Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Chọn Nikon Df, D610 hay D800?

tinhte_nikon_1 copy.
Nikon Df có thiết kế của máy phim Series F từ những năm 1960 mang tính biểu tượng của Nikon. Nhưng, Nikon cũng có 2 chiếc DSLR full-frame gần đây nhất là D610 và trước đó là D800. Hỏi chọn dùng cái nào thì đây là một đề nghị khó với một người sử dụng máy ảnh kỹ thuật số hiện đại. Chúng ta thử làm vài so sánh dựa trên thông tin công bố từ Nikon.

Cảm biến
Nikon chọn cảm biến 16,2 Megapixel của D4 cho Df là một chọn lựa khá lạ. Df có dãi ISO cao nhưng tốc độ chụp liên tiếp không cao như của D4. Trong khi đó, khi D4 được chọn độ phân giải thấp [16,2Mpx] so với một chiếc full-frame lúc bấy giờ D3x là để tăng tốc độ chụp liên tiếp. Một sự lựa chọn nhằm mục đích không vượt mặt D610 và D800 [!?] Với độ phân giải ảnh cao hơn, chi tiết ảnh trên D610 và D800 chắc chắn tốt hơn, nhưng khả năng nhạy sáng của Df vượt trội hơn trong môi trường ánh sáng yếu. Có vẻ mục đích Df hướng người chụp lấy lại kinh nghiệm nhiếp ảnh như một cách đam mê và có hướng hoài cổ, chứ không nhắm đến điểm ảnh như là kết quả cuối cùng - Chất lượng ảnh không phụ thuộc vào số lượng điểm ảnh!

tinhte_nikon_2.

ISO
Df có dải ISO của D4, chạy từ ISO 100 - 12, 800, mở rộng đến ISO 50 - 204, 000.
D610 và D800, cả hai đều có dải ISO từ 100 - 6,400, mở rộng đến ISO 50 - 25, 600.
Nikon Df có độ phân giải ảnh thấp hơn, nên kích thước từng điểm ảnh dĩ nhiên lớn hơn trên cùng kích thước cảm biến và bắt ánh sáng nhiều hơn. Dải ISO rất rộng là điểm nổi bật nhất của Df.

tinhte_nikon_3.

Chụp liên tục
Df chụp liên tục 5,5 fps. Chưa có thông tin về bộ đệm của Nikon Df, chỉ biết Df có cảm biến của Nikon D4, nhưng nó không có tốc độ chụp liên tục 11 ảnh / giây như D4. D610 là 6 fps, D800 chỉ có 4fps nhưng có thể giải thích là vì độ phân giải ảnh D800 gấp đôi của Df và gấp rưỡi của D610. Nên, Df không là máy ảnh cho nhiếp ảnh gia chụp thể thao.

Quay phim
Df không có chế độ quay phim. Đây là một quyết định táo bạo trong thời đại mà chức năng quay phim trở thành một tiêu chuẩn cho mọi chiếc DSLR. Nikon D610 và D800 đều có chức năng quay phim Full HD với tốc độ khung hình khác nhau, có microphone và headphone tích hợp. Ngược lại, Nikon Df không có chế độ quay phim. Phải chăng Df nhắm vào nhu cầu và đối tượng đam mê và sinh ra lớn lên trong một thời đại khác? Nhiều nhiếp ảnh gia không sử dụng quay phim và cũng nhiều người không muốn có nó trong tất cả máy ảnh.

Ống kính
Df cho phép sử dụng tốt ngàm ống kính AI có cấu trúc cơ khí cũ. Liên kết quá khứ cổ điển cho Df đối với Nikon là một khó khăn với hệ thống ống kính ngàm F từ 1959 với hệ ống Nikon AI. Ống kính có vòng đuôi có khớp đòn bẩy, cơ khí kiểu cũ... nhưng chất lượng thấu kính được ưa thích. Nikon Df thiết kế thích hợp cho cả hệ ống kính này, là một quý giá cho những ai thích chơi hệ ống kính cũ và chất lượng của Nikon. Nikon D610 và D800 cũng tương thích hệ ống kính cũ, nhưng chỉ đến hệ ống AI ra đời từ năm 1977. Điều này có lẽ không cần thiết cho số đông người dùng, nhưng Df có thêm điểm thắng trong bài so sánh.

tinhte_nikon_2a.

Khe thẻ nhớ
Nikon Df có một khe thẻ duy nhất dạng SD / SDHC / SDXC. Trong khi Nikon D610 có 2 khe SD / SDHC / SDXC và Nikon D800 có một khe cắm thẻ SD / SDHC / SDXC và một cho CF. Nhiếp ảnh tài tử thì chỉ cần 1 là đủ, nhưng chuyên nghiệp hoặc nhu cầu công việc thì cần thiết có 2 khe.

tinhte_nikon_2b.

Đèn flash
Df không có đèn flash cóc, cho giống máy film. D610 và D800 có flash cóc. Dĩ nhiên, gắn đèn rời Speedlight và có thể điều chỉnh Speedlight Nikon không dây, nhưng trong tình huống khẩn cấp, đèn cóc cũng có sự cần thiết nhất định. Chưa kể, chi phí cho mua sắm Speedlight rời, bởi muốn sử dụng chế độ đèn rời làm trung tâm điều khiển các đèn, thì phải SB-700 trở lên. Nếu bảo ISO cao sẽ hạn chế sự cần thiết flash, thì chưa hẳn, bởi flash đôi khi cần chỉ để cân bằng ánh sáng tiền cảnh và ánh sáng nền. Vì vậy, riêng khía cạnh này, thiếu flash cóc là điểm hạn chế của Df.

tinhte_nikon_3a.

Thiết kế
Nikon Df thoáng qua giống chiếc máy film màu kim loại cũ, nhưng thực chất bộ khung tương tự D610 là một khung polycarbonate và hợp kim magiê. Thiết kế mạnh mẽ! Vỏ ngoài theo công bố dựa theo chuẩn chống bụi và độ ẩm ướt như D800. Như vậy Df kết hợp các mặt mạnh về thiết kế cho kiểu dáng gần giống biểu tượng Nikon F series cách đây hơn 50 năm.

Các nút, bánh xe
Xem hình, chúng ta thấy Nikon Df có vòng xoay tốc độ màn trập nằm hẳn bên ngoài như series F. Các cơ chế chụp là một vòng nhỏ. Vòng bên trái là hiệu chỉnh ISO và EV. Điều duy nhất còn thiếu trong thiết kế Retro của Df là vòng khẩu độ ống kính. Nikon đã chọn kèm ống kính dòng G là ống 50mm AF-S, nhưng không có vòng chỉnh khẩu trên ống kính. Người dùng có thể thay thế bằng ống 50mm AF-D cũ và bỏ ống bán kèm kia. Điều này giảm đi cảm giác Retro trên thân máy.

Ngược lại, D610 sử dụng cấu trúc các nút và vòng xoay như DSLR hiện đại thông thường. Một cơ chế quay số phía trên. Nhấn nút chỉ định ISO, EV... sau đó xoay vòng để thay đổi thiết lập, nhưng vẫn phải liên kết với hiển thị LCD. Nikon D800 bố trí theo cách "chuyên nghiệp", không có vòng xoay số mà bấm nút quay vòng lệnh, thay đổi thiết lập các chế độ, ISO, WB... và không cần dựa vào con số trên LCD.

tinhte_nikon_3b.

Trọng lượng
Df nhỏ hơn và chỉ nặng 710g. D610 là chiếc máy khá nhỏ gọn trong dòng DSLR full-frame, nhưng nặng 141 x 113 x 82mm và 760g. Nikon D800 vẫn được coi là con quái vật có kích thước riêng của mình 144,8 x 121,9 x 81.3mm và nặng 900g.

Vẫn còn quá dày và gồ ghề so với chiếc FM cổ điển, nhưng một chiếc DSLR FX có kích thước và trọng lượng như thế là một cố gắng đáng kể của Nikon. Dĩ nhiên, với mong mỏi kiểu dáng như tin đồn sẽ như series FM thì Df được công bố có làm một số người thất vọng về kích thước.

tinhte_nikon_3c.

Pin
Nikon Df sử dụng cùng một pin EN-EL14a như Nikon D5300, nhưng Nikon công bố mức độ tiêu hao năng lượng pin trên Df thấp và có tuổi thọ pin đặc biệt là chụp 1400 bức ảnh trên Df so với 600 ảnh trên D5300. Trong khi đó, Nikon D610 và D800 đều sử dụng pin lớn hơn: EN-EL15, và chỉ chụp được 900 bức ảnh mỗi lần sạc. Về khoản pin, Df ấn tượng.

tinhte_nikon_3f.

Giá
Giá công bố cho chiếc Df là 2750$ cho thân máy và 3000$ bao gồm ống kính kit 50mm f/1.8G. Nikon D610 công bố giá bán 2000$ chỉ riêng thân máy. D800 đã ra từ năm ngoái, giá hiện tại khoảng 2000$ - 2800$ tuỳ nơi nhưng chắc chắn có thể cùng mức giá hoặc thấp hơn Df.

tinhte_nikon_.

Thật khó để tìm chiếc DSLR cụ thể nào so sánh với Df, trong hoặc ngoài Nikon. Df có thiết kế và thông số kỹ thuật tốt, hy vọng Df mang lại chất lượng hình ảnh tốt với số điểm ảnh khá khiêm tốn. Df có khả năng tương thích hệ thống ống kính cũ AI là một thừa hưởng di sản khá lớn của Nikon. Nhưng Df có vẻ như là chiếc máy khích lệ người dùng trải nghiệm đam mê chụp ảnh hơn là nhắm đến cuộc đua thông số kỹ thuật để có chất lượng cuối cùng của bức ảnh.