Hiển thị bài đăng được sắp xếp theo ngày cho truy vấn apple wwdc 2013. Sắp xếp theo mức độ liên quan Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị bài đăng được sắp xếp theo ngày cho truy vấn apple wwdc 2013. Sắp xếp theo mức độ liên quan Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Apple và Google dự tính sẽ thay đổi thị trường sản phẩm y tế - sức khỏe như thế nào?

Apple_HealthKit_Hero.
Mike Dittenber, một cây viết công nghệ hiện đang sống tại Michigan, Mỹ, vẫn luôn mơ ước được tham gia môn nhảy dù từ máy bay. Nhưng có một vấn đề: cân nặng của anh không cho phép. Tại thời điểm mập nhất, Dittenber có trọng lượng lên tới 143kg. Và khi anh đi gặp bác sĩ hồi đầu năm nay, anh lại tiếp tục nhận thêm tin không vui. Anh chia sẻ: "Tôi đã ngừng tập luyện một thời gian, nhưng cuối cùng phải tập lại. Hóa ra tôi bị béo phì ở cấp độ cao và bị bệnh cao huyết áp". Bác sĩ của Dittenber khuyên anh phải giảm cân một cách nhanh chóng nếu không anh sẽ phải dùng thuốc và tuân theo chế độ điều trị ngặt nghèo. "Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh", anh chia sẻ.

Dittenber đã thử qua Weight Watchers, một dịch vụ hỗ trợ giảm cân bằng cách đặt lịch hẹn chuyên gia hoặc tham khảo online, nhưng biện pháp này cũng không kéo dài lâu. Giờ đây, anh quyết định sẽ sử dụng MyFitnessPal, một ứng dụng di động giúp người dùng theo dõi lượng calorie đã đưa vào cơ thể cũng như quản lý việc tập luyện thể thao. App này đã trở thành một cách cổng bước vào thế giới của các sản phẩm kĩ thuật số hỗ trợ cho công tác chăm sóc sức khỏe. "Cuối cùng tôi mua một chiếc Fitbit bởi nó có thể ghép đôi với MyFitnessPal", anh nói. "Tôi nhận thấy rằng mình không ghét chạy bộ. Tôi không thích nó, nhưng tôi có thể làm được".

MyFitnessPal.

Sau đó, anh tiếp tục sử dụng thêm app Runkeeper để ghi nhận quãng đường đã chạy, kế tiếp là chiếc đồng hồ Garmin Forerunner 220 để giám sát nhịp tim và bước chạy. Kể từ khi bắt đầu sử dụng những phương tiện trên để theo dõi sức khỏe của mình hồi tháng 6 năm 2013, Dittenber hiện đã giảm được gần 50kg.

Việc sử dụng smartphone như một trung tâm theo dõi, phân tích dữ liệu sức khỏe như Dittenber đã trở thành một hiện tượng trên toàn cầu trong vài năm trở lại đây, thậm chí là một động lực đối với những người trước đây vốn lười tập luyện thể thao. MyFitnessPal, dịch vụ hiện có hơn 65 triệu người đăng kí sử dụng, là một trong số các app sức khỏe phổ biến nhất tính đến thời điểm hiện tại, nhưng đây chỉ là một sự thành công nhỏ trong cả một thế giới rộng lớn. Nguồn quỹ đầu tư cho các công ty khởi nghiệp hoạt động trong mảng sức khỏe số đã đạt 2,3 tỉ USD trong nửa đầu năm nay, hơn tổng tiền đầu tư cho cả năm 2013.

Quan trọng hơn hết, ba công ty lớn có vị trí quan trọng trong thế giới công nghệ - Apple, Google, Samsung - cũng đã bắt đầu đưa tiếng nói của mình vào thị trường màu mỡ này. Sự tham gia của bộ ba này đã giúp đơn giản hóa việc phát triển ứng dụng và thiết bị dành cho người tiêu dùng.

Google_Fit.

Harry Wang, một nhà phân tích dẫn đầu việc nghiên cứu về sức khỏe và di động của công ty Park Associates, nhận xét: "Chúng ta có thể đang ở điểm khởi đầu. Thiết bị và ứng dụng sức khỏe là một mảng tăng trưởng nhanh, tuy nhưng nó vẫn còn là một thị trường ngách. Những hệ sinh thái mới như thế này, nếu chúng thu hút được sự chú ý, có thể sẽ đẩy cả ngành công nghiệp trở thành một thứ phổ biến".

Việc thành công là không chắc chắn 100%, thế nhưng Wang chia sẻ rằng sự can thiệp của các ông lớn như Apple và Google có thể sẽ giúp ích được một thị trường vốn đang bị phân mảnh. Bộ API HealthKit của Apple hay Fit của Google có khả năng tiếp cận đến một lượng lớn người dùng, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác với các tên tuổi lớn trong mảng y tế - sức khỏe truyền thống. Đây là những chuyện mà bản thân các công ty khởi nghiệp nhỏ lẻ khó có thể tự mình làm được. "Nó sẽ là một sự chuyển đổi, với nhiều người thành công, và cũng sẽ có những người thất bại nữa".

Phần cứng bị bóp chặt

Trong nhiều năm qua, thị trường thiết bị sức khỏe đã được dẫn dắt bởi các sản phẩm như Fitbit, Nike FuelBand hay Jawbone Up, nhưng đây đều là những công ty nhỏ trong lĩnh vực công nghệ. Và nếu các ông lớn trong ngành công nghiệp smartphone thành công trong việc tạo ra một nền tảng chung để phục vụ cho mục đích thu thập và phân tích dữ liệu sức khỏe thì Fitbit, Nike và Jawbone sẽ gặp rắc rối. Nhà phân tích Wang nhận định: "Nhiều tính năng cơ bản mà chúng ta thấy trong các thiết bị wearable sức khỏe - ví dụ như theo dõi bước chân, đo nhịp tim - có thể sẽ trở thành những thứ mà smartphone hay smartwatch nào cũng có".

Fitbit_Force.

Nike có lẽ đã thấy trước được điều này, thế nên hãng được cho là sẽ ngừng sản xuất phần cứng đeo được và chuyển sang tập trung phát triển phần mềm. Lark, một công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất vòng đeo tay thông minh, cũng đã quyết định khai tử phần cứng và chuyển nguồn lực sang phát triển một app có khả năng tích hợp trực tiếp vào nền tảng Samsung S Health. CEO Julie Hu của Lark chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy rằng, về cơ bản, những chiếc smartphone sở hữu hệ thống cảm biến với mức độ tiêu thụ điện năng thấp chính là những thiết bị đeo được mạnh mẽ nhất".

Trong khi đó, Leonard MacEachern, một giáo sư ngành kĩ thuật điện tử - người tự tạo ra một thiết bị wearable mang tên Leo để phân tích hoạt động của cơ báp - cho rằng ở thời điểm hiện nay, việc phát triển một sản phẩm đeo được không chỉ dựa vào cảm biến gia tốc quả thật là một chuyện không đơn giản. MacEachern nói nếu như bạn không có các công nghệ vượt trội hơn những thứ mà Apple hay Google có thể đưa vào smartphone thì "bạn sẽ bị nuốt sống".

Nói về tình hình chung của thị trường thiết bị đeo được hiện nay, nhà phân tích Julie Ask đến từ hãng nghiên cứu Forrester cho rằng trong năm 2012, 2013 là thời điểm của các thiết bị riêng lẻ, dữ liệu thu thập từ những chiếc wearable này cũng nằm trong các buồng chứa kín. Tuy nhiên, sang đến năm nay, điều đó đã thay đổi một cách nhanh chóng: giống như Apple và Google, các công ty sản xuất thiết bị sức khỏe cũng đang cố gắng tạo một hệ sinh thái cho riêng mình. Cả Jawbone và Fitbit đều cung cấp hàm API nhằm chia sẻ dữ liệu thu thập từ phần cứng của họ cho nhiều ứng dụng bên thứ ba. Julie xem đây là một chiếc lược rất thông minh, tuy nhiên thị trường của loại sản phẩm này vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, những nền tảng hoạt động ở mức hệ điều hành thì sẽ đơn giản và tốt hơn, điển hình là Apple HealthKit hay Google Fit.

Phần mềm tỏa sáng

Nếu như các hãng sản xuất phần cứng bị bóp nghẹt bởi những nền tảng sức khỏe dành cho smartphone thì lập trình viên phát triển phần mềm lại có nhiều cơ hội hơn. Những thiết bị như Fitbit hay Jawbone đã trở thành các nhân tố chủ chốt dẫn dắt cả một ngành kinh doanh, thế nhưng chúng chưa bao giờ chiếm được hơn 2% hoặc 3% dân số nói chung. Còn nếu smartphone trở thành thiết bị trung tâm của hệ sinh thái này, các công ty phần mềm sẽ nhanh chóng được tiếp cận với hàng triệu, thậm chí là cả trăm triệu khách hàng.

Người ta tin rằng sự thay đổi này sẽ khiến thị trường sức khỏe số được mở rộng hơn. Hiện tại hầu hết người sử dụng những chiếc wearable đều là những người thích trải nghiệm sớm, những người thích công nghệ hoặc những người trẻ muốn tối ưu hóa việc luyện tập của mình. Nếu đưa thêm smartphone vào hệ sinh thái này, nhóm khách hàng sẽ mở rộng sang những người lớn tuổi hơn, những người ít đam mê công nghệ hơn. Đây cũng là một chuyện dễ hiểu bởi vì hầu hết những khách hàng phổ thông sẽ không chịu học cách ghép đôi vòng đeo tay với điện thoại hay mày mò hàng chục app khác nhau. Thế nhưng, họ sẽ chấp nhận việc chạy một phần mềm nào đó được cài sẵn trên điện thoại.

Apple.

Nếu như nền tảng để theo dõi, phân tích và ghi nhận dữ liệu sức khỏe được đưa vào chiếc smartphone mà mọi người vẫn bỏ trong túi mỗi khi ra ngoài đường thì những loại app nào sẽ giành vị trí hàng đầu? Julie Ask nghĩ rằng những app thành công chính là những app tạo được sự tương tác với cộng đồng. Ví dụ, những game hiện nay có chế độ chơi online và chia sẻ điểm thường thu hút được nhiều người tham gia và thời gian họ dành để chơi cũng lâu hơn. Con người bị ám ảnh bởi việc cạnh tranh, thế nên nếu bạn có thể chia sẻ dữ liệu tập luyện của mình cho người khác xem thì họ sẽ phấn đấu để vượt qua bạn, từ đó dẫn đến việc họ sẽ dùng phần mềm nhiều lần hơn, lâu hơn.

Đối với các nhà phát triển phần mềm, Apple và Google đang hứa hẹn về một thế giới, nơi mà các app sức khỏe có thể nói chuyện với nhau một cách dễ dàng, từ đó cung cấp một hồ sơ hoàn chỉnh hơn về người sử dụng. Đồng sáng lập kiêm CEO của MyFitnessPal, Mike Lee, cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng giúp bạn thay đổi lối sống của mình và cải thiện sức khỏe. Càng nhiều dữ liệu mà chúng tôi có được thì chúng tôi càng có bức tranh rõ ràng hơn về tình hình của bạn, đồng thời nâng cao việc đề xuất chế độ dinh dưỡng". Đối với MyFitnessPal, việc quan trọng nhất không phải là truy cập được vào những dữ liệu chạy bộ hay đi ngủ của bạn trong thời gian gần đây mà phải là những dữ liệu về y tế khác nữa.

Một quả "táo" mỗi ngày

Vào năm 2008, Google ra mắt Google Health, một dự án giúp người dùng dễ dàng tổng hợp và truy cập dữ liệu y tế của mình chứa ở nhiều nơi khác nhau bởi nhiều nhà cung cấp khác nhau. Thật không may, dự án đã không thành công như mong đợi và Google đã khai tự nó hồi tháng 1 năm 2013. Dự án mới của công ty, Google Fit, thì lại đi theo một hướng khác. Có lẽ hai đồng sáng lập Larry và Sergey đang cố gắng đâm thủ được một ngành kinh doanh vốn bị kiềm kẹp bởi rất nhiều quy định, thế nên họ sẽ tập trung vào việc cung cấp các thông tin về tình hình luyện tập, chế độ dinh dưỡng chứ không phải là những dữ liệu phức tạp như dự án Health trước đây.

Trong khi đó, Apple thì ngược lại. Hãng đã sẵn sàng bắt tay với các bác sĩ, các công ty cung cấp dịch vụ y tế, và tính đến giờ thì họ đã xây dựng được một liên minh khá mạnh mẽ. Tại sự kiện WWDC 2014 mới diễn ra, Apple đã công bố việc hợp tác cùng với Epic, một dịch vụ hiện đang quản lý hơn 51% số hồ sơ bệnh án tại Mỹ. Chỉ với một thỏa thuận mà Apple đã có thể "hút" được dữ liệu sức khỏe của hơn phân nửa số bệnh nhân người Mỹ. Khi được triển khai thực tế, các bác sĩ của những bệnh nhân này có thể thấy được điều gì đang diễn ra với người bệnh giữa những lần thăm khám. Iltifat Husain, biên tập viên của iMedicalApps, nhận xét: "Nhiều y bác sĩ sẽ thích việc chạm vào một tab trong ứng dụng, sau đó một biểu đồ đẹp mắt hiện hữu để biểu thị huyếp áp của bệnh nhân trước khi người đó ghé qua phòng khám". Hiện tại, những dữ liệu dạng này thường được ghi nhận bởi chính bệnh nhân, thế nên việc theo dõi và điều trị của các bác sĩ thường gặp nhiều khó khăn, nhất là khi dữ liệu không được chính xác.
health_third_party_apps.

Hạn chế đối với những người làm trong ngành y đó là họ phải tự mở bản thân mình để tiếp cận với một lượng dữ liệu khổng lồ. Vấn đề về tính thực tế của dữ liệu cũng như khối lượng dữ liệu sẽ là hai thách thức lớn. Các y bác sĩ sẽ thắc mắc: "Liệu tôi có cần hết những thông tin này trong biểu đồ hay không? Tôi có tin nó hay không? Nếu dữ liệu sai thì tôi có bị kiện không, hoặc tôi có bỏ sót thông tin nào không?".

Mặc cho những khó khăn nói trên, chúng ta có thể tin rằng càng ngày sẽ có càng nhiều bác sĩ và bệnh viện sử dụng sự phong phú của dữ liệu sức khỏe được thu thập bằng các app hoặc thiết bị di động. Nếu bệnh nhân ít bị bệnh hơn, ít phải tái khám hơn, các bệnh viện đã cho thấy sự hiệu quả trong công tác chữa bệnh để rồi nâng cao danh tiếng cho chính bản thân họ. Về mặt tài chính, những công ty cung cấp dịch vụ y tế sẽ được hưởng lợi. Điều cốt lõi đó là phải hiểu được tình trạng của bệnh nhân ra sao giữa các lần khám một cách liên tục.

Bay lên bầu trời

Quay trở lại với anh chàng Mike Dittenber, hồi đầu tháng này, anh đã đi đến Michigan, lên một chiếc máy bay nhỏ và chuẩn bị cho ngày nhảy dù đầu tiên của mình. Máy bay càng lên cao, anh càng cảm thấy tim mình đập mạnh hơn. "Khi chúng tôi nhảy, chúng tôi đang ở trên những tầng mây, sau đó đáp xuống vùng vịnh bên dưới". Dittenber thốt lên: "Nó thật tuyệt vời".

Dittenber cho biết rằng trong suốt một năm sử dụng MyFitnessPal, nhiều bạn bè và thành viên trong gia đình anh cũng bắt đầu sử dụng app này theo sự dẫn dắt của anh. "Chúng tôi trao đổi công thức và gửi cho nhau những thông điệp tích cực. Khía cạnh xã hội của app thật sự rất hữu ích để giúp cho bản thân người dùng tiếp tục tập luyện". Bản thân Dittenber thì đang hứng thú với một thế giới mà mọi người dùng smartphone có thể dễ dàng truy cập dữ liệu sức khỏe và tập luyện, đồng thời chia sẻ các thông tin đó cho bác sĩ. "Khi bạn thật sự biết những thứ gì bạn đang đưa vào cơ thể, bạn tập luyệt bao nhiêu chứ không chỉ nói về những thứ phỏng chừng chung chung, bạn thật sự có một cảm giác kiểm soát thực tế".

Apple_Healthkit.

Đối với những công ty đã, đang hoặc sẽ tiến vào lĩnh vực kinh doanh còn mới mẻ này, trải nghiệm của Dittenber là một tín hiệu cho thấy sự thay đổi có thể xảy ra trên diện rộng, đi kèm theo đó là những tiềm năng to lớn về mặt tài chính. Khi mà mỗi người đi bộ đều có một thiết bị có khả năng theo dõi nhịp tim hay các hoạt động thường ngày, chúng ta sẽ tiếp cận được với những cơ hội đáng kinh ngạc mà chưa người nào từng tưởng tượng ra.

Nguồn: The Verge

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Câu chuyện về Sundar Pichai, người đàn ông có quyền lực cao nhất trong thế giới di động

Sundar_Pichai_Google_Android.

Sundar Pichai, tên đầy đủ là Pichai Sundararajan, hiện đang giữ chức phó chủ tịch cấp cao của Google chịu trách nhiệm quảng lý ba mảng Android, Chrome và Google Apps. Đây đều là những lĩnh vực kinh doanh cực kỳ quan trọng đối với Google và cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển của công ty trong thế giới công nghệ. Đặc biệt, với việc giám sát quá trình phát triển Android, hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, Pichai đã trở thành một người có quyền lực cao nhất hiện nay trong lĩnh vực mobile. Trong bài này, mời các bạn cùng xem quyền lực đó như thế này, Pichai là ai và làm thế nào ông đã đạt được thành công như ngày nay.

Quyền lực của Pichai


Tại triển lãm CES vào tháng Một vừa qua, Samsung đã giới thiệu một giao diện mới dùng cho các máy tính bảng của mình: Magazine UX. Đây là một giao diện mới lại mô phỏng lại cách dàn trang của một quyển tạp chí và người dùng có thể nhấn vào các video, bài báo cùng nhiều loại nội dung khác. Đây cũng là cách mà các nhà sản xuất thường làm, họ muốn thiết bị phải mang đặc trưng của riêng mình.

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra dễ dàng như vậy với Google. Magazine UX khiến các dịch vụ của Google bị chiềm đi so với những ứng dụng và giao diện của Samsung. Chưa hết, người dùng lẫn các lập trình viên phải học thêm một cách dùng mới đối với thiết bị do hãng điện tử Hàn Quốc sản xuất. Nói cách khác, Samsung đã đưa Google ra phía sau lưng mình. Chính vì thế, Sundar Pichai, trưởng bộ phận Android tại Google, phải ra tay giải quyết vấn đề.

NotePRO+3.

Pichai đã có một số cuộc họp với J.K. Shin, CEO của Samsung Mobile Communications, tại khách sạn Wynn ở Las Vegas, tại văn phòng của Google và sau đó là ở hội nghị MWC 2014 diễn ra một tháng sau đó. Pichai cho biết họ đã có một số cuộc nói chuyện "thẳng thắng" về Magazine UX, và sau đó, vết rạn nứt đã được nối lại. Samsung đồng ý giảm "quy mô" của Magazine UX trên các sản phẩm tương lai. Đôi bên còn tiến xa hơn khi mới đây, Google và Samsung đã cùng nhau công bố một thỏa thuận bản quyền chéo. Pichai cho biết: "Giờ đây chúng ta làm việc cùng nhau một cách chặt chẽ nhất từ trước đến nay để xây dựng trải nghiệm người dùng tốt".

Thanh tìm kiếm, Chrome và Android

Mười năm về trước, Pichai, một người có quê tại Ấn Độ, đang là quản lý một sản phẩm tại Google. Nhiệm vụ của ông đó là phát triển các tính năng liên quan đến hộp tìm kiếm nhỏ nhỏ nằm ở góc trên bên phải trình duyệt. Sau đó, ông thuyết phục sếp của mình tiến vào cuộc chiến trình duyệt với Chrome, và theo thời gian phần mềm này đã trở nên cực kì phổ biến, để rồi Google bắt đầu cho ra đời cả một hệ điều hành Chrome OS được xây dựng xung quanh Chrome.

Song song đó, Pichai cũng lãnh nhiệm vụ giám sát việc phát triển Gmail và Google Docs trong năm 2011. Tới năm 2013, CEO Larry Page giao cho Pichai quản lý mảng Android, và điều đó khiến ông trả thành người đàn ông có tiếng nói mạnh mẽ nhất thế giới trong thị trường di động. Pages nhận xét Pichai có "kiến thức kĩ thuật chuyên sâu, một con mắt sản phẩm tốt, và một đầu óc kinh doanh sáng suốt. Đây là một sự kết hợp hiếm thấy, và điều đó làm cho ông trở thành một người lãnh đạo tuyệt vời".

Đến thời điểm hiện tại Google không nói nhiều về lợi nhuận mà hãng thu được từ Android, thế nên các nhà phân tích trên khắp thế giới phải rất vất vả trong việc đưa ra các con số ước tính. Dù gì đi nữa thì hệ điều hành này cũng cực kì quan trọng với Google và nó có công lớn trong khoảng doanh thu 60 tỉ USD của hãng tính riêng trong năm 2013. Nó cũng đang chạy trên 1,2 tỉ thiết bị trên toàn thế giới, một con số khổng lồ và đáng mơ ước đối với bất kì nền tảng nào. Càng nhiều người xài Android, Google càng có nhiều tiền hơn.


Quản lý Android có thể là việc khó khăn nhất tại Google. Mỗi hãng sản xuất tham gia vào thế giới Android phải cân bằng lợi ích với Google. Phần mềm này lại là mã nguồn mở, thế nên ai ai cũng thế sử dụng các đoạn mã cho mục đích của riêng mình. Google phân phối Android miễn phí, bù lại các công ty sẽ chia sẻ lợi nhuận với Google và đặt các dịch vụ như Google Search, Maps lên hàng đầu.

Samsung không phải là công ty duy nhất có mối quan hệ phức tạp với Google. Những tên tuổi như Amazon và Nokia tùy biến lại Android nhiều đến mức khách hàng đôi khi còn không biết là họ đang xài Android. Chưa hết, giới lập trình viên cũng nhiều lần than phiền rằng họ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển cho một thế giới Android cực kì đa dạng với nhiều smartphone, tablet đủ kích cỡ, chủng loại.

CEO của Apple, Tim Cook, từng nói tại hội nghị WWDC 2014 rằng Android bị ảnh hưởng rất nhiều từ vấn đề bảo mật và phân mảnh, ngoài ra việc các hãng phần cứng cập nhật không kịp các bản Android mới cũng khiến trải nghiệm người dùng bị giảm sút. Phản hồi lại, Pichai cho biết: "Thật sự Apple phải thức tỉnh và nghĩ về thiết bị của họ, phần mềm của họ. Họ phải nghĩ về việc xây dựng một nền tảng và đưa càng nhiều người lên cuộc hành trình này càng tốt. Tôi tin rằng cuối cùng thì đây sẽ là một phương thức mạnh mẽ, và tất nhiên nó cũng sẽ rất căng thẳng".

Vài dòng về quá khứ của Pichai

Ông được sinh ra ở Chennai, một thành phố 4 triệu dân nằm ở khu vực phía nam Ấn Độ thuộc bang Tamil Nadu. Mẹ của ông là một người viết tốc kí trước khi có con, còn cha của Pichai là kĩ sư điện cho tổ hợp công nghiệp anh GEC, đồng thời quản lý một nhà máy sản xuất các linh kiện điện. Regunatha Pichai, cha của Sundar Pichai, chia sẻ: "Tôi từng về nhà và nói chuyện với nó khá nhiều về ngày làm việc của tôi và những khó khăn mà tôi phải đối mặt. Ngay cả ở tuổi nhỏ, Sundar đã tò mò về công việc của tôi. Tôi nghĩ nó đã bị thu hút bởi công nghệ.

Gia đình 4 người của ông sống trong một căn họ 2 phòng. Sundar và người em của mình phải ngủ trong phòng khác. Trong suốt tuổi thơ của mình, Pichai không có dịp sở hữu TV hay xe hơi. Để di chuyển, anh thường chọn bắt xe buýt đông đúc hoặc sử dụng chiếc scooter Lambretta màu xanh của gia đình. Chiếc xe này phải chở đến 4 người: ông Regunatha lái, Sundar đứng phía trước, còn mẹ và em thì ngồi ngoài sau.

Sundar có được chiếc điện thoại đầu tiên của mình vào năm ông 12 tuổi. Nó là một chiếc điện thoại quay số, và chính thiết bị này đã cho chàng trai trẻ tuổi thấy được sự tiện lợi của công nghệ. Cũng thông qua sản phẩm này, Sundar phát hiện ra rằng mình có thể nhớ mọi số liên lạc từng gọi. "Tôi không chắc rằng tài năng này là hữu ích". Thế nhưng, giờ đây nó đã thật sự giúp Sundar ở vai trò điều hành Google: ông là một trong số ít những người có thể nhớ rất nhiều số liệu. Alan Eustace, phó chủ tịch mảng kĩ thuật, nhớ lại rằng trong một buổi họp gần đây về sự gia tăng của các lượt tìm kiếm bằng giọng nói, Sundar đã khiến mọi người ngạc nhiên. "Đó là lĩnh vực của tôi", Eustace cho biết, "và anh ấy biết những con số mà tôi chẳng biết".

Pichai học giỏi ở trường và được nhận vào Học viện Công nghệ Ấn Độ để theo đuổi tấm bằng kĩ sư. Sau khi tốt nghiệp, ông giành được học bổng ở Đại học Standford để học khoa học vật liệu và vật lý bán dẫn. Thế nhưng để bay sang Mỹ học cũng là cả một sự cố gắng vượt bậc. Cha của Pichai đã cố gắng vay mượn tiền để trả cho vé máy bay cũng như các chi phí khác. Khi mượn tiền không kịp, ông phải rút 1000$ từ tài khoản tiết kiệm của gia đình, và con số này cao hơn cả lương mỗi năm của ông. "Cha và mẹ tốt đã làm giống như nhiều bậc phụ huynh khác vào lúc đó. Họ sẵn sàng hi sinh rất nhiều thứ trong cuộc sống và sử dụng một khoảng lớn tiền tiết kiệm nhằm đảm bảo rằng con cái họ được giáo dục".

feat_Pichai27__07__630.
Pichai và vợ tại New York năm 2002

Pichai còn dự tính sẽ lấy một tấm bằng tiến sĩ ở Standford và theo đuổi con đường học thuật, thế nhưng ông đã làm cho cha mẹ mình hoảng sợ khi quyết định dừng học để đi làm kĩ sư và quản lý sản phẩm cho Applied Materials, một công ty bán dẫn tại khu vực Thung lũng Silicon. Sau khi có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường kinh doanh Wharton hồi năm 2002 song song với việc làm tư vấn viên cho McKinsey, Pichai về với Googleplex vào ngày 1/4/2004. Đúng hôm đó, Google đã triển khai Gmail, một dịch vụ email nền web miễn phí. Pichai cho biết rằng lúc đó ông vẫn tưởng rằng đây là một trong số những trò đùa của Google nhân ngày Cá tháng Tư.

Làm việc tại Google

Pichai tham gia một nhóm nhỏ làm việc với thanh công cụ tìm kiếm của Google. Nó được phát triển dành cho người dùng Internet Explorer và Firefox, hai trình duyệt phổ biến nhất thời bấy giờ. Ông đề xuất rằng Google nên tự mình làm trình duyệt và có được sự ủng hộ từ hai đồng sáng lập công ty, tuy nhiên lại gặp phải chướng ngại là CEO đương thời Eric Schmidt. Schmidt nghĩ rằng việc nhảy vào cuộc chiến này là một sự phân tâm mà Google sẽ phải trả giá đắt. Thế nhưng cuối cùng Chrome cũng đã chứng minh được rằng phần mềm này rất nhanh và dễ dùng, đồng thời giúp người truy cập trực tiếp vào bộ máy tìm kiếm của Google để rồi dẫn đến doanh thu cao hơn cho tập đoàn. Chrome hiện đang nắm thị phần 32% trên điện thoại và PC, dẫn trước Internet Explorer, Firefox và Safari, theo số liệu từ Adobe.

Ngay cả tham vọng của Pichai trong việc xây dựng hệ điều hành đám mây Chrome OS cũng cho thấy nhiều điều hứa hẹn mặc cho thị trường PC đang vô cùng ảm đạm. Chromebook dẫn dắt người dùng tiếp cận với Internet một cách tích cực, kể cả việc lưu dữ liệu. Khi Chrome OS được công bố lần đầu tiên vào năm 2011, một hệ điều hành dựa hoàn toàn vào đám mây như thế này đã bị nhiều người chê bai, thế nhưng trong năm ngoái gần 21% laptop được bán ra tại Mỹ là Chromebook. Nói cách khác, Pichai đã thiết lập nên một nhóm vững mạnh trong Google có khả năng liên kết với nhiều đối tác phần cứng lẫn phần mềm. Những kĩ năng quản lý trong quá trình này cũng giúp Pichai nhiều trong việc quản lý Android.

Chiếc điện thoại Android đầu tiên ra mắt năm 2008, hơn 1 năm sau khi iPhone xuất hiện. Nó là chiếc T-Mobile G1, được sản xuất bởi HTC và chỉ chạy trên mạng T-Mobile của Mỹ. Nó có màn hình trượt ngang và một bàn phím QWERTY vật lý nhằm cạnh tranh được không chỉ với iPhone mà còn với BlackBerry. Chỉ 3 năm sau, Android đã có một bộ mặt khác hẳn, giao diện hiện đại hơn, thiết bị đa dạng hơn và thị phần thì tăng nhanh.

Khi nói về mối quan hệ giữa mình với cha đẻ của Android, ông Andy Rubin, Pichai cho biết: "Thậm chí chẳng có riêng tư. Chúng tôi có một tình bạn tốt, nhưng chúng tôi không quá thân thiết. Andy giữ riêng cho mình những suy nghĩ về mọi vật xung quanh. Theo ý của tôi thì ở mức cơ bản nhất, đây là cách mà ảnh ấy làm việc. Andy có một kết hoạch và một chiến lượng, thế nhưng nó luôn nằm trong đầu của anh ta".

ios-android.

Năm 2013, Android đã thắng lên trên thị trường smartphone nhưng lại thất bại ở các lĩnh vực mới hơn. iPad của Apple thống trị mảng máy tính bảng, Google TV thì không được ưa chuộng. Thế nên đầu năm ngoái, CEO Larry Page nói với Rubin rằng ông cần tích hợp Android với phần còn lại của Google. Rubin lúc đầu đồng ý, nhưng sau đó đổi ý và cho biết rằng ông không thể làm được điều đó. Ông từ chức khỏi vị trí giám sát toàn bộ mảng Android, tuy nhiên Rubin vẫn còn ở lại Google để làm việc với những dự án robot bí mật. Một nguồn tin nội bộ từng tiết lộ rằng việc kí đơn từ chức của Rubin là quyết định khó khăn nhất mà Page phải đưa ra kể từ khi ông nhận lại chức CEO ba năm trước. Page sau đó đã trao quyền hành về Android lại chi Pichai.

Pichai nhớ lại nhiệm vụ đầu tiên của ông đó là không làm tổn hại đến hệ điều hành này. "Tôi đã lo lắng về việc làm gián đoạn công việc của mọi người". Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Pichai đã nhanh chóng mở cánh cửa giữa Android với các sản phẩm Google khác. Ông thúc đẩy sự phát triển của Google Now, tính năng thông minh giúp hiển thị tính năng tùy theo ngữ cảnh. Rubin đã giới thiệu nó, còn Pichai đã tạo nên sự thống nhất giữa Now với các dịch vụ khác mà Google cung cấp.

Bên cạnh đó, Pichai còn quyết định sẽ đầu tư nguồn lực thêm cho dự án Svelte nhằm cắt giảm Android để nền tảng này có thể chạy trên các thiết bị tầm thấp và có giá rẻ. Điều đó có nghĩa là lập trình viên sẽ không phải tạo ra nhiều phiên bản cho ứng dụng của mình để tương thích với các điện thoại rẻ tiền. Pichai cũng "khai tử" một dự án xây dựng biến thể Android dành riêng cho laptop có màn hình cảm ứng bởi vì dòng thiết bị này sẽ xung đột với Chromebook. Thay vào đó, Pichai hướng Android vào các lĩnh vực mới và có tiềm năng hơn như Smart TV và thiết bị đeo được.

Ông cũng là người giúp hoàn tất thương vụ Google mua lại công ty cung cấp cảm biến nhiệt độ thông minh Nest hồi tháng Một năm nay, để rồi sau đó cho dừng nhiều dự án nhỏ liên quan đến căn hộ thông minh chạy Android và chuyển trách nhiệm phát triển sang cho đội ngũ Nest.

Pichai cũng cố gắng cải thiện mối quan hệ giữa Google với các đơn vị khác. Hồi tháng 4/2013, ông cùng với Larry Page và trưởng bộ phận kinh doanh Nikesh Arora đã bay đến Hàn Quốc để gặp ban quản trị Samsung, đồng thời ghé thăm nhà máy của hãng. Trong chuyến đi, ông nói: "Tôi nghĩ rằng có khá nhiều khao3ng cách hơn những gì tôi muốn có trong một mối quan hệ. Tôi muốn một phương thức giao tiếp gần gũi hơn và trực tiếp hơn".

Khi được hỏi về Tizen, nền tảng di động mà Samsung đang hợp tác phát triển với Intel và nhiều công ty khác, Pichai chia sẻ: "Tôi xem Tizen là một lựa chọn mà người ta có thể có. Chúng ta cần đảm bảo rằng Android là một lựa chọn tốt hơn". Hiện Tizen OS chỉ mới được dùng trên những chiếc đồng hồ Samsung Gear cùng với chiếc điện thoại Samsung Z mà thôi. Chúng ta có thể nói rằng mối quan hệ giữa Google và Samsung không hoàn hảo, tuy nhiên ít ra nó đang ở một vị thế tốt. Chung quy lại thì cả hai vẫn cần có nhau để tiếp tục tồn tại và phát triển trong thời đại ngày nay.

Về công việc của Pichai tại Google, Pichai là một người rất được yêu mến. Caesar Sengupta, một phó chủ tịch từng làm việc với Pichai trong vòng 8 năm qua, cho biết: "Tôi thách bạn tìm được một người nào đó ở Google không thích Sundar hoặc một người nào đó nghĩ Sundar là một tên khốn". Cá nhân ông là một người nói năng nhỏ nhẹ và không khoa trương, tuy nhiên cũng có những lúc ông không nói mạch lạc lắm.

Kết

Như đã nói ở trên, việc dẫn dắt việc phát triển của cả một hề điều hành đã là không dễ dàng, chưa nói đến việc nó là nền tảng di động phổ biến nhất hiện nay với sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn công ty lớn nhỏ khác nhau cùng chia sẻ lợi ích với Google. Thế nhưng, Sundar Pichai là một trong số ít người có khả năng làm việc đó, và tính đến thời điểm hiện tại ông vẫn đang làm rất tốt trách nhiệm của mình. Hi vọng Pichai sẽ tiếp tục phát huy khả năng lãnh đạo tốt, từ đó đưa Android lên một tầm cao mới, và tiếp tục xứng danh là người đàn ông có quyền lực nhất trong thế giới di động.

Nguồn: Business Week

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Apple đã bán được 800 triệu thiết bị iOS, thêm 130 triệu người dùng iOS mới trong năm ngoái

Đúng theo truyền thống, tại buổi khai mạc sự kiện WWDC 2014, CEO của Apple là Tim Cook đã công bố một số thông tin liên quan đến tình hình kinh doanh của hãng. Theo đó, Apple đã bán được tới 800 triệu thiết bị iOS tính đến thời điểm này, và trong năm vừa qua thêm 130 triệu người đã lần đầu tiên mua một thiết bị iOS.

610_Screen_Shot_2014-06-03_at_12.46.07_AM.


Trong số 800 triệu thiết bị iOS bán ra thì có 100 triệu chiếc iPod touch, 200 triệu chiếc iPad và hơn 500 triệu iPhone. Tính từ cuối tháng 09/2013 thì số máy iOS bán ra đã tăng thêm hơn 100 triệu thiết bị. Kể từ khi iOS 7 được ra mắt vào tháng 09/2013 thì số người dùng nâng cấp lên hệ điều hành mới là hơn 89%, một tỉ lệ cao hơn rất nhiều nếu so với nền tảng Android 4.4 KitKat, chỉ 9%.

617_Screen_Shot_2014-06-03_at_12.48.19_AM.


Về mảng máy tính xách tay thì doanh số máy Mac đã tăng thêm 12%, trong khi PC giảm 5%. Số máy Mac bán ra hiện đạt mốc 80 triệu máy, với hơn một nửa trong số đó chạy phiên bản hệ điều hành Mavericks.

Screen Shot 2014-06-03 at 1.23.34 AM.


Về App Store, Tim Cook cho biết hiện cửa hàng này đã có hơn 1,2 triệu ứng dụng, với 75 tỉ lượng tải về kể từ khi ra mắt. Hàng tuần có khoảng 300 triệu người ghé thăm App Store.

WWDC 2014 là kỷ niệm lần thứ 25 Apple tổ chức một hội nghị như vậy. Năm 1990, chỉ có 1.300 lập trình viên đăng ký với Apple, nhưng đến hiện tại thì đã có hơn 9 triệu người đăng ký - 50% trong số đó chỉ vừa đăng ký một năm trước.

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Sẽ có video tường thuật trực tiếp sự kiện WWDC 2014, có thể xem trên các máy Apple hoặc Windows

Screen Shot 2014-05-28 at 12.55.08 AM.

Bên cạnh việc xem tường thuật trực tiếp sự kiện WWDC 2014 của Apple qua Tinh Tế, những bạn nào có xài Apple TV thế hệ hai trở đi (có cài đặt phần mềm phiên bản 5.0.2 trở lên) cũng có thể theo dõi thông qua một kênh riêng. Apple sẽ bắt đầu trình chiếu trực tiếp toàn bộ buổi lễ thông qua một kênh trên Apple TV, tất nhiên là chất lượng hình ảnh sẽ đạt mức HD. Ngoài ra, bạn nào dùng iPhone hay iPad chạy iOS 4.2 trở lên hoặc MacBook dùng OS X 10.6 về sau có thể xem trực tiếp WWDC 2014 qua Safari (Safari v4.0+). Ai không có thiết bị Apple, dùng các máy Windows thì phải cài đặt QuickTime 7 để xem. Tất cả sẽ được chiếu trên trang event của Apple.

Trước đây thì Apple đã stream video theo hình thức này với WWDC 2013 và một lần thử nghiệm trước đó. Với việc tiếp tục truyền tải video trực tuyến về WWDC 2014 cho người dùng các thiết bị Apple, hay máy Windows, có vẻ như từ nay trở đi, tất cả sự kiện WWDC thường niên sẽ được Apple áp dụng phương thức trình chiếu này.

Sự kiện WWDC 2014 của Apple sẽ bắt đầu diễn ra từ 0h ngày 3/6 (giờ Việt Nam). Tinh Tế sẽ đưa những thông tin mới nhất đến với các bạn.


Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Mong đợi gì ở Apple tại sự kiện WWDC 2014 diễn ra vào tuần sau?

140403_wwdc_2014.
Sự kiện Worldwide Developers Conference (WWDC) 2014 sẽ được Apple tổ chức từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 6 năm nay. Đây là dịp để Apple giới thiệu những sản phẩm và công nghệ mới của hãng, đồng thời phát hành một số bản thử nghiệm của các hệ điều hành iOS và OS X. Hội nghị dành cho lập trình viên này cũng sẽ được hãng tận dụng để giới thiệu những cách thức, những nền tảng mới phục vụ cho việc xây dựng ứng dụng dành cho hệ sinh thái của Apple. Vậy khi WWDC diễn ra vào tuần sau, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ được thấy những gì?

1. iOS 8

Một số nguồn đáng tin cậy từng tiết lộ rằng iOS 8 sẽ không có nhiều cải tiến về mặt thiết kế như hồi iOS 7 được công bố. Thay vào đó, những điểm mới trên iOS 8 nhắm đến việc cải thiện trải nghiệm và giao diện hiện tại để góp phần làm cho iOS trở nên hoàn chỉnh hơn. Tất nhiên, thiết kế phẳng với các thành phần trong suốt hoặc bán trong suốt cùng màu sắc nổi bật sẽ tiếp tục là chủ đề được Apple duy trì cho cả các ứng dụng hệ thống lẫn ứng dụng bên thứ ba. Như mọi năm, chúng ta có thể sẽ được thử nghiệm bản beta của iOS 8 ngay vào những ngày đầu tháng 6.

Nói đến tính năng, iOS 8 được cho là sẽ có một phần mềm mang tên Healthbook. App này được cho là sở hữu thiết kế tương tự như ứng dụng Passbook hiện tại của Apple với các thẻ màu khác nhau, mỗi thẻ sẽ tương ứng với một chức năng nhất định như đo nhịp tim, huyết áp, xem mức độ mất nước, chế độ dinh dưỡng, các hoạt động thể thao, lượng đường trong máu, nhịp hô hấp, độ bão hòa oxy trong máu, theo dõi thói quen giấc ngủ và cân nặng. 9to5Mac cho biết người dùng có thể sắp xếp lại các thẻ này theo ý thích của mình.

HealthBook.

Ngoài ra, Apple cũng được cho là sẽ mở Siri ra cho các lập trình viên bên thứ ba sử dụng, từ đó đưa Siri lên ngang hàng với Cortana của Microsoft xét về độ mở. Khả năng nhận diện giọng nói và tốc độ xử lý ngôn ngữ tự nhiên của "cô trợ lý ảo" này cũng sẽ nhanh hơn. Phần mềm bản đồ thì tiếp được hoàn thiện, còn ứng dụng iTunes Radio thì sẽ trở thành một app riêng thay vì chỉ là một phần của ứng dụng Music như hiện nay. Chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào vài ứng dụng mới nữa, bao gồm TextEdit (trình biên tập văn bản), Preview (trình xem ảnh, PDF và một số loại tập tin khác), Watch Utility (công cụ để kết nối với đồng hồ?), Tips (thủ thuật, hướng dẫn sử dụng máy).

iOS_8.

Một điểm đáng lưu ý dành cho người dùng iPad, đó là iOS 8 sẽ hỗ trợ chế độ đa nhiệm theo kiểu chia màn hình. Tin đồn nói rằng tính năng này sẽ chỉ được kích hoạt khi người dùng xoay ngang iPad và không áp dụng cho iPhone hay iPod Touch. Ngoài việc mở hai ứng dụng cùng lúc, người dùng còn có thể kéo thả nội dung (văn bản, video, hình ảnh...) từ app này sang app khác. Để dùng được tính năng này, lập trình viên sẽ phải thiết kế phần mềm của mình theo một số quy chuẩn nhất định, và chỉ khi đó các app mới có thể kéo thả dữ liệu qua lại.

Apple cũng được cho là đang phát triển một hệ thống thanh toán của riêng mình để tận dụng khả năng của cảm biến Touch ID. Tuy nhiên, không chắc là dịch vụ này sẽ được công bố ở WWDC 2014.

Xem thêm: Một số dự đoán về các thay đổi trên iOS 8

2. OS X 10.10

Hiện chúng ta không có nhiều thông tin rò rỉ về hệ điều hành dành cho máy tính của Apple. Chưa biết chắc hãng sẽ làm gì với OS X, tuy nhiên rất có khả năng hãng sẽ thiết kế lại nền tảng này theo phong cách phẳng tương tự như iOS 7 (mặc dù những điểm cải tiến sẽ không nhiều như iOS). Đã một thời gian dài giao diện của OS X không thay đổi nhiều nên việc Apple làm mới nó là điều chúng ta có thể kỳ vọng. Trong suốt những năm qua Apple cũng đã nỗ lực mang những tính năng của iOS lên OS X và ngược lại với mong muốn tạo ra một trải nghiệm thống nhất xuyên suốt giữa PC và thiết bị di động.

Cũng giống với iOS, Apple thường có thông lệ ra mắt bản beta của OS X mới ngay trong lúc WWDC đang diễn ra hoặc sau đó vài hôm. Chúng ta hãy chờ xem sao.

OS_X_10_10.
Một ý tưởng thiết kế về OS X 10.10

3. Thương vụ với Beats Electronics

Hồi đầu tháng 5, tờ Financial Times cùng nhiều nguồn tin khác nói rằng Apple đang trong giai đoạn đàm phán để mua lại hãng âm thanh Beats Electronics với giá 3,2 tỉ USD. Nếu thương vụ này có thực thì nó sẽ là động thái mua bán, sáp nhập lớn nhất mà Apple từng thực hiện, đồng thời cũng là thương vụ lớn đầu tiên dưới thời CEO Tim Cook. Không loại trừ tình huống Apple sẽ công bố chính thức về dự định này tại WWDC 2014.

Vậy Apple mua Beats để làm gì? Có thể Apple đang muốn củng cố sức mạnh của mình trong các mảng đó vì hãng cũng đang sở hữu những sản phẩm liên quan bao gồm điện thoại iPhone, máy nghe nhạc iPod, máy tính Mac và các dịch vụ trực tuyến của iTunes. Ngoài ra, Beats còn đang sở hữu dịch vụ truyền nhạc online mang tên Beats Music, vốn là mảng kinh doanh mà Apple còn thiếu. Bạn có thể xem thêm chi tiết ở bài Vì sao Apple có ý định mua lại Beats?

[​IMG]

Tuy nhiên, mới đầu tuần này, theo trang tin Billboard, thương vụ đang bị trì hoãn bởi sự phức tạp trong việc thực hiện giao dịch. Cần nhắc lại rằng đây là động thái mua bán - sáp nhập lớn nhất của Apple từ trước đến nay và nó cũng là thương vụ lớn đầu tiên dưới thời CEO Tim Cook. Ngoài ra, việc tin đồn bị lộ ra ngoài quá sớm cũng ảnh hưởng đến quá trình thương thảo giữa hai bên. Billboard cũng nói thêm rằng dịch vụ nhạc trực tuyến Beats Music là một đơn vị kinh doanh riêng chỉ được Beats sở hữu một phần (ngoài ra còn có nhiều nhà đầu tư khác như Warner Music Group). Chính vì thế, trong trường hợp dịch vụ này là điểm mấu chốt mà Apple muốn thâu tóm từ Beats thì sẽ có bất đồng xảy ra liên quan đến số tiền mua lại.

4. Mac mini và iMac mới

Mac mini là một sản phẩm đã lâu rồi chưa được làm mới. Lần cuối cùng Apple cập nhật cấu hình cho mẫu máy tính nhỏ gọn này là vào tháng 10 năm 2012, tức đã gần hai năm trôi qua rồi mà Mac mini vẫn còn đang chạy những phần cứng thế hệ cũ. Chúng ta có thể kỳ vọng rằng trong tuần sau, Apple sẽ nâng cấp Mac mini với CPU Haswell, bộ xử lý đồ họa tích hợp Iris và kết nối Wi-Fi 802.11ac.
[​IMG]
Còn trên trang web chính thức của Apple, hãng đã tăng thời gian giao hàng của iMac từ 24 giờ trước đây lên thành 3 đến 5 ngày làm việc, cá biệt có một số model cấu hình cao thì lên đến 10 ngày. Một số nhà bán lẻ có kinh doanh iMac cũng đang giảm lượng tồn kho của mình bằng cách giảm giá bán máy. Tất cả những động thái này gợi ý rằng Apple sẽ làm mới dòng máy tính All-in-One của mình tại hội nghị WWDC 2014 diễn ra vào tuần sau. Nhưng nếu như vậy thì Apple đã phá vỡ truyền thống công bố iMac mới vào tháng 10 như hai năm trở lại đây. Hồi tháng trước hãng nghiên cứu KGI Securities cũng cho rằng có khả năng Apple đang chuẩn bị ra mắt iMac giá rẻ nhằm thu hút thêm người dùng đến với hệ sinh thái của mình. Chúng ta hãy chờ xem sao.

5. Nền tảng ngôi nhà thông minh

Tờ Financial Times mới đây tiết lộ rằng Apple sẽ giới thiệu một nền tảng ngôi nhà thông minh tại WWDC 2014. Nền tảng phần mềm này sẽ cho phép các công ty làm ra những sản phẩm tương thích với tính năng smart home của iPhone, ví dụ như bóng đèn điều khiển từ xa, hệ thống giám sát thông minh, máy điều hòa có kết nối mạng... Ngoài ra, Apple cũng sẽ đưa ra một số giới hạn liên quan đến quyền riêng tư cũng như tiêu chuẩn chất lượng cho tất cả những thiết bị này để đảm bảo người tiêu dùng sẽ có được trải nghiệm tốt với tính tương thích cao (tương tự như chương trình Made for iPhone). Tất cả đều nằm trong kế hoạch của hãng với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Internet of Things (IoT).
[​IMG]
Hiện chưa rõ tính năng thông minh nói trên sẽ hoạt động như thế nào, tuy nhiên nguồn tin lấy ví dụ rằng hệ thống đèn trong phòng có thể được tự động bật lên khi người dùng iPhone đi ngang qua một cánh cửa. Chúng ta cũng chưa biết rằng tính năng này sẽ có mặt trên những thiết bị cũ hay chỉ áp dụng cho những thế hệ iPhone mới sắp ra mắt. Được biết Apple đã bắt đầu nói chuyện với một số công ty sản xuất đồ gia dụng để chuẩn bị cho việc phổ biến nền tảng smart home này.

Vì đây là một thứ liên quan nhiều đến kĩ thuật, lại là một nền tảng phần mềm nên việc Apple giới thiệu hệ thống smart home của mình ở WWDC 2014 là chuyện rất hợp lý.

6. Những sản phẩm có thể không ra mắt tại WWDC 2014

Ở trên là những sản phẩm có khả năng cao là sẽ được ra mắt tại hội nghị lập trình viên thường niên của Apple, còn dưới đây là danh sách những sản phẩm khó có cơ hội xuất hiện tại WWDC năm nay.

TV của Apple

Chiếc TV này đã được đồn đại trong thời còn dài nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thấy nó xuất hiện trên thị trường. Mặc dù vậy, CEO Tim Cook từng khẳng định rằng TV vẫn đang là một lĩnh vực mà Apple cảm thấy hứng thú và nó là cách mà công ty có thể tiến sâu hơn vào phòng khách của người tiêu dùng, một nơi vốn đang bị chiếm lĩnh bởi các máy chơi game hoặc hệ thống giải trí do các công ty khác sản xuất.

Apple TV, chiếc hộp set-top box nhỏ nhỏ mà Apple đã ra mắt từ lâu chứ không phải cả một cái TV lớn, cũng có khả năng sẽ được làm mới trong năm nay bởi đã một thời gian dài rồi hãng chưa cập nhật phần cứng cho nó. Trong năm 2013, Apple đã làm việc để bổ sung thêm nhiều kênh video từ các công ty như WatchESPN, HBO, Vevo, Yahoo Screen, PBS cho Apple TV. Hãng cũng được cho là đang đàm phán với nhiều công ty khác để mở rộng việc cung cấp nội dung của mình. Tuy nhiên, tất cả những điều trên sẽ không xuất hiện ở WWDC, thay vào đó Apple TV có thể sẽ ra mắt vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay trong một sự kiện riêng.

apple-appletv12-channels-lg.

Đồng hồ thông minh iWatch

Trong năm 2013, CEO Tim Cook đã nhiều lần tiết lộ trước công chúng rằng Apple đang lên kế hoạch tham gia vào các thị trường mới mà trước đây hãng chưa từng bước chân vào. Tại cuộc họp cổ đông hồi quý 2 năm ngoái, Cook nói ông "thấy cơ hội lớn đang ở trước mắt" và đó là lý do mà Apple quyết định sẽ mở rộng mảng kinh doanh của mình.

Trong số những "thể loại thiết bị" mới thì một chiếc smartwatch do Apple làm ra có lẽ là thứ được nhiều người nhắc đến nhất. Với tên gọi được cho là "iWatch", chiếc đồng hồ này có khả năng hoạt động như những mẫu smartwatch hiện nay trên thị trường, bao gồm việc hiển thị thông báo từ điện thoại/máy tính bảng, trả lời hoặc từ chối cuộc gọi, đọc tin nhắn, email... iWatch có thể sẽ chạy một phiên bản thu gọn của iOS và cung cấp cả một số tính năng cơ bản của hệ điều hành này. Tin đồn còn nói thêm rằng iWatch sẽ được trang bị nhiều loại cảm biến sinh trắc học khác nhau, chẳng hạn như bộ đo nhịp tim.

Mới đây Apple cũng đã kí hợp đồng với công ty GT Advanced để tăng sản lượng và giảm giá thành của kính Sapphire. Ngoài việc ứng dụng cho điện thoại trong tương lai, người ta cũng nghi ngờ rằng động thái này là để chuẩn bị cho việc sản xuất số lượng lớn kính bảo vệ cho smartwatch của hãng. Hiện nay những mẫu đồng hồ cao cấp cũng được phủ một lớp Sapphire lên mặt kính để chống trầy xước đấy thôi.

Thế nhưng, lại một lần nữa, iWatch dường như sẽ không xuất hiện tại WWDC. Apple thường giới thiệu những sản phẩm bí ẩn dạng này vào cuối năm, tức khoảng tháng 9 và tháng 10. Cũng có thể hãng đang muốn "ém" iWatch để ra mắt nó cùng lúc với iPhone thế hệ mới chăng?

iPhone 6

Dạo gần đây có rất nhiều tin đồn nói rằng thế hệ iPhone kế tiếp sẽ sử dụng màn hình kích thước lớn hơn hẳn so với tầm nền 4" của iPhone 5. Apple được cho là đang thử nghiệm các bản mẫu iPhone 4,7" và 5,7" để đáp ứng nhu cầu về màn hình lớn đang ngày càng phổ biến của người tiêu dùng. Hiện nay các hãng sản xuất điện thoại Android hầu như đều có những chiếc smartphone màn hình lớn hơn 5", thậm chí là 6". Ngay cả Nokia cũng nhảy vào mảng phablet với Lumia 1520 chạy Windows Phone thì chuyện Apple cân nhắc trang bị màn hình to cho iPhone là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

iPhone_6.
Trước đây chúng ta có thông tin là iPhone 4,7" sẽ được ra mắt vào khoảng tháng 6, cùng lúc với WWDC, còn mẫu 5,7" thì đến tháng 9 mới lộ diện. Mặc dù vậy, nhiều nguồn tin trái chiều khác lại nói rằng Apple sẽ chỉ giới thiệu iPhone thế hệ mới vào tháng 9 mà thôi, thời điểm mà công ty có thể ghi nhận doanh số iPhone cao vượt bậc nhờ sức mua mạnh đến từ mùa lễ hội cuối năm.

MacBook Air màn hình 12"

MacBook Air mới sẽ có màn hình 12,2" thay cho 11,6" như hiện tại, đồng thời nâng cấp lên Retina và thay đổi về thiết kế, đó là khẳng định của một thành viên rất uy tín của diễn đàn WeiPhone. Anh này từng đưa ra các bức hình MacBook Pro Retina khi sản phẩm chưa được ra mắt. Thông tin cho biết MBA 12" mới sẽ không sử dụng quạt và bỏ luôn phím bấm trên trackpad hiện tại, thay vào đó Apple sẽ sử dụng toàn bộ bề mặt cảm ứng và bổ sung thêm một vài kỹ thuật tương tự như rung phản hồi (tactile feedback) để người dùng cảm nhận được khi chạm vào đâu đó.

Tuy nhiên, khả năng máy có mặt ở WWDC 2014 là khá thấp bởi Apple mới vừa cập nhật cấu hình cho MacBook Air 11" và 13" của mình, đồng thời giảm giá bán cho sản phẩm nữa. Cũng không loại trừ khả năng MacBook Air 12" sẽ chính là nhân tố khiến cho MacBook Pro Retina 13" bị sụt giảm doanh số nên Apple vẫn chưa vội đưa sản phẩm này ra thị trường.