Trong thời gian gần đây đang có một cuộc "cách mạng" trong lĩnh vực hệ điều hành di động. Các nhà sản xuất đã chán việc bị giới hạn bởi ba nền tảng lớn, và người dùng cũng đang muốn tìm kiếm một luồng gió mới. Họ đã chán những bức tường của iOS và Windows Phone, họ cũng bắt đầu lo ngại về hệ điều hành Android mở nhưng vẫn bị kiểm soát từ Google. Chính "bầu không khí" như thế đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều cái tên mới như Firefox OS, Ubuntu, Tizen và Sailfish OS. Trong số những nền tảng mới này thì ba tên tuổi đầu tiên được chống lưng bởi những công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, còn Sailfish OS chỉ do một nhóm nhỏ các lập trình viên phát triển nhưng lại mang trong mình những tham vọng lớn.
Sailfish OS có thể tương đối mới nhưng nhiều ý tưởng xoay quanh nó thì lại không. Hệ điều hành này thực chất được phát triển từ MeeGo OS của Nokia với nhân Linux. MeeGo OS trước đây từng xuất hiện trên chiếc Nokia N9, một sản phẩm có thiết kế rất đẹp hồi năm 2011 và đánh dấu một bước chuyển mình trong phong cách sản phẩm của Nokia. Đáng tiếc rằng thiết bị này đã bị cho nghỉ hưu chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt và thay vào đó, Nokia tập trung toàn lực vào dòng Lumia chạy Windows Phone vốn cũng sử dụng thiết kế của N9.
Nokia N9
Thế nhưng nhiều người làm ra MeeGo vẫn không chịu từ bỏ đứa con của mình, thế là họ nghỉ làm ở Nokia và thành lập nên một công ty riêng với tên gọi Jolla. Ngay sau đó, nhóm lập trình viên này đã gây được quỹ 160 triệu Euro, tức khoảng 227 triệu USD, và bắt tay vào xây dựng Sailfish OS dựa trên MeeGo.
Không cần nhiều đến nút
Vậy tại sao chúng ta lại nên quan tâm đến Sailfish OS? Đầu tiên, đây là một hệ điều hành mã nguồn mở nên nếu một công ty muốn áp dụng nó lên sản phẩm của mình thì họ sẽ không gặp nhiều khó khăn, cũng như không phải nhiều chi trả tiền bản quyền. Mặc dù là open source đấy nhưng Sailfish OS được phát triển một cách công khai và thực sự "mở" cho mọi người xem chứ không chỉ được viết một cách âm thầm lặng lẽ như những gì Google làm với Android.
Ngoài ra, một điểm mà Sailfish OS khác biệt so với các đối thủ của mình đó là giao diện người dùng. Màn hình chính của hệ điều hành này không chỉ dùng để hiển thị hàng tá icon như Android hay iOS mà nó còn cho bạn thấy các "cửa sổ" tương ứng với những ứng dụng đang mở. Chúng ta cũng có thể tương tác và chuyển qua lại giữa các app với nhau bằng thao tác trượt từ các mép màn hình, giúp việc chạy đa nhiệm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trước đây mình có từng dùng qua N9, nó cũng có tính năng chuyển app đa nhiệm bằng cách trượt ngón tay và đó là một trong những trải nghiệm multitasking tuyệt vời nhất mà mình từng được thử qua trên một chiếc điện thoại.
Chưa dừng lại ở đó, mỗi icon của Sailfish OS đều chứa các thông tin "sống", ví dụ như khi bạn chơi nhạc thì icon của trình phát sẽ hiển thị bài nầo đang nghe. Theo một cách nào đó, chúng ta có thể xem homescreen của Sailfish OS như một sự pha trộn giữa bố cục của BlackBerry 10, khả năng update thông tin của Windows Phone 8 cộng với các widget Android.
Và có thể bạn cũng đã đoán được từ tiêu đề của phần này, rằng Sailfish OS dựa rất nhiều vào các cử chỉ cảm ứng của người dùng để hoạt động chứ không chỉ dùng nút như bình thường. Bạn có thể xem danh sách app bằng cách trượt ngón tay từ dưới lên trên, quay trở lại bằng cách trượt từ phải sang trái hay đóng ứng dụng bằng việc kéo ngón tay từ trên xuống dưới.
Bằng những thao tác như thế, chúng ta có thể xem thông tin cập nhật về mạng xã hội, các thông báo do app gửi ra mà không phải ngừng việc đang làm. Chúng ta cũng có thể mở khóa máy bằng cách chạm hai lần vào màn hình, không cần phải nhấn nút gì cả.
Nói cách khác Sailfish OS là một hệ thống tiết giảm tối đa việc sử dụng nút và menu như những gì chúng ta hay thấy trong Android hay iOS. Nó là một hệ thống hướng đến việc sử dụng tự nhiên và không bắt chước nhiều thành phần đã có hàng chục năm trên máy tính. Việc loại bỏ nút cứng cũng giúp việc sử dụng một tay được dễ dàng hơn so với các nền tảng di động khác và có thể trở thành nhân tố giúp Sailfish OS đứng tách biệt, đặc biệt là trên các máy màn hình lớn.
Hướng đến cá nhân hóa
Sailfish OS tập trung khá nhiều về mặt cá nhân hóa giao diện để phù hợp với mỗi người, nó cho phép chúng ta đổi màu một số thành phần đồ họa để khớp với hình nền hơn. Và đặc biệt, những thay đổi này không chỉ áp dụng với màn hình chính mà còn cho cả các ứng dụng được người dùng cài vào nữa.
Ý tưởng cá nhân hóa thậm chí còn được Jolla đẩy đi xa hơn khi họ ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên chạy Sailfish OS (cũng được gọi là Jolla). Vỏ sau của mẫu smartphone này có thể được gỡ ra để thay vào các màu khác, khi đó điện thoại cũng sẽ tự đổi màu UI, hình nền và thậm chí âm thanh thông báo để khớp với nắp lưng. Dữ liệu sẽ được trao đổi giữa phần nắp với thân máy thông qua kết nối NFC. Quả là một ý tưởng thú vị.
Ở điểm này có rất nhiều tiềm năng về mặt marketing cho Sailfish OS, và cũng đã có một mặt lưng Angry Birds đang được Jolla và Rovio phát triển có khả năng thay đổi giao diện của máy theo trò chơi vui vẻ này. Nó thậm chí còn nói cho bạn biết là bạn chưa chơi Angry Birds trong vừa nửa tiếng đồng hồ vừa qua nữa kìa. Bên cạnh đó còn có một cái case iProtoxi với logo phát sáng và nó sẽ đổi màu khi bạn có tin nhắn hay cuộc gọi đến, đồng thời cho phép chúng ta trả lời hoặc chuyển sang chế độ im lặng bằng cách quẹt bàn tay ngang qua vỏ.
Tương thích với ứng dụng Android
Một trong những điểm sáng và được nhiều người kỳ vọng ở Sailfish OS đó là nó hỗ trợ ứng dụng Android. Vì sao người ta lại kì vọng như thế? Bởi vì trong thời buổi ngày nay, một hệ điều hành di động sống hay chết phụ thuộc rất nhiều vào hệ sinh thái app đi kèm. Nếu một nền tảng có nhiều tính năng tuyệt vời nhưng số lượng ứng dụng có thể cài thêm lại quá ít thì người dùng sẽ quay lưng lại với nó. Hãy nhìn vào Windows Phone thời kỳ đầu, người dùng từ chối sử dụng các điện thoại loại này bởi vì kho app quá ít ỏi, thiếu quá nhiều ứng dụng cơ bản cho một người dùng smartphone, thế nên họ quay sang Android và iOS để có được một bộ sưu tập app tốt hơn. Mãi sau này khi Microsoft có nhiều chính sách thúc đẩy phần cứng lẫn phần mềm thì Windows Phone Store mới dần cải thiện hơn.
Nhưng Microsoft là một tập đoàn rất lớn với tiềm lực tài chính cực kì mạnh mẽ, chưa kể ảnh hưởng lớn của hãng đối với những nhà sản xuất thiết bị và với cộng đồng lập trình viên trên toàn cầu. Hãng có thể định hướng được sự phát triển cho kho app của mình bằng nhiều cách khác nhau. Trong khi đó, Jolla chỉ là một công ty rất nhỏ chưa được nhiều người biết đến, cũng không nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các nhà phát triển nội dung hay các tên tuổi phần cứng. Chính vì thế, Jolla chọn một hướng đi an toàn hơn: làm cho Sailfish OS tương thích với ứng dụng Android.
Như vậy, Sailfish không chỉ có kho ứng dụng của riêng mình mà còn có thể truy cập được vào hàng trăm nghìn app Android. Bộ sưu tập phần mềm cho Sailfish bỗng nhiên tăng thành một con số cực kỳ lớn, tương tự như những gì Nokia đã làm với Nokia X. BlackBerry cũng từng thực hiện chiến lược tương tự mặc dù việc chuyển thể ứng dụng thì hơi phức tạp so với người dùng phổ thông. Và bởi vì phần cứng mà Sailfish đòi hỏi có nhiều điểm tương đồng với Android nên các nhà sản xuất có thể đưa nền tảng này vào các thiết kế điện thoại Android sẵn có của mình, tiết kiệm được thời gian và chi phí phát triển. Điều này lợi cả về phần cứng lẫn phần mềm cho Jolla, chưa kể đến việc nó sẽ giúp hãng tiến sâu vào thị trường thiết bị giá rẻ ở các quốc gia đang phát triển, vốn là mục tiêu chính hiện nay của Sailfish OS.
Chưa hết, Tomi Pienimäki, CEO của Jolla còn tiết lộ rằng công ty ông đang có kế hoạch đưa Sailfish lên các thiết bị Android. Pienimäki nói: "Chúng tôi đang kinh doanh cả thiết bị (điện thoại chạy Sailfish) và cũng kinh doanh cả hệ điều hành. Thật sự thì cũng khá dễ để cài Sailfish lên những thiết bị Android. Ở Phần Lan người ta không thường thay đổi hệ điều hành trên điện thoại của mình, nhưng vẫn có rất nhiều người thích làm điều đó ở các nơi khác trên thế giới. Ví dụ như ở Trung Quốc thì chuyện này rất phổ biến. Khoảng phân nửa người dùng smartphone đang tự nâng cấp thiết bị cũ hoặc giá rẻ của mình với phiên bản Android tốt hơn".
Ông nói thêm rằng hiện nay đã có sẵn những trang web chuyên cung cấp OS cho người dùng, và "khách hàng Trung Quốc đã quen với điều này nên chúng tôi không cần phải chỉ họ phải làm như thế nào. Chúng tôi chỉ việc đưa Sailfish lên những website đó, và cũng cần đảm bảo Sailfish có thể chạy trên nhiều loại thiết bị Android khác nhau". Đáng tiếc rằng Pienimäki không tiết lộ khi nào thì điều này sẽ xảy ra.
Không giống bất kỳ thứ gì khác
Cũng phải nhìn nhận rằng đây chỉ mới là giai đoạn sơ khai đối với Sailfish OS và còn rất nhiều việc mà Jolla phải làm. Để thật sự đứng ra riêng và nổi bật giữa một thị trường đông đúc, Sailfish OS cần làm được nhiều thứ hơn chứ không chỉ là một thứ để chạy app Android. Trước mắt, giao diện và cách tương tác đang là thứ giúp Sailfish OS tách biệt, và thật sự thì nó cũng đã phản ánh câu khẩu hiệu "Không giống bất kì ai" của Jolla. Chúng ta sẽ không còn phải nhấn quá nhiều nút, mà thay vào đó là những cử chỉ trượt, quét ngón tay rất tự nhiên và có phần nhanh hơn. Nó hứa hẹn mang lại một trải nghiệm mới cho người dùng smartphone vốn đang dần ngán kiểu tương tác cũ.Sailfish OS cũng rất linh hoạt. Nó không chỉ được dùng trên smartphone mà còn có thể được đem lên tablet, PC, TV và nhiều hơn thế nữa. Biết đâu một ngày nào đó các công ty sản xuất điện tử thấy được tiềm năng của Sailfish và chọn dùng nó một cách rộng rãi thì sao?
Như vậy là Sailfish OS có khá nhiều điểm tốt: kho app có, giao diện đẹp và lạ có, khả năng ứng dụng lên nhiều thiết bị cũng có. Nhưng quan trọng nhất đó là Jolla phải làm sao để xây dựng được sự hứng thú và "thèm muốn" từ phía người dùng, vốn là một điều không hề dễ dàng và cũng có khả năng trở thành rào cản đầu tiên để Sailfish OS tiến ra thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại thì Sailfish OS vẫn chưa xuất hiện nhiều bởi mới chỉ có 1 chiếc điện thoại duy nhất chạy hệ điều hành này được bán ra, và nó cũng do chính Jolla đi đặt hàng sản xuất. Việc mua máy cũng không dễ dàng bởi hiện smartphone Jolla chỉ bán ở Phần Lan và các nước Châu Âu. Quá trình tích hợp bộ máy Android thì đang trong giai đoạn xây dựng nên Jolla chưa thể dùng lợi thế này để quảng bá cho sản phẩm của mình. Có lẽ phải mất vài tháng, thậm chí cả năm nữa thì Sailfish OS mới có thể dần dần xuất hiện phổ biến.
Kết
Càng nhiều hệ điều hành xuất hiện trên thị trường thì càng tốt, ít nhất là với người dùng như anh em Tinh tế bởi chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho việc sử dụng thiết bị của mình. Hi vọng Jolla có thể thuyết phục được các nhà sản xuất đưa Sailfish OS lên những smartphone, tablet để chúng ta có cơ hội được chạm tay vào những sản phẩm mới và tiếp cận với các trải nghiệm mới lạ. Nếu có tin tức gì mới hơn về Sailfish OS, Tinh tế sẽ tiếp tục cập nhật cho các bạn nhé.Tham khảo TechRadar
Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014
Một số thông tin về Sailfish OS, hệ điều hành non trẻ hướng đến những trải nghiệm mới lạ
"Cô trợ lý cá nhân" Cortana trên Windows Phone 8.1 sẽ trông như thế này khi hoạt động?
Tom Warren, phóng viên của trang tin The Verge và cũng là người sáng lập trang WinRumors, mới đây đã đăng lên Twitter hình ảnh được cho là của tính năng trợ lý ảo "Cortana" trên Windows Phone 8.1. Trong ảnh là một vòng tròn lớn bao ngoài bao xung quanh một hình bầu dục nhỏ hơn, khớp với tin rò rỉ trước đây rằng "Cortana sẽ xuất hiện dưới dạng một vòng tròn trên màn hình theo màu giao diện mà bạn đang thiết lập cho hệ điều hành. Mỗi khi Cortana nói, suy nghĩ hay tra cứu thông tin, vòng tròn sẽ nảy lên xuống hoặc có những cảm xúc khá nhau tùy thuộc câu hỏi." Warren xác nhận thêm rằng vòng tròn do anh tiết lộ sẽ hoàn toàn có thể chuyển động được trong quá trình chúng ta sử dụng Cortana. Windows Phone 8.1 và Cortana được cho là sẽ ra mắt tại triển lãm BUILD 2014 diễn ra vào đầu tháng sau.
Xem thêm những thông tin về cách hoạt động của CortanaNguồn: Twitter của Warren
Rò rỉ ảnh chụp màn hình Start trên Windows Phone 8.1, có thể cài đặt hình nền, Live Tiles trong suốt
Mới đây, trang blog Windows tiếng Ý đã cho đăng tải ảnh chụp màn hình rò rỉ từ Windows Phone 8.1 cho thấy bản cập nhật sắp tới sẽ được bổ sung thêm tùy chọn cài đặt hình nền của Start Screen. Đây là tính năng mà Microsoft cung cấp thêm cho những người dùng muốn cá nhân hóa thiết bị của mình thay vì chỉ đơn thuần là sử dụng phông nền màu đen hoặc trắng như mặc định trên Windows Phone 8. Ngoài ra, hình ảnh còn cho thấy các Live Tiles ngoài Start Screen sẽ được hiển thị trong suốt và thấy được hình nền ở bên dưới. Các nhà phân tích đã nhận định rằng đây chính là những hình ảnh chính thức sẽ có trên bản cập nhật sắp tới của Windows Phone.
Tuy nhiên, với những gì hình ảnh cho thấy thì không phải Live Tiles của ứng dụng nào cũng có thể sử dụng hiệu ứng trong suốt. Chỉ có những ứng dụng có sẵn trong máy và một số ứng dụng khác mới tương thích với tùy biến trong suốt. Một số ứng dụng của bên thứ 3 sẽ không thể áp dụng tùy biến này. Tùy chọn mới của Microsoft không thật sự quá mới mẻ vì trước đây, người dùng đã có thể thực hiện các tùy biến tương tự bằng cách sử dụng ứng dụng có tên Skinery Themes được bán trên chợ ứng dụng với giá 1,49 đô la.
Một thông tin khác là ngoài lựa chọn hiển thị Live Tiles trong suốt, người dùng vẫn có thể sử dụng các màu sắc cơ bản do hệ thống cung cấp cho các biểu tượng ngoài màn hình Start Screen. Theo các báo cáo trước, Microsoft dự kiến sẽ chính thức giới thiệu Windows Phone 8.1 tại hội nghị dành cho các lập trình viên diễn ra vào đầu tháng 4 sắp tới.
Các bạn có thể xem thêm các thông tin khác xoay quanh phiên bản mới nhất của Windows Phone thông qua các bài viết có liên quan dưới đây.
- Mời xem video Lumia 920 chạy Windows Phone 8.1
- Điểm lại các tính năng rò rỉ về bản cập nhật Windows Phone 8.1 "Blue"
- [MWC 2014] Microsoft nói về WP8.1: hỗ trợ tất cả máy WP8, hỗ trợ các máy giá rẻ, hai SIM,...
- Thêm nhiều thông tin về cách hoạt động của "cô trợ lý ảo" Cortana trên Windows Phone 8.1
- Windows Phone 8.1 sẽ có nhiều biểu tượng chương trình mới, trợ lý Cortana và nhiều tính năng khác?
- Rõ hơn về trung tâm thông báo trên Windows Phone 8.1
- [Rò rỉ] Bàn phím ảo trên Windows Phone 8.1 sẽ cho phép vuốt để nhập liệu như Swype?
Theo Windowsblogitalia
Adobe đóng góp số phần mềm trị giá 300 triệu USD cho chương trình cải thiện chất lượng giáo dục ở Mỹ
Adobe vừa thông báo rằng hãng sẽ gia nhập chương trình ConnectED do Tổng thổng Mỹ Barack Obama đề xuất nhằm cải thiện chất lượng giáo dục bằng các sản phẩm công nghệ. Trước mắt hãng đã lên kế hoạch đóng góp số phần mềm trị giá 300 triệu USD cho học sinh và giáo viên sử dụng, bao gồm Photoshop Elements, Premiere Elements, Presenter, Captivate, EchoSign. "Chúng tôi tin rằng sức mạnh của việc tạo ra các nội dung đa phương tiện chính là một cách để những người trẻ tuổi bộc lộ sự sáng tạo, đồng thời giúp họ xây dựng những kĩ năng để thành công trong tương lai", CEO Shantanu Narayen cho biết. Adobe cũng hứa sẽ đóng góp nguồn lực vào việc huấn luyện sử dụng phần mềm cho các trường trên toàn nước Mỹ.
Trong dịp này, Prezi, công ty phát triển phần mềm thuyết trình dựa trên nền tảng đám mây, cũng đã đồng ý cung cấp các bản quyền trị giá 100 triệu USD cho "hàng trăm nghìn" cơ sở giáo dục. Nhờ những bản quyền đó mà học viên có thể truy cập và sử dụng miễn phí nền tảng thuyết trình do Prezi cung cấp.
Sáng kiến ConnectED tính đến thời điểm này đã nhận hơn 1,1 tỉ USD tiền đóng góp. Trước Adobe, Microsoft, Apple cùng nhiều công ty công nghệ lớn ở quốc gia này cũng đã góp các phần cứng và phần mềm trị giá hơn 750 triệu USD.Nguồn: Adobe (thông qua Businesswire)
[Infographic] So sánh vui về tài chính giữa nam và nữ
Người ta hay so sánh nam giới và nữ giới về nhiều lĩnh vực khác nhau như về tuổi thọ, công việc, sở trường, khả năng, sự thông minh và khéo léo… Nhưng, còn về vấn đề tài chính thì sao? Người ta thường bảo phụ nữ thì biết giữ tiền hơn nam giới. Có thật là như vậy không? Vậy còn về vấn đề lương bổng, chi tiêu, tiết kiệm thì ở 2 giới khác nhau như thế nào? Cùng xem bài Infographic dưới đây về những so sánh thú vị của nam và nữ giới trong vấn đề tài chính nhé.Nguồn: graphs.net
Nhà thiết kế Jacob Miller của Microsoft nói về quyết định tích hợp giao diện Modern vào Windows 8
Kể từ khi những hình ảnh đầu tiên của Windows 8 lộ diện với giao diện Modern gồm nhiều ô vuông đủ màu sắc thì đã có nhiều luồng phản ứng khác nhau. Một số người tin rằng Modern (trước đây gọi là Metro) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sử dụng máy tính của họ, một số khác thì chấp nhận màn hình Start mới cũng như các ứng dụng Modern và xem nó như một cải tiến hấp dẫn. Để phản hồi lại những ý kiến đó, Jacob Miller, một nhà thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) đến từ Microsoft, cũng là nhân vật trực tiếp tham gia vào việc xây dựng Windows 8, đã chia sẻ một vài góc nhìn của cá nhân anh về Modern (Metro) UI.
"Tôi muốn nói về lý do vì sao chúng tôi chọn Metro làm mặc định thay vì môi trường desktop truyền thống, và vì sau điều này tốt trong dài hạn - nhất là cho những người dùng rành máy tính... nhưng không phải theo cách bạn nghĩ", Miller viết. "Vào lúc này có lẽ bạn đang kì vọng rằng tôi sẽ nói rằng nó (Metro) được thiết kế để khai tử bàn phím, hoặc một thứ gì đó và việc cải thiện thời gian thử nghiệm, hoặc bất kỳ thứ gì để thuyết phục bạn bạn rằng Metro thật sự hữu ích. Tôi đã nói nhiều về những thứ đó trên Reddit trong quá khứ rồi, còn trong cuộc thảo luận này thì hãy ném hết bọn chúng ra ngoài cửa sổ. Trong lần này, chúng ta hãy xem như Metro thật là tệ hại đối với người dùng chuyên nghiệp (ngay cả khi bạn không tin điều đó)".
Hai nhóm người dùng
Miller tiếp tục giải thích rằng nhóm thiết kế Windows 8 đã chia người dùng hệ điều hành này làm hai nhóm khác nhau: một nhóm tạo ra nội dung, và nhóm còn lại thì tiêu thụ nội dung. Trong đó:Windows 8 đã được thiết kế chủ yếu cho nhóm thứ hai: nhóm tiêu thụ nội dung. Đây cũng là ý tưởng khơi nguồn của Metro - một nền tảng "đơn giản, rõ ràng và chỉ làm một thứ duy nhất theo cách tương đối đơn giản nhất", Miller cho biết. Thực chất, anh nói Metro chính là một sự tương phản và đối nghịch với người dùng chuyên nghiệp.
- Nhóm tạo ra nội dung chính là những người dùng rành rọt: họ có nhiều cửa sổ ứng dụng mở trên nhiều màn hình khác nhau, đôi khi họ còn chạy cả máy ảo và có mức độ phức tạp cao
- Nhóm tiêu thụ nội dung chính là những người dùng bình thường, những người dùng PC để lướt web, chat, sử dụng mạng xã hội, xem ảnh và những việc tương tự như thế. Họ được mô tả là những người không biết nhiều (thậm chí là không biết gì) về máy tính, những người cao tuổi, hoặc những người "chỉ muốn tìm công thức làm bánh nướng táo".
Miller nói rằng trước khi có Windows 8 và Metro, hai nhóm người dùng nói trên đã từng chia sẻ một không gian chung. "Cũng giống như một bộ áo vest bạn đi thuê - một thứ dường như vừa với nhiều người. Nó không được điều chỉnh một cách chính xác, bởi bất kì sự thay đổi quá tay nào cũng khiến bộ vest này trở nên hoàn hảo với một người, nhưng lại khiến những người khác cảm thấy quá rộng hay quá chật. Bất kì tính năng nào chúng tôi muốn thêm vào Windows thì nó phải là một thứ đủ đơn giản để không làm người dùng phổ thông bị rối, nhưng cũng không quá ngu ngốc để trở nên vô dụng với người dùng chuyên nghiệp. Nhiều, rất nhiều tính năng đã bị loại bỏ bởi điều này".
Miller tiết lộ thêm rằng Microsoft cũng đã nghĩ đến việc cung cấp nhiều khu vực desktop cho người dùng (multiple desktop). Các bản Linux đã có tính năng này từ lâu, OS X cũng thế, "ngay cả OS/2 Warp còn có, nhưng Windows lại không". Nhà thiết kế này cho biết Microsoft đã từng nhiều lần cố gắng triển khai multiple desktop vào nền tảng của mình, nhưng lần nào hảng cũng nhận lại những phản hồi tiêu cực từ những người dùng thử và làm đau đầu nhóm người dùng phổ thông, vốn là một nhóm rất lớn trong số các khách hàng xài Windows - lớn hơn nhiều so với Linux và OS X.
Tính năng multiple desktop trong OS X
Và rõ ràng là như thế. Windows hiện nay chiếm một phần rất lớn trong thế giới hệ điều hành máy tính, do đó việc Microsoft quyết định bỏ một tính năng có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến lượng lớn người dùng là điều hoàn toàn hợp lý. Không phải là hãng không có khả năng làm multiple desktop, tính năng này chỉ là chuyện cỏn con đối với một công ty phần mềm khổng lồ đang có trong tay hàng nghìn kĩ sư tin học tài năng trên khắp thế giới, nhưng việc tích hợp và đưa nó đến người dùng mới thật sự là chuyện phức tạp hơn gấp nhiều lần.
"Chúng tôi bị bó tay, và người dùng của chúng tôi cảm thấy phiền với chiếc áo vest mà họ thuê. Vậy chúng tôi đã làm gì? Chúng tôi tách người dùng thành hai nhóm. Phổ thông và Chuyên nghiệp. Chúng tôi tạo ra hai sân chơi cho riêng họ. Tất cả người dùng phổ thông sẽ có một chỗ mới và đẹp để xem ảnh của những chú mèo - Metro. Những người dùng chuyên nghiệp thì có thể thoải mái thống trị lãnh thổ của mình - Desktop", Miller chia sẻ.
Chọn desktop làm mặc định thì không ai dùng Metro nữa
Anh tiếp tục nói thêm về việc vì sao Microsoft chọn Metro làm mặc định, và vì sao không có tùy chọn khởi động thẳng vào desktop trên Windows 8 mà phải lên Windows 8.1 mới có? Anh cho biết người dùng phổ thông "không chịu đi khám phá", và nếu hãng để việc boot vào desktop làm mặc định thì người dùng phổ thông sẽ không bao giờ chịu chuyển qua xài môi trường Metro vốn được thiết kế cho riêng họ. Họ sẽ tiếp tục sử dụng desktop như nhiều năm về trước, và như vậy Microsoft sẽ bị thất bại nặng nề trong việc đạt được mục tiêu của mình.
Giờ đây người dùng phổ thông đã bắt đầu quen hơn với giao diện Metro, hay nói như lời Miller là "vùng đất của sữa và mật ong". Đến lúc này, nhóm kĩ sư Microsoft có thể bắt đầu "chỉnh sửa" lại giao diện của hệ điều hành. Hiện hãng vẫn đang tập trung vào nhóm người dùng phổ thông là chính, nhưng những tùy chọn và tính năng hướng đến người dùng chuyên nghiệp đã dần dần xuất hiện, ví dụ như tùy chọn Boot to Desktop trong Windows 8.1 chẳng hạn. Và biết đâu đấy, trong những bản Windows sau chúng ta lại được thấy tính năng multiple desktops thì sao.
Người dùng Reddit với nickname "mindbleach" có hỏi rằng vì sao giao diện Metro cũng xuất hiện trong Windows Server 2012, trong khi rõ ràng đây là một sản phẩm 100% nhắm đến đối tượng người chuyện nghiệp, những người thậm chí còn chẳng cần đến giao diện đồ họa để làm công việc của mình. Tuy nhiên, Miller nói anh không tham gia vào quá trình phát triển Server 2012 thế nên anh chỉ đặt ra giả thuyết rằng điều đó giúp hạn chế tính phân mảnh của mã nguồn.
Lời hứa hẹn cho những bản Windows về sau
Miller cũng nhắc lại thêm vài giai đoạn tick-tock của các nền tảng mà Microsoft từng ra mắt. Tick là một bản nâng cấp lớn, và tock là bản nâng cấp nhỏ nhưng có tác dụng khắc phục rất nhiều những vấn đề của bản Windows trước đó (Intel cũng áp dụng tick-tock cho các vi xử lý của mình). Miller nói: "Windows 7 sẽ không thể tồn tại nếu không có những bài học mà chúng tôi thu được từ đống bừa bộn của Windows Vista. Windows XP cũng không tồn tại nếu không có Windows 2000. Hi vọng rằng Windows 9 sẽ góp phần củng cố thêm những gì tôi đang nói".
Tuy nhiên, Miller cũng nhấn mạnh rằng các pha tick, chính là Windows 2000, Vista, và cả Windows 8, đều không phải là những bản beta hay các phần mềm thử nghiệm cho lần ra mắt kế tiếp. Vấn đề chỉ là chúng có nhiều rắc rối hơn so với các sản phẩm của pha tock mà thôi. Điều này cũng không quá khó hiểu: pha tick thường đưa ra những cải tiến lớn và cực kì quan trọng với Windows, và những thay đổi đó ảnh hưởng đến vấn đề tương thích driver, yêu cầu hệ thống, trải nghiệm người dùng... Vista là một ví dụ, hệ thống User Account Control trong máy khó chịu đến nỗi người dùng phải tắt nó đi mặc dù nó được thiết kế để bảo vệ chính người dùng và là một bước tiến so với Windows XP. Lên đến pha tick - Windows 7 - thì UAC đã hoạt động hợp lý hơn.
Nhưng vì sao người dùng chuyên nghiệp lại bị buộc phải dùng một giao diện được tối ưu hóa cho cảm ứng? Thật không may rằng câu trả lời không đơn giản. Metro UI được thiết kế để dùng cho cả màn hình cảm ứng lẫn chuột nữa, và người dùng vẫn có thể điều hướng bằng bàn phím. Miller tin rằng Start screen mang lại nhiều khả năng cho bàn phím hơn là những gì Start Menu cũ xưa có thể làm được. Nói cách khác, anh ủng hộ việc đưa ra nhiều lựa chọn cho người dùng, vừa có Metro, vừa có môi trường desktop truyền thống. Khi bạn làm việc cả ngày mệt mỏi rồi về nhà, bạn chỉ muốn có cái gì đó đơn giản để giúp bạn giải trí, xem phim, hay chơi game cùng với bạn bè, người thân.
Dù sao đi nữa thì khi nhìn vào Windows 8, chúng ta có thể dự đoán được rằng Windows 8 sẽ là một sự thay đổi đáng hoan nghênh. Một giao diện Metro (Modern) mới được tối ưu hóa tốt hơn nữa cho người dùng phổ thông, một môi trường desktop hữu ích và mạnh mẽ hơn nữa cho người dùng chuyên nghiệp, và chấm dứt sự bức bối từ cả hai phía.
"Sự quen thuộc sẽ luôn cổ vũ cho thiết kế tốt. Ngay cả nếu một thứ gì đó tốt hơn nhiều nhưng nó lại không quen thuộc thì hóa ra nó lại trở thành một điều tồi tệ. Đó là lý do mà người ta hành xử như thể một con kỳ lân vừa bị giết chết (ý nói hành xử tiêu cực và lên án gay gắt) khi Facebook giới thiệu một thiết kế mới cho mạng xã hội của mình. Start menu của Windows 7 tốt hơn bởi vì nó quen thuộc. Chúng ta đã sử dụng kiểu thiết kế như thế trong vòng 20 năm qua. Metro thì phải mất thời gian mới trở nên thân quen với người dùng. Như tôi đã nói ở trên, đây là một chiến lược dài hạn của Microsoft. Chúng tôi biết chắc rằng người dùng phổ thông sẽ không thích nó trong thời gian đầu. Hi vọng trong vòng 5 năm tới, khi chúng tôi nhìn lại thì chúng tôi biết mình đã đưa ra một quyết định đúng".
[SG.Airshow] Mistral: hệ thống tên lửa phòng không gọn nhẹ, tỷ lệ bắn trúng: 95%
Mistral là hệ thống tên lửa phòng không di động gọn nhẹ được phát triển bởi hãng MBDA và triển khai lần đầu tiên vào năm 1988. Mặc dù có kích thước khiêm tốn nhưng tỷ lệ bắn trúng mục tiêu của nó lên tới 95% và có thể được bố trí trên mặt đất, xe thiết giáp, tàu chiến hoặc thậm chí là máy bay trực thăng với chỉ 1 người là đủ để vận hành. Hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại cho phép Mistral có thể nhắm chuẩn xác đến mục tiêu cần tiêu diệt mà không bị đánh lừa bởi pháo sáng hay các thứ làm nhiễu khác.
Mistral là loại tên lửa tầm ngắn, có thời gian triển khai nhanh và tên lửa sau khi bắn ra có vận tốc tối đa lên tớ Mach 2.4, tương đương 830 mét/giây và có thể bay cao tới 3 km. Ngoài hệ thống định vị tiên tiến, tên lửa của Mistral còn có thể phân biệt đâu là bạn đâu là thù để tránh bắn nhầm mục tiêu. Theo Wikipedia cho biết thì hệ thống Mistral đang được trang bị cho 37 loại phân chủng khác nhau thuộc 25 quốc gia trên thế giới, bao gồm 8 nước ở châu Âu, 8 nước châu Á TBD, 5 nước Nam Mỹ và 3 nước ở Trung Đông.
Thông tin cơ bản của Mistral:
- Hãng sản xuất: MBDA (châu Âu)
- Loại tên lửa: đất đối không tầm ngắn gọn nhẹ
- Dẫn đường bằng hồng ngoại
- Phạm vi hiệu quả tối đa: 5,3 km
- Vận tốc tối đa: Mach 2.4 (830 m/s)
- Độ cao tối đa: 3 km
- Kích thước đầu đạn: 2,9 kg
- Tỷ lệ bắn trúng: 95%
Mistral có thiết kế đơn giản và gọn nhẹ
Xác định mục tiêu và dẫn đường bằng hồng ngoại
Hệ thống ngắm của Mistral
2 tay cầm điều khiển Mistral, ụ súng có thể xoay vòng 360 độ
Các nhà thiên văn học giải thích hiện tượng cường độ chùm tia laser bị suy giảm vào ngày trăng tròn
Mới đây, các nhà thiên văn học đã đưa ra lời giải thích cho hiện tượng chùm tia laser phản hồi từ Mặt Trăng bị suy giảm cường độ trong ngày trăng tròn mỗi tháng. Đây là vấn đề chưa giải thích được trong gần 40 năm qua kể từ khi các nhà nghiên cứu bắt đầu dùng chùm xung laser để đo khoảng cách từ Mặt Trăng tới Trái Đất. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Một số còn cho rằng đây là 1 lời nguyền ngày trăng tròn do các thế lực siêu nhiên gây nên.
Bí ẩn khoa học
Hiện tượng trăng tròn luôn được gán với nhiều suy nghĩ mê tín. Khi khoa học ngày càng tiến bộ, các hiện tượng như bệnh tâm thần, bạo lực, thiên tai hay ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán vốn bị cho là có liên quan tới trăng tròn đều đã được khoa học lý giải. Tuy nhiên, vẫn còn 1 suy luận cho rằng thời điểm trăng tròn có sự thần bí nào đó ảnh hưởng tới chùm xung laser từ Mặt Trăng về Trái Đất. Trong công trình nghiên cứu đo khoảng cách giữa Mặt Trăng và Trái Đất được công bố gần đây, các nhà khóa học công nhận rằng tín hiệu phản hồi từ Mặt Trăng có dấu hiệu suy giảm trong những ngày trăng tròn và đưa ra được lời giải đáp phù hợp cho hiện tượng trên.
Thí nghiệm được thực hiện từ 35 năm qua, liên tục đo khoảng cách từ Mặt Trăng tới Trái Đất bằng cách dùng các xung laser nhắm tới gương phản quang được lắp đặt ở tàu tự hành trên Mặt Trăng. Những thí nghiệm gần đây nhất được thực hiện bởi nhà thiên văn học Tom Murphy thuộc trường đại học UC San Diego. Murphy đã dùng các dữ liệu thu được nhằm kiểm chứng thuyết tương đối rộng.
Thí nghiệm của Murphy được thực hiện bằng cách sử dụng kính viễn vọng 3,5m tại đài quan sát Apache, bang New Mexico. 20 xung laser bước sóng 532 nm, mỗi xung mang năng lượng 115 mJ và có chu kỳ là 100 phần - triệu - triệu giây. Mỗi giây, các xung laser được truyền trực tiếp từ kính viễn vọng đến bề mặt của Mặt Trăng. Tín hiệu sẽ được phản hồi bởi gương phản xạ do các phi hành gia Mỹ và Liên Xô lắp đặt khi đổ bộ lên Mặt Trăng từ những năm 1971.
Các tín hiệu được truyền đi sẽ lập tức được phản hồi lại kính viễn vọng và kết quả về khoảng cách sẽ được tính toán thông qua đo thời gian gởi và nhận tín hiêụ. Theo kết quả đo đạc được, thời gian cần thiết để tín hiệu gởi đi và nhận về là 2,5 giây với sai số vào khoảng vài - phần - triệu - triệu - giây, cho phép tính toán được khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng với sai số là 1mm. Mức độ chính xác của phương pháp đo đạc trên cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Trung bình chỉ có 1 photon ánh sáng mà kính viễn vọng nhận lại được trong tổng số 100 nghìn triệu photon gởi đi.
Trong quá trình đo đạc, các nhà khoa học đã nhận ra rằng vào những đêm trăng tròn, cường độ tín hiệu phản hồi từ mặt trăng suy giảm 10 lần so với ngày thường. Điều này không chỉ xảy ra 1 lần mà liên tục vào thời điểm trăng tròn hàng tháng.
Lý giải nguyên nhân năng lượng bị mất đi. Giả thuyết năng lượng thất thoát do bị hấp thu trong quá trình truyền sóng ánh sáng là không khả thi. Các loại bụi hay vật chất trên mặt trăng có khả năng hấp thu năng lượng khá tốt. Dù vậy, lượng bụi phủ lên bề mặt lăng kính phản xạ trên mặt trăng hoàn toàn không ảnh hưởng tới chất lượng tín hiệu phản hồi. Hơn nữa, tín hiệu chỉ suy giảm vào những ngày trăng tròn và sẽ tiếp tục bình thường vào những ngày sau đó.
Đưa ra giả thuyết
Các nhà khoa học đã đưa ra 1 nguyên nhân hợp lý hơn để lý giải cho hiện tượng trên. Đó là do 1 tác động nhỏ trong thiết kế gương phản xạ mà ít ai chú ý tới. Hình ảnh bên trên chính là hệ thống gương phản xạ lắp đặt trên mặt trăng, các khối lăng kính được đặt khá sâu vào bề mặt hệ thống gương phản xạ. Điều này có nghĩ là tia sáng Mặt Trời chỉ có thể chiếu vào khối lăng kính vào lúc Mặt Trăng được Mặt Trời chiếu sáng toàn bộ, đây cũng là lúc Trăng tròn nhất khi quan sát từ Trái Đất.
Trung bình, bụi Mặt Trăng có thể hấp thụ khoảng 93% lượng ánh sáng chiếu vào. Vào những lúc trăng tròn nhất, ánh sáng từ Mặt Trời sẽ chiếu thẳng vào lớp bụi phủ trên các lăng kính. Điều trên không thể xảy ra vào những ngày còn lại trong tháng. Kết quả là lớp bụi sẽ hấp thu ánh sáng mặt trời và nóng lên trong những ngày trăng tròn.
Nhiệt lượng do lớp bụi hấp thu sẽ truyền tới các lớp lăng kính khiến chất lượng phản xạ ánh sáng bị ảnh hưởng. Cụ thể là các xung laser phản hồi xuống Trái Đất sẽ bị lệch hướng. Đồng thời, chùm xung laser phản hồi xuống Trái Đất sẽ có đường kính điểm sáng lớn hơn, từ đó, lượng photon ánh sáng mà kính thiên văn nhận được sẽ ít hơn những ngày thường. Điều này lý giải nguyên nhân cường độ ánh sáng phản hồi từ Mặt Trăng vào những ngày trăng tròn nhỏ hơn so với những ngày thường.Giả thuyết được kiểm chứng
Tuy nhiên, giả thuyết trên chỉ được kiểm chứng khi loại bỏ ánh sáng mặt trời vào đúng ngày trăng tròn để xem ánh sáng măt trời có thật sự là nguyên nhân?. Đây là 1 điều tưởng chừng như không thể! Rất may mắn là nhóm nghiên cứu của giáo sư Murphy đã bắt gặp được điều kiện kiểm chứng thích hợp: ngày nguyệt thực toàn phần. Vào thời điểm này, Trái Đất sẽ hoàn toàn che ánh sáng Mặt Trời chiếu vào Mặt Trăng.
Trong quá trình xảy ra nguyệt thực toàn phần, nhóm nghiên cứu đã sẽ lường cường độ chùm xung laser phản hồi từ Mặt Trăng. Kết quả đo lường sau hơn 5 giờ nguyệt thực xảy ra cho thấy cường độ chùm xung laser phản hồi từ Mặt Trăng gần như không đổi. Sau đó, khi hiện tượng nguyệt thực kết thúc, ánh sáng Mặt Trời tiếp tục chiếu vào lớp bụi trên thấu kính và cường độ xung laser phản hồi về lại yếu hơn mức bình thường.
Cuối cùng thì bí ẩn còn sót lại về Mặt Trăng đã được lý giải bởi vấn để về kỹ thuật, "thủ phạm" chính là tác động nhiệt của ánh sáng Mặt Trời ảnh hưởng tới các lăng kính phạn xạ về Trái Đất. Bí ẩn về ngày trăng tròn trong gần 40 năm qua giờ đã có lời giải đáp. Các nhà khoa học đã làm rõ thêm luận điểm rằng những vấn đề có vẻ thuộc về chu kỳ siêu nhiên không có nghĩa đó là 1 vấn đề thần bí.
[MWC 2014] Mời bình chọn sản phẩm yêu thích
Năm nay, MWC quá xôm tụ với rất nhiều thiết bị mới mà anh em Tinh tế quan tâm được giới thiệu và trên tay. Chúng ta có những chiếc điện thoại cao cấp như LG G Pro 2, Sony Xperia Z2, Samsung Galaxy S5, Yotafone 2 cũng như các máy tầm trung như LG G2 Mini, Xperia M hay Nokia dòng X, ASUS Zenfone. Ở mảng thiết bị đeo được thì chúng ta có đến 2 đại diện từ Samsung là Gear 2 và Gear Fit. Trong bài này mời anh em bình chọn sản phẩm mà anh em yêu thích nhất.
Mình xin tóm tắt về các thiết bị mà chúng ta sẽ bình chọn để anh em có thể xem thêm và quyết định đúng hơn.1 - LG G Pro 2
Là phiên bản tiếp theo của LG G Pro được giới thiệu năm ngoái. Phiên bản mới này được nâng kích thước màn hình lến 5"9 từ 5"5 và nó tham gia vào nhóm những chiếc điện thoại siêu to. G Pro 2 cũng được làm với viền màn hình rất mỏng và khả năng hoàn thiện khá tốt của LG. Về cấu hình bên trong thì G Pro 2 dùng chip Snapdaragon 800, Camera 16Mp với nhiều tuỳ chỉnh hay. Về tính năng hay thì nổi bật nhất là cái Knock Code và sau đó là cụp phím cứng điều khiển từ phía sau.Xem thêm về LG G Pro 22 - LG G2 mini
Là phiên bản thu gọn của G2. G2 mini với màn hình bé hơn, cấu hình thấp hơn khá nhiều. Điểm nhấn là thiết kế nhìn rất đẹp theo kiểu G2 với viền màn hình mỏng và cũng trang bị Knock Code để mở khoá màn hình rất hay. Xem thêm về LG G2 mini3 - Sony Xperia Z2
Sony đã rút ngắn vòng đời của dòng điện thoại cao cấp nhất của họ xuống còn 6 tháng thay vì 1 năm như mọi hãng đang làm. Z2 là phiên bản cải tiến của Z1. Bạn sẽ thích Z2 ở chỗ màn hình nó rất đẹp và camera chụp thiếu sáng cũng rất đẹp ở chế độ tự động hoàn toàn mà Sony muốn người dùng xài. Thiết kế của Z2 cũng được sửa chút để cầm nó nhẹ hơn và mềm mại hơn. Cấu hình của Z2 cũng nâng cấp lên với cpu mới hơn và RAM nhiều hơn. Xem thêm về Sony Xperia Z24 - Sony Xperia Tablet Z2
Cũng là phiên bản nâng cấp từ một chiết Tablet cũ của Sony là chiếc Tablet Z. Điểm nổi bật của phiên bản mới này là nó rất mỏng và nhẹ cũng như cấu hình rất mạnh với CPU mới, RAM 3Gb.Xem thêm về Sony Xperia Tablet Z25 - Sony Xperia M2
Cùng phân khúc với G2 mini, vẫn thiết kế theo phong cách của Sony. Là giá rẻ nên khung máy bằng nhựa chứ không phải là kim loại như dòng Z cao cấp của Sony. M2. M2 nổi bật như G2 mini vì được hoàn thiện tốt và được trang bị cảm biến chụp ảnh tốt. Xem thêm về Sony Xperia M26 - Nokia dòng X
Đây là dòng điện thoại mới của Nokia và làm cho chúng ta tốn nhiều tài nguyên diễn đàn. Chẳng hiểu thế nào mà Nokia sắp về nhà Ms mà lại làm điện thoại Android. Dòng X là dòng giá rẻ, dựa trên Android như kiểu là Kindle dựa trên Android. Dòng X sẽ không sử dụng dịch vụ của Google mà dùng của Nokia cũng nhu là Ms. Dòng x là dòng thấp nên có cấu hình không cao nhưng có mà hình màu sắc đẹp cũng như thiết kế và hoàn thiện theo tiêu chuẩn tốt của Nokia. Xem thêm về Nokia X7 - Samsung Galaxy S5
Có thể nói đây là chiếc điện thoại đình đám nhất của Samsung trong mấy năm gần đây. Trên S5, Samsung trang bị cảm biến nhận dạng vân tay ở nút Home, cảm biến đo nhịp tim ở dưới camera, camera với nhiều tính năng hay cũng như nâng cấp về độ phân giải lên 16Mp. Về phần tiện ích thì chúng ta thấy Samsung trang bị tính năng siêu tiết kiệm pin với 10% cuối cùng có thể sống đến 24 giờ. Tuy nhiên về thiết kế và chất lượng hoàn thiện thì S5 lại không được cao cấp như vị trí của nó.Xem thêm về Samsung Galaxy S58 - Samsung Gear Fit
Sản phẩm mới hoàn toàn trong dòng đeo được của Samsung. Gear Fit nổi bật với thiết kế cong nhờ vào màn hình OLED Cong. Gear Fit nhỏ hơn, gọn hơn và nhìn hiện đại hơn Gear cũng như những chiếc đồng hồ khác. Ngoài thiết kế và hoàn thiện tốt thì Gear Fit còn được trang bị cảm biến đo nhịm tim. Gear Fit sẽ là đồng hồ, thiết bị thể hiện thông báo của điện thoại và cuối cùng là máy đo sức khoẻ. Xem thêm về Samsung Gear Fit.9 - Samsung Gear 2/ Gear 2 Neo
Là phiên bản nâng cấp của Gear. Điểm đánh giá của Gear mới là mang camera và mic lên trên phần mặt đồng hồ nên chúng ta có thể dễ dàng thay đổi dây đồng hồ. Nếu không thích dây nhụa có thể mua dây sắt hay dây da. Xem thêm về Samsung Gear 2 và Gear 2 Neo10 - Yotafone 2
Chiếc điện thoại hai màn hình độc đáo này rất tiếc là không được nhiều anh em biết đến. Màn hình e-ink phía sau ở phiên bản nâng cấp này đã có thể chạm được và kích thước lớn hơn. Yotafone 2 cũng có thiết kế đẹp hơn và mượt hơn so ới Yotafone 1. Rõ ràng thì màn hình phụ cùa Yotafone ở sau lưng là rất tuyệt vời, nó không ăn điện và chúng ta có thể luôn xem các thông tin cơ bản ở đó và sẽ giúp chúng ta tiết kiệm pin hơn, trải nghiệm đọc tốt hơn... Xem thêm về Yotafone
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)