Hiển thị các bài đăng có nhãn Asus. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Asus. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

[IFA 2013] Asus Zenbook Infinity có màn hình 2560 x 1440, Core i7 Haswell, Wi-Fi ac, mỏng 15,5mm

ASUS_Zenbook_Infinity_Ultrabook_2.

Hồi triển lãm Computex vào tháng 6 vừa qua thì Asus đã tiết lộ về chiếc Zenbook Infinity với mặt trên và viền được phủ kính Gorilla Glass 3, nhưng mãi đến bây giờ, tại sự kiện IFA 2013, hãng mới tiết lộ về cấu hình của máy. Với số hiệu Zenbook UX301, thiết bị này sử dụng màn hình cảm ứng 13,3" độ phân giải 2560 x 1440, vi xử lí Intel Core i7 thế hệ thứ 4 (chưa rõ model), tương thích với chuẩn Wi-Fi 802.11ac và hỗ trợ công nghệ âm thanh Asus SonicMaster. UX301 có độ kích thước ở nơi dày nhất chỉ 15,5mm, ấn tượng hơn con số 18mm của Zenbook Prime UX31A. Hiện Asus chưa công bố giá và ngày bán ra chính thức cho chiếc Ultraboook này.

Cấu hình cơ bản của Asus Zenbook UX301:
  • Màn hình: 13,3" độ phân giải 2560 x 1440, tấm nền IPS, cảm ứng 10 ngón tay
  • CPU: Intel Core i7 Haswell, chưa rõ model
  • GPU: chưa rõ
  • RAM: chưa rõ
  • Hệ điều hành: Windows 8
  • Tính năng đặc biệt: mặt trên và viền phủ kính Gorilla Glass 3
  • Kết nối: NFC, Bluetooth 4.0, Wi-Fi a/b/g/n/ac, USB, microHDMI, Mini DisplayPort, khe thẻ nhớ SD
  • SSD: chưa rõ
  • Mỏng 15,5mm





Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Rò rỉ cấu hình Nexus 7 II từ Asus: màn hình 7" 1920 x 1200, Snapdragon 600, RAM 2GB, camera sau 5MP

[IMG]
Nexus 7 (ảnh) chuẩn bị có người kế nhiệm với màn hình độ phân giải cao

Trong lúc chat với nhân viên của dịch vụ chăm sóc khách hàng của Asus, một người dùng Google+ đã vô tình nhận được một bảng cấu hình của Nexus 7 thế hệ mới. Theo đó, máy sẽ có màn hình 7" với độ phân giải 1920 x 1200 pixel, cao hơn nhiều so với mức 1280 x 800 của Nexus 7 thế hệ đầu tiên. Ngoài ra, Asus còn trang bị cho thiết bị này vi xử lí Qualcomm Snapdragon 600 bốn nhân (giống tin tức trước đây), RAM 2GB, bộ nhớ trong 32GB, máy ảnh sau 5 megapixel (Nexus 7 đời đầu không có camera sau), máy ảnh trước 1,2 megapixel. Máy chạy Android 4.3, sở hữu viên pin 4000mAh và có hầu hết các kết nối thông dụng như Wi-Fi chuẩn n, Bluetooth 4.0, NFC, 4G LTE. Các chi tiết nói trên được lấy từ "tài liệu nội bộ" của Asus mặc dù chúng vẫn "chưa được xác nhận".

Việc một nhân viên ở cấp độ thấp được phép truy cập vào tài liệu như thế này gợi ý rằng thời điểm ra mắt của Nexus 7 II đã gần kề. Chúng ta cũng đã được nghe tin đồn rằng máy sẽ chính thức xuất hiện ngay trong tháng 7 này cùng với Android 4.3. Tinh tế sẽ tiếp tục chuyển đến bạn các thông tin mới nhất liên quan đến mẫu tablet Nexus này.

Cấu hình rò rỉ của Nexus 7 II:
  • Màn hình: 7" đèn nền LED, độ phân giải 1920 x 1200
  • CPU: Snapdragon 600 APQ8064, bốn nhân
  • GPU: Adreno 320
  • RAM: 2GB
  • Camera chính: 5 megapixel
  • Camera phụ: 1,2 megapixel
  • Pin: 4000mAh
  • Hệ điều hành: Android 4.3
  • Tính năng đặc biệt: Không
  • Kết nối: NFC, Bluetooth 4.0, Wi-Fi a/b/g/n, hỗ trợ 4G LTE, GSM
  • Bộ nhớ trong: 32GB
  • Kích thước: Chưa rõ
  • Trọng lượng: Chưa rõ
Nexus_7_II_cau_hinh
Nội dung chat giữa người dùng Google+ với nhân viên Asus



Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Một số thông tin cơ bản về 802.11ac, chuẩn Wi-Fi thế hệ thứ năm

WiFi_5G_80211ac

Trong khoảng một năm trở lại đây chúng ta được nghe nhắc nhiều đến chuẩn Wi-Fi 802.11ac, hay còn gọi là Wi-Fi thế hệ thứ năm. Nó là chuẩn mạng không dây đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các router, máy tính và tất nhiên là cả các thiết bị di động như smartphone. So với Wi-Fi 802.11n đang được dùng phổ biến hiện nay, chuẩn 802.11ac mang lại tốc độ nhanh hơn. Nhưng đó liệu có phải là tất cả? Mời các bạn xem qua bài viết này.

IEEE 802.11ac là gì?

Các chuẩn mạng Wi-Fi mà chúng ta sử dụng hiện nay đều thuộc bộ tiêu chuẩn IEEE 802.11 đi kèm một hoặc nhiều chữ cái phía sau. IEEE là chữ viết tắt cho Institute of Electrical and Electronics Engineers, tạm dịch là Hiệp hội các kĩ sư Điện và Điện Tử, cơ quan có trách nhiệm phê chuẩn cấu hình cũng như thúc đẩy sự phát triển của Wi-Fi. Từ năm 1999 đến nay, các chuẩn mạng Wi-Fi được sử dụng rộng rãi bao gồm:
  • (1997) 802.11: Wi-Fi thế hệ thứ nhất, có thể mang lại tốc độ 1Mb/s và 2Mb/s, sử dụng băng tần 2,4GHz của sóng radio hoặc hồng ngoại.
  • (1999) 802.11b: Wi-Fi thế hệ thứ hai, có khả năng mang lại tốc độ 11Mb/s ở băng tần 2.4 GHz trên sóng radio.
  • (1999) 802.11A: Wi-Fi thế hệ thứ ba, tuy nhiên nó lại ra mắt cùng thời điểm với 802.11b. chuẩn A mang lại tốc độ truyền tải nhanh hơn, lên đến 54Mb/s vì sử dụng băng tần 5GHz nhưng lại bị hạn chế về tầm phủ sóng so với 802.11b.
  • (2003) 802.11g: Wi-Fi thế hệ thứ ba, tốc độ truyền tải 54Mb/s và sử dụng băng tần 2,4GHz. Đây là chuẩn mạng vẫn còn xuất hiện ở nhiều thiết bị đến tận ngày hôm nay.
  • (2009) 802.11n: Wi-Fi thế hệ thứ tư, tốc độ tối đa 600Mb/s (trên thị trường phổ biến có các thiết bị 150Mb/s, 300Mb/s và 450Mb/s). Chuẩn này có thể hoạt động trên cả hai băng tần 2,4GHz lẫn 5GHz và nếu router hỗ trợ thì hai băng tần này có thể cùng được phát sóng song song nhau.
  • (201x) 802.11ac: tốc độ tối đa hiện là 1730Mb/s (sẽ còn tăng tiếp) và chỉ chạy ở băng tần 5GHz. Một số mức tốc độ thấp hơn (ứng với số luồng truyền dữ liệu thấp hơn) bao gồm 450Mb/s và 900Mb/s. Hiện chuẩn này chưa được phê duyệt chính thức nhưng điều đó sẽ sớm xảy ra mà thôi, có thể là ngay trong năm 2013 này.
WiFi_timeline
Theo Cisco, hiện chúng ta đang ở giai đoạn Wave 1 của Wi-Fi 802.11ac, sau đó sẽ có thêm Wave 2 và thậm chí là Wave 3. Bạn hãy nhìn biểu đồ bên dưới, màu đỏ là tốc độ tối thiểu, màu xanh dương là tốc độ phổ biến. Đường màu đen ghi chữ Product Max là tốc độ tối đa chúng ta có thể thấy trên các sản phẩm thương mại, còn đường STD Max là tốc độ cao nhất có thể đạt được theo cấu hình lý thuyết.
Wi-Fi_ac_wave
Về mặt lý thuyết, Wi-Fi 802.11ac sẽ cho tốc độ cao gấp ba lần so với Wi-Fi 802.11n ở cùng số luồng (stream) truyền, ví dụ khi dùng ăng-ten 1x1 thì Wi-Fi ac cho tốc độ 450Mb/s, trong khi Wi-Fi n chỉ là 150Mb/s. Còn nếu tăng lên ăng-ten 3x3 với ba luồng, Wi-Fi ac có thể cung cấp 1300Mb/s, trong khi Wi-Fi n chỉ là 450Mb/s. Tuy nhiên, những con số nói trên chỉ là tốc độ tối đa trên lý thuyết, còn trong đời thực thì tốc độ này sẽ giảm xuống tùy theo thiết bị thu phát, môi trường, vật cản, nhiễu tín hiệu...

Xem video Buffalo trình diễn mạng 802.11ac tại CES 2012

Ngoài tốc độ ra, 802.11ac còn có điểm gì mới?

1. Băng thông kênh truyền rộng hơn: Băng thông rộng hơn giúp việc truyền dữ liệu giữa hai thiết bị được nhanh hơn. Trên băng tần 5GHz, Wi-Fi 802.11ac hỗ trợ các kênh với độ rộng băng thông 20MHz, 40MHz, 80MHz và tùy chọn 160MHz. Trong khi đó, 802.11n chỉ hỗ trợ kênh 20MHz và 40MHz mà thôi. Như đã nói ở trên, kênh 80MHz thì tất nhiên chứa được nhiều dữ liệu hơn là kênh 40MHz rồi.

Bang_thong

2. Nhiều luồng dữ liệu hơn: Spatial stream là một luồng dữ liệu được truyền đi bằng công nghệ đa ăng-ten MIMO. Nó cho phép một thiết bị có thể phát đi cùng lúc nhiều tín hiệu bằng cách sử dụng nhiều hơn 1 ăng-ten. 802.11n có thể đảm đương tối đa 4 spatial stream, còn với Wi-Fi 802.11ac thì con số này được đẩy lên đến 8 luồng. Tương ứng với đó sẽ là 8 ăng-ten, còn gắn trong hay ngoài thì tùy nhà sản xuất nhưng thường họ sẽ chọn giải pháp gắn trong để đảm bảo tính thẩm mỹ.

3. Hỗ trợ Multi user-MIMO: Ở Wi-Fi 802.11n, một thiết bị có thể truyền nhiều spatial stream nhưng chỉ nhắm đến 1 địa chỉ duy nhất. Điều này có nghĩa là chỉ một thiết bị (hoặc một người dùng) có thể nhận dữ liệu ở một thời điểm. Người ta gọi đây là single-user MIMO (SU-MIMO). Còn với chuẩn 802.11ac, một kĩ thuật mới được bổ sung vào với tên gọi multi-user MIMO. Nó cho phép một access point sử dụng nhiều ăng-ten để truyền tín hiệu đến nhiều thiết bị (hoặc nhiều người dùng) cùng lúc và trên cùng một băng tần. Các thiết bị nhận sẽ không phải chờ đợi đến lượt mình như SU-MIMO, từ đó độ trễ sẽ được giảm xuống đáng kể.

MU_MIMO

Tuy nhiên, Multi user-MIMO là một kĩ thuật khó và ở thời điểm hiện tại, nó sẽ không có mặt trên các access point và router Wi-Fi 802.11ac. Phải đến đợt thứ hai (wave 2) thì ..-MIMO mới có mặt, nhưng sự hiện diện cũng sẽ rất hạn chế.

Thêm một số thông tin cho bạn về ăng-ten MIMO. Ăng-ten phát được kí hiệu là Tx, và ăng-ten thu là Rx. Trên một số thiết bị mạng như router, card mạng, chip Wi-Fi, bạn sẽ thấy những con số như 2x2, 2x3, 3x3 thì số đầu tiên trước dấu nhân là ăng-ten phát (Tx), còn phía sau là ăng-ten thu (Rx). Ví dụ, thiết bị 2x2 là có 2 ăng-ten thu và 2 ăng-ten phát.

4. Beamforimg: Wi-Fi là một mạng đa hướng, tức tín hiệu từ router phát ra sẽ tỏa ra khắp mọi hướng. Tuy nhiên, các thiết bị 802.11ac có thể sử dụng một công nghệ dùng để định hướng tín hiệu truyền nhận gọi là beamforming (dịch ra thì chữ này có nghĩa là "tạo ra một chùm tín hiệu"). Router sẽ có khả năng xác định vị trí của thiết bị nhận, ví dụ như laptop, smartphone, tablet, để rồi tập trung đẩy năng lượng tín hiệu lên mức mạnh hơn hướng về phía thiết bị đó. Mục đích của beamforming đó là giảm nhiễu.

Beam_Forming
Mặc dù sóng Wi-Fi vẫn tỏa ra khắp mọi hướng, tuy nhiên với công nghệ beamforming thì chùm tín hiệu có thể được định hướng tốt hơn đến một thiết bị xác định trong vùng phủ sóng

Theo giải thích của Cisco, thực chất bất kì trạm phát Wi-Fi nào có nhiều ăng-ten đều có thể beamform, tuy nhiên Wi-Fi 802.11ac dùng kĩ thuật gọi là "sounding" để giúp router xác định vị trí của thiết bị nhận một cách chính xác hơn.

5. Tầm phủ sóng rộng hơn

Biểu đồ bên dưới do Netgear cung cấp, theo đó chúng ta có thể thấy rằng với cùng 3 ăng-ten, router dùng chuẩn 802.11ac sẽ cho tầm phủ sóng rộng đến 90 mét, trong khi router xài mạng 802.11n có tầm phủ sóng chỉ khoảng 80 mét là tối đa. Tốc độ của mạng 802.11ac ở từng mức khoảng cách cũng nhanh hơn 802.11n, biểu thị bằng vùng màu xanh dương luôn nằm cao hơn vùng màu xanh lá. Với những nhà, văn phòng rộng, chúng ta có thể giảm số lượng repeater cần dùng để khuếch đại và lặp tín hiệu, tiết kiệm được kha khá chi phí.

5g-wifi-speed-and-coverage-vs-11n


Router Wi-Fi 802.11ac sẽ tương thích ngược với các chuẩn cũ

Hiện nay, hầu hết các router Wi-Fi trên thị trường có hỗ trợ chuẩn 802.11ac sẽ hỗ trợ thêm các chuẩn cũ, bao gồm b/g/n. Chúng cũng sẽ có hai băng tần 2,4GHz lẫn 5GHz. Đối với những router có khả năng chạy hai băng tần cùng lúc (bạn sẽ thấy quảng cáo có chữ simultaneous), băng tần 2,4GHz sẽ được sử dụng để phát Wi-Fi n, còn 5GHz sẽ dùng để phát Wi-Fi ac.

Cũng chính vì khả năng phát song song như trên mà tốc độ tối đa do nhà sản xuất quảng cáo sẽ là phép cộng của tốc độ tối đa trên dải 2,4GHz và 5GHz. Ví dụ, router RT-AC66U của Asus có "max speed" là 1,75Gbps, bao gồm 1,3Gbps cho chuẩn ac ở băng tần 5GHz và 450Mbps cho chuẩn n ở băng tần 2,4GHz.

Ứng dụng của Wi-Fi 802.11ac

Ồ, hiểu rồi, Wi-Fi 802.11ac nhanh hơn, mạnh hơn đó, vậy thì nó giúp gì được cho chúng ta? Trước hết, với tốc độ truyền tải nhanh hơn, chúng ta sẽ có tốc độ kết nối Internet nhanh hơn. Hãy thử tưởng tượng nhà bạn có được một đường kết nối mạng lên đến 1Gbps (như Google Fiber ở Mỹ chẳng hạn), nếu chỉ sử dụng router Wi-Fi 802.11n thì bạn chỉ có tốc độ tối đa là 450Mb/s (nếu hai băng tần thì lên 900Mb/s là hết mức), chưa tận dụng được hết tốc độ mà nhà cung cấp đưa cho chúng ta. Còn nếu trong nhà bạn có một chiếc router 802.11ac thì bạn có thể tận dụng tốt nhất đường truyền mạng này bởi tốc độ tối đa có thể đạt mức 1,3Gbps lận.

Tất nhiên, ở Việt Nam chúng ta thì cơ sở hạ tầng mạng chưa phát triển được đến mức như thế, một gói cước cáp quang cho hộ gia đình cũng chỉ mới đạt khoảng 10Mbps là nhanh nên Wi-Fi 802.11n cũng đủ chơi rồi. Trong môi trường doanh nghiệp với cáp quang tốc độ siêu cao thì may ra Wi-Fi 802.11ac mới tỏ ra hữu ích.

Ngoài ra, Wi-Fi 802.11ac còn có thể được áp dụng để truyền dữ liệu giữa các thiết bị trong một mạng nội bộ hoặc mạng gia đình với tốc độ cao hơn hiện nay. Một ứng dụng dễ thấy nhất là để stream video Full-HD. Trong một đợt trình diễn, hãng Netgear có thể sử dụng router 802.11ac của họ để truyền 4 bộ phim Full-HD cùng lúc đến bốn chiếc HDTV khác nhau, điều không thể làm được với Wi-Fi n hiện nay. Nó cũng sẽ giúp quá trình sao chép dữ liệu giữa máy tính, smartphone, tablet với ổ cứng mạng cũng như giữa các thiết bị với nhau được nhanh chóng hơn (về lý thuyết là chỉ tốn 1/3 thời gian so với chuẩn 802.11n). Và thời thời gian chờ đợi ngắn hơn kéo theo thời lượng pin sẽ dài hơn bởi năng lượng tiêu thị ít hơn.

Một số thiết bị hiện có trên thị trường hỗ trợ cho 802.11ac
Vậy còn các chữ khác của Wi-Fi 802.11 như thế nào?

Chúng ta đã thấy a, b, g, n, ac được dùng trong tên gọi của các chuẩn mạng không dây, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các chữ cái khác bị bỏ qua. Chúng ta có c, d, e, f, h, k, u, v, w, y, thậm chí là aa, ad, ae, mc, aj... Mỗi một chữ như thế sẽ ứng với mạng dùng cho các mục đích khác nhau, ví dụ như 802.11c dùng trong quá trình bắt cầu mạng, 802.11y bao gồm băng tần 3650–3700 MHz xài ở Mỹ, còn 802.11aj dùng cho mạng của quân đội Trung Quốc. Một số trong số đó là phần bổ sung (amendment) cho một chuẩn hiện có, ví dụ như 802.11e là mở rộng của 802.11.


Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Xuất hiện thông tin về chiếc Asus "Nexus" K009 trên FCC: Snapdragon S4 Pro, pin 4000mAh, 4G LTE

Asus_K009_Nexus_7_2

Một chiếc máy tính bảng của Asus với số hiệu K009 mới đây đã xuất hiện trên trang web của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC). Điểm đáng chú ý đó là Asus nói hãng sẽ "dùng chữ Nexus vào mục đích marketing" cho thiết bị này. Về mặt cấu hình, máy sử dụng SoC bốn nhân Snapdragon S4 Pro APQ8064 xung nhịp 1,5GHz (không còn là NVIDIA Tegra 3 như Nexus 7), pin 4000mAh và sở hữu kết nối 4G LTE. Mặc dù Asus không đề cập đến kích thước màn hình nhưng viên pin với dung lượng nói trên gợi ý đây là thiết bị 7", còn những máy tính bảng 10" như Nexus 10 có viên pin lên đến 9000mAh. Nhiều khả năng K009 chính là mẫu Nexus 7 thế hệ thứ hai được đồn đại bấy lâu nay.

K009 có camera trước và đặc biệt có thêm camera sau với độ phân giải 5 megapixel, một điểm mới so với chiếc Nexus 7 hiện tại. Việc K009 được FCC cấp chứng chỉ tương thích với các quy định về mạng không dây cho thấy rằng thiết bị này đã sẵn sàng để bán ra thị trường. Chưa rõ bao giờ thì K009 mới chính thức ra mắt, tuy nhiên một số nguồn tin trước đây nói rằng thời điểm đó sẽ rơi vào tháng 7. Giá của máy được hãng tin Reuters tiết lộ rằng sẽ rất "dễ chịu", có lẽ cũng rơi vào mức khởi điểm 199$ giống người tiền nhiệm.

asus_k009
Vị trí logo của chiếc K009


Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

[Computex 2013] Trên tay ASUS Vivomouse và VivoPC

tinhte_computex2013_asus_vivomouse_top

VivoMouse và VimoPC là hai thiết bị mà ASUS muốn mang đến phòng khách của chúng ta trong năm nay. Đây là bộ đôi sản phẩm nhắm đến việc giải trí, kết nối hơn là làm việc. Chiếc VivoPC thì nhỏ gọn, đẹp nhưng cũng bình thường còn VivoMouse thì gây ấn tượng hơn vì kiểu dáng thiết kế và cách mà chúng ta thao tác với nó. VivoMouse như là một bàn rê chuột di động, không đây và nhiệm vụ của nó là giúp chúng ta điều khiển máy tính theo cách mà chúng ta hay làm với chiếc điều khiển TV.

VivoMouse có thiết kế rất đẹp và khá to. Khu vực nhận lệnh rê của nó có hình tròn và hiểu được các thao tác như một bàn rê chuột trên máy tính xách tay, kể cả các thao tác dành riêng cho Windows 8. VivoMouse không có chức năng nhận dạng cử chỉ như chiếc điều khiển thông minh của TV LG.

Chúng ta rê ngón tay cái trên khu vực này để thấy con chuột di chuyển trên màn hình và nhấp vào hay chạm vào khi muốn ra lệnh, tức là thao tác rất quen thuộc như chúng ta làm trên máy tính.

Dĩ nhiên là chúng ta có thể mua VivoMouse về để làm điều khiểu trình chiếu thay con chuột cho máy tính nếu chúng ta muốn. Nó có đi kèm với một chiếc USB nhận sóng nhỏ để có thể kết nối vào bất cứ chiếc máy tính nào.


Còn về chiếc VivoPC. Đó là một chiếc máy nhỏ gọn với ổ cứng có thể dễ dàng thay thế. Mặc định là ổ 3"5 nhưng có khay để đổi cho ổ 2"5. Mục đích của việc dễ thay đổi ổ là chúng ta có thể dễ dàng tháo ổ cứng ra và qua nhà thằng bạn chép phim về coi.

VivoPC có đủ các cổng kết nối của một chiếc HTPC nhỏ gọn và được thiết kế đẹp để chúng ta có thể để dưới chiếc TV nhà chúng ta.


[Computex 2013] Đầu đọc NFC cho máy tính

NFC_Computex

Anh em đã thấy khá nhiều các ứng dụng của NFC trên điện thoại. Hôm nay, mình xin giới thiệu với anh em ứng dụng NFC trên một chiếc máy tính qua thiết bị đọc NFCASUS mang đến Computex 2013. Tương tự như là trên điện thoại hay máy tính bảng có NFC thì những chiếc Tag NFC sẽ đóng vai trò như là một chìa khoá hay thiết bị để kích hoạt một chức năng nào đó. Và với Windows 8 tag NFC còn có khả năng như là một chiếc chìa khoá đăng nhập vào máy thay cho password. Nhiều tính năng khác cũng được sử dụng khi bạn cài phần mềm và dùng thiết đọc như chiếc này của ASUS. Điểm yếu cũ vẫn là 1 tag một việc và chúng ta cần phải nhớ xem tag nào vào việc nào.

Đầu đọc NFC của ASUS có kích thước tương tự một chiếc ổng cứng gắn ngoài được kết nối với máy tính qua cổng USB3.0. Ngoài khả năng đọc NFC thì nó còn đóng vai trò như là một chiếc HUB USB 3.0 với 2 cổng vào.

Để sử dụng đầu đọc NFC này thì máy bạn cần cài một phần mềm đi theo và phần mềm này sẽ giúp chi, quy định các chiếc thẻ với các mục đích khác nhau. Nếu bạn muốn biết thẻ nào làm việc gì thì có lẽ những chiếc thẻ có thể khắc tên lên của Khắc Tên sẽ giúp bạn nhiều hơn là những chiếc thẻ vàng vàng của ASUS.



Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

[Computex 2013] Trên tay ASUS Memopad 7HD

ASUS gây ấn tượng với anh em Tinh Tế khi bán ra những chiếc Memopad ở Việt Nam với giá hơn 3 triệu đồng. Và ở Computex năm nay ASUS còn gây ấn tượng mạnh hơn với các nâng cấp về phần cứng và giá cả vẫn hết sức hấp dẫn. Chúng ta có máy với CPU lõi tứ thay cho CPU đơn nhân, màn hình IPS HD thay cho màn hình 600x1024, Camera sau 5Mp so với Camera 2.0Mp của thế hệ trước và nó còn nhẹ hơn vớ viền màn hình hai bên mỏng hơn.

Điều đầu tiên mình cảm nhận được là chất lượng hiểu thị của màn hình Memopad HD 7 có cải thiện rất đáng kể so với chiếc Memopad năm ngoái và vượt trội hơn nhiều so với những chiếc tablet Android giá rẻ khác, kể cả chiếc Galaxy Tab 7 2. Cám ơn màn hình công nghệ IPS và độ phân giải cáo 800x1280.


Chất lượng hoàn thiện máy của ASUS ở Memopad này cũng khá ổn, vẫn giống như chiếc Memopad cũ, chắc chắn, cứng cáp tuy máy hơi dày và loại nhựa mà ASUS dùng cũng không phải loại cao cấp. Các máy Memopad 7HD có vỏ bên ngoài với 4 màu sắc khác nhau và đều được hoàn thiện bóng, bám dấu vân tay rất nhiều. Mình thích vỏ sần, nhám giống thế hệ trước hơn.

Rất nhiều nâng cấp về phần cứng:
CPU lõi tứ thay cho CPU lõi đơn
Màn hình IPS 800x1280 thay cho màn hình 600x1024 thường
Camera sau 5.0Mp so với bản trước không có Camera sau
Trọng lượng 302g thay cho 358g

Mình có đứng vọc thử một chút chiếc Memopad 7HD và khá ấn tượng với khả năng thực thi của máy. Các thao tác cơ bản đều hoàn thành rất tốt. Màn hình hiển thị tốt và Camera khá ổn.

Rõ ràng trong những chiếcc máy Android 7" hiện nay thì Memopad thực sự đáng giá và đáng để chọn.