Theo trang hỗ trợ chính thức của Google, hãng sẽ hợp tác với HTC để tặng dung lượng lưu trữ trên dịch vụ Drive cho người dùng HTC One max và One. Khi mua One max về và đăng nhập tài khoản Google của mình vào, người dùng sẽ có thêm 50GB miễn phí trong vòng hai năm. Đối với các máy HTC One, người dùng sẽ phải cập nhật máy của mình lên bản Android 4.3 kèm giao diện Sense 5.5 để có được 25GB miễn phí cũng trong hai năm. Google có ghi rằng "các máy được nâng cấp lên bản Sense 5+ (có lẽ Sense 5.5)" cũng nằm trong diện được tặng dung lượng Drive nhưng không đề cập đến cái tên nào khác ngoài One.
Google nói rõ rằng những thiết bị nào đã mở khóa bootloader, bất kể đó là One max, One hay One Developer Edition thì sẽ không nhận được ưu đãi nói trên. Mỗi tài khoản Google và một máy chỉ được sử dụng ưu đãi này một lần duy nhất mà thôi. Thời hạn chương trình này kết thúc là vào ngày 1/1/2016.Nguồn: Google
Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013
Người dùng HTC One max được tặng 50GB miễn phí dung lượng Google Drive, HTC One được 25GB
Windows Store đã có gần 125.000 ứng dụng, mời tải về các ứng dụng miễn phí phổ biến nhất tuần qua
Sau gần 3 tuần kể từ ngày ra mắt chính thức thì đã đến lúc chúng ta cùng điểm qua những ứng dụng tốt nhất, phổ biến nhất trên Windows Store dành cho Windows 8.1/RT 8.1 cũng như cập nhật những thông tin mới về tình hình phát triển của kho ứng dụng này.
Tính đến chủ nhật vừa qua (ngày 3 tháng 11), Windows Store đã có tổng cộng 124.930 ứng dụng, tăng 1.436 ứng dụng chỉ trong 1 tuần. Các ứng dụng miễn phí hàng đầu trong tuần đáng chú ý là Facebook "chính chủ" - được phát hành song song với bản cập nhật Windows 8.1 vào ngày 17 tháng 10 và đến nay thì ứng dụng này vẫn tiếp tục duy trì vị trí số một trong danh mục miễn phí. Các ứng dụng khác trong danh sách miễn phí hàng đầu tại thị trường Mỹ còn có Netflix, Skype, Hulu và Fresh Paint. Đối với danh mục ứng dụng trả phí hàng đầu thì Angry Birds Space đã trở lại top cùng với game đua xe Asphalt 7 Heat vừa ra lò của Gameloft.
Trong tuần, Adobe cũng đã cập nhật phiên bản mới nhất cho ứng dụng chỉnh sửa ảnh Photoshop Express. Đây là phiên bản Modern của công cụ chỉnh sửa ảnh nổi tiếng Photoshop với tính năng rút gọn. Bản cập nhật mới của Photoshop Express đã chạy tốt trên Windows 8.1 cùng với việc hỗ trợ phiên bản 64-bit và ARM cho các gói tính năng Looks và Noise Reduction. Ngoài Adobe Photoshop Express thì ứng dụng Yahoo! Mail cho Windows 8/RT cũng được cập nhật để sửa một số lỗi liên quan đến hiệu năng sử dụng.
Một tin vui khác là Corona Labs - công ty đứng đằng sau bộ công cụ lập trình Corona SDK đang được giới phát triển khai thác để viết ứng dụng cho nhiều nền tảng, đã vừa công bố hợp tác với Microsoft. Sự hợp tác mới giữa 2 bên sẽ cho phép lập trình viên sử dụng bộ SDK của Corona để phát hành các ứng dụng mới cho Windows Phone 8 và Windows 8. Điều này có nghĩa chúng ta có thể chờ đợi sự xuất hiện của nhiều ứng dụng hấp dẫn hơn trên Windows Store của cả 2 nền tảng này trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong tuần qua cũng xuất hiện tin đồn về việc Microsoft đang hợp nhất 3 ứng dụng Mail, Calendar và Outlook làm 1 cho Windows 8.1. Điều này khá trùng hợp với thông tin Microsoft sẽ mặc định ẩn Desktop trên Windows RT và tái thiết kế bộ Office 2013 RT trong đó có Outlook để hoạt động trên nền Modern UI.
Dưới đây là danh sách 5 ứng dụng miễn phí hàng đầu, bạn có thể nhấn vào logo ứng dụng và nhấn View in Windows Store để cài đặt:
Facebook:
Về ứng dụng này thì không phải nói gì thêm - Facebook chính thức cho Windows 8 với giao diện tương thích và đầy đủ các tính năng như bạn sử dụng trên web.
Six Guns:
Trò chơi cao bồi rất hấp dẫn với đồ hoạ đẹp và đặc biệt là miễn phí từ A đến Z do Gameloft phát hành. Game cũng hỗ trợ chơi multi qua hệ thống Xbox LIVE.
Movie Moments:
Một ứng dụng làm phim khá hay của Microsoft. Với ứng dụng này, bạn có thể cắt các phân đoạn video, làm nổi bật các khoảnh khắc đáng nhớ với phụ đề và hiệu ứng cũng như lồng nhạc nền.
Where's My Water? 2:
Lại một tựa game rất quen thuộc đối với những ai thích giết thời gian bằng trên thiết bị di động. Sau phiên bản đầu tiên thì Disney cũng đã vừa phát hành phiên bản thứ 2 nối tiếp câu chuyện của chú cá sấu thích tắm trong Where's My Water.
Fresh Paint:
Cuối cùng là ứng dụng vẽ vời Fresh Paint. Ứng dụng này vừa được Microsoft cập nhật để hoạt động tốt hơn trên Windows 8.1. Một số tính năng mới trong bản cập nhật này bao gồm màu, bút chì và cọ vẽ mới, in dạng tranh vải với các tuỳ chọn khung tranh.
Theo: WinBeta
Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013
Lộ hình ảnh Nikon Df dùng cảm biến full-frame sắp ra mắt
Theo dự kiến Nikon sẽ giới thiệu mẫu máy ảnh full-frame mới nhất vào ngày 5/11. Tuy nhiên trước giờ ra mắt chúng ta đã có được một vài hình ảnh báo chí của chiếc máy ảnh này. Qua đó, Nikon Df sẽ sử dụng cảm biến ảnh full-frame với ký hiệu FX quen thuộc của Nikon. Với kính ngắm dạng tròn ở mặt sau, nhiều người tin rằng đây sẽ là dòng máy DSLR thay vì là mirrorless. Máy mang một thiết kế rất hoài cổ khiến nhiều người có thể liên tưởng đến dòng máy ảnh phim ngày trước của Nikon. Hệ thống điều khiển của máy cũng khá ấn tượng, đặc biệt cuốn hút những người hay điều chỉnh bằng tay. Hình ảnh còn cho thấy Nikon còn đưa ra một mẫu ống kính AF-S 50mm f/1.8 G có thiết kế vòng kim loại màu bạc.
Về tổng thể, Nikon Df có thể dài chỉ bằng dòng máy D3200, tay cầm máy khá ngắn, kính ngắm được nhô lên cao. Mặt trước của máy có hai vòng điều khiển chức năng như các máy phim cổ. Trong khi dàn bánh xe điều khiển các chức năng như ISO, phơi sáng EV, tốc độ, các chế độ chụp (S, CL, CH, Q...). Trong khi mặt sau của máy lại có thiết kế tương tự như dòng máy Nikon D300s, phím Live View được nằm ở vị trí riêng và không có nút gạt chọn chế độ quay phim như dòng máy D7100, D4... Màn hình LCD phụ được thiết kế nhỏ gọn và chỉ hiển thị một vài thông số cần thiết như tốc độ chụp, khẩu độ, số ảnh còn lại có thể chụp...
Có thể thấy đây là một lựa chọn máy ảnh full-frame kiểu dáng nhỏ gọn của Nikon nhưng vẫn sử dụng hệ thống ống kính F-mount hiện tại. Chúng ta sẽ được biết rõ thông tin cụ thể trong ngày ra mắt 5/11/2013.Nguồn: cameraegg.org
Ấn Độ sẽ thực hiện sứ mệnh khám phá sao Hoả trong ngày mai
Vào ngày mai, thứ Ba, Ấn Độ sẽ phóng một con tàu vũ trụ từ Trung tâm vũ trụ Ấn Độ nằm trên đảo Shrikarikota và đích đến của nó chính là sao Hoả. Tên của con tàu vũ trụ này là Mangalyaan, có nghĩa là “Tàu sao Hoả” trong tiếng Hindu. Dự kiến con tàu này sẽ mất 300 ngày và vượt qua quãng đường 776 triệu km để tiến vào quỹ đạo của sao Hoả nhằm thực hiện các nghiên cứu về địa chất và bầu khí quyển của hành tinh này. Trên tàu có 5 thiết bị dùng để nghiên cứu về hệ thống thời tiết của sao Hoả trong nỗ lực khám phá về những thứ đã xảy ra với nguồn nước có thể từng tồn tại trên hành tinh này. Ngoài ra thì các nhà khoa học Ấn Độ hy vọng sứ mệnh này sẽ giúp chứng minh công nghệ và khả năng của họ trong việc khám phá các hành tinh thuộc hệ mặt trời cũng như tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề trên trái đất.
Nếu thực hiện thành công sứ mệnh này, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia/liên minh thứ 4 đến được sao Hoả sau Liên bang Soviet, Mỹ và một nhóm các quốc gia châu Âu. Việc phóng một con tàu vũ trụ đến sao Hoả là một thử thách thực sự mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Tính đến hiện tại 23/40 sứ mệnh chinh phục sao Hoả được thực hiện bởi nhiều quốc gia trên thế giới đã gặp phải thất bại. Trong đó, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã từng thất bại trong quá khứ.
BlackBerry nhận 1 tỷ USD từ Fairfax và những nhà đầu tư khác, Thorsten Heins không còn là CEO
Hôm nay là hạn chót của thương vụ Fairfax - BlackBerry, và cuối cùng thì Fairfax đã không thể vay 4,7 tỷ USD để tư nhân hoá tập đoàn Canada. Tuy nhiên, câu chuyện giữa BlackBerry và Fairfax vẫn chưa kết thúc, khi mới đây ban lãnh đạo BlackBerry đã chính thức xác nhận họ sẽ nhận 1 tỷ USD từ Fairfax cùng các nhà đầu tư tài chính khác trong việc tìm kiếm một hướng đi mới cho công ty. Chưa hết, nội bộ BlackBerry cũng sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn nữa khi vị CEO hiện tại là ông Thorsten Heins sẽ rời bỏ chức vụ của mình sau khi thương vụ trên được hoàn tất.
Được biết, CEO trước đây của Sybase (đã bị mua lại bởi SAP), ông John S.Chen sẽ tạm thời giữ chức vụ giám đốc điều hành cũng như Chủ tịch Hội đồng quản trị của BlackBerry trong thời gian tập đoàn tìm kiếm ứng viên mới. Cũng trong dịp này, Barbara Stymiest, chủ tịch hiện tại của BlackBerry, đã gửi lời cảm ơn chân thành đến những đóng góp to lớn của Heins đối với BlackBerry. Stymiest cũng không quên chào đón vị tân CEO mới là ông S.Chen, người có nhiều kinh nghiệm trong mảng di động dành cho doanh nghiệm, Stymiest mô tả Chen là "một nhà lãnh đạo xuất sắc trong ngành công nghiệp công nghệ" và hy vọng những hiểu biết của ông sẽ mang lại một tương lai mới cho BlackBerry.
Như vậy thì sau 6 năm làm việc ở BlackBerry, và gần 2 năm làm CEO, kỷ nguyên của Heins đã chính thức khép lại tại đây. Trong suốt khoảng thời gian lèo lái tập đoàn điện thoại Canada, Heins đã để lại khá nhiều dấu ấn với hệ điều hành BlackBerry 10, đưa BBM trở thành ứng dụng đa nền tảng và đặc biệt là sự ra mắt của các sản phẩm mang tính chiến lược cao như Q10, Z10 hay Z30.
Ngay sau thông tin trên thì cổ phiếu của BlackBerry đã giảm gần 19%.
Vì sao LG và Samsung thiết kế smartphone cong và đó có phải là nơi màn hình cong thật sự tỏa sáng?
Hiện tại, hầu hết các smartphone trên thị trường đều sở hữu chung kiểu dáng tương tự như nhau: một hình chữ nhật phẳng và màn hình cũng phẳng theo như thế. Còn trong vài tuần qua, chúng ta đã được thấy những tín hiệu từ Samsung và LG báo hiệu rằng điều này có thể sẽ sớm thay đổi. Samsung thì ra mắt một chiếc điện thoại cong theo chiều ngang với tên gọi Galaxy Roud, trong khi người đồng hương LG thì giới thiệu smartphone G Flex cong theo chiều dọc. Vậy tại sao hai công ty lớn trong ngành di động lại cho ra hai sản phẩm vừa giống lại vừa khác nhau như thế? Liệu đó có phải chỉ là một chiêu marketing như lời chỉ trích của nhiều người hay không?
Cả hai chiếc Samsung Galaxy Round và LG G Flex đều tạo ra được cảm giác "khác biệt" mà đã lâu rồi chúng ta chưa được thấy trong thế giới smartphone. Nhưng liệu sự "khác biệt" đó có tốt hay không? Matthew Cockerill, giám đốc thiết kế của công ty tư vấn sản phẩm công nghiệp Seymourpowell (Anh Quốc), đã bày tỏ nghi ngờ của mình. Ông là người đã từng tham gia thiết kế nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng, trong đó có cả việc phát triển các mẫu TV OLED và TV/màn hình của Samsung. Cockerill nói smartphone màn hình cong là "một giải pháp đang tìm vấn đề để có thể đáp ứng". Ông chia sẻ: "Ở góc nhìn về mức độ tiện dụng, chúng (điện thoại màn hình cong) không mang lại gì nhiều. Trong trường hợp của Samsung, có thể hãng muốn làm điện thoại cong theo phương ngang để ôm vào chân của người dùng khi bỏ vào túi, nhưng tôi thật sự không nghĩ đây là một tính năng chính".
Điện thoại của LG thì lại được hãng quảng cáo là phù hợp với gương mặt của người dùng khi gọi điện. Có thể lời nói của LG là đúng, như chiếc Nexus S hay Galaxy Nexus có mặt kính cong cũng được nhiều người nhận xét như thế, nhưng chúng ta đang trong kỉ nguyên mà thời gian điện thoại nằm trên bàn tay nhiều hơn là thời gian chúng ta áp nó lên mặt để thực hiện cuộc gọi.
Simon Lamason, người đứng đầu mảng chiến lược thiết kế của công ty tư vấn PDD, cũng là nhân vật đã dành hàng thập kỉ làm việc với Nokia và Philips dưới vai trò thiết kế trưởng, thì nói rằng smartphone cong "không mang lại nhiều lợi ích lớn cho người dùng". "Nó thật sự mang lại tính mới lạ cho sản phẩm... nhưng chúng lại thuộc vào dạng 'họ có thể nên họ đã làm nó'. Trường hợp này giống như việc hai công ty Hàn Quốc đang đuổi lấy nhau vậy".Việc hai công ty LG và Samsung "ngẫu nhiên" ra mắt điện thoại màn hình cong ở thời điểm rất gần nhau thật ra cũng không phải là một điều quá bất ngờ. Cả hai hãng đều có bộ phận riêng chuyên kinh doanh màn hình (Samsung Display và LG Display), cả hai cũng đã đầu tư mạnh vào công nghệ OLED trong thời gian qua. Tấm nền OLED cong cũng đã được giới thiệu từ nhiều năm qua, còn bây giờ là thời điểm mà chúng có thể được sản xuất số lượng lớn để tung ra thị trường.
Điểm mấu chốt của OLED cong đó là LG và Samsung đã thay thế phần chất nền thủy tinh của màn hình bằng chất liệu nhựa, chính vì thế mà chúng mới có độ dẻo và tất nhiên là độ bền cao hơn màn hình OLED thông thường. Công nghệ này vào một ngày nào đó có thể được áp dụng cho những sản phẩm cong thật thụ, ví dụ như đồng hồ đeo tay chẳng hạn, khi mà những linh kiện khác (như pin, chip, mạch...) có được độ cong cần thiết. Trong chiếc G Flex, LG cũng có sử dụng viên pin "chồng và gập" do chính mình thiết kế nên, nhưng đại diện của hãng nói rằng công nghệ pin cong thật sự thì còn phải mất nhiều năm nữa thì mới phổ biến được.
Đó là chuyện của tương lai, còn bây giờ, quay trở lại hiện tại thì chúng ta đang có Galaxy Round và G Flex. Cả hai chiếc máy này tới bây giờ vẫn chưa chứng minh được lý do chính mà chúng tồn tại. Nhà thiết kế Cockerill tin rằng việc hai chiếc điện thoại này có hình dáng cong khác hẳn nhau cho thấy rằng hiện chúng không mang lại điều gì gì cả. "Nếu có những vấn đề mấu chốt mà hai chiếc smartphone cong này có thể giải quyết, tôi nghĩ rằng cả hai nhà sản xuất đã hướng đến một điểm chung nào đó rồi". Thay vào đó, ông nói Galaxy Round và G Flex chỉ đơn giản là để Samsung hay LG chứng minh sự khác biệt của mình.
Trong những năm gần đây, các chiêu mẹo marketing hay sự khác biệt không còn nằm ở thiết kế của sản phẩm. Nhưng bạn hãy thử nhìn lại quá khứ mà xem, nhiều công ty đã từng cho ra những thiết kế điện thoại di động rất lạ chứ không phải chỉ có Samsung Galaxy Round hay LG G Flex. Ví dụ dễ thấy nhất: Nokia. Hãng từng công bố các kiểu dáng điện thoại cực kì khác biệt, chẳng hạn như chiếc máy N-gage chơi game, Nokia 7650 bàn phím xoay, Nokia 7610 chiếc lá, Nokia 7280 thỏi son... Còn trong thời đại ngày nay, màn hình cảm ứng đã khiến các smartphone trong tương tự, na ná như nhau.
Cockerill nói: "Nếu bạn nhìn vào một chiếc smartphone ngày nay, nó đã thực sự 'trưởng thành' khi nói về những gì chúng có thể làm được. Tôi không thấy được lý do để tôi bỏ màn hình phẳng chuyển sang sử dụng màn hình cong. Nhìn sâu hơn, nó cũng chỉ là một công nghệ được áp dụng cho một thể loại sản phẩm sẵn có". G Flex hay Galaxy Round vẫn có kiểu dáng chữ nhật đó thôi.
Mặc dù vẫn còn nhiều nghi ngờ xoay quanh thế hệ smartphone màn hình cong đầu tiên nhưng cả hai vị Lamason và Cockerill đều đồng ý rằng công nghệ này vẫn có giá trị nhất định. Ví dụ, bạn có thể có được màn hình rộng hơn trong một chiều dài ngắn hơn. Với người ngồi ở giữa, màn hình cong sẽ giảm hiệu tượng phản xạ, hình ảnh sẽ tốt hơn do cách đều mắt người dùng. Đây cũng là những điều mà LG và Samsung đã nói khi họ ra mắt những chiếc TV OLED cong của mình. Nhưng một khi bạn đặt chiếc điện thoại này ở góc lệch, hoặc khi nhiều người cùng nhìn vào màn hình cong thì những tác dụng nói trên không còn hiệu quả nữa.
Cả Lamason và Cockerill cũng đều nói rằng chẳng có gì sai khi smartphone được trang bị màn hình cong như những gì LG và Samsung đang làm, chỉ là không có thứ gì thật sự đúng mà thôi. Việc sản xuất OLED dẻo còn có rất nhiều lợi điểm khác chứ không phải chỉ để uốn cong rồi cho vào một chiếc điện thoại. Vậy thì thật ra chúng ta có thể làm gì với OLED cong?
Theo Cockerill, những nhà thiết kế sản phẩm công nghiệp đã "mơ về màn hình cong và dẻo" hàng thập kỉ nay. "Bạn hãy thử tìm trên Google về những từ khóa đó và bạn sẽ ra được hàng đống nguyên mẫu hay ý tưởng về sản phẩm màn hình cong". Giờ đây khi công nghệ đó đã xuất hiện, chúng ta không nên bỏ nó vào smartphone mà không có một lý do tốt. Thay vào đó, Cockerill hi vọng rằng các công ty và đội ngũ thiết kế của mình sẽ tập trung vào một câu hỏi khác: thể loại sản phẩm mới nào trong tương lai có thể được hiện thực hóa nhờ màn hình cong?
Hiện nay, thứ được nhiều quan tâm đó là smartwatch. Nhiều công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, LG, Apple đều đang được đồn là sẽ cho ra smartwatch trong thời gian rất sớm. Và theo nhà thiết kế Lamason, đây chính là một trong những nơi tuyệt vời mà màn hình cong có thể phát huy hết sức mạnh của mình. Không dừng lại ở đó, ông còn thấy được tiềm năng của màn hình cong khi chúng xuất hiện trên những đồ trang sức hay thiết bị giám sát sức khỏe. Đường cong của màn hình phù hợp một cách tự nhiên với những hình khối trên cơ thể con người".
Những sản phẩm như vòng đeo tay Nike Fuelband hay Fitbit Force có thể là những ứng cử viên sáng giá cho màn hình dẻo. "Bạn có thể có nhiều màn hình chính cuộn xung quanh cổ tay mình, mỗi màn hình chính sẽ thể hiện thông tin khác nhau", Lamason gợi ý. "Nếu sản phẩm có liên quan đến thể thao như Fuelband hay Fitbit, nó có thể hiển thị nhiều màu khác nhau tùy theo hành động của bạn. Tôi nghĩ như thế sẽ thú vị hơn, khi mà bạn thật sự có thể dùng sự linh hoạt của màn hình để khớp với cơ thể người". Cả hai nhà thiết kế của chúng ta cũng mơ về những màn hình có thể gập, cuộn lại thoải mái một ngày nào đó sẽ xuất hiện trong các thiết bị điện tử tiêu dùng.
Cockerill có một sự so sánh dễ hiểu khi nói về tầm ảnh hưởng của màn hình cong đến việc thiết kế sản phẩm. "Hãy nhìn vào ngành kiến trúc, và hãy xem nó đã đi đến đâu khi kính cong ra đời... Chỉ 50 năm trước, thứ kính duy nhất mà các kiến trúc sư có thể dùng chỉ là kính phẳng, còn bây giờ thì bạn có kính cong và có thể tạo ra nhiều hình dáng khác nhau. Điều này cho phép tạo ra những kiến trúc với thiết kế theo hướng tự do hơn và hướng đến nhiều thứ khác nhau hơn".
Trong 50 năm, chúng ta có thể sẽ nhìn vào ảnh hưởng của màn hình dẻo và màn hình cong theo một cách tương tự như thế. "Màn hình cong và dẻo thật sự rất giá trị và có nhiều tiềm năng thực sự", Cockerill chia sẻ, "tôi chỉ không nghĩ rằng những tiềm năm đó nằm trong thiết kế hiện tại của smartphone".Nguồn: The Verge
Đánh giá chi tiết Asus Fonepad 2: cấu hình cao hơn, giá vẫn tốt
Đúng nửa năm sau khi thế hệ Fonepad đầu tiên được bán ra tại Việt Nam thì hôm nay mình đã có dịp được dùng thế thệ thứ 2 với cấu hình cao hơn và một số thay đổi về thiết kế. Cải tiến lớn nhất đó chính là việc Fonepad 2 được trang bị bộ xử lý Intel Atom Z2560 hai nhân tốc độ 1,6GHz (đời Clover Trail+), giúp cho máy có thể hoạt động tốt hơn. Thử nghiệm thực tế cho thấy Fonepad 2 chạy mượt hơn trước, mát hơn và thời lượng pin khá tốt. Điểm trừ mà mình không thích đó là những thay đổi về thiết kế không giúp máy tốt hơn trước, nếu không muốn nói là xấu hơn, khe sim và khe cắm thẻ nhớ đã được đưa ra ngoài chứ không còn ẩn trong nắp lưng nữa. Vừa qua thì Asus Việt Nam cũng đã chính thức giới thiệu Fonepad thế hệ 2 này và giá bán chính thức là 6.490.000 vnđ. Cấu hình cao hơn, mức giá tăng không đáng kể, Fonepad vẫn là lựa chọn tốt cho những người thích sở hữu một chiếc máy tính bảng 3G có khả năng gọi điện. Những lo lắng về việc nhân xử lý Intel Atom không tương thích với phần mềm Android có sẵn đã được giải quyết và được Asus thể hiện khá tốt ở các đời Fonepad trước.
Cấu hình tiêu chuẩn ASUS Fonepad 2:Thiết kế
- Hệ điều hành: Android 4.2.2 (Jelly Bean)
- Màn hình: 7" độ phân giải 1280 x 800 điểm ảnh, panel IPS
- CPU: Intel Atom Z2560 hai nhân đời Clover Trail+ (Hyper-Threading - như mấy anh intel hay gọi là siêu phân luồng: 2 nhân 4 luồng), tốc độ 1.6 GHz
- GPU: PowerVR SGX544
- RAM: 1GB
- Bộ nhớ trong/Thẻ nhớ: tùy chọn 8GB, 16GB, 32GB, có hỗ trợ thẻ microSDHC, tặng 5GB Asus WebStorage trong hai năm
- Camera chính: 5 megapixel, có tự động lấy nét, chụp liên tục lên đến 100 tấm, quay phim Full-HD 1080
- Camera phụ: 1,2 megapixel
- Kết nối: 3G
- Tính năng đặc biệt: gọi điện thoại, có rung
- Cảm biến: Accelerometer, proximity, compass, A-GPS, không có NFC
- Pin dung lượng 3950 mAh
- Độ mỏng: 10,5mm
- Trọng lượng: 340g
Như đã nói ở trên, mình không thích thiết kế mới của Fonepad 2, tuy nhiên đây là ý kiến cá nhân, có thể bạn sẽ nghĩ khác. Thay vì thiết kế liền mạch và sử dụng nắp lưng kim loại như trước thì trên thế hệ mới này Asus đã làm 1 nắp lưng lớn, không còn khu vực nhỏ để nhét thẻ nhớ và sim nữa. Thay vào đó bạn có 1 khe sim với lỗ cắm nhỏ để mở giống như bao chiếc điện thoại đang bán trên thị trường, khe thẻ nhớ thì ở bên cạnh phải, không có nắp che. Điểm mạnh là bạn có thể tháo sim, thẻ nhớ khá thoải mái, nhưng điểm yếu là thiết kế của máy xấu đi, khe thẻ nhớ dùng lâu tất nhiên sẽ có bụi. Kích thước của Fonepad 2 vẫn giúp bạn có thể cầm bằng 1 tay thoải mái, tất nhiên khi sử dụng thì buộc phải cầm bằng 2 tay để có thể gõ chữ, chơi games.
Viền màn hình khá to và thô, làm cho màn hình 7-inch có vẻ nhỏ đi khá nhiều, đặc biệt là khi Asus trang bị 2 loa định hướng ở phía trước, cũng góp phần làm cho viền màn hình to hơn. Điểm mạnh là cầm bằng tay thoải mái, bạn có thể xoay ngang, xoay dọc thuận tiện, điểm yếu là xấu. Ngoài ra việc kích thước quá to so với 1 chiếc điện thoại nên mỗi khi bạn cầm máy lên nghe điện thoại thì cũng hơi khó chịu chút, vị trí đặt loa thoại cũng làm cho bạn phải mất thời gian căn chỉnh cho nó đúng vào tai, để không bị nghe nhỏ. Mình đeo kính, vì thế áp Fonepad 2 vào tai để nghe điện thoại thì bị vướng giọng kính. Giải pháp cho tất cả các vấn đề là bạn nên mua thêm 1 cái tai nghe bluetooth.
Với giá tiền không quá cao, không thay đổi nhiều so với đời trước, Asus vẫn làm khá tốt, duy chỉ có điều nhựa thì nhìn không sắc sảo như kim loại. Các chi tiết như viền mép các cạnh, chi tiết ở giắc cắm micro USB hay giắc tai nghe được làm tốt, không sắc sảo nhưng cũng không tệ, đặc biệt là các phím bấm đẹp và cảm giác bấm tốt. Nắp lưng nhựa hợp với khung sườn ở một góc hơi nhọn, làm cho cầm tay vào hơi cấn tay. Nắp nhựa này khá bám vân tay nên hơi khó chịu và nhìn có vẻ lem nhem.
Mặc dù có thể gọi điện và Asus cũng đề cao tính năng điện thoại trên fonepad nhưng bạn khó mà có thể coi nó là một chiếc điện thoại bình thường được. Nếu coi như đây là chiếc máy tính bảng với việc tích hợp khả năng gọi điện thì sẽ thoải mái hơn nhiều. Nếu như muốn thường xuyên sử dụng tính năng thoại thì bạn nên mua một chiếc tai nghe bluetooth. Thông thường khi đi ngoài đường thì mình lựa chọn để Fonepad trong balo hoặc trong cốp xe, di chuyển thì cần có thêm túi nhỏ để đựng. Như vậy, xác định rằng bạn cần thêm túi nhỏ và tai nghe bluetooth nữa, với mình thì rất may là 2 phụ kiện này dễ kiếm nên không mấy khó khăn. Dù sao thì từ khi dùng Fonepad tần suất nghe điện thoại ngoài đường của mình giảm hẳn đi
Màn hình
Qua đến đời thứ 2 (thực chất là 3 với 1 lần nâng cấp nhẹ về phần cứng mà không đổi thiết kế) nhưng Asus vẫn trang bị cho Fonepad 2 màn hình kích thước 7-inch, độ phân giải 1280x800. Độ phân giải này đủ để sử dụng, màn hình hiển thị không bị rỗ, chữ viết sẽ hiển thị tốt hơn khi bạn lựa chọn font cỡ lớn trong phần cài đặt. Máy có nhiều lựa chọn về độ sáng, nếu như ở ngoài trời thì bạn có thể lựa chọn tính năng Outdoor Mode, khi đó độ sáng được tăng cường, giúp cho người dùng có thể nhìn tốt hơn. Với chế độ sáng nhất này thì bạn cũng chỉ tạm có thể dùng được ở ngoài nắng mà thôi, trong trường hợp lang thang lúc 12h ngoài trời thì màn hình cũng chưa thực sự tốt để dùng.
Cùng với độ phân giải không đổi thì chất lượng hiển thị vẫn y nguyên như Fonepad đời đầu tiên. Màn hình Fonepad đó là nó hiển thị màu sắc bị sai lệch khá nhiều, màu có vẻ nhạt và nghiêng về tông màu lạnh. Màn hình nếu so về màu sắc với Nexus 7 thì không bằng, chỉ là tạm ổn, , ví dụ như logo Facebook thì nó thành xanh nhạt chứ không phải xanh đậm. Asus có trang bị thêm cho người dùng phần mềm tự canh chỉnh màu sắc trên màn hình theo ý thích với tên gọi Splendid. Cá nhân mình thì không thích chuyện này, Asus nên tự làm chuyện này cho khách hàng vì không phải ai cũng có thể căn chỉnh màu sắc cho màn hình và dẫn đến mất thời gian khá nhiều và thêm bực bội. Hơn nữa, mình đã thử căn chỉnh thử nhưng mà cũng không thể vừa ý được.
Mặt kính phía trước của máy lại bám vân tay khá nhiều. Sau khoảng 30 phút sử dụng thì nó đã lem nhem rất khó chịu.
Phần mềm
CPU Intel Atom Z2560 Clover Trail+ (2 nhân 4 luồng) đã cải thiện tốc độ xử lý của Fonepad 2 khá nhiều. Có thể cảm nhận rõ ràng về mức độ mượt và nhanh hơn trước. Tất cả các tác vụ được đáp ứng khá tốt, không có độ trễ. Tuy nhiên, Fonepad 2 được thiết lập ở chế độ tự động tắt các ứng dụng chạy nền khi mà bộ nhớ tạm hết, ngay cả Launcher cũng bị tắt, do đó mỗi khi bạn ở phần mềm nào đó mà nhấn Home thì sẽ bị chậm đôi chút do Launcher phải tải lại. Điều này thể hiện rõ nhất khi mình chơi games Clash Of Clans, mỗi khi đang chơi mà nhấn vào Home thì Launcher bị tải lại, thao tác có chậm đi đôi chút.
Ram của máy 1GB và thường còn khoảng hơn 200MB free. Trước đây có nhiều người e dè việc chip Atom thì sẽ không chạy được các phần mềm có sẵn của Android, tuy nhiên qua thử nghiệm thì nó chạy được hết:
Tuy cấu hình không cao nhưng Asus cũng trang bị cho máy khá đầy đủ các phần mềm và tiện ích cần thiết như hệ thống phím tắt và tuỳ chỉnh nhanh trên khu vực Notifications, các mini app ở góc dưới màn hình. Đặc biệt là phần mềm Instant Dictionary, tra chéo từ điển trong các phần mềm khác, có hỗ trợ tiếng việt và yêu cầu cần có kết nối internet mới sử dụng được. Thử coi film mHD (720p) bằng phần mềm Mxplayer Pro thì máy cũng coi được, không có hiện tượng giật hay lag. Một điều khá tốt là trong quá trình dùng máy thì nhiệt độ của Fonepad không cao lắm, không gây khó chịu cho người dùng.
Nếu bạn quan tâm đến root cũng như rom cook thì câu trả lời hiện tại là chưa, chưa có cách nào để root chiếc máy này cả. Mua máy này về xác định là dùng chứ không phải để vọc rom, tất nhiên vọc phần mềm thì vẫn được bình thường. Với chiếc máy 6 triệu thì mua về lướt web, gọi điện nhắn tin và giải trí đơn giản thì khá là tốt rồi.
Pin và hiệu năng sử dụng
Máy có pin dung lượng 3950 mAh, thấp hơn so với đời trước 1 chút (fonepad 1 là 4270mAh), nhưng vẫn đủ để sử dụng cho 1 ngày làm việc bình thường. Trong trường hợp bạn sử dụng ít và kích hoạt thêm tính năng tiết kiệm pin thì mình tin là có thể trụ được trong 2 ngày. Như trong quá trình sử dụng mình mò khá nhiều nhưng máy cũng đáp ứng đủ 1 ngày làm việc, tới tối về sạc là vừa. Trong quá trình sử dụng thử thì mình luôn để độ sáng màn hình cố định ở mức 70%, mỗi khi dùng ngoài trời thì bật tính năng Outdoor Mode, chơi Clash of Clans khá nhiều thì dưới đây là mức độ tiêu thụ pin của máy:
Có một điều lạ là Fonepad 2 thường xuyên duy trì chạy ở mức xung nhịp thấp, 800MHz (có lẽ để tiết kiệm pin), nếu như Asus thay đổi xung cao hơn 1 chút thì sẽ tốt hơn. Báo cáo từ CPU Spy ở dưới đây cho thấy Fonepad 2 cũng thỉnh thoảng tải ở xung cao nhất, mức 1600MHz.
Kết luận
Với mức giá tăng cao hơn 1 chút, Fonepad 2 vẫn không quá mắc (nếu đời sau mà tăng hơn 7tr thì thành mắc rồi đó) và đáp ứng đủ nhu cầu dùng bình thường của người dùng. Nó không quá tệ mà chất lượng phần cứng tạm ổn, nếu bạn đang cần một chiếc máy tính bảng Android có 3G để sử dụng thì đây là lựa chọn khá tốt. So với Nexus 7 3G thì Fonepad 2 có chất lượng phần cứng tương đương, màn hình xấu hơn, loa ngoài hay hơn, tốc độ chậm hơn, máy có thể gọi điện và thêm thẻ nhớ, giá rẻ hơn một chút.
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)