Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Đánh giá ASUS Transformer Book T200: máy tính lai 11", hiệu năng khá, pin lâu, giá tốt

Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-21.

Trong bài đánh giá hôm nay, chúng ta hãy cùng điểm qua những ưu nhược điểm và hiệu năng của chiếc máy tính 2 trong 1 ASUS Transformer Book T200. Đây là phiên bản nâng cấp của chiếc Transformer Book T100 năm ngoái. So với phiên bản trước, T200 đã có những thay đổi đáng chú ý về thiết kế, hiệu năng lẫn tính năng như màn hình to hơn, dock có khe ổ cứng tháo lắp được, bàn phím đầy đủ, bàn rê rộng hơn, và sử dụng phần cứng mới hơn. Những cải tiến này đem lại kết quả tổng thể như thế nào thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu:


Thiết kế máy: vẫn dùng vỏ nhựa, to hơn và nặng hơn

Do máy có thiết kế hybrid nên chúng ta sẽ đánh giá thiết kế riêng của phần máy tính bảng và phần dock bàn phím. Trước tiên là máy:

Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-28.
Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-26. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-27. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-7. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-5.

Với màn hình 11,6", ngoại hình của T200 to lớn hơn hẳn so với T100. Khi kết nối với dock bàn phím, T200 trông không khác gì một chiếc laptop 11" trong khi T100 trông giống netbook hơn.

Tương tự T100, vỏ của T200 vẫn được làm bằng nhựa. Lớp vỏ này màu xanh thẫm, được khắc họa tiết hình tròn đồng tâm rất đặc trưng của ASUS. Vỏ nhám chống bám vân tay tốt nhưng các họa tiết tròn được khắc trên vỏ lại tạo điều kiện cho bụi bẩn dễ bám. Vỏ nhựa của T200 không ọp ẹp, cho cảm giác cầm chắc chắn và cảm nhận bền bỉ. Ngoài ra, T200 cũng dày hơn khoảng 1,55 mm (11,95 mm > 10,4 mm) và nặng hơn 175 g (780 g > 605 g) so với T100. Vì vậy, cảm giác mỏng nhẹ khi cầm T100 trên tay sẽ không còn khi bạn cầm T200.

Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-6.
Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-23.

Điểm nâng cấp tiếp theo của T200 là mặt sau của máy có camera 5 MP trong khi T100 lại không có camera sau, camera trước 1,2 MP vẫn được giữ nguyên. Việc trang bị thêm camera sau sẽ giúp bạn chụp hình thoải mái hơn thay vì chỉ phụ thuộc vào chiếc camera trước để chụp tự sướng hay gọi video. Tuy nhiên, camera sau có chất lượng khá kém, không có flash và trọng lượng khá nặng của máy cũng sẽ hạn chế việc sử dụng chiếc camera này.

Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-1.
Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-3. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-2. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-4. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-11. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-18.
Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-12. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-13. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-14. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-16. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-19. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-15.

Trên T200, các cổng kết nối, khe cắm được chuyển toàn bộ sang cạnh trái thay vì cạnh phải như T100. Cách bố trí này sẽ khiến bạn cảm thấy thuận tiện hơn. Tương tự T100, T200 vẫn có cổng microUSB, microHDMI, jack tai nghe 3,5 mm và khe đọc thẻ nhớ microSD. Tuy nhiên, với T100 thì bạn sạc pin cho máy trực tiếp qua cổng microUSB còn trên T200, máy có cổng sạc riêng dạng đầu kim. Các nút bấm như nút nguồn, tăng giảm âm lượng và nút Start Menu trên T200 vẫn được bố trí như cũ, hơi chếch về mặt sau rìa máy bên trái.

T200 có màn hình 11,6", lớn hơn 1,5" so với màn hình của T100. Mặc dù kích thước màn hình chỉ lớn hơn đôi chút nhưng viền màn hình lại khá dày, khoảng 22 mm tính từ các cạnh vào màn hình. Chính yếu tố này khiến kích thước tổng thể của T200 to lớn hơn so với T100. Viền màn hình dày, tạo khoảng trống cho lòng bàn tay và bạn có thể cầm máy dễ dàng, chắc chắn khi sử dụng ở chế độ tablet.

Thiết kế dock: bàn phím, bàn rê rộng rãi, có khe ổ cứng tháo được

Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-22.

Chiếc dock của T200 đã được thiết kế lại hoàn toàn và mang lại trải nghiệm sử dụng tốt hơn so với dock của T100. Dock vẫn được làm bằng chất liệu nhựa nhưng lần này được phủ một lớp màu bạc giả anodize trông cao cấp và hợp thời.

Kích thước dock lớn hơn mang lại nhiều không gian cho bàn phím. Kết quả là chúng ta có một chiếc bàn phím đầy đủ, rộng rãi hơn so với chiếc bàn phím của T100. Hành trình phím dài hơn với khoảng cách giữa tâm phím khoàng 19 mm theo tiêu chuẩn, qua đó bàn tay có thể dễ dàng tiếp cận với các phím hơn, không tù túng như khi gõ trên bàn phím của T100. Tuy nhiên, khoảng cách giữa 2 hàng phím chỉ khoảng 15 mm, khá hẹp nên tay bạn sẽ nhô cao hơn và nếu gõ lâu thì vẫn sẽ hơi mỏi.

Mặt phím được phủ sần, kích thước mỗi phím ký tự khoảng 17 x 17 mm, ngang với kích cỡ phím của một chiếc bàn phím tiêu chuẩn, độ sâu phím khoảng 3 mm. Tất cả các yếu tố này mang lại cảm giác gõ khá thoải mái, tự tin. Tuy nhiên, do vỉ phím xung quanh được làm bằng nhựa, khá mềm nên khi gõ bạn sẽ cảm nhận được sự ọp ẹp. Đây là một nhược điểm không đáng có trên T200 và ASUS có thể làm tốt hơn. Ngoài ra, bàn phím cũng không có đèn nền và điều này cũng dễ hiểu bởi T200 là một chiếc máy giá rẻ.

Bàn rê trên dock của T200 có kích thước khoảng 95 x 55 mm, lớn hơn nhiều so với chiếc bàn rê nhỏ xíu của T100. Bàn rê được đặt tại chính giữa khu vực chiếu nghỉ tay, chia đôi khu vực này ra làm 2 phần bằng nhau. Các phím chuột được đặt chìm dưới bàn rê và phân tách bởi một vạch nhỏ, rất dễ tiếp xúc và dễ bấm. Chất lượng bàn rê khá tốt, độ nhạy cao, dễ điều khiển. Đây là một cải tiến rất đáng giá trên T200 so với T100.

Tuy nhiên, có vẻ như ASUS đã hơi tham lam trong việc mở rộng bàn rê trên T200 và hậu quả là khoảng trống nghỉ tay được thu hẹp lại. Lòng bàn tay phải khi gõ sẽ đặt hẳn lên bàn rê khiến trỏ chuột bị chạm. Theo mình thì bề ngang bàn rê chỉ cần bằng với phím Space là đủ và tình trạng chạm phải trỏ chuột khi gõ sẽ không xảy ra. Thêm vào đó, trên chiếc máy mình dùng để đánh giá, bàn rê đôi khi hoạt động không ổn định. Đôi khi tháo lắp máy vào dock, trỏ chuột biến mất khỏi màn hình, các tính năng đa điểm cũng mất luôn. Đây có thể là một lỗi của driver và ASUS có thể cải thiện qua các bản cập nhật driver mới.

Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-9.
Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-10. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-24. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-25. Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-8.

Ngoài những cải tiến về bàn phím và bàn rê thì dock của T200 còn có 2 cổng USB (1 USB 2.0 và 1 USB 3.0) đặt 2 bên, nhiều hơn 1 cổng so với T100 và có thêm cổng LAN. Với những kết nối này thì T200 thật sự giống một chiếc laptop truyền thống hơn là netbook như T100. Thêm vào đó, dock của T200 cũng có ổ cứng HDD tích hợp nhưng lần này bạn có thể tháo nắp che và thay ổ cứng dễ dàng. Tuy nhiên, dock của T200 vẫn không tích hợp pin.

Bản lề và khớp nối trên dock mới cũng đã được cải tiến giúp bạn có thể tháo lắp máy với dock dễ dàng hơn. Bạn chỉ việc đặt máy vào bản lề, cân chỉnh lại một chút và nhấn mạnh xuống đến khi nghe 2 tiếng click tức là máy đã được ráp nối thành công vào khớp.

Màn hình: lớn hơn, độ phân giải không đổi, chất lượng hiển thị khá tốt

Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-20.
Tinhte.vn_ASUS_Transformer_T200-29.

Màn hình của T200 vẫn sử dụng tấm nền IPS, độ phân giải 1366 x 768 px tương tự T100. Khác biệt về chất lượng màn hình giữa 2 chiếc máy này không nhiều nhưng theo cảm nhận của mình thì độ sáng, độ sắc nét và màu sắc của màn hình T200 đã cao hơn và thực hơn. Ngoài ra, góc nhìn màn hình của T200 cũng rộng hơn, đến 178 độ theo ASUS và trải nghiệm thực tế cũng đã chứng minh điều này. Màn hình hỗ trợ cảm ứng 10 điểm chạm, độ nhạy cao.

Âm thanh: rõ ràng, âm lượng vừa phải

T200 được trang bị 2 loa gần 2 cạnh máy, trên dock không có loa. 2 chiếc loa này cho chất lượng âm thanh khá tốt, âm thanh rõ ràng, trong trẻo nhưng âm lượng đầu ra hơi nhỏ. So với T100 thì âm thanh có phần nhỏ hơn đôi chút nhưng vẫn đủ để bạn thưởng thức các bài nhạc, xem phim.

Hiệu năng: đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản

ASUS Transformer Book T200 được nâng cấp đôi chút về cấu hình so với phiên bản T100 năm ngoái. Dưới đây là cấu hình chi tiết:
  • CPU: Intel Atom Bay Trail-T Z3775, 4 lõi, tốc độ 1,46 GHz, Burst Frequency lên 2,39 GHz;
  • GPU: Intel HD Graphics
  • RAM: 2 GB LP-DDR3
  • Ổ cứng: 64 GB SSD tích hợp trên máy (dock hỗ trợ HDD);
  • Windows 8.1 32-bit.
CPUBOSS.
Đánh giá của CPUBoss giữa Z3775 và Z3740.

Nâng cấp đáng chú ý nhất về cấu hình của T200 là CPU Atom Z3775. CPU này được Intel phát hành hồi quý 1 năm nay, phát triển trên nền tảng Bay Trail-T, chế tạo trên quy trình 22 nm, 4 lõi và 4 luồng xử lý. Nếu so sánh, Z3775 có xung nhịp cơ bản 1,46 GHz, cao hơn so với Z3740 của T100 hay Z3735F của Acer Switch 10. Thêm vào đó Burst Frequency của Z3775 lên đến 2,39 GHz trong khi 2 phiên bản còn lại chỉ ở 1,83 - 1,86 GHz. Vì vậy, trên lý thuyết Z3775 sẽ cho hiệu suất tốt hơn so với Z3740 và Z3735F.

Thử nghiệm benchmark với các công cụ PCMark 7, 3DMark 11 và CrystalDisk Mark. Chúng ta có kết quả như sau:


ASUS Transformer Book T200 với CPU Z3775 có điểm PCMark 7 (gói PC Suit) là 2734 điểm, cao hơn hẳn so với các mẫu máy dùng CPU Atom còn lại và hơn người tiền nhiệm T100 gần 400 điểm.


Tuy nhiên, với bài test 3DMark 11, điểm số của T200 chỉ 141 điểm (gói Performace). Kết quả này khá bất ngờ bởi GPU HD Graphics tích hợp trên Z3775 khá tương đồng với Z3740 hay Z3735F. Mình cho rằng 3DMark 11 gặp phải vấn đề tương thích với GPU này nên kết quả chưa thực sự chính xác.

Mình thử benchmark lại bằng 3DMark 13 thì T200 đạt 15252 điểm cho bài test Ice Storm, 1258 điểm cho bài test Cloud Gate và 498 điểm cho bài test Sky Diver, bài test Fire Storm không thể hoàn thành do hệ thống báo quá tải.


Về tốc độ ổ cứng, bộ nhớ SSD do Hynix sản xuất tích hợp trên T200 có tốc độ không khá hơn ổ HDD là mấy. Thử nghiệm với CrystalDisk Mark, ổ cứng này cho tốc độ đọc 93 MB/s và tốc độ ghi 45 MB/s. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn cao hơn so với các mẫu máy cùng phân khúc còn lại trong bảng so sánh trên, chỉ thua Acer Switch 10. Cần lưu ý là phiên bản mình dùng để đánh giá chỉ có SSD tích hợp 64 GB, khay ổ cứng trên dock trống không.

Trải nghiệm thực tế trên T200 cho thấy hiệu năng của T200 đã được cải thiện đáng kể so với T100. Tốc độ khởi động ứng dụng, thực thi tiến trình đã được rút ngắn lại, hiệu năng xử lý đa nhiệm cũng tốt hơn nhờ CPU mới. Bạn có thể làm việc văn phòng và giải trí đơn giản với T200. Nếu đòi hỏi cao hơn thì T200 không thể đáp ứng được.

Pin, nhiệt và độ ồn: pin lâu, khá mát mẻ

T200 được trang bị pin 38 Wh cho thời lượng sử dụng khoảng 5 tiếng nếu bạn liên tục xem phim trực tuyến, độ sáng màn hình 100% và âm lượng tối đa. Đây là kết quả trên chiếc máy mình thử nghiệm, nếu bạn gắn thêm ổ HDD vào dock thì thời lượng pin sẽ ngắn hơn. Nếu làm việc bình thường với nhiều tác vụ, độ sáng màn hình 50% thì thời lượng pin của T200 có thể lên đến 7 tiếng.

Về nhiệt độ, T200 vận hành khá mát mẻ với điều kiện sử dụng bình thường. Do tất cả thành phần xử lý đều nằm trên máy nên phần dock hoàn toàn mát, trừ khi bạn gắn thêm ổ HDD vào dock thì nó sẽ phát nhiệt tại trung tâm bàn phím. Khi cho máy tải nặng, nhiệt độ CPU giao động từ 57 đến 61 độ C, vẫn ở ngưỡng chấp nhận được. Và khi sạc pin cho máy thì khu vực nóng nhất là khu vực nằm gần cổng sạc. Do không dùng quạt tản nhiệt và cũng không có ổ HDD nên chiếc máy mình đánh giá hoàn toàn im lặng khi sử dụng.

Tổng kết:

Có thể nói ASUS Transformer Book T200 là một bản nâng cấp đáng giá của T100. T200 không còn mỏng nhẹ như T100 nhưng đổi lại, chúng ta có màn hình to hơn, đẹp hơn, pin lâu hơn, bàn phím bàn rê rộng rãi hơn và thêm nhiều cổng kết nối tiện dụng. T200 được bán kèm dock, phiên bản mình dùng để đánh giá với bộ nhớ 64 GB, không có HDD có giá 9 triệu 990 ngàn. Trong khi đó phiên bản có bộ nhớ 32 GB kèm ổ HDD 500 GB gắn theo dock sẽ có giá 10 triệu 490 ngàn. Với mức giá khá tốt cộng với hiệu năng và tính năng của T200 thì mình cho rằng chiếc máy này sẽ rất phù hợp với nhu cầu học tập của các bạn học sinh, sinh viên.

Ưu điểm:
  • Màn hình lớn hơn, chất lượng tốt, góc nhìn rộng;
  • Loa to, âm thanh rõ ràng;
  • Bàn phím bàn rê lớn hơn;
  • Hiệu năng khá;
  • Nhiều cổng kết nối;
  • Dock có khe gắn HDD tháo lắp được;
  • Pin lâu.

Nhược điểm:
  • Khá nặng;
  • Camera chất lượng thấp;
  • Hơi ít RAM.
Xin cảm ơn cửa hàng hangchinhhieu.vn đã cho mượn sản phẩm. Anh em quan tâm và muốn trải nghiệm có thể đến triển lãm Expo ngày 28 - 29/9 tại Hà Nội để trên tay nhé :)