Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Cảm biến ảnh làm từ Molipđenit có thể tăng độ nhạy sáng lên 5 lần

molybdenumlightsensor

Cảm biến ảnh là một thứ rất quan trọng trên máy ảnh và nó vẫn đang được nghiên cứu phát triển liên tục. Mới đây, các nhà khoa học đến từ Thuỵ Sĩ đã cho biết rằng họ đã phát triển được một loại cảm biến ảnh làm từ chất liệu Molpipđenit (Molybdenite), có độ nhạy sáng cao gấp 5 lần so với công nghệ hiện tại.

Trên các cảm biến thông thường, bề mặt silicon bán dẫn của mỗi điểm ảnh sẽ tạo ra một tín hiệu điện khi chúng nhận ánh sáng. Bộ xử lý trên máy ảnh sẽ gom các tín hiệu này và tạo thành một bức ảnh số.

Chất liệu Molipđenit cần ít năng lượng ánh sáng hơn so với chất bán dẫn để tạo ra tín hiệu điện. Biết được điều đó, một nhóm các nhà khoa học của trường đại học Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne (EPFL) dẫn đầu bởi giáo sư Andras Kis đã phát triển một loại cảm biến ảnh mẫu sử dụng một lớp phủ Molipđenit chỉ dày 1 atom, thay cho chất liệu silicon. Họ khám phá ra rằng, một điểm ảnh trên cảm biến này có thể tạo ra tín hiệu điện mà chỉ dùng 1/5 lượng ánh sáng cần thiết đối với một cảm biến bằng chất silicon bán dẫn. Điều này đồng nghĩa là độ nhạy sáng của cảm biến Molipđenit cao hơn 5 lần so với loại silicon. Một trong những ưu điểm của Molipđenit là nó có nhiều trong thiên nhiên và giá thành không đắt. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về Molipđenit tại đây!

molybdenumlightsensor-1
Một nhà khoa học đang làm việc với cảm biến Molipđenit mẫu.

Cách đây hơn 10 ngày, chúng ta cũng đã được biết về cảm biến ảnh làm từ graphene do các nhà khoa học đến từ trường đại học kỹ thuật Nanyang phát triển, với độ nhạy sáng cao hơn cảm biến thường đến 1.000 lần. Hy vọng là các nhà khoa học sẽ sớm phát triển thành công phiên bản thương mại của những loại cảm biến này.