Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Thiếu lái là gì? Dư lái là gì? Và làm thế nào để khắc phục?

Mat lai.
Cụm từ Mất lái chúng ta hay nói đến thực chất là cách gọi chung của 2 trường hợp cụ thể hơn là Thiếu lái (Understeer) và Dư lái (Oversteer). Hiện tượng Thiếu lái và Dư lái đều xảy ra khi chiếc xe mất độ bám với mặt đường, nhưng khác nhau ở chỗ tùy theo cấu hình dẫn động của chiếc xe mà nó bị mất độ bám ở 2 bánh trước hay 2 bánh sau, và do đó cách khắc phục cũng như điều chỉnh sẽ không giống nhau.

Trong điều kiện giao thông bình thường sẽ ít khi nào chúng ta đạt đến giới hạn mất kiểm soát một chiếc xe. Tuy nhiên nếu là người thường xuyên điều khiển xe thì chúng ta cũng nên tìm hiểu về các trường hợp mất lái để có thêm kiến thức làm chủ chiếc xe cũng như có thể tự cứu mình trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Mat lai 2.

Thiếu lái

Thiếu lái hiểu đơn giản là khi vào cua chiếc xe không ôm theo ý muốn của người lái, mà có xu hướng đi theo đường thẳng, chệch ra hướng ngược lại của vòng cua. Thiếu lái là tính chất đặc trưng của các xe dẫn động cầu trước (FWD - Front Wheel Drive) và đa số các xe dẫn động bốn bánh (AWD - All Wheel Drive) khi chúng ta vào cua quá nhanh. Lúc này 2 bánh trước là 2 bánh đánh lái cũng là 2 bánh dẫn động sẽ bị mất độ bám và khiến chiếc xe không di chuyển theo hướng chúng ta đánh lái. Việc đánh lái thêm về hướng ôm cua cũng không thể giúp được chiếc xe ôm cua theo ý muốn. Ngoài ra cũng có một số tác nhân khác là điều kiện mặt đường trơn trượt hay sử dụng thắng khi vào cua ở những xe không có hệ thống chống bó cứng phanh ABS cũng sẽ dẫn đến tình huống thiếu lái tương tự.


understeer 1.

Bức hình phía trên phần nào cũng cho chúng ta thấy sự nguy hiểm khi rơi vào tình huống thiếu lái. Chiếc xe sẽ phóng sang làn đường đối diện hay thậm chí lao sang lề bên kia và tai nạn xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, có một tin mừng là thiếu lái sẽ dễ kiểm soát hơn và không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm làm chủ chiếc xe so với trường hợp dư lái. Nói cách khác, thiếu lái sẽ có phần an toàn dư lái. Đó là lý do vì sao ngay từ nhà máy các xe dẫn động 4 bánh AWD thường được nhà sản xuất định hướng phần động năng của chiếc xe thiên về thiếu lái, mặc dù các xe dẫn động 4 bánh cũng có khả năng bị dư lái giống các xe dẫn động cầu sau.

Chắc chắn trong điều kiện đường xá bình thường chúng ta sẽ ít khi gặp được tình huống xe bị thiếu lái. Mình đã từng rơi vào tình huống này 1 lần duy nhất đó là sau tay lái của một chiếc xe dẫn động cầu trước, khi vào cua nhanh ở tốc độ 90 km/h. Điều kiện mặt đường trơn trượt cũng là một nguyên nhân góp phần làm giảm giới hạn hoạt động của một chiếc xe. Nếu lúc mặt đường khô 1 chiếc xe bắt đầu mất độ bám và thiếu lái ở tốc độ 90 km/h, thì khi trời mưa mặt đường ướt, không thuận lợi cho sự ma sát giữa lốp và mặt đường thì tốc độ khiến xe bắt đầu thiếu lái sẽ giảm xuống còn 80 hay 70 km/h.

Vậy thiếu lái có thể khắc phục bằng cách nào?

Thiếu lái xảy ra là do 2 bánh trước mất độ bám với mặt đường. Cách khắc phục tình trạng thiếu lái duy nhất là chúng ta cần giảm tốc độ của chiếc xe để 2 bánh trước có thể lấy lại được độ bám với mặt đường. Cách tốt nhất để giảm tốc độ trong tình huống này là nhả chân ga để chiếc xe từ từ giảm tốc độ. Không nên phanh gấp trong trường hợp này, vì phanh gấp sẽ xảy ra hiện tượng bó cứng phanh và đưa 2 bánh xe trước trở về trạng thái mất ma sát với mặt đường hay nói cách khác là phản tác dụng. Bên cạnh việc nhả chân ga cho xe giảm tốc độ từ từ, thì chúng ta cũng đồng thời trả vô lăng về hướng thẳng lái (ngược lại hướng ôm cua, và không cần về hẳn vị trí thẳng lái) một chút để giảm căng thẳng cho 2 bánh trước và giúp 2 bánh này lấy lại độ bám đường nhanh hơn. Đến khi cảm nhận xe bắt đầu lấy lại hoàn toàn độ bám với mặt đường thì chúng ta mới bắt đầu đánh lái nhiều hơn về phía ôm cua.

Những xe hiện nay đều có trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS nên trong những trường hợp vào cua tốc độ quá nhanh và việc giảm tốc bằng cách nhả chân ga tự nhiên không giúp lấy lại độ bám nhanh như mong muốn thì chúng ta có thể dậm thêm một chút phanh. Nhớ là chỉ một chút để hỗ trợ thôi, đừng phanh gấp. Hệ thống ABS lúc này sẽ nhận ra 2 bánh trước bị trượt và sẽ phân bổ lực phanh về 2 bánh sau nhiều hơn nên 2 bánh trước sẽ không bị bó dẫn đến tác dụng ngược là mất lực bám.

Tóm tắt lại khi bị thiếu lái thì hãy thực hiện theo 3 bước sau để khắc phục:

1. Lập tức nhả chân ga ra.
2. Trả vô lăng về hướng thẳng lái (ngược lại hướng ôm cua). Không cần về hẳn vị trí thẳng lái. Có thể dậm thêm 1 chút phanh nếu xe có ABS.
3. Khi xe bắt đầu lấy lại lực bám thì mới nên đánh lái nhiều hơn về phía ôm cua.

Nếu chưa hình dung thiếu lái và cách khắc phục như thế nào thì bạn có thể tham khảo thêm trong clip sau:


Dư lái

Không khó để đoán được dư lái là hiện tượng hoàn toàn ngược lại với thiếu lái. Dư lái xảy ra trong 2 trường hợp. Thứ nhất đó là khi vừa thoát khỏi chóp góc cua - apex (xem điểm B trong hình bên dưới) và chúng ta đột ngột thốc ga những chiếc xe dẫn động cầu sau. Thứ hai là khi chúng ta vào cua quá nhanh và đột ngột nhả chân ga gây ra hiện tượng chuyển dịch trọng lượng bất ngờ từ sau ra trước. Cả 2 trường hợp trên đều khiến 2 bánh xe sau làm nhiệm vụ dẫn động mất độ bám đường và hậu quả tất yếu là xe sẽ xảy ra hiện tượng văng đuôi hay tệ hơn là xe sẽ xoay vài vòng trên mặt đường. Dư lái thường bắt gặp ở những xe dẫn động cầu sau (RWD - Rear Wheel Drive), một số xe dẫn động 4 bánh và vài chiếc dẫn động cầu trước cá biệt.

Về cơ bản thì dư lái sẽ nguy hiểm hơn thiếu lái, nhưng lạ một nỗi là cái gì càng mạo hiểm thì con người chúng ta lại càng bị hấp dẫn. Đối với những ai mê tốc độ thì tính chất dư lái chính là yếu tố tạo nên sự vui vẻ đằng sau tay lái của một chiếc xe. Dựa vào hiện tượng dư lái cùng một chút thành thạo trong kỹ thuật countersteer (tham khảo thêm bên dưới) là chúng ta có thể tạo nên những đường drift đẹp mắt. Còn trong bộ môn đua xe thể thao thì những xe có tính chất dư lái thường mất ít thời gian để hoàn thành một khúc cua hơn những chiếc xe có tính chất thiếu lái và do đó nó sẽ có lợi thế để hoàn thành vòng đua sớm hơn.

oversteer 1.

Dư lái thật sự khó khắc phục hơn thiếu lái rất nhiều và để kiểm soát hiện tượng dư lái là điều không hề đơn giản tí nào đối với những tay lái bình thường như chúng ta. Khắc phục dư lái không hề giống với khắc phục thiếu lái là chỉ cần buông chân ga để chiếc xe chạy chậm lại và tăng độ bám ở 2 bánh bị mất trước đó, mà nó yêu cầu chúng ta phải thuần thục kỹ năng đánh lái Countersteer để giúp đưa chiếc xe vượt qua khúc cua trong tình trạng bị văng đuôi có kiểm soát và rồi lấy lại độ bám đường khi trở lại chuyển động thẳng sau đó.

Vậy Countersteer là gì?

Đó là kỹ năng đánh lái ngược lại hướng xe đang ôm cua với một lượng vừa đủ. Nếu đánh lái ngược quá ít thì sẽ không đủ để ngăn hiện tượng văng đuôi, còn đánh quá nhiều thì sẽ gây ra tác dụng ngược là khiến xe văng đuôi hay bị xoay theo hướng ngược lại. Kỹ năng đánh lái countersteer cần được luyện tập nhiều lần mới thành thạo được, vì phản ứng tay lái không đủ nhanh sẽ khiến đuôi xe văng đến một mức độ khó có thể kiểm soát.

Một mẹo nhỏ để thực hiện kỹ năng countersteer dễ dàng đó là đừng nhìn theo hướng chiếc xe đang lao về mà hãy nhìn về hướng bạn muốn chiếc xe đi đến và đánh lái theo. Ngoài ra, các bạn cũng có thể mớm nhẹ một ít ga để phần trọng lượng có thể chuyển bớt về sau xe và giúp 2 bánh sau nhanh lấy lại độ bám đường hơn.

oversteer-close-up.

Tóm lại, khi rơi vào tình huống dư lái sẽ có 3 điều chúng ta cần nhớ:

1. Nhìn về hướng bạn muốn chiếc xe đi đến
2. Đánh lái theo hướng đó, tức là ngược với hướng xe đang ôm cua
3. Nếu cần có thể mớm nhẹ ít ga để 2 bánh sau mau lấy lại độ bám đường

Nếu chưa hình dung dư lái và cách khắc phục như thế nào thì bạn có thể tham khảo thêm trong clip sau:


Dư lái có xuất hiện trên xe dẫn động cầu trước?

Câu trả lời là Có. Như các bạn cũng biết thiếu lái mới là tính chất tự nhiên của những xe dẫn động cầu trước, nhưng cũng có những mẫu xe hot hatch cá biệt như Peugeot 205 GTi, Renault Clio Cup hay Ford Focus ST được nhà sản xuất set up để thiên về dư lái nhiều hơn nhằm mang lại niềm vui sau tay lái và đạt hiệu năng tốc độ cao hơn. Sẽ không khó hiểu vì cả 3 chiếc trên đều là xe dùng để đua (track car) hay là xe để người lái thỏa mãn niềm vui sau tay lái (driver car).

Ford-Focus-ST.

Lấy điển hình chiếc Focus ST, bí kíp để cho chiếc xe cầu trước này có thể dư lái được là do Ford trang bị cho nó hệ thống Torque Vectoring Control nhưng với một chút điều chỉnh nhỏ trong phần thuật toán. Để khi chiếc xe vào cua hệ thống Torque Vectoring Control sẽ bổ sung lực phanh cho bánh trước ở phía trong và giúp cho hiện tượng văng đuôi dễ xảy ra hơn. Bên cạnh đó, Ford cũng tăng cứng cho 2 giảm xóc bánh sau và trang bị 1 thanh giằng (swaybar) giữa trục sau dày hơn nhằm làm cho 2 bánh sau nhanh mất độ bám đường hơn và có thể giúp người lái thực hiện những cú drift như mong muốn.

Khắc phục dư lái trên xe dẫn động cầu trước hay dẫn động 4 bánh cũng có cùng nguyên tắc với những xe dẫn động cầu sau.

Đề phòng hiện tượng mất lái như thế nào?

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Dẫu biết cơ may rơi vào tình huống mất lái trong điều kiện đường bình thường là rất thấp, nhưng tốt hơn hết chúng ta nên biết cách để tránh rơi vào những tình huống như vậy. Vì thiếu lái hay dư lái đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Có một số cách độ xe giúp giảm thiểu hiện tượng thiếu lái hay dư lái như mong muốn, tuy nhiên nó sẽ không được thực tế lắm. Vì người ta chỉ độ như vậy cho những xe chạy track hay những ai đam mê tốc độ mới cần đến những set up như vậy cho chiếc xe chạy nhanh của mình. Chắc chắn mình sẽ giới thiệu các hạng mục đó trong phần 2 của loạt bài Nhập môn độ xe, còn trong phạm vi bài này mình chỉ chia sẻ những lưu ý để chúng ta có thể tránh được những tình huống mất lái.

1. Không nên vào cua ở tốc độ quá nhanh hay ôm cua quá gấp. Khi trời mưa, đường ướt cần phải chủ động giảm tốc độ nhiều hơn.

2. Khi vào cua đừng phanh gấp hay dứt/nhồi ga đột ngột vì hiện tượng chuyển dịch trọng lượng bất ngờ giữa phần trước và sau xe có thể gây ra những tình huống mất lái nguy hiểm.

3. Đừng tắt các hệ thống hỗ trỡ ổn định thân xe điện tử như ESP/VSC/VSA/DSC...(mỗi hãng xe gọi theo một cách khác nhau, nhưng nó đều có tính năng giống nhau) khi di chuyển trong điều kiện đường xá bình thường. Đây sẽ là những vị cứu tinh của bạn để ngăn ngừa những tình huống mất lái. Tuy nhiên chúng ta cũng cần biết là hệ thống ổn định thân xe chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không có khả năng ngăn ngừa hoàn toàn. Dù sao có nó hoạt động thì vẫn yên tâm hơn.

163fi-toyota-vsc-940x529.Hệ thống ổn định thân xe điện tử là tính năng an toàn không thể thiếu trên những mẫu xe hiện đại
Các hệ thống ổn định thân xe thường can thiệp bằng cách tự hạn chế tốc độ di chuyển của xe. Vì thế các hãng xe thường trang bị 1 công tắc để tắt hệ thống này là để phục vụ cho nhu cầu đam mê tốc độ của 1 số đối tượng khách hàng.

eos_safety_1_large.Scion FR-S 2013_147.
Nhớ là đừng bao giờ thử tắt các hệ thống này. Nếu không ghi rõ là VSC/VSA/ESP OFF thì cách dễ nhận biết nhất là các nút có hình xe bị trượt kèm chữ OFF thường là công tắt để tắt các hệ thống ổn định thân xe

7155607_orig.
Một số xe như BMW thì hệ thống ổn định điện tử thân xe gọi là DSC (Dynamic Stability Control) sẽ tích hợp cùng hệ thống DTC (Dynamic Traction Control). Nhấn giữ nút DTC trong 3 hoặc 4 giây sẽ tắt đi hệ thống DSC. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tha hồ drift hay trình diễn những kỹ thuật nâng cao mà trước đó bị hệ thống DSC giới hạn.