Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Chi tiết những điểm mới trong Windows 10 Technical Preview

Windows 10 Technical Preview.
Sự quen thuộc là điểm đầu tiên mà các bạn sẽ nhận ra khi lần đầu thấy Windows 10. Chúng ta có một giao diện desktop gần giống như những gì đã tồn tại từ thời Windows 98 cho đến tận Windows 7, có nút Start, có Start Menu, nhưng pha trộn vào đó lại là một cảm giác mới mẻ bởi các mảng màu phẳng hiện đại. Desktop ảo khiến việc chạy đa nhiệm trở nên thuận tiện hơn vì bạn có thể “phân nhóm” cho các app. Khi phối hợp với tính năng chia cửa sổ Snap View, bạn có thể mở các cửa sổ ứng dụng song song nhau hoặc tối đa 4 cửa sổ ứng dụng cùng lúc. Tất cả đều giúp việc xài máy tính với chuột - bàn phím truyền thống trở nên dễ dàng hơn.

Video

Sự xuất hiện của Start menu

Start Menu, điều mà nhiều bạn từng mong ước trên Windows 8 và 8.1, giờ đã quay trở trên Windows 10 đúng như những gì Microsoft hứa hẹn. Tuy nhiên nó không chỉ là một giao diện cho phép duyệt qua các ứng dụng đã cài, thay vào đó là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại khi được tích hợp thẳng màn hình Start vào đây. Giao diện Start nằm riêng biệt đã không còn có mặt trên máy desktop nhằm tránh làm rối người dùng, chỉ có những thiết bị cảm ứng thì bạn mới thấy được môi trường này.

Overview.

Khi nhấn vào nút Start ở góc dưới bên trái màn hình, bạn sẽ thấy nhiều ô vuông liên tục lật lật để cập nhật các thông tin mới nhất của ứng dụng, ngay bên cạnh là danh sách một số phần mềm hay thư mục thường dùng. Chúng ta cũng có mục “All apps” để xem tất cả các app đã cài vào máy tính, và cả app desktop truyền thống hay app Modern UI đều nằm chung trong một chỗ để việc tìm kiếm trở nên thuận tiện hơn.

Vậy bạn có thể tùy biến khu vực Start nằm trong Start Menu hay không? Câu trả lời là có. Nếu thích, bạn có thể “ghim” thêm những app khác vào Start, y hệt như hồi Windows 8 vậy. Màu của khu vực này cũng sẽ tự thay đổi theo theme mà bạn chọn trong phần Personalize của hệ điều hành. Việc thay đổi kích cỡ ô Live Tile tất nhiên vẫn được hỗ trợ với ba kích thước nhỏ, trung và lớn. Bạn có thể sáng tạo ra cho riêng mình một Start Menu rất độc đáo đấy.

Customize_Start.

Nói thêm một chút về phần Start Screen với các ô vuông, trước đây ở Windows 8 nó là một màn hình độc lập và mình rất ít khi mở lên bởi cảm giác chuyển từ desktop sang môi trường Modern quá lạ lẫm. Chỉ khi xài những chiếc máy tính bảng thì mình mới ở trong Modern một thời gian dài, chính điều này đã làm giảm đi giá trị cốt lõi của Windows 8 (hay 8.1). Lên đến Windows 10, Microsoft đã tìm được cách dung hòa desktop với Modern thông qua Start Menu, và ngay từ những phút sử dụng đầu tiên mình đã rất thường mở Start Menu lên để xem xét các thông tin cập nhật gửi ra từ app. Một điểm cộng lớn dành cho Microsoft.

Ứng dụng Modern chạy trong desktop

Trước đây bạn phải thông qua một phần mềm bên thứ ba đắt tiền để có thể làm điều này. Còn ở Windows 10, mọi ứng dụng Modern đều được chạy dưới dạng các cửa sổ chung với app desktop truyền thống. Bạn có thể chỉnh lại kích thước cửa sổ theo ý muốn, phóng to, thu nhỏ hay thậm chí đóng chúng lại với dãy nút quen thuộc y hệt như các đời Windows trước. So với Windows 8.1, các nút đóng, mở hay thanh tiêu đề của app cũng được làm to hơn nên việc di chuyển và thao tác được thuận tiện hơn.

Modern_desktop.

Bên cạnh Start Menu, tính năng này cũng là một thứ giúp trải nghiệm của người dùng máy tính với chuột-bàn phím truyền thống trở nên tuyệt vời hơn, không còn cảnh nhảy qua nhảy lại giữa hai môi trường có sự khác biệt lớn về giao diện nữa. Nếu bạn đã từng bực mình vì app Modern trên Windows 8.1 thì đảm bảo bạn sẽ yêu ngay Windows 10 từ cái nhìn đầu tiên.

App Command

Đây là một nút đặc biệt chỉ xuất hiện trong các ứng dụng Modern. Nó chứa đầy đủ tính năng của thanh Charm bar, tuy nhiên thay vì phải rê chuột vào cạnh phải màn hình để Charm xuất hiện thì bạn có thể nhấn nút này ở góc trên bên trái các cửa sổ. App Command sở hữu một số lệnh quen thuộc như tìm kiếm bên trong app, chia sẻ nội dung của app, in, xuất ra màn hình ngoài/máy chiếu, truy cập thiết lập của ứng dụng đang mở hoặc chuyển sang chế độ chạy toàn màn hình.

App_command.

Chế độ Task View và nhiều desktop ảo

Trước đây ở Windows 7 chúng ta có thể nhấn Alt + Tab hoặc Windows + Tab để chuyển giữa các phần mềm đang mở một cách nhanh chóng. Giờ đây tính năng Task View này đã có một nút riêng cho mình nằm ở thanh tác vụ, còn phím tắt để kích hoạt thì vẫn y như cũ. Sự thay đổi lớn nằm ở việc các ảnh thu nhỏ của app đã trở nên lớn hơn rất nhiều, nhờ đó việc chuyển phần mềm khi chạy đa nhiệm được chính xác hơn. Nếu bạn nào đã từng dùng tính năng Exposes trên Mac OS X thì sẽ thấy được sự quen thuộc của Task View.

TaskView.

Trong trường hợp bạn cần phải mở quá nhiều cửa sổ ứng dụng, cũng trong giao diện Task View, bạn có thể tạo thêm nhiều khu vực desktop mới để tách bớt app sang. Ví dụ, ở desktop 1, bạn có thể đặt cửa sổ trình duyệt để tra cứu thông tin, còn ở desktop 2 thì mở Word, Notepad để biên soạn tài liệu. Với một ứng dụng đã mở sẵn, bạn có thể di chuyển nó giữa các desktop bằng cách nhấp chuột phải vào ảnh thu nhỏ, chọn “Move to…”. Trước đây chúng ta buộc phải gom hết mọi cửa sổ vào trong một desktop duy nhất, nên khi số lượng cửa sổ tăng cao thì chỗ làm việc của chúng ta trở nên rối và hiệu suất của người dùng bị giảm đi rất nhiều.

Multidesktop.

Nút tìm kiếm riêng

Việc tìm kiếm trước đây thường được thực hiện qua Start Menu hoặc ở Windows 8 là trong Start Screen. Còn ở Windows 10, Microsoft bố trí cho chúng ta một nút Search riêng nằm ở thanh tác vụ của hệ điều hành. Tại đây bạn có thể tìm kiếm tất cả mọi thứ: từ các ứng dụng đã cài trong máy, các mục cấu hình hệ thống cho đến tập tin cá nhân và những trang web được bookmark. Kết quả tìm kiếm sẽ được hiển thị ngay trong nút Search này, còn nếu không tìm ra thì ứng dụng Bing Search sẽ chạy lên để giúp bạn tìm thêm thông tin từ Internet.

Search.

Tính năng Snap được cải thiện

Snap là tính năng cho phép chúng ta chạy song song nhiều ứng dụng cùng lúc trên màn hình, mỗi app sẽ chiếm một phần diện tích nhất định. Tính năng này đã có trên Windows 8, tuy nhiên nó chỉ phát huy hết tác dụng trong môi trường Modern mà thôi, còn ở desktop thì chúng ta chỉ có thể resize cửa sổ bằng cách kéo app vào cạnh trái hoặc phải màn hình giống Windows 7.

Lên đến Windows 10, Microsoft dung hợp hai thứ này lại với nhau để làm cho Snap trở nên hữu dụng hơn bao giờ hết. Lúc kéo một cửa sổ vào cạnh trái/phải, ngay lập tức cửa sổ sẽ lấp đầy một nửa màn hình, nửa còn lại tự động hiển thị ảnh thu nhỏ của các app còn lại để bạn gắn chúng lên nhanh hơn. Điều tuyệt vời hơn cả đó là giờ đây chúng ta có thể snap ứng dụng desktop và ứng dụng Modern bên cạnh nhau, không còn chuyện snap cả một môi trường desktop như ở Windows 8 nữa.

Snap.

Thanh Charm bars vẫn còn đây

Thanh Charms Bar vẫn được giữ lại trên Windows 10 nhưng nó sẽ xuất hiện mặc định trên các máy tính có màn hình cảm ứng. Thao tác mở thanh Charms Bar vẫn như cũ, tức là vuốt từ rìa phải trong khi thao tác vuốt từ rìa trái sẽ mở Task View.

Cửa sổ dòng lệnh ngon hơn

Command Prompt (CMD) trên Windows 10 đã được cải tiến đôi chút, bạn giờ đây có thể dán dòng lệnh vào CMD bằng cách nhấp phải chuột một cái. Đây là một cải tiến nhỏ nhưng quan trọng mà đáng lẽ ra Microsoft phải bổ sung từ sớm. Nếu bạn thấy một đoạn mã lệnh trên mạng, bạn có thể sao chép nó rồi dán vào CMD để chạy ngay, không còn phải lọ mọ gõ từng lệnh từng lệnh như hồi xưa. Nhờ sự bổ sung đó mà CMD đã giống hơn với Terminal trên các hệ điều hành Linux hoặc OS X.

Những điểm nhỏ khác trong Windows 10 Technical Preview
  • Nút Shutdown được di chuyển lên góc trên bên phải của Start Menu, không nằm ở góc dưới như Windows 7
  • Biểu tượng Desktop, Network, This PC và File Explorer mới. Có vẻ như Microsoft sẽ tiếp tục thay đổi hết các biểu tượng còn lại trong tương lai cho phù hợp với thiết kế phẳng của hệ điều hành
  • Control Panel vẫn có mặt trên Windows 10 song song với mục PC Settings của Windows 8
Other.

Nói tóm lại, Windows 10 là một bản nâng cấp rất đáng giá, và nó đặc biệt hấp dẫn với những người dùng nào vẫn còn đang ở Windows 7 hay Windows XP. Phải đến cuối năm sau thì Windows 10 mới chính thức được tung ra thị trường để mọi người sử dụng, còn ở thời điểm hiện tại nó chỉ là một bản “xem trước” dành cho lập trình viên, những người yêu thích tìm hiểu hoặc những doanh nghiệp muốn đánh giá về một đợt nâng cấp mới cho máy tính công ty. Lỗi chắc chắn có thể xảy ra (nhưng tính đến thời điểm hiện tại thì mình chưa gặp), và tốt nhất bạn nên cài Windows 10 Technical Preview ở dạng máy ảo hoặc trong phân vùng riêng để tránh gặp rắc rối nhé.