Đúng như thông báo hồi cuối năm ngoái, Pebble đã chính thức mở kho ứng dụng riêng trên Android Google Play dành cho những chiếc đồng hồ thông minh Pebble và Pebble Steel bao gồm các ứng dụng và mặt đồng hồ mới. Đồng thời hãng cũng công bố mối hợp tác với ba hãng lớn bằng cách tung ra 3 phần mềm của eBay, Evernote và Time Warner Cable.
Bạn có thể dùng máy Android vào Google Play (hoặc dùng iPhone vào Appstore) để tải về các ứng dụng cho chiếc đồng hồ thông minh của mình. Toàn bộ các ứng dụng được chia thành 6 chủ đề: Daily, Tools & Utilities, Notifications, Remotes, Fitness và Games. Các ứng dụng mới được công bố bao gồm:
- eBay: cho phép chúng ta xem hàng mới và thêm vào "Watch List".
- Evernote: là phiên bản rút gọn của ứng dụng ghi chú Evernote trên di động, chỉ có tính năng xem các file checklist, ghi nhớ và xem các ghi chú.
- Time Warner Cable: ứng dụng dành cho người dùng IntelligentHome, dùng đồng hồ Pebble để điều khiển các thiết bị thông minh trong nhà ví dụ như tắt mở đèn từ xa.
Theo Thenextweb, Readwrite
Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014
Pebble đã có Appstore riêng trên Android, thêm nhiều app mới từ eBay, Evernote và Time Warner Cable
Fujitsu ra mắt hai máy All-in-One Esprimo X923 và X923-T không cần phải tắt nguồn
Fujitsu mới đây đã ra mắt hai chiếc máy tính All-in-One Esprimo X923 và Esprimo X923-T mới và điểm đặc biệt đó là chúng ta không phải tắt nguồn của chúng. Hãng nói hai sản phẩm được trang bị chế độ Low Power Active Mode (LPAM) sử dụng cực kì ít điện nhưng vẫn đảm bảo đủ cho một số phần cứng hoạt động. Chế độ này sẽ đóng những ứng dụng tiêu thụ nhiều năng lượng, ví dụ như trình duyệt và ứng dụng văn phòng, nhưng vẫn duy trì kết nối Internet. Nhờ đó người dùng có thể tiếp tục sử dụng ngay khi quay trở lại cơ quan mà không phải chờ máy khởi động lên trong một thời gian dài, tin tức, email thì vẫn được cập nhật liên tục. Nếu cần thực hiện cuộc gọi video, hai máy Esprimo mới luôn sẵn sàng để làm việc đó trong tích tắc. Những tác vụ nhẹ nhàng như quét virus hoặc bảo trì máy từ xa cũng có thể được thực hiện với LPAM.
Về mặt cấu hình, người dùng có tùy chọn CPU phong phú từ Core i3 đến i7, ổ SSD hoặc HDD, RAM tối đa 16GB. Màn hình của Esprimo X923 có kích thước 23" độ phân giải 1920 x 1080 kèm tấm nền IPS, trong khi đó Esprimo X923-T thì được trang bị thêm tính năng cảm ứng. Cả hai máy đều đã được bán ra ngay từ hôm nay và nhắm đến đối tượng khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp.
Cấu hình cơ bản của Fujitsu Esprimo X923 / Esprimo X923-T:
- Màn hình: 23" độ phân giải 1920 x 1080 kèm tấm nền IPS, bản -T có thêm cảm ứng
- CPU: tùy chọn Intel Core i3-4150T, Core i5-4570T, Core i5-4590T hoặc Core i7-4785T
- RAM: tối đa 16GB
- Ổ lưu trữ: tùy chọn HDD hoặc SSD dung lượng tối đa 1TB
- Hệ điều hành: Windows 7, Windows 8.1 hoặc Windows 8.1 Pro
- Tính năng đặc biệt: không cần phải tắt nguồn
- Kết nối: NFC, Bluetooth 4.0, Wi-Fi a/b/g/n, USB, VGA, đầu đọc thẻ SD, tùy chọn SmartCard, Ethernet
Nokia được cấp bằng sáng chế viền màn hình có khả năng cảm ứng
Nokia mới đây đã được cấp một bằng sáng chế liên quan đến việc tích hợp khả năng cảm ứng cho viền màn hình, từ đó mở rộng diện tích mà người dùng có thể tương tác với thiết bị di động. Việc ghi nhận thao tác cảm ứng chỉ được kích hoạt khi người dùng nhấn một lực đủ mạnh nhằm tránh các lần chạm không mong muốn, và ngưỡng lực này sẽ do nhà sản xuất hoặc thậm chí là người dùng định trước. Bản quyền cũng đề cập đến việc xác định khu vực cảm ứng trên viền dựa vào "cách mà thiết bị được sử dụng" để cung cấp giải pháp sử dụng máy linh hoạt nhất có thể. Khi không chạm vào khu vực viền trong một thời gian nhất định, tính năng cảm ứng cũng có thể được vô hiệu hóa.
Vậy làm thế nào để người dùng biết rằng thao tác cảm ứng lên viền màn hình đã được máy ghi nhận? Nokia ghi rằng thiết bị sẽ phát ra một số hình ảnh hoặc tạo ra sự phản hồi xúc giác trong trường hợp này, tương tự như cách mà chúng ta thấy phím to lên và máy rung nhẹ khi nhập liệu bằng bàn phím ảo. Hiện chưa rõ bao giờ hãng sẽ hiện thực hóa những gì được ghi trong bằng sáng chế này.
Thực ra thì trước đây Nokia cũng từng trình diễn một nguyên mẫu thiết bị có khả năng thực hiện vài thao tác nhất định khi người dùng bẻ hoặc vặn viền sản phẩm. Apple cũng từng được cấp bằng sáng chế về viền cảm ứng nhưng cách thực hoạt động là dựa vào màn hình.Nguồn: Google Patent
Phó chủ tịch Google: bộ SDK cho các thiết bị đeo được chạy Android sẽ có trong 2 tuần nữa
Tại sự kiện SXSW đang diễn ra, phó chủ tịch cấp cao chịu trách nhiệm mảng Android và Chrome Sundar Pichai cho biết rằng Google sẽ ra mắt một bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK) dành cho wearable trong 2 tuần tới. Bộ SDK này sẽ giúp lập trình viên dễ dàng viết ra những ứng dụng có thể hoạt động tốt với những thiết bị đeo được chạy Android. Tuy nhiên, Pichai không đề cập gì đến việc liệu Google có ra mắt thiết bị đeo được nào của riêng mình hay không.
Thay vào đó, ông chỉ trả lời rằng khi nói đến wearable, ông nghĩ về nó "ở cấp độ nền tảng". Điều này gợi ý rằng Google đang tập trung vào những nằm trong Android giúp hệ điều hành giao tiếp tốt hơn với các loại cảm biến khác nhau. Đây cũng là một cách hay để Google cống hiến cho thị trường wearable nhưng không phải tự mình làm ra một sản phẩm vật lý.
Pichai nói thêm: "Chúng tôi đặt ra tầm nhìn cho các lập trình viên theo cách mà chúng tôi nhìn về thị trường này". Ông nhấn mạnh về sự phát triển song song của hệ sinh thái smartphone cũng như hệ sinh thái wearable, rằng điện thoại thông minh giờ đây đã trở thành một chiếc máy tính thu nhỏ, trong khi thiết bị đeo được thì chứa đựng nhiều loại cảm biến khác nhau. Google muốn chuẩn hóa cách thức những cảm biến này gửi dữ liệu đến Android - và việc chuẩn hóa này sẽ giúp các nhà sản xuất phần cứng chọn Android cho thiết bị đeo được của mình thay vì những nền tảng khác. "Chúng tôi muốn xây dựng một bộ các giao thức có thể hoạt động cùng với nhau. Chúng cần một lớp mạng và một lớp dữ liệu để cùng chạy".
Nói về những thiết bị đeo được đang có trên thị trường, Pichai nói rằng Google đang nghĩ về những thứ còn rộng hơn thế. Google hi vọng rằng Android sẽ trở thành một nền tảng nhúng được sử dụng bởi nhiều loại thiết bị khác nhau trong nhiều hình dáng khác nhau.
Tất nhiên, những thông tin nói trên không có nghĩa là Google sẽ không bao giờ phát triển một thiết bị đeo được cho riêng mình. Cách đây ít hôm chúng ta đã nghe đồn rằng Google đang hợp tác với LG để cho ra mắt một mẫu đồng hồ thông minh chạy Android và cả hai đang tìm cách sớm ra mắt sản phẩm này.Nguồn: The Verge
iBetterCharge: đưa thông báo iPhone/iPad sắp hết pin lên máy tính
iBetterCharge là một phần mềm miễn phí trên máy tính (Mac/Windows) có chức năng tự động thông báo mỗi khi chiếc iPhone hoặc iPad của bạn sắp hết pin. Phần mềm khi chạy sẽ nằm trên thanh đồng hồ của máy tính (Mac) và liên tục theo dõi pin của các máy iOS xung quanh thông qua kết nối Wi-Fi và điện thoại phải bật chức năng Wi-Fi Sync.
Trong phần cài đặt của iBetterCharge cho phép bạn tuy chỉnh khi nào máy sẽ đưa ra thông báo, ví dụ như khi lượng pin còn 5, 10, 20 hay 50% thì máy tính sẽ phát thông báo bằng âm thanh và Notification. Ngoài ra nó còn có thể thông báo khi điện thoại đã được sạc đầy và có thêm tùy chọn bỏ bớt những máy không cần phải thông báo nếu có quá nhiều máy trong mạng.
Bạn có thể bật Wi-Fi Sync trên máy iOS bằng cách vào Settings > Generals > iTunes Wi-Fi Sync.
Tải iBetterCharge tại đây:
Ảnh Follow me to DALAT được yêu thích nhất trong cuộc thi ảnh chụp bằng Galaxy S4
Cuối cùng chúng ta đã có kết quả của cuộc thi ảnh chụp bằng S4, tuy hơi muộn. Hình ảnh anh em thấy bên trên là tấm hình được nhấn like nhiều nhất. Hình này của bạn @chebistorm chụp, dĩ nhiên là bằng Galaxy S4. Bạn chebistorm có nói nếu ảnh của bạn được like nhiều nhất thì bạn sẽ đưa ảnh chụp mặt trước của bạn gái trong hình lên, có lẽ đó là lý do mà ảnh được like nhiều nhất. Hy vọng bạn sẽ giữ đúng lời hứa của mình. Về phần thưởng là chiếc Router tròn của D-Link thì mình sẽ gửi cho bạn khi có thông tin người nhận post tại đây hoặc PM cho mình. Anh em chuẩn bị cho các cuộc thi với các máy khác nhé.
Trên tay Sony Alpha 5000: thiết kế gọn, nhẹ, màn hình lật tự sướng, có Wi-Fi, NFC, cài thêm ứng dụng
Sony A5000 là sản phẩm máy ảnh mirrorless đầu tiên của hãng được giới thiệu tại CES trong năm 2014. Cũng như thông lệ, sản phẩm này thường được dựa trên phiên bản của 1 năm trước đó, lần này là chiếc NEX-3N. Tuy vậy trong Sony A5000, chúng ta sẽ nói nhiều về những cải tiến của nó. Nếu như NEX-3N có thể xem là một phiên bản rút gọn của NEX-F3 nhằm giảm giá thành thì A5000 lại là chiếc máy mang một số tính năng từ NEX-5T vào trong thân máy của NEX-3N. Như vậy chiếc máy ảnh có cảm biến 20.1 MP sẽ có kết nối Wi-Fi, NFC và khả năng cài ứng dụng của NEX-5T, đồng thời sở hữu bộ xử lý hình ảnh của Alpha α7/α7R.
Về thiết kế, A5000 không có nhiều thay đổi so với NEX-3N. Dễ nhận thấy nhất đó là thiết kế tay cầm máy được Sony điều chỉnh lại giống với NEX-5T để dễ cầm nắm hơn. Mặc dù cảm giác cầm vẫn chưa tốt như NEX-5T nhưng vì máy khá nhẹ (chưa đến 400 g nếu có cả ống kính) thì đây thực sự không phải vấn đề lớn. Máy có thêm 1 nút để điều chỉnh phía sau và phần này sẽ được đề cập kỹ hơn ở phần giao diện.
Máy sở hữu cảm biến ảnh 20.1 MP cùng bộ xử lý hình ảnh BIONZ X đã được Sony trang bị trên chiếc Alpha α7/α7R. Một điểm thú vị là cảm biến này có cùng dải ISO với NEX-7 là 100 - 16.000 nhưng có độ phân giải thấp hơn một chút. Sự khác biệt chắc sẽ khó nhận ra nếu bạn không phải là một người dùng từng sử dụng kỹ tất cả các dòng máy này.Sony Alpha 5000 có kích thước 210 g dành cho thân máy hoặc 269 g (thêm pin). Với ống kính SELP1650 thì tổng trọng lượng của máy chỉ dưới 400 g.
Giao diện người dùng là một điểm mới trên A5000. Nó áp dụng hệ thống menu tương tự như Alpha α7/α7R và đây cũng là lý do để Sony bổ sung thêm một nút bấm ở phía sau. Phím dấu ? mới sẽ là nơi chỉ dẫn những thông tin của các chức năng trên máy, tuy nhiên bạn có thể tuỳ biến 1 trong 40 tuỳ chỉnh trên máy. Chưa kể 4 vị trí của phím điều hướng (giữa - xuống - trái - phải) có thể tuỳ biến tương tự. Như vậy chỉ còn mỗi phím DISP là không thể điều chỉnh.
A5000 có màn hình LCD 3” độ phân giải 460,000 điểm ảnh có khớp lật tương tự như NEX-3N. Nó hơi khác một chút so với NEX-5T vì dòng máy tầm cao hơn có thêm thanh kim loại đỡ để bạn có thế hướng màn hình xuống để chụp từ trên cao. Màn hình của máy có chất lượng khá do góc nhìn thấp, độ phân giải trung bình và độ sáng cũng ở mức chấp nhận được.A5000 có màn hình lật 3" độ phân giải 460,000 điểm ảnh với khả năng lật 180 độ về phía trước.Bù lại, Wi-Fi và NFC là hai tính năng cực kỳ ấn tượng trên một chiếc máy có giá dưới 11 triệu đồng. Bạn có thể truyền nhanh một bức ảnh đang xem qua điện thoại Android có NFC thông qua Wi-Fi. Ngoài ra Sony cũng cung cấp phần mềm để máy tự động chuyển ảnh đến máy tính (thông qua access point Wi-Fi xác định), truyền ảnh đến TV (thông qua Wi-Fi Direct).
Máy cũng có thể cài được các ứng dụng từ PlayMemories Camera Apps. Do việc cài ứng dụng vẫn chưa phổ biến ở nhiều quốc gia nên máy chỉ có sẵn Smart Remote Control để bạn điều khiển máy ảnh từ xa bằng smartphone. Việc kết nối đơn giản khi chỉ cần chạm NFC ngay trong chế độ chụp là có thể sử dụng ngay. Còn với các ứng dụng khác, bạn cần có tài khoản ở quốc gia hỗ trợ (như Hoa Kỳ) để cài đặt. Bài hướng dẫn đã có video trên Tinh Tế.
Các điểm mới khác trên Alpha α5000
- Chế độ chỉnh Manual đã cho phép chỉnh ISO tự động. Tức là bạn sẽ cố định khẩu độ (f) và tốc độ (speed) để ISO tự nhảy theo đo sáng và phơi sáng tự động. Tuy nhiên hãy thiết lập phím (?) để nó trở thành phím exposure (EV+/-). Ở α7/α7R thì nó nằm riêng, tiện hơn nhiều.
- Chế độ ISO tự động cho phép điều chỉnh độ biến thiên của dải ISO. Giả sử bạn có thể thiết lập ISO 100 - 16.000 hay chỉ đơn giản muốn dùng ISO từ 2.00 - 3.200 chẳng hạn. NEX-7 có tính năng này nhưng NEX-5T và NEX-6 không hề có! Hy vọng Sony có thể đưa ra firmware cho các dòng máy trước đây.
- Dải ISO cho tính năng quay phim hỗ trợ 6.400
- Có thêm tính năng Zebra giống với α7/α7R
Như vậy với những gì đã thể hiện, Alpha α5000 xứng đáng là một lựa chọn phù hợp cho phân khúc máy ảnh mirrorless phổ thông. Với 11 triệu đồng, bạn có được một máy ảnh cảm biến APS-C, khả năng thay đổi trên 20 loại ống kính ngàm E-mount (chưa kể ống kính qua adapter), màn hình lật 180 độ, kết nối Wi-Fi và NFC cùng với thiết kế gọn gàng, trọng lượng nhẹ, phù hợp cho nữ giới (tất nhiên nam giới cũng dùng được).
Rò rỉ thông số GeForce GTX 860M, GPU Maxwell đầu tiên cho laptop của nVIDIA
Nếu như GeForce GTX 750 và GTX 750 Ti là 2 GPU Maxwell đầu tiên dành cho máy tính để bàn, thì GeForce GTX 860M rất có thể sẽ là GPU Maxwell đầu tiên dành cho máy tính xách tay, theo thông tin mới nhất rò rỉ từ diễn đàn NotebookReview. Theo đó, các thành viên ở diễn đàn này đang chia sẻ nhau ảnh chụp GPUz một dòng GPU tên là GeForce GTX 860M của nVIDIA, dĩ nhiên GTX 800M chưa từng được nVIDIA công bố, nhưng theo tên mã của GPU là GM107 mà GPUz đọc được thì đây chính là thế hệ Maxwell dành cho laptop.
Theo phần mềm này thì GTX 860M có thông số gần giống với GTX 750 Ti của máy bàn, với 640 nhân CUDA, RAM GDDR5 128 bit, băng thông RAM đạt 80,2GB/giây, đồng thời GPU này chứa khoảng 1,87 tỉ transistor và có kích thước đế là 148 mm2. Phần mềm GPUz cho biết GTX 860M có xung nhân 540MHz và xung bộ nhớ là 1253MHz.
Một điểm khá lạ là theo thông tin từ Notebookcheck thì chỉ mới có GTX 860M là được ứng dụng kiến trúc Maxwell mới, còn những GPU laptop trong dòng 800M series như GTX 850M, GTX 870M và GTX 880M đều là thế hệ Kepler cũ. Nếu thông tin này là đúng thì rất có thể nVIDIA sẽ giới thiệu thêm GTX 870MX, GTX 880MX với kiến trúc Maxwell.
Vài phép benchmark nhanh với 3DMark 11 cũng cho biết GTX 860M cho điểm số chênh lệch khoảng 5% so với GTX 770M Kepler cũ.
Wikipedia và cuộc chiến chống những kẻ phá hoại nội dung bài viết
Wikipedia hiện đang là một trong những trang từ điển bách khoa được nhiều người truy cập nhất thế giới, và vì bản chất "mở" nên ai cũng có thể tham gia biên tập, tạo mới hoặc chỉnh sửa nội dung trên website này. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi rằng vì sao có rất nhiều người cùng sửa chỗ này, chỉnh chỗ kia, xóa chỗ nọ trên Wikipedia nhưng chúng ta ít, thậm chí là không bao giờ, thấy những thông tin "tạp nham" xuất hiện đầy rẫy hay không? Wikipedia có cả một bộ máy phức tạp để kiểm soát việc này.
Tính đến thời điểm hiện tại thì Wikipedia đã có hơn 700 triệu lượt chỉnh sửa, và như đã nói ở trên thì không phải lần chỉnh sửa nào cũng có ý nghĩa. Đôi lúc có một số người nào đó quấy rối, ví dụ như khi trang truyện tranh The Oatmeal khuyến khích đọc giả của mình chèn link dẫn đến trang mô tả Thomas Edison trong mục nói về từ "douchebag" (tạm dịch là kẻ khốn). 4 triệu bài viết trên Wikipedia hằng ngày phải chịu hàng nghìn lượt biên tập kiểu như thế từ những kẻ thích đi gây hấn, các "anh hùng bàn phím" hoặc và thậm chí là cả tội phạm nữa.
Nhưng ít có cơ may nào bạn sẽ được nhìn thấy chúng. Chỉ vài phút, thậm chí là vài giây sau khi lượt biên tập được lưu lại, những nội dung không chính xác sẽ bị xóa bỏ và chúng chỉ còn xuất hiện trong lịch sử edit của bài viết mà thôi. Những tác nhân đứng sau việc kiểm soát chất lượng cho Wikipedia chính là những robot tự động cùng với đội ngũ "cyborg" - những tình nguyện viên được hỗ trợ bởi phần mềm chuyên dụng để đi "tuần tra" những lượt chỉnh sửa gần đây. Thật sự mà nói thì Wikipedia cũng giống như một chiến trường mà không bên nào nhường bên nào.
Sự trỗi dậy của Wikipedia và các bot
Wikipedia được chính thức ra mắt lần đầu tiên vào năm 2001 từ trang web tiền nhiệm là Nupedia. Khi Nupedia gặp khó khăn, hai nhà sáng lập là Jimmy Wales và Larry Sanger đã chuyển hướng sang thiết kế một từ điển bách khoa mở và kêu gọi sự góp sức từ cộng đồng. Chỉ trong vòng 4 năm, trang Wikipedia tiếng Anh đã có được hơn 750.000 bài viết với đủ các thể loại khác nhau. Kể từ đó, website này không còn là một phần mềm thử nghiệm nữa mà đã thực sự trở nên phổ biến.
Việc phát triển mạnh mẽ như thế đồng nghĩa với chuyện Wikipedia đã thu hút một số lượng lớn những người dùng mới khá phức tạp: một số thích tự quảng bá bản thân, số khác chỉ là những người biên tập tay mơ, chưa kể đến những kẻ thích đi phá hoại người khác. Vào mùa thu năm 2006, Jimmy Wales đã có một bài thuyết trình để kêu gọi thành viên Wikipedia hãy tập trung vào chất lượng bài viết chứ không phải số lượng. Cộng đồng rõ ràng cũng có phản ứng lại khi mà trong vài tháng sau đó, tỉ lệ những bài viết mới xuất hiện giảm đi nhưng các bài viết không đáng tin cậy lại tăng lên. Wikipedia khi đó cũng đang tìm cách để tự quản lý bản thân mình.
Cũng trong khoảng thời gian này, Wikipedia phải đối mặt với vấn đề đầu tiên liên quan đến việc chỉnh sửa có mục đích xấu. Một ai đó đã xóa trắng một số bài viết sẵn có rồi thay bằng hình ảnh của Squidward Tentacles, một nhân vật trong phim hoạt hình SpongeBob Squarepants. Bằng cách sử dụng nhiều proxy kết hợp với nhiều tài khoản khác nhau, nhân vật bí ẩn này đã làm lao đao cả cộng đồng Wikipedian bằng bức email: "Tôi là một lập trình viên máy tính và tôi biết tất cả mọi dòng lệnh trên thế giới". Người đó cũng nói rằng anh/cô ta là một biên tập viên đang nổi giận vì bị buộc tội là "phá hoại ngầm". Wikipedia đã phải giải quyết vấn đề bằng nhân lực của mình, và đến giờ thì thỉnh thoảng việc phá hoại này vẫn còn diễn ra định kì.
Để chuẩn bị tốt hơn cho những sự kiện tương tự, bốn tình nguyện viên đã xây dựng một thứ gọi là AntiVandalBot. Như cái tên đã gợi ý, đây là nỗ lực đầu tiên của Wikipedia nhằm tự động hóa việc chống lại những lượt biên tập xấu. Bằng cách sử dụng những quy luật đơn giản, phần mềm này giám sát những đợt biên tập gần đây và nếu cần thì sẽ can thiệp. Các bài chỉnh sửa nào mang tính phá hoại thì sẽ bị gạt bỏ một cách tự động, còn nếu gặp những tình huống khó hơn thì dữ liệu sẽ được chuyển tiếp qua một ứng dụng khác là VandalProof để chờ sự can thiệp của con người. So với bây giờ thì AntiVandalBot quá "thô sơ", nhưng ít ra nó đã giúp các biên tập viên chính cống tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong nỗ lực xây dựng một Wikipedia trong sạch.
Nó thậm chí cũng đã cứu trang web này. Có một nghiên cứu đã tìm hiểu về xác suất Wikipedia hiển thị những bài viết bị cố tình làm hỏng xét trên mỗi lượt truy cập của người dùng. Mặc dù xác suất rất thấp, chỉ cỡ vài phần nghìn, nhưng chỉ số này lại tăng lên trong vòng chỉ 3 năm. Nếu không có sự ra đời của những công cụ trên, xu hướng đó có thể tiếp tục tiếp diễn và khi đó đội ngũ biên tập của Wiki sẽ phải nhức đầu giải quyết một lượng lớn bài viết bị chỉnh sửa theo hướng tiêu cực. Aaron Halfaker, một nghiên cứu sinh tiến sĩ đang làm việc cho Wikimedia Foundation chia sẻ: "Khi tôi nhìn vào những công cụ này, tôi thật sự nghĩ rằng chúng đã cứu Wikipedia khỏi một cái kết buồn trong tay của một người lạ mặt nào đó". Đến tháng 6/2006, các phần mềm tự động hóa với chức năng như thế đã được sử dụng rộng rãi hơn.
Hồi năm 2007, Jacobi Carter, lúc đó còn đang là học sinh trung học, đã xem qua MartinBot - một thế hệ mới của AntiVandalBot. Anh nhận thấy rằng có quá nhiều bài viết tốt bị đưa qua hệ thống để chuyển thành phiên bản bị "hỏng". Song song đó, một lượng lớn bài viết xấu cũng lưu chuyển qua phần mềm này. Thế là Carter quyết định sẽ cải thiện tình hình và viết ra một chú "bot" (công cụ tự động) dùng để chấm điểm những lượt biên tập dựa vào nhiều loại thông tin khác nhau: các lời lẽ báng bổ, tính chính xác về mặt văn phạm, các lời công kích cá nhân và tương tự như thế. Ngoài ra, Carter cũng nhận thấy rằng những người phá hoại thì hay xóa một lượng lớn thông tin hoặc để trang trống hoàn toàn, trong khi các biên tập viên lâu năm thì khó có khả năng trở thành những kẻ chống phá.
Kết hợp những quy luật này lại, phần mềm Cluebot của anh đã tỏ ra rất có hiệu quả. Trong vòng 2 tháng sau khi đi vào hoạt động, nó đã giúp Wikipedia sửa lại 21.000 bài viết bị phá. Công cụ này tiếp tục được duy trì liên tục trong ba năm liền sau đó.
Đến cuối năm 2010, Carter đã sẵn sàng để viết ra thế hệ mới của Cluebot và anh gọi nó là Cluebot NG. Những nguyên lý duyệt nội dung đã chứng minh được khả năng của mình trong đời Cluebot đầu tiên và đã loại bỏ hầu hết những đợt phá hoại. Nhưng cũng những quy luật này lại chỉ có thể "bắt" được những kẻ phá hoại rõ ràng mà thôi, thế nên thuật toán vẫn cần phải được cải tiến nhiều. Vậy là Carter cùng với người bạn Chris Breneman của mình bắt tay vào công việc.
Nếu như chú "bot" đầu tiên sử dụng các bộ quy tắc được định sẵn thì Cluebot NG lại sử dụng machine learning (khả năng tự học hỏi của máy tính). Điều đó có nghĩa là thay vì lập trình viên đẩy một loạt quy tắc và ra lệnh cho phần mềm thực thi chúng, Carter và Breneman sẽ cung cấp một danh sách dài những bài edit (có cả lượt chỉnh sửa mang tính xây dựng lẫn các lượt phá hoại). Đây cũng là quy trình được các hãng lớn dùng để chống và lọc email rác khỏi hộp thư của người dùng.
Điểm mấy chốt dẫn đến sự thành công của machine learning là phải có số lượng dữ liệu đủ lớn thì máy tính mới có thể "học" một cách hiệu quả. May mắn thay, một cuộc thi chống phá hoại mới được Wikipedia tổ chức đã cung cấp hơn 60.000 lượt edit đã phân loại. Từ nền tảng này, Cluebot NG bắt đầu học, tìm ra những điểm giống, khác giữa các bài viết xấu, tốt cũng như xác định mối quan hệ giữa các dữ liệu với nhau.
Nhằm giúp đỡ cho việc này, Breneman đã sử dụng một mạng lưới trí tuệ nhân tạo mô phỏng lại hoạt động của não người. "Bạn không thể ném một mớ từ tiếng Anh vào mạng nơ-ron và kì vọng nó sẽ đưa ra những điểm giống và khác". Việc xử lí ban đầu là bắt buộc: chuyển thể các ví dụ thành số liệu hoặc những thứ mà máy tính có thể hiểu được. Ngoài ra còn có một kĩ thuật xử lý khác được áp dụng gọi là "sự phân loại Bayesian" để so sánh những từ được biên tập với các từ trong cơ sở dữ liệu. Nếu từ "khoa học" xuất hiện trong một bài viết mang tính xây dựng thì xác suất xuất hiện của từ "khoa học" trong các bài viết xấu cũng khá cao.
Việc xử lý trước như thế đã gom hơn 300 dữ liệu đầu vào rồi xuất ra một con số duy nhất ở đầu ra: chính là xác suất xuất hiện của một bài viết phá hoại. Cluebot sau đó áp dụng kết quả này để lọc trước khi quyết định sẽ nên làm gì tiếp theo. Vậy là trong một thời gian dài, Cluebot NG lại tiếp tục tỏ ra hiệu quả, có thể kiểm soát được và khả năng thích nghi tương đối cao.
Một trong những lo ngại lớn nhất của cộng đồng Wikipedia đó là những bài viết tốt lại bị liệt kê vào danh sách các bài phá hoại, và điều này sẽ khiến các biên tập viên cảm thấy không hài lòng. Tất nhiên, vì là một hệ thống máy tính tự động nên Cluebot "vẫn bị sai sót", tuy nhiên người quản trị có thể điều chỉnh được tỉ lệ sai sót này và kết quả "tốt hơn bất kì con bot nào đi trước".
Cũng chính vì những lý do đó mà Cluebot hoạt động lên tục 24/7 không ngừng nghỉ. Nó có thể thực thi việc kiểm tra hơn 9.000 bài chỉnh sửa mỗi phút mặc dù nó chưa bao giờ phải vận hành hết công suất như thế. Từ năm 2010 đến nay, phần mềm này đã chăm chỉ loại bỏ hàng nghìn lượt biên tập xấu hằng ngày, và tính đến năm 2013 thì con số bài viết được kiểm tra bởi Cluebot NG đã đạt đến mức 2 triệu. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu như Cluebot không hoạt động và thay vào đó là đưa con người vào thì việc loại bỏ những nội dung xấu sẽ mất thời gian gấp đôi.
Thực ra thì đây cũng chính là mục tiêu mà người ta làm ra Cluebot cũng như tất cả mọi loại bot khác trên thế giới công nghệ. Chúng được sinh ra là để làm một việc gì đó hiệu quả hơn con người. Nhưng song song với những lợi ích mà Cluebot mang lại thì vẫn có một số người không ủng hộ việc áp dụng phần mềm tự động trong việc loại bỏ các lượt biên tập xấu. Họ tranh luận rằng nội dung có xấu hay không là do vấn đề chủ quan của con người chứ không có thể chỉ áp dụng thuần túy những công thức toán học. Một người có nickname beakerMeep từng viết: "(Việc sử dụng) các bot ở Wikipedia là sai trái, và nếu họ tiếp tục cho phép nó thì họ đang hi sinh tầm nhìn về sự đóng góp của cộng đồng để thay vào đó là việc sử dụng các giải pháp công nghệ". Nhưng nếu nhìn từ góc nhìn thực tế, nếu không có Cluebot thì ngày nay Wikipedia thực sự trở thành một mớ hỗn độn và không thể xài được.
Tất nhiên, cũng còn đó những hoạt động phá hoại mà chỉ con người mới bắt được.
Hành trình săn những kẻ xảo quyệt: người và máy
Vào sáng ngày 7/2/2014, một người dùng Wikipedia nặc danh (chỉ để lộ địa chỉ IP) đã thay đổi trang thông tin về Date Night, một bộ phim của Steve Carell và Tina Fey. Ở cuối danh sách diễn viên, người bí ẩn này đã thêm vào một dòng như sau: "Brittany Taya làm chỉ đạo nghệ thuật". Vài phút sau, cũng địa chỉ IP này thêm vào dòng "Rachel McAdams đóng vai Natasha Henstridge" trong bài viết về phim Date Movie. Tương tự như thế, địa chỉ IP đó đã thay đổi nội dung của trên 12 bài viết khác nhau bằng những mẫu thông tin nhỏ và ít người để ý. Chưa kể đến việc hàng tá những lượt chỉnh sửa như thế đã diễn ra nhiều tháng trời trong một dải IP nhất định. Mọi lần đều như một: thêm vào danh sách diễn viên những thông tin sai lệch.
Cluebot không thể nhận ra việc chống phá xảo quyệt như thế. Thay vào đó, một người phải đảm trách nhiệm vụ này và anh ấy từ lâu đã là một "tuần tra viên" của Wikipedia với nickname SeaPhoto. Người này đã thực hiện hơn 55.000 lượt chỉnh sửa, và phần lớn trong số này là để sửa những bài viết bị thay đổi nội dung sai lệch. Anh thường thực hiện công việc của mình trong lúc xem TV, một mắt thì theo dõi chương trình yêu thích của mình, mắt còn lại thì nhìn vào danh sách những thay đổi gần đây đang cuộn trên màn hình máy tính bởi việc "tuần tra" bình thường không quá vất vả. Chỉ khi nào đối mặt với những lượt chỉnh sửa như đã nói ở trên thì mới cần tập trung. SeaPhoto từng đùa rằng anh không làm việc khi đang xem Breaking Bad hay Game of Thrones.
SeaPhoto sử dụng một chương trình tên là Huggle, một trong nhiều add-on cung cấp giao diện đơn giản nhằm kiểm tra các lượt biên tập gần đây trên Wikipedia. Nhờ sự hỗ trợ này mà chúng ta có thể xem SeaPhoto như là một "cyborg" - không hẳn là một chú robot hoàn toàn tự động hóa, nhưng cũng không phải là một người thực hiện công việc hoàn toàn thủ công. Nói về cơ duyên với Wikipedia, anh cho biết rằng lần đầu tiên anh truy cập vào từ điển bách khoa này là vào năm 2006 khi anh muốn tìm thông tin về những chiếc tàu mô hình - một sở thích của anh. Wikipedia lúc đó không có thông tin về chủ đề này, và anh đã phải vất vả học những quy tắc khi viết bài. "Bạn phải chấp nhận nó, còn không thì đừng tiếp tục với dự án này nữa".
Bên cạnh việc chỉnh sửa nội dung, Wikipedia còn là một nơi để các thành viên giao tiếp với nhau. Wikipedia vừa là một sản phẩm, vừa là một tập hợp những quy trình xã hội với hàng triệu lượt tương tác của các thành viên, và hầu hết những người đó đều chưa từng gặp nhau ngoài đời. Nếu không có "đám đông" này, Wikipedia sẽ nhanh chóng suy tàn. Sự tham gia của người dùng vào Wikipedia đạt đỉnh cao nhất là hồi năm 2007 và tốc độ gia tăng biên tập viên mới đang chậm lại. Có nhiều lời giải thích cho việc này, từ giao diện biên tập chưa ngon của Wiki cho đến việc những biên tập viên lâu năm đóng tài khoản của các người dùng mới chưa có kinh nghiệm. Đây cũng là điều mà SeaPhoto rất lo lắng. Việc chạy đua để đấu tranh với các hành động phá hoại rất vui, ngay cả khi bạn bị đánh bại bởi một chú bot, nhưng "bạn cần phải dành một giây để cân nhắc rằng bạn không đang yêu ai đó".
Chào mừng người mới
Vậy sự tự động hóa ảnh hưởng như thế nào đến việc tương tác xã hội giữa các Wikipedian? Đó là câu hỏi mà Aaron Halfaker, một nhà nghiên cứu của Wikimedia Foundation, đang đi tìm câu trả lời. Nhìn vào những phần mềm chống phá hoại như Huggle và Cluebot, anh nói: "Tôi thấy một điều tuyệt vời: nó làm cho Wikipedia trở nên dễ kiểm soát". Công cụ này đã thêm một lớp bảo vệ cho quyển từ điển bách khoa mà ai ai cũng có thể nhảy vào chỉnh sửa.
Halfaker cũng đã điều tra xem những biện pháp bảo mật như thế này ảnh hưởng như thế nào đến các thành viên mới tham gia Wikipedia. "Khi bạn xuất hiện bên rìa của một cộng đồng và bạn ở đó để giúp đỡ, bạn sẽ hi vọng rằng ít nhất sẽ có ai đó chào bạn. Những công cụ tự động hiện không được thiết kế để làm điều đó. Chúng được thiết kế nhắm đến hiệu suất. Chúng được thiết kế để làm một công việc cụ thể". Chúng đang chứng tỏ được vai trò của mình trong việc chống lại những bài viết xấu, nhưng không làm gì để chào mừng những người mới tham gia.
Vậy làm thế nào một "người gác cổng" có thể ít gắt gao hơn? Các nhà nghiên cứu lại tiếp tục thử nghiệm. Đầu tiên họ thay đổi lời nhắn mà Cluebot sẽ gửi đến những kẻ phá hoại, và họ phát hiện ra rằng những thông điệp thân thiện thì sẽ dừng các hành động sai trái một cách nhanh hơn. Điều đó cho thấy những thành viên mới rất xem trọng mối tương tác giữa người với người, nhưng vấn đề thực chất còn lớn hơn thế. Thế nên Halfaker bắt đầu phát triển một thứ mà anh gọi là Snuggle nhằm mục tiêu mang lại một môi trường thân thiện hơn.
Snuggle được thiết kế để mang lại một góc nhìn khác về hiện tượng phá hoại. Halfaker lấy ví dụ của một cầu thủ đá bóng người Ai Cập với họ là Homos. Nếu chỉ nhìn riêng thì cái tên của anh này có thể bị liệt vào loại "phá hoại" vì nó là từ viết tắt của homosexual, nghĩa là người đồng giới. Nhưng với một biên tập viên có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong bộ môn thể thao này, cái tên Homos hoàn toàn có ý nghĩa và không gặp vấn đề gì hết. Snuggle xuất hiện để chứng tỏ điều đó, cho thấy nhiều hơn về mặt con người rằng sau những hành vi có nguy cơ là hoạt động phá phách.
Halfaker cũng cố gắng nhận mạnh rằng Wikipedia không chỉ là một chiến trường: đó không chỉ là nơi những gã khổng lồ thô lỗ lao vào chiến đấu với các công cụ chống phá hoại, mà Wikipedia còn là nơi giao tiếp giữa những người lạ với nhau với đầy đủ tất cả tính chất phức tạp của một cộng đồng. Anh nhận thấy rằng không phải ai cũng thích Snuggle bởi nó không phù hợp với ý thức về việc chống phá hoại đã được thiết lập sẵn trong tâm trí của họ cũng như những gì họ muốn làm để giúp đỡ người dùng mới. Con người là con người, họ sở hữu những cách riêng để làm một việc gì đó. Hiện Halfaker đang làm việc với một dự án lớn hơn nhằm cải thiện "sự xã hội hóa của những người mới", trong đó có bao gồm việc đưa ra những cách tốt hơn để những tay mơ cũng như những người chuyên nghiệp tìm được tiếng nói chung.
Nói tóm lại, việc tự động hóa trong Wikipedia vẫn còn rất nhiều việc phải làm, từ công đoạn chống lại những hành vi nhằm mục tiêu phá hoại công sức của mọi người cho đến việc khuyến khích người dùng mới tham gia đóng góp cho quyển từ điển bách khoa này. Và chắc chắn rằng những chú bot và cyborg của Wikipedia sẽ tiếp tục tiến hóa để bảo vệ và phát triển một kho tri thức lớn cho nhân loại.Nguồn: The Verge
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)