Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

SARAS - hệ thống tăng tốc và mở rộng tầm thu nhận tín hiệu từ vệ tinh

SARAS.

Việc thu nhận một tín hiệu từ một vệ tinh đang bay ở tốc độ trên 28.000 km/h là một vấn đề không đơn giản. Và để cải thiện gấp đôi phạm vi hiệu quả của các chảo ăng-ten thu nhận, giúp bắt được tín hiệu nhanh hơn, một công ty có trụ sở chính tại Tây Ban Nha mới đây đã giới thiệu một hệ thống mới có tên gọi SARAS.

Khi một vệ tinh bắt đầu truyền tín hiệu sau khi phân tách từ tên lửa đẩy, trạm nhận tín hiệu trên mặt đất cần phải hướng chính xác về phía vệ tinh để bắt chùm tín hiệu hẹp, có độ tập trung cao được gởi về từ vệ tinh đang bay rất nhanh.

"Nếu ăng-ten không được định vị một cách hoàn hảo hay vệ tinh bay ra khỏi trường quan sát trước khi bắt kịp tín hiệu, tín hiệu có thể bị bỏ lỡ. Thông thường, ngay cả với những trạm radar tốt nhất với các chảo ăng-ten có đường kính 15 m và 35 m thì chúng chỉ nhạy nhất trên đường cong vài độ dọc theo lòng chảo," Magdalena Martinez de Mendijur - kỹ sư hệ thống tại trung tâm điều hành của ESA tại Đức cho biết.

Hệ thống SARAS mới được phát triển bởi công ty Isdefe (Tây Ban Nha) với sự hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ công nghệ tổng quát của ESA. Hệ thống bao gồm 8 cảm biến tần số vô tuyến nhỏ được đặt quanh viền của các chảo ăng-ten.

Magdalena nói: "Tín hiệu nhận được bởi các cảm biến này được kết hợp và hệ thống có thể ước lượng hướng đến của các chùm tín hiệu vô tuyến đồng thời chảo ăng-ten có thể được tái định hướng theo vệ tinh với độ chính xác cao hơn, ngay cả khi tín hiệu đến khá yếu hoặc bị nhiễu."

Klaus Juergen Schulz - giám sát kỹ thuật các trạm theo dõi mặt đất cho biết hệ thống còn có thể tăng gấp đôi trường quan sát của chảo ăng-ten và có thể thu được một tín hiệu từ một vệ tinh mới trong vòng chưa đến 12 giây. Các phiên bản tiếp theo của hệ thống được kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu năng, rút ngắn thời gian này xuống còn 2 giây."

Hệ thống SARAS đã được lắp trên các chảo ăng-ten đường kính 15 m tại trung tâm thiên văn vũ trụ của ESA ở Tây Ban Nha hồi năm ngoái và đang được thử nghiệm thu nhận tín hiệu từ nhiều vệ tinh bao gồm CryoSat-2, XMM, GOCE và SWARM.

Kế hoạch tiếp theo của Isdefe là biến hệ thống trở thành một sản phẩm thương mại. SARAS hiện đã được đăng ký sáng chế tại Tây Ban Nha và cũng vừa được cấp bằng sáng chế tại châu Âu. Dưới đây là video mô tả quá trình lắp đặt và vận hành SARAS.


Nguồn: ESA