Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Google sẽ không gắn mác "miễn phí" cho những ứng dụng có cung cấp in-app purchase

In_App_Purchase.

Theo yêu cầu của Ủy ban Châu Âu, Google sắp tới sẽ không còn gắn mác "miễn phí" cho các game được phép tải về miễn phí nhưng lại cung cấp các gói mua đồ theo dạng in-app purchase. Yêu cầu này xuất phát từ những cuộc điều tra liên quan đến việc các giao dịch in-app purchase bị thực hiện nhưng không theo mong muốn của người dùng, và mới đây Ủy ban cũng đã đưa ra một loạt quy định để các lập trình viên cũng như kho ứng dụng phải tuân theo. Google cho biết thay đổi sẽ có hiệu lực trên Play Store kể từ tháng 9, ngoài ra các app dạng này cũng sẽ bắt buộc phải có thêm yêu cầu xác nhận thanh toán trước khi mua hàng. Hiện chưa rõ thay đổi này sẽ được áp dụng cho riêng Châu Âu hay trên toàn cầu.

Apple cho biết hãng đồng ý thay đổi để tuân theo những quy định mới, tuy nhiên chưa có hành động hay lộ trình cụ thể nào được công bố. Trong một phát ngôn gửi đến BBC, Apple nói thực chất hãng đang làm tốt hơn những công ty khác trong việc bảo vệ người dùng khi thực hiện in-app purchase, điển hình như tính năng mới trong iOS 8 bắt buộc trẻ em phải gửi yêu cầu mua đồ đến cho cha mẹ, và chỉ khi cha mẹ chấp thuận thì giao dịch mới diễn ra.

Nói về các quy định trên, Ủy ban yêu cầu các nhà phát triển, phát hành game không được làm người dùng hiểu sai khi quảng cáo game của mình là "miễn phí" trong khi lại cung cấp in-app purchase. Ngoài ra, các phần mềm cũng không được trực tiếp yêu cầu trẻ em thực hiện việc mua hàng, phải nói rõ việc chi trả sẽ diễn ra như thế nào, và phải hiển thị một địa chỉ email để người dùng liên hệ khi có câu hỏi hoặc phàn nàn. Phó chủ tịch Ủy ban, Neelie Kroes, nói rằng "In-app purchase là một mô hình kinh doanh hợp pháp, nhưng các nhà phát triển app phải hiểu và tôn trọng luật của Liên minh Châu Âu khi họ phát triển mô hình kinh doanh của mình". Ủy ban cho biết việc thực thi các quy định sẽ được giao cho cơ quan chuyên trách của từng quốc gia, nhưng Ủy ban vẫn sẽ tiếp tục giám sát những vấn đề này.

Còn tại Mỹ, Ủy ban thương mại liên bang (FTC) cũng đã bắt đầu có những động thái tương tự nhằm bảo vệ người dùng. FTC mới đây đã kiện Amazon để buộc công ty này trả lại hàng triệu USD tiền mua không được chính người dùng cho phép. Hồi đầu năm nay Apple cũng phải thương thảo với FTC với cùng vấn đề như trên, sau đó hãng đồng ý chi 32,5 triệu USD để hoàn lại tiền cho khách hàng.

Nguồn: EC, The Verge

Microsoft hủy bỏ dự án điện thoại Windows Phone "McLaren" với công nghệ 3D Touch?

[​IMG]
Một nguyên mẫu Microsoft dùng để trình diễn 3D Touch

Theo nguồn tin của trang WP Central, dự án phát triển chiếc điện thoại Windows Phone mang tên mã "McLaren" hiện đã bị Microsoft hủy bỏ hoàn toàn. Đây chính là chiếc smartphone được trang bị công nghệ 3D Touch với khả năng nhận biết cử chỉ để giúp người dùng điều khiển thiết bị mà không cần chạm vào màn hình. Nguồn tin tiết lộ thêm rằng quyết định dừng phát triển McLaren đã đưa công ty đưa ra vài tuần trước, còn về nguyên nhân hủy bỏ thì khá đa dạng: từ chi phí quá cao cho đến việc Microsoft "không thể tiến xa hơn giai đoạn đề xuất về tính tương tác thực tế với 3D Touch".

WPCentral nhận xét thêm rằng tính năng cảm ứng 3D không chạm vào màn hình mới nghe thì khá thú vị, tuy nhiên liệu nó có hữu ích khi đưa vào sử dụng thực tế hay không lại là chuyện khác. Nhiều công ty, trong đó có Samsung, Sony, đã từng đưa công nghệ tương tự vào các điện thoại của mình nhưng chưa hãng nào có thể triển khai nó ở mức độ cao cấp như Microsoft. Đáng tiếc giờ đây dự án đã bị ngừng lại. Hi vọng rằng tại một thời điểm nào đó trong tương lai, công ty sẽ ra mắt 3D Touch khi công nghệ đã đủ tốt để xài trong đời sống hằng ngày.

Trước khi McLaren xuất hiện, Microsoft được cho là đã phát triển 3D Touch trên một thiết bị có tên mã "Goldfinger". Sau này, khi chuyển sang giai đoạn xây dựng bản mẫu thử nghiệm thì cái tên được chuyển thành "McLaren".

Nguồn: WPCentral

Làm gì để hết buồn ngủ khi lái xe?

DSC_8742.

Buồn ngủ khi lái xe là vấn đề ai cũng gặp trong những chuyến đi đường dài. Theo những nghiên cứu mới thì tác hại của việc buồn ngủ sau tay lái cũng nghiêm trọng không kém gì lái xe khi say xỉn. Chúng ta sẽ rơi vào trạng thái suy giảm hành vị, nhận thức, khả năng quan sát, đưa ra quyết định và điều này là nguyên nhân chính gây ra 15-33% những tai nạn nghiêm trọng.

Một cuộc khảo sát nhỏ của DMEautomotive đã chỉ ra những thói quen chúng ta hay làm để đối phó với tình trạng buồn ngủ khi lái xe. Đứng đầu là việc uống các loại nước có chất cà-phê-in, tuy nhiên cách này chỉ có tác dụng tạm thời chứ không giúp chúng ta thoát khỏi trạng thái lờ đờ. Tiếp theo thói quen hạ cửa kính hay mở cửa sổ trời sunroof, dừng lại và tập thể dục nhẹ, bật nhạc to, giảm nhiệt độ bên trong xe. Đây là những cách đối phó mà những chuyên trang về xe hay chia sẻ với chúng ta một thời.

DD-overall.

Tuy nhiên các chuyên gia đã chỉ ra rằng đa số chúng ta đều lầm tưởng các thức uống có cà-phê-in như cà phê hay nước tăng lực sẽ giúp chúng ta tỉnh táo ngay tức thì. Nhưng thật sự cà-phê-in chỉ bắt đầu hiệu nghiệm sau 30 phút, từ lúc nạp vào cơ thể đến khi thấm vào máu. Trong thời gian cà-phê-in chưa "ngấm" thì chúng ta vẫn duy trì trạng thái lờ đờ hay thường xuyên rơi vào những giấc ngủ nhỏ (micro sleeps) rất nguy hiểm.

Trong 15 biện pháp trên, chỉ có 2 biện pháp giúp chúng ta hết buồn ngủ là đổi tài (số 3) và dừng lại chợp mắt (số 7). Các cách còn lại đều không có hiệu quả thật sự. Chợp mắt trong khoảng thời gian ngắn là phương án tối ưu nhất nếu không có người đổi tài. Thời gian chợp mắt tối thiểu là 15-30 phút, tương đương với một giấc ngủ trưa sẽ giúp cơ thể chúng ta hồi phục nhanh chóng và tỉnh táo hơn.

Tóm lại, để có một chuyến đi an toàn thì chúng ta chỉ nên lái liên tục 2 tiếng hoặc tối đa 3 tiếng là dừng lại nghỉ ngơi. Khi tình trạng buồn ngủ bắt đầu xảy ra nhận biết bằng các cử chỉ như: ngáp, nháy mắt nhiều hơn bình thường, gặp khó khăn để giữ mắt mở liên tục thì chúng ta không nên cố tiếp tục lái mà tốt hơn là dừng lại chợp mắt nhanh trong 15-30 phút. Tranh thủ bổ sung các thức uống có cà-phê-in trước khi chợp mắt để cà-phê-in có thời gian "ngấm" vào giúp chúng ta tỉnh táo hơn trong hành trình tiếp theo. Nếu có bạn đồng hành biết lái xe thì chúng ta có thể thay phiên nhau đổi tài trong những lần nghỉ ngơi và nhớ là mỗi người không nên lái quá 8 tiếng/ngày.


Phiên bản beta của ứng dụng tùy biến màn hình khóa cho WP8.1 sẽ được phát hành vào tuần tới

lockscreen_app_81.
Joe Belfiore giới thiệu về Lock Screen app tại BUILD 2014.

Lock Screen app hay ứng dụng tùy biến màn hình khóa cho Windows Phone 8.1 là một trong số các tính năng mà Microsoft đã giới thiệu tại sự kiện BUILD 2014 nhưng vẫn chưa xuất hiện trên phiên bản cập nhật chính thức cũng như Developer Preview. Mãi đến hôm nay, phó chủ tịch kiêm quản lý chương trình Windows Phone - Joe Belfiore mới tiết lộ rằng người dùng sẽ sớm được trải nghiệm tính năng này, có thể là trong tuần tới.

Trên trang Twitter cá nhân, Joe Belfiore nói:
"Ứng dụng màn hình khóa - tôi xin lỗi vì đã giữ im lặng lâu nay. Phiên bản Beta của ứng dụng đã gần như sẵn sàng, có lẽ là trong 1 tuần nữa. Chúng tôi đang giải quyết một vài vấn đề và bổ sung tính năng mới."

Ứng dụng tùy biến màn hình khóa là một dự án được bảo mật cao đến nỗi rất nhiều thành viên trong bộ phận phát triển Windows Phone thậm chí còn không biết sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, người dùng cũng đã có cơ hội xem qua chức năng của các ứng dụng này khi Microsoft trình diễn một ứng dụng tùy biến màn hình khóa do lập trình viên nổi tiếng Rudy Huyn phát triển tại BUILD 2014. Trước sự đơn điệu của màn hình khóa trên WP8.1 hiện nay thì Lock Screen app sẽ mang lại sự cải tiến mạnh mẽ về giao diện và chúng ta hoàn toàn có lý do để chờ đợi.

lockscreen_app_81_01.

Một điều cần lưu ý là ứng dụng sẽ được phát hành qua Windows Phone Store thay vì tích hợp vào hệ thống. Phiên bản đầu tiên sẽ dành cho các thiết bị có 1 GB RAM trở lên và Belfiore cũng tiết lộ sẽ sớm hỗ trợ các thiết bị có 512 MB RAM. Hy vọng rằng chúng ta sẽ sớm được trải nghiệm màn hình khóa mới trên WP trong tuần tới.

Theo: WPCentral

NASA: Sẽ tìm thấy người ngoài hành tinh trong vòng 20 năm tới

ufo_2387810b.

Các nhà khoa học hàng đầu của NASA - Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, cho rằng sự phát triển của khoa học kỹ thuật sẽ giúp họ sớm tìm ra sự sống ngoài hành tinh trong vòng 20 năm tới. "Tôi tin rằng trong vòng 20 năm tới, chúng ta sẽ nhận ra con người không hề đơn độc trong vũ trụ", nhà thiên văn học Kevin Hand của NASA phát biểu tại một cuộc trò chuyện ở Washington. Dự đoán này ngay sau đó được rất nhiều chuyên gia tán đồng bởi sự ấn tượng về những gì mà kính thiên văn Kepler đã thu được. Chỉ trong vòng 5 năm qua, đài quan sát không gian đã xác định được khoảng 5.000 hành tinh, nhiều hơn toàn bộ lịch sử thiên văn học trước đó.

“Cách đây 5 năm, chúng ta đã không biết rằng có khoảng 10-20% ngôi sao xung quanh chúng ta có kích thước gần giống Trái Đất nằm trong khu vực có sự sống. Khám phá này sẽ thay đổi thế giới mãi mãi, vốn đang nằm trong tầm tay của chúng ta”, Matt Mountain, Giám đốc đồng thời cũng là nhà khoa học về kính thiên văn Webb của Viện Khoa học kính thiên văn ở Baltimore khẳng định. Trong thiên hà của chúng ta, chỉ riêng Dải ngân hà đã chứa đến 400 tỷ ngôi sao. Kết quả đầu tiên thu được bởi kính thiên văn Kepler chỉ là một mẩu nhỏ về vũ trụ bao la.

Dự kiến vào khoảng năm 2017 và 2018, NASA sẽ cho khởi động Vệ tinh Khảo sát Hành tinh ngoài hệ Mặt Trời (TESS) và Kính thiên văn Không gian James Webb, nhằm mục tiêu tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Được biết TESS có 4 kính thiên văn, sẽ tìm kiếm dấu hiệu của các hành tinh quay quanh sao chủ và có các đặc điểm phù hợp. Sau đó Kính thiên văn Không gian James Webb sẽ tiến hàng kiểm tra những thông tin chi tiết và cụ thể, nhằm xác định liệu hành tinh đó có chứa nước, oxy và bầu khí quyển hay không.

“Một lúc nào đó trong một tương lai gần, mọi người sẽ có thể chỉ tay đến một ngôi sao và nói, ở đó có một hành tinh giống như Trái đất”, Sara Seager - giáo sư khoa học về vật lý và không gian tại Viện Công nghệ Massachusetts nói.

Theo: RT

Hướng dẫn kiểm tra xích và tăng xích cho xe máy

IMG_9992.

Một vấn đề mà các bạn đi xe máy số thường xuyên gặp phải là dây xích, hay còn gọi là sên bị chùn. Xích bị chùn thì khi chạy sẽ nghe tiếng lộc cộc do dây xích va vào hộp bảo vệ, hoặc khi sang số thì xe bị giật giật. Việc kiểm tra xích thường xuyên và tăng xích đúng sẽ giúp tăng tuổi thọ cho cả nhông lẫn xích và tránh cảm giác khó chịu khi lái. Dưới đây là một số bước rất nhanh để kiểm tra xích và tăng xích cho xe máy.


Chuẩn bị đồ nghề:

1 khoá 19
1 khoá 17
1 T khẩu 10 và khẩu 12
1 Tuốc nơ vít

Các bước thực hiện:

1. Tháo nắp hộp xích để kiểm tra xích

IMG_0006.

Dùng tuốc-nơ-vít gỡ nắp hộp xích để kiểm tra xem xích có bị chùn hay không. Nếu chùn thì tiến hành tháo hộp xích để chuẩn bị tăng lên.

IMG_0004. Độ chùn xích tối đa phụ thuộc vào từng loại xe khác nhau, thông thường là khoảng 35mm.

IMG_9991.
Dùng tay quay bánh xe sau nhẹ để xem dây xích có bị nhảy nhiều hay không, kiểm tra độ mòn của nhông của như các khớp nối trên dây xích.

2. Bắt đầu tăng xích

IMG_9993. Để tăng xích, bạn bắt đầu nới lỏng ốc trục sau và ốc kẹp đĩa xích.

IMG_9992.
Sau đó dùng T 10 để chỉnh ốc kẹp đĩa xích.

IMG_0001.
Ở hai bên trục xe có một thước cân với các vạch kẻ sẵn, các bạn cần chỉnh cho chúng cân bằng nhau để đảm bảo bánh xe không bị lệch. Không nên tăng xích quá căng vì nó có thể gây hại cho nhông đĩa.

3. Kiểm tra và hoàn tất

IMG_9997. Dùng tay quay nhẹ bánh xe, nếu bánh xe quay đều, lâu không dừng, không thấy nặng tay thì bạn đã tăng xích đúng.

IMG_9995.
Sau khi đã tăng xích hoàn chỉnh, bạn vặn chặt ốc kẹp đĩa xích và trục xe. Tranh thủ lúc này tra dầu xích và kiểm tra kỹ hơn xích trước khi lắp tất cả lại.

Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất thì sau quãng đường hơn 500km, các bạn nên tra dầu xích, và sau hơn 1000km thì cần kiểm tra xích và tăng xích nếu bị chùn.

Data corruption (hư hỏng dữ liệu) là gì và làm thế nào chúng ta có thể hạn chế nó?

Du_lieu_hong_1.

Data corruption (tạm dịch: hư hỏng dữ liệu) là một trong những lỗi thường gặp nhất khi sử dụng máy tính. Nếu như bug sinh ra do việc thực thi các mã lệnh không đúng như dự định ban đầu thì data corruption xuất hiện khi một chương trình máy tính thay đổi dữ liệu sang một dạng khác, dù là vô tình hay cố ý. Dữ liệu khi bị hỏng có thể bị ngẫu nhiên hoặc có hệ thống, và ngay cả một thay đổi nhỏ trong cấu trúc file cũng có thể khiến cho một tập tin hay một phần mềm nào đó trở nên vô dụng. Trong bài này, xin chia sẻ với các bạn lý do vì sao data corruption lại diễn ra và làm cách nào chúng ta có thể giảm thiểu nó.

Những lý do gây ra hư hỏng dữ liệu

Môi trường mà chúng ta đang sinh hoạt thường ngày không phải là một chỗ lý tưởng để dữ liệu "sinh sống". Ngay cả một nguyên tử tự do trong không khí cũng có thể khiến bit dữ liệu lưu trên bộ nhớ chuyển từ giá trị 1 sang 0 và làm hỏng dữ liệu ngay cả khi máy tính đang tắt. Còn nếu nhìn ra những thứ "to" hơn một chút thì cũng có hàng tá lý do về mặt vật lý có thể thay đổi cấu trúc dữ liệu: đĩa từ mất đi hướng từ tính, các thiết bị lưu trữ mất điện, hay đĩa quang bị xước hoặc hỏng. Nói cách khác, dữ liệu số lưu trong các thiết bị mà chúng ta sử dụng thường ngày hoàn toàn có thể hư hỏng bởi những lý do khách quan và chủ quan mà chúng ta khó lòng kiểm soát được hết. Ngay cả HDD, SSD, ổ đĩa mềm, đĩa CD... cũng có thể hư hỏng sau một thời gian đủ lâu kia mà.

Hard-Disk-Drive-1.

Ngoài ra, bản thân người dùng cũng có thể là tác nhân gây ra hư hỏng dữ liệu. Ví dụ, bạn xóa đi một vài tập tin quan trọng nào đó khiến Windows hay phần mềm ưa thích của bạn không thể chạy lên được, hoặc bạn buồn buồn mở file exe lên bằng Notepad rồi xóa đi vài chỗ trong đó thì cũng gây ra tình trạng tương tự. Những phần mềm mã độc (malware) hay virus cũng có thể khiến cho những tập tin quan trọng bị hỏng vì chúng sẽ chỉnh sửa và thêm vào một số bit khiến file không thể được mở ra, tình trạng này đã từng làm nhiều người dùng khổ sở vài năm về trước.

Dù cho nguồn lỗi bắt đầu từ đây thì chúng ta có thể chia data corruption thành hai loại: có thể phát hiện và chưa được phát hiện. Loại đầu tiên thường xảy ra thường xuyên hơn nhưng mức độ nghiêm trọng không cao, còn loại thứ hai có thể khiến cả hệ thống bị sập, dữ liệu không thể được khôi phục, hoặc tệ hơn nữa là hư hỏng cả hệ điều hành.

Hư hỏng được phát hiện

Loại hư hỏng này có nghĩa là người dùng ít nhất biết đến nó, họ biết rằng đang có vấn đề xảy ra. Ví dụ, bạn có thể mở một tập tin ảnh và phân nửa bên dưới bị biến đổi với các sọc ngang đủ màu, hoặc mở một file Word nhưng Word lại báo là không đọc được tập tin. Với vấn đề dễ thấy như thế, ít nhất chúng ta biết là file đang bị lỗi để có thể chọn giải pháp như tải lại bức ảnh đó hoặc chạy phần mềm sửa lỗi.

Quan trọng hơn, kiểu hư hỏng đã được phát hiện thường là những vấn đề nhỏ. Một tập tin có thể bị mất, một sector trên đĩa cứng có thể bị bad và cần sửa chữa, hoặc một ứng dụng nào đó chạy không như ý muốn, chúng đều là những thứ có khả năng phục hồi được và quy mô ảnh hưởng cũng không rộng. Ngay cả khi chúng dẫn đến những rắc rối lớn hơn thì ít ra người dùng có thời gian để khắc phục.

Hư hỏng không được phát hiện (còn gọi là hư hỏng âm thầm)

Dù là gì đi nữa thì hư hỏng xảy ra đều có nguy nhân, vấn đề là nguyên nhân đó có được phát hiện hay không. Chúng ta có thể coi hư hỏng dữ liệu như là căn bệnh ung thư của máy tính. Nếu phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn, còn nếu phát hiện quá trễ thì lỗi có thể nhân rộng và đến một thời điểm nào đó thì mọi việc cứu chữa hệ thống đều trở nên vô dụng. Đó chính là những hư hỏng không được phát hiện, và chúng nguy hiểm vô cùng.

Ví dụ, nguồn điện của bạn có thể bị chập chờn, và nó khiến cho ổ đĩa cứng của chúng ta chạy ở điện thế thấp hơn mức thiết kế. Khi những sự kiện này diễn ra thường xuyên thì nó sẽ tạo ra các bad sector trên thiết bị lưu trữ. Nếu bad sector hiện diện tại những ổ lưu tài liệu, hình ảnh linh tinh thì còn đỡ, nhưng nếu chúng ảnh hưởng đến khu vực chứa dữ liệu của hệ điều hành hay driver thì mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ. Vào một ngày đẹp trời bạn mở máy tính lên và chỉ thấy màn hình xanh chết chóc, làm mọi cách máy cũng không thể vào được đến màn hình chào mừng, thế là phải đi cài lại Windows. Tệ hơn nữa, ngay cả khi bạn xách HDD đến một dịch vụ phục hồi chuyên nghiệp thì cơ may họ phục hồi được cho bạn cũng là rất ít nếu không muốn nói là không thể.

hdtunebadsectors.

Cũng có thể lỗi do nhà sản xuất để lại một hạt bụi trong ổ đĩa của bạn, khi đĩa từ quay thì hạt bụi này sẽ làm trầy bề mặt và khiến cho đầu đọc không thể nhận biết dữ liệu trên đó. Cũng có thể một con virus nào đó đã âm thầm chỉnh sửa tập tin, hoặc với SSD thì do ổ đã đạt đến số lần đọc/ghi nhất định nhưng bạn không để ý.

Dù gì đi nữa thì hư hỏng không được phát hiện vẫn rất nguy hiểm, và chúng thường có chung kết cuộc: chỉ khi nào file hoặc hệ thống lưu trữ bị hỏng thì chúng ta mới biết là có vấn đề, và thường khi đó đã quá muộn.

Nói tóm lại, có vài lý do phổ biến gây ra hư hỏng dữ liệu như sau:
  • Mất điện đột ngột hoặc các vấn đề khác liên quan đến điện năng
  • Shutdown máy tính không đúng quy trình, shutdown đột ngột (do mất điện hoặc nhấn giữ nút nguồn để tắt máy)
  • Lỗi phần cứng: HDD/SSD bị hư hỏng, bad sector, RAM hỏng và những thứ tương tự như thế
  • Rút ổ cứng và các thiết bị lưu trữ nói chung mà không ngắt nguồn của chúng hoặc khi việc chuyển tải dữ liệu chưa kết thúc
  • Virus, phần mềm mã độc và những tác nhân liên quan đến phần mềm.
Vậy là chúng ta đã biết về sơ lược nguyên nhân gây ra data corruption, vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng đó xảy ra?

Một số giải pháp

Có kế hoạch sao lưu thường xuyên

Đây là giải pháp tương đối dễ áp dụng và cũng khá an toàn. Khi bạn sao lưu dữ liệu của bạn, nếu dữ liệu trên máy tính bị hỏng thì ít ra chúng ta cũng còn dữ liệu chứa trong ổ rồi để phục hồi lại. Ngoài việc sử dụng các biện phép sao chép truyền thống, bạn có thể xài thêm những phần mềm hỗ trợ backup để quá trình sao lưu có thể diễn ra tự động, đỡ mất công chúng ta ngồi làm tay, ví dụ như File History có sẵn trong Windows 8, Time Machine trong OS X, hoặc vài app bên thứ ba như AOMEI Backupper. Nếu bạn có mua HDD/SSD rời, hãy lục tìm trong ổ cứng xem, thường nhà sản xuất hay tặng kèm phần mềm sao lưu tự động cho chúng ta đấy.

File_HIstory.

Một giải pháp nữa để sao lưu dữ liệu, và cũng khá an toàn, đó là đưa dữ liệu lên "mây" thông qua những dịch vụ như Dropbox, Box, OneDrive, Google Drive... Hiện tại mình đang xài Dropbox để lưu tất cả mọi tài liệu quan trọng, và nhờ tính năng tự động đồng bộ của nó mà file có thể vừa hiện diện trên máy tính của mình y như bình thường và vừa được sao lưu lên mây (các dịch vụ khác cũng có tính năng tương tự, không phải lo). Nếu ổ cứng bị bad sector (và đã bị rồi), mình chỉ việc lên Dropbox tải tập tin đó về là xong.

Xin nhắc lại: ĐỪNG LƯỜI SAO LƯU! Dữ liệu là vô giá. Hệ điều hành có thể cài lại được, game, ứng dụng có thể cài lại được, nhưng những tấm ảnh chụp gia đình, tài liệu làm việc, hồ sơ bản thân, giấy chứng nhận các loại... là vô giá, bạn sẽ không cách nào có lại chúng một khi đã mất đâu nhé.

Kiểm tra tình trạng ổ cứng

Bạn có thể kiểm tra sức khỏe ổ cứng của mình bằng cách đọc dữ liệu S.M.A.R.T. (Self-Monitoring, Analysis and Reporting Technology) của HDD. Chúng ta có rất nhiều phần mềm có thể làm được chuyện này, ví dụ như HD Tune. Bạn chỉ cần phiên bản miễn phí của app này thôi là đã có thể đọc được dữ liệu S.M.A.R.T rồi. Những phần mềm khác bạn có thể tham khảo qua đó là HDDScan và Crystal Disk Info.

Vậy thông tin nào chúng ta cần lưu ý? Theo một nghiên cứu của Google thì thứ mà bạn cần theo dõi đó là các thông số về scan/read/write error (lỗi khi scan), reallocation (số ô được tái phân bổ dữ liệu khi phát hiện bad sector) và những thông tin về bad sector. Các thiết bị lưu trữ có những thông số này ở mức cao thường dễ xảy ra lỗi hơn. Bạn có thể tham khảo chi tiết các thông tin được cung cấp bởi S.M.A.R.T tại đây: http://en.wikipedia.org/wiki/S.M.A.R.T. (lưu ý: trong bảng mô tả, các dòng tô màu đỏ là thông tin có thể chỉ ra những lỗi liên đến cơ-điện tử)

HD_Tune.
Một cách đơn giản hơn đó là bạn có thể dùng công cụ quét và sửa lỗi có sẵn trong Windows. Để chạy nó lên, bạn vào My Computer (hoặc This Computer với Windows 8), nhấp phải chuột vào ổ đĩa cần quét, chọn Properties > thẻ Tools > Error-checking > Check Now. Nếu phát hiện có vấn đề xảy ra và Windows có thể sửa được thì nó sẽ giúp bạn. Trong những trường hợp HDD không thể đọc ghi dữ liệu, hoặc bút nhớ USB đột nhiên mất định dạng thì tính năng Error-checking sẽ giúp mọi thứ trở lại bình thường. Chính nó cũng đã từng cứu mình nhiều bàn thua trông thấy.

Phòng chống virus

Vấn đề này nói hoài nói mãi cũng chán, nhưng nỗi "đau thương" do virus hay malware để lại thì chưa bao giờ là nhỏ. Những phần mềm độc hại có khả năng thay đổi cấu trúc tập tin chính là những phần mềm nguy hiểm nhất, nguy hiểm hơn cả những thứ có thể làm hệ thống bị treo hay khởi động lại liên tục, bởi khi đó bạn đang mất đi dữ liệu của mình. Với người dùng những hệ điều hành hiện đại như Windows 8, OS X 10.9 thì vấn đề này không phải là một chuyện quá lớn bởi các hãng đã tích hợp nhiều công cụ phòng chống mã độc, nhưng nếu có thể, bạn hãy cân nhắc đến việc sử dụng một phần mềm chống virus nào đó.

Kaspersky-Anti-Virus.

Những bộ app anti virus miễn phí cũng xuất hiện khá nhiều, nhưng hiệu năng thì thường app trả phí sẽ tốt hơn trong việc tìm và phát hiện các nguy cơ bảo mật. Hiện nay giá bản quyền cho các phần mềm antivirus ở Việt Nam không đắt, chỉ tầm 300.000 đồng cho một năm sử dụng mà thôi, nên việc mua bản quyền xài cũng đã dễ chịu hơn vài năm trước rất nhiều.

Sử dụng UPS và ổn áp với máy tính để bàn

Như đã nói ở trên, nguồn điện không ổn định hoặc tình trạng mất điện đột ngột có thể là nguyên nhân dẫn đến data corruption. Chính vì thế, nếu bạn đang sử dụng máy tính để bàn, đừng tiếc tiền sắm một cái ổn áp và một cái UPS cho nó. Ổn áp giúp điều hòa dòng điện đi từ ổ cắm trên tường vào hệ thống, còn UPS thì giúp máy chúng ta không tắt đột ngột khi bị cúp điện (mà các bạn cũng biết đó, việc cúp điện ở Việt Nam chúng ta là thường xuyên và không báo trước). Hai thứ này bạn có thể dễ dàng tìm mua tại các tiệm bán đồ điện gia dụng và tiệm bán linh kiện máy tính.

Nâng cấp phần cứng

Giải pháp này thì không khuyến khích áp dụng vì chi phí khá cao, nếu túi tiền rủng rỉnh thì bạn hãy nghĩ đến chuyện đó. Thứ mà mình muốn đề xuất ở đây đó là sử dụng RAM ECC, tức là loại RAM có khả năng phát hiện và thậm chí là tự sửa chữa các lỗi do xung đột từ bên ngoài. Tuy nhiên, để xài được tính năng ECC thì chúng ta sẽ phải mua mainboard có khả năng tương thích, và thường giá bán của chúng không rẻ tí nào.

Bạn cũng có thể cân nhắc chỉ nâng cấp ổ HDD hoặc SSD mà thôi, tức là chuyển từ ổ bình thường sang ổ dùng cho các doanh nghiệp. Những loại ổ này được đánh giá là bền hơn, các linh kiện cấu tạo bên trong cũng được sản xuất ở tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn nhằm đáp ứng nhu cầu nghiêm ngặt của các công ty, tổ chức. Tuy nhiên, dù là ở cấp doanh nghiệp đi nữa thì data corruption vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, có điều xác suất sẽ thấp hơn.

Kết

Dữ liệu hỏng là chuyện khó mà tránh được hoàn toàn. Câu hỏi không phải là liệu nó có xảy ra hay không, mà là khi nào thì nó xảy ra, và bạn sẽ làm gì trong trường hợp đó. Tất cả những giải pháp mình đề xuất bên trên đều có tác dụng giảm thiểu tác hại của data corruption đến mức thấp nhất có thể chứ không cách gì loại bỏ được hết những nguy cơ cả. Hi vọng chúng sẽ giúp bạn giảm được các tổn thất liên quan đến dữ liệu hỏng, và nếu bạn có biết thêm biện pháp gì nữa thì hãy chia sẻ với mọi người nhé.

Tham khảo: MakeUseOf, Wikipedia, XLab

[Infographic] Thống kê về ngành công nghiệp game

header.

Cho đến nay, ngành công nghiệp giải trí đã phát triển vô cùng phong phú và mạnh mẽ. Bên cạnh âm nhạc, phim ảnh, game cũng trở thành thú vui tiêu khiển được đông đảo người dân trên thế giới đón nhận, đặc biệt cùng với sự phát triển của máy tính là mạng kết nối toàn cầu.

Ngành công nghiệp game đem lại doanh thu khổng lồ hàng năm, đang là miếng mồi béo bở cho các nhà đầu tư, là ngành vô cùng tiềm năng trong tương lai. Infographic dưới đây tổng hợp những thống kê và sự kiện về ngành công nghiệp game trên toàn thế giới gần đây.

Thong ke su kien ve game.

Nguồn: performancepsu

Dùng máy bay điều khiển từ xa để xác định vị trí nạn nhân dựa trên tín hiệu phát ra từ điện thoại

drone-phone-location.

Ngày nay, điện thoại di động là vật bất ly thân trong cuộc sống của mỗi người. Do đó, nhóm các nghiên cứu sinh tại Phòng thí nghiệm thông tin liên lạc di động trực thuộc Đại học bách khoa liên bang Lausanne (EPFL) đã khởi động dự án sử dụng máy bay điều khiển từ xa nhằm hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra các thảm họa thiên nhiên bằng cách định vị tín hiệu phát ra từ điện thoại di động của nạn nhân.

Trên mặt lý thuyết, khi kết nối WiFi của một chiếc điện thoại di động được bật lên, thiết bị sẽ liên tục phát ra các gói dữ liệu trong những khoảng thời gian cách đều nhau. Mức độ mạnh hay yếu của tín hiệu có sự khác nhau tùy thuộc vào điều kiện địa hình xung quanh, tình hình thời tiết, các vật cản hoặc nếu điện thoại bị chôn vùi dưới đống đổ nát do động đất, sóng thần,... gây ra.

Thông thường nếu chỉ đứng tại một vị trí sẽ không thể tính toán được vị trí chính xác của điện thoại di động khi bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau nói trên. Tuy nhiên, chúng ta có thể tính toán vị trí gần đúng của một chiếc điện thoại bằng cách thu lại các tín hiệu do nó phát ra từ nhiều điểm khác nhau. Và phương án khả thi nhất để thu tín hiệu từ nhiều vị trí một cách nhanh chóng là sử dụng máy bay điều khiển từ xa.

drone-phone-location-1.

Bằng cách sử dụng ăng ten thu sóng WiFi và bay liệng nhiều vị trí khác nhau trên bầu trời, chiếc máy bay có thể tính toán được vị trí của nguồn phát tín hiệu (điện thoại) một cách khá nhanh chính và chính xác. Qua đó, đội ngũ cứu hộ có thêm hy vọng sẽ tìm được vị trí của nạn nhân thông qua chiếc điện thoại di động của họ. Hệ thống dò tìm cũng bao gồm một giao diện người dùng trung tâm cho phép những người dưới mặt đất có thể theo dõi hoạt động của máy bay theo thời gian thực. Theo đó, chiếc điện thoại sẽ được biểu thị bằng một dấu chấm trên màn hình máy tính và máy bay sẽ bay xung quanh vị trí dự đoán với bán kính ngày càng thu hẹp dần.

Cheseaux, một trong những sinh viên trong dự án EPFL cho biết hệ thống có khả năng tính toán và tự động loại bỏ các tín hiệu yếu nhằm cải thiện độ chính xác trong quá trình dò tìm. Trong một thử nghiệm, nhóm đã dùng chiếc máy bay để xác định vị trí của một chiếc điện thoại trong khuôn viên truờng EPFL với độ chính xác khá cao.

Theo Cheseaux: "Trong cuộc thử nghiệm có kết quả khả quan nhất, chúng tôi đã xác định vị trí của một chiếc điện thoại di động với sai lệch chưa tới 10 mét. Nếu được ứng dụng thực tiễn, ăng ten WiFi có thể được thay thế bởi hệ thống dò tìm nạn nhân kiểu thác đổ (DVA) nhằm nâng cao độ chính xác, tốc độ truy tìm và chi phí thực hiện."

Đoạn video mô tả một thí nghiệm do nhóm nghiên cứu thực hiện.

Theo EPFL

Facebook Mentions: app dành cho người nổi tiếng để xem người ta nói gì về mình

IntroducingMentions_2.
Facebook vừa tung ra một app mới trên iOS có tên là Facebook Mentions dành riêng cho những nhân vật nổi tiếng ví dụ như ca sĩ, nhạc sĩ, vận động viên và diễn viên tại Mỹ... Ứng dụng này hay hơn app Facebook thường ở chỗ nó có thêm một cái tab Mentions dùng để theo dõi tất cả những status và hình ảnh của người khác đang nói về họ (thông qua tag). Ngoài ra, app còn cho phép tạo ra các cuộc trò chuyện dạng hỏi đáp (Q&A) để giao tiếp tốt hơn với các fan hâm mộ và phóng viên.

Nói một cách đơn giản thì đây là app dùng để theo dõi xem thế giới đang nói gì hay nghĩ gì về mình, một người nổi tiếng, thông qua mạng xã hội Facebook. Các chức năng còn lại như đăng status, up ảnh, thông báo... đều được giữ nguyên không khác gì app Facebook thường.

Tất nhiên, để xài được nó thì bạn phải là một người nổi tiếng, có Page riêng và được Facebook xác nhận, ví dụ như trang của Tổng thống Mỹ Barack Obama, bên cạnh phải tên ông có thêm một biểu tượng hình chữ "v" màu xanh. Nếu bạn nổi tiếng nhưng chưa được Facebook xác nhận (chưa có biểu tượng chữ "v") thì cũng chưa thể sử dụng nó được.

Ứng dụng này chỉ mới dành cho người nổi tiếng tại Mỹ, yêu cầu có tài khoản iTunes của Mỹ để tải nhưng Facebook cũng cho biết trong vài tháng nữa họ sẽ phát hành rộng rãi sang các quốc gia khác.

Tải Facebook Mentions tại đây: https://itunes.apple.com/app/id894913642#925

IntroducingMentions_1.

IntroducingMentions_3.
Chức năng tạo cuộc hội thoại dạng Q&A để giao tiếp với fan hâm mộ

IntroducingMentions_4.
Theo dõi các chủ đề nóng của thế giới và những người nổi tiếng khác

IntroducingMentions_5.

Chân dung một nhiếp ảnh gia - Valerie Millett

Southwest-Adventure-Part-2-033-Edit-Edit-2.

Tuổi thanh niên của tôi ngập tràn trong nghệ thuật. Cha mẹ tôi đều là họa sĩ và chị em tôi người thì chuyên làm hoạt hình cho kênh Cartoon Network, người thì là họa sĩ người thì nhà văn. Từ sớm, nỗ lực hội họa đã giúp tôi dành được một suất học bổng Mỹ thuật từ trường Fullerton College miền Nam California và tôi đã may mắn được dìu dắt bởi các giảng viên mỹ thuật tài năng trong những năm đầu của cuộc đời nghệ thuật.

Beaver-Creek-Red-Rock-Fall-2012-015-2-Edit-Edit-2.

Và rồi tôi chuyển tới Arizona và hoàn toàn phải lòng phong cảnh sa mạc nơi đây. Tôi trở thành một người cuồng leo núi, đeo ba lô và bắt đầu khám phá những đường mòn mà tôi có thể bước. Blog tranh màu nước của tôi bắt đầu ghi nhận những chặng đi bộ đường dài và cắm trại và độc giả của tôi ngày càng gia tăng. Tôi mang theo một chiếc máy ảnh ngắm và chụp để ghi lại những chặng đi nhưng rồi cảm thấy tôi chụp rất là thường. Trong quá trình mò mẫm, tôi đã tìm đến tờ báo Arizona Highways Magazine như một ấn phẩm giúp tìm kiếm vị trí leo núi cũng như về nhiếp ảnh. Và rồi tôi bắt đầu được truyền cảm hứng bởi các nhiếp ảnh gia Jack Dykinga, Gary Ladd, Derek von Briesen cũng như nhiều người khác đã chụp ảnh ở khu vực Tây Nam.

_MG_8629-Edit-Edit-Edit-1.

Nhiều lúc tôi đã từng thấy thất vọng khi không thể nào ghi lại được những cảnh quan tuyệt đẹp mà tôi đã nhìn thấy. Tôi bắt đầu công cuộc cải thiện hình ảnh chụp để làm sao mô tả cho đúng được sự thanh tao như những gì mình cảm nhận. Tôi quăng chiếc máy nhỏ đi, mua một chiếc DSLR nhưng mà chiếc này làm tôi khiếp tới mức cứ phải để nó trong hộp mất gần một năm. Và rồi máy ảnh và tôi đã trở thành bạn bè cũng như một số các nhiếp ảnh gia khác từ Arizona Highways Magazine. Tôi thực sự gửi gắm sự thiện cảm của mình tới những người đã dìu dắt và tạo cảm hứng cho tôi.

_MG_8730-Edit-Edit-Edit-Edit-2.

Và khi tôi đã khống chế được chiếc máy ảnh để có thể tạo ra những hình ảnh mô tả được những cảnh tuyệt vời mà tôi đã kinh qua, thì tôi đã mến yêu nhiếp ảnh như một hình thức nghệ thuật mới thể hiện cá nhân. Trước tới giờ tôi chưa từng trải nghiệm một bộ môn nghệ thuật nào tức thì như vậy. Trong khi tôi phải mất vài tuần thậm chí vài tháng để sáng tác và hoàn chỉnh một bức tranh thì nhiếp ảnh có thể làm cho tôi hài lòng ngay lập tức. Tôi muốn biết tất cả mọi thứ về nhiếp ảnh. Tôi bắt đầu đọc và nghiên cứu tất cả mọi thứ tôi có thể về kỹ thuật, đo sáng, ánh sáng, lấy nét và hậu kỳ.

_MG_9037-Edit-1.

Sau rốt thì tôi cũng đã nâng cấp lên một chiếc máy ảnh DSLR chuyên nghiệp fullframe cùng ống và filter pro vào năm 2012. Quan trọng hơn, đó là tôi siêng năng nghiên cứu các tác phẩm của nhiếp ảnh gia khác. Thậm chí cho đến giờ, tôi bắt đầu mỗi buổi sáng bằng cách xem hàng trăm hình đẹp và cảm hứng bởi những nhiếp ảnh gia khác. Tôi thự sự xúc động và được truyền cảm bởi những câu chuyện, những chuyến đi của những nhiếp ảnh gia trường phải bảo tồn Jack Dykinga, Paul Nicklen, Michael North, Art Wolfe, Christina Mittermeier, Florian Schulz và Nick Brandt.

_MG_8709-Edit-2-Edit-5.

_MG_8750-Edit-Edit-3.

Mặc dù chúng tôi thuộc nhóm thiểu số trong thế giới nhiếp ảnh gia phong cảnh, thì tôi vẫn tin rằng những nhiếp ảnh gia nữ đã và đang mang đến cho môn nghệ thuật này một cái nhìn độc đáo và tình cảm. Những người phụ nữ đã đi, đã chụp và đã mô tả lại cảnh quan, đã truyền cảm hứng cho tôi là Elizabeth Carmel, Helminadia Ranford, Jennifer Wu, Cindy Jeannon, Hillary Younger, Jessy Eykendorp, Beate Dalbec và rất nhiều người nữa mà tôi không kể được hết tên.

_MG_9006-2-Edit-Edit-Edit-1.

Hơn bao giờ hết, tôi nhận ra tầm quan trọng và tầm ảnh hưởng mà nền tảng nghệ thuật trước đây mang lại. Khi mà hình ảnh của tôi trở nên tinh tế hơn và có cái tôi hơn, thì tôi lại thấy cái tôi họa sĩ nổi lên và thấy giai đoạn phát triển này thật hứng khởi. Tôi cố gắng kiến tạo những hình ảnh sạch mang tính hội họa với dòng chảy và họa tiết. Tôi luôn tìm kiếm ánh sáng hoàn hảo phủ lên nó với tông màu lạnh. Luôn luôn trong tiềm thức của tôi là sự pha trộn tông ấm và lạnh của họa sĩ màu nước John Singer Sargent mà tôi học được ở trường; là tình yêu của Vincent van Gogh với những đường nét, hoạt tiết và bầu trời vần vũ mà tôi nhận ra ngay trong tác phẩm của mình, là Georgie O'Keeffe mà tôi cảm nhận được trong bức ảnh sa mạc trừu tượng.

Colorado-Fall-2012-064-Edit-2-1.

Tôi thường nói với mọi người rằng tôi chỉ là một họa sĩ đi dạo loanh quanh với một chiếc máy ảnh và một con chó theo sau nhưng sự thật là tôi rất tự hào là một nhiếp ảnh gia. Khi chèo đèo lội suối, khám phá những vùng đất phong phú tuyệt vời xung quanh tôi, tôi nhìn thấy ánh sáng và màu sắc, tôi nhìn thấy đường nét và kết cấu và tôi cố gắng đưa tất cả vào thành một bố cục thú vị.

_MG_9008-Edit-Edit.

Mục tiêu của tôi trong nhiếp ảnh không có gì thay đổi nữa, đơn giản là tác phẩm hoàn tất. Đó là một quá trình học tập liên tục để tạo ra hình ảnh chất lượng tốt nhất, chuyển tải sự rung động và tôn trọng của riêng mình. Một cái gì đó mà tôi có thể cảm nhận là nghệ thuật. Tôi chưa bao giờ thấy mình phải cạnh tranh với các nhiếp ảnh gia khác. Tôi chỉ phải cạnh tranh với các hình ảnh đẹp nhất của tôi, tìm cách để cải thiện hơn giúp mang lại nghĩa và thông điệp cho từng bức ảnh.

_MG_8771-Edit-1.

_MG_0129-Edit_pp-Edit-Edit-Edit-2.
Các bạn có thể xem thêm những hình ảnh đẹp có độ phân giải cao hơn ở trang blog của nhiếp ảnh gia này: http://valmillett.blogspot.com/

Việc hợp tác với IBM là giải pháp đơn giản để Apple bán được nhiều iPad, iPhone hơn

apple-ibm.

AppleIBM hiện đã trở thành đối tác của nhau. Trước đây hai hãng này từng đứng ở "hai bờ chiến tuyến" trên thị trường máy tính cá nhân, còn bây giờ họ đang bắt tay với hi vọng có thể thay đổi thế giới IT của các doanh nghiệp. Nhờ vào sức mạnh của riêng mình, một bên sẽ cung cấp iPhone, iPad và dịch vụ hỗ trợ khách hàng xuất sắc, bên còn lại thì giúp tạo ra những ứng dụng phục vụ cho mục đích kinh doanh, quản lý thiết bị, bảo mật và dịch vụ phân tích dữ liệu. Thỏa thuận giữa Apple và IBM chính là một đòn giáng mạnh vào BlackBerry vốn đã và đang được tin dùng rộng rãi trong thế giới doanh nghiệp, đồng thời gieo rắc nỗi sợ hãi vào những công ty lớn khác như Samsung, Google và Microsoft.

Tuy nhiên, thứ đáng sợ nhất của sự hợp tác này nằm ở sự đơn giản và rõ ràng. Từ trước đến nay mảng doanh nghiệp được coi là rất phức tạp và khó khăn, và nó cũng không phải là thế mạnh của Apple từ trước đến nay so với những công ty lớn khác như Microsoft, Dell, HP, Lenovo.

Apple không phải là một công ty gặp quá nhiều rắc rối. CEO Tim Cook thường xuyên nói rằng công ty của ông có thể tạo ra doanh thu và lợi nhuận khổng lồ theo từng ngày, nhưng ông cũng không giấu diếm sự tăng trưởng ngày càng chậm lại của Apple trong bối cảnh thị trường smartphone và tablet đang dần trưởng thành hơn. Xu hướng đó thể hiện rõ trong mức sụt giảm doanh số 16% của iPad trong quý vừa rồi, điều này cho thấy Apple cần phải tìm một nguồn thu mới và một lượng khách hàng mới nhằm đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư luôn muốn có nhiều lợi nhuận hơn.


Một trong những nỗ lực đó chính là việc ra mắt iPhone 5C, phiên bản iPhone đầu tiên được thiết kế cho thị trường tầm trung. Thế nhưng đáng tiếc rằng Apple đã không thành công như mong đợi với 5C, và chính bản thân hãng đã thừa nhận chuyện này. iPad mini cũng là một nỗ lực khác để cạnh tranh lại những đối thủ tablet giá rẻ trên thị trường, nhưng sản phẩm này chủ yếu chỉ dành cho tầm trung cận cao cấp mà thôi.

Nói cách khác, Apple cần phải tìm ra một thị trường mới nào đó, nơi mà khách hàng có túi tiền rủng rỉnh và sẵn sàng chi ra một khoản khổng lồ. Đó cũng phải là những khách hàng sẵn lòng mua một số lượng lớn sản phẩm với logo Apple, miễn là chúng được việc. Và không ở đâu khác, thị trường doanh nghiệp chính là thứ mà Apple cần tìm.

ios-resources-hero.

Lý do để IBM tham gia vào thỏa thuận hợp tác này thì có lẽ dễ thấy hơn. IBM đã chia tay thị trường tiêu dùng từ rất lâu, kể từ khi hãng bán bộ phận sản xuất máy tính cá nhân cho Lenovo nhiều năm về trước. Giờ đây công ty đang dành toàn lực để cung cấp các phần cứng, phần mềm phục vụ cho các doanh nghiệp với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực. IBM có nhiều giải pháp để giúp các công ty, tổ chức lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, phân tích số liệu, ngoài ra hãng còn sở hữu những công cụ giúp đơn giản hóa việc phát triển phần mềm xuyên suốt nhiều hệ điều hành khác nhau.

Về mặt tài chính, IBM gần như không gặp phải vấn đề gì, tuy nhiên mảng phần cứng của công ty đã không còn được lợi nhuận cao như xưa và mới đây hãng đã phải bán nó cho Lenovo với giá 2,3 tỉ USD. Trong bối cảnh công ty đang dần tránh xa việc bán phần cứng, IBM vẫn cần phải nắm giữ vị trí hàng đầu cảu mình trong việc cung cấp dịch vụ và phần mềm cho doanh nghiệp. Vậy làm thế nào công ty có thể làm được chuyện đó khi mà không có bộ phận phần cứng thuộc quyền sở hữu của mình? Hợp tác với Apple chính là một ý hay.

Cả Apple và IBM đều tin rằng xu hướng phát triển của mảng điện toán doanh nghiệp trong tương lai chính là một bản sao của cách mà chúng ta đang sử dụng công nghệ: nhiều thiết bị di động được kết nối vào một dịch vụ đám mây nào đó, xoay xung quanh là nhiều dịch vụ hỗ trợ. Theo như lời CEO Satya Nadella của Microsoft thì di động và đám mây cũng chính là trọng tâm trong chiến lược của Microsoft, điều đó cho thấy rằng suy nghĩ của Apple và IBM là rất đúng đắn.

Cũng cần phải nói thêm rằng trong thông cáo báo chí dài hơn 600 chữ do IBM và Apple đưa ra, tuyệt nhiên không có chỗ nào nhắc đến OS X hay Mac, hai sản phẩm dành cho máy tính cá nhân của Apple. Trước đây có thể Apple và Microsoft ganh đua nhau từng tí một trong thị trường PC, cả ở mảng doanh nghiệp lẫn tiêu dùng, nhưng còn hiện tại thì Apple muốn dồn sức để đánh vào thị trường di động. Thật ra thì các bạn cũng có thể thấy được xu hướng chuyển từ PC sang thiết bị di động trong các doanh nghiệp và tổ chức một cách dễ dàng: ngày càng nhiều nhân viên xài tablet để thu thập thông tin, các sếp lớn đi họp cũng chỉ xách theo iPad, hay như người quản lý kho xài smartphone để quét mã vạch. Thời của PC đã qua rồi, và nếu Apple có định nhảy vào mảng thì hãy cũng khó mà bắt kịp Microsoft.

Hiện nay, trải nghiệm trên Windows cũng đang dần dần tiến đến những gì mà một thiết bị di động như iPad có thể cung cấp: laptop khởi động lên nhanh hơn, ngoài ra chúng còn được trang bị màn hình cảm ứng, thậm chí biến hình thành một chiếc tablet. Trong khi đó, iOS thì phải đối mặt với một thác thức hơi ngược lại: phát triển sao cho thân thiện với việc sử dụng trong môi trường doanh nghiệp. Chính vì thế, Apple phải cần đến chuyên môn cũng như danh tiếng đã lâu của IBM.

apps-at-work-hero.

Cái tên của IBM xuất hiện sẽ đánh tan những lời nói về việc iOS không hỗ trợ cho các mục đích kinh doanh của doanh nghiệp một khi sản phẩm của việc hợp tác này được chính thức ra mắt. Nếu như Microsoft cung cấp những giải pháp phức tạp và đa dạng cho khách hàng của mình thì Apple và IBM sẽ nhắm đến sự đơn giản. Apple và Microsoft cũng là hai cái tên có khả năng cao nhất trong việc thay thế cho BlackBerry trên thị trường doanh nghiệp.

Trong thời buổi ngày nay người ta cũng thường hay nhắc đến cụm từ BYOD - Bring Your Own Device. Với mô hình này, các công ty sẽ không cấp thiết bị cho nhân viên, thay vào đó nhân viên sẽ tự đem theo chiếc điện thoại, máy tính bảng ưa thích của mình đến công ty xài. Tất nhiên, để có thể truy cập vào mạng nội bộ hay những dữ liệu bảo mật đòi hỏi phải có một số thiết lập nhất định từ bộ phận IT của đơn vị, nhưng đó không phải là một chuyện quá khó khăn. Thứ mà chúng ta cần chú ý đó là số lượng người dùng iPhone, iPad hiện đang rất đông, chính vì thế khi họ mang thiết bị của mình vào công ty thì việc cấu hình máy có thể được diễn ra nhanh chóng hơn, trong khi công ty thì tiết kiệm được chi phí mua sắm, còn nhân vân thì rất vui vẻ vì được sử dụng đúng thứ mình thích cả cho mục đích cá nhân lẫn công việc.

Tất nhiên, sự hợp tác của Apple và IBM chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định mà chúng ta không thể không nhắc đến. Hiện nay 97% trong số các công ty thuộc top Fortune 500 có xài thiết bị iOS, tuy nhiên Tim Cook từng thừa nhận rằng mức độ thâm nhập thị trường còn thấp, nhất là với các sản phẩm di động. Đúng là có vài quan chức cấp cao của các tập đoàn lớn đang xài iPhone và iPad đấy, nhưng con số này không nhiều so với lượng nhân viên mà các tên tuổi nằm trong Fortune 500 hiện đang thuê. Số lượng công ty thật sự xài cả nghìn thiết bị Apple cho công việc chỉ đếm trên đầu ngón tay

Để giải quyết vấn đề này, Apple và IBM đưa ra giải pháp như sau: IBM sẽ sử dụng năng lực và hiểu biết của mình về các yêu cầu của doanh nghiệp, từ đó chỉnh sửa lại những ứng dụng chạy trên iOS. Tuy nhiên, thứ mà một doanh nghiệp sản xuất cần sẽ rất khác với thứ mà một ngân hàng cần, thứ mà cửa hàng bán lẻ A muốn quản lý cũng không giống với những thứ mà cửa hàng B cần theo dõi. Chính vì thế, những ứng dụng dạng này phải có tính tùy biến cao, thậm chí phải có nhiều phiên bản cho từng ngành nghề nữa kìa. Việc triển khai chúng vào thực tế cũng sẽ cần đến một đội ngũ nhân viên có kiến thức tốt, nếu không dự án sẽ rất dễ bị thất bại khiến khách hàng mất lòng tin vào Apple và IBM.

IBM_Cognos.
Ứng dụng IBM Cognos Mobile trên iOS, một phần mềm chuyên dùng để trình bày và phân tích số liệu

Apple biết cách viết ứng dụng iOS tốt hơn bất kì ai khác, họ đã xây dựng nên một phần cứng tốt, song song đó là hệ sinh thái phần mềm mang tính đồng nhất cao dành cho khách hàng. IBM thì chiếm lĩnh trong việc cung cấp dịch vụ, hệ thống phân tích và hỗ trợ việc ra quyết định trong kinh doanh. CEO Ginni Rometty của IBM thì mô tả hai công ty này giống như là tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực của riêng mình, thế nên khi kết hợp với nhau thì việc cho ra đời những sản phẩm tuyệt vời không phải là chuyện không thể tưởng tượng ra. "Chúng tôi không bị trùng với nhau, không cạnh tranh nhau, và mối quan hệ này hoàn toàn hỗ trợ cho nhau", Apple cho biết. Quả là một sự khác biệt rất lớn so với hồi 30 năm trước khi mà hai hãng còn đang đối đầu trực tiếp với nhau ở mảng PC.

Nhìn theo một vài khía cạnh thì những câu từ mà Apple và IBM nói nhân dịp cả hai bắt tay nhau hoàn toàn không phải là một thứ phóng đại. Một thiết bị cá nhân tuyệt vời hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm được tin dùng cho các doanh nghiệp. Apple hiện đã có được bệ phóng vững chắc để bắt đầu tiến vào các công ty, tổ chức một cách vững vàng. Với việc IBM đứng ra hỗ trợ và cùng nhau giải quyết những yếu điểm của mỗi bên, nhiều khả năng chúng ta sẽ được thấy những chiếc iPhone, iPad xuất hiện rộng rãi hơn trong các doanh nghiệp trong tương lai gần.

Nguồn: The Verge