Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Tổng kết: Thế nào là đa nhiệm trên điện thoại

2567128_Tinhte_sosanh_os_05.

Theo bạn thế nào là đa nhiệm trên điện thoại? - Câu hỏi được nhiều người thắc mắc trong quá trình lựa chọn cho mình một chiếc điện thoại thông minh phù hợp, mà băn khoăn chính vẫn là hệ điều hành di động nào sẽ thích hợp với bản thân mình. Chính vì thế chủ đề “đa nhiệm trên điện thoại” đã được lập ra để mọi người đóng góp ý kiến, hòng xây dựng được một khái niệm rõ ràng nhất về vấn đề đa nhiệm trên điện thoại di động cũng như sự khác biệt giữa các hệ điều hành. Rất vui vì anh em Tinh tế đã đóng góp rất nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức cho chủ đề này và chúng ta có một cái nhìn rõ ràng hơn. Tổng kết trong một câu gắn gọn thì: bạn yên tâm là tất cả những hệ điều hành di động phổ biến hiện nay (Android, iOS, Windows Phone, BlackBerry 10) đều “đa nhiệm” và giải quyết tốt nhu cầu của người dùng cơ bản. Còn câu trả lời chi tiết và dài dòng hơn thì mời bạn theo dõi tiếp trong phần sau của bài viết này, và ở dưới cũng sẽ giải thích vì sao “đa nhiệm” lại được để trong ngoặc kép.
1 - Thế nào là đa nhiệm trên điện thoại thông minh?

iOS, Android, WP, BB10 có đa nhiệm không? Câu trả lời là có và không. Chúng ta đã quá quen với kiểu đa nhiệm nhiều cửa sổ trên Windows, nên có xu hướng mang ngay những quan niệm đa nhiệm đó để áp đạt lên điện thoại. Chính vì thế thường xuất hiện khái niệm “đa nhiệm nửa mùa” khi nói về đa nhiệm trên một hệ điều hành di động. Vậy cụ thể thì là như thế nào? Liệu các hệ điều hành di động có đa nhiệm và bản chất sự việc là sao? Tất cả cũng chỉ vì cái khái niệm đa nhiệm trên thiết bị di động chưa được định nghĩa rõ ràng.

Tất nhiên, nếu như bạn mang khái niệm trên máy tính lên điện thoại thì không có chiếc điện thoại thông minh nào có thể đáp ứng được “đa nhiệm” kiểu của máy tính cả. Dù rằng bạn giải thích khái niệm này bằng các thao tác sử dụng cụ thể hay bằng khái niệm sâu bên trong hệ thống. Chính vì thế, với những ai quan niệm đa nhiệm là phải giống trên Windows thì thật tiếc: Không có chiếc điện thoại thông minh nào đa nhiệm kiểu đó cả, hay nói cách khác thì chúng không đa nhiệm.

Nhưng với phần lớn người dùng, dù nói đa nhiệm thì đơn giản họ cũng chỉ cần vừa nghe nhạc, vừa lướt web đồng thời lại chat Facebook, hay chỉnh sửa ghi chú, văn bản … Nếu như vậy thì các hệ điều hành di động hiện tại đã đáp ứng tốt rồi và câu trả lời là: Các điện thoại thông minh hiện tại đều đa nhiệm.

Tuy nhiên, để cho chúng ta không còn bị nhầm lẫn giữa các khái niệm nữa, thì từ đây về sau hãy để “đa nhiệm” cho máy tính, còn với điện thoại hãy gọi nó là “đa năng”.

"Đa năng
là bạn có thể nghe nhạc, chat facebook, lướt web … cùng một lúc!"

Tham khảo các ý kiến hay:
 

2 - Vì sao điện thoại thông minh lại đa năng kiểu đó?

Vì điện thoại thông minh là một thiết bị gói gọn trong lòng bàn tay, với cấu hình có hạn, với dung lượng pin có hạn, với kích thước màn hình có hạn. Và chính vì thế, người ta buộc phải giới hạn mức độ đa năng của nó để cân bằng tất cả các yếu tố. Với máy tính, chúng ta không cần quan tâm nhiều đến việc nó có đủ pin để hoạt động từ sáng đến tối hay không, màn hình nó to nên cũng không cần phải quan tâm đến việc mở nhiều phần mềm thì liệu nó có thoải mái nữa hay không, có hiển thị tốt hay không.

Và thực ra, chúng ta quá tham lam nên hay nhầm tưởng, điện thoại là điện thoại và nó chỉ giúp giải quyết những vấn đề đơn giản, những nhu cầu đơn giản. Vì thế nó cần đơn giản, chỉ là đa năng chứ không cần đa nhiệm một cách hoành tráng. Apple, Google, Microsoft và BlackBerry đều tuân theo nguyên tắc này và tuỳ vào việc họ thấy người dùng cần gì mà thiết lập các cách đa năng khác nhau.

Không phải các lập trình viên không biết làm cho điện thoại chạy đa nhiệm như trên máy tính, mà là việc đó thực sự không cần thiết. Cái chúng ta cần là giải quyết nhu cầu cơ bản ở mức tốt nhất mà vẫn đảm bảo hiệu năng cũng như thời lượng pin phải đủ dùng hay càng lâu càng tốt.

"Điện thoại có pin giới hạn, có màn hình nhỏ, có cấu hình vừa phải
nên cần đa năng đủ dùng nhưng tiết kiệm"

BlackBerry OS là hệ điều hành được người dùng thích nhất về tính năng đa năng của nó. Tuy vậy với màn hình nhỏ, pin có giới hạn thì tính năng đa năng này cũng chỉ giới hạn ở mức độ nhất định và thường thì điện thoại BB10 có thời lượng pin không tốt như những điện thoại chạy iOS hay Android.
2598126_Tinhte_BlackBerry_Passport-14.

Tham khảo các ý kiến hay:
 

3 - Giải pháp của các hãng là như thế nào?

Một bài toàn thì luôn có nhiều lời giải khác nhau, với bài toán trải nghiệm người dùng thì mỗi hệ điều hành cũng có những cách giải riêng của mình. Tuy nhiên đó là phần giải thuật, phần nhân hệ thống - nó hơi khó hiểu, với người dùng bình thường thì chúng ta quan tâm đến cái bề mặt nhiều hơn. Để cho dễ hiểu thì mình sẽ đưa ra thêm một vài thông số, những thông số này tuỳ vào từng hệ điều hành mà nó điều chỉnh tăng giảm cho phù hợp với giải thuật của mình (nhưng câu chữ sau không đúng về mặt kĩ thuật mà sử dụng từ ngữ đơn giản với mục đích truyền đạt nội dung rõ hơn - mong các bạn thông cảm):
  • Bộ nhớ tạm và thời gian chạy nền của ứng dụng: mỗi khi một ứng dụng bị ẩn đi và bạn chuyển sang dùng một ứng dụng khác, thì lúc này nó sẽ bị đóng băng (như trên iOS, Wp) hoặc tiếp tục chạy một lúc nữa (Android, BB). Ngưng ngay hay chạy tiếp một lúc là tuỳ vào từng hệ điều hành sẽ quyết định. Ngừng ngay thì nhiều bạn nói không có đa năng, chạy tiếp lâu thì có đa năng nhưng hao tài nguyên, hao pin.
  • Tiến trình hệ thống: Để giải quyết việc vẫn có một số những thao tác cần chạy nền (ví dụ up hình lên facebook, tải file …) thì xuất hiện một số những tiến trình được hỗ trợ bởi hệ thống (dịch vụ nền) và các tiến trình này luôn được ưu tiên chạy dù bạn có tắt phần mềm đi. Và cũng như trên, tuỳ vào từng OS mà nó quy định các tiến trình này như thế nào: như WP thì đang up hình bằng fb mà bạn thoát ra thì nó không up nữa, nhưng với Android thì nó vẫn chạy tiếp.
Khi một ứng dụng được ẩn đi và bạn chạy ứng dụng khác, hoặc khi 1 cửa sổ chìm xuống để bạn kích hoạt 1 cửa sổ khác lên (như đa nhiệm trên Samsung Galaxy) thì hệ điều hành định nghĩa đó là một phần mềm không dùng nữa. Và tất nhiên bạn không dùng nữa thì nên đóng băng hoặc tắt nó đi. Tuy nhiên như nói ở trên, dù có bị đóng băng nhưng nếu phần mềm đó có sử dụng một tiến trình hệ thống, thì tiến trình này vẫn tiếp tục được ưu tiên chạy (nhạc tiếp tục hát, file tiếp tục tải …) Tuy nhiên tiếp tục chạy cho xong, hay một lúc phải tự tắt thì còn tuỳ vào quy ước của hệ điều hành đó.

Android linh động và đa năng tốt hơn iOS
và Samsung thì luôn là hãng cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn nhất


Tham khảo:
 

4 - Tổng kết

Qua 3 phần trên thì hi vọng các bạn đã có một cái nhìn rõ ràng hơn về tính năng đa năng trên các hệ điều hành di động. Thực sự thì việc đi cãi nhau xem Android đa nhiệm tốt hơn hay iOS đa nhiệm tốt hơn nó quá phù phiếm và mất thời gian. Cãi thắng hay thua thì cũng không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm thực tế của người dùng cả, chính vì thế anh em hãy bỏ qua và tập trung vào cái mà chúng ta được hưởng. Các hãng đều luôn cố gắng để người dùng có những trải nghiệm tốt nhất, nếu mà thấy hãng nào không được vậy thì chia tay tìm tình yêu mới cho nhanh :), và thực tế thì trải nghiệm luôn được nâng cấp qua mỗi lần giới thiệu phiên bản hệ điều hành mới.

Một ví dụ đơn giản như trên iPhone 5s khi mình chơi Clash Of Clans mà lỡ tay nhấn qua phần mềm khác hay vào Home thì games bị ngừng ngay lại và tải lại. Trên iPhone 6 thì không như vậy, sau 3 4 giây mà vào lại thì games vẫn đang chạy mà không phải tải lại.

bb10-beta3 (10).

Chung quy lại thì cũng chỉ có một số tác vụ mà anh em muốn chạy song song trên điện thoại thôi. Đó là nghe nhạc, lướt web, facebook, chơi game, làm việc đơn giản, ghi chú … cùng một lúc, và những việc này thì BB10, Android, iOS, Windows Phone đều có thể làm tốt rồi. Phân loại ra theo 2 tiêu chí ở phần 3 (Bộ nhớ tạm và thời gian chạy nền, tiến trình hệ thống) thì có thể phân loại các hệ điều hành này như sau:
  • Windows Phone kiếm đa năng nhất, nhiều anh em phàn nàn việc tải hình lên facebook thì phải canh nó tải xong mới tắt đi không nó bị ngắt. Phần mềm thì vừa mới tắt đi là nó tắt luôn chứ không chạy nền, khi vào lại thì phải tải lại mất thời gian. -> nhưng nhờ vậy mà WP lại mượt và nhanh, từ cấu hình cao tới cấu hình thấp nó mượt như nhau.
  • iOS: đa năng tốt hơn so với WP, hỗ trợ nhiều tiến trình hệ thống hơn. Tuy nhiên thời gian timeout của nó cũng ngắn và thường thì bộ nhớ ram ít nên nếu bạn mở nhiều app thì những app đang standby lâu nhất sẽ bị tắt. Với iOS người dùng vừa đủ dùng, vì Apple quan niệm làm cái tốt nhất và thực sự người dùng không cần quá đa năng trên màn hình nhỏ iPhone -> nhờ vậy mà iOS cũng mượt như WP, pin thì cũng tốt.
  • Android: nói về đa năng phải nói đến Android, với đã những lựa chọn, đủ kiểu sử dụng. Samsung, LG là những đại diện đặc trưng. Việc để nhiều phần mềm được chạy nền hơn khiến cho hệ thống nhiều khi bị chậm và lag -> Android luôn có nhu cầu gia tăng cấu hình, gia tăng sức mạnh, vì cấu hình cao hơn + ram hiều hơn thì bạn có nhiều phần mềm chạy nền hơn có nhiều sức mạnh để chuyển qua lại các phần mềm nhanh hơn. Bù lại thường thì các máy Android có thời lượng pin không tốt (trừ Sony cao cấp hay SS Note).
  • BB10 thì đa tác vụ và hoạt động độc lập hơn nên có vẻ là đa nhiệm hơn. Mỗi tác vụ hoạt động ko làm cản trở tác vụ khác và gần giống máy tính hơn. Cách chuyển app ko thể như PC vì hạn chế về kích cỡ màn hình. Cách hoạt động này đòi hỏi cấu hình tối thiểu rất cao (cao hơn các tối thiểu khác thôi nhé) và tổn hao tài nguyên nhiều hơn. Điều này cho thấy các máy BB10 sẽ ko ưu thế về pin. Và để hoạt động trơn tru họ hạn chế số ứng dụng được dùng cùng lúc tuy nhiên con số này sẽ tăng trong tương lai khi mà cấu hình mạnh lên rất nhiều nữa.
p/s: trong bài viết sử dụng từ "đa năng" cho anh em đỡ nhầm lẫn, nhưng thực ra mọi người đã quen mồm với từ "đa nhiệm" rồi, vì thế mong rằng sau này nếu anh em có thấy ai nói "đa nhiệm" trên di động thì cũng đừng chửi họ nhé, và hãy hiểu ý của họ. Chúc anh em cuối tuần vui vẻ!

Nếu như bạn chưa thoả mãn? Hãy tiếp tục đọc những đóng góp ở dưới đây, chúng thực sự hay và hữu ích. Cảm ơn các bạn đã đóng góp rất nhiều! Dưới đây cũng là nhiều lời giải thích khác nhau cho cái gọi là "đa nhiệm" trên di động: