Thực ra cái tai nghe HBS 730 này không mới, vì nó ra đời tuốt năm 2012 (tháng 12), tính đến giờ cũng 8-9 tháng rồi. Cái 730 này có thiết kế gần như in hệt cái đời trước là HBS 700, mình đọc được ở trên mạng thì nói là 730 đã loại bỏ được những nhược điểm của 700 (mặc dù mình không biết là điểm nào, do mình không tìm hiểu).
Dùng cái tai nghe này được gần 10 ngày, và mình có thể khẳng định là mình hài lòng, vì vậy mình xin đưa trước luôn cái bảng tổng kết lên đầu bài để các bạn dễ xem, bạn nào thích đọc chi tiết thì đọc tiếp phía dưới.
Đánh giá chi tiết
Thiết kế
Các bạn cũng thấy trong hình, thiết kế của cái 730 này có thiết kế khá lạ so với thông thường, nhìn nó giống như một cái móng ngựa, hoặc một chữ U, các bạn đeo nó quàng qua cổ chứ không phải vòng ra sau tai. Lúc đầu mình cho rằng thiết kế này khá khó chịu, nhưng dùng vài chục phút thì mình quên hẳn luôn, so với hồi xài cái Plantronics 903+ thì hài lòng hơn nhiều, cái 903 nó quá to, đeo vô thì coi như khỏi đeo mắt kiếng luôn! và cái thiết kế nút bấm của 903 cũng khó làm quen hơn so với em LG 730 này.
Thêm hình thiết kế
Do thiết kế đặc thù này, các bạn khó có thể cất hoặc xếp gọn cái tai nghe nếu không dùng, thường thì khi về nhà mình phải để lên kệ, nơi mà mình thường hay xếp rất ngăn nắp các thiết bị điện tử của mình bằng cách quăng đại lên đó, và hôm sau lục tung lên để tìm.
Mình khuyên là nên đeo tai nghe này với các áo có cổ, như vậy thì có thể dấu nó phía dưới cổ áo mà không ai để ý, còn khi mặc áo không có cổ thì cũng không tới nỗi nào lắm.
Các chức năng của tai nghe này, thì theo như giới thiệu, nó có khả năng hỗ trợ chờ cuộc gọi, từ chối cuộc gọi, giảm tiếng vang, giảm ồn, text to speech (android thôi, phải cài thêm app) gọi lại số cuối, tự động kết nối lại, và kết nối được 2 máy.
Công nghệ âm thanh thì có: A2DP (Advanced Audio Distribution Profile), AVRCP (Audio/Video Remote Control Profile) và apt-X
Sử dụng:
Trong hộp tai nghe sẽ kèm theo cho bạn cục sạc và 3 cặp silicon để vừa tai bạn nhất, cái mình nhận được thì chỉ có 1 cặp thôi, chắc trong quá trình đưa tai nghe về cho mình bạn tốt của mình là Sonlazio đã giúp mình làm nó biến mất, tuy nhiên may mắn là cặp silicon còn lại vừa vặn với tai mình, không có gì phàn nàn. Earbud nằm vừa vặn trong tai, sử dụng lâu không cấn, không khó chịu.
Một trong những điểm mình thích là tai nghe thông báo cho mình bằng tiếng nói, ví dụ kết nối thì nó nói "connected", pin còn 1 nữa thì nó nói Battery half (hay gì đó) dù sao cũng hơn cái tiếng bíp bíp nhàm chán.
Sau khi ghim sạc (khoảng 2 tiếng) và sử dụng đến nay, pin còn 1 nửa, đã 10 ngày trôi qua, với mình như vậy là hài lòng rồi. Mình sử dụng là sáng đi làm nghe nhạc / bài học khoảng 30p cho đến cơ quan thì tắt nhạc, vẫn kết nối nguyên ngày, chiều về mở nhạc / bài học nghe tiếp, đến nhà thì tắt hẳn, sáng hôm sau lập lại hành trình đó.
Tuy pin còn 1/2 nhưng chất lượng audio không bị giảm sút, mình đang chờ xem khi pin yếu chất lượng thoại và nghe nhạc có giảm không và sẽ cập nhật.
Một điều mình cũng thích là cái này có thể sử dụng với 2 máy điện thoại, pair thì cũng đơn giản, pair cái thứ 1 xong, tắt tai nghe, bật lại và pair cái thứ 2, vậy là xong, lúc pair không cần nhập mật khẩu (0000)
Các nút bấm to chia đều 2 bên sử dụng khá dễ dàng, khi chạy xe máy, mình mặc áo khoác và kéo dây kéo kín, tai nghe nằm dưới áo khoác và mình vẫn sử dụng bình thường, không khó.
Chất lượng âm thanh:
A. Chất lượng nghe nhạc: Hài lòng
Mình nghe nhạc với iPhone 5, nguồn nhạc là ALAC
Mình thực sự ngạc nhiên khi lần đầu nghe nhạc bằng 730, chất lượng âm thanh phải nói là rất tốt, âm thanh sắc, gọn, sáng, khá chi tiết.
Tai nghe này theo mình thể hiện tốt phần trung và cao, tiếng hát ca sĩ, nhạc cụ dây được thể hiện rất tốt, các album của Norah Jones và Lê Cát Trọng Lý được thể hiện khá hài lòng đối với mình.
Phần tái tạo không gian thì 730 chưa nổi bật lắm, bạn sẽ thấy không gian phòng nghe dường như hẹp hơn thực tế khi nghe các bài live, nhạc sĩ và nhạc cụ và ca sĩ dường như ngồi gần nhau hơn, tuy nhiên với nhiều người vấn đề này là nhỏ nhặt thậm chí chưa hề để ý tới.
Mình quên nói là tai nghe này có equalizer đi kèm theo, các bạn có thể chuyển chế độ equalizer bằng cách nhấn giữ nút qua bài, mình không sử dụng tính năng này, nhưng các bạn thích nghe nhạc có thêm một tí bass có thể sẽ thích.
Một điểm cộng với tai nghe này theo cá nhân mình đó là, nếu bạn nghe nhạc có bitrate thấp, nhạc sẽ lộ rõ nhược điểm, các bạn sẽ "thấy" được nhạc bị nén ra sao, mình ít khi thấy các tai nghe tầm trung đạt được mức độ chi tiết này. Các bạn chú ý sử dụng nhạc được nét bitrate cao một tí thì sẽ hài lòng với 730.
B. Chất lượng thoại: Khá hài lòng
Chất lượng thoại đối với mình là khá hài lòng, mình nghe rõ bên kia nói và bên kia cũng nghe rõ mình nói, tuy nhiên khi gọi, mình phải hơi nới lỏng tai nghe, kẻo tiếng nói dội thẳng vào tai thì điếc luôn.
Trên hộp nói tai nghe này hỗ trợ HD Audio, nhưng mình thấy chất lượng cuộc gọi thực sự tốt chỉ xảy ra khi mình facetime audio với vợ, còn gọi bình thường thì chất lượng cũng bình thường, tức là giống với việc bạn nghe trực tiếp trên loa điện thoại. Ở môi trường ồn ào thì đôi khi tiếng nói điện thoại của bạn bị méo đi một vài giây, và bên kia vẫn nghe được tiếng ồn.
Khi đi ngoài đường, người bên kia vẫn có khả năng nghe mình nói gì, tuy nhiên họ nói là sao ồn quá, khi mình dừng xe lại thì tình hình khá hơn.
Tổng kết:
Ưu điểm: Thiết kế lạ nhưng sử dụng thoải mái, chất lượng thoại chấp nhận được, chất lượng nghe nhạc tốt đến rất tốt, hỗ trợ 2 điện thoại, pin xài lâu, tai nghe có rung khi nhận cuộc gọi.
Nhược điểm: Tai nghe không thay thế được, nếu chẳng may làm đứt thì chắc phải mua cái mới hoặc dùng băng keo dán lại.
Tóm lại, đây là một tai nghe đáng giá (giá bên Mỹ hiện tại khoảng 60$) giá chính hãng ở VN là 1,6tr, chấp nhận được so với những gì tai nghe này thể hiện, phù hợp cho các bạn yêu nhạc vì chất lượng nhạc tốt, sử dụng thoải mái, pin lâu.
Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013
Đánh giá Tone+ 730, tai nghe bluetooth đáng giá của LG
Microsoft - Nokia: kế hoạch của Steve Ballmer, mục tiêu của Microsoft và những ảnh hưởng tiêu cực
Có lẽ sau ngày 3/9, thông tin Microsoft mua lại mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia sẽ còn tiếp tục để dại dư âm trong một thời gian dài sắp tới. Việc Microsoft từ bắt tay với Nokia cho đến mua lại tập đoàn này đã khiến cho nhiều người cảm thấy vô cùng bất ngờ và sửng sốt. Có thể nói rất ít ai có thể nghĩ đến viễn cảnh này, viễn cảnh mà ở đó thương hiệu Nokia sẽ không bao giờ còn tồn tại trên các thiết bị di động nữa, thế nhưng, với Steve Ballmer, thương vụ này không có gì là ngạc nhiên cả và mọi thứ đều đã được ông vạch sẵn ra từ trước. Vậy cụ thể thì thương vụ Microsoft mua Nokia bắt đầu từ khi nào?. Trang The Verge đã có một cuộc trò chuyện nhanh với Ballmer, và nội dung chi tiết sẽ được đề cập trong bài này.
Ngoài ra, bài viết này cũng sẽ nêu lên một số nội dung liên quan đến thương vụ Microsoft - Nokia. Để tiện theo dõi, chúng ta sẽ có ba mục chính như sau:1. Steve Ballmer và kế hoạch "to lớn" của ông.
- Nội dung chi tiết cuộc trò chuyện giữa Ballmer và The Verge: nói về kế hoạch mua Nokia.
- Mục tiêu của Microsoft với mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia sau khi thâu tóm tập đoàn Phần Lan này.
- Thương vụ Microsoft - Nokia và sự ảnh hưởng của nó đến thế giới Android.
"Gừng càng già càng cay" - có lẽ đây là câu nói đúng nhất khi nói đến Steve Ballmer. Trước khi rời bỏ chức vụ CEO Microsoft, ông đã kịp thời thực hiện một thương vụ đình đàm và gây chấn động giới công nghệ. Tuy nhiên, một số người cho rằng đây thực chất là một sự thoả thuận ngầm từ lâu giữa Ballmer và Stephen Elop - CEO cũ của Nokia - bởi một khi Microsoft mua lại Nokia, Elop sẽ trở thành người của tập đoàn công nghệ Mỹ và việc ông trở thành vị CEO kế tiếp của Microsoft là điều rất dễ xảy ra. Tất nhiên, Ballmer không hề đồng ý với quan điểm trên, cụ thể hơn, ông cho biết:
"Hội đồng quản trị của công ty vẫn sẽ cho phép các ứng viên nội bộ, cũng như ứng viên bên ngoài công ty tự ứng cử vào vị trí CEO mới. Chúng tôi muốn quá trình tuyển chọn này phải được nhiều người biết đến, vì vậy tất cả mọi người dù bên trong hay ngoài công ty vẫn có thể ứng cử. Stephen Elop rõ ràng đã từ một ứng viên bên ngoài công ty trở thành một ứng viên nội bộ, thế nhưng Microsoft vẫn sẽ cho phép tất cả mọi người tự ứng cử. Họ (hội đồng quản trị) sẽ thực hiện việc này một cách bí mật - đó là một cách hợp lý cho ban quản trị thực hiện công việc của họ".
Tuy nhiên, nội dung trên đã khẳng định Elop nằm trong danh sách lãnh đạo có khả năng kế vị Ballmer.
Bản hợp đồng mua lại Nokia thực chất đã được đề cập và tiến hành trước khi Steve Ballmer công bố thôi giữ chức vụ CEO của Microsoft trong vòng 12 tháng tới
Cũng theo Steve Ballmer, bản hợp đồng mua lại Nokia thực chất đã được đề cập và tiến hành trước khi ông công bố thôi giữ chức vụ CEO của Microsoft trong vòng 12 tháng tới. "Trước khi tôi tuyên bố những kế hoạch của tôi, một thời gian ngắn trước đó, tôi đã gọi Risto (Chủ tịch HĐQT của Nokia) bởi vì tôi muốn anh ấy phải hiểu rằng thương vụ này sẽ cực kỳ quan trọng với toàn bộ công ty mặc dù đó là kế hoạch của riêng bản thân tôi, tôi nhận thấy rằng việc mua lại Nokia rất phù hợp với chiến lược của Microsoft và ban giám đốc công ty. Đó không phải là hành động của tôi, tôi muốn tất cả mọi người phải biết về bản hợp đồng này trước khi nó được hoàn tất. Tôi cũng đã nói chuyện với Stephen Elop về bản hợp đồng này, mọi người đều tỏ ra phấn khởi về thương vụ này và về việc Elop sẽ gia nhập Microsoft. Đó là tất cả những gì diễn ra và ban giám đốc của Microsoft sẽ tiếp tục độc lập thực hiện một vài việc làm hợp lý tiếp theo.Ballmer cho biết ông ấy cảm thấy việc mua lại Nokia là một phần trong những kế hoạch dài hạn của Microsoft. Ballmer gợi ý rằng mối quan hệ chặt chẽ với Nokia trong vài năm trước thực chất là để thử nghiệm xem thử Nokia có đáng để Microsoft bỏ tiền ra mua hay không. Và kết quả thế nào thì ai cũng đã rõ.
"Tôi sẽ không nói rằng điều này luôn luôn nằm trong những kế hoạch. Chúng tôi đã nghĩ về thương vụ này trong suốt nhiều năm trước, chúng tôi đã nghĩ về những khả năng và những chiến lược nhằm chắc chắn rằng Microsoft sẽ thành công trong mảng di động. Trong khoảng 2 năm về trước, Nokia lúc đó đã quyết định tìm kiếm những cơ hội bên ngoài cũng như những cơ hội của chính mình. Và ngay lập tức chúng tôi (Microsoft) chớp ngay thời cơ này để thiết lập nên mối quan hệ hợp tác chiến lược, và chúng tôi đã đầu tư vào mối quan hệ này. Chúng tôi rất yêu thích sự bắt tay giữa Nokia và Microsoft".
"Vào thời điểm đầu năm nay, có một điều tôi nhận thấy khá rõ ràng đó là một thương vụ mua bán có lẽ sẽ là một cách để tăng tốc. Tôi đã gọi cho Risto vào khoảng thời gian tháng 1 hay đầu tháng 2 năm nay. Chúng tôi đã gặp nhau tại sự kiện Mobile World Congress. Anh ấy (Risto) muốn chắn chắn rằng chúng tôi đã tận dụng hết tất cả những khả năng có thể được bởi vì chúng ta đang tiến tới việc trở thành những đối tác trong bất kỳ điều kiện nào, dù có hay không việc ký một bản thương thảo hay một sự điều chỉnh nào khác đến mối quan hệ hợp tác của hai bên. Tôi nghĩ rằng đó là một nhiệm vụ rất có giá trị bởi nó đã thực sự chỉ ra những yếu tố cốt lõi trong việc giúp chúng tôi đẩy mạnh sự hợp tác giữa hai công ty".
Ballmer nói thêm rằng Microsoft không chỉ quan tâm đến bộ phận phần cứng, mà còn rất hứng thú và muốn đầu tư mạnh mẽ vào mảng dịch vụ của Nokia. "Mọi người sẽ tập trung vào mảng điện thoại. Tôi nghĩ sẽ thực sự quan trọng khi mà chúng tôi có thể thiết lập nên những khả năng vô cùng sáng tạo, cụ thể ở đây là làm việc với dịch vụ định vị vị trí, Here - đáng tiếc là chúng tôi không mua lại mảng này. Tuy nhiên, thương vụ mua Nokia sẽ giúp chúng tôi thực hiện nhiều hơn những giải pháp sáng tạo, độc đáo bởi những dữ liệu cùng công nghệ cốt lõi tuyệt với của Here cũng là một phần vô cùng quan trọng trong bản hợp đồng mua lại Nokia. Chúng tôi mong muốn trở thành một trong những khách hàng lớn của Here".
"Nokia vẫn sẽ là một công ty và nó vẫn tiếp tục như vậy, Nokia sẽ vẫn là một tập đoàn phát triển bộ phận hạ tầng mạng lưới, bản đồ và những công nghệ tiên tiến khác. Nhưng đội ngũ mà chúng tôi đã mua được từ Nokia sẽ được Stephen chỉ đạo, và ông cũng là người dẫn đầu bộ phận thiết bị phần cứng của Microsoft, bên cạnh đó, Windows Phone với dòng sản phẩm Lumia sẽ là đầu tàu".
Ballmer cho rằng việc mua lại Nokia sẽ giúp cho quá trình tiến sâu vào thị trường di động của Microsoft sẽ trở nên dễ dàng và đơn giản hơn.
Ballmer cho rằng việc mua lại Nokia sẽ giúp cho quá trình tiến sâu vào thị trường di động của Microsoft sẽ trở nên dễ dàng và đơn giản hơn. "Tôi nghĩ chúng tôi đã làm tốt công việc của mình. Chúng tôi không hề ngờ nghệch về khối lượng công việc ngay trước mặt chúng tôi. Điều quan trọng ở đây chính là lèo lái số lượng thiết bị. Việc lèo lái số lượng thiết bị sẽ khuyến khích hệ sinh thái phần cứng và phần mềm phát triển. Chúng tôi đã thấy khả năng tăng tốc sự sáng tạo và linh hoạt trong mảng phần cứng và phần mềm. Chúng tôi nghĩ rằng việc tạo nên một thương hiệu cùng dòng sản phẩm giúp khách hàng tiếp cận một cách dễ dàng, đơn giản hơn, và việc có thể đầu tư với sự linh hoạt cao hơn sẽ giúp chúng tôi tiếp tục gia tăng thị phần và vị trí hiện tại trên thị trường smartphone - một yếu tố gián tiếp giúp cải thiện số lượng và chất lượng ứng dụng trên WP".
Cuối cùng, có một câu hỏi đặt ra ở đây là liệu việc mua lại Nokia sẽ khiến cho các hãng OEMs khác cảm thấy như bị Microsoft bỏ rơi trong mảng Windows Phone hay không? Ballmer dự đoán vô cùng lạc quan - mặc dù thật khó để tưởng tượng rằng HTC và Samsung đang nổi nóng về mảng Windows Phone trong khoảng thời gian này, thế nhưng "chúng tôi thực sự có một cơ hội để mang đến những cơ hội tốt hơn cho các hãng OEMs". "Điều quan trọng nhất trong việc tạo cơ hội cho các OEMs chính là một thị trường rộng lớn. Và đội ngũ điện thoại của chúng tôi sẽ soi sáng con đường đó". Ballmer cũng tiết lộ rằng một số hãng OEMs hợp tác với Microsoft đang tích cực bắt tay vào việc tập trung phát triển tablet, PCs, hay All-in-One,...
Phần 2: Mục tiêu của Microsoft với mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia sau khi thâu tóm tập đoàn Phần Lan.
Microsoft không phải là một tay mơ và việc họ mua lại Nokia đều có mục đích và lý do tất yếu, mà cụ thể ở đây chính là mong muốn tiết kiệm cho công ty khoảng 600 triệu đô chỉ trong 18 tháng đầu tiên và có thể mở rộng thị phần của Windows Phone lên 15% so với hơn 4% hiện tại vào năm 2018. Cụ thể hơn là như thế nào?
Việc mua lại Nokia đã đem đến cho Microsoft một số lượng khổng lồ các bằng sáng chế, và kể từ bây giờ họ đã có thể áp dụng chúng trực tiếp lên các sản phẩm của mình. Rõ hơn, Microsoft đã có thể sử dụng dữ liệu từ công nghệ bản đồ Nokia Here mà không phải tốn một xu nào (trước đây Microsoft buộc phải trả phí hằng năm). Theo đó, Microsoft nhận thấy rằng những dịch vụ bản đồ và địa lý sẽ đóng vai trò cốt lõi trong những chiến lược sắp tới của hãng, và tập đoàn công nghệ Mỹ cho rằng cần phải có "một sự thay thế hiệu quả đối với Google" và phải nhiều hơn là "một bản đồ điện tử của thế giới". Microsoft cũng chỉ ra rằng lượng bằng sáng chế của Nokia là cực kỳ có giá trị - và sẽ là nguồn cung lớn cho công ty trong tương lai không xa. Theo hướng ngược lại, Microsoft nói rằng các bằng sáng chế tiện ích của Nokia có quyền sử dụng giấy phép từ Microsoft mà không bị ràng buộc về thời gian.
Để các bạn dễ hình dung hơn về nguồn lợi mà Microsoft có thể nhận được khi mua Nokia, chúng ta hãy cùng xem Microsoft tính toán: công ty nghĩ rằng họ có thể tiết kiệm được khoảng 600 triệu đô chỉ trong 18 tháng đầu tiên, bởi trước đây khi vẫn còn là đối tác, Microsoft chỉ kiếm được ít hơn 10$ cho mỗi máy WP bán ra trên thị trường. Tuy nhiên, khi đã đưa Nokia cùng dây chuyền sản xuất vào với mình, tập đoàn Mỹ sẽ có thể kiếm được hơn 40$/máy. Như vậy, họ thu được nhiều hơn 30$/máy và tất nhiên tiền cũng từ đó mà sinh ra.
Mục tiêu của Microsoft là tiết kiệm khoảng 600 triệu đô chỉ trong 18 tháng đầu tiên và có thể mở rộng thị phần của Windows Phone lên 15% so với hơn 4% hiện tại vào năm 2018
Kế đến là mục tiêu đưa Windows Phone trở nên phổ biến hơn. Sau nhiều năm phát triển và có những bước tiến đáng kể, Windows Phone đã dần dần thay thế BlackBerry ở vị trí thứ ba trên thị trường smartphone. Theo Microsoft, mặc dù không hề bỏ rơi những nhà sản xuất khác làm Windows Phone sau thương vụ mua lại Nokia, thế những tập đoàn Mỹ nhận ra rằng cần phải tập trung nhiều hơn vào dòng smartphone "tuyệt vời" từ Nokia nếu như họ muốn đẩy mạnh doanh số của Windows Phone trên toàn thế giới. Và Microsoft tin rằng một khi Windows Phone trở nên lớn mạnh, những hãng OEMs khác ngoài Nokia sẽ nhận ra nhiều cơ hội từ việc phát triển thiết bị chạy WP.
Trên thực tế, chiến lược trên của Microsoft là khá hợp lý bởi trọng khoảng thời gian ngắn trở lại đây, lượng máy Lumia bán ra trên toàn cầu liên tục tăng (40% mỗi quý) - và với những dòng Lumia cao cấp và đầy tiềm năng kế tiếp như Lumia 1020, hay Lumia Bandit, nhiều khả năng Nokia sẽ là còn gà đẻ trứng vàng cho Microsoft không bao lâu nữa.
Phần 3: Thương vụ Microsoft - Nokia và sự ảnh hưởng của nó đến thế giới Android.
1. Số phận của những hãng OEMs sản xuất thiết bị Windows Phone.
Microsoft luôn luôn khẳng định hãng sẽ không bỏ rơi những hãng OEMs khác mặc cho đã mua lại Nokia. Thế nhưng hãy nhìn vấn đề một cách thực tế hơn: trong một cuộc chơi (ở đây là Windows Phone), gồm nhiều người chơi (OEMs), nhưng trong đó lại có một kẻ mạnh nhất, nổi trội nhất (Nokia), và bây giờ kẻ khởi xướng cuộc chơi (Microsoft) lại thâu tóm kẻ mạnh nhất để chi phối toàn bộ cuộc chơi, liệu những OEMs khác có còn mặn mà với trò chơi mang tên Windows Phone?.
Hãy xem cách mà Samsung và HTC tiếp cận với Windows Phone, họ chỉ sản xuất vài ba smartphone chạy nền tảng này và mặc nhiên không quan tâm nhiều lắm đến chúng. Có thể thấy những HTC 8X, 8S hay Ativ S chỉ là những quân bài thử nghiệm của cả hai ông lớn trên với một Windows Phone mới mẻ. Thế nhưng, doanh số bán ra không như kỳ vọng và Nokia quá mạnh đã khiến cho cả HTC lẫn Samsung quay trở lại cuộc chơi chính của họ: Android.
Có thể bạn sẽ nói rằng ở Android, Samsung cũng quá mạnh không khác gì Nokia ở WP, thế nhưng điểm khác biệt ở đây chính là những OEMs khác như LG, HTC hay Sony vẫn tìm kiếm được những cơ hội cạnh tranh, vẫn tìm kiếm được nguồn lợi nhất định từ những sản phẩm Android của họ. Đến đây thì chúng ta lại có một ý kiến khác: Những HTC, Sony hay LG còn đang chật vật để cạnh tranh với Samsung trong thế giới Android, thì còn tâm trí nào để dòm ngó sáng Windows Phone vốn đã không còn "công bằng".
2. Mảng doanh nghiệp
Microsoft luôn là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực giải pháp dành cho doanh nghiệp. Thế nhưng, với thương vụ Nokia, Microsoft nhiều khả năng sẽ nghĩ đến việc tích hợp những giải pháp doanh nghiệp vào nền tảng di động - và tất nhiên đây là điều khiến cho những hãng khác không cảm thấy vui vẻ gì bởi họ biết rằng sẽ rất khó cạnh tranh với Microsoft về lĩnh vực này.
3. Asha
Có một thực tế là Nokia đã làm rất tốt công việc của mình trong việc phổ biến dòng điện thoại giá rẻ Asha tại những thị trường đang nổi như Ấn Độ hay các nước Châu Á. Không ngoa khi nói rằng Asha vẫn luôn là mảng đem lại nguồn tiền ổn định cho Nokia bất chấp hãng này vẫn ưu tiên những smartphone Windows Phone.
Tất nhiên Microsoft cũng có thể thực hiện như Nokia bây giờ: phát triển dòng Asha và tập trung hơn vào mảng Windows Phone. Tuy nhiên họ cần phải đầu tư và quan tâm một cách đúng mực về thị trường giá rẻ đầy tiềm năng này - vốn đang chịu sự cạnh tranh từ những thiết bị Android giá rẻ.
4. Microsoft thâu tóm Nokia vì một số lý do khác?
Việc Microsoft mua lại Nokia không chỉ vì công nghệ và muốn thúc đẩy Windows Phone, họ có thể còn muốn số bằng sáng chế của Nokia có thể bảo vệ công ty trước nhiều vụ kiện tụng - đây là cách làm khá giống với Google khi họ mua lại mảng di động của Motorola.
Bên cạnh đó, việc Microsoft thâu tóm Nokia như là một động thái tự biến mình trở thành một công ty tương tự như Apple - đó là quản lý toàn bộ sản phẩm từ đầu đến cuối: từ phần cứng đến phần mềm, từ thiết kế đến trải nghiệm. Mô hình này rõ ràng mang lại hiệu quả về chi phí sản xuất, đồng thời giúp Microsoft có thể kiểm soát từng thiết bị Windows Phone, tuy nhiên doanh số bán ra mới là quan trọng, và để chứng tỏ thương vụ này là hợp lý, Microsoft cần phải cho thấy kết quả tài chính cùng tình hình bán ra các thiết bị di động chạy WP một cách khả quan trong thời gian tới.
[Infographic] Sử dụng mạng xã hội trong học đường
Ngày nay giới trẻ không còn xa lạ với các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube…đây là nơi các bạn bày tỏ cảm xúc của mình với cuộc sống, gia đình, xã hội…Đặc biệt đối với các bạn học sinh sinh viên, chuyện thầy cô, bạn bè luôn thường được quan tâm chia sẻ nhiều nhất. Với những chức năng chính như: chat, kết bạn, nhắn tin, chat voice, chia sẻ file, blog… và nhằm vào mục đích giải trí, các mạng xã hội hiện tại trên khắp thế giới đã thu hút hàng tỷ người truy cập mỗi ngày.
Năm 1995 được đánh dấu với sự ra đời của mạng xã hội ảo đầu tiên trên thế giới - trang Classmate với mục đích kết nối bạn học. Tuy nhiên, cho đến khi Facebook xuất hiện vào năm 2006 thì mạng xã hội ảo mới thực sự bùng nổ trên khắp thế giới.
Bạn có muốn biết ích lợi của các trang mạng xã hội không? Và làm thế nào để nó phục vụ mang lại ích lợi cho nhu cầu học tập, nghiên cứu của bạn? Hãy cùng chúng tôi tham khảo infographic dưới đây
*Infographic dưới đây được khảo sát tại các trường học ở Mỹ, thống kê từ năm 2004 đến nay.Nguồn: Visual.ly
[Hình ảnh] Scooter chạy điện Terra Motors A4000i, kết nối với iPhone, tốc độ tối đa 65 km/h
Sau khi được trình làng hồi tháng 7 vừa qua, mới đây chiếc scooter điện A4000i đã được Terra Motors trưng bày tại triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản. Terra Motors là nhà sản xuất đến từ Nhật Bản chuyên về những sản phẩm xe điện và mới được thành lập từ năm 2010. Terra không trưng bày mẫu A4000 mà chỉ trưng bày mẫu A4000i với khả năng kết nối với điện thoại thông minh mà thôi.
A4000i là một chiếc xe điện không chỉ có thiết kế bắt mắt mà nó còn có những tính năng khá hiện đại. Ngoài việc sử dụng động cơ điện có hiệu suất khá ấn tượng, A4000i còn có một tính năng rất nổi bật đó là có thể kết nối được với điện thoại thông minh, mà cụ thể là những chiếc iPhone.
Nhà sản xuất cho biết, A4000i là chiếc xe điện hai bánh đầu tiên trên thế giới có thể kết nối với iPhone. Cụ thể, trên mặt đồng hồ của A4000i ngoài một màn hình kỹ thuật số nhỏ thì còn có một đế để đặt iPhone vào đó. Dữ liệu của xe sẽ được truyền qua iPhone và người dùng có thể xem các dữ liệu đó qua web. Các đời iPhone có thể kết nối với A4000i bao gồm 3G, 3GS, 4, 4S và 5.
Về hiệu suất, A4000i được giới thiệu là có động cơ rất mạnh, cho phép xe tăng tốc nhanh ngay cả ở những đoạn dốc cao. Chi tiết về thông số của động cơ không được tiết lộ nhưng nó có thể giúp A4000i đạt tốc độ tối đa 65 km/h và phạm vi hoạt động 65 km. Tuổi thọ của bộ pin trên A4000i cũng rất cao, gấp 5 lần so với loại pin đạt chuẩn trên các loại xe điện khác.
Hiện Terra Motors đang bắt đầu bán ra mẫu A4000i này ở Việt Nam, tuy nhiên về giá bán thì nhà sản xuất cho biết là sẽ công bố sau.
Thông số kỹ thuật chi tiết A4000i:
- Kích thước (D x R x C): 1.790 mm x 750 mm x 1.230 mm
- Độ cao gầm xe: 140 mm
- Chiều cao yên: 750 mm
- Trọng lượng: 118 kg
- Sức chở: 2 người
- Phạm vi hoạt động: 65 km
- Tốc độ tối đa: 65 km/h
- Khả năng leo dốc: 15 độ
- Công suất: Dưới 1000 W
- Quy cách pin: 48V40Ah
- Trọng lượng pin: 16 kg
- Pin tháo lắp được: Có
- Tuổi thọ pin: Khoảng 50.000 km
- Thời gian sạc (0-100%): Khoảng 4,5 tiếng
- Hệ thống phanh: Đĩa trên cả hai bánh
- Kích thước bánh: Trước 120/70-12"/Sau 130/60-13"
[Rò rỉ] WP8 GDR3 trên Lumia 920, có nút X "thần thánh", khóa xoay, Driving Mode (cập nhật 2 video)
Theo nhiều nguồn tin thì vào cuối năm nay, Microsoft sẽ phát hành bản cập nhật Windows Phone 8 General Distribution Release 3 (GDR3) song song với gói nâng cấp tính năng của Nokia có tên "Bittersweet Shimmer". Lần cập nhật này, WP8 sẽ mở rộng hỗ trợ phần cứng như thế hệ vi xử lý đa lõi mới của Qualcomm, màn hình phân giải 1080p và một loạt các cải tiến cho các thiết bị hiện có. Bản cập nhật nhiều khả năng sẽ xuất hiện cùng lúc với Lumia 1520 - chiếc WP màn hình 6" Full HD đầu tiên trên thế giới. Và hôm nay, một thành viên có tên xs2k đến từ forum WPCentral đã đăng tải nhiều screenshot của bản build 10484 WP8 GDR3.
Nút X thần thánh và khóa xoay màn hình:
Bản build này được cài đặt trên thiết bị có mã RM-821 - đây chính là Lumia 920. Những screenshot đầu tiên được xs2k chia sẻ cho thấy trong giao diện Multitasking (nhẫn giữ nút Back), các cửa sổ hiển thị ứng dụng đã có thêm nút X để tắt nhanh trên góc phải, tương tự như giao diện Tabs của trình duyệt Internet Explorer. Thêm vào đó, bên dưới cửa sổ có thêm logo ứng dụng và font chữ tên ứng dụng cũng to hơn.
Tiếp theo, trong phần Settings, thiết lập Screen Rotation (khóa xoay màn hình) đã có mặt trên WP8 GDR3. Chưa rõ thiết lập này có xuất hiện bên ngoài màn hình hoặc trên thanh hiển thị âm lượng như đồn đoán hay không.
Driving Mode và một số tính năng khác:
Theo xs2k, trong phần Settings của WP8 GDR3 đã có thêm một tính năng mới là Driving Mode. Theo đó, người dùng có thể loại bỏ những yếu tố gây mất tập trung khi lái xe bằng cách thiết lập từ chối cuộc gọi, từ chối tin nhắn, tự động gởi tin nhắn.
Ngoài ra, GDR3 còn cho phép người dùng:*Cập nhật 1: Thêm video trình diễn GDR3 trên Lumia 920:
- Tùy chọn âm báo cho tin nhắn, voice mail, e-mail và thông báo nhắc nhở (reminder);
- Phục hồi dữ liệu, ứng dụng, thiết lập bằng Wi-Fi khi reset máy (hiện chỉ có thể phục hồi bằng 3G/4G);
- Mở rộng khả năng hỗ trợ Bluetooth trên nhiều phương tiện và thiết bị.
*Cập nhật 2: Video thứ 3 về GDR3, có thông báo Email, tin nhắn ngoài màn hình Glance:Theo: WPCental
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)