Review camera Nokia Lumia 830
Nokia Lumia 830 là chiếc điện thoại có camera tốt với giá vừa phải (8 triệu đồng). Với cảm biến nhỏ hơn các dòng trước, chỉ gần bằng 1/2 của Lumia1020, lượng điểm ảnh là 10MP, nhưng nhờ công nghệ PureView, ống kính Carl Zeiss, và có ưu thế quan trọng là cơ chế ổn định hình ảnh quang học, Lumia 830 tự thân thừa hưởng những điểm mạnh của chiếc camera tiền nhiệm từng rất thành công, Lumia 930. Vấn đề cải tiến tốc độ luôn được nhiều người quan tâm khi có một chiếc Lumia mới ra mắt! Lumia 830 được tăng cường phiên bản mới Lumia Camera hoạt động nhanh hơn. Ngay ở màn hình chờ, khởi động giao diện chụp hình bằng nút chụp cứng có phần nhanh hơn các phiên bản trước. Và, đây là chiếc camera không phải để chụp "tự sướng", camera trước chỉ có 0.9 MP mà thôi.
Thông số kỹ thuật về Camera:
- Cảm biến 10 MP, độ phân giải ảnh 3840 x 2640 pixel
- Ống kính Carl Zeiss optics, f/2.2
- Tiêu cự ống kính: 26 mm
- Khoảng cách lấy nét tối thiểu: 10 cm
- Zoom kỹ thuật số: 4x
- Ổn định hình ảnh quang học
- LED flash
- Kích thước cảm biến 1/3.4", công nghệ PureView
- Video: 1080p@30fps, ổn định hình ảnh quang học
Đó là những thông tin về phần cứng và các con số kỹ thuật. Chúng ta thử trải nghiệm thực tế.
Xem Ảnh nguyên bản sử dụng trong bài viết này: vui lòng bấm Link
Những ai xài các dòng Lumia đều biết giao diện công cụ chụp của nó đơn giản gồm hai cơ chế chính: chụp hoàn toàn tự động (auto) và chụp có can thiệp hiệu chỉnh các thông số cơ bản cân bằng trắng (white balance), tốc độ vận hành của màn trập (speed shutter), ISO, bù trừ sáng (+/- EV). Có đa số tình huống chỉ cần giơ máy lên canh khung và bấm với sự tính toán tự động của máy đều có ảnh ưng ý, nhưng có một số tình huống can thiệp các thông số (manuel) thì sẽ có ảnh ưng ý hơn. Đó là điểm thể hiện rất rõ khi xài camera phone Nokia Lumia. Chúng ta xem một số tình huống xử lý tự động hoàn toàn của Lumia 830.
Trong nhà, với nguồn sáng tự nhiên từ cửa sổ. Có ảnh vùng sáng đều toàn khung, có ảnh loang lỗ vùng sáng lẫn vùng tối. Sắc độ chuyển từ vùng này qua vùng khác khá mềm mại, độ tương phản đặc trưng dễ nhận ra trên ảnh chụp bằng các dòng Lumia 1020, 1520, 930... Sự tính toán của phần mềm quyết định chọn ISO và tốc độ màn trập nào cho từng tình huống ánh sáng là quan trọng đến sự hài hoà của bức ảnh, xem bức cầu thang bên dưới.
Ra ngoài ngõ, nguồn sáng mặt trời xiên góc tạt xuống con hẻm, có vùng sáng gắt và vùng khuất sáng. Mình đo sáng và lấy nét xuống mặt đường, chờ xe ve chai vào khung là bấm. Chế độ auto căn cứ vào mức độ sáng của môi trường khi ta chạm điểm đo sáng và tự động điều chỉnh thông số để giữ cho ảnh được cân bằng về sắc độ. Lumia 830 thể hiện tốt sự cân bằng này.
Không thể thiếu ảnh phong cảnh mây trời. Phần đất sáng rõ đầy đủ chi tiết, phần trời mây ít mất chi tiết mây trắng, nổi khối, màu sắc xanh mượt hài hoà với khung cảnh... là điều cần khi chụp một bức phong cảnh. Mình thử vài điểm trong thành phố, ánh sáng thuận khoảng 9 giờ - 11 giờ sáng.
Ra ngoài phố chụp ngược chiều ánh sáng. Những hoàn cảnh này ánh sáng mặt trời trực tiếp có thể làm thay đổi diện mạo bức ảnh một cách ngoài ý muốn, hiện tượng thường thấy là bức ảnh như được phủ lên một màn sương mờ và toàn bộ khung ảnh không được rực rỡ và độ trong suy giảm. Hoàn cảnh khó đòi hỏi camera vẫn phải giữ được chi tiết ảnh ở các vùng sáng chênh lệch. Dãi tương phản động của một camera phải thể hiện năng lực của mình trong hoàn cảnh này. Xem Lumia 830 ra sao!
Vào bóng râm, nếu là bề mặt phẳng của một bờ vách, hoặc có nguồn sáng xiên thuận chiều ống kính thì sẽ dễ hơn so với một cảnh nhiều cây cối, có bối cảnh ánh sáng loang lỗ, thường có người xen lẫn thì ảnh sẽ dễ tối đen khuôn mặt. Chúng ta vẫn chụp hoàn toàn tự động với Lumia 830 trong hoàn cảnh này. Cơ chế đo sáng để cân bằng độ sáng các chi tiết với ánh sáng lộn xộn của Lumia 830 chưa thật sự tốt. Chọn điểm đo sáng để có bức ảnh hài hoà trong hoàn cảnh này rất khó với Lumia 830.
Chụp cận cảnh tập trung vào một chi tiết gần ống kính, làm rõ đối tượng. Điều kiện là máy phải có khoảng cách tối thiểu lấy nét gần và chi tiết thật tốt. Lumia 830 cho phép lấy nét tối thiểu khoảng 12 cm. Chi tiết ảnh và khả năng mờ hậu cảnh trong vài tình huống close-up cũng gần như 930 hay 1520, không có gì khác. Và, trong thể loại này, bệnh cố hữu của Lumia là cân bằng trắng (white balance) lá xanh thường lệch màu, và bạn phải chọn điểm đo sáng tới lui vài lần mới có thể có màu xanh gần với thực tế.
Trời mưa, mình vào một quán cafe, ngắm phố mưa và sự vội vã của sự chuyển động bên dưới con đường. Trong tình huống này, hoặc bạn chỉ chụp bắt dính chuyển động với nguồn sáng không quá yếu và chế độ tự động của máy. Nếu muốn nghịch với sự chuyển động thì chế độ chỉnh tay (Manuel) lúc này thật cần thiết. Mình chọn tốc độ màn trập 1/6 - 1/15 giây. Kéo thanh bù trừ EV - 3, rồi vừa bấm chụp vừa lia ngang hoặc xoay máy 30 - 90 độ tuỳ.
Bù trừ sáng EV trong vài tình huống.
Ban ngày, tấm trước hoàn toàn tự động, tấm sau tăng EV + 2 để lá cây sáng rõ chi tiết hơn.
Ban đêm trong phòng, đo sáng và lấy nét vào cái đèn, tấm trước hoàn toàn tự động, tấm sau giảm EV - 2
Và, cuối cùng là ánh sáng buổi đêm, trước khi trả máy cho bạn @sonlazio, mình đi dự một tiệc cưới. Ánh sáng phòng khánh tiết đãi thực khách không thực sự đủ sáng. Khả năng chống rung của Lumia 830 cần nhất vào tình huống thế này. Mình thấy có tấm máy giảm tốc độ màn trập xuống 1/30 - 1/50 và giữ ISO 100 - 320 để giảm thiểu độ nhiễu.
Nhận định:
- Lumia 830 có camera được thừa hưởng công nghệ PureView của các dòng máy cao của Nokia nên khả năng chụp ảnh phải thừa nhận là tốt. Dải tương phản động, độ chuyển màu, độ tươi và chế độ M dễ tạo cảm hứng nếu là người thích chụp ảnh điện thoại.
- Có hai điểm yếu không những 830 mà cả các dòng trước: một là cân bằng trắng khó chính xác khi chụp cận cảnh hoa có nền lá xanh, hay thiên sang màu vàng hoặc lệch xanh; thứ hai tốc độ lưu ảnh sẽ dễ làm người chụp ức chế nếu cần chụp ngay cùng bối cảnh tấm tiếp liền sau khi bấm máy không ưng ý.
Xem Ảnh nguyên bản sử dụng trong bài viết này: vui lòng bấm Link
Một điểm nhiều người thích, đó là ảnh chụp từ Lumia hậu kỳ rất thích. Thử hậu kỳ vài tấm bên trên nhé: