Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Đánh giá Aftershock XG15 - laptop chơi game tùy biến cao, hiệu năng tốt, màn hình đẹp, giá từ 22 tr

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-9.

Trong bài đánh giá hôm nay, mình sẽ giới thiệu đến các bạn một mẫu laptop chơi game tùy biến cao với tên gọi Aftershock XG15. Điểm đặc biệt của chiếc máy này không chỉ có nhiều tùy chọn cấu hình mà bạn còn có thể tùy biến cả vỏ máy theo ý thích với mức giá từ 22 triệu khá hấp dẫn. Dưới đây là bài đánh giá chi tiết:

Đầu tiên thì mình cũng nói về thương hiệu Aftershock. Đây là thương hiệu chuyên lắp ráp laptop với cấu hình tùy chọn của Singapore và các sản phẩm của Aftershock hiện nay đều do Clevo (Đài Loan) sản xuất. Vì vậy, nếu ưa thích dòng laptop barebone thì bạn hẳn cũng có thể nhận ra Aftershock XG15 chính là Clevo W355SS hay Sager NP7358, Eurocom Shark 3 và Schenker XMG A504. Tất cả các mẫu máy vừa nêu đều do Clevo sản xuất, chỉ khác tên thương hiệu theo thị trường.

Trở lại với Aftershock XG15, mời các bạn xem qua video trên tay và khám phá phần cứng máy:


Thiết kế cơ bản nhưng có thể tùy biến theo ý thích:

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-1.
Tinhte.vn_Aftershock_XG15-6. Tinhte.vn_Aftershock_XG15-2. Tinhte.vn_Aftershock_XG15-4.

Thiết kế của XG15 về cơ bản không nổi bật như những dòng máy chơi game phổ biến như ASUS RoG, MSI hay Alienware. Máy được làm toàn bộ bằng nhựa khiến trọng lượng khá nhẹ, chưa đến 3 kg. Vỏ ngoài chắc chắn, màu xám có các vân xước giả nhôm. Các cạnh được vát chéo hoàn thiện khá tốt. Trên máy cũng không có logo thương hiệu Aftershock hay tên mã của máy. Theo mình được biết thì Aftershock cho phép tùy biến lớp vỏ ngoài và lớp vỏ trong theo sở thích người mua. Do đó họ không ưu tiên gắn logo hãng hay các chi tiết trang trí nào khác. Hình thức tùy biến có thể là sơn, dán, phủ các màu, thiết kế logo riêng hoặc khắc laser họa tiết trang trí, tên bạn v.v… lên vỏ máy. Aftershock cho biết họ sẽ cố gắng mang lại khả năng tùy biến cao nhất cho sản phẩm nên trong thời gian tới sẽ có nhiều loại hình trang trí khác được hãng cung cấp. Đương nhiên là bạn sẽ phải trả thêm tiền cho khoảng làm đẹp này.

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-10.

Đằng sau lớp vỏ ngoài là màn hình 15,6" có viền khá mỏng, khoảng 1,5 cm 2 bên và 2 cm trên dưới. Mặc dù vậy, phần viền này được thiết kế khá cổ điển, trồi lên hẳn so với màn hình khiến toàn bộ nắp máy dày khoảng 8 mm. Cá nhân mình cho rằng thiết kế này không đẹp nếu đem so với các mẫu máy chơi game đời mới nhưng bù lại nó giúp cho màn hình của máy trở nên chắc chắn hơn dù được làm toàn bằng nhựa. Bản lề nối màn hình và thân máy khá cứng do đó mình buộc phải mở nắp màn hình bằng cả 2 tay.

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-3.
Tinhte.vn_Aftershock_XG15-5. Tinhte.vn_Aftershock_XG15-7. Tinhte.vn_Aftershock_XG15-8.

Các cổng kết nối được đặt rải rác xung quanh máy. Bên cạnh trái là cổng USB 2.0 và 3 jack âm thanh gồm tai nghe, mic và S/PDIF - một cổng hiếm khi xuất hiện trên các mẫu laptop ngày nay nhưng thường có trên các thiết bị âm thanh cao cấp và nó cho phép bạn kết nối với các amplifier rời hoặc hệ thống loa có cổng tương ứng để mang lại chất lượng âm thanh tốt hơn. Bên cạnh phải là 2 cổng USB 3.0, eSATA, HDMI, LAN và phía sau có thêm cổng VGA nằm riêng khá hợp lý.

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-12.
Tinhte.vn_Aftershock_XG15-14. Tinhte.vn_Aftershock_XG15-15. Tinhte.vn_Aftershock_XG15-18. Tinhte.vn_Aftershock_XG15-24.

Nội thất của XG15 khá đơn giản với vỏ màu xám tương tự vỏ ngoài bao bọc toàn bộ khu vực phím, loa và chiếu nghỉ tay. Phía trên bàn phím là một thanh nhựa chứa 3 nút nguồn, Airplane Mode và Control Center thiết kế hình bình hành, phần còn lại là lưới loa và các đèn tín hiệu đặt chính giữa. Thanh nhựa này được gắn đơn giản vào máy bằng các mấu giữ và bạn có thể nạy ra để tháo ốc bàn phím và can thiệp các phần cứng bên dưới.

Bàn phím của XG15 cũng rất cơ bản, không được trau chuốt nhiều. Bàn phím có dạng chiclet với các phím vuông vức khá lớn nằm riêng rẽ. Hành trình phím 19 mm theo cả hàng ngang và dọc, layout phím tiêu chuẩn với bàn phím số bên cạnh và độ nẩy phím vừa phải nên mình có thể dễ dàng làm quen và gõ với tốc độ nhanh. Bên dưới bàn phím là đèn nền 3 màu chia làm 3 vùng gồm xanh, lục và đỏ từ trái sang phải. Đáng tiếc là bạn không thể điều chỉnh màu đèn, vùng màu cho bàn phím qua phần mềm nhưng có thể yêu cầu nhà sản xuất tùy biến sẵn theo phần cứng.

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-13.

Ngay dưới bàn phím là bàn rê khá lớn với kích thước 5 x 9 cm. Bàn rê có bề mặt nhám thay vì được phủ kiến như các bàn rê đời mới nhưng có độ nhạy khá cao, hỗ trợ đa điểm và các thao tác cử chỉ của Windows 8. 2 phím chuột nằm ngay bên dưới dễ bấm nhưng lại phát ra tiếng click khá to. Thay vì được đặt cân xứng với phím Space như hầu hết các mẫu máy 15,6" khác thì bàn rê lại được đặt hơi lệch và chừa ra nhiều khoảng trống để tay bên trái. Đây là một yếu tố thiết kế rất cần thiết với các mẫu máy chơi game bởi tay trái cũng là tay người dùng thao tác với phím trong khi tay phải điều khiển chuột.

Nhìn chung mình rất hài lòng với trải nghiệm nhập liệu trên Aftershock XG15. Bàn phím và bàn rê tuy không đẹp nhưng hoạt động hiệu quả. Nếu như Aftershock cho phép người dùng tùy biến đèn phím và thiết kế lại bàn rê thì chiếc máy trông sẽ giá trị hơn rất nhiều.

Màn hình tốt, loa hơi bé:

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-11.
Tinhte.vn_Aftershock_XG15-25.

Chiếc máy mình dùng để đánh giá được trang bị màn hình 15,6" dùng tấm nền TN (Twisted Nematic) có phủ lớp chống chói. Độ phân giải màn hình là 1920 x 1080p với độ phủ các gam màu đến 95% theo hệ màu NTSC. Chiếc màn hình này có chất lượng rất tốt nếu so với những sản phẩm dùng tấm nền TN hiện nay. Độ bao phủ gam màu nhiều hơn cho phép hình ảnh được hiển thị với màu sắc tươi sáng và chân thực. Thêm vào đó, độ sáng và độ tương phản của màn hình cũng rất tốt. Mình đã cố tình để một tấm hình nền nhiều màu đen, độ sáng tối thay đổi liên tục nhưng các khoảng sáng tối vẫn được hiển thị rõ ràng, không có hiện tượng quá sáng, bợt màu như những màn hình dùng tấm nền TN mà mình từng dùng qua. Ngoài ra, lớp phủ chống chói cũng giúp khắc phục phần nào tình trạng phản chiếu khi sử dụng dưới ánh sáng trực tiếp và giúp mắt đỡ mỏi hơn nếu so với màn hình gương.

Tuy nhiên, công nghệ màn hình TN vẫn tồn tại một nhược điểm là góc quan sát hẹp. Nếu quan sát từ trên xuống theo các góc mở màn hình thì hình ảnh sẽ bị méo, biến màu. Do đó, nếu bạn có thói quen nằm xem video trên máy tính thì bạn buộc phải điều chỉnh góc mở màn hình để đạt được chất lượng hiển thị tốt nhất. Mặc dù vậy, góc quan sát 2 bên lại khá rộng. Ở góc nhìn khoảng 140 độ trở lại, bạn vẫn có thể thấy rõ hình ảnh trên màn hình với chất lượng không thay đổi nhiều như khi nhìn trực tiếp.

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-16.

Về âm thanh, mặc dù được trang bị hệ thống loa của Onkyo cùng phần mềm xử lý Sound Blaster của Creative nhưng chất lượng âm thanh trên Aftershock XG15 không được như mình mong đợi. Mặc dù độ chi tiết của âm được tái hiện khá tốt nhưng hơi thiếu basss và âm thanh đầu ra không lớn. Âm thanh là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi game và nếu so với các dòng máy dùng công nghệ âm thanh riêng như ASUS RoG với Sonic Master, Toshiba Qosmio với Harman/Kardon thì Onkyo trên Aftershock XG15 thật sự thua kém. Nếu như Aftershock nâng cấp nhiều hơn về âm thanh trên XG15 thì nó sẽ đúng hơn với thương hiệu và công nghệ loa của Onkyo.

Hiệu năng tốt:

Aftershock XG15 có cấu hình tùy biến theo nhu cầu của bạn. Phiên bản mình dùng để đánh giá sở hữu một trong những cấu hình mạnh nhất với CPU Core i7-4710MQ, GPU GeForce GTX 860M, RAM 16 GB và 3 ổ cứng. Chi tiết như sau:
  • CPU: Intel Core i7-4710MQ 4 lõi, xung nhịp 2,5 GHz (Turbo Boost 3,5 GHz), 6 MB Smart Cache;
  • GPU: Nvidia GeForce GTX 860M + Intel HD Graphics 4600;
  • Chipset: Intel HM87;
  • RAM: 16 GB DDR3 2 thanh 8 GB chạy Dual-Channel;
  • Ổ cứng: 128 GB mSATA Samsung MZMTD128HAFV + 2 x 750 GB HDD WDC WD750BPKX (7200 rpm), tổng dung lượng lý thuyết 1628 GB;
  • Ổ quang: CD-DVD RW TSSTcorp;
  • Card không dây: Killer Wireless-N 1202 + Qualcomm Atheros AR3012 BT4.0.
CPUBoss.

Về Core i7-4710MQ thì đây là CPU thế hệ Haswell của Intel. So với Core i7-4700HQ - dòng chịp được sử dụng phổ biến hiện nay trên các mẫu laptop chơi game thì Core i7-4710MQ chỉ nhỉnh hơn một chút về xung nhịp xử lý (2,5 GHz so với 2,4 GHz). Ngoài ra thì cả 2 đều được sản xuất trên quy trình 22 nm, có 6 MB Cache, hỗ trợ các tập lệnh và tiêu thụ điện năng như nhau (đều 47 W). Vì vậy, khi đem ra so sánh về hiệu năng thì Core i7-4710MQ và Core i7-4700HQ cũng khá cân bằng, riêng hiệu năng xử lý đơn lõi của Core i7-4710MQ sẽ nhỉnh hơn bởi xung nhịp cơ bản cao hơn 0,1 GHz.

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-17.

Về phần card đồ họa GeForce GTX 860M, đây là dòng card trung - cao cấp của Nvidia dành cho máy tính xách tay. GTX 860M có 2 phiên bản được phát triển trên 2 kiến trúc khác nhau gồm Kepler (GK104) và Maxwell mới nhất (GM107). Phiên bản được tích hợp trên Aftershock XG15 dùng cấu trúc Maxwell với 640 lõi CUDA, xung nhịp lên đến 1029 MHz và bộ nhớ 2 GB GDDR5. So với Kepler, kiến trúc Maxwell đã được tối ưu để tăng hiệu năng như L2 cache 2 MB, khai thác các đơn vị shader tốt hơn và tích hợp engine VP6. Tuy nhiên, bộ nhớ đồ họa chỉ ở 2 GB, khá ít kèm theo đó là bus và băng thông bộ nhớ hạn chế (128 bit/băng thông 80 GB/s) khiến hiệu năng của GTX 860M chỉ ở mức trung bình khá nếu so với các dòng card cao hơn. Chúng ta có thể thấy rõ qua kết quả benchmark dưới đây:

Các mẫu máy được đem ra so sánh gồm:
  • ASUS G750JZ (Core i7-4700HQ 2,4 GHz, GTX 880M, 16 GB RAM, ổ Hitachi HGST 1 TB;
  • MSI GT70 (Core i7-4800MQ 2,7 GHz, GTX 880M, 12 GB RAM, ổ HGST Travelstar 7K1000 7200 rpm);
  • Alienware 17 (Core i7-4700MQ 2,4 GHz, GTX 880M, 8 GB RAM, ổ WDC Scorpio Blue WD10JPVX-75JC3T0 7200 rpm);
  • ASUS G750JH (Core i7-4700HQ 2,4 GHz, GTX 780M, 8 GB RAM, ổ SSD LiteOn LMT-256M6S)
  • Eurocom X3 (Core i7-4930MX 3 GHz, GTX 880M, 16 GB RAM, ổ SSD Crucial CT120M500SSD3 mSATA SSD).

3DMark11.

Với bài test 3DMark 11 (Perforamce), Aftershock XG15 đạt 5207 điểm, thấp nhất trong các mẫu máy nêu trên. Kết quả này cũng dễ hiểu bởi hầu hết các mẫu máy so sánh đều dùng GPU GTX 880M cao cấp hơn, riêng ASUS G750JH dùng GTX 780M nhưng vẫn thắng GTX 860M bởi đây là phiên bản cao cấp nhất của dòng GTX 700 series, dùng cấu trúc Kepler với nhiều yếu tố cao hơn GTX 860M như số lõi CUDA (1536 lõi), bộ nhớ 4 GB GDDR5, bus 256 bit và băng thông 160 GB/s.


3DMark13.

Với bài test 3DMark 13 thì điểm số các nội dung bắt đầu có sự chênh lệch. Ở nội dung Ice Storm (DirectX 11 lvl 9/OpenCL ES 2.0) đánh giá hiệu năng tổng thể, không đồng bộ dọc, không scale phân giải màn hình và các yếu tố khác thì Aftershock XG15 với GTX 860M có điểm số khá cao - 89989 điểm, chỉ xếp sau ASUS G750JH và Eurocom X3. Tuy nhiên, với các nội dung Cloud Gate (Direct X 11 lvl 10) và Fire Strike đánh giá hiệu năng xử lý game thì điểm số của Aftershock XG15 tỏ ra thua kém so với các mẫu máy dùng card GTX 880M. Aftershock XG15 bám sát điểm số của ASUS G750JZ ở nội dung Cloud Gate nhưng điểm Fire Strike lại thấp nhất.


PCMark7&8.
Tuy nhiên, với bài test PCMark 7 & PCMark 8 đánh giá hiệu năng tổng thể của hệ thống thì Aftershock XG15 cho thấy hiệu năng không hề thua kém với các mẫu máy có cấu hình cao hơn. XG15 đạt 5474 điểm PCMark 7 - một mức điểm rất ngang ngửa với các đối thủ trên cơ. Tương tự với điểm PCMark 8 qua cả 3 nội dung đánh giá, điểm số của XG15 đều bám sát nút.

Về tốc độ truy xuất dữ liệu, ổ mSATA của Samsung trên Aftershock XG15 có tốc độ đọc rất nhanh ~501 MB/s và tốc độ ghi ~133 MB/s. Trong khi đó, tốc độ đọc/ghi của ổ cứng HDD 750 GB của WD cũng khá cao, đọc 127,4 MB/s và ghi 121,9 MB/s.

Qua những thử nghiệm benchmark trên, chúng ta ít nhiều cũng có thể nắm được hiệu năng xử lý của Aftershock XG15. Tuy nhiên, những kết quả benchmark chỉ mang tính tham khảo và điều người dùng mong muốn vẫn là trải nghiệm thực tế. Trên chiếc máy này, mình đã thử qua 3 game gồm Battlefield 4, Crysis 3 và CoD Ghosts với các thiết lập đồ họa và kết quả đo khung hình bằng Fraps như sau:
  • Battlefield 4: 1920 x 1080 (60 Hz), V-Sync OFF, chất lượng đồ họa Ultra, 4x MSAA, khung hình từ 30 đến 38 fps;
  • Crysis 3: 1920 x 1080 (60 Hz), V-Sync OFF, chất lượng đồ họa Very High, 8x MSAA, khung hình từ 10 đến 15 fps -> thiết lập FXAA hoặc 1x SMAA Low, khung hình từ 24 đến 26 fps;
  • Call of Duty Ghosts: 1920 x 1080 (60Hz), V-Syn OFF, chất lượng đồ họa Extra, 4x MSAA, khung hình trên 30 fps.
Khả năng tùy biến:

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-20.
Tinhte.vn_Aftershock_XG15-19. Tinhte.vn_Aftershock_XG15-21.

Aftershock XG15 được thiết kế theo dạng mô-đun với nhiều thành phần phần cứng được kết nối qua socket và nằm tại các khoang riêng. Để can thiệp phần cứng máy, bạn có thể dễ dàng mở các nắp che bên dưới. Tấm che lớn nhất tại đáy máy bao phủ ổ cứng, 2 khe RAM, CPU, GPU, hệ thống tản nhiệt và quạt. Đặc biệt CPU có thể thay được sau khi tháo ốc và bóc tản nhiệt đồng ra nhưng đáng tiếc GPU lại bị bắn chết trên board. Tấm che nhỏ nằm cận pin là một khe ổ cứng SATA nữa và kế bên cạnh là ổ quang. Ngoài ra, bạn còn có thể can thiệp các phần cứng nằm dưới bàn phím sau khi tháo phần nắp đậy loa và các ốc bàn phím. Tại đây còn có thêm ổ mSATA, card Wi-Fi và 1 khe RAM nữa. Như vậy chúng ta có:
  • 2 khe ổ cứng SATA
  • 1 khe mSATA
  • Ổ quang có thể thay bằng ổ cứng bằng Caddy Bay
  • 3 khe RAM DDR3L
  • CPU thay được
  • Card Wi-Fi lộ thiên thay được.
Tổng số ổ cứng mà chúng ta có thể gắn trên XG15 là 4 ổ (tính cả ổ mSATA và tháo ổ quang gắn Caddy Bay), dung lượng RAM tối đa có thể trang bị cho máy là 24 GB (3 x 8 GB), CPU thì có nhiều tùy chọn hơn, có thể thay cả con CPU mạnh nhất hiện nay của dòng Core i7 là 4940MX tốc độ 3,1 GHz (Turbo 4 GHz).

Pin và nhiệt độ:

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-23.

Với cấu hình mạnh thì cục pin dung lượng 5200 mAh mang lại thời lượng sử dụng khá hạn chế và đây cũng là đặc điểm chung của hầu hết các dòng laptop chơi game hiện nay. Với các tác vụ cơ bản như lướt web, làm việc văn phòng, nghe nhạc thì pin của máy có thể trụ được gần 3 tiếng. Khi chơi game với độ sáng màn hình tối đa, âm thanh tối đa, hệ thống cần xử lý nhiều hơn và tốn nhiều điện hơn thì thời lượng pin chỉ còn khoảng 1 giờ 15 phút. Do phiên bản mình dùng để đánh giá có đến 3 ổ cứng nên thời lượng sử dụng pin cũng sẽ khác biệt so với các phiên bản XG15 tiêu chuẩn và tùy biến khác.

Tinhte.vn_Aftershock_XG15-22.

Về nhiệt độ, Aftershock XG15 vận hành khá mát mẻ. Ở chế độ chờ hay xử lý tác vụ nhẹ thị nhiệt độ duy trì ở mức 30 đến 36 độ C. Ở chế độ tải nặng như chơi game thì thiết kế rỗng của XG15 phát huy tác dụng tản nhiệt rất tốt. Nhiệt độ của máy có sự thay đổi giữa các khu vực như vùng phím bên trái từ 34 đến 35 độ C, khu vực giữa bàn phím từ 38 đến 40 độ C và khu vực phím phải từ 35 đến 37 độ C. Riêng khu vực chiếu nghỉ tay luôn mát, ở mức 30 đến 33 độ C. Do đó, bạn có thể chơi game liên tục trên chiếc máy này mà không cảm thấy khó chịu về nhiệt độ.

Về tiếng ồn, XG15 được trang bị 1 chiếc quạt tản nhiệt lớn hướng luồng hơi nóng ra sau. Ở chế độ nghỉ, chúng ta hầu như không nghe thấy tiếng quạt. Riêng khi tải, độ ồn của quạt khoảng 45 đến 50 dB, vẫn ở mức chấp nhận được. Bên cạnh quạt thì với 2 ổ HDD, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tiếng ổ cứng quay mặc dù không quá to.

Tổng kết:

Có thể nói Aftershock XG15 là một sản phẩm khá mới lạ trên thị trường laptop chơi game hiện nay. Mặc dù thiết kế của máy không nổi bật, không mang tính biểu tượng như những đối thủ cùng phân khúc nhưng điểm khiến nó khác biệt là khả năng tùy biến theo sở thích của người dùng. Dựa trên thiết kế cơ bản của XG15, người mua có thể yêu cầu hãng tùy biến vẻ ngoài theo ý mình muốn, tạo nên sự cá nhân hóa cao cho mỗi chiếc máy, không chiếc nào giống chiếc nào. Mặc dù chất liệu chủ yếu là nhựa nhưng XG15 lại rất chắc chắn, khiến người dùng cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng. Tuy nhiên, nếu Aftershock cung cấp các tùy chọn vỏ kim loại thì thiết kế của XG15 hẳn sẽ được nâng lên một bậc, cũng như bắt kịp xu hướng "nhôm hóa" hiện nay. Thêm nữa, thiết kế của XG15 vẫn khá cổ điển và Aftershock cần cải tiến để tạo nên sự cuốn hút cần có đối với một chiếc laptop chơi game.

Bên cạnh thiết kế, XG15 còn cho phép người dùng tùy biến phần cứng tối đa mà không gói gọn vào những cấu hình có sẵn. Không chỉ RAM, ổ cứng mà ngay cả CPU cũng có thể thay thế được. Do đó, XG15 tạo sự thuận tiện cho người dùng khi muốn nâng cấp cấu hình máy với chi phí tiết kiệm hơn so với việc mua máy mới. Tuy nhiên, hạn chế của XG15 vẫn là GPU, tất cả các phiên bản XG15 đều cố định với GPU GeForce GTX 860M.

Aftershock XG15 hiện có 2 phiên bản cấu hình cơ bản, phiên bản Core i5-4200M, GeForce GTX 860M, 4 GB RAM, ổ 500 GB 5400 rpm, không hệ điều hành có giá 22 triệu 720 ngàn và phiên bản Core i7-4710MQ, GeForce GTX 860M, 16 GB RAM, ổ mSATA 120 GB + 1 TB 7200 rpm, không hệ điều hành có giá 32 triệu 390 ngàn. Mức giá này khá hấp dẫn nếu so với các đối thủ trong phân khúc laptop chơi game. Bạn có thể tham khảo thêm về giá bán và cấu hình tại đây.

Dưới đây là ưu nhược điểm của Aftershock XG15:

Ưu điểm:
  • Thiết kế chắc chắn, khả năng tùy biến cao;
  • Màn hình đẹp;
  • Hiệu năng tốt;
  • Bàn phím bàn rê tốt;
  • Nhiều cổng kết nối;
  • Vận hành mát mẻ.

Nhược điểm:
  • Loa bé;
  • Thiết kế hơi đơn giản, thân máy dày;
  • Đèn bàn phím không tùy biến bằng phần mềm được;
  • Thời lượng pin trung bình;
  • Không kèm hệ điều hành.