Apple và Google dự tính sẽ thay đổi thị trường sản phẩm y tế - sức khỏe
như thế nào?
Mike Dittenber, một cây viết công nghệ hiện đang sống tại Michigan, Mỹ, vẫn luôn mơ ước được tham gia môn nhảy dù từ máy bay. Nhưng có một vấn đề: cân nặng của anh không cho phép. Tại thời điểm mập nhất, Dittenber có trọng lượng lên tới 143kg. Và khi anh đi gặp bác sĩ hồi đầu năm nay, anh lại tiếp tục nhận thêm tin không vui. Anh chia sẻ: "Tôi đã ngừng tập luyện một thời gian, nhưng cuối cùng phải tập lại. Hóa ra tôi bị béo phì ở cấp độ cao và bị bệnh cao huyết áp". Bác sĩ của Dittenber khuyên anh phải giảm cân một cách nhanh chóng nếu không anh sẽ phải dùng thuốc và tuân theo chế độ điều trị ngặt nghèo. "Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh", anh chia sẻ.
Dittenber đã thử qua Weight Watchers, một dịch vụ hỗ trợ giảm cân bằng cách đặt lịch hẹn chuyên gia hoặc tham khảo online, nhưng biện pháp này cũng không kéo dài lâu. Giờ đây, anh quyết định sẽ sử dụng MyFitnessPal, một ứng dụng di động giúp người dùng theo dõi lượng calorie đã đưa vào cơ thể cũng như quản lý việc tập luyện thể thao. App này đã trở thành một cách cổng bước vào thế giới của các sản phẩm kĩ thuật số hỗ trợ cho công tác chăm sóc sức khỏe. "Cuối cùng tôi mua một chiếc Fitbit bởi nó có thể ghép đôi với MyFitnessPal", anh nói. "Tôi nhận thấy rằng mình không ghét chạy bộ. Tôi không thích nó, nhưng tôi có thể làm được".
Sau đó, anh tiếp tục sử dụng thêm app Runkeeper để ghi nhận quãng đường đã chạy, kế tiếp là chiếc đồng hồ Garmin Forerunner 220 để giám sát nhịp tim và bước chạy. Kể từ khi bắt đầu sử dụng những phương tiện trên để theo dõi sức khỏe của mình hồi tháng 6 năm 2013, Dittenber hiện đã giảm được gần 50kg.
Việc sử dụng smartphone như một trung tâm theo dõi, phân tích dữ liệu sức khỏe như Dittenber đã trở thành một hiện tượng trên toàn cầu trong vài năm trở lại đây, thậm chí là một động lực đối với những người trước đây vốn lười tập luyện thể thao. MyFitnessPal, dịch vụ hiện có hơn 65 triệu người đăng kí sử dụng, là một trong số các app sức khỏe phổ biến nhất tính đến thời điểm hiện tại, nhưng đây chỉ là một sự thành công nhỏ trong cả một thế giới rộng lớn. Nguồn quỹ đầu tư cho các công ty khởi nghiệp hoạt động trong mảng sức khỏe số đã đạt 2,3 tỉ USD trong nửa đầu năm nay, hơn tổng tiền đầu tư cho cả năm 2013.
Quan trọng hơn hết, ba công ty lớn có vị trí quan trọng trong thế giới công nghệ - Apple, Google, Samsung - cũng đã bắt đầu đưa tiếng nói của mình vào thị trường màu mỡ này. Sự tham gia của bộ ba này đã giúp đơn giản hóa việc phát triển ứng dụng và thiết bị dành cho người tiêu dùng.
Harry Wang, một nhà phân tích dẫn đầu việc nghiên cứu về sức khỏe và di động của công ty Park Associates, nhận xét: "Chúng ta có thể đang ở điểm khởi đầu. Thiết bị và ứng dụng sức khỏe là một mảng tăng trưởng nhanh, tuy nhưng nó vẫn còn là một thị trường ngách. Những hệ sinh thái mới như thế này, nếu chúng thu hút được sự chú ý, có thể sẽ đẩy cả ngành công nghiệp trở thành một thứ phổ biến".
Việc thành công là không chắc chắn 100%, thế nhưng Wang chia sẻ rằng sự can thiệp của các ông lớn như Apple và Google có thể sẽ giúp ích được một thị trường vốn đang bị phân mảnh. Bộ API HealthKit của Apple hay Fit của Google có khả năng tiếp cận đến một lượng lớn người dùng, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác với các tên tuổi lớn trong mảng y tế - sức khỏe truyền thống. Đây là những chuyện mà bản thân các công ty khởi nghiệp nhỏ lẻ khó có thể tự mình làm được. "Nó sẽ là một sự chuyển đổi, với nhiều người thành công, và cũng sẽ có những người thất bại nữa".
Phần cứng bị bóp chặt
Trong nhiều năm qua, thị trường thiết bị sức khỏe đã được dẫn dắt bởi các sản phẩm như Fitbit, Nike FuelBand hay Jawbone Up, nhưng đây đều là những công ty nhỏ trong lĩnh vực công nghệ. Và nếu các ông lớn trong ngành công nghiệp smartphone thành công trong việc tạo ra một nền tảng chung để phục vụ cho mục đích thu thập và phân tích dữ liệu sức khỏe thì Fitbit, Nike và Jawbone sẽ gặp rắc rối. Nhà phân tích Wang nhận định: "Nhiều tính năng cơ bản mà chúng ta thấy trong các thiết bị wearable sức khỏe - ví dụ như theo dõi bước chân, đo nhịp tim - có thể sẽ trở thành những thứ mà smartphone hay smartwatch nào cũng có".
Nike có lẽ đã thấy trước được điều này, thế nên hãng được cho là sẽ ngừng sản xuất phần cứng đeo được và chuyển sang tập trung phát triển phần mềm. Lark, một công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất vòng đeo tay thông minh, cũng đã quyết định khai tử phần cứng và chuyển nguồn lực sang phát triển một app có khả năng tích hợp trực tiếp vào nền tảng Samsung S Health. CEO Julie Hu của Lark chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy rằng, về cơ bản, những chiếc smartphone sở hữu hệ thống cảm biến với mức độ tiêu thụ điện năng thấp chính là những thiết bị đeo được mạnh mẽ nhất".
Trong khi đó, Leonard MacEachern, một giáo sư ngành kĩ thuật điện tử - người tự tạo ra một thiết bị wearable mang tên Leo để phân tích hoạt động của cơ báp - cho rằng ở thời điểm hiện nay, việc phát triển một sản phẩm đeo được không chỉ dựa vào cảm biến gia tốc quả thật là một chuyện không đơn giản. MacEachern nói nếu như bạn không có các công nghệ vượt trội hơn những thứ mà Apple hay Google có thể đưa vào smartphone thì "bạn sẽ bị nuốt sống".
Nói về tình hình chung của thị trường thiết bị đeo được hiện nay, nhà phân tích Julie Ask đến từ hãng nghiên cứu Forrester cho rằng trong năm 2012, 2013 là thời điểm của các thiết bị riêng lẻ, dữ liệu thu thập từ những chiếc wearable này cũng nằm trong các buồng chứa kín. Tuy nhiên, sang đến năm nay, điều đó đã thay đổi một cách nhanh chóng: giống như Apple và Google, các công ty sản xuất thiết bị sức khỏe cũng đang cố gắng tạo một hệ sinh thái cho riêng mình. Cả Jawbone và Fitbit đều cung cấp hàm API nhằm chia sẻ dữ liệu thu thập từ phần cứng của họ cho nhiều ứng dụng bên thứ ba. Julie xem đây là một chiếc lược rất thông minh, tuy nhiên thị trường của loại sản phẩm này vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, những nền tảng hoạt động ở mức hệ điều hành thì sẽ đơn giản và tốt hơn, điển hình là Apple HealthKit hay Google Fit.
Phần mềm tỏa sáng
Nếu như các hãng sản xuất phần cứng bị bóp nghẹt bởi những nền tảng sức khỏe dành cho smartphone thì lập trình viên phát triển phần mềm lại có nhiều cơ hội hơn. Những thiết bị như Fitbit hay Jawbone đã trở thành các nhân tố chủ chốt dẫn dắt cả một ngành kinh doanh, thế nhưng chúng chưa bao giờ chiếm được hơn 2% hoặc 3% dân số nói chung. Còn nếu smartphone trở thành thiết bị trung tâm của hệ sinh thái này, các công ty phần mềm sẽ nhanh chóng được tiếp cận với hàng triệu, thậm chí là cả trăm triệu khách hàng.
Người ta tin rằng sự thay đổi này sẽ khiến thị trường sức khỏe số được mở rộng hơn. Hiện tại hầu hết người sử dụng những chiếc wearable đều là những người thích trải nghiệm sớm, những người thích công nghệ hoặc những người trẻ muốn tối ưu hóa việc luyện tập của mình. Nếu đưa thêm smartphone vào hệ sinh thái này, nhóm khách hàng sẽ mở rộng sang những người lớn tuổi hơn, những người ít đam mê công nghệ hơn. Đây cũng là một chuyện dễ hiểu bởi vì hầu hết những khách hàng phổ thông sẽ không chịu học cách ghép đôi vòng đeo tay với điện thoại hay mày mò hàng chục app khác nhau. Thế nhưng, họ sẽ chấp nhận việc chạy một phần mềm nào đó được cài sẵn trên điện thoại.
Nếu như nền tảng để theo dõi, phân tích và ghi nhận dữ liệu sức khỏe được đưa vào chiếc smartphone mà mọi người vẫn bỏ trong túi mỗi khi ra ngoài đường thì những loại app nào sẽ giành vị trí hàng đầu? Julie Ask nghĩ rằng những app thành công chính là những app tạo được sự tương tác với cộng đồng. Ví dụ, những game hiện nay có chế độ chơi online và chia sẻ điểm thường thu hút được nhiều người tham gia và thời gian họ dành để chơi cũng lâu hơn. Con người bị ám ảnh bởi việc cạnh tranh, thế nên nếu bạn có thể chia sẻ dữ liệu tập luyện của mình cho người khác xem thì họ sẽ phấn đấu để vượt qua bạn, từ đó dẫn đến việc họ sẽ dùng phần mềm nhiều lần hơn, lâu hơn.
Đối với các nhà phát triển phần mềm, Apple và Google đang hứa hẹn về một thế giới, nơi mà các app sức khỏe có thể nói chuyện với nhau một cách dễ dàng, từ đó cung cấp một hồ sơ hoàn chỉnh hơn về người sử dụng. Đồng sáng lập kiêm CEO của MyFitnessPal, Mike Lee, cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng giúp bạn thay đổi lối sống của mình và cải thiện sức khỏe. Càng nhiều dữ liệu mà chúng tôi có được thì chúng tôi càng có bức tranh rõ ràng hơn về tình hình của bạn, đồng thời nâng cao việc đề xuất chế độ dinh dưỡng". Đối với MyFitnessPal, việc quan trọng nhất không phải là truy cập được vào những dữ liệu chạy bộ hay đi ngủ của bạn trong thời gian gần đây mà phải là những dữ liệu về y tế khác nữa.
Một quả "táo" mỗi ngày
Vào năm 2008, Google ra mắt Google Health, một dự án giúp người dùng dễ dàng tổng hợp và truy cập dữ liệu y tế của mình chứa ở nhiều nơi khác nhau bởi nhiều nhà cung cấp khác nhau. Thật không may, dự án đã không thành công như mong đợi và Google đã khai tự nó hồi tháng 1 năm 2013. Dự án mới của công ty, Google Fit, thì lại đi theo một hướng khác. Có lẽ hai đồng sáng lập Larry và Sergey đang cố gắng đâm thủ được một ngành kinh doanh vốn bị kiềm kẹp bởi rất nhiều quy định, thế nên họ sẽ tập trung vào việc cung cấp các thông tin về tình hình luyện tập, chế độ dinh dưỡng chứ không phải là những dữ liệu phức tạp như dự án Health trước đây.
Trong khi đó, Apple thì ngược lại. Hãng đã sẵn sàng bắt tay với các bác sĩ, các công ty cung cấp dịch vụ y tế, và tính đến giờ thì họ đã xây dựng được một liên minh khá mạnh mẽ. Tại sự kiện WWDC 2014 mới diễn ra, Apple đã công bố việc hợp tác cùng với Epic, một dịch vụ hiện đang quản lý hơn 51% số hồ sơ bệnh án tại Mỹ. Chỉ với một thỏa thuận mà Apple đã có thể "hút" được dữ liệu sức khỏe của hơn phân nửa số bệnh nhân người Mỹ. Khi được triển khai thực tế, các bác sĩ của những bệnh nhân này có thể thấy được điều gì đang diễn ra với người bệnh giữa những lần thăm khám. Iltifat Husain, biên tập viên của iMedicalApps, nhận xét: "Nhiều y bác sĩ sẽ thích việc chạm vào một tab trong ứng dụng, sau đó một biểu đồ đẹp mắt hiện hữu để biểu thị huyếp áp của bệnh nhân trước khi người đó ghé qua phòng khám". Hiện tại, những dữ liệu dạng này thường được ghi nhận bởi chính bệnh nhân, thế nên việc theo dõi và điều trị của các bác sĩ thường gặp nhiều khó khăn, nhất là khi dữ liệu không được chính xác.
Hạn chế đối với những người làm trong ngành y đó là họ phải tự mở bản thân mình để tiếp cận với một lượng dữ liệu khổng lồ. Vấn đề về tính thực tế của dữ liệu cũng như khối lượng dữ liệu sẽ là hai thách thức lớn. Các y bác sĩ sẽ thắc mắc: "Liệu tôi có cần hết những thông tin này trong biểu đồ hay không? Tôi có tin nó hay không? Nếu dữ liệu sai thì tôi có bị kiện không, hoặc tôi có bỏ sót thông tin nào không?".
Mặc cho những khó khăn nói trên, chúng ta có thể tin rằng càng ngày sẽ có càng nhiều bác sĩ và bệnh viện sử dụng sự phong phú của dữ liệu sức khỏe được thu thập bằng các app hoặc thiết bị di động. Nếu bệnh nhân ít bị bệnh hơn, ít phải tái khám hơn, các bệnh viện đã cho thấy sự hiệu quả trong công tác chữa bệnh để rồi nâng cao danh tiếng cho chính bản thân họ. Về mặt tài chính, những công ty cung cấp dịch vụ y tế sẽ được hưởng lợi. Điều cốt lõi đó là phải hiểu được tình trạng của bệnh nhân ra sao giữa các lần khám một cách liên tục.
Bay lên bầu trời
Quay trở lại với anh chàng Mike Dittenber, hồi đầu tháng này, anh đã đi đến Michigan, lên một chiếc máy bay nhỏ và chuẩn bị cho ngày nhảy dù đầu tiên của mình. Máy bay càng lên cao, anh càng cảm thấy tim mình đập mạnh hơn. "Khi chúng tôi nhảy, chúng tôi đang ở trên những tầng mây, sau đó đáp xuống vùng vịnh bên dưới". Dittenber thốt lên: "Nó thật tuyệt vời".
Dittenber cho biết rằng trong suốt một năm sử dụng MyFitnessPal, nhiều bạn bè và thành viên trong gia đình anh cũng bắt đầu sử dụng app này theo sự dẫn dắt của anh. "Chúng tôi trao đổi công thức và gửi cho nhau những thông điệp tích cực. Khía cạnh xã hội của app thật sự rất hữu ích để giúp cho bản thân người dùng tiếp tục tập luyện". Bản thân Dittenber thì đang hứng thú với một thế giới mà mọi người dùng smartphone có thể dễ dàng truy cập dữ liệu sức khỏe và tập luyện, đồng thời chia sẻ các thông tin đó cho bác sĩ. "Khi bạn thật sự biết những thứ gì bạn đang đưa vào cơ thể, bạn tập luyệt bao nhiêu chứ không chỉ nói về những thứ phỏng chừng chung chung, bạn thật sự có một cảm giác kiểm soát thực tế".
Đối với những công ty đã, đang hoặc sẽ tiến vào lĩnh vực kinh doanh còn mới mẻ này, trải nghiệm của Dittenber là một tín hiệu cho thấy sự thay đổi có thể xảy ra trên diện rộng, đi kèm theo đó là những tiềm năng to lớn về mặt tài chính. Khi mà mỗi người đi bộ đều có một thiết bị có khả năng theo dõi nhịp tim hay các hoạt động thường ngày, chúng ta sẽ tiếp cận được với những cơ hội đáng kinh ngạc mà chưa người nào từng tưởng tượng ra.