Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Cuộc chiến quyền lực ở Microsoft: Steve Ballmer đã mất chiếc ghế CEO như thế nào?

Steve_Ballmer_Microsoft_2.

Hiện tại Satya Nadella, người từng là phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng đám mây và doanh nghiệp của Microsoft, đã lên nắm chức vụ CEO thay cho Steve Ballmer. Việc Ballmer rời bỏ chiếc ghế của mình là một động thái hết sức bất ngờ, thậm chí còn gây sốc cho cả một vài nhân viên Microsoft nữa. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến hành động đó? Liệu ông có mâu thuẫn gì với những nhà lãnh đạo khác trong công ty phần mềm lớn nhất thế giới hay không?

Tình hình hiện nay

Như đã nói ở trên, Satya Nadella đã trở thành CEO chính thức của Microsoft để thay thế cho người tiền nhiệm Ballmer. Mới đây ông đã chỉ định Mark Penn, phó chủ tịch điều hành đứng sau chiến dịch phản đối Google do Microsoft tổ chức, lên làm giám đốc chiến lược cho tập đoàn. Song song đó, hai quan chức cấp cao khác dưới thời Ballmer cũng đã tuyên bố rời khỏi Microsoft sau nhiều năm cống hiến, đó là Tony Bates, phó chủ tịch điều hành việc phát triển kinh doanh, cùng với Tami Reller, trưởng bộ phận marketing của công ty. Đây được xem là động thái "dọn đường" của Nadella nhằm thúc đẩy quá trình tái cấu trúc Microsoft như kế hoạch Ballmer đã đề ra trước khi nghỉ làm.

Nói cách khác, Nadella đang tìm cách định hình lại Microsoft, một công ty dần chuyển dịch từ mô hình kinh doanh đặt phần mềm lên hàng đầu trở thành một công ty chuyên về thiết bị và dịch vụ. Đó cũng là cách Microsoft có thể cạnh tranh được với hai đối thủ lớn nhất của hãng ở thời điểm hiện tại: Apple và Google. Và theo trang Bloomberg, Nadella sẽ dùng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy việc tiến sâu hơn vào mảng phần cứng, vốn là một chiến lược từng làm bùng nổ lên nhiều cuộc tranh cãi giữa Steve Ballmer với các quan chức khác trong ban lãnh đạo Microsoft.

Hạ bệ Steve Ballmer

Theo những nguồn tin của Bloomberg, trước khi Ballmer tuyên bố nghỉ hưu hồi tháng 8 năm ngoái, một số giám đốc tại Microsoft đã rất tức giận đến nỗi họ bàn với nhau về việc loại bỏ Ballmer. Việc lên kế hoạch thuê Alan Mulally, CEO của Ford và cũng là người mà Ballmer rất nể trọng, cũng nằm trong dự tính đó. Sau đó Mulally lại trở thành một trong những ứng cử viên ưa thích đối với ban điều hành công ty, nhưng rồi đây cũng không phải là người được chọn là CEO để dẫn dắt một trong những công ty công nghệ nổi tiếng nhất thế giới.

Quay trở lại với Ballmer, mối quan hệ giữa ông với ban lãnh đạo Microsoft đã "chạm đáy" khi ông hét lên tại một cuộc họp hồi tháng 6 năm ngoái rằng nếu ông không được làm theo ý muốn thì ông sẽ không tiếp tục giữ chức CEO nữa. Nguồn tin nói vụ tranh cãi đó xoay quanh đề xuất của Ballmer về việc mua lại mảng thiết bị, dịch vụ lẫn bộ phận bản đồ thuộc Nokia. Song song đó là một vấn đề khác cũng được tranh luận "nãy lửa" bởi nhiều thành viên trong công ty: Liệu Microsoft nên tiếp tục là một công ty phần mềm hay nên kiêm thêm mảng phần cứng?

Tiếng nói của Ballmer lớn đến nỗi những người ở bên ngoài phòng họp cũng có thể nghe thấy, những người có liên quan cho biết. Lúc đó ông vừa được thông báo rằng ban lãnh đạo không ủng hộ ý kiến của ông về việc thâu tóm một phần lớn của Nokia. Cuối cùng thì Ballmer cũng đạt được mục đích của mình khi Microsoft quyết định đặt bút kí thỏa thuận trị giá 7,2 tỉ USD, tuy nhiên công ty chỉ chấp thuận mua lại mảng thiết bị & dịch vụ mà thôi, còn bộ phận bản đồ thì không nằm trong khuôn khổ thương vụ.

Nokia_Microsoft.
Ảnh chụp Steve Ballmer và Stephen Elop của Nokia bắt tay khi Nokia ra mắt những chiếc Lumia đầu tiên

Ở thời gian đầu, nhiều giám đốc và cả nhà sáng lập kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Bill Gates - cũng là người bạn lâu năm của Ballmer - còn khá chần chừ trong việc đưa Microsoft thành một công ty sản xuất smartphone. Nadella lúc trước cũng xuôi theo ý kiến của những người này, nhưng sau đó ông đã thay đổi ý kiến của mình. Trong một email mới đây, ông nói "Nokia mang lại chiều sâu về di động xuyên suốt nhiều mảng, từ phần cứng, phần mềm, thiết kế, kinh nghiệm về chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như hiểu biết sâu sắc về các thị trường di động. (Việc mua lại Nokia) là một bước đi đúng đắn đối với Microsoft".

Thực chất thì mối quan ngại về hướng đi sắp tới của Microsoft đã xuất hiện trong một thời gian dài trong nội bộ công ty. Đối với một số giám đốc thì câu hỏi khi đó là liệu Ballmer có nên tiếp tục nắm quyền dẫn dắt công ty hay không? Họ đang cảm thấy khó chịu vì thói quen nói nhiều hơn là lắng nghe của Ballmer, và việc ông la hét trong phòng họp khi không được đồng thuận về thương vụ Nokia như là "một giọt nước tràn ly". Ban điều hành công ty lúc đầu từ chối thương vụ bởi vì nó quá đắt tiền và phức tạp, ngoài ra còn vì mảng bản đồ của Nokia không phải là thứ mà Microsoft cần.

Trong hơn một thập kỷ, các giám đốc đã đưa cho Ballmer tất cả những gì ông muốn. Thế rồi trong nửa đầu năm 2012, hai thành viên trong hội đồng quản trị là John Thompson và Steve Luczo đã đứng về phía các giám đốc để thách thức Ballmer. Họ gây áp lực buộc Ballmer phải hành động nhanh chóng hơn để cạnh tranh được với Apple, Google cũng như những công ty khác đang thống trị thị trường di động. Họ lo ngại rằng Microsoft sẽ bị cho ra rìa và mãi quanh quẩn trong thị trường máy tính cá nhân đang dần thu hẹp.

Thế nhưng Microsoft vẫn còn thua kém những đối thủ khác ở khoảng cách khá xa, điều đó làm cho nhiều giám đốc không cảm thấy hài lòng. Và đến tháng 8, Ballmer quyết định sẽ về hưu, sớm hơn kế hoạch đã dự tính.

Cũng liên quan đến cách làm việc của Ballmer, trước đây ông từng bổ nhiệm Mark Penn và Tami Reller vào cùng vị trí quản lý bộ phận marketing của công ty, và điều này khiến hai nhân vật trong cuộc không cảm thấy hài lòng. Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ rằng Reller thậm chí còn đi thẳng lên gặp Ballmer và nói rằng ông phải chọn giữa vị nữ phó chủ tịch này với Penn. Cũng chính vì những nguyên nhân như thế mà Ballmer không còn nhận được sự ủng hộ từ những giám đốc của mình. Giờ đây Reller đã rời công ty và được thay thế bởi Chris Capossela, người duy nhất lãnh đạo mảng marketing cho Microsoft kể từ đây trở đi và cũng từng là người bị "gạt sang bên lề" bởi kế hoạch tái cấu trúc của Ballmer.

Tình bạn đổ vỡ

Tờ Bloomberg dẫn lời giáo sư Jeffrey Sonnenfeld ở Đại học Yale rằng Ballmer đáng lẽ ra đã không rời Microsoft nếu ông không mất đi sự ủng hộ từ Bill Gates. Gates đã từng thuyết phục Ballmer bỏ học hồi năm 1980 để tham gia Microsoft bởi hai người từng là những người bạn thân thiết. Họ vẫn tiếp tục tình bạn của mình sau khi Gates chuyển giao "quyền lực" CEO cho Ballmer để lui về làm trưởng bộ phận kiến trúc phần mềm cho công ty.

Steve-Ballmer-2.

Thế nhưng khi Microsoft có những động thái tiến sâu vào mảng phần cứng thì những mâu thuẫn giữa Ballmer với Gates bắt đầu xuất hiện, theo những người có liên quan. Gates không đồng ý về việc công ty phần mềm lớn nhất thế giới nên sản xuất chiếc điện thoại của riêng mình, và Ballmer đã buồn vì Gates không ủng hộ kế hoạch này. Mối quan hệ giữa hai người xấu đến nỗi vào một cuộc họp cổ đông hồi tháng 11 năm ngoái, tư vấn viên trưởng Brad Smith đã phải thuyết phục mãi thì Ballmer và Gates mới chịu cùng nhau đứng trên sân khấu.

Thách thức với Microsoft

Những thách thức của Microsoft không phải là thứ gì đó quá mới mẻ vào thời điểm hãng công bố thương vụ mua lại một phần Nokia. Trước khi Gates rời vị trí CEO, giá cổ phiếu của Microsoft đạt mốc cao nhất là 59,56$ rồi giảm sau khi nhà sáng lập này chuyển sang một vị trí thấp hơn. Doanh thu của công ty tăng đều trong 10 năm qua với tốc độ trung bình 9,4%/năm nhưng vẫn không bằng con số 24% của một thập kỉ trước đó.

"Mầm mống" của việc Ballmer rời Microsoft thực chất đã xuất hiện vào tháng 10 năm 2012 khi ông ra mắt Windows 8, Windows Phone 8 cũng như dòng máy tính bảng Surface. Những sản phẩm này được làm ra để giải quyết các khó khăn của công ty thời bấy giờ, nhưng hóa ra chúng lại phơi bày rõ hơn những điểm yếu hiện hữu. Windows 8 không nhận được phản hồi tốt từ thị trường, thậm chí còn bị một số người dùng quay lưng vì không thuận tiện cho họ. Windows Phone 8 thì mãi sang năm 2013 mới bắt đầu cất cánh với những đợt update bổ sung, còn Surface RT đời đầu thì để lại cho công ty khoản lỗ lên tới 900 triệu USD.

Công bằng mà nói thì dưới thời Ballmer, Microsoft cũng đã gặt hái được một số thành công nhất định. Lợi nhuận ròng của công ty tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước đó, Microsoft trở thành một công ty video game mạnh với chiếc Xbox, còn phiên bản Office trên nền web thì đã chứng tỏ được sự thu hút của mình, nhất là với khách hàng doanh nghiệp. Bản thân ông cũng đã đưa Nadella lên dẫn dắt mảng server với lời chỉ dẫn tập trung vào điện toán đám mây, từ đó đưa bộ phận này trở thành công ty cung cấp dịch vụ cloud lớn thứ hai thế giới xếp sau Amazon.

Đã đến lúc rời đi

Điều mà Ballmer không làm được đó là tìm cách giúp Microsoft phản hồi lại thị trường PC đang dần ảm đảm. Người tiêu dùng đã quay sang yêu thích những chiếc smartphone, tablet từ Apple, Samsung cũng như sản phẩm của nhiều công ty khác, và quan trọng nhất là chúng không sử dụng phần mềm của Microsoft. Công ty đã thấy được xu hướng bùng nổ của thiết bị di động một thời gian dài trước khi iPhone ra đời năm 2007, thế nhưng Microsoft đã không làm gì để thu hút người dùng đến với những sản phẩm của mình.

Steve_Ballmer_Microsoft_1.

Đến tháng 10/2012, Microsoft rồi cũng ra mắt được chiếc máy tính bảng của riêng mình với những tính năng tương tự như một mẫu tablet hiện đại, đó chính là dòng Surface. Đáng tiếc thay, sản phẩm này lại chẳng giúp gì được cho Microsoft về mặt tài chính, và như đã nói ở trên, nó thậm chí còn khiến công ty bị lỗ một khoản tiền lớn liên quan đến hàng tồn kho chưa bán được. Nền tảng di động Windows Phone không phải là một cú hit nhưng Ballmer vẫn tiếp tục duy trì nó.

Được biết hội đồng tìm kiếm ứng viên của Microsoft đã chọn Nadella cho vị trí CEO trong một cuộc họp ở New York hồi tháng 1. Sau đó Microsoft bắt đầu suy nghĩ về vai trò của Nadella cũng như tương lai của Gates: Nhà sáng lập công ty quyết định sẽ bước xuống làm cố vấn công nghệ và dành 1/3 thời gian trong tuần của mình làm việc ở công ty. Và chức vụ của Gates là do chính Nadella đề xuất. Sau đó, hội đồng cũng quyết định đưa Thompson lên làm chủ tịch ban quản trị công ty nhằm định hướng lại một công ty đang bị "mất thăng bằng".

Và với tất cả những lý do trên, đã đến lúc Steve Ballmer rời khỏi chiếc ghế của mình để nhường lại cho Nadella. Liệu Nadella có giúp Microsoft quay trở lại thời hoàng kim của mình hay không? Chúng ta hãy chờ xem sao.

Nguồn: Bloomberg