[IFA 2014] Thử nghiệm độ bền của mặt kính Sapphire
iPhone 6 dự kiến sẽ có mặt kính sapphire và người ta rất mong chờ để được thử nghiệm những gì mà nó mang lại. Tại IFA 2014 thì Huawei có giới thiệu một phiên bản đặc biệt cho chiếc điện thoại Ascend P7 của họ bổ sung mặt kính sapphire đằng trước và gốm ceramic đằng sau. Mình có thử dùng đồng xu và chân đèn cà mạnh nhiều lần vào màn hình để xem có bị trầy hay không.
Trong thang độ cứng của Sapphire là vật liệu tự nhiên cứng nằm ở mốc số 9, tức cứng thứ nhì chỉ sau kim cương số 10 (chúng ta tạm không nhắc tới các vật liệu nhân tạo cho đơn giản). Vật liệu càng cứng thì càng giòn, mà càng giòn thì càng dễ vỡ khi bị đập hoặc rơi. Chính vì đặc tính này mà người ta hay dùng Sapphire để làm mặt đồng hồ, một sản phẩm rất khó rơi và hay va chạm với những vật xung quanh.
Khi sử dụng Sapphire làm mặt kính điện thoại, các nhà sản xuất cũng gặp vấn đề tương tự vì điện thoại rất dễ rơi vỡ. Hơn thế nữa, sapphire chỉ có thể được cắt bởi vật liệu cứng hơn nó là kim cương nên rất khó để chế tác. Sapphire cũng nặng hơn rất nhiều và gần như không thể uốn dẻo (quá giòn) so với các tấm kính cường lực kiểu Gorilla Glass trên điện thoại. Với những đặc điểm đó thì chỉ những dòng máy bán với giá mắc tiền như Vertu hay một vài bộ phận nhỏ (camera iPhone, phím home iPhone 5s) được trang bị Sapphire. Khi Huawei làm ra bản Ascend P7 sapphire thì nó cũng là bản đặc biệt được chế tạo rất ít.
Vậy tại sao phải sử dụng sapphire trên điện thoại? đó là vì các mặt kính như Gorilla Glass hay Dragon Trail chống chọi rất tốt với dao, kéo hay các vật sắc nhọn nhưng lại chết ngay từ đầu với bụi, những hạt nhỏ li ti đó đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt màn hình. Sapphire cứng hơn và gần như không sợ bị trầy khi để trong túi quần. Hơn nữa, loại vật liệu cao cấp này mang tính quảng bá rất cao và có thể là một cái cớ để tăng giá bán.
Nếu Sapphire đã cứng như vậy thì tại sao người ta vẫn có thể dùng giấy nhám chà nát như một số người từng thử trước kia? Do quá mắc và khó chế tạo cộng với việc quá giòn, các công ty sản xuất đã phải chuyển sang sapphire nhân tạo bổ sung thêm một số thành phần để giảm tính giòn của nó, tăng độ liên kết giữa các phân tử nhưng lại làm giảm độ cứng đi. Sapphire nhân tạo có giá thành rẻ hơn đáng kể và cũng dễ chế tác hơn, và có lẽ mặt kính mới trên iPhone 6 và Aspend P7 Sapphire dùng vật liệu này nên người ta mới có thể dùng một số loại giấy nhám đặc biệt với độ cứng rất cao để làm nó trầy. Nếu dùng sapphire tự nhiên (kiểu phím home iPhone 5s) thì bạn chỉ có thể dùng giấy nhám có bụi kim cương hoặc bụi sapphire thì nó mới trầy nổi.
Quay trở lại kết quả thử nghiệm bề mặt Aspend P7, mình dùng đồng xu lấy từ trong túi quần ra (thường là có bụi, cát nhỏ) để cà và chân đèn flash làm từ thép nhưng nó vẫn không trầy. Mình không có điều kiện thử bằng những vật liệu cứng hơn và cũng không đủ can đảm thả nó xuống đất nên chúng ta chỉ có cái nhìn sơ bộ nhất. Khi nào iPhone 6 mời mà có màn hình sapphire thì lúc đó chúng ta sẽ có các trò chơi khác vui hơn rất nhiều.
Những hình ảnh dưới đây sẽ cho các bạn thấy màn hình Sapphire là như thế nào. Khi nhìn ở bên ngoài thì chúng ta không thể biết được cái nào dùng kính cường lực và cái nào là sapphire. Khi đặt 2 máy cạnh nhau để so chất lượng màn hình xem có khác biệt không thì mình cũng thấy chúng tương tự như nhau.