Thưởng thức âm nhạc là một thú vui không thể thiếu trong cuộc sống. Nó giúp xoa dịu căng thẳng, cải thiện tâm trạng, thư giãn đầu óc sau thời gian làm việc mệt mỏi đồng thời giúp những công việc tẻ nhạt trở nên sinh động và bớt buồn chán hơn. Tuy nhiên, có bao giờ bạn thấy người khác hoặc thậm chí là chính bạn vừa thưởng thức âm nhạc, vừa lắc lư hoặc nhảy nhót theo những giai điệu trong bài hát? Âm nhạc tác động đến con người như thế nào? Vậy tại sao chúng ta thường có xu hướng vừa nghe nhạc vừa chuyển động hay nhảy múa? Tại sao đôi khi chúng ta lại rùng mình khi nghe được 1 bản nhạc? Hãy cùng đi tìm câu trả lời nhé.
Âm nhạc dưới góc nhìn khoa học
Trong cuộc sống, con người thường xuyên bắt gặp nhiều hình ảnh, âm thanh khiến cơ thể họ có xu hướng tạo ra những chuyển động. Hãy thử tưởng tượng ban đang nghe một bài hát sôi động đầy những tiếng bass, chắc hẳn có đôi lần bạn sẽ lắc lư đầu theo điệu nhạc một cách hoàn toàn tự nhiên. Thậm chí, những cảnh rượt đuổi xe hơi hay đánh nhau trên màn ảnh khiến tay, chân bạn dường như muốn chuyển động cùng với nhân vật trong phim.
Trên thực tế, mối liên hệ giữa tác nhân bên ngoài và chuyển động vô thức của con người luôn là đề tài nghiên cứu dường như vô tận của các nhà khoa học. Thậm chí, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được tường tận tại sao con người lại có xu hướng thực hiện các chuyển động đó nhưng rõ ràng, chúng vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống quanh ta và việc lắc lư theo giai điệu âm nhạc là minh chứng rõ ràng nhất cho mối quan hệ này.
Về mặt thần kinh học, âm nhạc được biết tới như một "liều thuốc" kích thích sự hứng thú và niềm vui sướng. Nó có tác động trực tiếp tới những vùng hưởng thưởng trên não như vỏ não trán ổ mắt (Orbitofrontal Cortex) và thể vân bụng (Ventral Striatum). Đặc biệt, phản ứng của các vùng não này tương ứng với cường độ vui sướng của con người trước những giai điệu nghe được. Ngoài ra, âm nhạc còn kích hoạt tiểu não, một bộ phận của trung ương thần kinh nằm trong sọ, phía sau và bên dưới đại não có nhiệm vụ phối hợp và điều hòa các chuyển động của cơ thể.
Một số lập luận cho rằng âm nhạc là một loại hình nghệ thuật tương tự như vẽ tranh. Vậy tại sao không ai vừa vẽ tranh hoặc ngắm tranh lại vừa nhún nhảy, lắc lư? Nhưng nhiều người lại có hành động tương tự khi nghe nhạc?
Tại sao con người nhảy múa theo điệu nhạc?
Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng các công cụ tạo ra âm thanh có nhịp điệu để thưởng thức. Khi được mang ra nơi công cộng, các cuộc biểu diễn, lễ hội,... âm nhạc luôn đi kèm với các màn nhảy múa theo giai điệu. Dù đó là những bản disco sôi động, những bản valse lãng mạng của người hiện đại hay thậm chí chỉ là tiếng trống của các thổ dân,... con người luôn có xu hướng muốn nhảy múa theo giai điệu âm thanh.
Để lý giải cho hiện tượng trên, các nhà nghiên cứu đã đề xuất ra 3 tác động chủ yếu. Đầu tiên, người ta suy đoán rằng âm nhạc được tạo thành bởi một chuỗi những chuyển động nhịp nhàng theo giai điệu: cụ thể là hành động nhịp chân của con người. Thứ hai, vùng hưởng thưởng âm nhạc trên não có liên kết với vùng vận động. Thứ ba, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người rất nhạy cảm và có xu hướng hòa nhịp cùng với những chuyển động cơ thể của người khác. Nguyên nhân là do việc quan sát và thực hiện chuyển động sẽ kích hoạt cùng một vùng trên não. Ví dụ điển hình như, vùng vận động của trên não của 1 vũ công chuyên nghiệp sẽ được kích thích mạnh mẽ hơn khi họ thấy những vũ công khác đang khiêu vũ mặc dù họ không thực hiện điều đó.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã kết luận rằng các tế bào thần kinh phản chiếu (Mirror Neuron, được tìm thấy trong vỏ não) sẽ được kích hoạt trong cả 2 tình huống: khi cơ thể đang thực hiện 1 chuyển động và khi nhìn thấy người khác làm điều đó. Theo các kết quả nghiên cứu gần đây thì những trải nghiệm giác quan có mối liên hệ trực tiếp tới cơ chế vận động của cơ thể. Đây cũng chính là nguyên nhân được đề xuất để lý giải mối liên hệ giữa âm nhạc và chuyển động theo nhịp điệu của các bộ phận trên cơ thể.
Nói cách khác, khi bạn đang xem ai đó nhún nhảy, vùng vận động trên não của bạn sẽ được kích hoạt. Hệ quả là trong vô thức, bạn sẽ dự đoán và có xu hướng chuẩn bị cho các chuyển động tiếp theo của người vũ công dựa trên ý thức của bạn. Và cũng một cách hoàn toàn vô thức, con người có xu hướng quên đi vai trò hiện tại của mình và thực hiện các thao tác nhỏ để thể hiện suy đoán của mình.
Tại sao chúng ta vẫn có những cử chỉ đầu, tay, chân,... khi nghe nhạc dù không nhìn thấy ai nhảy múa?
Theo một nghiên cứu được công bố hồi năm 2012 trên tạp chí của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng âm nhạc và nhảy múa là những nhân tố cùng được dùng để thể hiện cảm xúc. Một nghiên cứu khác do các nhà khoa học tại Đại học Dartmouth đã xây dựng một chương trình máy tính cho phép thực hiện các thí nghiệm thể hiện mối liên hệ giữa âm nhạc và chuyển động cơ thể.
Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu chế tạo một bảng chứa 5 thanh trượt có khả năng điều khiển các trạng thái hạnh phúc, buồn, tức giận, yên bình và sợ hãi của một quả bóng trên màn hình hiển thị. 50 sinh viên đầu tiên được yêu cầu trượt các thanh trượt để diễn tả các cung bậc cảm xúc của quả bóng theo yêu cầu của nhóm nghiên cứu. Một nhóm 50 sinh viên khác được cho nghe nhạc và cũng được cho sử dụng bảng trượt tương tự nhưng để mô tả nhịp điệu, độ cao của âm, sự hài hòa, sôi động và tần số của một bản nhạc.
Kết quả cho thấy tất cả các sinh viên đều trượt thanh trượt đến các vị trí tương tự nhau dù là để thể hiện cảm xúc của quả bóng hay mô tả lại đặc trưng của bài hát. Để tăng độ tin cậy của nghiên cứu, nhóm nghiên cứu còn thực hiện thử nghiệm tương tự trên những cư dân thuộc bộ lạc Kreung nằm ở một khu vực hẻo lánh, tách biệt với cuộc sống bên ngoài thuộc Campuchia. Kết quả thu được cũng hoàn toàn tương tự cho thấy sự khác biệt về văn hóa không có ảnh hưởng tới kết luận trên.
Thí nghiệm trên cho thấy âm nhạc đã tác động vào vùng não mà chúng ta dùng để hiểu cảm xúc ẩn chứa trong hành động của cơ thể. Từ đó, chúng ta có thể thấy được âm nhạc có sức mạnh khiến người nghe thực hiện các chuyển động cơ thể.
Maria Witek, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Aahus nhằm lý giải tại sao con người dùng các cử chỉ cơ thể khi nghe nhạc
Để lý giải rõ hơn nguồn gốc của mối liên hệ trên, các nhà thần kinh học tại Đại học Aarhus, Đan Mạch đã công bố nghiên cứu và đề xuất rằng nguyên nhân của các chuyển động cơ thể chính là cách để con người lấp đầy khoảng trống những các nốt nhạc trong nhịp điệu của bản nhạc. Người dẫn đầu nghiên cứu, Maria Witek cho biết: "Chính những khoảng trống trong cấu trúc của nhịp điệu, những khoảng trống trong âm nhạc đã cho con người cơ hội dùng những hành động vật lý để lấp đầy nó. Và dĩ nhiên, khoảng trống đó được lấp đầy bằng chuyển động của cơ thể con người."
Để củng cố cho lập luận trên, Witek đã thực hiện một cuộc khảo sát cho các tình nguyện viên nghe những tiếng trống. Đầu tiên tình nguyện viên chỉ được nghe những nhịp điệu đơn giản và được lặp lại thường xuyên. Sau đó họ được cho nghe những giai điệu hết sức phức tạp với nhiều khoảng trống trong mà lẽ ra phải được lấp đầy như ở thí nghiệm đầu. Cuối cùng, các tình nguyện viên nhanh chóng nhận ra được những khoảng trống trong nhịp điệu và dự đoán sự xuất hiện của khoảng trống.
Sau đó, Witek tiếp tục thực hiện những thí nghiệm với các loại nhạc cụ khác thậm chí là những bản nhạc hòa tấu đầy đủ và cũng nhận được những kết quả tương tự. Nhóm nghiên cứu lập luận rằng trong vô thức, não luôn đưa ra dự đoán và có xu hướng muốn dùng các chuyển động cơ thể nhằm khỏa lấp khoảng trống trong giai điệu. Bài hát càng phức tạp thì nhiều bộ phận khác nhau càng dễ có điều kiện tham gia chuyển động hơn. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu kết luận rằng những bài nhạc phải đảm bảo nhịp điệu đủ đều đặn để chúng ta có thể xác định được nó. Mặt khác, nó phải có đủ các khoảng trống hoặc ngắt quãng để mời gọi con người tham gia hòa mình vào âm nhạc.
Các nghiên cứu trên đã phần có thể được dùng để lý giải cho câu hỏi tại sao chúng ta thường có xu hướng nhịp chân, gật đầu hay búng tay khi nghe nhạc? Tuy nhiên, một hiện tượng khác cũng khá thú vị là đôi khi, 1 bài hát lại khiến cho người nghe rùng mình và nổi da gà. Tại sao vậy? Do âm thanh ghê rợn hay lạnh lẽo chăng?
Tại sao một số đoạn nhạc hay có thể khiến người nghe rùng mình?
Thông thường, chúng ta thường rùng mình và bị nổi da gà khi cảm thấy lạnh hoặc sợ hãi. Nhưng một nguyên nhân khác cũng khiến chúng ta có phản ứng tương tự là khi nghe được các đoạn nhạc hay. Đó có thể là tiếng hát cao vút của một giọng tenor, đoạn cao trào của bản giao hưởng số 5 cung Đô thứ Op. 67 Định Mệnh của Beethoven hay lúc tiếng violin dồn dập của nghệ sĩ Samvel Yervinyan,... tất cả điều tạo sự phấn khích cho người nghe và có thể khiến họ bất giác rùng mình.
Khi thưởng thức các đoạn nhạc hay, cơ thể con người sẽ chìm vào trong cảm giác phấn khích và thích thú. Khi đó, nhịp tim sẽ tăng, đồng tử giãn ra, nhiệt độ cơ thể tăng lên, máu dồn về các chân và tiểu não sẽ hoạt động mạnh hơn. Đồng thời, não bộ sẽ ngập tràn dopamin và một cảm giác lạnh sẽ chạy dọc sống lưng của bạn. Theo thống kê, 50% số người cảm thấy rùng mình khi nghe được các đoạn nhạc hay. Nghiên cứu cho thấy nguyên nhân là do âm nhạc đã kích thích hoạt động của chuỗi hoạt động của hệ thống hưởng thưởng trên não, tăng cường sản sinh lượng lớn dopamin trong thể vân. Ảnh hưởng này tương tự như cảm giác khi sex, cờ bạc và các loại hình hưởng thụ cảm giác khác.
Điều đáng chú ý ở đây là nồng độ dopamin tăng đột biến vài giây trước khi đoạn cao trào trong bài hát diễn ra. Đó là do, não bộ luôn theo dõi bài hát và liên tục đưa ra dự đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Các nhà khoa học cho rằng đây chính là một khả năng có được ở con người từ quá trình tiến hóa lâu dài nhằm đưa ra các dự báo cần thiết đảm bảo sự sống còn.
Tuy nhiên, âm nhạc lại khó dự đoán hơn thậm chí là không thể đoán trước. Do đó, âm nhạc khiến não luôn có xu hướng nghĩ rằng "sắp có nguy hiểm" và giữ cho lượng dopamin luôn trong trạng thái sẵn sàng. Khi cuối cùng thì bạn cũng nghe được đoạn cao trào sau thời gian não chờ đợi, lúc này não sẽ biết rằng "chỉ nhạc thôi mà, không có gì nguy hiểm hết" thể vân sẽ phản hồi bằng lượng lớn dopamin và chính sự mâu thuần này khiến bạn rùng mình.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của vấn đề vẫn còn gây tranh cãi. Điển hình như nhà thần kinh học Jaak Panksepp đã phát hiện ra rằng những bài hát buồn sẽ khiến người nghe ớn lạnh nhiều hơn so với những bản nhạc vui vẻ, hạnh phúc. Ông lập luận rằng những giai điệu ưu sầu đã kích hoạt một cơ chế cổ xưa còn sót lại ở con người bao gồm cả việc nổi da gà. Đó là phản ứng của tổ tiên chúng ta khi cảm thấy bị bỏ rơi và lạc lõng.
Dù vậy, một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng bị nổi da gà khi nghe nhạc buồn không hẳn khiến con người buồn bã. Ngược lại, các nhà khoa học tại Đại học Tokyo đã chứng minh rằng nhạc buồn lại gợi nên những cảm xúc tích cực cho người nghe. Theo nhóm nghiên cứu, nỗi buồn được truyền tải bằng nghệ thuật vẫn dễ chịu hơn so với nỗi buồn từ thực tế cuộc sống,
Kết
Đến đây thì có lẽ các câu hỏi đặt ra ở đầu bài đã phần nào được giải quyết, tất cả đều được các nhà thần kinh học nghiên cứu tìm hiểu để đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, tương tác giữa âm nhạc, cảm xúc và hành vi cơ thể vẫn là đề tài tranh cãi nóng bỏng của các nhà nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu sẽ còn tiếp tục được thực hiện nhằm đưa ra lý giải cuối cùng giúp con người có thể hiểu được chính mình hơn và có được cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Chúc vui vẻ và hẹn gặp lại ở thắc mắc lần sau.
Tham khảo Telegraph, In-mind, LS, SA (1), (2), Time, HSW, NPR, SD, Mental, Denver