Hiện nay máy tính bảng Android ở Việt Nam có mức giá rất hấp dẫn và trải dài trên nhiều phân khúc khác nhau, do đó nhiều bạn đã chọn mua cho mình một chiếc để phục vụ việc học. Cũng như iPad, máy tính bảng Android có khá nhiều phần mềm vừa hay vừa miễn phí để có thể cùng chúng ta đến trường và học hành chứ không chỉ để chơi game hay lướt web, facebook. Sau một thời gian sử dụng thì mình xin chia sẻ với anh chị em một số app hay để dùng cho mục đích này. Nếu bạn có thêm app nào hay thì hãy cùng chia sẻ với mọi người luôn nhé.
Ghi chú: Nếu bạn xài iPad, mình đã có một bài nói về ứng dụng đi học dành cho chiếc máy này. Mời các bạn xem qua.
1. Ứng dụng xem và chỉnh sửa văn bản, bảng tính, bài thuyết trình
Nếu đi học thì ứng dụng để xem ba loại tập tin nói trên là thứ quan trọng nhất mà chúng ta phải cài vào máy để còn đọc được bài tập, bài giảng hay bài làm của bạn bè và thầy cô. Trên Android thì chúng ta có khá nhiều lựa chọn để xem các file văn phòng, trong đó có một số giải pháp tốt mà lại miễn phí nữa. Sau một thời gian dùng thử thì mình xin chia sẻ với các bạn hai app sau:
A. Kingsoft Office
Đây là một phần mềm miễn phí, tuy nhiên không vì thế mà nó không tốt. Kingsoft Office vừa có thể đọc và biên tập các file văn bản Word, vừa có thể thao tác với bảng tính của Excel cũng như file thuyết trình PowerPoint. Giao diện của phần mềm này khá giống với Microsoft Office trên máy tính nên bạn sẽ không phải mất quá nhiều thời gian để làm quen, nó cũng có các tab và ribbon ở cạnh tranh màn hình, trong đó bố trí các nút chức năng cho chúng ta xài. Kingsoft Office hỗ trợ hầu hết các thao tác cơ bản như chỉnh font chữ, cỡ chữ, định dạng (in đậm, nghiêng, gạch dưới), chỉnh màu văn bản. Bạn cũng có thể chèn dấu chấm đầu dòng, canh lề trái, phải hoặc giữa cho đoạn văn, canh lại khoảng cách giữa các dòng với nhau, xoay chữ ngang, dọc.
Đối với tập tin PowerPoint, KingSoft Office có khả năng hiển thị hầu hết các hiệu ứng cơ bản thường được dùng, do đó bạn không phải lo lắng về vấn đề mất nội dung khi đang mở slide trong lớp. Tất nhiên là bạn cũng có thể xài chiếc máy tính bảng Android của mình để thuyết trình nữa, chỉ cần máy có hỗ trợ xuất hình ảnh ra ngoài (thông qua microHDMI hoặc MHL, mua thêm đầu đổi VGA tùy máy chiếu).
Còn khi việc thao tác với bảng tính, KingSoft hỗ trợ hầu hết các hàm thông dụng và tốc độ xử lí nhanh nên rất tiện lợi. Các ô trong công thức sẽ được tô màu khác nhau, giống hệt Excel, do đó bạn sẽ dễ dàng theo dọi và nhập liệu hơn. Trong lúc xài tính năng bảng tính của KingSoft thì chúng ta còn có thêm một bàn phím đặc biệt được tối ưu hóa cho việc nhập số nữa.
So với những app văn phòng khác trên Android, mình thích Kingsoft Office ở việc nó tương thích tốt với định dạng file chuẩn của Microsoft, do đó các slide hay văn bản có chèn hình vẽ phức tạp thì vẫn được hiển thị chính xác chứ không bị lệch hay mất. Thậm chí một số bộ app văn phòng tính phí của Android cũng chưa có tính tương thích ngon như Kingsoft.
Bên cạnh đó, KingSoft Office còn hỗ trợ chúng ta mở nhiều tập tin cùng lúc, tiện khi cần sao chép và chuyển qua lại giữa các file. Ví dụ như khi vào lớp, bạn vừa có thể mở file văn bản ghi chú, vừa xem file thuyết trình. Google Drive, Dropbox, Box, SkyDrive cũng được tích hợp thẳng vào KingSoft Office nên bạn có thể mở và lưu tập tin của mình lên những dịch vụ trực tuyến này, vừa đỡ mất công chép thủ công vào bộ nhớ máy, vừa an toàn vì lỡ có làm mất tablet thì không bị mất tài liệu học hành.
Tải về Kingsoft Office
B. Polaris Office
Đây là phần mềm được cài sẵn trên nhiều máy tính bảng Android, có thể kể đến như các máy Transformer của Asus hay Galaxy Tab của Samsung. Nhược điểm là Polaris Office trên Google Play chỉ cho phép các máy Samsung tải về mà thôi, mình có HTC, Nexus, LG thì không có cài nào tải được. Nếu bạn xài Samsung, bạn có thể tải ứng dụng về tại đây. Nếu không phải Samsung, mời bạn Xem cách tải ở bài viết này.
Cũng giống như KingSoft Office, Polaris Office thực hiện hầu hết các thao tác cơ bản như chỉnh font chữ, cỡ chữ, định dạng (in đậm, nghiêng, gạch dưới), chỉnh màu văn bản, định dạng đoạn văn, kiểu cách… Tính tương thích của Polaris Office với các tập tin MS Office cũng khá tốt khi những file có hình ảnh và hiệu ứng phức tạp đều được hiển thị đầy đủ. So với KingSoft, mình thấy Polaris chạy nhanh hơn, nhưng bù lại giao diện khó dùng hơn, đòi hỏi bạn phải làm quen chừng 1-2 ngày thì mới có thể xài thuần thục. Ngoài ra, Polaris không hỗ trợ lấy tập tin trực tiếp từ các dịch vụ lưu trữ đám mây như Dropbox hay Box hay Google Drive nên bạn phải xem app bên ngoài rồi mở bằng Polaris.
2. Ghi chú với Evernote
Cách đây ít hôm phần mềm này đã từng xuất hiện trong bài viết chia sẻ app iPad khi đi học của mình, và đến bây giờ nó vẫn tiếp tục góp mặt trong số những app Android thường dùng nhất khi học hành. Vì Evernote là ứng dụng ghi chú đa nền tảng, do đó bạn có thể cập nhật ghi chú mình đã tạo lên máy chủ của hãng và không lo lắng về việc dữ liệu của chúng ta bị mất. Evernote hỗ trợ bạn tạo ghi chú bằng chữ, âm thanh, hình ảnh, định dạng văn bản (in đậm, nghiêng, gạch dưới, đánh chỉ mục,…), chèn web và thậm chí cho phép chúng ta đặt lịch thông báo nữa. Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng quản lí ghi chú của mình theo từng chủ đề hay môn học bằng các notebook cũng như xem trước ghi chú bằng giao diện trực quan và đẹp mắt. Ngoài app cho tablet Android, bạn có thể cài thêm app Evernote cho smartphone hay máy tính của mình để có thể xem ghi chú thật nhanh chóng.
Lưu ý rằng Evernote giới hạn mỗi người dùng miễn phí được phép sử dụng 64MB/tháng, quá dư dùng ngay cả khi bạn thường ghi chú nhiều và dài. Nếu bạn rất thường xuyên hay đính kèm file ảnh hay âm thanh vào thì mức dung lượng này có thể sẽ không đủ, khi đó bạn có thể cân nhắc mua thêm gói cao cấp của Evernote. Dù sao thì cũng thử xài trước xem nhu cầu của mình là gì rồi hãy mua gói nâng cấp sau nhé.
Tải về Evernote
3. Tính toán nhanh với MyScript Calculator
Bình thường khi muốn tính toán thì chúng ta hay đi tìm các app máy tính, nhưng vấn đề là những app đó không trực quan, thao tác tính cũng không nhanh lẹ. MyScript Calculator thì khác, giao diện của ứng dụng này là một trang trắng cho phép bạn viết lên. Chữ viết, số, dấu, các hàm toán học sẽ được nhận diện một cách tự động và app sẽ trả về kết quả cho bạn ngay. Ví dụ, bạn có thể viết 3+5, app tự nhận diện chữ, chuyển nó thành số và tính sẵn cho bạn. Các hàm lượng giác như sin, cos, tan, cot, dấu pi, hàm logarit, mũ, căn,… đều có thể được nhận diện bởi MyScript Calculator, miễn là chữ viết của bạn đừng quá xấu là được. Nếu bạn có một cây bút cảm ứng (rẻ lắm các bạn ạ, chỉ tầm 30.000 đồng là có thể sắm được một cây rồi), bạn sẽ thấy ứng dụng MyScript Calculator nó hay như thế nào. Tất nhiên là viết bằng ngón tay thì cũng được thôi, không vấn đề gì.
Cũng với MyScript Calculator, bạn có thể giải phương trình cũng bằng cách viết viết! Ví dụ, mình cần giải phương trình 2x^2 - 4x + 5 = 0, bạn viết số và dấu lên y như thế, có điều thay biến x bằng dấu "?". Khi đó ứng dụng sẽ tự tìm nghiệm cho chúng ta. Rất hay!
Tải về MyScript Calculator
Video hoạt động của MyScript Calculator
4. Timetable - quản lí thời khóa biểu và những việc cần làm
Thời khóa biểu, hàng đống ghi chú nhỏ cho từng môn được đính khắp nơi, lại thêm một vài tờ giấy ghi số liên hệ của từng giáo viên nữa, rắc rối quá! Ứng dụng Timetable sẽ giúp bạn quản lí tất cả thông tin đó một cách trực quan và nhanh chóng. App này có giao diện mang đậm phong cách của Google nên nhìn rất đẹp mà lại đơn giản nữa. Với Timetable, bạn có thể tạo thời khóa biểu chi tiết cho từng môn học, ghi chú phòng học, giờ học, giảng viên. Ứng dụng cũng cho phép chúng ta tạo những việc cần làm, lịch thi, ngày nghỉ… Đặc biệt, lịch trình và tác vụ sau khi đã tạo xong có thể được sync giữa nhiều máy với nhau, miễn là máy đó chạy Android và bạn có cài TimeTable. Như vậy bạn có thể xem thông tin của mình mọi lúc mọi nơi, đang ở ngoài đường thì mở điện thoại ra xem, còn trong trường hay ở nhà thì xem trên tablet.
Tải về Timetable
5. Tạo sơ đồ tư duy với SimpleMind Free
Trong lúc học, chắc chắn sẽ có lúc bạn cần đến sơ đồ tư duy để tiện sắp xếp công việc. Trên Google Play Store có nhiều app để làm việc này, và mình đề xuất app SimpleMind Free. Đúng với cái tên của mình, việc tạo sơ đồ tư duy và các nhánh của nó có thể được thực hiện rất nhanh với SimpleMind Free. Bạn chỉ cần nhấn nút là đã có nhánh mới, gõ nội dung vào, rồi tiếp tục thực hiện tiếp. Bạn có thể chọn màu cho các nhánh để dễ phân biệt, sắp xếp chúng lại cho đẹp mắt hơn.
Tải về SimpleMind Free
6. Ghi âm bài giảng với Easy Voice Recorder
Mình biết là nhiều bạn đi học vẫn thường ghi âm bài giảng của thầy cô để về nhà nghe lại, nên mình đưa ra một ứng dụng vừa hay vừa đẹp để các bạn xài: Easy Voice Recorder. Ứng dụng này cho phép chúng ta ghi âm với chất lượng âm thanh cao, và bạn cũng có thể đặt tiêu đề cho từng file để dễ theo dõi hơn. Với giao diện đúng chất Android 4.x nhẹ nhàng, bạn sẽ làm quen với app này rất nhanh chóng. Ngoài ra app còn hỗ trợ một widget gắn lên màn hình chính để bạn có thể nhấn nút ghi âm ngay khi cần thiết, không phải tốn thời gian tìm rồi chạy ứng dụng lên. Nếu muốn, bạn có thể nâng cấp lên bản có phí của Easy Voice Recorder để kích hoạt tính năng thu âm bằng hai micro (nếu thiết bị của bạn có hỗ trợ), chỉnh lại định dạng file.
Tải về Easy Voice Recorder
7. Đọc tập tin PDF và ghi chú vào file bằng Adobe Reader
PDF là định dạng của Adobe, và nói về việc tương tác, ghi chú vào tập tin dạng này khó ứng dụng nào qua được app do chính Adobe làm ra: Adobe Reader. Phần mềm này ngoài việc giúp bạn đọc tập tin PDF, nó còn cho phép chúng ta đánh dấu, in đậm những đoạn chữ quan trọng, chèn hoặc xem ghi chú nhúng ở từng đoạn trong file PDF, và tất nhiên nó hoàn toàn tương thích với ghi chú chèn bởi ứng dụng Adobe Reader trên máy tính rồi. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xài Adobe Reader trên Android để thêm trực tiếp chữ hoặc nét vẽ tay vào nội dung file PDF luôn. Nếu có tài khoản Adobe ID, bạn có thể upload tập tin PDF của mình lên dịch vụ Acrobat.com để lưu trữ trực tuyến và truy cập trên những thiết bị khác.
Tải về Adobe Reader
8. Đọc sách ePub với Aldiko Book Reader
Đây là phần mềm đọc sách ePub có giao diện đẹp mắt theo kiểu mô phỏng giá sách. Hiện nay nhiều ebook tiếng Việt, tiếng Anh và cả giáo trình học đã có ở định dạng ePub nên chúng ta có thể dễ dàng chép chúng vào tablet Android và đọc bằng Aldiko. Khi đọc, bạn có thể đánh dấu các đoạn văn bản mong muốn, chèn note, chia sẻ, hoặc tra từ điển nếu không biết chữ đó có nghĩa là gì. Aldiko cũng có cửa hàng sách của riêng mình nữa.
Tải về Aldiko Book Reader
Chúc các bạn học tốt với chiếc tablet Android của mình nhé.