Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

NASA sử dụng laser để truyền dữ liệu lên một vệ tinh mặt trăng và đạt tốc độ download 622Mbps

NASA_LLDC_laser_ve_tinh_mat_trang.

NASA mới đây cho biết rằng họ đã thực hiện thành công việc truyền tải dữ liệu bằng tia laser từ Trái Đất đến Mặt Trăng với tốc độ 622Mbps ở khoảng cách 384.630km. Đây là tốc độ nhanh kỉ lục cho một khoảng cách xa như thế và nó đã được thực hiện bằng hệ thống truyền tín hiệu hai chiều Lunar Laser Communication Demonstration (LLDC) mà NASA từng tiết lộ hồi tháng 8 năm nay. Được biết tín hiệu laser đã phát đi từ một trạm mặt đất ở bang New Mexico, Mỹ và được download bởi vệ tinh thăm dò khí quyển và môi trường bụi Mặt Trăng (LADEE) bay xung quanh mặt trăng. Cơ quan không gian Mỹ cũng xác nhận rằng họ đã có thể upload dữ liệu lên LADEE mà không bị lỗi ở tốc độ 20Mbps.

Laser từ lâu đã được chứng minh khả năng truyền dẫn một lượng dữ liệu rất lớn trong sợi cáp quang. Các kỹ sư tin rằng nếu chúng có thể được sử dụng trong lĩnh vực truyền thông vũ trụ, tia laser sẽ mang lại tốc độ truyền dẫn 622 Mb dữ liệu mỗi giây (622 Mbps). Một ưu điểm nữa của laser là nó sử dụng bước sóng nhỏ hơn rất nhiều so với sóng radio vốn đang được sử dụng để liên lạc từ Trái Đất lên không gian. Đầu phát và đầu thu tia laser nhỏ hơn sẽ tiết kiệm nhiều chi phí chế tạo hơn. Thêm vào đó, độ hẹp của chùm tia laser cũng mang lại tính bảo mật cho giao tiếp.

Thực chất, nhiệm vụ chính của LADEE không phải là để thử tốc độ download và upload bằng hệ thống LLDC, thay vào đó là để điều tra về bầu khí quyển gần như không tồn tại của Mặt Trăng và lớp bụi "bay" trên bề mặt Mặt Trăng bởi các điện tích tĩnh. Dù sao đi nữa thì việc đạt được tốc độ cao như thế sẽ giúp vệ tinh gửi về Trái Đất những hình ảnh và video 3D chất lượng cao hơn nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu. NASA tiết lộ thêm rằng họ đang "đi đúng đường trong việc tích hợp khả năng mới này vào các chiến dịch của cơ quan". LLDC là một phần nhỏ của chương trình Laser Communications Relay Demonstration (LCRD) dự kiến sẽ triển khai vào năm 2017.

Xem thêm: NASA và ESA sẽ liên lạc với các vệ tinh không gian bằng tia laser


Microsoft Q1/2014: doanh thu 18,53 tỉ USD, lợi nhuận 5,24 tỉ USD

[IMG]

Microsoft mới đây đã đăng tải báo cáo về kết quả kinh doanh cho quý 1 của năm tài chính 2014. Theo đó, hãng ghi nhận doanh thu 18,53 tỉ USD và lợi nhuận là 5,24 tỉ USD, tăng lần lượt 15,7% và 17,2% so với cùng kì năm ngoái. CEO Steve Ballmer nói rằng "việc chuyển đổi thành một công ty thiết bị và dịch vụ của chúng tôi đang tiến triển, và chúng tôi cũng đã ra mắt nhiều sản phẩm hấp dẫn cho cả người tiêu dùng thông thường lẫn khách hàng doanh nghiệp" trong ba tháng rồi.

Toàn bộ phận "Thiết bị và Người dùng" của hãng đã ghi nhận doanh thu 7,46 tỉ USD trong quý 1/2014 nhờ việc Microsoft chú trọng hơn đến mảng sản phẩm cho người tiêu dùng. Hãng thậm chí còn dự đoán là nhánh kinh donah này có thể sẽ "vượt qua cả thị trường doanh nghiệp". Số tiền Microsoft thu từ các hãng sản xuất phần cứng khác chạy Windows bản thường thì đã giảm 7% so với cùng kì năm ngoái, còn với bản Pro thì doanh thu tăng 6%.

Nhìn chung, Microsoft hài lòng với hiệu quả kinh doanh của công ty cũng như quá trình chuyển đổi của chính mình. "Chúng tôi đang thực hiện tốt hơn, đi đến khách hàng để xem họ cần gì, và đã ghi nhận nhiều tiến triển trong giai đoạn đầu của việc chuyển hóa công ty".

Trong những tháng gần đây, Surface RT bán tốt hơn Surface Pro nhờ việc mạnh tay giảm giá bán của Microsoft. Microsoft cho biết thêm rằng doanh thu của nhóm Surface trong ba tháng vừa qua đạt mức 400 triệu USD, doanh số bán máy cũng đã tăng. Tình hình xem ra đã được cải thiện so với việc lỗ 926 triệu USD hồi quý 4/2013 do lượng Surface RT tồn kho.

Hiện nay Microsoft đã tái cấu trúc tập đoàn theo hướng tinh gọn hơn, và để dễ so sánh số liệu tài chính của ba tháng qua với một năm trước, hãng cung cấp cho chúng ta thêm vài số liệu như sau:
  • Nếu xem bộ phận Windows còn đứng riêng theo cấu trúc cũ thì doanh thu của nó là 4,47 tỉ USD, tăng 38% so với cùng kì năm ngoái
  • Bộ phận doanh nghiệp nếu xét riêng thì thu về doanh thu 5,99 tỉ USD, tăng 9% so với năm ngoái
  • Bộ phận giải trí và dịch vụ nét xét riêng thì ghi nhận doanh thu 2 tỉ USD, tăng rất nhẹ so với năm tài chính 2013.
Một vài chi tiết khác trong báo cáo của Microsoft Q1/2014:
  • Doanh thu từ việc cấp bản quyền thương mại tăng 10% so với năm ngoái lên thành 11,2 tỉ USD.
  • Các dịch vụ Exchange, Lync, SharePoint thì ghi nhận mức tăng trưởng "hai con số"
  • Doanh thu quảng cáo từ Bing đã tăng 47% so với năm ngoái, thị phần tìm kiếm của Bing tại Mỹ là 18%
  • Đã có hơn 2 triệu người dùng đăng kí sử dụng dịch vụ Office 365 Home Premium
  • Đã có 1,2 triệu Xbox được bán trong quý vừa rồi
Kết quả kinh doanh của Microsoft trong các quý gần đây
Loi_nhuan_doanh_thu_Microsoft.
* Có bao gồm khoảng tiền 6,19 tỉ USD mua lại công ty aQuantitive

Đánh giá Sony Xperia Z1: thiết kế đẹp và cao cấp, camera ngon, hiệu năng tốt

z1.

Tháng 9 vừa qua, Sony chính thức giới thiệu đến thị trường sản phẩm Xperia Z1 - chiếc điện thoại Android với camera có độ phân giải cao nhất từ trước đến nay, 20.7 megapixel. Được đồn đoán trước đó với tên mã Honami, Z1 đã thay thế Xperia Z để trở thành chiếc điện thoại thông minh cao cấp nhất của hãng điện thoại đến từ Nhật Bản. Sony cho biết họ đã nâng cấp hầu như tất cả các mặt trên Z1, cả phần cứng lẫn phần mềm, nhằm đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm đối thủ như Galaxy S4, HTC One hay LG G2. Liệu Xperia Z1 có thật sự mạnh mẽ và đủ sức hấp dẫn người dùng rời bỏ những tên tuổi nổi tiếng kể trên hay không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài đánh giá này.

D

Thiết kế phần cứng

Sony vẫn giữ nguyên ngôn ngữ thiết kế của Xperia Z trên Z1 là vuông vắn, mỏng và chống nước/bụi, với chất liệu chủ đạo là kính. Bởi thế, mới nhìn qua nhiều người có thể nhận xét rằng Z1 không có nhiều khác biệt so với Z. Cá nhân mình cũng có cảm nhận như vậy khi lần đầu xem video giới thiệu về Z1. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi mình thật sự cầm máy trên tay. Sony đã có những nâng cấp thoạt nhìn có vẻ nhỏ nhưng rất hợp lý và đáng giá trên phần cứng của Z1, giúp cho trải nghiệm sử dụng máy tốt hơn đáng kể.

Ấn tượng đầu tiên khi cầm Xperia Z1 trên tay là máy cực kỳ cao cấp. Sony từ lâu đã nổi tiếng với việc sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, nhưng đến Z1 thì mình thật sự phải khen ngợi kỹ thuật sản xuất phần cứng của hãng. Máy rất chắc chắn, những chi tiết nhỏ như các nắp che cổng kết nối, phím bấm, lỗ thoát loa ngoài...được hoàn thiện với độ tinh xảo cao. Mình đã thử đưa Z1 cho một số người bạn trong nước lẫn nước ngoài thì họ đều có nhận xét là máy rất đẹp và cao cấp.

Mặt trước của Z1 hoàn toàn phẳng, và chiếm gần như toàn bộ diện tích là màn hình cảm ứng kích thước 5", độ phân giải Full HD (mật độ điểm ảnh 441 ppi). Thông số này hoàn toàn giống với màn hình của Xperia Z, song kích thước thực của mặt trước Z1 lại lớn hơn Z do phần bờ các cạnh trên và dưới của Z1 dày hơn. Điều này làm cho kích thước tổng thể của Z1 lớn hơn Z (144 x 74 x 8,5mm trên Z1 so với 139 x 71 x 7,9mm của Z). Lúc đầu, mình thật sự không thích phần viền màn hình dày như vậy, vì nó làm cho máy to ra đáng kể, trong khi xu hướng hiện nay là viền càng mỏng càng tốt. So với các sản phẩm cùng có màn hình 5" như Galaxy S4 thì Z1 cao và rộng hơn, trong khi đó đặt cạnh Galaxy Note 2 màn hình 5,5" thì sự chênh lệch về kích thước gần như không đáng kể. Về sau, khi mình dần làm quen với viền màn hình rộng trên Z1, thì thấy nó cũng không phải là một điều gì quá tệ.

Mặt sau của Z1 tiếp tục là một mặt kính xuyên suốt. Góc trên bên trái là vị trí của cụm camera và đèn flash, đi xuống phía dưới ta có logo NFC, logo Sony và dòng chữ Xperia ở gần cạnh dưới máy. Mình thích thiết kế như vậy, đẹp tinh tế và không gây rối mắt. Mặt kính sang trọng thật, nhưng cũng có điểm yếu cố hữu là rất dễ bám dấu vân tay. Phiên bản Z1 mình cầm có màu trắng, là bản ít lộ dấu vân tay nhất. Nếu sử dụng bản màu đen hoặc màu tím thì mình khuyên các bạn hãy chuẩn bị sẵn tinh thần để 5 phút lau máy 1 lần.

Điểm khác biệt kế tiếp giữa Z và Z1 có thể dễ dàng nhận thấy đó là bốn cạnh chạy dọc thân máy được cấu tạo bởi chất liệu nhôm, thay vì kính. Đây là một trong những điểm yếu của Z bị nhiều người dùng phản ánh trước đây: cạnh bên của Z quá vuông vức, cộng thêm với mặt lưng hoàn toàn phẳng, khiến cho cảm giác cầm máy trong lòng bàn tay không được thoải mái do không ôm tay. Chưa kể chất liệu kính khi rơi máy trên các cạnh thì khả năng vỡ cũng cao hơn. Rút kinh nghiệm từ Z, Sony đã các vát tròn các cạnh bên của Z1, giúp cho máy ôm tay hơn.

Xem qua một chút về vị trí các phím bấm và cổng kết nối của Z1: ở cạnh trên ta có cổng cắm tai nghe 3.5mm. Điểm cải tiến của cổng này là Sony đã loại bỏ nắp che chống nước, nhờ đó mà người dùng không phải mở nắp cổng 3.5mm mỗi khi muốn cắm tai nghe để nghe nhạc. Một điểm cộng lớn cho Sony ở đây. Cạnh trái ta có các cổng cắm thẻ nhớ micro SD và cổng sạc micro USB. Đáng tiếc là cổng sạc vẫn phải có nắp che, cá nhân mình rất ngại mỗi khi phải mở nắp cổng sạc, vì trông nó khá là mỏng manh. Hi vọng với Z2 (nếu có) thì Sony sẽ cho mở luôn cái cổng này, giống như đã làm với cổng tai nghe. Xích xuống bên dưới một chút là cổng nam châm dùng với phụ kiện đế máy. Cổng này cũng đóng vai trò sạc pin cho Z1, vì thế ai không thích phải đóng mở nắp che cổng micro USB có thể trang bị cho mình thêm một chiếc đế sạc.

Bên cạnh phải ta có khe cắp micro SIM, phím nguồn, 2 phím điều chỉnh âm lượng, và đặc biệt là phím chụp ảnh vật lý. Đây là một cải tiến rất lớn cho Z1, vì như chúng ta đã biết, một trong những tính năng độc đáo nhất của dòng Xperia Z là chống nước, và hơn nữa là sử dụng được dưới nước. Do đó, chắc hẳn là sẽ có nhiều người dùng muốn chụp hình hoặc quay phim dưới nước với chiếc điện thoại của mình. Tuy nhiên, trên Z thì chỉ có phím chụp hình/quay phim ảo, và khi xuống nước thì phím này không hoạt động được. Sony, vì thế, đã bổ sung cho Z1 một phím chụp ảnh vật lý, giúp giải quyết nhu cầu chụp ảnh và quay phim dưới nước cho người dùng. Cạnh dưới ta có loa ngoài và lỗ móc dây đeo máy ở góc phải. Chất lượng loa ngoài của Z1 đạt mức khá, tốt hơn đáng kể so với loa của Z, nhưng nếu so với chiếc loa Boomsound của HTC One thì Z1 còn phải "hít khói" một đoạn dài.

Màn hình hiển thị

<untitled> 2 (1).

Đối với mình, chất lượng màn hình là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với một thiết bị điện tử cầm tay. Có thể nói mọi trải nghiệm sử dụng đều xuất phát từ màn hình cảm ứng, và vì thế, một thiết bị muốn được đánh giá tốt thì cần phải có một màn hình tốt. Sony cho biết họ trang bị cho màn hình của Z1 gần như tất cả những gì tốt nhất về lĩnh vực hiển thị của hãng, bao gồm một màn hình Full HD kích thước 5" với các công nghệ độc quyền của Sony như X-Reality và Triluminos. Đây là những công nghệ đang được hãng sử dụng trên các dòng TV Bravia đời mới, do đó chúng ta có quyền kỳ vọng vào một chất lượng hiển thị tuyệt vời trên Z1.

Thực tế thì sao? Màn hình Z1 đẹp nhưng chưa phải là đẹp nhất. Nhờ vào mật độ điểm ảnh 441 ppi, mọi thứ thực sự sắc nét, từ biểu tượng ứng dụng, ký tự chữ/số đến hình ảnh và video. Màn hình Z1 trong trẻo, màu sắc tươi tắn và tự nhiên chứ không bị rực và nịnh mắt như màn hình Super AMOLED. Đặc biệt, nếu bạn có các file ảnh hoặc phim chất lượng Full HD thì trải nghiệm xem nội dung đa phương tiện trên Z1 là rất ấn tượng. Góc nhìn, vốn là một điểm trừ nặng của Z, nay đã được cải tiến đáng kể trên Z1. Dĩ nhiên là so với Super AMOLED của Samsung hay SLCD 3 của HTC One thì góc nhìn Z1 vẫn còn kém một bậc, nhưng giờ đây bạn hoàn toàn có thể trình chiếu một slideshow ảnh hay video cho bạn bè xem mà không sợ góc nhìn yếu làm mất màu sắc của nội dung. Nhìn chung, mình đánh giá cao những cải tiến về màn hình trên Z1.

À, có một điểm nhỏ cần nói về màn hình của Z1 đó là Sony đã "tốt bụng" dán sẵn cho máy một miếng dán màn hình, tương tự như với Z. Đây hoàn toàn là một miếng dán bằng nilon bình thường, và vì thế nó có khả năng bị trầy xước sau một thời gian sử dụng. Điều lạ lùng ở đây là Sony dường như không tính đến trường hợp người dùng có thể muốn thay một miếng dán mới cho màn hình Z1, nên hãng đã quyết định in logo Sony lên miếng dán màn hình (!?) thay vì đặt chìm dưới lớp kính của mặt trước. Như vậy, nếu chẳng may bạn phải thay miếng dán cho Z1, thì bạn buộc phải kiếm một miếng dán zin của Sony, nếu không bạn sẽ mất logo Sony ở mặt trước.

Camera

<untitled> 3.

Anh Hiệp và anh Tuấn đã có 2 bài đánh giá rất chi tiết và chuyên nghiệp về chiếc máy ảnh trên Z1 ở đâyđây, mời các bạn cùng vào tham khảo hình chụp của Z1. Trên Z1, Sony tập trung rất nhiều vào khả năng chụp hình, thể hiện qua việc hãng trang bị cho Z1 một chiếc máy ảnh với nhiều công nghệ phần cứng tiên tiến. Chúng bao gồm một cảm biến RS Exmor 1/2.3 inch độ phân giải 20.7mp, ống kính G có góc mở 27mm và độ mở ống kính f/2.0 cùng cảm biến ảnh BIONZ. Đây là những thành phần chính vốn được Sony sử dụng trên các máy ảnh ngắm và chụp của hãng. Có một điểm khá đáng tiếc ở camera của Z1 là nó không có chống rung quang học (OIS) - tính năng không thể thiếu ở các máy điện thoại chuyên chụp hình. Ở mặt trước ta có một camera phụ độ phân giải 2mp, cho phép quay phim Full HD ở 30fps.

Về phần mềm chụp ảnh, mình khá hài lòng với giao diện chụp hình của Z1. Ở màn hình chính, các tính năng quan trọng như bật tắt Flash, chuyển camera, tùy chỉnh thiết lập và xem lại hình được bố trí tách biệt và dễ truy cập. Mình đặc biệt thích thiết kế phím chụp hình và quay phim ngay cạnh nhau trên Z1, thay vì phải ấn nút chuyển qua lại giữa 2 chế độ ở các máy điện thoại khác. Sony cung cấp cho người dùng một loạt các tính năng chụp hình thú vị, tất cả được bố trí gọn gàng và trực quan trong phần lựa chọn chế độ chụp.

Mặc định chúng ta có chế độ chụp Tự động thông minh. Ở chế độ này, Z1 sẽ tự động lựa chọn phương án chụp tùy vào điều kiện ánh sáng, vật thể..., người dùng chỉ việc bấm nút chụp mà không cần phải tùy chỉnh bất kỳ thông số nào. Hình chụp ở chế độ tự động được Sony thiết lập mặc định ở độ phân giải 8mp, tỷ lệ 16:9, và bạn không thể thay đổi độ phân giải của camera. Đối với những người đam mê chụp ảnh, chắc hẳn bạn muốn có một chút kiểm soát về chất lượng đầu ra của bức ảnh. Không thành vấn đề, chỉ việc chuyển chế độ chụp sang Manual là bạn có ngay một loạt các lựa chọn được thiết lập sẵn cho nhiều tình huống chụp, như chụp cảnh, chụp đêm, chụp chống rung do chuyển động hay chụp HDR. Bạn cũng có toàn quyền thiết lập các thông số về cân bằng trắng, bù sáng hay ISO cho ống kính. Tuy nhiên, giá mà Sony gom tất cả những thông số quan trọng ấy vào 1 nút bấm, thay vì bố trí rải rác trong phần thiết lập thì người dùng sẽ dễ dàng truy cập hơn nhiều.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chụp những tấm hình vui vui với nhiều hiệu ứng, cả tĩnh lẫn động. Sweep Panorama là một tính năng không thể thiếu trên các máy chụp hình của Sony, và Z1 cũng không phải là ngoại lệ. Timeshift cho phép bạn chụp liên tục 60 tấm hình với 1 cú bấm máy, sau đó chọn ra tấm đẹp nhất để lưu - chế độ này rất thích hợp để bạn chụp các vật thể chuyển động hay thể thao. Info-eye và Social live là 2 chế độ chụp độc đáo khác trên Z1. Info-eye cho phép bạn chụp hình một vật thể (ví dụ một cuốn sách hay một chai rượu), sau đó máy sẽ tìm thông tin về vật thể đó cho bạn, còn với Social live, bạn có thể "truyền hình trực tiếp" những đoạn phim bạn quay từ Z1 lên tài khoản Facebook.

Về chất lượng camera, mình có thể nói ngay rằng nếu bạn là kiểu người dùng chỉ muốn ngắm và chụp để có ngay một bức ảnh đẹp thì Z1 có thể không phải là lựa chọn tốt nhất. Đừng hiểu nhầm ý mình, camera của Z1 rất ngon, nhưng để khai thác hết sức mạnh của nó bạn cần phải có một sự hiểu biết nhất định về kỹ thuật chụp ảnh. Ở điều kiện đủ sáng, hình chụp ra từ Z1 sắc nét, màu sắc hài hòa và đẹp mắt. Nhưng chỉ cần ánh sáng yếu đi thì ngay lập tức bạn sẽ thấy hình bị noise và mất chi tiết đáng kể. Trong môi trường thật sự thiếu sáng thì đèn flash cũng không giúp ích gì nhiều cho bạn, vì nó là đèn LED đơn và khá yếu. Đây là lúc bạn cần phải chuyển qua chế độ Manual và tùy chỉnh mọi thứ bằng tay. Chất lượng camera phụ của Z1 cũng chỉ dừng lại ở mức trung bình, và hoàn toàn không dành cho những ai có nhu cầu "tự sướng" cao.

DSC_0025.JPG DSC_0027.JPG DSC_0032.JPG DSC_0036.JPG DSC_0038.JPG DSC_0046.JPG DSC_0047.JPG DSC_0095.JPG DSC_0125.JPG DSC_0130.JPG DSC_0150.JPG DSC_0151.JPG DSC_0238.JPG DSC_0239.JPG AR_EFFECT_20131018183713.

Hệ điều hành và giao diện người dùng

Z1 đang được bán ra với hệ điều hành Android 4.2.2 cài sẵn. Điều này có thể khiến một số người dùng khó tính cảm thấy thất vọng, vì Google đã phát hành phiên bản Jelly Bean 4.3 được vài tháng rồi. Bên trên hệ điều hành là giao diện người dùng độc quyền của Sony cho dòng Xperia. Nói về giao diện người dùng thì thị trường hiện nay phân chia rõ ràng thành 2 xu hướng: một bên tập trung vào tùy biến và tích hợp nhiều tính năng, ví dụ như Samsung và LG, còn bên kia đi theo hướng đơn giản mà đại diện tiêu biểu là HTC. Sony thuộc nhóm thứ 2, thể hiện qua việc giao diện của Z1 khá gần với giao diện gốc của Android, mặc dù vẫn có những nét riêng mang đậm chất Sony.

Từ màn hình khóa, màn hình chính đến thanh notification hay cửa sổ ứng dụng, mọi thứ đều đơn giản, gọn gàng và trực quan. Bạn có thể sẽ không tìm thấy những tính năng độc đáo như chiếc Galaxy Note 3 của Samsung, nhưng bù lại, mọi thứ trên Z1 hoạt động trơn tru và hiệu quả. Lợi thế lớn nhất của một giao diện đơn giản là nó không làm chậm máy, vì như chúng ta đều biết, khả năng phản hồi và hiệu năng hoạt động luôn là một vấn đề của Android. Cá nhân mình đang dùng Samsung trước khi viết bài đánh giá này, và mình thích ứng ngay với sự thay đổi về giao diện người dùng mà không gặp một vấn đề nào cả. Bạn có thể yên tâm rằng Z1 sở hữu đầy đủ tất cả những tính năng cần thiết cho một chiếc điện thoại thông minh của năm 2013.

Không dừng lại ở đó, Sony đã có một số cải tiến tích cực cho giao diện của Android, mà đáng kể nhất là ở phần đa nhiệm và cửa sổ ứng dụng. Trong cửa sổ đa nhiệm, ngoài khả năng chuyển hoặc đóng ứng dụng, bạn có một thanh truy cập nhanh một số ứng dụng thường dùng. Các ứng dụng này sẽ xuất hiện ở màn hình chính dưới dạng pop-up và không ảnh hưởng đến các ứng dụng khác đang chạy. Khi vào cửa sổ ứng dụng, ngoài việc vuốt qua phải để mở các trang ứng dụng tiếp theo, bạn có thể vuốt sang trái để truy cập vào thanh tùy chỉnh riêng dành cho cửa sổ này. Tại đây, bạn có thể tìm kiếm ứng dụng, xóa ứng dụng tại chỗ mà không cần vào phần quản lý trong Settings, cũng như sắp xếp thứ tự ứng dụng và truy cập vào gian ứng dụng Play Store. Một cải tiến nhỏ nhưng rất có giá trị!

Hiệu năng hoạt động và thời lượng pin

<untitled> 1.

Xperia Z1 được trang bị cấu hình thuộc hàng cao cấp nhất hiện nay, bao gồm: vi xử lý Snapdragoon 800 xung nhịp 2.2Ghz, GPU Adreno 330, 2GB RAM, bộ nhớ trong 16GB (hỗ trợ thẻ nhớ micro SD đến 64GB), WiFi chuẩn AC, NFC và hỗ trợ mạng 4G LTE. Với "bộ lòng" như thế, cộng thêm một hệ điều hành và giao diện gọn nhẹ, Z1 thật sự gây ấn tượng về hiệu năng hoạt động. Mọi tác vụ được thực hiện một cách nhanh chóng và mượt mà, ngay cả ở những game và phần mềm nặng. Hiện tượng trễ và giật hầu như không xảy ra. Trong bài đánh giá này, mình không thực hiện các bài thử benchmark, vì với một người dùng bình thường, bạn không cần phải quan tâm điện thoại của bạn đạt bao nhiêu chục ngàn điểm Quadrant, mà cái chính là nó thực hiện các tác vụ hàng ngày như thế nào. Với Z1, bạn có thể tin lời mình nói rằng con cưng mới nhất của Sony sẽ không làm bạn thất vọng.

Thời lượng pin luôn là vấn đề đau đầu của mọi người dùng smartphone, nhưng với Z1, bạn hoàn toàn có thể yên tâm. Viên pin 3000mAh cho phép Z1 sống trọn vẹn 12 tiếng với cường độ sử dụng cao. Nếu sử dụng trong điều kiện bình thường thì chắc chắn Z1 sống sót hơn 1 ngày. Mình không thích sử dụng các chế độ tiết kiệm pin, vì chúng ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm sử dụng. Mình bỏ tiền ra mua một chiếc điện thoại thông minh là để khai thác hết các chức năng của nó cơ mà!

Kết hợp với đồng hồ Sony Smartwatch 2

<untitled> 2.

Cùng với Z1 thì mình đã đặt hàng một chiếc đồng hồ thông minh Smartwatch 2 (SW2) của Sony. Phụ kiện này kết nối với điện thoại thông qua giao thức Bluetooth (NFC), cho phép người dùng thực hiện một số tác vụ cơ bản ngay trên đồng hồ, thay vì phải mở màn hình điện thoại. Khi mở kết nối lần đầu tiên thì SM2 sẽ yêu cầu Z1 tải về ứng dụng quản lý đồng hồ. Từ phần mềm này, bạn có thể tải về những ứng dụng đề dùng trên đồng hồ, ví dụ như quản lý cuộc gọi, tin nhắn, email.... SW2 cũng có tính năng chống nước theo tiêu chuẩn IP57, và theo Sony thì đồng hồ hoạt động được từ 3 - 4 ngày trước khi bạn phải cắm sạc. Đặc biệt, người dùng có thể sử dụng SW2 với bất kỳ thiết bị Android nào có bluetooth, chứ không bị giới hạn thiết bị giao tiếp như sản phẩm Galaxy Gear của Samsung.

Nhìn chung, SW2 là một phụ kiện khá độc đáo cho Z1, mặc dù tính khả dụng của thiết bị này khi kết hợp với điện thoại không thật sự cao. Ví dụ như trình ở trình gọi điện, bạn có thể duyệt danh bạ và thực hiện cuộc gọi mới, nhưng nếu không có tai nghe bluetooth thì bạn vẫn phải cầm Z1 lên tai do SW2 không có mic và loa ngoài. Trong khi đó, trình xem tin nhắn và email chủ yếu thông báo cho bạn biết có thông tin mới đến, chứ với màn hình chỉ có 1,6" thì việc hiển thị nội dung là rất hạn chế.

Tổng kết

Ưu điểm:
  • Thiết kế đẹp, cao cấp
  • Chống nước và bụi
  • Màn hình đẹp, sắc nét
  • Camera cao cấp
  • Giao diện gọn nhẹ, tính năng hiệu quả
  • Thời lượng pin tốt
Khuyết điểm:
  • Kích thước của máy lớn so với các máy khác cùng có màn hình 5"
  • Góc nhìn màn hình chưa thật sự tốt
  • Camera trước không tốt
  • Chưa cập nhật phiên bản Android mới nhất
Xperia Z1 là một bản nâng cấp đáng giá từ Xperia Z. Hầu hết những điểm yếu của Z nay đã được khắc phục trên Z1. Chúng ta có một chiếc điện thoại chống nước/bụi với thiết kế đẹp, cao cấp. Màn hình lớn và sắc nét đem lại trải nghiệm đa phương tiện tốt. Giao diện/hệ điều hành gọn nhẹ, cấu hình mạnh mẽ cộng với thời lượng pin tốt giúp cho việc sử dụng đạt năng suất và hiệu quả cao. Camera chất lượng tốt với độ phân giải cao có khả năng đem lại những hình ảnh và thước phim đẹp và sống động cho người dùng.

Nikon đăng tải video trong chiến dịch quảng cáo mới, tiết lộ về camera full-frame kiểu dáng hoài cổ?

nikonretro.

Cách đây ít hôm Nikon đã giới thiệu một đoạn video trong series 5 clip trong chiến dịch quảng cáo mới mang tên "Pure Photography" (dịch: thuần nhiếp ảnh). Theo trang Nikon Rumors thì đây chính là loạt video tiết lộ về chiếc camera full-frame mới sở hữu thiết kế hoài cổ như mẫu máy film FM2 lừng danh một thời. Nhân vật trong clip nói "nó lại nằm trong tay tôi một lần nữa", và điều này củng cố thêm cho tin tức mà Nikon Rumors đưa ra. Nguồn tin tiết lộ thêm rằng khi ra mắt chính thức, hãng sẽ gọi chiếc full-frame hoài cổ này bằng cái tên "Nikon DF", với chữ DF là Digital Fusion - dung hợp giữa thiết kế của máy cổ điển với công nghệ ảnh kĩ thuật số. Máy được cho là sẽ ra mắt trong vài tuần tới.


Cấu hình rò rỉ của chiếc Nikon Hybrid Full Frame:
  • Kiểu dáng tương tự Nikon FM2
  • Ngàm Nikon F
  • Cảm quang FF 16.2MP kích thước 36×23,9 (Như Nikon D4), tùy chọn tỉ lệ khung hình 1:1, 3:2 và 16:9
  • Hệ thống lấy nét 39 điểm giống Nikon D610
  • Ống ngắm quang sử dụng lăng kính ngũ giác
  • Bộ vi xử lý Expeed 3
  • Khe thẻ SD
  • Cảm biến 2016-pixel RGB
  • Hiển thị màn chia 9 ô để căn khung
  • Đo sáng ma trận màu 3D
  • Dải ISO: 100-12800 (mở rộng ISO 50 và ISO 108,200)
  • Chụp liên tiếp tốc độ 5.5 hình/s cho tới 100 kiểu (mới chậm lại)
  • Màn hình 3.2″ LCD
  • Pin:EN-EL14
  • Kích thước: 143,5 x 110 x 66,5mm
  • Trọng lượng: 765g
  • Bán kèm phiên bản đặc biệt của ống Nikkor 50mm f/1.8G AF-S thiết kế kiểu dáng phù hợp với chiếc máy ảnh mới
  • Đo sáng được kể cả khẩu lớn nhất với những chiếc ống cũ non-AI
  • Chất lượng thân vỏ và các phím điều khiển chất lượng cao


Vệ tinh thăm dò trường trọng lực và đại dương GOCE của ESA chính thức ngưng hoạt động

GOCE_02.

Hôm thứ 2, Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) đã công bố vệ tinh thăm dò trường trọng lực Trái Đất và các đại dương (GOCE) đã chính thức chấm dứt sứ mạng sau hơn 4 năm hoạt động. Bay trên quỹ đạo cách Trái Đất 224 km, vệ tinh không người lái với biệt danh "Ferrari của không gian" đã cạn kiệt nhiên liệu để vận hành hệ thống đẩy ion và GOCE dự kiến sẽ trở lại khí quyển Trái Đất trong vòng 2 tuần tới.

Được phóng vào tháng 3 năm 2009 từ sân bay vũ trụ Plesetsk của Nga, GOCE là thành quả hợp tác phát triển giữa 45 công ty công nghiệp đến từ 13 quốc gia châu Âu. Vệ tinh nặng 1100 kg và có thiết kế hình bát giác để đảm bảo các tấm pin quang điện cỡ lớn lắp trên thân và 2 cánh luôn lấy được năng lượng từ Mặt Trời.

GOCE được thiết kế với mục đích đo đạt trường trọng lực của Trái Đất ở tỉ lệ 1 phần triệu, vì vậy vệ tinh buộc phải bay ở quỹ đạo thấp. Do công việc đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối, GOCE chỉ được trang bị 1 công cụ duy nhất và không chứa các thành phần chuyển động.

GOCE được đặt biệt danh là "Ferrari của không gian" bởi thiết kế đối xứng và có hình dáng khí động học với các cánh nhỏ giúp giảm lực hãm quỹ đạo do nó bay quá chậm và phải vượt qua lớp khí quyển trên cùng của Trái Đất. Tàu sử dụng động cơ ion bởi tên lửa đẩy thông thường tạo ra quá nhiều chấn động và tuổi thọ ngắn.

"Trái tim" của GOCE là máy đo trọng sai trọng lực tĩnh điện (EGG). Thiết bị này cho phép đo đạt sự khác biệt trọng lực giữa một loạt các khối lượng thử nghiệm đặt bên trong tàu bằng 6 gia tốc kế 3 trục, bố trí theo hình kim cương đặt trong một cấu trúc siêu ổn định. Đây cũng là lần đầu tiên hoạt động đo đạt lực hấp dẫn theo mọi hướng được thực hiện bên ngoài không gian.

GOCE_03.

Bên cạnh EGG, GOCE cũng được trang bị một hệ thống theo dõi GPS để cung cấp các dữ liệu đo đạt bổ sung kết hợp với 12 vệ tinh GPS xung quanh. Nếu hệ thống này chưa đủ chính xác, GOCE còn có thêm một máy phản chiếu laser tán xạ cực tiểu (Laser Retroreflector) cho phép vị trí của vệ tinh có thể được đo chính xác bởi các trạm quan sát dưới mặt đất.

GOCE đã cung cấp dữ liệu bản đồ 3D có độ chính xác và chi tiết nhất về trường trọng lực của Trái Đất. Dữ liệu từ GOCE cho phép các nhà khoa học nghiên cứu về cấu trúc của Trái Đất và các đại dương. Một trong những thành tựu lớn nhất mà GOCE đạt được là thể địa cầu (geoid) - một mô hình lý tưởng của các đại dương khi chúng xuất hiện dưới sự tác động duy nhất của hoạt động tự xoay quanh trục và lực hấp dẫn của Trái Đất mà không có yếu tố thủy triều và gió. Thể địa cầu mang lại một điểm mốc để các nhà khoa học có thể dựa vào đó để đo đạt sự thay đổi mực nước biển dưới sự tác động của trường trọng lực không đều của Trái Đất và tầm ảnh hưởng của trường trọng lực đối với sự lưu thông của đại dương và mực nước biển tại các khu vực. GOCE có thể bản đồ hóa thể địa cầu với độ sai lệch chưa đến 2 cm.

Geoid.
Thể địa cầu (geoid) do GOCE bản đồ hóa.

Những cột mốc đáng chú ý khác trong hoạt động đo đạt của GOCE còn có công tác bản đồ hóa động lực địa hình và các hình mẫu lưu thông của các đại dương, thiết lập bản đồ phân giải cao đầu tiên về Moho (biên giới giữa lớp vỏ địa chất và quyển manti của Trái Đất), đo đạt độ dày và chuyển động của các mũ băng tại các cực và cũng đóng vai trò là một chiếc máy đo địa chấn đầu tiên trên quỹ đạo nhờ khả năng phát hiện những thay đổi về mật độ không khí dưới dạng sóng âm tần số thấp (dưới 20 Hz) gây ra bởi trận động đất tại Nhật Bản hồi ngày 11 tháng 3 năm 2011.

GOCE đã hoàn thành sứ mạng chính của mình vào tháng 4 năm 2011, đây cũng là thời điểm bộ phận quản lý sứ mạng dự đoán động cơ ion trên tàu sẽ cạn kiệt nhiên liệu. Tuy nhiên, hoạt động của mặt trời là tác nhân chủ yếu khiến khí quyển giãn nở và gia tăng lực hãm quỹ đạo. Hoạt động này đang diễn ra chậm hơn so với dự kiến trong vòng 1 thập kỷ qua. Kết quả là lực hãm quỹ đạo trở nên ít hơn và nhiên liệu cho GOCE vẫn đủ để mở rộng sứ mạng.

GOCE_01.

Thế nhưng vào năm nay, GOCE đã sớm có biểu hiện cạn nhiên liệu và trước khi sứ mạng kết thúc, vệ tinh sẽ được đưa từ độ cao 255 km xuống độ cao 224 km để tăng cường độ phân giải và độ chính xác.

"Sứ mạng của GOCE đã là một thách thức đối với nhóm nghiên cứu, bao gồm từ việc chế tạo cỗ máy đo trọng sai đầu tiên trong không gian cho đến khâu duy trì quỹ đạo thấp của tàu ở trạng thái không đổi và việc hạ thấp quỹ đạo sẽ là thử thách tiếp theo." Volker Liebig, giám đốc các chương trình thăm dò Trái Đất tại ESA cho biết. "Kết quả mà chúng tôi có vô cùng to lớn. Chúng tôi đã thu được những dữ liệu trọng trường chính xác nhất từ trước đến nay để cung cấp cho các nhà khoa học. Điều này đã chứng minh GOCE là một nổ lực đáng giá và các kết quả khoa học mới đang xuất hiện ngày một nhiều hơn."

Vào ngày 21 tháng 10, ESA đã tuyên bố sứ mạng của GOCE sắp đến hồi kết thúc khi vệ tinh cạn nhiên liệu Xenon dùng cho hệ thống đẩy ion. Chỉ có khoảng 350 kg Xenon còn lại trong khoang nhiên liệu và cũng trong thứ 2, áp suất nhiên liệu đã giảm xuống dưới 2,5 bar - mức áp suất tối thiểu cần để nạp cho động cơ.

GOCE được cho là sẽ trở lại khí quyển Trái Đất trong vòng 2 tuần tới. Trong thời gian này, vệ tinh sẽ tiếp tục gởi về dữ liệu cho đến khi hệ thống ngưng hoạt động và tàu sẽ được tắt hoàn toàn. Theo ESA, GOCE sẽ vỡ tan trong khí quyển. Thời gian chính xác và địa điểm tàu trở lại Trái Đất vẫn chưa được xác định. Văn phòng mảnh vỡ không gian (SDO) của ESA sẽ giám sát hoạt động tái xâm nhập khí quyển của GOCE và cung cấp các thông tin dự đoán cập nhật.



Samsung được cấp bản quyền kính mắt thông minh có thể kết nối với smartphone

Kinh_thong_minh_Samsung_ban_quyen.

Samsung mới đây đã được cấp bản quyền cho một thiết kế kính mắt thông minh theo kiểu Google Glass. Trong bằng sáng chế, Samsung mô tả đây là một cặp kính "thể thao" với gọng trong suốt hoặc bán trong suốt, ngoài ra còn có một số nút nhấn và một bộ phận dùng để bố trí camera cũng như màn hình. Chiến kính này có thể được ghép với smartphone để hiển thị thông tin hoặc điều khiển một vài tính năng nào đó. Nó cũng được tích hợp sẵn tai nghe để người dùng thưởng thức nhạc hoặc trả lời cuộc gọi. Bản quyền của Samsung có vẽ dây nối ở gọng kính cùng một đầu cắm, gợi ý sản phẩm này sẽ dùng kết nối có dây chứ không phải là không dây như Google Glass.

Hiện chưa rõ bao giờ thì thiết bị được đề cập trong bản quyền này sẽ chính thức bước ra đời thực. Cũng có thể chúng ta sẽ thấy Samsung thay đổi vài chi tiết của kính trước khi tung ra thị trường, biết đâu hãng chuyển sang dùng kết nối không dây bằng Wi-Fi hay Bluetooth để ghép kính với điện thoại chẳng hạn. Hiện nay Samsung đã bước chân vào mảng thiết bị đeo được với đồng hồ Galaxy Gear nên việc hãng chuẩn bị ra mắt thêm smartglass không phải là điều quá ngạc nhiên. Ngoài Samsung, Microsoft cũng được cho là đang phát triển kính đeo mắt thông minh.

Kinh_thong_minh_Samsung_ban_quyen_2.
Nhìn từ cạnh bên

Kinh_thong_minh_Samsung_ban_quyen_1.
Nhìn từ cạnh trước, có thể thấy camera và màn hình hiển thị


Vì sao Apple cung cấp miễn phí nhiều phần mềm quan trọng của mình?

Apple_free_apps.
Tại sự kiện ngày hôm qua của Apple, CEO Tim Cook đã thông báo rằng Apple sẽ cung cấp miễn phí tất cả ứng dụng thuộc bộ iWorkiLife cho những ai mua máy Mac và iOS mới, còn bản cập nhật OS X 10.9 Mavericks thì sẽ miễn phí cho tất cả mọi người. Cook nhận xét về động thái này với câu nói: "Chúng tôi đang thay đổi nền công nghiệp một cách đầy bất ngờ và hào hứng". Đây là một cú đánh trực tiếp vào Microsoft với mô hình cung cấp bản quyền thu phí, ngoài ra Apple còn muốn nhắm đến Google, một đối thủ ít rõ ràng hơn.

Trước đây Apple cũng đi theo mô hình của Microsoft, đó là cung cấp những ứng dụng cao cấp và đòi hỏi người phải mua chúng. iWork trước đây đều thu phí trên cả iOS lẫn Mac, iLife thì chỉ miễn phí cho người dùng mới, bản cập nhật lên 10.7 Lion và 10.8 Mountain Lion cũng có giá lần lượt là 30$ và 20$. Nói cách khác, sau khi mua máy, người dùng phải mua thêm một cơ số app nữa. Giờ đây, Apple đã nghiêng về hướng đi của Google, đó là cung cấp những phần mềm miễn phí (tất nhiên là không có gắn quảng cáo) và dựa vào phần cứng để mang lại lợi thế cạnh tranh cho các bộ ứng dụng của mình. Phần cứng xem như đã kết hợp sẵn với những phần mềm cần thiết.

Đây có vẻ như là một bước đi mới của Apple, nhưng thực chất nó không hoàn toàn mới mẻ. Hồi năm 2007, ở đỉnh điểm của chiến dịch marketing "Mac vs PC" mà Apple đề ra, hãng đã cho chạy một mẫu quảng cáo đặc biệt nhấn mạnh khả năng tạo một đoạn video gia đình ngay từ khi mới sắm máy về, trong khi PC phải cài thêm driver. Giờ đây Apple lại thực hiện chiến dịch đó một lần nữa, cũng vẫn nhằm với đối thủ lớn nhất của mình, nhưng trận chiến là trên tablet chứ không phải máy tính.

Cạnh tranh trên máy tính bảng

Trong thời gian gần đây tablet đã trở nên vô cùng mạnh mẽ, nhiều người dùng đã xài iPad, Surface và những tablet Android như những thiết bị dùng cho công việc, hoạt ít nhất là phục vụ hoặc bổ trợ cho công việc. Dòng máy tính bảng Surface của Microsoft đi kèm theo bộ Office miễn phí, và điều này cực kì có lợi cho công ty khi quảng cáo Surface là thiết bị nửa tablet, nửa laptop và có khả năng tối ưu hóa cho công việc. Các máy Chromebook của Google thì có bộ Google Docs, tablet Android thì có ứng dụng QuickOffice giờ đây đã miễn phí.

Chính vì thế, một bộ iWork miễn phí là vô cùng cần thiết cho Apple nếu hãng muốn iPad cạnh tranh thành công với các đối thủ nói trên. Hãy tưởng tượng rằng nếu như bạn đã bỏ tiền mua iPad rồi lại phải chi thêm 30$ nữa để sắm bộ Keynote, Pages và Numbers thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Chắc chắn là cảm thấy chút gì đó thất vọng rồi. Còn nếu chúng hoàn toàn miễn phí, bạn biết là khi mới sắm iPad, bạn sẽ chắn rằng mình đã có trong tay một bộ ứng dụng văn phòng rồi đó. Apple thì có thể đảm bảo rằng sản phẩm của mình sẽ không thua kém gì Microsoft và Google.

Chiến trường mới của Microsoft và Apple

Nói về bộ iWork mới, Tim Cook cho biết: "Chúng là những ứng dụng với tính năng phong phú và chúng tôi chỉ mới nói một chút về những gì bạn có thể làm với các app này, và tất cả đều miễn phí". Có thể thấy rằng Cook vẫn xem iWork (và cả iLife) là những phần mềm thật sự mạnh mẽ, có điều Apple sẽ không tập trung kiếm lời từ phần mềm nữa. Và điều này đã đánh thẳng vào Microsoft. Thậm chí trong slide thuyết trình của mình, Cook còn so sánh rằng bạn có thể lên OS X 10.9 Mavericks hoàn toàn miễn phí, trong khi muốn nâng cấp lên Windows 8 Pro thì phải chi 199$ (không tính các chương trình giảm giá).

Về phần Microsoft, phó giám đốc truyền thông Frank Shaw mới đây đã viết một bài post trên blog nói rằng "khi Apple giảm giá những ứng dụng thuộc dạng nhẹ và chật vật của mình,... tôi thấy đây chỉ là một động thái nhằm đuổi kịp chúng tôi mà thôi". Khoan hãy bàn đến tính năng và những điểm hơn kém của iWork và Microsoft Office, rõ ràng chúng ta có thể thấy rằng những ứng dụng như thế sẽ trở thành chiến trường kế tiếp của hai ông lớn trong làng công nghệ.

Cũng bằng cách tuyên bố cung cấp phần mềm miễn phí, Apple đã khẳng định lại rằng mục tiêu chính của mình là phần cứng và dịch vụ. iWork có thể không có nhiều tính năng như Office, có thể chưa hỗ trợ thật tốt khi làm việc nhiều người như Google Docs, nhưng Apple cược rằng một người tiêu dùng thông thường thì sẽ không nhận thấy những điểm khác biệt đó.

Và cũng như nhiều sản phẩm khác của Apple, marketing luôn là một thành phần quan trọng trong cuộc chơi. iPad Air và iPad mini mới giờ đây cũng đi kèm theo một bộ ứng dụng văn phòng miễn phí, điều đó giúp hai sản phẩm này không thua kém gì so với Surface, Chromebook hay các tablet Android trên phương diện tiện ích. Apple cũng nói lên được rằng một chiếc máy Mac sẽ làm được tất cả những gì mà một người tiêu dùng hiện đại cần - chỉnh sửa phim ảnh, biên tập văn bản, bản tính, bài thuyết trình, thậm chí là cả chơi và thu nhạc - ngay khi máy vừa đến tay khách hàng.


Motorola đăng kí bản quyền thương hiệu "Moto G", sẽ là phiên bản giá rẻ của Moto X?

Motorola_Moto_X-9.

Motorola mới đây đã đăng kí thương hiệu Moto G, gợi ý rằng đây sẽ là một mẫu smartphone sắp được hãng ra mắt trong thời gian tới. Theo trang Droid-Life, Moto G có thể chính là chiếc máy có tên mã DVX, một phiên bản giá rẻ của Moto X mà chúng ta từng được nghe đồn trước đây. Trên trang web của Cơ quan viễn thông Brazil thì xuất hiện dòng chữ nói rằng Moto G sẽ có số hiệu là Motorola XT1032 hoặc XT1033 tùy nhà mạng. Ngoài cấu hình thuộc phân khúc tầm thấp ra thì thiết bị này vẫn cho phép người dùng tùy biến ngoại hình của máy tùy sở thích người dùng, tuy nhiên không rõ khả năng tùy biến có tương tự như Moto X hay không.

Cũng cần phải nói thêm rằng hạng mục mà Motorola đăng kí chữ "Moto G" khá rộng, trải dài từ smartphone đến phụ kiện, nên không loại trừ khả năng đây là thương hiệu mà hãng dùng để đặt cho một phụ kiện nào đó. Một khả năng khác nữa: Moto G chính là bản Moto X dùng phiên bản Android gốc. Trước đây Motorola từng xác nhận là họ đang làm việc với Google để tung ra một bản Moto X như thế.

Còn theo trang SlashGear, khoảng đầu năm sau Motorola sẽ tung ra thêm một dòng điện thoại chủ lực mới kế nhiệm cho Moto X. Mẫu máy này có thể sẽ sở hữu hình dáng gần giống chiếc Droid Ultra của nhà mạng Verizon, vi xử lí bên trong thì sẽ dùng chip của Qualcomm để cung cấp hiệu năng cao hơn SoC Motorola X8 hiện đang dùng trong dòng Droid và Moto X. Thực chất thì SoC Qualcomm Snapdragon 800 được tích hợp sẵn chế độ kích hoạt và nhận diện giọng nói thường trực giống X8, thế nên việc Motorola xài con chip này là hoàn toàn có thể diễn ra.

Trademark_Electronic_Search_System__TESS_-650x277.