Trang BGR hôm nay đã bất ngờ đăng tải hình ảnh theo họ là bản mẫu của chiếc smartphone Amazon. Vì đây là bản prototype nên toàn bộ phần thân máy đã được bao bọc và khoá chặt, không cho chúng ta biết cụ thể về hình dáng cũng như thiết kế tổng thể của máy. Mặc dù vậy, BGR cũng phát hiện ra một số điểm thú vị của chiếc smartphone đầu tiên đến từ Amazon này, máy được dự đoán có màn hình kích thước khoảng 4,7-inch, độ phân giải tầm 720p, RAM 2GB, dùng vi xử lý do Qualcomm phát triển.
Điểm nhấn của chiếc smartphone này đến từ việc nó sở hữu đến 6 camera: 1 camera trước độ phân giải 5MP - phục vụ cho nhu cầu chat video, hoặc hỗ trợ khách hàng thông qua dịch vụ MayDay của Amazon. Camera sau của máy được đồn đoán có độ phân giải 13MP. Và đặc biệt hơn là 4 camera trước nằm ở 4 góc của máy, đến đây thì chúng ta có hai luồng thông tin trái chiều:
Đầu tiên là BGR, họ nói rằng 4 chiếc camera này sẽ hoạt động với một số cảm biến để tạo ra hiệu ứng 3D trên màn hình của máy. Cụ thể hơn, cả 4 camera này sẽ có nhiệm vụ theo dõi và nhận diện chuyển động của khuôn mặt, mắt của người dùng để từ đó đưa ra các điều chỉnh thích hợp với các thành phần được hiển thị trên màn hình, từ đó tạo ra hiệu ứng 3D mà không yêu cầu chúng ta phải đeo kính.
Tuy nhiên trang TechCrunch thì lại nghĩ khác, họ cho rằng tính năng 3D trên smartphone Amazon chỉ là được giả lập lại, còn "tính năng 3D thật" điều hoàn toàn bất khả thi, và chưa sẵn sàng để ra mắt. Chính vì thế, TechCrunch cho rằng 4 camera ở 4 góc chỉ có nhiệm vụ giúp người dùng kích hoạt các thanh chức năng ẩn bằng cách nghiêng máy.
Mặc dù vậy, cả hai trang đều đồng tình với tin đồn về việc Amazon sẽ chính thức ra mắt chiếc smartphone đầu tiên của hãng vào tháng 6 tới, và bắt đầu bán ra thị trường vào tháng 9. Máy được cho là sẽ dùng FireOS - một phiên bản tuỳ biến lại giao diện của Android. Giá và ngày giới thiệu vẫn còn là bí ẩn.
Theo BGR, TechCrunch
Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014
Xuất hiện hình ảnh bản mẫu đầu tiên của điện thoại Amazon: màn hình 4,7-inch, 720p, 6 camera?
[Đánh giá] HP Slate 6 VoiceTab - thiết kế tốt, hiệu năng trung bình, giá tốt
3 năm sau sự thất bại của WebOS cùng những chiếc điện thoại Pre, HP mới trở lại thị trường với một thiết bị có thể gọi điện, cụ thể là HP Slate 6 VoiceTab. Như tên gọi, bạn có thể dễ dàng hình dung đây là một chiếc tablet tích hợp chức năng điện thoại hay gọi tắt là phablet. Chiếc máy được HP nhắm tới phân khúc điện thoại Android tầm trung với mức giá gần 7 triệu nhưng những gì mà bạn có trên Slate 6 VoiceTab là một chiếc màn hình 6", chạy 2 SIM, một cấu hình khá tốt và một thiết kế khá ổn mà khi cầm trên tay nó không trông giống như đồ chơi hay một chiếc máy rẻ tiền. Dưới đây là những cảm nhận của mình sau khi sử dụng Slate 6 VoiceTab trong 1 tuần.
Thiết kế:
HP Slate 6 VoiceTab vẫn thuộc dòng máy tính bảng Slate giá rẻ của hãng máy tính Mỹ nhưng có thêm tính năng nghe gọi. Vì vậy, thiết kế của Slate 6 VoiceTab vẫn sử dụng chất liệu nhựa thông thường nhưng được hoàn thiện khá tốt để mang lại cảm giác chắc chắn khi cầm trên tay. Máy có kích thước 165 x 83,2 x 8,8 mm, trọng lượng 160 g. Như vậy độ mỏng của máy chưa đến 9 mm, dày hơn 1 chút nhưng nhẹ hơn so với Samsung Galaxy Note 3 (8,3 mm/168 g). Thiết kế mỏng nhẹ và thiên về chiều dài khiến việc cầm Slate 6 VoiceTab trên tay khá dễ dàng và bạn có thể nắm chặt máy trong lòng bàn tay. Bù lại, việc thao tác bằng một tay với chiếc máy này lại khá khó khăn bởi toàn bộ mặt trước máy là một chiếc màn hình lớn, kích thước 6".
Nếu nhìn vào mặt trên khi màn hình đang tắt thì bạn sẽ khó mà biết được đâu là phần màn hình và viền màn hình bởi HP đã phủ toàn bộ mặt trên bằng một lớp kính và viền màn hình màu đen tuyền tạo cảm giác màn hình tràn ra thân máy. Thực ra, viền màn hình của máy khá mỏng, khoảng 3 mm 2 bên và 12 mm ở trên và dưới. Viền phía trên màn hình là khu vực chứa camera trước còn bên dưới lại là một phần khá thừa, chỉ có logo HP mà không có bất cứ nút bấm nào. Bọc 2 đầu màn hình là loa được hoàn thiện với các lỗ li ti và cách bố trí 2 loa này khá giống với HTC One. Nhìn chung mặt trước của HP Slate 6 VoiceTab cân đối và rất mạnh mẽ.
Tiếp đến là viền máy, chất liệu nhựa tiếp tục được sử dụng và dĩ nhiên chúng ta khó có thể đòi hỏi viền kim loại trên một chiếc máy giá rẻ. Phần viền này được mạ màu vàng giả kim loại nhưng sắc vàng này khá xỉn và mình nghĩ qua thời gian lớp mạ sẽ bong tróc và đen dần đi. 2 bên viền máy là các nút bấm cơ bản gồm nút nguồn bên phải và tăng giảm âm lượng bên trái. Các nút cũng được làm bằng nhựa, màu vàng và được hoàn thiện với các vân tròn đồng tâm để tạo cảm giác bấm tốt hơn. Tuy nhiên, qua 1 tuần sử dụng máy thì các nút này bắt đầu "đen" hơn bởi chất bẩn rất dễ bám vào bề mặt này. Phía trên đỉnh máy là cổng microUSB bên phải và jack tai nghe 3,5 mm đối xứng bên trái. Việc bố trí cổng sạc nằm tách biệt bên trái thay vì ở giữa khá hay bởi khi cắm sạc, bạn vẫn có thể sử dụng máy dễ dàng mà tay không bị vướn vào dây sạc dù là cầm ngang hay cầm dọc máy.
Cuối cùng là một chiếc nắp lớn bao bọc toàn bộ mặt sau và camera. Chất liệu vẫn là nhựa nhưng bề mặt được hoàn thiện với các ô vuông khắc chìm, hơi sần, chống bám vân tay. Trông thì khá bắt mắt nhưng khi sờ hoặc vuốt qua bề mặt này thì bạn sẽ hơi cảm thấy "nổi da gà" - đây là cảm nhận chung của một số người khi mình cho cầm thử máy trên tay. Các đầu ngón tay có cảm giác không bám, dẫn đến tình trạng dễ bị tuột nếu không nắm chặt máy. Thêm vào đó, khi bóp vào mặt sau thì bạn sẽ cảm thấy máy hơi "ọp ẹp", trái ngược với cảm giác chắc chắn như mặt trước.
Nằm giữa họa tiết ô vuông là logo HP khắc chìm và sát phía trên đỉnh máy là camera cùng đèn flash LED trợ sáng. Camera có lớp kính khá lớn và nằm lõm bên dưới, bao quanh bởi một viền màu vàng. Tuy nhiên, nó không thật sự lõm để có thể chống trầy xước khi chúng ta đặt máy lên những bề mặt không phẳng. Vì vậy, khi sử dụng máy thì bạn nên cẩn thận để bảo vệ mặt kính này. Thêm vào đó, do camera đặt quá gần đỉnh máy nên khi bạn cầm ngang máy lại để chụp hình, các ngón tay rất dễ vướn vào camera, khiến cho thao tác cầm - chụp không thật sự thoải mái.
Nắp sau bằng nhựa dẻo và bạn có thể dễ dàng bóc ra để thay pin, SIM và thẻ nhớ microSD. HP Slate 6 VoiceTab hỗ trợ 2 khe SIM, 1 khe microSIM và 1 khe SIM thường. Tuy nhiên, chỉ có khe microSIM hỗ trợ 3G, khe còn lại chỉ hỗ trợ nghe gọi nhắn tin. Do thỏi pin lớn nằm chắn vị trí khe rút SIM và thẻ nhớ nên bạn không thể thay nóng được và bạn buộc phải tắt máy tháo pin ra trước.
Màn hình và loa:
HP Slate 6 VoiceTab sở hữu màn hình IPS 6" với độ phân giải 720p. Mặc dù độ phân giải không Full HD nhưng có thể nói Slate 6 VoiceTab sở hữu một chiếc màn hình khá tốt. Chất lượng tấm nền IPS khiến cho hình ảnh mịn, thể hiện chi tiết tốt, trong trẻo và không lộ rõ điểm ảnh như một số chiếc máy có màn hình và độ phân giải tương đương. Thêm vào đó, màn hình của Slate 6 VoiceTab có độ sáng cao và khá dễ chịu khi sử dụng ngoài trời mặc dù không có công nghệ chống lóa.
Về loa, HP Slate 6 VoiceTab có 2 loa đều được thiết kế nằm trên và dưới màn hình tương tự như kiểu loa BoomSound của HTC One. Thiết kế loa nằm ở mặt trên cho phép âm thanh phát ra "tự do" hơn, không bị cản trở khi đặt máy trên bất cứ bề mặt nào. Tuy nhiên, âm lượng của loa không lớn như kỳ vọng của mình mặc dù chất lượng khá tốt, âm thanh rõ ràng và không rè vỡ với các nốt cao.
Hiệu năng:
HP Slate 6 VoiceTab được trang bị cấu hình khá tốt với:
- CPU: Marvell PXA1088 lõi tứ, xung nhịp 1,2 GHz
- GPU: Vivante GC1000
- RAM: 1 GB LPDDR2
- Bộ nhớ trong: 16 GB + khe thẻ nhớ microSD
- Kết nối: Bluetooth 3.0, Wi-Fi 802.11 b/g/n, GPS, FM Radio
- Cảm biến: Gia tốc kế, con quay hồi chuyển, tiệm cận, la bàn số
- Mạng: GSM 850/900/1800/1900 trên cả 2 SIM - HSDPA 900/2100 trên SIM 1
- OS: Android 4.2.2 (Jelly Bean).
Marvell PXA1088 là một mẫu chip được Marvell giới thiệu hồi đầu năm ngoái và là một SoC tích hợp vi xử lý ARM Cortex-A7 4 lõi. Mặc dù xung nhịp mà HP đưa ra là 1,2 GHz nhưng các thử nghiệm bằng phần mềm benchmark trên máy cho thấy CPU chỉ chạy tối đa ở xung nhịp 1,1 GHz. Thêm vào đó, việc sử dụng GPU Vivante GC1000 - loại GPU tương tự trên Samsung Galaxy Tab 3 cho thấy Slate 6 VoiceTab không phải là một chiếc máy có thể càn lướt các ứng dụng hay game nặng về đồ họa. Để đánh giá hiệu năng của Slate 6 VoiceTab, mình đã cho máy thử qua các bài benchmark như AnTuTu, Quadrant Advanced và Geekbench. Kết quả so sánh như sau:
Các thiết bị được đem ra so sánh bao gồm ASUS FonePad Note 6 (Intel Atom Z2580 2 lõi 2 GHz, PowerVR SGX544MP2, 2 GB RAM); Samsung Galaxy Grand 2 (Snapdragon 400 MSM8226 4 lõi 1,2 GHz, Adreno 305, 1,5 GB RAM); Motorola Moto G (Snapdragon 400 MSM8226 4 lõi 1,2 GHz, Adreno 305, 1 GB RAM); HTC One Max (Snapdragon 600 APQ8064T 4 lõi 1,7 GHz, Adreno 320, 2 GB RAM); Sony Xperia Z Ultra (Snapdragon 800 MSM8974 4 lõi 2,2 GHz, Adreno 330, 2 GB RAM). So về cấu hình thì HP Slate 6 VoiceTab thấp hơn đôi chút với Galaxy Grand 2 về bộ nhớ RAM và gần như cần bằng với Moto G. Tuy nhiên, điểm số ở cả 2 bài thử AnTuTu và Quadrant của Slate 6 VoiceTab đều thấp hơn so với Grand 2 và Moto G và thua rất nhiều so với các mẫu máy có RAM 2 GB và xung nhịp CPU cao hơn.
Mặc dù dùng 1 CPU lõi 4 xung khá cao nhưng Slate 6 VoiceTab lại được trang bị một GPU bình dân là GC1000 của Vivante. Con GPU này mặc dù chạy ở xung nhịp đến 600 MHz nhưng năng lực đồ họa chỉ đạt 9,6 GFlops. Trong khi đó, các GPU của Qualcomm như Adreno 305 và Adreno 320 mặc dù chạy ở xung nhịp 400 MHz nhưng có năng lực cao hơn, lần lượt là 19,2 và 86,4 GFlops.
Tương tự với bài thử Geekbench, điểm số của HP Slate 6 VoiceTab vẫn khá cân bằng với Galaxy Grand 2 và Moto G nhưng lại thua hẳn các mẫu máy còn lại về cả 2 chỉ số đơn lõi và đa lõi.
Đúng như dự đoán ban đầu, Vivante GC1000 không phải là một GPU có thể đảm đương tốt các tác vụ 3D nặng, tuy nhiên, tất cả những so sánh trên chỉ là lý thuyết. Trải nghiệm thực tế mới đóng vai trò quan trọng để chúng ta có thể quyết định nên mua chiếc máy này hay không. Trước tiên thì mình cũng xin nhắc lại rằng HP Slate 6 VoiceTab là một chiếc phablet chạy Android tầm trung và chúng ta cũng không nên đòi hỏi quá nhiều từ cấu hình của máy. Qua 1 tuần trải nghiệm, mình đưa ra những cảm nhận sau:
Với cấu hình trung bình, HP đã không "liều lĩnh" tùy biến giao diện Android 4.2.2, toàn bộ giao diện mặc định của Jelly Bean được giữ lại và HP chỉ cài sẵn vài ứng dụng. Vì vậy, khi thao tác với giao diện Android trên Slate 6 VoiceTab, độ trễ khi chuyển thao tác được giảm thiểu và việc chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng khá nhanh. Tuy vậy, bạn sẽ cảm nhận được độ trễ rõ rệt nhất trên máy khi truy cập và cài ứng dụng từ Google Play hoặc duyệt web với các trang nhiều hình ảnh bởi tốc độ render của GPU khá chậm.
Thử nghiệm chơi game trên Slate 6 VoiceTab với trò Asphalt 8, máy xử lý mượt mà với cấu hình Medium nhưng khi chuyển sang tùy chọn hiển thị High thì mình gần như không thể chơi được bởi game rất lag và xe trở nên khó điều khiển hơn. Mặc dù vậy, khi xem phim HD thì mọi chuyện lại thay đổi. HP Slate 6 VoiceTab chạy rất ngọt các bộ phim HD 1080p mà không bị giảm khung hình. Đây là một điều khiến mình ngạc nhiên và qua tìm hiểu, SoC Marvell PXA1088 tích hợp công nghệ mã hóa và giải mã 1080p bằng phần cứng, qua đó nâng cao khả năng xử lý video phân giải cao bên cạnh sự hỗ trợ của GPU.
Nhìn chung, hiệu năng của HP Slate 6 VoiceTab chỉ ở mức trung bình nhưng vẫn có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng không quá thiên về các tác vụ nặng. Mình sử dụng máy với các chức năng bình thường hàng ngày như kiểm tra mail, lướt web, xem video trên YouTube, chơi game và nghe nhạc, mọi thứ vẫn chạy tốt.
Camera:
Về phần camera, HP Slate 6 VoiceTab được trang bị camera chính 5 MP, tự động lấy nét cùng đèn LED trợ sáng và camera trước 2 MP hỗ trợ chụp "tự sướng" và hội thoại video. Cùng với việc sử dụng Android gốc thì HP cũng không trang bị cho máy phần mềm chụp ảnh riêng. Trải nghiệm thực tế cho thấy camera trên Slate 6 VoiceTab có chất lượng khá tốt trong điều kiện đủ sáng như ngoài trời. Màu sắc bão hòa, trong và dịu mắt. Tuy nhiên, chụp trong nhà với điều kiện ánh sáng thấp hoặc dưới ánh sáng đèn thì ảnh rất dễ bị sai nét và ảnh thiếu chi tiết. Nếu chụp ban đêm, camera trên Slate 6 VoiceTab gần như "có cho vui" cho dù bạn có mở thêm đèn flash LED hay không bởi ảnh rất tối và noise. Dưới đây là một số ảnh chụp từ HP Slate 6 VoiceTab:
Pin:
HP Slate 6 VoiceTab được trang bị pin 3000 mAh và mục tiêu chắc chắn là để nuôi 2 chiếc SIM cộng với màn hình 6". Mình sử dụng máy thông thường với cả 2 SIM, 3G bật, Wi-Fi luôn bật, độ sáng màn hình khoảng 40%, mỗi ngày nhận khoảng 7 đến 10 cuộc gọi, 4 email 1 để chế độ Push kết nối liên tục với Server, 3 email còn lại để tần số kiểm tra 5 phút/lần, Facebook luôn bật, OneDrive luôn bật chế độ tự upload ảnh. Kết quả là pin của Slate 6 VoiceTab có thể trụ được khoảng 12 giờ, từ 8 giờ sáng đến khoảng 8 giờ tối mới báo sạc pin. Nếu sử dụng thêm các tác vụ khác như lướt web hay nghe nhạc, chơi game thì thời lượng pin sẽ ngắn hơn. Vì vậy, mình cho rằng pin của Slate 6 VoiceTab vẫn có thời lượng bình thường, không xuất sắc.
Kết luận:
HP Slate 6 VoiceTab là một chiếc phablet tầm trung với mức giá 6,9 triệu. Dĩ nhiên với mức giá này thì chúng ta không thể đòi hỏi độ hoàn thiện cao hơn, chất liệu cao cấp hơn hay cấu hình tốt hơn cho Slate 6 VoiceTab. Vì vậy, nếu nhu cầu của bạn chỉ đơn thuần là một chiếc màn hình to, đủ chất lượng để làm việc hay giải trí đơn giản thì Slate 6 VoiceTab là một sự lựa chọn không tồi. Dưới đây là một số ưu khuyết điểm của Slate 6 VoiceTab mà mình rút ra qua thời gian trải nghiệm:
Ưu điểm:
- Màn hình to, khá chất lượng;
- Máy nhẹ, hoàn thiện khá tốt;
- Hỗ trợ 2 SIM, chất lượng thoại rõ ràng;
- Giá tốt.
Nhược điểm:
- Thiết kế hơi dài, khó nhét vào túi quần;
- Âm lượng loa nhỏ;
- Camera dễ bị sai nét.
Đằng sau sự ra đời của Cortana - Tính năng nhận diện giọng nói mới trên Windows Phone 8.1
Tại hội nghị Build 2014 diễn ra vừa qua, Microsoft đã chính thức cho ra mắt bản cập nhật Windows Phone 8.1 với rất nhiều thay đổi, và bổ sung đáng giá. Tập đoàn công nghệ Mỹ vô cùng hào hứng công bố từng tính năng nổi bật của WP8.1 như Action Center, màn hình Start được tuỳ biến, màn hình khoá trực quan hơn,...và đặc biệt họ dành phần lớn thời gian để chú trọng vào một chức năng đầy hứa hẹn, sẽ xuất hiện rộng rãi trên các máy Windows Phone trong tương lai: đó là trợ lý ảo Cortana.
Nếu như Google có Google Now, Apple có Siri, thì giờ đây Microsoft hay Windows Phone cũng không chịu kém cạnh với Cortana - "cô trợ lý ảo" mà theo Microsoft là được ra đời dựa vào sự kết hợp những điểm tốt nhất của hai dịch vụ từ hai hãng đối thủ, nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo riêng. Cortana dí dỏm, thông minh, và được thiết kế sao cho gần giống với một trợ lý thật sự của con người - đó là những thành quả mà Microsoft đã phải tốn hơn hai năm phát triển mới đạt được. Rồi giờ đây, Cortana đã hoàn thiện và đã đến với WP8.1 trong bối cảnh tập đoàn công nghệ Mỹ đang bắt đầu bắt kịp thế giới di động.
Để chúng ta có một cái nhìn rõ nét hơn về Cortana, bài viết này sẽ nói sơ qua về nguồn gốc của Cortana, cách mà Cortana hoạt động.
1. Sự ra đời của Cortana
Microsoft đã lấy ý tưởng Cortana trên series game Halo
Dựa vào một nhân vật thông minh nhân tạo trong series game nổi tiếng Halo (game do Microsoft Game Studio phát hành), Cortana được ra đời với vai trò là một "nhân vật ảo" trên các thiết bị di động chạy Windows Phone 8.1. Thực tế, cái tên Cortana bắt nguồn từ một đề xuất đơn giản của vị quản lý chương trình Windows Phone, ông Robert Howard, khi ông này đang dự một buổi thảo luận. "Nó chỉ là một tên mã", Marcus Ash, quản lý nhóm phần mềm của Windows Phone giải thích. "Chúng tôi đã không có ý định lấy tên đó làm tên của một sản phẩm thực tế ngay từ giai đoạn đầu". Thực tế Cortana chỉ tồn tại bởi vì nó là Cortana, nó không phải là một cái tên quá kêu, một cái tên mang đầy tính "quảng bá" như "Microsoft Personal Digital Assistant Home Premium" - đáng ngạc nhiên là những cái tên dài và phức tạp đó chính là cách đặt tên truyền thống của Microsoft đối với các sản phẩm của họ.
Và thật bất ngờ hơn khi chỉ vài tuần trước khi công bố Windows Phone 8, đội ngũ phát triển vẫn chưa rõ Cortana có phải là tên gọi cuối cùng hay không, bởi có hàng tá cái tên khác như Naomi, Alyx,...tuy nhiên chính nhờ những tin đồn, những thông tin rò rỉ về cái tên Cortana, và đặc biệt là một bản đề xuất được gởi lên Microsoft, tất cả đã giúp tập đoàn công nghệ Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng: đó chính là Cortana.
Dựa vào một nhân vật thông minh nhân tạo trong series game nổi tiếng Halo, Cortana được ra đời với vai trò là một "nhân vật ảo" trên các thiết bị di động chạy Windows Phone 8.1
Cái tên và hoàn cảnh ra đời của Cortana được gắn liền trực tiếp với tựa game hành động nổi tiếng, Halo, và nó cũng thích hợp với mục tiêu chính của Microsoft: tái tạo lại một trợ lý cá nhân thực tế mà không trở nên một cái gì đó quá ghê gớm. Cortana đã luôn luôn ở bên cạnh Master Chief trong game Halo, và bây giờ cô ấy sẽ luôn ở bên bạn ở trên điện thoại, nhưng sự khác biệt đó là chỉ khi nào bạn cần thì cô ấy mới xuất hiện. Đây cũng chính là điểm mạnh mà Microsoft muốn đề cập khi nói đến Cortana.
2. Notebook của Cortana
Như chúng ta đều biết, dịch vụ Google Now của Google luôn luôn tìm cách tiếp cận sâu đến dữ liệu từ những thiết bị - mặc dù điều này cũng mang lại một số lợi ích, nhưng đôi khi nó sẽ khiến bạn bực mình bởi các thông báo được gởi đến một cách liên tục, hay sẽ khiến người dùng cảm thấy bất an bởi hệ thống máy biết quá nhiều về họ. Để ngăn ngừa điều này, Microsoft đã có nhiều buổi thảo luận với các chuyên gia về lĩnh vực trợ lý cá nhân cấp cao (là những người chuyên nghiên cứu và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển trợ lý ảo cho smartphone), và Microsoft nhận thấy rằng giải pháp tạo ra một notebook trong đó lưu giữ tất cả các thông tin cần thiết, thông tin quan trọng của người dùng (Cortana chỉ được phép truy cập với những thông tin trong notebook) là một ý tưởng thực tế.
Chính ý tưởng đơn giản đó đã truyền cảm hứng cho Microsoft tạo nên một "Notebook" ảo cho Cortana - là nơi lưu giữ các thông tin cá nhân và bất cứ thứ gì Cortana được phép truy cập và sử dụng. Nó không phải là một nơi kiểm soát sự riêng tư, nhưng đó là một danh sách liệt kê ra tất cả những gì Cortana được quyền biết về bạn. "Đó (Notebook) là cái nhìn của cô ấy về bạn, nhưng rõ ràng rằng bạn có thể lấy đi cái quyền đó từ cô ấy bất kỳ lúc nào và nói rằng "Điều đó là không đúng, tôi không muốn bạn biết điều này" hay là "Tôi không thoải mái với việc bạn đang đọc email của tôi", Ash giải thích. Vì vậy bạn hoàn toàn kiểm soát những gì cô ấy biết và cô ấy sẽ rõ ràng với bạn về những điều đó".
"Notebook" cho Cortana - là nơi lưu giữ các thông tin cá nhân và bất cứ thứ gì Cortana được phép truy cập và sử dụng
Bạn cũng có thể chia sẻ thông tin liên lạc, cũng như là sở thích, những điều bạn quan tâm, địa chỉ nhà, cơ quan, và nhiều điều khác với Cortana - tất nhiên là nếu bạn muốn làm vậy. Tất cả các thông tin này sẽ được lưu vào Notebook và được lưu trữ trên mây. Ngoài ra, Cortana cũng có thể vận hành và thực hiện các chức năng như học hỏi những thói quen và sở thích dựa vào cách sử dụng điện thoại, vị trí dùng hay cách giao tiếp của người dùng. Bạn cũng có thể nói trực tiếp với Cortana hay nhập liệu văn bản, nhưng dù có thế nào thì cô ấy sẽ luôn luôn hỏi bạn trước khi lưu bất kỳ thông tin nào vào Notebook.
Như vậy qua những gì đã đề cập ở trên, có thể hiểu được là khái niệm hoạt động của Cortana đó là nó sẽ đóng vai trò như một trợ lý cá nhân cùng với đó là một cuốn notebook - trái ngược với việc theo dõi gây bất an cho người sử dụng - và chính khái niệm này đã ăn sâu vào đầu của những kỹ sư phát triển ngay từ giai đoạn đầu tiên.
3. Cách hoạt động của Cortana
Khi bạn lần đầu tiên khởi chạy Cortana, cô ấy sẽ đưa ra một vài câu hỏi để tìm hiểu về bản thân bạn, ví dụ như tên của bạn, thức ăn ưa thích, thể loại phim bạn muốn xem,...Sau đó, khi dịch vụ đã được kích hoạt bằng nút tìm kiếm của Windows Phone, bạn có thể vuốt xuống để xem trước các thông tin mà mình cho phép Cortana truy cập. Nhìn chung, cách thể hiện của Cortana khá giống với những tấm thẻ của Google Now - cũng là các thông tin về những chuyến bay, kết quả thể thao, chứng khoán, và một vài thứ nữa mà Cortana đã học được và đưa vào Notebook.
Một điều khá thú vị là bạn có thể "nâng cấp" Notebook một cách thủ công bằng việc thêm vài thông tin nữa như sở thích cá nhân, lịch nhắc nhở, tin tức hay những dữ liệu quan trọng. Tóm lại, Notebook hay Cortana thực sự là một trung tâm tập hợp các thông tin, biến thông tin thành những tấm thẻ, và một số phần thông tin cho phép bạn pin ra ngoài màn hình Start Screen dưới dạng các ô Live Tiles, hay bạn cũng có thể thiết lập thông báo cho một số thông tin trên trong mục Action Center của Windows Phone 8.1 - ví dụ sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn, khi một đội bóng mà bạn yêu thích ghi bàn, Cortana sẽ ngay lập tức gởi thông báo đến bạn qua Action Center. Hoặc, khi bạn đang đi du lịch nước ngoài, bạn sẽ được cập nhật thông tin về thời tiết, tỷ giá hối đoái, và bản đồ. Hay nếu bạn đang nhắn tin hay đang soạn email, Cortana sẽ để ý đến các yếu tố như "hãy gặp nhau lúc 8 giờ tối", từ đó giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đặt lịch nhắc nhở cho cuộc hẹn.
Một trong những tính năng hữu ích nhất của Cortana đó là khả năng tự động hoá một số hành động dựa vào một vài sự việc được thiết lập sẵn
Một trong những tính năng hữu ích nhất của Cortana đó là khả năng tự động hoá một số hành động dựa vào một vài sự việc được thiết lập sẵn - khá giống với cách làm việc của công cụ If This Then That (IFTT) trên iOS và Android. Ví dụ, khi bạn nói "Nhắc nhở tôi rằng, vào lần tới khi tôi gọi vợ tôi, chúng tôi cần nói chuyện về Kevin", lúc này Cortana sẽ tạo ra một nhắc nhở và nó sẽ tự động nhắc bạn khi bạn gọi điện thoại cho vợ, hay vợ gọi cho bạn. Đây rõ ràng là một tính năng rất hay, và càng hay hơn khi Cortana thậm chí còn gây ấn tượng mạnh mẽ bởi các câu hỏi tìm kiếm cơ bản. Ví dụ bạn hỏi "Nhà hàng tốt nhất nào đang ở gần chỗ tôi", bạn sẽ không phải nhận một danh sách dài về các nhà hàng ở gần nơi bạn ở (cách mà Siri đang làm hiện nay), thay vào đó Cortana sẽ chỉ đưa ra tên của một nhà hàng duy nhất và tốt nhất dựa vào mức độ đánh giá của người dùng trang Yelp (trang chuyên đánh giá, đưa ra các lời khuyên về nhà hàng, các địa điểm ăn uống, shopping, dịch vụ,...).
"Nếu bạn hỏi một trợ lý thật (ý là trợ lý của bạn - người thật nha!) câu hỏi như trên", cô ấy cũng sẽ cầm một danh sách các cửa hàng đến cho bạn, và bạn sẽ muốn bắn cô ấy và tìm một người trợ lý khác", Rob Chambers, quản lý nhóm phần mềm của Bing, nói đùa. Sự khác biệt đó là nếu bạn hỏi về số nhiều, tức là "những cửa hàng tốt nhất", thì bạn sẽ nhận được một list các cửa hàng, nhưng khi bạn hỏi số ít như "cửa hàng tốt nhất" thì bạn chỉ nhận được một cửa hàng. Cortana có thể làm được điều như vậy nhờ vào khả năng hiểu giọng nói và bối cảnh xung quanh. Thật sự ấn tượng hơn nữa là khi bạn chỉ cần đơn giản hỏi một câu như "gọi nó", hay hỏi "cho tôi phương hướng", sau khi nhận được câu trả lời về cửa hàng tốt nhất, Cortana lúc này sẽ hiểu bạn đang muốn gọi nhà hàng tốt nhất đó, bạn đang cần tìm phương hướng đến nhà hàng đó, bởi Cortana có khả năng nhớ và lưu giữ lại câu hỏi trước đó của bạn. Đây quả thật là khả năng tìm kiếm nhiều bước, một cách mà ở đó câu hỏi nối tiếp câu hỏi để hoàn thành các tác vụ phức tạp mà chỉ dựa vào giọng nói.
Trong Windows Phone 8.1, Cortana xuất hiện dưới hình dạng của một vòng tròn, nhưng điều này không có nghĩa rằng cô ấy không có cá tính. Tương tự như những trợ lý ảo khác, như Siri của Apple chẳng hạn, tính cách của Cortana sẽ được thể hiện thông qua việc sử dụng hằng ngày. Hãy hỏi cô ấy, "Ai là cha đẻ của bạn?", và Cortana sẽ đáp lại, "Nói về mặt kỹ thuật, đó là Bill Gates. Không có gì to tát". Những câu truy vấn khác sẽ cho ra những câu phản hồi dí dỏm, và một vài câu trả lời sẽ có phần thêm sinh động với sự xuất hiện của một trong 16 cảm xúc khác nhau. Tất nhiên, không phải vì thế mà Cortana sẽ luôn trả lời bạn như vậy, vài trường hợp, Cortana sẽ không phản hồi lại bạn với cảm xúc hay các hình ảnh vui nhộn. Tuy nhiên, Microsoft đang muốn Cortana phải linh hoạt hơn nữa, tập đoàn hình dung ra một tương lai mà ở đó Cortana có thể phản ứng, đưa ra cảm xúc với các kết quả thể thao hay những sự kiện khác, ví dụ như Cortana sẽ buồn khi đội bạn thua, vui khi thắng, bởi bất kỳ một trợ lý tốt nào cũng đều thể hiện như vậy. "Có nhiều việc để chúng tôi có thể làm với ý tưởng đó bởi chúng tôi đang phát triển dọc theo kế hoạch này", Ash giải thích.
Microsoft cũng đã làm việc trực tiếp với đội ngũ của 343 Industries về các yếu tố thị giác, cùng với đó là diễn viên lồng tiếng Jen Taylor - người chịu trách nhiệm về phần âm thanh của Cortana. Nếu như các bạn không biết thì Taylor là diễn viên lồng tiếng cho nhiều bộ phim như Princess Peach, Toad, hay Toadette trong các game Mario, tuy nhiên thành công lớn nhất của Taylor đó chính là lồng tiếng cho Cortana trong game Halo. Chính vì điều này, đối với các fan hâm mộ của series game Halo, việc lấy giọng của Jen Taylor làm giọng của Cortana trên Windows Phone thực sự là một cú hích lớn. "Cô ấy sẽ đóng một phần rất lớn trong cách mà chúng tôi mở ra công nghệ nhận diện giọng nói này", Ash giải thích. Ban đầu, Taylor sẽ chỉ được sử dụng trong một số trường hợp nhất định, mà Microsoft gọi là phản hồi "chit chat", các truy vấn mà công ty có thể sử dụng các âm thanh gốc. Nếu bạn hỏi "Điều gì xảy ra với Master Chief", hoặc bất cứ thứ gì liên quan đến Covenant (một nhân vật trong Halo), thì bạn sẽ nhận được lời phản hồi có giọng nói của Taylor. Còn những phản ứng khác, hệ thống sẽ sử dụng một giọng nói tổng hợp - tương tự như giọng của Taylor. (Nếu bạn muốn Cortana đưa ra một vài thông tin vui vẻ liên quan đến Halo, bạn chỉ cần đặt nickname của bạn là "Master Chief" trong phần settings).
4. Quá trình hình thành nên Cortana: Sự kết hợp giữa Bing và Cortana
Có một thực tế là Microsoft đã không thần thánh đến mức phát triển nên một trợ lý ảo chỉ trong vòng 2 năm - được biết, công ty đã phải tận dụng các khoản đầu tư trong việc thu thập dữ liệu, công việc mà Microsoft đã thực hiện trong vòng nửa thập kỷ. Nếu như các bạn không rõ thì phần lớn các tính năng của Cortana dựa vào những dịch vụ đầu cuối của Bing, và các dữ liệu từ Cortana sẽ được thu thập, sao lưu, hỗ trợ, xử lý bởi hàng ngàn server.
Chính vì mối quan hệ mật thiết giữa Cortana và Bing, đội ngũ Windows Phone của Microsoft luôn làm việc với các kỹ sư từ Bing - điều tương tự với Google: khi Google Now và công cụ tìm kiếm Google luôn gắn liền với nhau. Và ở đây cũng vậy, Cortana sẽ không bao giờ tồn tại nếu thiếu Bing.
Tác giả của trang The Verge cho biết anh đã gặp rất nhiều kỹ sư của Bing đứng đằng sau sự ra đời của Cortana, và thật sự rõ ràng rằng, tất cả họ đều cảm thấy vô cùng hào hứng khi chứng kiến thành quả của mình đang được trình diễn trong hình hài của một sản phẩm duy nhất: Cortana. Trong khi Microsoft đang dần dần chuyển đổi Bing thành một nền tảng và dịch vụ, Bing từ trước đến nay vẫn luôn được xem là một công cụ tìm kiếm. Mặt khác, Cortana thì là một trường hợp điển hình thực sự. Trải qua nhiều năm về trước, các kỹ sư Bing của Microsoft đã làm việc trên rất nhiều dịch vụ, những dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên Cortana, kể đến như những công nghệ cơ bản nhưng rất quan trọng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên hay liên kết các vật thể ở thế giới thực đến dữ liệu web. Thế nhưng, tất cả chúng đều được xây dựng một cách vô thức, tức là được phát triển nhưng không biết là phục vụ cho một sản phẩm cụ thể nào. Có thể nói, nếu Bing là ngôi nhà, Cortana như một chiếc xe thể thao màu đỏ sáng bóng trong nhà để xe.
Cortana sẽ không bao giờ tồn tại nếu thiếu Bing...
Để kết hợp tất cả các phần nhỏ của Bing lại với nhau, Mike Calcagno, giám đốc phát triển quan hệ đối tác của Microsoft, làm việc ở mảng Bing, đã quyết định tham dự vào mảng tìm kiếm của Microsoft cách đây 18 tháng, và dự án lớn đầu tiên của ông chính là Cortana. "Một vài người cần phải kéo tất cả những dịch vụ này lại với nhau theo một cách chặt chẽ", Calcagno nói. "Những ai làm việc cho dự án Cortana đều có một con búp bê Cortana nhỏ, và họ đều đặt chúng ở văn phòng, do đó khi bạn bước đi xung quanh và thấy những con búp bê đó, bạn sẽ thấy "Oh...anh ấy ở đó, anh ấy có búp bê Cortana".
Sự liên kết giữa nhóm phát triển, giữa nhiều yếu tố khác nhau tiếp diễn trong suốt dự án Cortana. Đội ngũ Bing dành rất nhiều thời gian cá nhân với nhóm Windows Phone, và thật thú vị khi mọi sự thảo luận sơ khai (được chủ trì bởi Calcagno) về Cortana được bắt đầu ở một quán bar ở Bellevue, Washington. "Chúng tôi thực sự làm việc cùng với đội ngũ đó (ý là đội Bing). Chúng tôi đã sống cùng dự án với những chàng trai đó và cùng làm việc như một đội, và thành quả đó là phiên bản đầu tiên của Cortana". "Bạn có thể cho rằng đây là một ví dụ điển hình của triết lý "One Microsoft" mà cựu CEO Steve Ballmer đã áp dụng trước khi ông rời khỏi công ty - triết lý mà ở đó những đội ngũ làm việc cùng nhau thay vì cạnh tranh nội bộ.
Cortana là một sự thử nghiệm lớn giữa hàng loạt dịch vụ của Bing, và đó là lý do tại sao Microsoft đang đặt chữ "beta" ở tính năng này lúc mới ra mắt. Hệ thống cần phải học và hoàn thiện qua một thời gian, đặc biệt là là mảng nhận diện giọng nói, và Microsoft thì chỉ mới cho dùng Cortana ở khu vực Mỹ. Trong một vài ngày cận kề lễ ra mắt, đội ngũ phát triển thậm chí vẫn còn đang bận sửa lỗi. Giám đốc mảng phần mềm Bing, Vish Vadlamani, nhớ lại rằng ông đã trải qua rất nhiều ngày làm việc với Satory bất chấp thời gian, từ 7h sáng cho đến 11h30 tối. Và ông ấy hy vọng rằng nỗ lực của mình sẽ được đền đáp xứng đáng với sự ra mắt thành công của Cortana. "Có rất nhiều sự phấn khởi, và nhiêu sự sợ hãi", Vadlamani thừa nhận. Dành cho một số bạn chưa rõ, Satory là hệ thống tự học của Bing - "hệ thống kiến thức" xử lý hàng ngàn gigabyte dữ liệu cho Bing mỗi ngày. Satory cũng được sử dụng trong việc cung cấp dữ liệu, phục vụ cho Cortana.
"Tầm nhìn đằng sau những gì mà chúng tôi đang làm ở đây chính là trí thông minh này có thể mở rộng ra ngoài Windows Phone", giám đốc mảng Bing, ông Stefan Weitz giải thích. Thế nhưng, việc Microsoft sẽ đưa Cortana lên thiết bị, nền tảng nào nữa vẫn còn là một bí ẩn. Những ứng dụng bên thứ ba sẽ có thể tích hợp Cortana vào, cho phép người sử dụng vừa dùng vừa tương tác bằng giọng nói như, "Hulu, cho tôi xem phần cuối của Modern Family" và ứng dụng sẽ mở phần cuối của Modern Family lên, thay vì cách mà công cụ tìm kiếm bằng giọng nói của Xbox đang hoạt động. Kết hợp với khả năng đặt lịch nhắc nhở, đó là một ví dụ rõ ràng của một công cụ tìm kiếm bằng giọng nói hữu ích và mạnh mẽ.
Microsoft đã từng chứng kiến những gì mà Apple và Google đã làm được, kết hợp các ý tưởng tốt nhất của Siri và Google Now vào trong một giao diện hấp dẫn, dễ sử dụng - nhưng bây giờ, sự khó khăn thật sự đó là đưa Cortana lên mọi nơi: từ Xbox, Windows cho đến những sản phẩm khác của Microsoft. Tuy nhiên, Microsoft có vẻ như đã chuẩn bị cho những khó khăn đó, họ có hàng triệu Kinect đang được sử dụng với hệ thống microphone luôn luôn bật, hàng trăm triệu máy tính đang chạy Windows, đó là những gì mà Microsoft đã chuẩn bị, họ chuẩn bị cho một sự đổ bộ của Cortana lên mọi nền tảng trong tương lai không xa.
Đường tự phát sáng ở Hà Lan
Một đoạn đường cao tốc dài 500 mét ở Hà Lan đang được thử nghiệm hệ thống tự phát sáng, nó có thể chiếu sáng các làn phân cách đường để xe nhìn thấy rõ trong ban đêm mà không cần dùng tới đèn đường thông thường. Nhìn bức hình trên chúng ta thấy nó khá giống những cảnh trong phim Tron 2.0 với màu xanh dương đặc trưng. Để làm được điều đó, người ta đã trộn một loại bột phát quang (Photo-Luminescent) vào trong chất liệu sơn đường và hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời.
Công nghệ này sẽ giúp người ta tiết kiệm được khá nhiều điện dùng để cung cấp cho đèn đường trước đây. Đây là một dự án ý tưởng của hãng Studio Roosegaarde, lượng điện mà nó thu thập ban ngày đủ để phát sáng liên tục suốt 10 tiếng vào ban đêm. Ngoài ra người ta còn có thể vẽ thêm các biển báo nguy hiểm ngay trên mặt đường, ví dụ khi nhiệt độ môi trường giảm xuống dưới 0 độ C thì các hình bông tuyết (được vẽ bằng chất liệu nói trên) sẽ sáng lên, báo hiệu cho tài xế biết đây là đoạn đường trơn trượt, hay có tuyết.
Bên cạnh đó hãng này còn có ý định phát triển loại đèn đường hoạt động bằng năng lượng gió, chỉ phát sáng mỗi khi có xe đang chạy đến gần và tự động tắt khi xe đã đi qua, thêm nữa là loại đường điện tử có khả năng sạc liên tục cho các loại xe điện khi chạy trên nó.
[MỜI THAM GIA OFFLINE CAMERA TINH TẾ HÀ NỘI NGÀY 20/4/2014]
Các bạn thân mến, sau thời gian các hoạt động offline của Camera Tinh tế Hà Nội bị gián đoạn bởi thời tiết ẩm ướt của khí hậu miền Bắc. Đến nay, khi ông mặt trời đã lấp ló sau làn mây, thời tiết đã trở nên thuận lợi cho các buổi offline dã ngoại. Camera Tinh tế Hà Nội tổ chức offline ngày 20/4/2014 với các nội dung chính như sau:
Thời gian: từ 7h00 đến 18h00 ngày 20/4/2014 (lưu ý xuất phát đúng giờ)
Địa điểm offline: Công viên Nông nghiệp Việt Long – Khu cánh đồng Vàng, Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội - Có diện tích trên 12 Ha được đầu tư xây dựng theo kiến trúc Việt cổ
Địa điểm tập trung đầu giờ: trước cửa Nhà hát lớn TP. Hà Nội
Phương tiện đi lại: ô tô 45 chỗ
Kinh phí thu trước: 300.000 đồng/người, bao gồm chi phí ăn, uống, thuê xe
Nộp tiền qua tài khoản: Khi chuyển khoản, đề nghị các bạn ghi rõ nội dung : Tên + Offline Tinh tế Hà NộiChi phí phát sinh (nếu có) được thu bổ sung tại chỗ
- Agribank - Từ Liêm
- ĐINH THỊ HỒNG NHUNG - (số máy liên hệ: 0988159668)
- TK số: 3100205233890
- Vietcombank - Chi nhánh Thăng Long
- GIANG ĐỨC THIỆN
- TK số : 0491001833901
- Techcombank - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt
- GIANG ĐỨC THIỆN
- TK số : 19020226855019
Thời hạn đăng ký và nộp tiền: đến hết 11h00 ngày 18/4/2014 (các bạn vui lòng nộp tiền trước để BTC chuẩn bị tốt khâu hậu cần, không nhận đăng ký và nộp tiền sau 11h ngày 18/4/2014)
Nội dung chính:
1. Tổ chức thi chụp ảnh phong cảnh
2. Tổ chức thi chụp ảnh các hoạt động ngoài trời của nhóm như: đua thuyền thúng, bắn súng sơn, các trò chơi Xgame …
3. Tổ chức thi chụp ảnh mẫu trong trang phục truyền thống dân dộc
Giải thưởng do Công viên Nông Nghiệp Long Việt tài trợ với cơ cấu 3 giải nhất, 3 giải nhì và 6 giải khuyến khích chia đều cho 3 mục thi ảnh trên (sẽ có hướng dẫn nộp ảnh dự thi riêng)
Tại đây các mẫu nên chuẩn bị trang phục truyền thống như: váy đụp + áo yếm, áo dài tứ thân, quần áo bà ba + khăn rằn, quần áo dân tộc…
Các thành viên tham gia được miễn phí hoàn toàn các loại vé như: vé vào cửa, vé tham gia các trò chơi Xgame trong khu công viên
Demo trước một số cảnh đẹp khu Công viên Nông nghiệp Long Việt
HTC One bản không khóa mạng sẽ được cập nhật lên Sense 6 vào cuối tháng 5
Jason Mackenzie, chủ tịch HTC Mỹ, mới đây nói trên Twitter rằng chiếc HTC One (M7) sẽ được cập nhật lên giao diện Sense 6 vào cuối tháng sau. Thời hạn trên áp dụng cho những máy không khóa mạng bán tại Mỹ, do đó chúng ta cũng có thể hi vọng các bản ROM cook Sense 6 dành cho M7 cũng sẽ xuất hiện vào khoản thời gian này để anh em trải nghiệm trước. Chưa rõ bao giờ thì One đời đầu ở khu vực châu Á mới được cập nhật chính thức lên bộ giao diện mới thông qua giao thức Over-The-Air. Khi nào có thêm thông tin thì mình sẽ tiếp tục cập nhật cho anh em biết nhé.Nguồn: Twitter
Bản cập nhật Windows Phone 8.1 GDR2 sẽ hỗ trợ màn hình 2K và chip Snapdragon 805?
Trang NokiaPowerUser vừa tiết lộ thêm một số thông tin về hai bản cập nhật sắp tới của Windows Phone 8.1. Theo đó, bản update GDR1 sẽ tập trung vào việc sửa lỗi và cải thiện hiệu năng hệ thống, trong khi bản GDR2 sẽ đi kèm một số tính năng mới và hỗ trợ phần cứng tốt hơn. Đặc biệt, đợt cập nhật GDR2 còn hỗ trợ cho màn hình độ phân giải 2K (2560 x 1440) lẫn chip Snapdragon 805 bốn nhân, gợi ý rằng một thiết bị nào đó được trang bị hai thành phần này sẽ sớm xuất hiện. Theo như kế hoạch rò rỉ thì Windows Phone 8.1 GDR2 sẽ bắt đầu được phân phối vào khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Tuy nhiên, NokiaPowerUser cũng không loại trừ khả năng Microsoft sẽ sớm hỗ trợ cho màn hình 2K và chip 805 ngay trong bản GDR1 nếu hãng bị sức ép từ các đối tác phần cứng.
Đọc thêm chi tiết về SoC Qualcomm Snapdragon 805Nguồn: NokiaPowerUser
Đừng quên cài ứng dụng Facebook mới cho Windows Phone 8.1
Nếu bạn đã cập nhật lên Windows Phone 8.1 thì đừng quên cài ứng dụng Facebook mới nhé. App này hơi khác một chút so với phần mềm Facebook hoặc Facebook Beta dành cho Windows Phone 8 trước đây bởi nó cung cấp một số tính năng để tích hợp sâu vào hệ điều hành chứ không tồn tại như một ứng dụng độc lập hoàn toàn nữa. Bạn sẽ cần đến app mới này để xem chi tiết các trạng thái xuất hiện trong People Hub (trước đây bản thân People Hub sẽ tải đầy đủ nội dung, còn bây giờ nó đẩy qua app Facebook), để chia sẻ ảnh từ máy, xem ngày sinh nhật của bạn bè trong Calendar và thực hiện nhiều thao tác khác có liên quan đến tài khoản Facebook của mình. Mời các bạn tải về bằng cách nhấn vào link này hoặc quét mã QR ở bên dưới.
Ghi chú: Với các bạn nào đang kích hoạt Cortana thì sẽ không thể quét mã QR ngay từ Bing Search như trước. Thay vào đó, bạn phải chạy ứng dụng camera lên > nút menu > Lenses > Bing Vision rồi mới quét được.
Nguồn: Windows Phone Store
James Dyson muốn chế tạo một máy hút chân không nổi khổng lồ để làm sạch các con sông
James Dyson, một nhà thiết kế nổi tiếng với các sản phẩm điện tử gia dụng độc đáo, trong đó có máy hút bụi giúp làm sạch các căn nhà của chúng ta. Nhưng giờ đây ông còn có ước muốn lớn hơn đó là làm cho Trái đất sạch sẽ hơn. Dyson đã lên ý tưởng chi tiết về một sản phẩm mà ông gọi là sà lan M.V. Recyclone, sử dụng hệ thống hút tương tự như các máy hút chân không của hãng, nhưng nó sẽ được dùng để thu gom các túi nhựa hay rác trôi nổi trên bề mặt sông, hồ,…
Đầu tiên, chiếc sà lan nổi sẽ gom rác vào trong một tấm lưới lớn, trước khi hút nó vào bên trong, xử lý và phân chia theo loại nhựa. Hiện tại thì đây mới chỉ là một sản phẩm ý tưởng, nhưng Dyson hy vọng rằng nó sẽ có thể trở thành hiện thực và là một công cụ hữu dụng để làm sạch các nguồn nước.
Nó có thể sẽ không được thiết kế cho việc dùng trên biển, nhưng chắc chắn là sẽ có phiên bản hoạt động trên sông và nó có thể giúp thu gom rác ngay từ sông để chúng không trôi ra biển.
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)