Mời quan sát nguyệt thực toàn phần diễn ra vào lúc 17h45 ngày hôm nay
8/10/2014
Mời các bạn quan sát nguyệt thực toàn phần dự kiến sẽ diễn ra từ 17h45, chiều tối ngày hôm nay 8/10/2014, khi Mặt Trăng bắt đầu mọc lên từ chân trời phía Đông. Đây là một trong những hiện tượng thiên văn hiếm gặp và đáng mong đợi nhất trong năm nay. Đồng thời, đây cũng là lần nguyệt thực thứ 2 trong bộ tứ nguyệt thực liên tiếp diễn ra trong 2 năm 2014-2015.
Nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất cùng nằm trên một đường thẳng, Mặt Trăng đi vào chóp bóng của Trái Đất và đối diện với Mặt Trời. Khi nguyệt thực toàn phần diễn ra, ánh sáng Mặt Trời trước khi chiếu đến Mặt Trăng đã bị khí quyển của Trái Đất khúc xạ, các ánh sáng bước sóng ngắn đã bị cản lại, chỉ còn ánh sáng bước sóng dài xuyên qua. Khi đó, Mặt Trăng sẽ ửng lên một màu đỏ ửng đẹp mắt trên bầu trời nên hiện tượng này còn được gọi là "huyết nguyệt" hay "mặt trăng máu".
Ben Burress, nhà thiên văn học tại Trung tâm khoa học vũ trụ Chabot tại Oakalnd, California cho biết: "Đây là một cảnh tượng hiếm gặp và tuyệt vời để quan sát. Nhiều nền văn hóa trong quá khứ thường xem nguyệt thực là một hiện tượng đáng sợ, như điềm báo trước về điều tồi tệ sắp xảy đến. Tuy nhiên ngày nay, tất cả các luận điểm trên đều bị hiểu biết khoa học bác bỏ và những gì còn lại chỉ là thưởng thức một cảnh tượng thiên văn tuyệt đẹp."
Tại sao "trăng máu" lại hiếm?
Mặt Trăng sẽ ửng lên một màu đỏ ửng đẹp mắt trên bầu trời nên hiện tượng này còn được gọi là "huyết nguyệt" hay "mặt trăng máu"
Như đã đề cập bên trên, nguyệt thực diễn ra khi Mặt Trăng đi vào chóp bóng phía sau Trái Đất. Quỹ đạo của Mặt Trăng là 28 ngày/vòng. Vậy tại sao Mặt Trăng không bị che khuất mỗi khi nó di chuyển qua phía sau Trái Đất để có nguyệt thực thường xuyên hơn? Vấn đề ở đây là do quỹ đạo nằm nghiêng của Mặt Trăng nên thường bị lệch ra khỏi đường thẳng nối Mặt Trời và Trái Đất. Việc Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất cùng nằm trên một đường thẳng, 1 điều kiện của nguyệt thực, chỉ diễn ra 1 vài lần mỗi năm."
2014 là 1 trong những năm hiếm hoi sở hữu cùng lúc nhiều nguyệt thực. 8/10 là lần nguyệt thực thứ 2 trong năm nay, và cũng là lần thứ 2 trong bộ 4 nguyệt thực toàn phần liên tiếp diễn ra trong 2 năm 2014-2015. Và mô hình bộ 4 nguyệt thực này sẽ không lặp lại trong ít nhất là 20 năm nữa.
Khi nào hiện tượng sẽ chính thức bắt đầu?
Nguyệt thực sẽ diễn ra theo tuần tự các pha khác nhau tương ứng với quá trình Mặt Trăng dần dần tiến vào chóp bóng của Trái Đất (còn gọi là phần bóng tối hoàn toàn). Khi đó, Mặt Trăng sẽ tối đi và có màu đỏ sẫm (khi nằm trong bóng tối hoàn toàn) hoặc màu đỏ nhạt (khi nằm trong vùng nửa tối).
Rất may mắn, Việt Nam chúng ta nằm trong vùng tối trong thời gian diễn ra nguyệt thực nên có thể quan sát được một phần của hiện tượng độc đáo này
Nguyệt thực lần này sẽ bắt đầu pha một phần vào lúc 16h15. Lúc này bóng tối hoàn toàn sẽ bắt đầu lan rộng trên Mặt răng, di chuyển từ trái sang phải. Pha toàn phần sẽ bắt đầu vào lúc 17h25 và sẽ đạt cực đại vào 17h55. Cuối cùng, pha toàn phần sẽ kết thúc vào lúc 18h24. (Tất cả các mốc thời gian trên đã được chuyển đổi sang giờ Việt Nam). Tính theo thời điểm trăng bắt đầu mọc tại Việt Nam là 17h25 và mọc lên từ đường chân trời phía Đông. Do đó, để quan sát, các bạn nên chọn địa điểm trông ra hướng Đông thoáng đãng, ít mây và thời điểm quan sát từ 17h45, khi Mặt Trăng đã lên cao hơn so với đường chân trời.
Trong suốt quá trình diễn ra nguyệt thực, chúng ta hoàn toàn có thể dùng mắt thường để quan sá hiện tượng mà không cần phải dùng công cụ hỗ trợ nào. Tuy nhiên, nếu có các thiết bị chuyên dụng như kính thiên văn hoặc ống nhóm,... thì trải nghiệm quan sát sẽ hấp dẫn hơn nữa.
Nguyệt thực lần tới là khi nào?
Ngày 8/10/2014 là lần nguyệt thực thứ 2 trong bộ 4 nguyệt thực toàn phần diễn ra trong 2 năm. Nếu không có cơ hội thưởng thức vào ngày 8/10/2014, các bạn có thể chờ tới lần tiếp theo vào ngày 15/4/2015 hoặc sau đó nữa là vào 28/9/2015. Tuy nhiên, hiện giờ mình vẫn chưa tìm được thông tin là nguyệt thực những lần tới có thể được quan sát tại Việt Nam hay không.
Cuối cùng, hy vọng rằng bầu trời chiều tối nay sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho chúng ta quan sát hiện tượng thiên văn thú vị này. Nếu có bạn nào chụp được ảnh của nguyệt thực lần này thì cũng đăng xuống bên dưới để các bạn khác cùng thưởng thức nhé. Chúc vui.