Benchmark iPhone 6 và 6 Plus, so sánh với các đời iPhone, iPad trước
iPhone 6 và iPhone 6 Plus không chỉ được cải tiến về mặt thiết kế bên ngoài mà chúng còn được trang bị những phần cứng bên trong mới mẻ. Ví dụ, 6 và 6 Plus sở hữu màn hình độ phân giải cao hơn so với bất kì dòng iPhone nào trước đây, ngoài ra còn có vi xử lý Apple A8 được phát triển dựa trên kiến trúc 64-bit với hiệu năng tính toán và đồ họa được quảng cáo là cao vượt trội. Vậy hôm nay chúng ta sẽ thử tìm hiểu xem 6 và 6 Plus mạnh hơn cỡ nào so với những thành viên khác trong hệ sinh thái di động của Apple, bao gồm iPhone 5, iPhone 5s, iPad 4, iPad Air và iPad mini retina nhé.
Ghi chú:
- Tất cả thiết bị đều đã được nâng cấp lên iOS 8
- Trước khi benchmark mình đã tắt hết tất cả những ứng dụng khác, chỉ để lại app benchmark hoặc trình duyệt tùy phép đo
- Điểm số benchmark sẽ không phản ánh hoàn toàn trải nghiệm sử dụng của bạn với thiết bị
Ứng dụng benchmark này có thể đo khả năng xử lí (tính toán dấu chấm động, tính số thực) và hiệu năng của RAM trên thiết bị iOS của chúng ta. Bạn có thể thấy rằng khi chạy đơn nhân, iPad Air và mini retina ghi được điểm rất cao, bỏ xa iPhone 6 và 6 Plus khoảng 40%. Chiếc 6 có điểm số cao hơn một chút so với 6 Plus, khoảng 4,8%.
Nhưng khi chuyển sang sử dụng nhiều nhân để phối hợp xử lý thì mọi chuyện thay đổi: iPhone 6 dẫn đầu, hạng nhì là 6 Plus, hạng ba là iPhone 5s và iPad Air thì xuống tận hạng tư. Khoảng cách giữa iPhone 6/6 Plus với 5s không nhiều, xấp xỉ 13,7%, trong khi đó iPhone 5 thì chỉ ghi được một nửa số điểm so với hai model điện thoại mới mà thôi.
Chúng ta chuyển sang phép đo thứ hai là GFX Bench. Đây là công cụ chuyên dùng để benchmark về hiệu năng đồ họa, và mình chọn ra một kết quả chính là T-Rex HD để so sánh giữa các thiết bị với nhau. Đúng như kỳ vọng, iPhone 6 và 6 Plus lại tiếp tục dẫn đầu, nhưng lần này 6 Plus ghi điểm cao hơn. iPhone 5s, iPad Air và iPad mini retina cho ra kết quả xấp xỉ nhau với số khung hình mỗi giây từ 27 đến 28,4fps, chúng thấp hơn 6 Plus khoảng 35-36%. Apple từng quảng cáo rằng A8 cho hiệu năng GPU cao hơn tối đa 84 lần so với iPhone đời đầu, và mặc dù chúng ta không có thiết bị để kiếm chứng thông tin này nhưng vẫn có thể tin tưởng rằng khả năng đồ họa của 6 và 6 Plus là rất tốt.
Trong khi đó, điểm số GFX Bench trên iPhone 5 và iPad 4 lại thấp hơn nhiều so với những thiết bị còn lại. Kết quả của iPhone 5 thấp hơn 6 Plus đến gần 6,5 lần, còn iPad 4 thấp hơn 3,2 lần. Điểm đáng chú ý đó là iPhone 5 và iPad 4 sử dụng SoC 32-bit mà thôi, trong khi iPhone 6/6 Plus, iPhone 5s, iPad Air và iPad mini retina đều được trang bị chip 64-bit. Có lẽ đây chính là nguyên nhân gây ra sự khác biệt lớn trong điểm số nói trên chăng?
SunSpider là ứng dụng do WebKit phát triển và thường dùng để đo hiệu suất trình duyệt đảm nhiệm các hàm JavaScript, vốn được dùng rất rộng rãi ở nhiều trang web khác nhau trên khắp toàn cầu. Trang web này sẽ thực hiện rất nhiều bài kiểm tra, từ việc tạo mây tag, raytracer 3D, mã hóa cho đến xử lí chuỗi, khả năng tính toàn và vòng lặp. Do kết quả theo đơn vị mili giây nên thời gian xử lý càng thấp càng tốt.
Trong phép đo này, iPhone 6 và 6 Plus đuổi nhau rất sát và chênh lệch gần như không đáng kể. Máy cho tốc độ xử lý nhanh hơn 21% so với iPhone 5s và hơn 1,4 lần so với iPhone 5. iPad Air tỏ ra nhanh nhẹn hơn so với iPhone 5s trong phép thử này. Và lại một lần nữa, chúng ta thấy sự chênh lệch rất lớn giữa điểm số của iPad 4 và iPhone 5 chạy chip 32-bit so với các thiết bị còn lại dùng SoC 64-bit.
Thêm một phép đo trình duyệt nữa do Google viết ra, nó tổng hợp các thuật toán chạy bằng JavaScript, từ việc giả lập nhân hệ điều hành, mã hóa/giải mã cho đến xem xét chuỗi kí tự. Kết quả này không khác mấy so với SunSpider, và sự chênh lệch giữa iPhone 5, iPad 4 với các thiết bị 64-bit vẫn còn tồn tại một cách rõ ràng.
Nói tóm lại, iPhone 6 và iPhone 6 Plus dẫn đầu ở hầu hết mọi bài benchmark mà mình cho thử nghiệm, cả khi cài app benchmark vào thẳng trong máy hay chạy trên trình duyệt. Ở phép đo CPU đa nhân, 6 và 6 Plus cho thấy sự cải thiện rất nhiều về hiệu năng, điều tương tự cũng diễn ra với việc xử lý đồ họa. Một vài phép benchmark gợi ý rằng iPhone 6 nhanh hơn một chút so với iPhone 6 Plus, tuy nhiên sự chênh lệch là không lớn.
Qua đợt thử nghiệm lần này, chúng ta còn thấy rằng iPhone 5, iPad 4 sử dụng CPU 32-bit cho điểm thấp hơn rất nhiều so với các thiết bị dùng chip 64-bit. Có lẽ đây chính là lý do vì sao Apple muốn áp dụng kiến ARM v8 64-bit cho thiết bị di động của mình ngay cả khi RAM tích hợp trong máy chưa bao giờ có dung lượng vượt quá mốc 4GB.