Google bắt đầu thế kỉ 21 với vị thế là một công ty tìm kiếm trực tuyến nhỏ bé. Sau 14 năm, công ty có trụ sở tại California đã kinh doanh smartphone, xây dựng nên bản đồ của nhiều khu vực trên thế giới, mua lại nhiều công ty lớn nhỏ khác nhau, lại còn đang có ý định nhảy vào thị trường robot tự động. Có thể chúng ta quen thuộc nhất với Google thông qua công cụ tìm kiếm của họ, nhưng việc đầu tư vào nhiều mảng khác nhau cho thấy rằng tương lai của hãng không nhất thiết phải được định nghĩa bởi dịch vụ tìm kiếm. Thay vào đó, phần cứng cũng sẽ là một thứ vô cùng có ý nghĩa.
Tại hội nghị Code mới diễn ra hôm qua, đồng sáng lập Sergey Brin đã trình diễn một nguyên mẫu xe ô-tô tự hành. Chiếc xe này không có vô-lăng và pê-đan, nhưng điều lạ lùng nhất liên quan đến chiếc xe này lại là việc người ta không mấy ngạc nhiên với nó. Nói cách khác, thế giới đã quen với những cách tân "điên rồ" của Android nên việc hãng làm một thứ khác lại không phải là chuyện bất ngờ. Google là một trong những công ty có ảnh hưởng nhất trên thế giới và là một trong số ít đơn vị sẽ tiếp tục làm chuyện "điên rồ" trong tương lai. Ngoài chiếc xe nói trên, hiện Google cũng đang phát triển một kính sát tròng theo dõi bệnh tiểu đường, một tua-bin gió có thể bay, thậm chí hãng còn được cho là đang đầu tư vào một công ty có thể kéo dài tuổi thọ con người.
Tất nhiên, không phải tất cả phần cứng Google làm ra đều thành công. Những thiết bị như Nexus Q trông có vẻ rất tốt nhưng lại không được người dùng ưa chuộng, và hãng cũng còn rất nhiều thứ khác chưa công bố. Nhưng chung quy lại, chúng đều là những ước mơ của Google trong việc biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, nơi công nghệ có thể phục vụ cho các nhu cầu của con người một cách đơn giản và hữu hiệu. Sau đây, mời các bạn xem qua một số phần cứng như thế.
Google gia nhập thị trường thiết bị truyền nội dung số vào năm 2012 với Nexus Q, một thiết bị có hình cầu với khả năng lấy video từ YouTube hoặc nhạc từ Google Play Music để truyền xuống TV hoặc dàn loa của người dùng. Bạn sẽ cần đến một chiếc điện thoại để có thể điều khiển Nexus Q chứ bản thân nó không có remote. Đáng tiếc, sản phẩm này không thể có mặt trong nhiều phòng khách của người tiêu dùng vì khả năng hạn chế. Mức giá tại Mỹ cao cũng là một trong số những nguyên nhân khiến nó thất bại. Tới tháng 10/2012, Google quyết định dừng kinh doanh sản phẩm này.Google Fiber là một dịch vụ cáp quang tốc độ siêu nhanh, lên đến 1Gbps. Hiện dịch vụ này chỉ mới xuất hiện ở một vài khu vực tại Mỹ nhưng nó đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía người dùng. Những người nào xài dịch vụ cáp quang của Google còn có tùy chọn mua thêm một đầu thu tín hiệu số để thưởng thức các dịch vụ trực tuyến.
Cái túi đeo sau lưng anh này mang tên Trekker. Nó có trọng lượng 13,6kg và được tích hợp 15 chiếc máy ảnh trên đỉnh đầu, mỗi chiếc có độ phân giải 5 megapixel. Thiết bị này tương tự như hệ thống hình ảnh lắp đặt trên những chiếc xe phục vụ cho tính năng Street View (xem bản đồ và hình ảnh thật ba chiều trong Google Maps), tuy nhiên Trekker thì được thiết kế để dùng trong những khu vực xa xôi hẻo lánh. Google đã bắt đầu cho các bên thứ ba thuê Trekker để nghiên cứu, và những người này có thể đến từ là các viện nghiên cứu, đại học hoặc công ty du lịch. Cũng nhờ vậy mà công ty thu thập được những hình ảnh tại những vùng hiểm trở như khe Grand Canyon ở Mỹ hoặc núi Everest.
Motorola phát triển Moto X khi còn lại một công ty con thuộc Google. Thiết bị này có thời lượng pin tốt, cấu hình ổn, và tính năng thu hút khách hàng nhất chính là khả năng tùy biến nhiều thành phần của máy. Cộng thêm nhiều đợt giảm giá, Moto X trở thành một trong những chiếc smartphone Android tốt nhất trên thị trường. Tuy nhiên, chỉ một mình chiếc điện thoại này thì không đủ sức thuyết phục để Google giữ lại Motorola. Sáu tháng sau khi X ra mắt, Google đã bán Motorola Mobility cho Lenovo với giá 2,91 tỉ USD.
Chromecast là một thiết bị truyền nội dung có thiết kế cực kỳ đơn giản. Nó không khác gì một chiếc bút nhớ USB, có điều giờ đây người dùng sẽ cắm nó vào cổng HDMI trên TV. Thiết bị này có thể được xem là một người kế nhiệm cho Nexus Q và nó được tạo ra nhằm đánh bại tính năng AirPlay của Apple. Chromecast hỗ trợ nhiều dịch vụ truyền nội dung từ Internet về TV người dùng, ví dụ như Netflix hay YouTube, ngoài ra nó cũng hỗ trợ nhận nội dung từ máy tính hoặc thiết bị di động thông qua kết nối không dây. Chromecast rất thành công tại Mỹ và mới đây Google quyết định mang sản phẩm ra một số thị trường quốc tế.
Không thể không nhắc tới Google Glass khi nói về độ "quái dị" của Google. Phản ứng của người dùng đối với Glass không đồng nhất. Một số nói rằng đây là thiết bị của tương lai, nó sẽ mở ra một kỉ nguyên của tăng cường thực tế ảo nơi người dùng có thể xem được những thông tin liên quan đến các vật thể trong đời thực. Một số khác thì chỉ trích mạnh mẽ Glass vì lý do xâm phạm quyền riêng tư, gây rối trật tự, quay lén và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, dù gì đi nữa thì Google vẫn kiên quyết đưa Glass ra thị trường, đồng thời đưa ra nhiều quy định mới để hướng dẫn các lập trình viên xây dựng app cho chiếc kính mắt thông minh này.
Hồi năm 2010, khi Eric Schmidt nói về hệ điều hành sắp ra mắt của Google (thực chất chính là Chrome OS), ông gợi ý rằng người dùng sẽ không cần phần cứng đắt tiền để chạy nó. Và chỉ ba năm sau, Google đã tự phá vỡ quy định của chính mình. Chiếc Chromebook Pixel được hãng ra mắt năm 2013 có giá 1299$, cao hơn khoảng 1000$ so với những chiếc Chromebook khác trên thị trường lúc đó. Tất nhiên là máy có thiết kế xịn hơn, màn hình độ phân giải cao hơn và lại hỗ trợ cảm ứng. Đáng tiếc rằng mức giá quá cao cộng với tính năng còn hạn chế đã khiến sản phẩm này không được phổ biến như những mẫu máy tính chạy Chrome OS khác. Nhưng cũng thông qua Chromebook Pixel, Google chứng minh cho thế giới thấy rằng họ hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm rất cao cấp để dùng với Chrome OS và đây không chỉ là một nền tảng giá rẻ.
Google đã làm việc với một nguyên mẫu điện thoại lắp ghép mang tên Project Ara. Dự án smartphone này sẽ cho phép người dùng thay thế các linh kiện, thành phần trong máy khi cần nâng cấp chứ không phải bỏ đi cả một thiết bị của mình. Ngay cả CPU, RAM, màn hình và pin cũng có thể tháo ra để gắn cái khác mạnh hơn, tốt hơn. Theo kế hoạch, Project Ara sẽ chính thức ra mắt vào đầu năm sau và thiết bị từ dự án này sẽ có giá thấp nhất vào khoảng 50$. Nghe có vẻ rất hấp dẫn.
Project Tango cũng là một dự án gây chú ý mà Google đang triển khai. Trong đó, người ta sẽ phát triển một chiếc điện thoại Android màn hình 5" được trang bị đầy đủ các loại cảm biến để có thể tự động vẽ lại một bản đồ không gian 3D gần như hoàn chỉnh của những nơi mà bạn đi qua. Ví dụ khi bạn bước vào trong một căn nhà, một công viên hay một tòa lâu đài thì nó sẽ liên tục vẽ lại từng con đường, từng góc cạnh, từng vật thể có trong ngôi nhà đó dưới dạng đồ họa 3D chính xác. Mỗi giây, chiếc điện thoại này có thể thực hiện được hơn 250.000 phép đo của không gian xung quanh, tự động cập nhật vị trí hiện tại, điều hướng theo thời gian thực và kết hợp tất cả lại với nhau để tạo thành một bản đồ không gian 3D xung quanh bạn.
Google mua lại công ty robot Boston Dynamics vào cuối năm ngoái. Trong những năm gần đây, Boston Dynamics được biết đến nhiều với dòng robot BigDog có khả năng đi trên tuyết và băng, robot Cheetah chạy ở tốc độ 46km/h, hay như người máy PETMAN có hình dáng và khả năng di chuyển rất giống một con người bình thường. Động thái này là một nước đi mới nhất của Google trong việc phát triển nên "thế hệ robot kế tiếp", dự án mà Andy Rubin - vị cha đẻ của hệ điều hành Android - đang dẫn dắt kể từ đầu năm nay.
Mặc dù không được thiết kế bởi Google nhưng bộ điều khiển nhiệt độ thông minh Nest đã thuộc về tay họ khi mua lại công ty Nest Lab vào đầu năm nay. Giá trị của thương vụ này là 3,2 tỉ USD và dự kiến việc mua bán sẽ kết thúc trong khoảng vài tháng tới. Theo thông báo từ Google, Nest sẽ tiếp tục hoạt động động lập dưới sự chỉ đạo của CEO Tony Fadell, thương hiệu của công ty cũng được giữ nguyên. Fadell nói rằng nhóm của công rất vui mừng khi được gia nhập Google. Hiện chưa rõ Google định làm gì với Nest, nhưng rõ ràng với khoảng tiền 3,2 tỉ USD nói trên thì Google đã xem Nest như một phần quan trọng trong tương lai của mình. Một ví dụ có thể nghĩ tới đó là sự kết hợp giải pháp tự động hóa của Nest với các chức năng điều khiển, nhận dạng giọng nói của Google để biến ngôi nhà trở nên thông minh hơn.
Nhóm Google X của đồng sáng lập Sergey Brin hiện đang phát triển chiếc kính sát tròng này. Nó là một thiết bị thông minh giúp các bệnh nhân tiểu đường có thể kiểm soát nhanh lượng đường huyết trong máu của họ. Bên trong kính có một con chip không dây và một bộ cảm biến glucose nhằm đo nồng độ glucose trong nước mắt của người đeo. Google hy vọng phương pháp trên có thể làm giảm sự đau đớn của người bệnh khi phải kiểm tra đường huyết nhiều lần trong ngày bằng cách truyền thống là lấy máu từ đầu ngón tay. Điều tuyệt vời nhất là cảm biến glucose có thể nhận biết lượng đường huyết của người bệnh liên tục qua từng giây nên sẽ đưa ra các cảnh báo sớm nếu đường huyết có dấu hiệu tăng hoặc giảm. Hơn nữa, Google còn có thể tích hợp một đèn LED cảnh báo cho người bệnh khi lượng đường huyết vượt quá các ngưỡng giới hạn.
Tua-bin gió Makani trông có vẻ giống một chiếc máy bay không người lái hơn là một tua-bin truyền thống. Nếu như các tua-bin từ trước đến nay cần một chân đế rất lớn để giữ chúng cố định trên mặt đất thì Makani lại có kích thước rất nhỏ gọn. Và bởi vì đã bay trên trời trong một thiết kế của tàu lượng nên nó không cần phải được cố định. Tất cả những gì người ta cần làm đó là đưa Makani lên trời, cho nó bay theo vòng và gió sẽ làm quay các cánh quạt được gắn trên cánh máy bay. Điện năng tạo ra sau đó sẽ được truyền về mặt đất. Thực chất Makani được phát triển bởi một công ty cùng tên và Google đã mua lại đơn vị này hồi tháng 5/2013. Hãng vẫn tiếp tục lên kế hoạch để sản xuất và phát triển những model Makani trong tương lai.
Loon là một dự án cho thấy rõ sự "điên rồ" của Google. Về cơ bản, có thể hiểu "Project Loon" là dự án dùng các quả bóng bay để đưa Internet đến với người dùng ở các vùng miền khác nhau trên toàn thế giới. Vậy tại sao lại chọn các quả bóng lớn mà không phải là một vật nào khác? Google cho rằng bóng luôn có giá thành vô cùng rẻ, không những thế nó còn có thể bay lơ lửng ở một độ cao thích hợp - yếu tố cần thiết để mang Internet đến với những vùng có vị trí địa lý khó khăn trong việc lắp đặt các trạm phát mạng. Google cho biết họ đã xây dựng thành công hệ thống điều khiển và nói rằng các quả bóng này sẽ có thể bay lên cao khoảng 18.288m (tức cao hơn gấp đôi so với độ cao lý tưởng khi máy bay bay trên trời).
Sergey Brin đã giới thiệu nguyên mẫu xe tự hành này tại sự kiện Code mới diễn ra. Không như hầu hết những chiếc xe không người lái mà Google từng phát triển, nguyên mẫu này không có bánh lái hay pedal, do đó người dùng phải để việc điều hướng xe cho một hệ thống trí tuệ nhân tạo xử lý. Brin nói rằng chiếc xe này vẫn chưa bị tai nạn lần nào trong những đợt thử nghiệm của công ty. Tất nhiên, để sản phẩm trở thành hiện thực thì vẫn còn một chặng đường rất dài, nhưng ít ra nó cho thấy Google đang rất nỗ lực để biến cuộc sống của con người trở nên tốt và dễ dàng hơn.Tham khảo: The Verge
Hiển thị bài đăng được sắp xếp theo ngày cho truy vấn dung thu nexus q. Sắp xếp theo mức độ liên quan Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị bài đăng được sắp xếp theo ngày cho truy vấn dung thu nexus q. Sắp xếp theo mức độ liên quan Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014
Google đang xây dựng cả một "đế chế" phần cứng, và đây là một vài thiết bị tiêu biểu
Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013
Từ Nexus One đến Nexus 10: lịch sử các thiết bị di động của Google
Năm 2010, sau nhìn tin đồn đoán thì Google cũng đã tung ra chiếc điện thoại đầu tiên chạy Android nguyên gốc và không phụ thuộc vào bất kì nhà mạng nào. Đó là chính là Nexus One, chiếc máy khởi đầu cho một dòng thiết bị độc đáo không chỉ bởi cấu hình mạnh mà còn nhờ vào giao diện thuần chất Android. Sau ba năm, dòng Nexus giờ đây đã vươn ra khỏi biên giới của điện thoại để bổ sung thêm máy tính bảng với nhiều kích thước khác nhau. Mỗi một chiếc Nexus đều mang trong mình một số điểm đặc biệt mà không thiết bị nào khác trên thị trường có được. Nhân dịp Nexus 5 mới vừa bán ra, hôm nay mời các bạn cùng xem lại lịch sử của những máy Nexus.
Nexus One
Đây là chiếc điện thoại đầu tiên chính thức mang thương hiện "Nexus" và nó thật sự là một chiếc điện thoại của Google. Được ra mắt vào tháng 1/2010, Nexus One do HTC sản xuất và nó sở hữu cấu hình mạnh mẽ ấn tượng ở thời điểm đó với chip Qualcomm Scorpion 1GHz, GPU Adreno 200 và RAM 512MB. Cạnh dưới của Nexus One là một viên bi điều hướng có tích hợp đèn LED thông báo, ngoài ra còn có camera 5 megapixel.
Máy cũng có màn hình AMOLED kích thước 3,7" độ phân giải 480 x 800. Tuy nhiên, do gặp vấn về nguồn cung nên đến tháng 6/2010, HTC tuyên bố chuyển sang dùng màn hình LCD cho thiết bị này. Lúc mới bán ra, Nexus One được cài sẵn Android 2.1 Eclair mới nhất ở thời điểm đó, giống với truyền thống dòng Nexus sau này. Một thời gian sau, Nexus One cũng là thiết bị đầu tiên được cập nhật lên Android 2.2 FroYo. Những đánh giá ban đầu đề cao khả năng chạy đa nhiệm của Android trên Nexus One, cấu hình máy mạnh, Gmail hỗ trợ nhiều tài khoản... Nexus One bị dừng sản xuất vào tháng 7/2010, quãng đời khá ngắn cho một chiếc smartphone.
Nexus S
Ba tháng sau đó, tức tháng 10/2010, Google lại tiếp tục ra mắt tiếp chiếc điện thoại Nexus thứ hai với tên gọi Nexus S. Điều làm nhiều người bất ngờ đó là Google không còn bắt tay với HTC làm đối tác phần cứng nữa mà chuyển sang chơi với Samsung. Nexus S có thể xem như nỗ lực của Google trong việc quảng bá về Android 2.3. Nếu như Nexus One được bán trực tiếp thông qua website của Google thì Nexus S được phân phối rộng hơn nên người dùng có thể mua nó ở các chuỗi cửa hàng bán lẻ hay nhà mạng. Sau này Nexus S được update lên tối đa là Android 4.1.
Nexus sở hữu thiết kế lạ mắt nhờ mặt kính được làm cong mà theo Google gọi là "Contour Display". Kiểu cong này giúp máy ôm sát vào mặt người dùng khi thực hiện cuộc gọi, và cũng giúp tạo ra vẻ độc nhất cho máy. So với Nexus One, Nexus S không còn sở hữu viên bi điều hướng nữa, cấu hình thì được nâng cấp với vi xử lí đơn nhân Cortex-A8 1GHz, GPU PowerVR SGX 540, RAM 512MB. Nexus S cũng là chiếc điện thoại Android đầu tiên được tích hợp chip NFC.
Theo đánh giá của nhiều trang công nghệ, doanh số ban đầu của Nexus S không tốt như mong đợi. Người dùng than phiền về việc thiếu hụt khe cắm thẻ nhớ, vốn là một tính năng rất phổ biến thời bất giờ, còn vi xử lí thì đã khá cũ so với những đối thủ khác. Việc không hỗ trợ cho kết nối 4G LTE hay HSPA+ cũng là những điểm trừ của Nexus S.
Motorola Xoom
Mặc dù thiết bị này không trực tiếp thuộc dòng Nexus, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể xem nó như một thành viên của gia đình này bởi vì Motorola đã hợp tác với Google để phát triển nên Xoom. Hai công ty thậm chí còn nói rằng nó là "một thiết bị có khả năng mang lại các trải nghiệm Google". Máy cũng được Google hỗ trợ tốt về mặt update tuy không nhanh như các điện thoại Nexus. Xoom ra mắt vào tháng 2/2011 và là thiết bị đầu tiên được cài sẵn Android 3.0 Honeycomb, phiên bản Android đầu tiên được thiết kế dành riêng cho máy tính bảng. Lúc mới ra mắt, Xoom nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng bởi trước đó Apple mới ra mắt iPad và Xoom hứa hẹn sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm từ Apple.
Tuy nhiên, vì phần mềm chưa hoàn thiện, nhiều tính năng phải chờ bản update mới có thể chạy được cùng với hệ sinh thái thiếu hụt ứng dụng viết riêng cho máy tính bảng nên Xoom đã không thành công như mọi người mong đợi. Xoom hiện đã không còn được sản xuất và Motorola Xyboard (còn gọi là Xoom II) đã ra đời để thay thế cho nó.
Galaxy Nexus
Tháng 11/2011 là lúc Android đang phát triển cực kì mạnh mẽ với 57% lượng máy mới được mua chạy hệ điều hành này, chiếc Galaxy S II thì đang thu hút được một lượng khách hàng lớn bên cạnh chiếc Galaxy S 4G dành cho thị trường Mỹ. Đúng lúc đó, Google tiếp tục tung ra thiết bị Nexus kế tiếp: Galaxy Nexus. Máy vẫn do Samsung sản xuất và được trang bị vi xử lí hai nhân TI OMAP 1,2GHz, RAM 1GB.
Tuy nhiên, điểm nhấn của Galaxy Nexus lại tập trung chủ yếu vào phần mềm mà cụ thể là Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Đây là thiết bị đầu tiên trên thế giới chạy một bản Android được Google làm mới gần như hoàn toàn, từ các giao diện cho đến tính năng. Ice Cream Sandwich sự lột xác của Android từ một giao diện đầy màu sắc và có phần thiếu chuyên nghiệp sang một giao diện đen tương phản với xanh dương độc đáo (Google gọi là "Holo theme"). Tính đến thời điểm hiện tại, Android 4.4 vẫn được xây dựng chủ yếu dựa trên Android 4.0 đấy thôi. Chưa hết, Galaxy Nexus cũng là smartphone Android đầu tiên áp dụng việc loại bỏ hết các nút điều hướng cứng để thay bằng phím ảo.
Nexus 7
Nếu như Xoom là máy tính bảng lớn thì Nexus 7 lại một thiết bị chỉ có màn hình 7". Nó là tablet đầu tiên thật sự được gắn mác Nexus và do Asus sản xuất. Điểm gây bất ngờ khi Google giới thiệu Nexus 7 hồi tháng 5/2012 đó là mức giá cực thấp, chỉ 199$ cho bản 8GB, trong khi phần cứng của thiết bị không phải là loại xoàng vì có SoC bốn nhân Tegra 3, RAM 1GB, màn hình độ phân giải 1280 x 800. Nexus 7 bản chính thức chỉ có màu đen, còn các lập trình viên tham dự sự kiện hồi tháng 5 thì được tặng thêm máy màu trắng. Máy nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng Android do có mức giá rất hợp lý so với hiệu năng mang lại, kèm theo đó là Android 4.1 mượt mà. Ban đầu, Nexus 7 có hai bản 8GB và 16GB, sau đó Google ra mắt thêm bản 32GB Wi-Fi và 32GB có 3G vào tháng 10 năm ngoái.
Nexus Q
Đây là thiết bị lạ lùng nhất trong dòng Nexus, nó không là smartphone, không là tablet mà là một thiết bị truyền nội dung không dây. Nexus Q sẽ lấy nội dung từ những dịch vụ trực tuyến của Google như YouTube, Play Music rồi truyền ra loa và TV cho người dùng. Nexus Q ra mắt cùng lúc với Nexus 7 (tức tháng 5/2012), chạy một phiên bản tùy biến của Android 4.0 Ice Cream Sandwich và có giá lên đến 299$. Sử dụng cùng chip xử lý của Galaxy Nexus và được trang bị các kết nối như Ethernet, Bluetooth và NFC, Nexus Q có thể được điều khiển thông qua điện thoại hoặc máy tính bảng Android. Do giá đắt, tính năng không nhiều nên Nexus Q đã bị dừng sản xuất từ tháng 11 năm ngoái.
Nexus 4
Sau hàng tá tin đồn xuất hiện trên mạng, cuối cùng thì thế hệ điện thoại Nexus mới cũng đã ra mắt vào tháng 10/2012. Máy do LG sản xuất và sở hữu một cấu hình mạnh nhất ở thời điểm đó, bao gồm bộ xử lí Qualcomm Snapdragon S4 Pro bốn nhân 1,5GHz, GPU Adreno 320, 2GB RAM, màn hình 4,7" độ phân giải HD 720p. Đây cũng là thiết bị đầu tiên được bán ra có cài sẵn Android 4.2. Trong thời gian đầu, Nexus 4 hao pin và khá nóng, sau đó Google phân phối bản update để khắc phục hết những vấn đề này.Với mức giá chỉ 299$ cho bản 8GB và 349$ cho bản 16GB, Nexus 4 gây ra một cơn sốt trên toàn thế giới do giá quá thấp trong khi cấu hình lại ngang bằng với hầu hết smartphone cao cấp khác. Máy hết hàng chỉ sau vài chục phút được bán ra và tình trạng khan hiếm hàng diễn ra trong vài tháng sau đó. Ở Việt Nam chúng ta cũng không là ngoại lệ khi Nexus 4 rất hiếm xuất hiện trong thời gian đầu. Google đổ lỗi cho LG vì nguồn cung Nexus 4 quá ít và thất thường, còn LG lại nói là do Google không dự báo đúng nhu cầu của thị trường. Dù sao đi nữa thì Google cũng đã chịu phần phí giao hàng như một cách xin lỗi người dùng.
Nexus 10
Đây là chiếc máy tính bảng 10" đầu tiên trong dòng Nexus và nó được ra mắt cùng lúc với Nexus 4 (tháng 10/2012). Thiết bị này do Samsung sản xuất chứ không phải là Asus như Nexus 7. Nexus 10 sở hữu màn hình với độ phân giải lên đến 2560 x 1600, cao nhất ở thời điểm nó ra mắt và hơn cả màn hình retina mà Apple đang xài cho iPad 4. Máy có vi xử lí Samsung Exynos 5250 với hai nhân ARM Cortex-A15, RAM 2GB, bộ nhớ trong 16GB hoặc 32GB, pin 9000mAh và mỏng 8,9mm. Giá của Nexus 10 bản 16GB là 399 USD còn bản 32GB là 499 USD. So với Nexus 4, Nexus 10 không được quan tâm nhiều bằng.
Nexus 7 (2013)
Đây là thế hệ tiếp nối cho Nexus 7 và nó được ra mắt trong tháng 7/2013. Thiết kế tổng quan của Nexus 7 (2013) không thay đổi nhiều so với người tiền nhiệm, tuy nhiên máy mỏng đi 2mm và nhẹ hơn 50g. Máy chỉ có một màu đen duy nhất, theo ngôn ngữ thiết kế "black on black" của Google. Nexus 7 2013 có tổng cộng 3 phiên bản. Theo đó, phiên bản 16GB Wi-Ficó giá 229 USD, bản 32GB Wi-Fi có giá 269 USD và cuối cùng là bản 32GB LTE với giá 349 USD.Thay đổi lớn nhất trên Nexus 7 2013 nằm ở màn hình và cũng là điểm giúp thiết bị nhận được nhiều lời khen. Máy được trang bị màn hình độ phân giải cao, 1920 x 1200, so với độ phân giải màn hình của thế hệ trước là 1280 x 800. Google gọi đây là chiếc tablet 7" có màn hình độ phân giải cao nhất hiện nay. Nexus 7 2013 chạy chip Qualcomm Snapdragon S4 Pro, tốc độ 1.5 GHz, RAM 2GB cùng GPU Adreno 320. Đặc biệt, Nexus 7 2013 đã được trang bị camera sau độ phân giải 5MP, bên cạnh camera 1,2MP ở mặt trước. Máy được cài sẵn Android 4.3 Jelly Bean.
Nexus 5
Lại thêm một chiếc điện thoại mới được ra mắt từ Google và lần này vẫn do LG sản xuất. Được công bố vào tháng 11/2013, Nexus 5 có thiết kế mới hơn, mạnh mẽ hơn so với đàn anh. Máy cũng chứng kiến nhiều thay đổi ở bên trong như màn hình Full HD 4,95", CPU Snapdragon 800, camera chính 8MP với chống rung quang học, WiFi ac... một cấu hình rất mạnh mẽ. Đây là thiết bị đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ điều hành Android 4.4 KitKat với sự thay đổi nhẹ về giao diện và tập trung cải thiện các tính năng bên trong.
Google bán Nexus 5 với hai màu trắng và đen, giá 349$ cho bản dung lượng 16GB và 399$ cho bản 32GB. Theo như ghi nhận thì Nexus 5 bản 16GB màu trắng và đen đã được bán hết sạch tại cửa hàng Mỹ chỉ trong vòng hơn 30 phút cũng bởi giá rẻ so với cấu hình.
Nexus tương lai
Vậy là chúng ta đã được chứng kiến 5 đời điện thoại Nexus, 2 đời tablet Nexus 7" và 1 đời tablet 10", ngoài ra còn có thêm một thiết bị phát nội dung đa phương tiện. Trong tương lai, Nexus sẽ tiếp tục đóng vai trò như một thiết bị có tính định hướng cho thị trường Android, và theo như Google nói thì Nexus là công cụ để Google cho các hãng thiết bị khác thấy rằng Android có thể làm được những gì. Hiện nay người ta cũng đang đồn là dòng Nexus sắp có thêm smartwatch và một thiết bị gì đó tương tự như Google TV. Chúng ta hãy cùng chờ xem sao.
Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013
181013 có gì cho anh em Tinh Tế
SonyNexus 5
- Sáng nay Sony Show Hà Nội đã khai mạc. Sony đãng mang gần như là tất cả các sản phẩm tiêu dùng của mình đến để mọi người trải nghiệm. Chắc là không có công ty điên tử nào ở VN có thể làm điều như mà Sony làm. Mình đang ở HN và có đến đây để chụp ít hình. Mời anh em xem. Hinh-anh-sony-show-ha-noi.2191852
- Sony khoe sạc không dây thế hệ mới mà họ dự định trang bị cho smartphone của họ năm sau có thể sạc nhanh gấp 3 lần hiện nay. Hy vọng việc Sony tham gia vào sạc không dây sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công nghệ vốn đã xuất hiện nhưng vẫn vật vờ. Sony làm NFC rất hệ thống và hy vọng họ cũng hệ thống tốt luôn sạc không dây này. Điện thoại Sony sẽ có thể sạc không dây nhanh gấp ba lần hiện tại
Máy ảnh
- Có vẻ như hôm sáng nay Google cố ý để lộ hình ảnh chính thức và giá bán Nexus 5 của mình trên Google Play Store. Chúng ta thấy một chiếc Nexus với cấu hình mạnh mẽ, thiết kế ấn tượng và một cụp camera cứ như là cố gắng làm cho xấu đi để bán rẻ. Nexus 5 dựa trên G2 nhưng nhiều khả năng là sẽ không được trang bị màn hình ngon như G2. Giá cho bản 16GB của Nexus 5 là 349USD không khoá mạng, tức là khoảng 7 triệu đồng... thật là không tưởng ở VN. Nexus 5 xuất hiện trên Google Play Store, giá 349 USD cho bản 16GB
Samsung
- Năm nay không có Photokina nên hôm qua Sony giới thiệu máy ảnh mới và hôm nay thì Fujifilm cũng giới thiệu 2 cái của mình. Trong đó X-E2 là phiên bản nâng cấp của X-E1 với nhiều cải tiến và XQ1 thì là một dòng mới với thiết kế nhỏ gọn. Cả hai đều trang bị Wifi và cảm biến X-Tran thế hệ II. Fujifilm ra mắt XQ1: X-Trans II 12MP, thiết kế siêu gọn, có Wi-Fi và Fujifilm ra mắt X-E2: X-Trans II 16 MP, màn hình và EVF đẹp hơn, có Wi-Fi.
- Fujifilm X100... được nâng cấp phần mềm tiếp. Đúng là động lực rất lới cho anh em đang sở hữu chiếc máy ảnh này. Fujifilm công bố bản cập nhật 2.0 cho Fujifilm X100 với nhiều nâng cấp
- Nikon hồi sinh dòng lens NOCT 58mm huyền thoại. Tuy kiểu dáng, kích thước giống với 50mm 1.4 nhưng rõ ràng đây là lens thuộc hàng cao cấp cùng với các bạn như 24mm F1.4, 35mm F1.4 và 85mm F1.4...Nikon hồi sinh dòng lens NOCT 58mm huyền thoại
Pantech
- Hôm qua HTC One lên 4.3 với Sense 5 thì hôm nay S4 cũng lên 4.3 với nhiều cải tiến và đặc biệt là hỗ trợ Galaxy GEAR. Anh em dùng S4 có thể tải về và up ngay hôm nay. Những tính năng mới trên Galaxy S 4 chạy Android 4.3
- Galaxy Round tiếp tục được đưa ra dò xét với các hình ảnh so sánh với Note 3 và bài báo cáo về điểm benchmark. Kết quả benchmark Samsung Galaxy Round (chip Snapdragon 800) và [Hình ảnh] So sánh Galaxy Round và Note 3
- Anh em dùng Note 3 không thể bỏ qua chủ đề này của bạn @namfat: TỔNG HỢP [Galaxy Note 3 SM-N900] Tổng hợp, root, ROM Cook - Hỏi đáp - Thủ thuật - Chia sẻ - Kinh nghiệm
- @TDNC đã trên tay A890 một chiếc điện thoại với thiết kế rất Hàn Quốc và có cả cảm biến vân tay phía sau. Ngoài ra máy còn có cấu hình mạnh mẽ ngang Note 3 với Snapdragon 800 và RAM 3GB. [Trên tay] Điện thoại Pantech A890: 5.9", Snapdragon 800, 3GB RAM, 13MP, cảm biến vân tay. Chắc là nhiều anh em mong một ngày nào đó Pantech bỏ Hàn Quốc sang VN bán điện thoại lắm đây.
Khác
- Hôm nay Google báo cáo doanh thu gần 15 tỉ Mỹ Kim và lợi nhuận gần 3 tỉ. Motorola mà Google mua với giá 12,5 tỉ vẫn lỗ... đúng là một thương vụ phí đạn vì đến giờ này Motorola vẫn chẳng làm ra cái máy gì để có thể cạnh tranh với các hãng Android khác. Báo cáo của Google cũng dẫn đến cổ phiếu tăng giá rất đáng kể. Google Q3/2013: doanh thu 14,98 tỉ USD, lợi nhuận 2,97 tỉ USD, Motorola tiếp tục lỗ và Giá trị cổ phiếu của Google tăng gần 13%, lần đầu tiên vượt mốc 1000$
- USB nhớ cho máy tính không thể đếm hết, giờ chúng ta có USBcho điện thoại qua cổng miniusb. Trên tay Apacer “Q Zoo" AH171: ổ nhớ USB dành cho thiết bị di động
- Bạn lo 3G tăng giá... Date Sense trên Windows Phone giúp bạn quản lý cự kỳ hiệu quả dung lượng 3G. Sử dụng Data Sense để quản lí dung lượng 3G trên máy Windows Phone
- 40% băng thông xem video YouTube là từ các thiết bị di động mình tin con số này vì ngày nào cuKhang cũng học tiếng anh qua mấy cái clip trên đây
Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013
[Chia sẻ] Những ứng dụng tốt trên máy tính bảng Android để đi học
Hiện nay máy tính bảng Android ở Việt Nam có mức giá rất hấp dẫn và trải dài trên nhiều phân khúc khác nhau, do đó nhiều bạn đã chọn mua cho mình một chiếc để phục vụ việc học. Cũng như iPad, máy tính bảng Android có khá nhiều phần mềm vừa hay vừa miễn phí để có thể cùng chúng ta đến trường và học hành chứ không chỉ để chơi game hay lướt web, facebook. Sau một thời gian sử dụng thì mình xin chia sẻ với anh chị em một số app hay để dùng cho mục đích này. Nếu bạn có thêm app nào hay thì hãy cùng chia sẻ với mọi người luôn nhé.
Ghi chú: Nếu bạn xài iPad, mình đã có một bài nói về ứng dụng đi học dành cho chiếc máy này. Mời các bạn xem qua.
1. Ứng dụng xem và chỉnh sửa văn bản, bảng tính, bài thuyết trình
Nếu đi học thì ứng dụng để xem ba loại tập tin nói trên là thứ quan trọng nhất mà chúng ta phải cài vào máy để còn đọc được bài tập, bài giảng hay bài làm của bạn bè và thầy cô. Trên Android thì chúng ta có khá nhiều lựa chọn để xem các file văn phòng, trong đó có một số giải pháp tốt mà lại miễn phí nữa. Sau một thời gian dùng thử thì mình xin chia sẻ với các bạn hai app sau:
A. Kingsoft Office
Đây là một phần mềm miễn phí, tuy nhiên không vì thế mà nó không tốt. Kingsoft Office vừa có thể đọc và biên tập các file văn bản Word, vừa có thể thao tác với bảng tính của Excel cũng như file thuyết trình PowerPoint. Giao diện của phần mềm này khá giống với Microsoft Office trên máy tính nên bạn sẽ không phải mất quá nhiều thời gian để làm quen, nó cũng có các tab và ribbon ở cạnh tranh màn hình, trong đó bố trí các nút chức năng cho chúng ta xài. Kingsoft Office hỗ trợ hầu hết các thao tác cơ bản như chỉnh font chữ, cỡ chữ, định dạng (in đậm, nghiêng, gạch dưới), chỉnh màu văn bản. Bạn cũng có thể chèn dấu chấm đầu dòng, canh lề trái, phải hoặc giữa cho đoạn văn, canh lại khoảng cách giữa các dòng với nhau, xoay chữ ngang, dọc.
Đối với tập tin PowerPoint, KingSoft Office có khả năng hiển thị hầu hết các hiệu ứng cơ bản thường được dùng, do đó bạn không phải lo lắng về vấn đề mất nội dung khi đang mở slide trong lớp. Tất nhiên là bạn cũng có thể xài chiếc máy tính bảng Android của mình để thuyết trình nữa, chỉ cần máy có hỗ trợ xuất hình ảnh ra ngoài (thông qua microHDMI hoặc MHL, mua thêm đầu đổi VGA tùy máy chiếu).
Còn khi việc thao tác với bảng tính, KingSoft hỗ trợ hầu hết các hàm thông dụng và tốc độ xử lí nhanh nên rất tiện lợi. Các ô trong công thức sẽ được tô màu khác nhau, giống hệt Excel, do đó bạn sẽ dễ dàng theo dọi và nhập liệu hơn. Trong lúc xài tính năng bảng tính của KingSoft thì chúng ta còn có thêm một bàn phím đặc biệt được tối ưu hóa cho việc nhập số nữa.
So với những app văn phòng khác trên Android, mình thích Kingsoft Office ở việc nó tương thích tốt với định dạng file chuẩn của Microsoft, do đó các slide hay văn bản có chèn hình vẽ phức tạp thì vẫn được hiển thị chính xác chứ không bị lệch hay mất. Thậm chí một số bộ app văn phòng tính phí của Android cũng chưa có tính tương thích ngon như Kingsoft.
Bên cạnh đó, KingSoft Office còn hỗ trợ chúng ta mở nhiều tập tin cùng lúc, tiện khi cần sao chép và chuyển qua lại giữa các file. Ví dụ như khi vào lớp, bạn vừa có thể mở file văn bản ghi chú, vừa xem file thuyết trình. Google Drive, Dropbox, Box, SkyDrive cũng được tích hợp thẳng vào KingSoft Office nên bạn có thể mở và lưu tập tin của mình lên những dịch vụ trực tuyến này, vừa đỡ mất công chép thủ công vào bộ nhớ máy, vừa an toàn vì lỡ có làm mất tablet thì không bị mất tài liệu học hành.
Tải về Kingsoft Office
B. Polaris Office
Đây là phần mềm được cài sẵn trên nhiều máy tính bảng Android, có thể kể đến như các máy Transformer của Asus hay Galaxy Tab của Samsung. Nhược điểm là Polaris Office trên Google Play chỉ cho phép các máy Samsung tải về mà thôi, mình có HTC, Nexus, LG thì không có cài nào tải được. Nếu bạn xài Samsung, bạn có thể tải ứng dụng về tại đây. Nếu không phải Samsung, mời bạn Xem cách tải ở bài viết này.
Cũng giống như KingSoft Office, Polaris Office thực hiện hầu hết các thao tác cơ bản như chỉnh font chữ, cỡ chữ, định dạng (in đậm, nghiêng, gạch dưới), chỉnh màu văn bản, định dạng đoạn văn, kiểu cách… Tính tương thích của Polaris Office với các tập tin MS Office cũng khá tốt khi những file có hình ảnh và hiệu ứng phức tạp đều được hiển thị đầy đủ. So với KingSoft, mình thấy Polaris chạy nhanh hơn, nhưng bù lại giao diện khó dùng hơn, đòi hỏi bạn phải làm quen chừng 1-2 ngày thì mới có thể xài thuần thục. Ngoài ra, Polaris không hỗ trợ lấy tập tin trực tiếp từ các dịch vụ lưu trữ đám mây như Dropbox hay Box hay Google Drive nên bạn phải xem app bên ngoài rồi mở bằng Polaris.
2. Ghi chú với Evernote
Cách đây ít hôm phần mềm này đã từng xuất hiện trong bài viết chia sẻ app iPad khi đi học của mình, và đến bây giờ nó vẫn tiếp tục góp mặt trong số những app Android thường dùng nhất khi học hành. Vì Evernote là ứng dụng ghi chú đa nền tảng, do đó bạn có thể cập nhật ghi chú mình đã tạo lên máy chủ của hãng và không lo lắng về việc dữ liệu của chúng ta bị mất. Evernote hỗ trợ bạn tạo ghi chú bằng chữ, âm thanh, hình ảnh, định dạng văn bản (in đậm, nghiêng, gạch dưới, đánh chỉ mục,…), chèn web và thậm chí cho phép chúng ta đặt lịch thông báo nữa. Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng quản lí ghi chú của mình theo từng chủ đề hay môn học bằng các notebook cũng như xem trước ghi chú bằng giao diện trực quan và đẹp mắt. Ngoài app cho tablet Android, bạn có thể cài thêm app Evernote cho smartphone hay máy tính của mình để có thể xem ghi chú thật nhanh chóng.
Lưu ý rằng Evernote giới hạn mỗi người dùng miễn phí được phép sử dụng 64MB/tháng, quá dư dùng ngay cả khi bạn thường ghi chú nhiều và dài. Nếu bạn rất thường xuyên hay đính kèm file ảnh hay âm thanh vào thì mức dung lượng này có thể sẽ không đủ, khi đó bạn có thể cân nhắc mua thêm gói cao cấp của Evernote. Dù sao thì cũng thử xài trước xem nhu cầu của mình là gì rồi hãy mua gói nâng cấp sau nhé.
Tải về Evernote
3. Tính toán nhanh với MyScript Calculator
Bình thường khi muốn tính toán thì chúng ta hay đi tìm các app máy tính, nhưng vấn đề là những app đó không trực quan, thao tác tính cũng không nhanh lẹ. MyScript Calculator thì khác, giao diện của ứng dụng này là một trang trắng cho phép bạn viết lên. Chữ viết, số, dấu, các hàm toán học sẽ được nhận diện một cách tự động và app sẽ trả về kết quả cho bạn ngay. Ví dụ, bạn có thể viết 3+5, app tự nhận diện chữ, chuyển nó thành số và tính sẵn cho bạn. Các hàm lượng giác như sin, cos, tan, cot, dấu pi, hàm logarit, mũ, căn,… đều có thể được nhận diện bởi MyScript Calculator, miễn là chữ viết của bạn đừng quá xấu là được. Nếu bạn có một cây bút cảm ứng (rẻ lắm các bạn ạ, chỉ tầm 30.000 đồng là có thể sắm được một cây rồi), bạn sẽ thấy ứng dụng MyScript Calculator nó hay như thế nào. Tất nhiên là viết bằng ngón tay thì cũng được thôi, không vấn đề gì.
Cũng với MyScript Calculator, bạn có thể giải phương trình cũng bằng cách viết viết! Ví dụ, mình cần giải phương trình 2x^2 - 4x + 5 = 0, bạn viết số và dấu lên y như thế, có điều thay biến x bằng dấu "?". Khi đó ứng dụng sẽ tự tìm nghiệm cho chúng ta. Rất hay!
Tải về MyScript CalculatorVideo hoạt động của MyScript Calculator
4. Timetable - quản lí thời khóa biểu và những việc cần làm
Thời khóa biểu, hàng đống ghi chú nhỏ cho từng môn được đính khắp nơi, lại thêm một vài tờ giấy ghi số liên hệ của từng giáo viên nữa, rắc rối quá! Ứng dụng Timetable sẽ giúp bạn quản lí tất cả thông tin đó một cách trực quan và nhanh chóng. App này có giao diện mang đậm phong cách của Google nên nhìn rất đẹp mà lại đơn giản nữa. Với Timetable, bạn có thể tạo thời khóa biểu chi tiết cho từng môn học, ghi chú phòng học, giờ học, giảng viên. Ứng dụng cũng cho phép chúng ta tạo những việc cần làm, lịch thi, ngày nghỉ… Đặc biệt, lịch trình và tác vụ sau khi đã tạo xong có thể được sync giữa nhiều máy với nhau, miễn là máy đó chạy Android và bạn có cài TimeTable. Như vậy bạn có thể xem thông tin của mình mọi lúc mọi nơi, đang ở ngoài đường thì mở điện thoại ra xem, còn trong trường hay ở nhà thì xem trên tablet.
Tải về Timetable
5. Tạo sơ đồ tư duy với SimpleMind Free
Trong lúc học, chắc chắn sẽ có lúc bạn cần đến sơ đồ tư duy để tiện sắp xếp công việc. Trên Google Play Store có nhiều app để làm việc này, và mình đề xuất app SimpleMind Free. Đúng với cái tên của mình, việc tạo sơ đồ tư duy và các nhánh của nó có thể được thực hiện rất nhanh với SimpleMind Free. Bạn chỉ cần nhấn nút là đã có nhánh mới, gõ nội dung vào, rồi tiếp tục thực hiện tiếp. Bạn có thể chọn màu cho các nhánh để dễ phân biệt, sắp xếp chúng lại cho đẹp mắt hơn.
Tải về SimpleMind Free
6. Ghi âm bài giảng với Easy Voice Recorder
Mình biết là nhiều bạn đi học vẫn thường ghi âm bài giảng của thầy cô để về nhà nghe lại, nên mình đưa ra một ứng dụng vừa hay vừa đẹp để các bạn xài: Easy Voice Recorder. Ứng dụng này cho phép chúng ta ghi âm với chất lượng âm thanh cao, và bạn cũng có thể đặt tiêu đề cho từng file để dễ theo dõi hơn. Với giao diện đúng chất Android 4.x nhẹ nhàng, bạn sẽ làm quen với app này rất nhanh chóng. Ngoài ra app còn hỗ trợ một widget gắn lên màn hình chính để bạn có thể nhấn nút ghi âm ngay khi cần thiết, không phải tốn thời gian tìm rồi chạy ứng dụng lên. Nếu muốn, bạn có thể nâng cấp lên bản có phí của Easy Voice Recorder để kích hoạt tính năng thu âm bằng hai micro (nếu thiết bị của bạn có hỗ trợ), chỉnh lại định dạng file.
Tải về Easy Voice Recorder
7. Đọc tập tin PDF và ghi chú vào file bằng Adobe Reader
PDF là định dạng của Adobe, và nói về việc tương tác, ghi chú vào tập tin dạng này khó ứng dụng nào qua được app do chính Adobe làm ra: Adobe Reader. Phần mềm này ngoài việc giúp bạn đọc tập tin PDF, nó còn cho phép chúng ta đánh dấu, in đậm những đoạn chữ quan trọng, chèn hoặc xem ghi chú nhúng ở từng đoạn trong file PDF, và tất nhiên nó hoàn toàn tương thích với ghi chú chèn bởi ứng dụng Adobe Reader trên máy tính rồi. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xài Adobe Reader trên Android để thêm trực tiếp chữ hoặc nét vẽ tay vào nội dung file PDF luôn. Nếu có tài khoản Adobe ID, bạn có thể upload tập tin PDF của mình lên dịch vụ Acrobat.com để lưu trữ trực tuyến và truy cập trên những thiết bị khác.
Tải về Adobe Reader
8. Đọc sách ePub với Aldiko Book Reader
Đây là phần mềm đọc sách ePub có giao diện đẹp mắt theo kiểu mô phỏng giá sách. Hiện nay nhiều ebook tiếng Việt, tiếng Anh và cả giáo trình học đã có ở định dạng ePub nên chúng ta có thể dễ dàng chép chúng vào tablet Android và đọc bằng Aldiko. Khi đọc, bạn có thể đánh dấu các đoạn văn bản mong muốn, chèn note, chia sẻ, hoặc tra từ điển nếu không biết chữ đó có nghĩa là gì. Aldiko cũng có cửa hàng sách của riêng mình nữa.
Tải về Aldiko Book Reader
Chúc các bạn học tốt với chiếc tablet Android của mình nhé.
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)