Apple nhận được bằng sáng chế màn hình hiển thị hình ảnh 3D không cần
kính, có hỗ trợ cảm ứng
Apple vừa nhận được bằng sáng chế cho công nghệ màn hình hiển thị, sử dụng tia laser, các ống kính siêu nhỏ và cảm biến để tạo nên hình ảnh 3D hologram. Đồng thời màn hình này còn có thể nhận biết được người dùng đang tương tác với nó theo thời gian thực và đưa ra phản hồi thích hợp.
Bằng sáng chế do Cơ quan bằng sáng chế và thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp cho Apple có tên gọi đầy đủ là "Thiết bị hiển thị hình ảnh hologram tương tác". Đây là thiết bị sử dụng tấm nền 2 chiều có khả năng hiển thị hình ảnh 3 chiều mà không cần sự hỗ trợ của gương phản chiếu quay, hơi nước hoặc các phương tiện khác. Hơn nữa, thiết bị này còn có có thể áp dụng cho màn hình cảm ứng, có thể trên những chiếc iPhone, iPad hoặc thiết bị nào đó của Apple trong tương lai?
Về cơ bản, thiết bị trong bằng sáng chế của Apple sẽ dùng các tia sáng để hiển thị hình ảnh hologram. Trong thí dụ đơn giản, một hệ thống render sẽ tạo ra nhiều hình cho một vật thể trên màn hình, mỗi hình ảnh tương ứng với một góc nhìn khác nhau. Dựa trên các thông số này, một nguồn sáng sẽ tạo ra 1 hoặc nhiều tia sáng hướng xuyên qua màn hình LCD và hệ thống ống kính để tạo nên hình ảnh hologram (hình ảnh vật thể trong không gian 3 chiều)) và truyền tới mắt của người dùng. Ngoài ra, bằng cách phối hợp hoạt động của các cảm biến với hệ thống ống kính, thiết bị sẽ biết được vị trí cũng như góc nhìn của người dùng nhằm điều hướng các tia sáng để đưa ra các hình ảnh thích hợp.
Đồng thời, người dùng cũng có thể sử dụng cử chỉ của ngón tay để thực hiện tương tác như kéo thả, xoay hoặc phóng to, thu nhỏ đối tượng đang nổi bồng bềnh trong không khí. Bên cạnh đó, hệ thống cũng có khả năng phân tích đặc điểm chuyển động của ngón tay và điều chỉnh các hình ảnh nhằm tạo cho người dùng có cảm giác như vật thể có trọng lượng và đang di chuyển theo quán tính thực sự.