Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Thêm thông tin và hình ảnh của BlackBerry R10

00

Chiếc BlackBerry R10 tiếp tục lộ diện những hình ảnh mới, lần này là màu đen và chúng ta có thêm thông tin về cấu hình sơ bộ của nó. Theo đó R10 sẽ có màn hình với kích thước và độ phân giải bằng với Q10 là 3.1-inch và 720x720 pixel, đây là thông số khá tốt khi mà R10 được xếp vào phân khúc tầm trung với mức giá rẻ. Hình ảnh mặt sau cho thấy máy được làm bằng nhựa bóng, không rõ đây là phiên bản thử nghiệm nên nó thế hay là chính thức cũng giống như vậy? Các phím bấm bên cạnh vẫn giống như trên Z10 hay Q10, đây là điểm đặc trưng riêng của các máy điện thoại BlackBerry 10.

Thông tin sơ bộ của BlackBerry R10
  • Màn hình 3.1-inch, độ phân giải 720 x 720
  • Camera sau 5MP, có camera trước, ảnh độ phân giải 2560 x 1920
  • 2GB RAM
  • Bộ nhớ trong 8GB
  • Pin dung lượng 1800 mAh, không tháo được
  • BlackBerry 10.1 OS


Boeing X-51A WaveRider tự phá kỷ lục thế giới, tốc độ tối đa 5417km/h

X-51A_WaveRider_02

Hôm thứ 2, chiếc máy bay không người lái X-51A WaveRider của Boeing đã một lần nữa đi vào lịch sử ngành hàng không sau khi bay thử thành công lần thứ 4 đồng thời phá kỷ lục của chính nó vào năm 2010. Được thả từ máy bay ném bom chiến lược B-52H sau khi cất cánh tại sân bay quân sự Edwars Air Force ở California, X-51A WaveRider đã bay ở vận tốc tối đa Mach 5.1 (5.417 km/h theo hệ SI) trong 3 phút rưỡi trước khi lao xuống Thái Bình Dương, kết thúc chuyến bay kéo dài 6 phút.

WaveRider đã được thả từ độ cao 15.240 m trên bầu trời trung tâm hải quân/không quân Point Mugu vào 10:55 AM thứ 2 theo giờ PDT (0:55 AM thứ 3 theo giờ Việt Nam). Do động cơ phản lực tĩnh siêu âm chỉ có thể hoạt động ở các tốc độ siêu thanh nên WaveRider cần đến một tên lửa đẩy để đạt tốc độ Mach 4.8 (5.098 km/h). Sau đó, tên lửa đẩy tách ra và động cơ scramjet được kích hoạt, đưa WaveRider lên vận tốc Mach 5.1 cho đến khi lượng nhiên liệu JP-7 được đốt hết.

X-51A_WaveRider_01
X-51A WaveRider trên cánh máy bay ném bom B-52H.

Darryl Davis - chủ tịch bộ phận Phantom Works của Boeing cho biết: "Màn trình diễn lần này của động cơ siêu âm scramjet là một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử. Bài thử đã chứng minh rằng công nghệ động cơ scramjet đã đủ độ chín để mở cửa cho các ứng dụng thực tế, chẳng hạn như các hệ thống phòng thủ tiên tiến và những chuyên bay vào không gian giá rẻ."

X-51A được thiết kế để thử nghiệm các công nghệ cần thiết phục vụ cho mục đích chế tạo tên lửa siêu âm hoặc máy bay siêu âm. Máy bay có chiều dài 7,62 m với thành phần gồm một phương tiện bay không cánh sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm do Pratt & Whitney chế tạo và một tên lửa chiến thuật quân sự đã qua tùy biến. X-51A được gọi là WaveRider bởi nó "cưỡi" lên những con sóng âm ở tốc độ siêu thanh trên Mach 5 (5.310 km/h).

Dưới đây là video chỉ ra những tiềm năng của hệ thống động cơ scramjet thế hệ mới:



Đã có bản ROM Paranoid Android alpha với tính năng đa nhiệm giống Facebook Chat Heads

Paranoid_Android_Halo

Nhóm lập trình viên Paranoid Android tuần trước đã công bố một tính năng mới mang tên Halo dành cho bản ROM cùng tên của họ. Halo giống với cách thức hoạt động của Facebook Chat Head, tuy nhiên nó áp dụng cho hầu hết các phần mềm trong máy chứ không gói gọn đối với riêng Facebook. Mỗi khi có một thông báo mới thì biểu tượng tròn tròn giống Chat Head sẽ hiện ra ở góc màn hình, nhấn vào đó để xem nội dung thông báo và nó cũng được kết hợp với cửa sổ đa nhiệm mới. Khi nhấn vào thông báo, thay vì mở phần mềm full màn hình thì Paranoid tuỳ chỉnh để nó chỉ hiển thị trong 1 cửa sổ nhỏ, bạn sẽ dễ dàng thao tác hơn, chuyển qua lại giữa các phần mềm cũng tiện hơn. Và đáp lại sự mong mỏi của người dùng, Paranoid Android hôm nay đã ra mắt bản alpha của ROM này. Hiện Paranoid Android với Halo tương thích với Nexus 4, Nexus 7, Galaxy NexusOPPO Find 5. Việc flash ROM hoàn toàn có thể thực hiện theo cách thông thường (thông qua recovery).

Một khi đã flash ROM xong, để kích hoạt Halo, bạn phải kéo thanh thông báo xuống, nhấn vào biểu tượng như hình bên dưới. Ngoài ra, Paranoid Android không được tích hợp sẵn Google Apps (bao gồm Calendar, Gmail, Google+, Play Store...), do đó bạn phải tải thêm tập tin Google Apps về flash sau khi đã cài xong ROM. Link có thể xem ở bên dưới. Lưu ý rằng đây chỉ mới là bản thử nghiệm giai đoạn alpha, do đó mình khuyên các bạn nên backup ROM hiện tại ra để lỡ "có bề gì" còn quay lại được.

Tải về ROM Paranoid Android alpha với Halo dành cho Nexus 4
Tải về ROM Paranoid Android alpha với Halo dành cho Nexus 7
Tải về ROM Paranoid Android alpha với Halo dành cho Nexus 7 bản 3G
Tải về ROM Paranoid Android alpha với Halo dành cho Galaxy Nexus
Tải về ROM Paranoid Android alpha với Halo dành cho OPPO Find 5

Tải về Google Apps (bắt buộc phải tải và cài cái này)


Halo


Nhấn vào đây để kích hoạt Halo



Một số hình ảnh khác



Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Đánh giá chi tiết Asus Fonepad, điện thoại màn hình to giá tốt

Tinhte_fonepad_00

Asus Fonepad không phải là chiếc máy tính bảng đầu tiên có thể gọi điện thoại, tuy nhiên nó vẫn tạo lên tiếng vang nhất định với kích thước màn hình 7-inch và mức giá khá rẻ, chỉ có 6 triệu đồng chẵn. Điểm băn khoăn duy nhất là máy lại sử dụng vi xử lý Atom Z2420 của Intel với hai luồng xử lý (Hyper-Threading), xung nhịp 1.2GHz và được xây dựng trên kiến trúc x86 chứ không phải ARM như các máy tính bảng Android khác. Liệu rằng với cấu hình không cao và khác biệt thế này thì Fonepad có đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dùng? Mình có dịp được dùng thử chiếc máy này trong vòng 1 tuần và dưới đây là một vài cảm nhận, về cơ bản thì với mức giá khá rẻ như vầy thì Fonepad đã làm tốt nhiệm vụ của nó.

Cấu hình tiêu chuẩn ASUS Fonepad:
  • Hệ điều hành: Android 4.1 (Jelly Bean)

  • Màn hình: 7" độ phân giải 1280 x 800 điểm ảnh, panel IPS

  • CPU: Intel Atom Z2420, đơn nhân với hai luồng xử lý (Hyper-Threading, như mấy anh intel hay gọi là siêu phân luồng), tốc độ 1.2 GHz

  • GPU: PowerVR SGX540

  • RAM: 1GB

  • Bộ nhớ trong: 8GB

  • Thẻ nhớ: SD hỗ trợ 32GB

  • Camera: 3MP (2048x1536 pixels), trước 1.2MP

  • Kết nối: 3G

  • Tính năng đặc biệt: gọi điện thoại, có rung

  • Cảm biến: Accelerometer, proximity, compass, A-GPS, không có NFC

  • Pin dung lượng 4270 mAh

  • Kích thước: 196.4 x 120.1 x 10.4 mm

  • Trọng lượng: 340g

“Xứ mù thằng chột làm vua” – đúng hoàn toàn với hoàn cảnh của Asus Fonepad. Trong cái xứ sở máy tính bảng chính hãng có 3G, gọi điện được giá 6tr đổ lại thì rõ ràng Fonepad chiếm ưu thế và có sức cạnh tranh rất lớn vì không có nhiều lựa chọn khác cùng tầm giá này. Tất nhiên không thể kể đến hàng xách tay hay hàng cũ, vì nếu nói theo hướng này thì với số tiền 6 triệu, nếu chịu khó kiếm bạn cũng sẽ kiếm được 1 con hàng cũ mà ngon, tất nhiên là hên xui và không có bảo hành chính hãng.

Về thiết kế, Fonepad có thiết kế giống với Nexus 7, khác biệt ở chất liệu vỏ cũng như phần nắp sau tháo được để thay sim và thẻ nhớ. Thiết kế này đủ nhỏ để bạn cầm máy bằng 1 tay thoải mái, cầm thôi nhé, còn dùng thì vẫn phải dùng bằng 2 tay. Viền màn hình không có thay đổi gì cả so với Nexus 7, nó to và thô, làm cho màn hình 7-inch có vẻ nhỏ đi khá nhiều. Điểm mạnh là cầm bằng tay thoải mái, bạn có thể xoay ngang, xoay dọc thuận tiện, điểm yếu là xấu. Ngoài ra việc kích thước quá to so với 1 chiếc điện thoại nên mỗi khi bạn cầm máy lên nghe điện thoại thì cũng hơi khó chịu chút, vị trí đặt loa thoại cũng làm cho bạn phải mất thời gian căn chỉnh cho nó đúng vào tai, để không bị nghe nhỏ.

Tinhte_fonepad_01


Với giá tiền 6 triệu bạn không thể yêu cầu Asus làm các chi tiết trên Fonepad ở mức cao cấp, tuy nhiên có thể nói họ đã làm tốt. Các chi tiết như viền mép các cạnh, chi tiết ở giắc cắm micro USB hay giắc tai nghe được làm tốt, không sắc sảo nhưng cũng không tệ, đặc biệt là các phím bấm đẹp và cảm giác bấm tốt. Chất liệu kim loại ở mặt sau làm cho máy không có chút cảm giác rẻ tiền nào cả, khác hẳn với nắp lưng bằng nhựa của Nexus 7. Có thể nói nếu kết hợp chất liệu của Fonepad và cấu hình cũng như phần mềm của Nexus 7 thì chúng ta có 1 chiếc máy tính bảng khá tuyệt.


Nắp sau kim loại và bo cong về phía màn hình nên khi cầm không bị cấn tay, cầm lâu không khó chịu. Nắp kim loại này cũng không bám vân tay và giải nhiệt cho máy rất tốt. Nó cũng sẽ trầy xước theo thời gian vì thế bạn cần để ý trong quá trình sử dụng. Cụm camera của máy được làm nhô cao, thiết kế này làm cho một phần nắp lưng không chạm mặt bàn tuy nhiên lại làm tăng khả năng trầy xước của viền camera. Phía trên đỉnh của mặt sau là nắp nhỏ có khả năng tháo ra, để thay sim và thẻ nhớ. Nắp này được cố định bằng ngàm rất chắc chắn, tay mình thường ra mồ hôi và phải rất khó khăn mới có thể mở nó ra được.

Tinhte_fonepad_02


Nói thêm một chút về cảm giác sử dụng với thiết kế quá khổ cho 1 chiếc điện thoại như thế này. Có lẽ không nhiều người sẽ nghĩ mua chiếc Fonepad này về làm điện thoại, chỉ đơn giản là mua một chiếc máy tính bảng có 3G thì hợp lý hơn. Tuy nhiên, mình thấy dùng tính năng điện thoại trên nó cũng khá hay và không có vấn đề gì cả. Vấn đề duy nhất là bạn cần trang bị thêm cho mình 1 chiếc tai nghe bluetooth để có thể thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng. Thông thường khi đi ngoài đường thì mình lựa chọn để Fonepad trong balo hoặc trong cốp xe, di chuyển thì cần có thêm túi nhỏ để đựng. Như vậy, xác định rằng bạn cần thêm túi nhỏ và tai nghe bluetooth nữa, với mình thì rất may là 2 phụ kiện này dễ kiếm nên không mấy khó khăn. Dù sao thì từ khi dùng Fonepad tần suất nghe điện thoại ngoài đường của mình giảm hẳn đi.


Màn hình


Fonepad có màn hình kích thước 7-inch, độ phân giải 1280x800 bằng với Nexus 7, độ phân giải này đủ để sử dụng, màn hình hiển thị không bị rỗ. Chữ viết sẽ hiển thị tốt hơn khi bạn lựa chọn font cỡ lớn trong phần cài đặt. Máy có nhiều lựa chọn về độ sáng, nếu như ở ngoài trời thì bạn có thể lựa chọn tính năng Outdoor Mode, khi đó độ sáng được tăng cường, giúp cho người dùng có thể nhìn tốt hơn. Với chế độ sáng nhất này thì bạn cũng chỉ tạm có thể dùng được ở ngoài nắng mà thôi, trong trường hợp lang thang lúc 12h ngoài trời thì màn hình cũng chưa thực sự tốt để dùng.


Vấn đề tiếp theo của màn hình Fonepad đó là nó hiển thị màu sắc bị sai lệch khá nhiều, màu có vẻ nhạt và nghiêng về tông màu lạnh. Màn hình nếu so về màu sắc với Nexus 7 thì không bằng, chỉ là tạm ổn, , ví dụ như logo Facebook thì nó thành xanh nhạt chứ không phải xanh đậm. Asus có trang bị thêm cho người dùng phần mềm tự canh chỉnh màu sắc trên màn hình theo ý thích với tên gọi Splendid. Cá nhân mình thì không thích chuyện này, Asus nên tự làm chuyện này cho khách hàng vì không phải ai cũng có thể căn chỉnh màu sắc cho màn hình và dẫn đến mất thời gian khá nhiều và thêm bực bội. Hơn nữa, mình đã thử căn chỉnh thử nhưng mà cũng không thể vừa ý được.


Trái với nắp lưng chống bám vân tay, mặt kính phía trước của máy lại bám vân tay khá nhiều. Sau khoảng 30 phút sử dụng thì nó đã lem nhem rất khó chịu.

Tinhte_fonepad_12

Phần mềm và hiệu năng sử dụng


CPU Intel Atom Z2420, đơn nhân với hai luồng xử lý (Hyper-Threading) và tốc độ 1.2 GHz thì cũng không nhanh được. Tốc độ chậm nhưng không giật, cứ tưởng tượng như khi bạn xả nước, tốc độ chảy của nước từ vòi ra không nhanh nhưng đều, không vấp, nó cứ chậm chậm đều đều vậy đó. Không thể so với tốc độ của Nexus 7 nhưng vẫn nhỉnh hơn nếu so với Dual-core 1 GHz của Galaxy Tab 2 7.0 đang được Samsung bán với giá 7tr4 trên MaiNguyen. Ram của máy 1GB và thường còn khoảng hơn 200MB free. Trước đây có nhiều người e dè việc chip Atom thì sẽ không chạy được các phần mềm có sẵn của Android, tuy nhiên qua thử nghiệm thì nó chạy được hết:
Mình có cài thử các game phổ biến như Asphalt 7, GTA III, Where my water? Hay chém trái cây thì Fonepad cũng chạy được tuốt, có cái khi khơi động phần mềm thì nó hơi lâu một chút. Tuy cấu hình không cao nhưng Asus cũng trang bị cho máy khá đầy đủ các phần mềm và tiện ích cần thiết như hệ thống phím tắt và tuỳ chỉnh nhanh trên khu vực Notifications, các mini app ở góc dưới màn hình. Đặc biệt là phần mềm Instant Dictionary, tra chéo từ điển trong các phần mềm khác, có hỗ trợ tiếng việt và yêu cầu cần có kết nối internet mới sử dụng được.


Có một số người nói rằng Viber không chạy được trên chip atom và mình có thử thì thấy nó hoạt động tốt, máy cũng có tính năng wifi hotspot như những điện thoại Android khác. Thử coi film mHD (720p) bằng phần mềm Mxplayer Pro thì máy cũng coi được, không có hiện tượng giật hay lag. Một điều khá tốt là trong quá trình dùng máy thì nhiệt độ của Fonepad không cao lắm, không gây khó chịu cho người dùng.


Phần mềm cài vào thì chạy tốt mà cái phần mềm BuddyBuzz có sẵn lại hay báo lỗi, nếu sở hữu Fonepad thì tốt nhất là bạn không nên dùng Buddybuzz làm gì, nó khá cùi. Ngoài những phần mềm đã kể trên thì Asus cũng trang bị thêm cho chiếc máy tính bảng này khá nhiều thức hay ho như AudioWizard để điều chỉnh âm thanh, Power Saver để tinh chỉnh tiết kiệm pin hay Block List để bạn chặn cuộc gọi cũng như tin nhắn từ những số điện thoại lạ.


Nếu bạn quan tâm đến root cũng như rom cook thì câu trả lời hiện tại là chưa, chưa có cách nào để root chiếc máy này cả. Mua máy này về xác định là dùng chứ không phải để vọc rom, tất nhiên vọc phần mềm thì vẫn được bình thường. Với chiếc máy 6 triệu thì mua về lướt web, gọi điện nhắn tin và giải trí đơn giản thì khá là tốt rồi.



Camera


Ngoài gọi điện, hỗ trợ thẻ nhớ, thì Fonepad còn hơn Nexus 7 ở cái camera sau. Tuy nhiên camera này có cho vui thôi chứ chất lượng khá tệ. Bạn để chụp hình tài liệu thì được chứ chụp cảnh hay người thì không ăn thua. Hình ảnh bị bệt và không có chi tiết gì cả.


Pin


Máy có pin dung lượng 4270 mAh, đủ để sử dụng cho 1 ngày làm việc bình thường. Trong trường hợp bạn sử dụng ít và kích hoạt thêm tính năng tiết kiệm pin thì mình tin là có thể trụ được trong 2 ngày. Như trong quá trình sử dụng mình mò khá nhiều nhưng máy cũng đáp ứng đủ 1 ngày làm việc, tới tối về sạc là vừa. Thử là một bài test đơn giản như:
  • Coi film trong 30 phút pin sụt từ 75% xuống 68% (mất 7%). Sau đó để stanby cả đêm thì pin không sụt % nào cả. Đến sáng coi film tiếp trong vòng 1 tiếng 10 phút thì pin sụt tiếp xuống 50% (mất 18%).

Trong quá trình sử dụng thử thì mình luôn để độ sáng màn hình cố định ở mức 50%, mỗi khi dùng ngoài trời thì bật tính năng Outdoor Mode.

Kết luận


Với mức giá 6 triệu, Fonepad đáp ứng đủ nhu cầu dùng bình thường của người dùng. Nó không quá tệ mà chất lượng phần cứng tạm ổn, nếu bạn đang cần một chiếc máy tính bảng Android có 3G để sử dụng thì đây là lựa chọn khá tốt. So với Nexus 7 3G thì Fonepad có chất lượng phần cứng tốt hơn, màn hình xấu hơn, tốc độ chậm hơn, máy có thể gọi điện và thêm thẻ nhớ, giá rẻ hơn một chút.