba màn hình ngoài và kết nối đến rất nhiều các thiết bị ngoại vi khác, bao gồm smartphone, đầu đĩa, bàn phím, chuột,.... Việc kết nối sẽ được thông qua một dock với vai trò trung gian. Đây là một công nghệ thú vị và chúng ta hãy chờ xem các hãng sản xuất phần cứng sẽ tích hợp tính năng DockPort này như thế nào.
InstantGo
Microsoft InstantGo là một tính năng khác mà Mullins/Beema hỗ trợ (thực chất trước đây công nghệ này có tên là Connected Standy). Bình thường, khi máy tính của chúng ta đã đi vào chế độ sleep thì sẽ "ngủ" và không làm thêm hành động gì. Trong khi đó, InstantGo sẽ "đánh thức" máy tính theo chu kì để máy tự truy cập vào Internet và tải về những dữ liệu quan trọng như email, tin tức, cập nhật mạng xã hội...
Nó cũng giúp thiết bị hồi phục lại từ trạng thái ngủ trong chỉ 500 mili giây chứ không phải đợi một thời gian dài như những gì chúng ta thường thấy. Nói cách khác, InstantGo cực kì lý tưởng cho các máy tính bảng vốn cần phải mở lên thật nhanh khi người dùng nhấn nút unlock màn hình. AMD cũng cho biết thêm rằng InstantGo có thể giúp thiết bị của chúng ta giữ pin được trong 14 ngày ở chế độ standby, tất nhiên là thời gian này còn phải tùy vào cục pin của máy nữa.
Platform Security Processor
Tính năng này thực chất là một nhân ARM Cortex-A5 hỗ trợ cho công nghệ bảo mật ARM TrustZone. Đây là thiết kế khá thú vị khi mà trên đế của một bộ vi xử lí x84/64 lại có thêm một nhân phụ sử dụng kiến trúc đối thủ. TrustZone sẽ cung cấp một môi trường an toàn cho người sử dụng, giúp ngăn chặn các cuộc tấn công của malware hay virus, hỗ trợ thực hiện các công đoạn xác thực hay thanh toán trực tuyến. Mullins và Beema là hai con chip đầu tiên của AMD được tích hợp thiết kế TrustZone theo kiểu này.
Lợi ích của Security Processor trong ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng, nhưng biết đâu ARM sẽ có giải pháp gì đó để thúc đẩy TrustZone phát triển thì sao? Khi đó chúng ta có thể thanh toán dễ dàng bằng chiếc tablet của mình, hoặc chạm tablet để xác minh mà chính là người sử dụng chính chủ của một tài khoản nào đó. Đây là viễn cảnh cũng không quá xa vời phải không nào?
Kết
Nói tóm lại, Mullins và Beema sẽ được ra mắt trong nửa đầu năm sau, tuy nhiên AMD vẫn chưa công bố cụ thể khung thời gian mà những sản phẩm chạy hai dòng chip này sẽ xuất hiện trên thị trường. Trong bối cảnh AMD đang phải chịu sức ép từ đối thủ Atom Bay Trail của Intel, hi vọng hãng sẽ sớm tung Mullins và Beema. Tất nhiên, một mình AMD là chưa đủ. Để thiết bị có được sức hút thật sự người dùng thì cần nhiều hơn là một con APU tốt. Các nhà sản xuất phần cứng phải cân nhắc đến thiết kế, màn hình, pin, kết nối và hàng tá những yếu tố khác có thể quyết định sự thành bại của một sản phẩm điện tử. Chúng ta hãy cùng chờ xem Mullins và Beema liệu có giúp AMD vươn lên mạnh mẽ hơn trong thị trường di động trong thời gian tới hay không.Nguồn: AnandTech
Tại sao Facebook lại bỏ ra 3 tỉ đô cho Snapchat?
Even Spiegel (CEO kiêm nhà sáng lập Snapchat)
Tuần vừa qua, mạng xã hội Facebook đã đưa ra lời đề nghị không thể hấp dẫn hơn cho dịch vụ Snapchat khi họ muốn mua lại công ty này với giá 3 tỉ Mỹ kim. Snapchat là dịch vụ chia sẻ ảnh hoặc video với bạn bè cùng sử dụng được thành lập cách đây hai năm, nó cũng non trẻ tương tự như Instagram khi Facebook mua lại vào năm 2012, vậy đâu là lý do để Facebook phải bỏ ra 3 tỉ USD cho một công ty với 20 người như vậy? Và tại sao họ không nên đi tiếp trong thương vụ này?
Khi Facebook đưa ra lời đề nghị 3 tỉ USD cho Snapchat, dịch vụ này ban đầu đã từ chối, theo như thông tin mà Wall Street Journal cung cấp. Thậm chí, không riêng gì Facebook mà Google cũng muốn nhảy vào cuộc đua nhằm có được Snapchat và cái giá họ đưa ra 4 tỉ USD. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết hai ông lớn này định bỏ ra hàng tỉ đô cho một công ty mới khởi nghiệp như Snapchat bởi tính đến tháng 10 năm ngoái, Snapchat chưa có doanh thu và nó mới chỉ thành lập từ tháng 4 năm 2011 bởi hai sinh viên trường Stanford. Doanh thu chưa có, lượng người dùng Snapchat cũng khá khiêm tốn nếu so với con số 1,2 tỉ người dùng Facebook.
Câu trả lời đầu tiên đó là hình ảnh, yếu tố quyết định sự thành công của mạng xã hội. Đối với Snapchat, hình ảnh là điều kiện quyết định sự sống còn của dịch vụ, người dùng dịch vụ này chụp ảnh, thêm các hình vẽ, văn bản và gửi nó đi cho bạn bè trong danh sách. Cái hay của Snapchat đó là người dùng được quyền tùy biến nội dung tấm hình và xóa sạch dấu vết sau một khoảng thời gian ngắn chứ không lưu vĩnh viễn như Instagram hay Facebook. Ngoài ra, số lượng hình ảnh mà Snapchat xử lý mỗi ngày cũng nhiều gần bằng với Facebook.
Theo lời blogger Benedict Evans, Snapchat công bố họ xử lý mỗi ngày khoảng 350 triệu tấm hình (tính tới tháng 9 vừa rồi), số lượng tương đương với Facebook, con số này không tính 55 triệu hình mà Instagram xử lý mỗi ngày. Trước khi được Facebook mua lại năm 2012, Instagram chỉ xử lý khoảng 1/5 lượng ảnh mà họ xử lý ở thời điểm hiện tại. Điều đó cho thấy Facebook rất khôn khéo trong thương vụ này, họ mua lại Instagram không lâu sau khi dịch vụ này bùng nổ và trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Có lẽ Facebook hy vọng sự thành công tương tự khi đồng ý bỏ ra 3 tỉ USD cho Snapchat bây giờ, hãy tưởng tượng sau 3 năm, Snapchat sẽ lớn mạnh như nào so với thời điểm hiện tại.
Facebook rất có hứng thú với hình ảnh và sức mạnh của nó. Mạng xã hội này ra đời khi Mark Zuckerberg nghĩ tới việc đưa hình ảnh của những người bạn trong trường Harvard lên mạng trực tuyến. Yếu tố hình ảnh được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển vì thế Facebook hiện là một trong những dịch vụ chia sẻ hình ảnh hàng đầu của kỷ nguyên máy tính. Và họ cũng muốn làm điều tương tự trong kỷ nguyên di động, một kỷ nguyên mà sự thành công được quyết định bởi cả chụp hình lẫn chia sẻ hình. Bên cạnh đó, Snapchat còn rất phổ biến với giới trẻ, đối tượng mà Facebook đang nhắm tới.
Trên đây là những nguyên nhân để Facebook nên bỏ ra 3 tỉ USD cho Snapchat, vậy còn không nên thì sao? Khác với Flickr, Facebook hay Instagram, ảnh trên Snapchat không có ý nghĩa chia sẻ rộng rãi hoặc lưu giữ mãi mãi. Đổi lại, hình ảnh chỉ được chia sẻ với bạn bè trong danh sách và sẽ bị xóa đi sau một khoảng thời gian rất ngắn, giúp Snapchat đỡ bị lãng phí tài nguyên lưu trữ.
Ngoài ra, một trong những lý do mà giới trẻ dùng Snapchat là họ muốn tránh xa Facebook. Những người có bố mẹ hay người thân trong gia đình cũng sử dụng Facebook thì rõ ràng hầu hết không muốn chia sẻ hình ảnh trên đó. Snapchat là nơi lý tưởng và an toàn để họ làm điều đó một cách vui vẻ, thoải mái. Và nếu Facebook cố gắng thu lời từ Snapchat sau khi mua lại nó thì có thể họ đang phá hoại chính sản phẩm của mình.Nguồn: Wired
Audi giới thiệu phiên bản độ ABT S3, máy xăng 2.0L TFSI, 370 mã lực, mô-men xoắn cực đại 460Nm
Audi kết hợp với hãng độ ABT vừa giới thiệu phiên bản tính năng cao phát triển từ chiếc hatchback cỡ nhỏ Audi S3 - đó chính là mẫu xe ABT S3. Hãng xe Đức vừa mới giới thiệu chiếc Audi S3 phiên bản 2015 hồi tháng 09 vừa rồi và Tinh Tế cũng đã chia sẻ thông tin này trong một bài viết trước đây. Với sự hỗ trợ từ ABT, chiếc xe compact thể thao của Audi vốn đã mạnh mẽ giờ đây còn "chiến" hơn nữa.
Audi S3 với động cơ 2.0L TFSI cho công suất tối đa 300 mã lực và mô-men xoắn cực đại 380Nm, đó thực sự là những con số "hạng nặng". Tuy nhiên, ABT S3 còn vượt trội hơn 70 mã lực và 80Nm, đạt mức 370 mã lực và 460Nm đối với một động cơ 2.0L TFSI. Các thông số này hứa hẹn đem lại một khả năng vận hành không kém những chiếc xe đua.
Nhờ vào công nghệ ABT POWER thế hệ mới, ABT ECU cải tiến và những kinh nghiệm phong phú của hãng độ xứ Bavaria, chiếc Audi S3 qua bàn tay của ABT đã trở thành chiếc xe nhanh và mạnh nhất trong phân khúc. ABT S3 có thể tăng tốc từ 0-160 km/h chỉ trong vòng 4,6 giây và đạt tốc độ tối đa khoảng 427km/h. Những con số đủ làm bạn thấy được độ phấn khích khi cầm lái chiếc xe này.
Chiếc siêu hatchback cỡ nhỏ này được trang bị bộ mâm ABT DR tiêu chuẩn hoặc ABT ER-C tùy chọn với kiểu dáng 10 chấu cong màu xám chì đặc trưng của ABT. Bộ mâm này có khả năng tạo hiệu ứng thị giác đặc biệt khi xe chuyển động và cả khi đứng yên. Hiện tại thì hãng xe Đức vẫn chưa tiết lộ bất kì thông tin nào về giá bán cũng như thời điểm bán ra của mẫu xe này.Theo AudiWorld
Thẻ điện tử thông minh Coin - chỉ cần một thẻ để lưu giữ thông tin của nhiều thẻ
Việc mang theo quá nhiều thẻ (thẻ tín dụng, ATM, thẻ các ngân hàng khác) thực sự là một điều không quá vui vẻ bởi trong một số trường hợp chúng ta sẽ rất khó quản lý từng thẻ. Đây là một vấn đề chung của nhiều người hiện nay, tuy nhiên một công ty ở San Francisco đã giải quyết trở ngại này khi ra mắt Coin - thẻ điện tử thông minh có thể lưu giữ thông tin của nhiều thẻ ngân hàng khác nhau (tối đa 8 thẻ), từ đó giúp người dùng chỉ việc mang theo mình thẻ Coin thay vì đủ loại thẻ như bây giờ.
Hiện Coin đang cho phép đặt hàng trước với giá 50$ (bao gồm bộ đọc thẻ). Thời gian bán ra dự kiến là mùa hè năm sau, bạn nào đợi đến lúc đó mới mua thì phải bỏ ra tới 100$. Phí ship hàng là 5$. Các bạn đặt hàng ngay tại đây.
1. Kiểu dáng của Coin
Hình dáng, kích thước của Coin khá giống một chiếc thẻ ATM thông thường, có chăng sự khác biệt đến từ chiếc màn hình và một nút bấm nhỏ ở mặt trước của Coin. CEO của Coin, ông Kanishk Parashar, cho biết màn hình trên Coin sẽ đóng vai trò là nơi hiển thị những thông tin quan trọng của một chiếc thẻ ngân hàng như tên của chiếc thẻ đó, tháng/năm hết hạn sử dụng hay mã số CVV ở đằng sau thẻ.
Phần còn lại là nút bấm trên Coin, Parashar nói rằng nút này sẽ cho phép người dùng chuyển qua lại thông tin của từng thẻ, đến đây Parashar nhấn mạnh rằng các bạn đừng lo đến việc phải bấm chuyển qua từng thẻ là mất thời gian và mệt mỏi, bởi vị CEO này tin rằng mỗi người chỉ có tối đa 8 thẻ ngân hàng/thẻ thành viên các loại, không có ai lại mang theo mình đến hàng chục chiếc thẻ.
2. Tính năng chính và lợi ích của Coin
Rõ ràng Coin sẽ đóng vai trò của tất cả các loại thẻ: từ thẻ ngân hàng, thẻ thành viên, thẻ tín dụng. Nếu như bạn muốn rút tiền, chỉ việc điều chỉnh Coin về thẻ ATM, quét thẻ Coin và rồi lấy tiền. Trong trường hợp thanh toán trực tuyến, chỉnh Coin về thẻ MasterCard hay Visa để mua đồ. Như vậy có thể thấy lợi ích của Coin là rất lớn, bạn sẽ không phải tốn thời gian lục từng thẻ, ngồi xem thông tin từng thẻ như trước đây. Bên cạnh đó, ví (bóp) của bạn sẽ không trở nên quá dày cộm để chứa cùng lúc gần 10 chiếc thẻ đủ loại.
3. Cách nhập thông tin thẻ vào Coin và đặc tính bảo mật của Coin
Chắc hẳn đến đây nhiều bạn sẽ hỏi vậy làm sao để nhập thông tin của từng chiếc thẻ vào Coin? Để trả lời thắc mắc này thì chúng ta cần phải biết rằng Coin thực tế hoạt động song song với một phần mềm trên smartphone. Cụ thể hơn là sao, khi muốn nhập thông tin của một chiếc thẻ ATM vào Coin, bạn cần phải gắn bộ quét thẻ vào smartphone (bộ này bán kèm với Coin nên các bạn yên tâm), sau đó dùng thẻ ATM quét vào thiết bị đó. Ngay lập tức thông tin của thẻ sẽ được lưu trữ vào ứng dụng, và để kết thúc quá trình nhập thẻ vào Coin, ta chỉ cần chụp hình mặt trước của thẻ ATM. Mục đích của việc chụp hình là để ta dễ dàng tìm kiếm lại thông tin của từng thẻ về sau.
Ứng dụng tương thích với Coin dành cho iOS và Android còn có một số tính năng hữu ích khác, chứ không đơn thuần chỉ là lưu giữ thông tin thẻ. Theo đó, nhờ vào việc Coin và smartphone luôn được kết nối với nhau qua Bluetooth 4.0, do đó app này sẽ kiêm luôn nhiệm vụ quản lý thẻ Coin. Tức là nếu bạn vô tình để quen thẻ Coin ở nơi nào đó, ứng dụng sẽ ngay lập tức thông báo. Thực tế nguyên lý hoạt động cũng khá đơn giản: khi smartphone và Coin càng lúc càng xa nhau (khoảng cách giữa hai vật tăng), app sẽ nhận biết và gởi thông báo đến người sử dụng.
Đó là trường hợp để quên, còn nếu giả sử ta làm mất thẻ Coin thì sao? Tất cả thông tin của thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, thẻ thành viên sẽ rơi vào tay kẻ xấu sao? Parashar nhấn mạnh rằng sẽ không hề có chuyện đó xảy ra, một khi bạn làm mất thẻ Coin, nó sẽ tự động vô hiệu hoá mọi thông tin bên trong và sẽ tự động tự biến mình thành một chiếc thẻ vô dụng. Parashar cho biết khoảng thời gian để Coin thực hiện quá trình trên là trong vòng một vài phút - nếu trong khoảng thời gian đó bạn không tìm được Coin, nó sẽ trở thành một chiếc "thẻ trắng" theo đúng nghĩa. Parashar dự định sẽ cho người dùng tuỳ chọn mức thời gian này.
Cuối cùng, từ những tính năng trên, CEO Coin hoàn toàn tự tin vào độ bảo mật của Coin trong việc lưu giữ các thông tin nhạy cảm. Parashar chốt lại, thông tin của người dùng, thông tin trên app Coin đều được mã hoá và sẽ không có bất kỳ ai có thể ăn cắp và theo dõi thông tin này của bạn.
Bên trong PlayStation 4: dễ sửa, HDD thay được, cấu trúc gọn gàng
PS4 là chiếc máy chơi game console mới nhất của Sony, thông qua bài đập vỏ của iFixit cho chúng ta biết một số đặc điểm như sau: rất dễ sửa, đạt 8/10 điểm (10 là dễ sửa nhất), ổ cứng HDD 2,5" có thể thay thế và nâng cấp được, không hỗ trợ ổ cứng ngoài qua USB, dùng điện 100-240V (Universal), lỗi không xuất hình được là do cổng HDMI bị cong phần kim loại, và sau cùng là mọi thứ linh kiện bên trong được sắp xếp rất gọn gàng, dễ dàng tháo lắp.
Trước tiên là thông tin cấu hình của chiếc máy:
- CPU: AMD "Jaguar" x86-64, 8 nhân
- GPU: AMD Radeon Graphics Core Next Engine 1,84 TFLOPS
- RAM: 8 GB GDDR5
- HDD: 500 GB, tháo được, nâng cấp được
- Kết nối: Wi-Fi n, Bluetooth 2.1, USB 3.0, Ethernet 10/100/1000
Bước 1: đập hộp
Trong hộp có: máy, 1 tay cầm DualShock 4, cáp nguồn, cáp HDMI, cáp microUSB, tai nghe mono.
Bước 2: máy PS4
Vẫn có màu đen truyền thống, trên máy có đầu đọc đĩa DVD/Blu-ray, 2 cổng USB 3.0.
Bước 3: mặt sau PS4
Có các cổng:
- Hàng trên từ trái qua: Cổng ra âm thanh Digital Optical, HDMI, Ethernet, cổng kết nối phụ kiện (ví dụ như PlayStation Camera).
- Hàng dưới: Cổng nguồn.
Bước 4: một số máy bị lỗi xuất hình ảnh qua cổng HDMI
Sony cho biết trong tổng số máy PS4 được bán ra thì có một lượng nhỏ máy bị lỗi không xuất hình hoặc video qua cổng HDMI được. Nguyên do là phần kim loại bên trong cổng HDMI bị cong lên thay vì đúng là phải nằm thẳng, từ đó làm cho một số chân bên trong cổng không tiếp xúc được với dây cáp.
Bước 5: có thể tự thay ổ cứng HDD
Ổ cứng của PS4 nằm ở vị trí khá "thông thoáng" nên người dùng hoàn toàn có thể tháo ra để thay thế hoặc nâng cấp lên dung lượng cao hơn.
Bước 6: thông tin ổ cứng
Ổ cứng là loại HDD 500GB SATA II, kích thước 2.5", tốc độ 5400 RPM của hãng HGST (hãng con của WD). Việc thay ổ cứng rất dễ dàng miễn là nó không dày hơn 9,5mm và dung lượng phải lớn hơn 160 GB. Lưu ý: PS4 không hỗ trợ ổ cứng gắn ngoài qua cổng USB.
Bước 7:
Bạn phải dùng nhíp để gỡ những miếng dán ở mặt sau ra thì mới thấy được các con ốc để mở máy.
Bước 8: mất bảo hành nếu tự ý thay thế hay sửa chữa bên trong
Mặc dù máy dễ tháo nhưng Sony khuyến cáo người dùng không nên tự tay thay thế hoặc sửa chữa các thành phần bên trong máy, nếu không máy sẽ bị mất bảo hành.
Bước 9: bóc lớp vỏ ngoài
Bước 10: tiếp tục tháo lớp nhựa bên trong
Bước 11: PS4 dùng nguồn 100-240V
Nghĩa là bạn có thể mang PS4 đi chơi ở mọi nơi mà không cần quan tâm nguồn điện ở quốc gia đó có phù hợp hay không.
Bước 12: bên trong cục nguồn
Cục nguồn bên trong máy PS4 được bọc bởi một lớp nhựa, bên trong bao gồm một mạch điện màu vàng với các tụ điện cỡ lớn.
Bước 13: tháo ổ quang
PS4 không chơi được đĩa game của máy PS1/2/3, nếu bạn bỏ những đĩa này vào máy PS4 thì nó vẫn quay nhưng sẽ không chơi được.
Bước 14: bên trong ổ quang
Bao gồm các con IC: Renesas SCEI RJ832841FP1, Microchip Technology 312 3536A, BD7763EFV 325 T62, STM8ED 9H A07 VG MYS 331Z.
Bước 15: tháo bo mạch chính
Muốn tháo mainboard thì bạn phải tháo một tiếp một vài con ốc và miếng kim loại bảo vệ bên trên.
Bước 16: bo mạch chính
Bước 17: danh sách các con IC trên bo mạch
- SCEI (Sony Computer Entertainment, Inc.) CXD90026G SoC (bao gồm AMD "Jaguar" và AMD Radeon Graphics GPU).
- Samsung K4G41325FC-HC03 4 Gb (512 MB) GDDR5 RAM (8 x 512 MB = 4 GB).
- IC kết nối mạng: SCEI CXD90025G Secondary/Low Power Processor.
- Samsung K4B2G1646E-BCK0 2Gb DDR3 SDRAM.
- Macronix MX25L25635FMI 256Mb Serial Flash Memory.
- Marvell 88EC060-NN82 Ethernet Controller.
- SCEI 1327KM44S.
Bước 18: mặt sau mainboard
- Genesys Logic GL3520 USB 3.0 Hub Controller
- Samsung K4G41325FC-HC03 4 Gb (512 MB) GDDR5 RAM
- International Rectifier 35858 N326P IC2X
- Macronix 25L1006E CMOS Serial Flash Memory
- 39A207 1328 E1 3FU
Bước 19: Tiếp tục liệt kê các con chip khác
- Panasonic MN86471A HDMI Communication LSI
- Marvell Wireless Avastar 88W8797 7 Integrated 2x2 WLAN/Bluetooth/FM Single-Chip SoC
- Skyworks 2614B 315BB
Bước 20: không thể tháo rời khối tản nhiệt
Dính liền với tấm tản nhiệt bằng kim loại đó là một khối tản nhiệt lớn, bạn không thể tháo rời cục này.
Bước 21: tháo quạt
Quạt tản nhiệt của PS4 có kích thước rất to và được thiết kế để vận hành êm ái và hiệu quả hơn so với của PS3.
Bước 22: tổng thể
Sau cùng, PS4 rất dễ sửa chữa, đạt 8/10 điểm, 10 là dễ sửa nhất.
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)