Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Máy tính lượng tử là gì và con người đã phát triển công nghệ này đến đâu?

d-wave011.

Máy tính lượng tử hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong thế giới kỹ thuật số. Tuy nhiên, con người sẽ khai thác năng lượng từ cơ học lượng tử như thế nào? Đó còn là câu hỏi không chỉ dành cho các bạn mà còn là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu và hãng sản xuất máy tính. Vật thật sự thì máy tính lượng tử là gì và công nghệ này đã phát triển tới đâu? Bài viết này sẽ chia sẻ với các bạn một số thông tin nhằm trả lời cho các thắc mắc nói trên.

Điện toán lượng tử là gì?

Các hệ vật thể lượng tử có thể tồn tại tại nhiều trạng thái khác nhau cùng một lúc và được gọi là trạng thái chồng chập lẫn nhau. Ý tưởng máy tính lượng tử được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1980 bởi nhà toán học người Đức gốc Nga Yuri Manin bằng cách sử dụng các hiệu ứng chồng chập và vướng víu lượng tử để thực hiện các tính toán trên dữ liệu đưa vào.

Khác với máy tính kỹ thuật số dựa trên tranzitor đòi hỏi cần phải mã hóa dữ liệu thành các chữ số nhị phân, mỗi số được gán cho 1 trong 2 trạng thái nhất định là 0 hoặc 1, tính toán lượng tử sử dụng các bit lượng tử ở trong trạng thái chồng chập để tính toán. Điều này có nghĩa là 1 bit lượng tử (đơn vị cơ bản của thông tin trong điện toán, viết tắt là qubit) có thể có giá trị 0 và 1 ở cùng 1 thời điểm.

I13-11-qbit.

Việc đánh giá giá trị của qubit được thể hiện qua thí nghiệm đồng xu của David Deutsch và Richard Jozsa, hai nhà tiên phong trong lĩnh vực tính toán lượng tử. Thông thường, để xem hai mặt của một đồng xu ta phải lật nó lại. Như vậy là mất hai bước. Trong khi đó, Deutsch và Jozsa dùng tính toán lượng tử để cùng lúc xem cả hai mặt của một đồng xu (giả tưởng) sau khi nó được tung lên. Một qubit sẽ là sự kết hợp bình quân giữa mặt sấp và mặt ngửa.

Về mặt lý thuyết, một máy tính có nhiều qubit có khả năng xử lý một lượng tác vụ vô cùng lớn như tính toán số học hoặc thực hiện tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu cực lớn trong thời gian nhanh hơn nhiều so với các máy tính thông thường. Một máy tính lượng tử còn có thể giải quyết cực nhanh những vấn đề phức tạp mà các siêu máy tính hiện nay dù mất hàng triệu năm vẫn không tìm ra được lời giải đáp.

Thậm chí, một máy tính lượng tử có khả năng giải được các vấn đề phức tạp nhanh hơn so với máy tính cổ điển sử dụng thuật toán tốt nhất hiện nay, điển hình như thuật toán Shor để phân tích số tự nhiên thành số nguyên tố hoặc thuật toán Simon.

Đã có ai chế tạo ra máy tính lượng tử hay chưa?

D-Wave.

Trên thực tế, nhiều phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đã chế tạo ra các thiết bị có khả năng thực hiện các phép tính lượng tử trên một số nhỏ qubit. Tuy nhiên, thậm chí các nhà nghiên cứu đã mất một thời gian dài mà vẫn chưa tạo ra được các thiết bị mạnh tương đương máy tính bỏ túi. Thành công ấn tượng nhất là phân tích số 21 ra thành 2 thừa số là 7 và 3.

Và rồi vào năm 2007, công ty D-Wave tại Canada đã công bố chiếc máy tính lượng tử đầu tiên có khả năng thương mại hóa đầu tiên mang tên D-Wave One. Theo mô tả từ D-Wave thì đây là cỗ máy tính lượng tử sử dụng tiến trình "phép tôi luyện lượng tử" với hệ thống 128 qubits. Số qubit này phân thành 16 ngăn, mỗi ngăn 8 qbits và được tạo ra bởi các vòng siêu dẫn.

Tiếp theo, D-Wave cho ra đời phiên bản thứ 2 của máy tính lượng tử mang tên D-Wave 2. Đó là một chiếc hộp đen cao 3 mét, bên trong chứa con chip máy tính niobium được làm lạnh ở -273 độ C. Theo lý thuyết, D-Wave có khả năng giải quyết được những vấn đề mà các siêu máy tính phải mất vài thế kỷ mới làm được trên nhiều lĩnh vực, từ mật mã tới công nghệ nano, từ dược phẩm tới trí thông minh nhân tạo.

D-Wave có rất ít các khách hàng do tính rủi ro của dự án và cái giá quá đắt: từ 10 đến 15 triệu đô la. Chủ yếu chỉ có những tổ chức chính phủ, quốc phòng,... nhằm tiến hành thực nghiệm lẫn nghiên cứu lý thuyết. Theo báo cáo thì gần đây Google cũng đã bắt tay với NASA nhằm thực hiện nghiên cứu điện toán lượng tử bằng cỗ máy D-Wave.

Vậy D-Wave đã được sử dụng như thế nào?

Hãng D-Wave mô tả đó là một cỗ máy hoạt động theo phương pháp lượng tử và có thể thực hiện tính toán. Dù vậy, các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa tìm ra cách vận dụng cỗ máy D-Wave vào công tác thực tiễn nghiên cứu. Nhà khoa học Matthias Troyer tại Viện khoa học công nghệ Zurich, Thụy Sĩ cho biết: "Không ai biết D-Wave có thật sự là máy tính lượng tử? Đây thật sự là một dự án đầy rủi ro và có tính lý thuyết hơn là thực tế. Nếu có ai đó đưa ra một minh chứng rõ ràng, đó thật sự là một bước đột phá tuyệt vời."

Từ hồi đầu năm nay, Troyer đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu nhằm kiểm chứng cỗ máy D-Wave 2 tại tập đoàn công nghệ Google. Và kết quả cuối cùng khá đáng thất vọng là không hề có sự tăng tốc lượng tử diễn ra bên trong D-Wave 2. Bên cạnh đó, chưa có ai có thể sử dụng D-Wave để thực hiện tính toán cụ thể như các máy tính cổ điển. Để thực hiện điều này cần phải phát triển một thuật toán lượng tử đặc biệt với cấu trúc hoàn toàn khác so với phần mềm máy tính thông thường. Bên cạnh đó, các bài kiểm tra vẫn chưa chứng minh được ưu thế vượt trội của việc tăng tốc lượng tử so với các máy tính thông thường.

Do đó, cho tới hiện tại, cỗ máy trên chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu nhằm tiếp tục phát triển lý thuyết hơn là được sử dụng thực tiễn. Chưa có ai biết được thuyết tăng tốc lượng tử sẽ được dịch sang các hành động trong thế giới thực bằng cách nào. Hiện tại, cả phương diện thực nghiệm và nghiên cứu lý thuyết đều đã và đang được triển khai thực hiện bởi các tổ chức có sở hữu máy tính lượng tử.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm chứng máy tính D-Wave như thế nào?

d-wave012.

Các bài kiểm tra được đặt ra dựa trên ưu thế của máy tính lượng tử so với máy tính thông thường. Điển hình như là vấn đề phân tích độ cao thấp của cảnh quan có nhiều đồi núi. Theo cách phân tích của máy tính thông thường sẽ kiểm tra toàn bộ các ngọn núi, sau đó so sánh và chọn ra ngọn núi thấp nhất. Quá trình này sẽ mất thời gian khá lâu. Trong khi đó, máy tính lượng tử chọn một cách rất riêng được ví như là "tạo một đường hầm" nhằm tìm ra được ngọn núi thấp nhất và dĩ nhiên, quá trình thực hiện vô cùng nhanh chóng.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các thử nghiệm chưa đủ khó khăn để so sánh ưu thế vượt trội của máy tính lượng tử so với máy tính thông thường. Điều này đã tạo nên sự nghi ngờ rằng hoặc D-Wave chưa đủ điều kiện để trở thành máy tính lượng tử, hoặc con người chưa tạo ra được các bài kiểm tra nhằm "ép" D-Wave hoạt động hết công suất.

Vadim Smelyanskiy, nhà khoa học tại phòng thí nghiệm điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo của NASA cho biết: "Cỗ máy D-Wave vẫn chỉ là sử dụng nguồn lực truyền thống thay vì ứng dụng cơ học lượng tử để thực hiện tính toán." Từ trước đến nay, NASA đã hợp tác với Google nhằm thực hiện nghiên cứu ngay trên cỗ máy D-Wave. Phía hãng D-Wave tuyên bố rằng các thử nghiệm được đưa ra vẫn còn quá dễ dàng đối với cỗ máy của họ và cần phải có một bài kiểm tra nào đủ độ khó mới có thể chứng minh được sức mạnh của nó.

Vậy đã có giải pháp nào cho cuộc tranh cãi trên?

dn25760-1_1200.

Cho tới hiện tại, Smelyanskiy là nhà nghiên cứu cho dự án hợp tác nghiên cứu điện toán lượng tử do NASA và Google hợp tác thực hiện. Smelyanskiy cho biết rằng dự án vẫn chưa đạt được thành tựu đột phá và vẫn cần ít nhất là từ 15 đến 25 năm nữa để chứng minh cỗ máy trên thật sự "lượng tử". Ông chia sẻ rằng việc so sánh cũng tương tự như đi tìm sự khác nhau của máy tính cơ học do Charles Babbage chế tạo hồi thế kỷ 19 so với các máy tính mạnh mẽ ngày nay vậy.

Nói một cách đơn giản là phải thử sử dụng một thứ gì đó đòi hỏi sức mạnh xử lý vô cùng lớn và thực hiện trên cả 2 cỗ máy nhằm phân định khả năng của chúng. Tại thời điểm hiện tại, D-Wave vẫn là một cỗ máy mà chúng ta chưa biết được hết khả năng của nó. Nếu làm sáng tỏ được vấn đề này sẽ tạo ra được một kết quả hết sức ấn tượng. Đây có thể coi như một cuộc cách mạng thay đổi nền văn minh kỹ thuật số của nhân loại.

Vậy khi nào thì chúng ta mới có thể sở hữu máy tính lượng tử để phục vụ cho nhu cầu cá nhân?

Nhà nghiên cứu Smelyanskiy đã trả lời cho câu hỏi này rằng: "Cho dù máy tính lượng tử trong tương lai sẽ biến đổi như thế nào cũng đừng mong đợi sở hữu một sản phẩm cho riêng mình. Đây sẽ là một thiết bị chuyên dụng nhằm giải quyết các vấn đề vô cùng phức tạp và quan trọng của loài người hơn là thực hiện những việc giống như máy tính truyền thống, laptop hay iPhone. Máy tính lượng tử không phải là thứ đặt trên bàn làm việc ở mỗi gia đình trong tương lai."


Những điểm mới trong giao diện của Android L

tinhte_android l_00.
Android L thay đổi một cách toàn diện so với những phiên bản hệ điều hành trước đây, có thể nói là càng ngày càng đẹp hơn. Trong các bài viết trước chúng ta đã tìm hiểu về các tính năng của hệ điều hành mới này, thế nên ở bài viết này sẽ nói đến những thành phần trong giao diện mới. Một sự lột xác hoàn toàn với phong cách phẳng hơn, đơn giản và mượt mà hơn mà Google gọi là Material Design. Phong cách thiết kế mới được Google khuyến khích cả những bên phát hành phần mềm sử dụng hòng mong muốn tạo sự đồng nhất, để làm mẫu thì họ cũng đã thiết kế lại toàn bộ những phần mềm mặc định trên Android theo phong cách này.

Sự đồng nhất giữa thanh menu và topbar

tinhte_android l_01.
Trên Android L, Google đã đồng nhất không gian giữa thanh menu và topbar, giúp chúng liền lạc với nhau hơn. Màu sắc của thanh topbar sẽ thay đổi giống với thanh menu, tuỳ vào từng phần mềm mà màu sắc khác nhau. Các biểu tượng cũng được làm tròn hơn, mượt hơn. Việc thay đổi này thực tế thì đã xảy ra ở những chiếc điện thoại mới ra mắt gần đây, đại diện tiêu biểu là Samsung Galaxy S5, Zenfone hay LG G3. Như ví dụ dưới đây là giao diện trên LG G3 mới.

tinhte_android l_02.
Hệ thống icon mới - Toàn bộ icon hệ thống đã được làm mới, rõ ràng và thân thiện hơn.

tinhte_android l_03.

Bàn phím mới

Android L được trang bị một bàn phím mới, giao diện khác hẳn so với bàn phím mặc định hiện tại. Các khoảng trắng giữa các phím đã bị loại bỏ để tận dụng không gian tốt hơn, khá giống với bàn phím mặc định trên các điện thoại HTC. Câu hỏi là không biết có hỗ trợ tiếng Việt kiểu gõ Telex không, chứ hiện tại là không.

tinhte_android l_04.
Sự thay đổi ở menu ngữ cảnh - Có vẻ như mỗi khi bạn lựa chọn thì sẽ xuất hiện điểm nháy xanh trên màn hình, và sau đó thì xuất hiện menu lựa chọn. Các thành phần sử dụng màu sắc đơn giản, không phải tông màu đậm.

tinhte_android l_05.

Trình quản lý phần mềm mới - Như bạn có thể thấy dưới đây thì giao diện của phần quản lý phần mềm đã khác trước khá nhiều, đơn giản và trực quan hơn. Dễ dàng theo dõi mức độ sử dụng bộ nhớ của phần mềm.

tinhte_android l_06.

Phần mềm mặc định mới - Những phần mềm mặc định trong máy: My files - Gallery - Contacts - Messenger - Google Keep - Hangout được cập nhật giao diện theo phong cách mới. Nhìn chúng khá đẹp.

Gmail - Hình chụp dưới đây cho thấy sự xuất hiện của thanh menu mềm, trên đó có phím undo (có tác dụng ko gửi email nữa). Bên cạnh đó Gmail hỗ trợ việc trượt qua phải để xoá email.

tinhte_android l_11.

Nguồn: XDA

Câu chuyện về Sundar Pichai, người đàn ông có quyền lực cao nhất trong thế giới di động

Sundar_Pichai_Google_Android.

Sundar Pichai, tên đầy đủ là Pichai Sundararajan, hiện đang giữ chức phó chủ tịch cấp cao của Google chịu trách nhiệm quảng lý ba mảng Android, Chrome và Google Apps. Đây đều là những lĩnh vực kinh doanh cực kỳ quan trọng đối với Google và cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển của công ty trong thế giới công nghệ. Đặc biệt, với việc giám sát quá trình phát triển Android, hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, Pichai đã trở thành một người có quyền lực cao nhất hiện nay trong lĩnh vực mobile. Trong bài này, mời các bạn cùng xem quyền lực đó như thế này, Pichai là ai và làm thế nào ông đã đạt được thành công như ngày nay.

Quyền lực của Pichai


Tại triển lãm CES vào tháng Một vừa qua, Samsung đã giới thiệu một giao diện mới dùng cho các máy tính bảng của mình: Magazine UX. Đây là một giao diện mới lại mô phỏng lại cách dàn trang của một quyển tạp chí và người dùng có thể nhấn vào các video, bài báo cùng nhiều loại nội dung khác. Đây cũng là cách mà các nhà sản xuất thường làm, họ muốn thiết bị phải mang đặc trưng của riêng mình.

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra dễ dàng như vậy với Google. Magazine UX khiến các dịch vụ của Google bị chiềm đi so với những ứng dụng và giao diện của Samsung. Chưa hết, người dùng lẫn các lập trình viên phải học thêm một cách dùng mới đối với thiết bị do hãng điện tử Hàn Quốc sản xuất. Nói cách khác, Samsung đã đưa Google ra phía sau lưng mình. Chính vì thế, Sundar Pichai, trưởng bộ phận Android tại Google, phải ra tay giải quyết vấn đề.

NotePRO+3.

Pichai đã có một số cuộc họp với J.K. Shin, CEO của Samsung Mobile Communications, tại khách sạn Wynn ở Las Vegas, tại văn phòng của Google và sau đó là ở hội nghị MWC 2014 diễn ra một tháng sau đó. Pichai cho biết họ đã có một số cuộc nói chuyện "thẳng thắng" về Magazine UX, và sau đó, vết rạn nứt đã được nối lại. Samsung đồng ý giảm "quy mô" của Magazine UX trên các sản phẩm tương lai. Đôi bên còn tiến xa hơn khi mới đây, Google và Samsung đã cùng nhau công bố một thỏa thuận bản quyền chéo. Pichai cho biết: "Giờ đây chúng ta làm việc cùng nhau một cách chặt chẽ nhất từ trước đến nay để xây dựng trải nghiệm người dùng tốt".

Thanh tìm kiếm, Chrome và Android

Mười năm về trước, Pichai, một người có quê tại Ấn Độ, đang là quản lý một sản phẩm tại Google. Nhiệm vụ của ông đó là phát triển các tính năng liên quan đến hộp tìm kiếm nhỏ nhỏ nằm ở góc trên bên phải trình duyệt. Sau đó, ông thuyết phục sếp của mình tiến vào cuộc chiến trình duyệt với Chrome, và theo thời gian phần mềm này đã trở nên cực kì phổ biến, để rồi Google bắt đầu cho ra đời cả một hệ điều hành Chrome OS được xây dựng xung quanh Chrome.

Song song đó, Pichai cũng lãnh nhiệm vụ giám sát việc phát triển Gmail và Google Docs trong năm 2011. Tới năm 2013, CEO Larry Page giao cho Pichai quản lý mảng Android, và điều đó khiến ông trả thành người đàn ông có tiếng nói mạnh mẽ nhất thế giới trong thị trường di động. Pages nhận xét Pichai có "kiến thức kĩ thuật chuyên sâu, một con mắt sản phẩm tốt, và một đầu óc kinh doanh sáng suốt. Đây là một sự kết hợp hiếm thấy, và điều đó làm cho ông trở thành một người lãnh đạo tuyệt vời".

Đến thời điểm hiện tại Google không nói nhiều về lợi nhuận mà hãng thu được từ Android, thế nên các nhà phân tích trên khắp thế giới phải rất vất vả trong việc đưa ra các con số ước tính. Dù gì đi nữa thì hệ điều hành này cũng cực kì quan trọng với Google và nó có công lớn trong khoảng doanh thu 60 tỉ USD của hãng tính riêng trong năm 2013. Nó cũng đang chạy trên 1,2 tỉ thiết bị trên toàn thế giới, một con số khổng lồ và đáng mơ ước đối với bất kì nền tảng nào. Càng nhiều người xài Android, Google càng có nhiều tiền hơn.


Quản lý Android có thể là việc khó khăn nhất tại Google. Mỗi hãng sản xuất tham gia vào thế giới Android phải cân bằng lợi ích với Google. Phần mềm này lại là mã nguồn mở, thế nên ai ai cũng thế sử dụng các đoạn mã cho mục đích của riêng mình. Google phân phối Android miễn phí, bù lại các công ty sẽ chia sẻ lợi nhuận với Google và đặt các dịch vụ như Google Search, Maps lên hàng đầu.

Samsung không phải là công ty duy nhất có mối quan hệ phức tạp với Google. Những tên tuổi như Amazon và Nokia tùy biến lại Android nhiều đến mức khách hàng đôi khi còn không biết là họ đang xài Android. Chưa hết, giới lập trình viên cũng nhiều lần than phiền rằng họ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển cho một thế giới Android cực kì đa dạng với nhiều smartphone, tablet đủ kích cỡ, chủng loại.

CEO của Apple, Tim Cook, từng nói tại hội nghị WWDC 2014 rằng Android bị ảnh hưởng rất nhiều từ vấn đề bảo mật và phân mảnh, ngoài ra việc các hãng phần cứng cập nhật không kịp các bản Android mới cũng khiến trải nghiệm người dùng bị giảm sút. Phản hồi lại, Pichai cho biết: "Thật sự Apple phải thức tỉnh và nghĩ về thiết bị của họ, phần mềm của họ. Họ phải nghĩ về việc xây dựng một nền tảng và đưa càng nhiều người lên cuộc hành trình này càng tốt. Tôi tin rằng cuối cùng thì đây sẽ là một phương thức mạnh mẽ, và tất nhiên nó cũng sẽ rất căng thẳng".

Vài dòng về quá khứ của Pichai

Ông được sinh ra ở Chennai, một thành phố 4 triệu dân nằm ở khu vực phía nam Ấn Độ thuộc bang Tamil Nadu. Mẹ của ông là một người viết tốc kí trước khi có con, còn cha của Pichai là kĩ sư điện cho tổ hợp công nghiệp anh GEC, đồng thời quản lý một nhà máy sản xuất các linh kiện điện. Regunatha Pichai, cha của Sundar Pichai, chia sẻ: "Tôi từng về nhà và nói chuyện với nó khá nhiều về ngày làm việc của tôi và những khó khăn mà tôi phải đối mặt. Ngay cả ở tuổi nhỏ, Sundar đã tò mò về công việc của tôi. Tôi nghĩ nó đã bị thu hút bởi công nghệ.

Gia đình 4 người của ông sống trong một căn họ 2 phòng. Sundar và người em của mình phải ngủ trong phòng khác. Trong suốt tuổi thơ của mình, Pichai không có dịp sở hữu TV hay xe hơi. Để di chuyển, anh thường chọn bắt xe buýt đông đúc hoặc sử dụng chiếc scooter Lambretta màu xanh của gia đình. Chiếc xe này phải chở đến 4 người: ông Regunatha lái, Sundar đứng phía trước, còn mẹ và em thì ngồi ngoài sau.

Sundar có được chiếc điện thoại đầu tiên của mình vào năm ông 12 tuổi. Nó là một chiếc điện thoại quay số, và chính thiết bị này đã cho chàng trai trẻ tuổi thấy được sự tiện lợi của công nghệ. Cũng thông qua sản phẩm này, Sundar phát hiện ra rằng mình có thể nhớ mọi số liên lạc từng gọi. "Tôi không chắc rằng tài năng này là hữu ích". Thế nhưng, giờ đây nó đã thật sự giúp Sundar ở vai trò điều hành Google: ông là một trong số ít những người có thể nhớ rất nhiều số liệu. Alan Eustace, phó chủ tịch mảng kĩ thuật, nhớ lại rằng trong một buổi họp gần đây về sự gia tăng của các lượt tìm kiếm bằng giọng nói, Sundar đã khiến mọi người ngạc nhiên. "Đó là lĩnh vực của tôi", Eustace cho biết, "và anh ấy biết những con số mà tôi chẳng biết".

Pichai học giỏi ở trường và được nhận vào Học viện Công nghệ Ấn Độ để theo đuổi tấm bằng kĩ sư. Sau khi tốt nghiệp, ông giành được học bổng ở Đại học Standford để học khoa học vật liệu và vật lý bán dẫn. Thế nhưng để bay sang Mỹ học cũng là cả một sự cố gắng vượt bậc. Cha của Pichai đã cố gắng vay mượn tiền để trả cho vé máy bay cũng như các chi phí khác. Khi mượn tiền không kịp, ông phải rút 1000$ từ tài khoản tiết kiệm của gia đình, và con số này cao hơn cả lương mỗi năm của ông. "Cha và mẹ tốt đã làm giống như nhiều bậc phụ huynh khác vào lúc đó. Họ sẵn sàng hi sinh rất nhiều thứ trong cuộc sống và sử dụng một khoảng lớn tiền tiết kiệm nhằm đảm bảo rằng con cái họ được giáo dục".

feat_Pichai27__07__630.
Pichai và vợ tại New York năm 2002

Pichai còn dự tính sẽ lấy một tấm bằng tiến sĩ ở Standford và theo đuổi con đường học thuật, thế nhưng ông đã làm cho cha mẹ mình hoảng sợ khi quyết định dừng học để đi làm kĩ sư và quản lý sản phẩm cho Applied Materials, một công ty bán dẫn tại khu vực Thung lũng Silicon. Sau khi có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường kinh doanh Wharton hồi năm 2002 song song với việc làm tư vấn viên cho McKinsey, Pichai về với Googleplex vào ngày 1/4/2004. Đúng hôm đó, Google đã triển khai Gmail, một dịch vụ email nền web miễn phí. Pichai cho biết rằng lúc đó ông vẫn tưởng rằng đây là một trong số những trò đùa của Google nhân ngày Cá tháng Tư.

Làm việc tại Google

Pichai tham gia một nhóm nhỏ làm việc với thanh công cụ tìm kiếm của Google. Nó được phát triển dành cho người dùng Internet Explorer và Firefox, hai trình duyệt phổ biến nhất thời bấy giờ. Ông đề xuất rằng Google nên tự mình làm trình duyệt và có được sự ủng hộ từ hai đồng sáng lập công ty, tuy nhiên lại gặp phải chướng ngại là CEO đương thời Eric Schmidt. Schmidt nghĩ rằng việc nhảy vào cuộc chiến này là một sự phân tâm mà Google sẽ phải trả giá đắt. Thế nhưng cuối cùng Chrome cũng đã chứng minh được rằng phần mềm này rất nhanh và dễ dùng, đồng thời giúp người truy cập trực tiếp vào bộ máy tìm kiếm của Google để rồi dẫn đến doanh thu cao hơn cho tập đoàn. Chrome hiện đang nắm thị phần 32% trên điện thoại và PC, dẫn trước Internet Explorer, Firefox và Safari, theo số liệu từ Adobe.

Ngay cả tham vọng của Pichai trong việc xây dựng hệ điều hành đám mây Chrome OS cũng cho thấy nhiều điều hứa hẹn mặc cho thị trường PC đang vô cùng ảm đạm. Chromebook dẫn dắt người dùng tiếp cận với Internet một cách tích cực, kể cả việc lưu dữ liệu. Khi Chrome OS được công bố lần đầu tiên vào năm 2011, một hệ điều hành dựa hoàn toàn vào đám mây như thế này đã bị nhiều người chê bai, thế nhưng trong năm ngoái gần 21% laptop được bán ra tại Mỹ là Chromebook. Nói cách khác, Pichai đã thiết lập nên một nhóm vững mạnh trong Google có khả năng liên kết với nhiều đối tác phần cứng lẫn phần mềm. Những kĩ năng quản lý trong quá trình này cũng giúp Pichai nhiều trong việc quản lý Android.

Chiếc điện thoại Android đầu tiên ra mắt năm 2008, hơn 1 năm sau khi iPhone xuất hiện. Nó là chiếc T-Mobile G1, được sản xuất bởi HTC và chỉ chạy trên mạng T-Mobile của Mỹ. Nó có màn hình trượt ngang và một bàn phím QWERTY vật lý nhằm cạnh tranh được không chỉ với iPhone mà còn với BlackBerry. Chỉ 3 năm sau, Android đã có một bộ mặt khác hẳn, giao diện hiện đại hơn, thiết bị đa dạng hơn và thị phần thì tăng nhanh.

Khi nói về mối quan hệ giữa mình với cha đẻ của Android, ông Andy Rubin, Pichai cho biết: "Thậm chí chẳng có riêng tư. Chúng tôi có một tình bạn tốt, nhưng chúng tôi không quá thân thiết. Andy giữ riêng cho mình những suy nghĩ về mọi vật xung quanh. Theo ý của tôi thì ở mức cơ bản nhất, đây là cách mà ảnh ấy làm việc. Andy có một kết hoạch và một chiến lượng, thế nhưng nó luôn nằm trong đầu của anh ta".

ios-android.

Năm 2013, Android đã thắng lên trên thị trường smartphone nhưng lại thất bại ở các lĩnh vực mới hơn. iPad của Apple thống trị mảng máy tính bảng, Google TV thì không được ưa chuộng. Thế nên đầu năm ngoái, CEO Larry Page nói với Rubin rằng ông cần tích hợp Android với phần còn lại của Google. Rubin lúc đầu đồng ý, nhưng sau đó đổi ý và cho biết rằng ông không thể làm được điều đó. Ông từ chức khỏi vị trí giám sát toàn bộ mảng Android, tuy nhiên Rubin vẫn còn ở lại Google để làm việc với những dự án robot bí mật. Một nguồn tin nội bộ từng tiết lộ rằng việc kí đơn từ chức của Rubin là quyết định khó khăn nhất mà Page phải đưa ra kể từ khi ông nhận lại chức CEO ba năm trước. Page sau đó đã trao quyền hành về Android lại chi Pichai.

Pichai nhớ lại nhiệm vụ đầu tiên của ông đó là không làm tổn hại đến hệ điều hành này. "Tôi đã lo lắng về việc làm gián đoạn công việc của mọi người". Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Pichai đã nhanh chóng mở cánh cửa giữa Android với các sản phẩm Google khác. Ông thúc đẩy sự phát triển của Google Now, tính năng thông minh giúp hiển thị tính năng tùy theo ngữ cảnh. Rubin đã giới thiệu nó, còn Pichai đã tạo nên sự thống nhất giữa Now với các dịch vụ khác mà Google cung cấp.

Bên cạnh đó, Pichai còn quyết định sẽ đầu tư nguồn lực thêm cho dự án Svelte nhằm cắt giảm Android để nền tảng này có thể chạy trên các thiết bị tầm thấp và có giá rẻ. Điều đó có nghĩa là lập trình viên sẽ không phải tạo ra nhiều phiên bản cho ứng dụng của mình để tương thích với các điện thoại rẻ tiền. Pichai cũng "khai tử" một dự án xây dựng biến thể Android dành riêng cho laptop có màn hình cảm ứng bởi vì dòng thiết bị này sẽ xung đột với Chromebook. Thay vào đó, Pichai hướng Android vào các lĩnh vực mới và có tiềm năng hơn như Smart TV và thiết bị đeo được.

Ông cũng là người giúp hoàn tất thương vụ Google mua lại công ty cung cấp cảm biến nhiệt độ thông minh Nest hồi tháng Một năm nay, để rồi sau đó cho dừng nhiều dự án nhỏ liên quan đến căn hộ thông minh chạy Android và chuyển trách nhiệm phát triển sang cho đội ngũ Nest.

Pichai cũng cố gắng cải thiện mối quan hệ giữa Google với các đơn vị khác. Hồi tháng 4/2013, ông cùng với Larry Page và trưởng bộ phận kinh doanh Nikesh Arora đã bay đến Hàn Quốc để gặp ban quản trị Samsung, đồng thời ghé thăm nhà máy của hãng. Trong chuyến đi, ông nói: "Tôi nghĩ rằng có khá nhiều khao3ng cách hơn những gì tôi muốn có trong một mối quan hệ. Tôi muốn một phương thức giao tiếp gần gũi hơn và trực tiếp hơn".

Khi được hỏi về Tizen, nền tảng di động mà Samsung đang hợp tác phát triển với Intel và nhiều công ty khác, Pichai chia sẻ: "Tôi xem Tizen là một lựa chọn mà người ta có thể có. Chúng ta cần đảm bảo rằng Android là một lựa chọn tốt hơn". Hiện Tizen OS chỉ mới được dùng trên những chiếc đồng hồ Samsung Gear cùng với chiếc điện thoại Samsung Z mà thôi. Chúng ta có thể nói rằng mối quan hệ giữa Google và Samsung không hoàn hảo, tuy nhiên ít ra nó đang ở một vị thế tốt. Chung quy lại thì cả hai vẫn cần có nhau để tiếp tục tồn tại và phát triển trong thời đại ngày nay.

Về công việc của Pichai tại Google, Pichai là một người rất được yêu mến. Caesar Sengupta, một phó chủ tịch từng làm việc với Pichai trong vòng 8 năm qua, cho biết: "Tôi thách bạn tìm được một người nào đó ở Google không thích Sundar hoặc một người nào đó nghĩ Sundar là một tên khốn". Cá nhân ông là một người nói năng nhỏ nhẹ và không khoa trương, tuy nhiên cũng có những lúc ông không nói mạch lạc lắm.

Kết

Như đã nói ở trên, việc dẫn dắt việc phát triển của cả một hề điều hành đã là không dễ dàng, chưa nói đến việc nó là nền tảng di động phổ biến nhất hiện nay với sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn công ty lớn nhỏ khác nhau cùng chia sẻ lợi ích với Google. Thế nhưng, Sundar Pichai là một trong số ít người có khả năng làm việc đó, và tính đến thời điểm hiện tại ông vẫn đang làm rất tốt trách nhiệm của mình. Hi vọng Pichai sẽ tiếp tục phát huy khả năng lãnh đạo tốt, từ đó đưa Android lên một tầm cao mới, và tiếp tục xứng danh là người đàn ông có quyền lực nhất trong thế giới di động.

Nguồn: Business Week

[Infographic] Lịch sử của cuộc gọi đường dài

header.

Sự ra đời của điện thoại là một trong những bước đánh dấu lớn của lịch sử loài người. Điện thoại đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức liên lạc của con người với nhau. Từ xa xưa, nếu muốn truyền tin đi xa, con người phải dùng các ám hiệu về âm thanh (trống), lửa, khói, bồ câu đưa thư,… Ngày nay, chúng ta chỉ cần nhấc điện thoại lên và bấm số.

Trải qua một thời gian dài, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và đời sống con người, việc gọi điện đường dài cũng trở nên thuận tiện hơn rất nhiều về khoảng cách, phương thức, cũng như về chi phí gọi điện. Lịch sử về cuộc gọi đường dài được tóm tắt trong infographic dưới đây.

Lich-su-cua-cuoc-goi-duong-dai.

Nguồn: tollfreeforwarding

Hyundai Genesis sẽ tự động giảm tốc khi có camera đo tốc độ

hyundai.0_cinema_1200.0.

Công nghệ GPS và bản đồ đã được ứng dụng trên xe hơi một thời gian cũng khá lâu, chúng giúp các tài xế có thể phát hiện được camera đo tốc độ, tuy nhiên mẫu xe mới nhất của Hyundai còn có thể làm được nhiều hơn thế. Chiếc Genesis của Hyundai kết hợp công nghệ GPS và phanh để tự động giảm tốc nếu như tài xế đang chạy quá nhanh khi sắp đến đoạn có camera đo tốc độ.

Hệ thống phát hiện camera đo tốc độ sẽ cảnh báo tài xế khi xe cách máy camera 800 mét và phát ra một tín hiệu âm thanh nếu nhưng xe đang chạy quá tốc độ lúc sắp đến gần camera. Nếu tài xế vẫn không giảm tốc thì hệ thống sẽ tự động phanh để giảm tốc độ của xe xuống mức tối đa được quy định.

Hệ thống này sẽ chỉ có thể phát hiện được các camera giám sát gắn cố định và các camera đo tốc độ trung bình. Chắc chắn nó sẽ không tài nào phát hiện được những camera di động hoặc camera của cảnh sát tuần tra xa lộ.

Việc Hyundai tích hợp hệ thống phát hiện camera đo tốc độ lên Genesis cũng dẫn đến những tranh cãi. Một số người cho rằng hệ thống này sẽ khiến các tài xế chạy nhanh quá tốc độ quy định mà không lo sợ bị phạt. Tuy nhiên công nghệ này cũng hé mở về khả năng của xe tự lái trong tương lai.​

Theo: The Verge

Tăng cường sức mạnh vũ trang cho trực thăng với hệ thống vũ khí tự động Duke RWS

duke-weapon-system.

Khi nói về các robot của quân đội, hình ảnh đầu tiên gợi lên trong suy nghĩ của chúng ta chính là những người máy như phim Terminator, tuy nhiên đó còn có thê là những hệ thống robot được thiết kế để thay thế binh lính trong một số hành động tác chiến nào đó. Và hệ thống vũ khí tự động trên không Duke Airborne Systems (RWS) chính là 1 trong những hệ thống nói trên. Được giới thiệu tại triễn lãm vũ khí Eurosatory 2014 tại Paris, RWS là hệ thống môđun súng máy tự động có thể dễ dàng bổ sung vào trực thăng nhằm tăng cường khả năng tác chiến khi bay vào vùng lãnh thổ của địch mà không cần hộ tống vũ trang.

Duke RWS là hệ thống súng máy có thể được trang bị thêm cho các máy bay lên thẳng. Được chế tạo bằng những loại vật liệu hàng không vũ trụ có trọng lượng thấp, Duke RWS được thiết kế để có thể dễ dàng lắp đặt trực tiếp lên không gian bên trong trực thăng mà không cần phải thực hiện thay đổi cấu trúc chính của phương tiện. Theo thông tin từ hãng vũ khí Duke, toàn bộ môđun chỉ chiếm 1/3 không gian khoang chứa bên trong trực thăng khi đặt ở vị trí ngay cạnh cửa. Khoảng trống còn lại có thể chở theo thêm 12 binh sĩ được vũ trang đầy đủ.

Bộ phận chính của Duke RWS là súng máy điện tử 25 mm với hỗ trợ 2000 vòng đạn bao gồm cả đạn thường, đạn xuyên giáp và đạn nổ trên không. Khi không cần sử dụng, khẩu súng hoàn toàn được giấu bên trong máy bay do đó sẽ hạn chế được chú ý và tạo ra sự mất cảnh giác cho phe địch. Khẩu súng chính được lắp đặt trên hệ thống trục tự động 7 chiều cung cấp khả năng xoay và bắn 360 độ nhưng vẫn hạn chế tối đa gây ra độ rung lắc ảnh hưởng đến sự di chuyển của trực thăng.

Video mô tả hoạt động của hệ thống Duke RWS



Bên cạnh khẩu súng trung tâm, Duke RWS còn được trang bị hệ thống quan sát đa quang phổ cho phép hoạt động được cả ban ngày lẫn ban đêm cùng với chức năng theo dõi mục tiêu tự động. Ngoài ra, Duke RWS còn có cảm biến hỗ trợ phát hiện ra vị trí của vũ khí hỏa lực bên dưới và nhanh chónh ưu tiên tiêu diệt.

Theo thông tin từ Duke, RWS được thiết kế hoàn toàn phù hợp và không can thiệp vào hoạt động bình thường của trực thăng. Việc di chuyển mô đun RWS từ khoang và gắn xuống bên dưới bụng trực thăng đều được thực hiện hoàn toàn tự động bởi các cánh tay robot tích hợp sẵn. Nguồn cấp điện, hệ thống dây dẫn và đạn dược đều được chứa bên trong trực thăng và trực tiếp cung cấp cho khẩu súng gắn bên ngoài.

duke-weapon-system-9.

Dĩ nhiên, hệ thống trên vận hành một cách hoàn toàn tự động mà không cần sự điều khiển của xạ thủ. Tuy nhiên, phi công vẫn có thể ra lệnh các hoạt động chính của khẩu súng thông qua một màn hình điều khiển nơi buồng lái. Trong những tinh huống khẩn cấp, phi công có thể vứt bỏ hệ thống một cách nhanh chóng nhằm đảm bảo an toàn cho toàn bộ trực thăng.

Sagiv Aharon, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của hãng công nghệ vũ khí Duke Airborne cho biết: "Hệ thống Duke RWS được phát triển dựa trên quá trình nghiên cứu sâu rộng và kỹ lưỡng tất cả những kỹ thuật nhằm tạo nên một sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống vũ khí với phương tiện bay. Đây là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của công nghệ vũ khí trong tương lai không xa."


Theo Gizmag, Duke

Chạy thử xe điện LiveWire của Harley-Davidson: vận tốc tối đa 148 km/h, từ 0-100 mất 4 giây

Harley-Davidson-LiveWire-16.

Hôm thứ Hai vừa qua tại thành phố New York (Mỹ), người ta đã có dịp chạy thử những chiếc xe điện LiveWire đầu tiên của hãng xe danh tiếng Harley-Davidson (HD) để mở màn cho chương trình chạy tour 30 thành phố khắp nước Mỹ. Ít ai ngờ rằng một hãng xe có truyền thống lâu đời như HD chuyên sử dụng động V-Twin với tiếng nổ đầy uy lực lại chấp nhận phát triển một thế hệ xe máy sử dụng động cơ điện và gần như không phát ra tiếng ồn, thứ làm nên hình ảnh của HD trong mấy thập niên qua.

LiveWire (hay còn gọi là Project LiveWire) được làm ra không phải để bán mà là để thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng trong chuyến hành trình xuyên nước Mỹ. Tại buổi chạy thử ở New York, theo ghi nhận của trang The Verge và các thành viên hội Harley-Davidson thì chiếc xe này quá im lặng. Ở Mỹ cũng như nhiều thành phố phương Tây khác, người ta muốn âm thanh ống xả (pô xe) phải to để đảm bảo an toàn cho họ cũng như những người tham gia giao thông. Với phương châm "Loud pipes save lives", người ta chuộng pô to để các xe khác, đặc biệt là xe hơi và taxi có thể nghe thấy tiếng xe máy đang chạy tới từ xa để xử lý tình huống cẩn thận hơn. Tuy nhiên đối với LiveWire thì động cơ điện của nó chỉ phát ra tiếng "u u uuuu" giống như một cái máy hút bụi mà thôi, khó làm cho người ngồi trong xe có thể nghe được. Đây cũng là tình trạng chung của những chiếc xe điện khác.


Đại diện của HD không muốn nói nhiều về các thông số kỹ thuật LiveWire nhưng cũng cho biết xe có thể đạt vận tốc tối đa khoảng 148 km/h, khả năng tăng tốc từ 0 - 100km/h dưới 4 giây, thời gian sạc đầy mất 3,5 tiếng và sau khi sạc xong có thể chạy được 88,5 km ở chế độ tiết kiệm hoặc 53 km ở chế độ chạy tối đa công suất. Xe chỉ có một số duy nhất và được trang bị màn hình cảm biến để hiển thị các thông tin tốc độ và dung lượng pin.

Harley-Davidson-LiveWire-01.
Những chiếc xe LiveWire được mang ra chạy thử

Harley-Davidson-LiveWire-02.
Một chiếc được trưng bày trong cửa hàng HD gần đó

Harley-Davidson-LiveWire-03.
Đây là buổi chạy thử đầu tiên mở màn cho hành trình chạy qua 30 thành phố khắp nước Mỹ

Harley-Davidson-LiveWire-04.

Harley-Davidson-LiveWire-05.
Động cơ điện của xe chỉ có 1 số duy nhất, không còn bóng dáng của V-Twin trên chiếc xe này

Harley-Davidson-LiveWire-06.

Harley-Davidson-LiveWire-07.
Các thành viên của hội HD chụp ảnh lưu niệm với xe

Harley-Davidson-LiveWire-08.

Harley-Davidson-LiveWire-09.
Thử kéo ga LiveWire trên máy chạy

Harley-Davidson-LiveWire-11.
Phần đầu và nhiều chi tiết khác trên thân xe được thiết kế theo hướng hiện đại chứ không còn mang nặng tính cổ điển như những chiếc xe hiện tại của hãng

Harley-Davidson-LiveWire-12.
Màn hình cảm ứng dùng để hiển thị dung lượng pin, tốc độ

Harley-Davidson-LiveWire-13.

Harley-Davidson-LiveWire-14.
Những người thử xe được xem trước một đoạn video hướng dẫn các quy tắc an toàn trong khi chạy

Harley-Davidson-LiveWire-15.

Harley-Davidson-LiveWire-16.
Khác với xe máy thông thường, xe điện LiveWire chỉ có 1 số duy nhất cho nên bạn thấy ở bên tay trái không hề có tay côn

Harley-Davidson-LiveWire-17.

Harley-Davidson-LiveWire-18.
Chuẩn bị xuất phát

Harley-Davidson-LiveWire-19.
Tấm này thấy rõ xe không có tay côn
Theo The Verge