Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Vì sao LG và Samsung thiết kế smartphone cong và đó có phải là nơi màn hình cong thật sự tỏa sáng?

LG_G_Flex_vs_Galaxy_Round.
Hiện tại, hầu hết các smartphone trên thị trường đều sở hữu chung kiểu dáng tương tự như nhau: một hình chữ nhật phẳng và màn hình cũng phẳng theo như thế. Còn trong vài tuần qua, chúng ta đã được thấy những tín hiệu từ Samsung và LG báo hiệu rằng điều này có thể sẽ sớm thay đổi. Samsung thì ra mắt một chiếc điện thoại cong theo chiều ngang với tên gọi Galaxy Roud, trong khi người đồng hương LG thì giới thiệu smartphone G Flex cong theo chiều dọc. Vậy tại sao hai công ty lớn trong ngành di động lại cho ra hai sản phẩm vừa giống lại vừa khác nhau như thế? Liệu đó có phải chỉ là một chiêu marketing như lời chỉ trích của nhiều người hay không?

Cả hai chiếc Samsung Galaxy RoundLG G Flex đều tạo ra được cảm giác "khác biệt" mà đã lâu rồi chúng ta chưa được thấy trong thế giới smartphone. Nhưng liệu sự "khác biệt" đó có tốt hay không? Matthew Cockerill, giám đốc thiết kế của công ty tư vấn sản phẩm công nghiệp Seymourpowell (Anh Quốc), đã bày tỏ nghi ngờ của mình. Ông là người đã từng tham gia thiết kế nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng, trong đó có cả việc phát triển các mẫu TV OLED và TV/màn hình của Samsung. Cockerill nói smartphone màn hình cong là "một giải pháp đang tìm vấn đề để có thể đáp ứng". Ông chia sẻ: "Ở góc nhìn về mức độ tiện dụng, chúng (điện thoại màn hình cong) không mang lại gì nhiều. Trong trường hợp của Samsung, có thể hãng muốn làm điện thoại cong theo phương ngang để ôm vào chân của người dùng khi bỏ vào túi, nhưng tôi thật sự không nghĩ đây là một tính năng chính".

Galaxy_Round.

Điện thoại của LG thì lại được hãng quảng cáo là phù hợp với gương mặt của người dùng khi gọi điện. Có thể lời nói của LG là đúng, như chiếc Nexus S hay Galaxy Nexus có mặt kính cong cũng được nhiều người nhận xét như thế, nhưng chúng ta đang trong kỉ nguyên mà thời gian điện thoại nằm trên bàn tay nhiều hơn là thời gian chúng ta áp nó lên mặt để thực hiện cuộc gọi.

Simon Lamason, người đứng đầu mảng chiến lược thiết kế của công ty tư vấn PDD, cũng là nhân vật đã dành hàng thập kỉ làm việc với Nokia và Philips dưới vai trò thiết kế trưởng, thì nói rằng smartphone cong "không mang lại nhiều lợi ích lớn cho người dùng". "Nó thật sự mang lại tính mới lạ cho sản phẩm... nhưng chúng lại thuộc vào dạng 'họ có thể nên họ đã làm nó'. Trường hợp này giống như việc hai công ty Hàn Quốc đang đuổi lấy nhau vậy".
[IMG]
Việc hai công ty LG và Samsung "ngẫu nhiên" ra mắt điện thoại màn hình cong ở thời điểm rất gần nhau thật ra cũng không phải là một điều quá bất ngờ. Cả hai hãng đều có bộ phận riêng chuyên kinh doanh màn hình (Samsung Display và LG Display), cả hai cũng đã đầu tư mạnh vào công nghệ OLED trong thời gian qua. Tấm nền OLED cong cũng đã được giới thiệu từ nhiều năm qua, còn bây giờ là thời điểm mà chúng có thể được sản xuất số lượng lớn để tung ra thị trường.

Điểm mấu chốt của OLED cong đó là LG và Samsung đã thay thế phần chất nền thủy tinh của màn hình bằng chất liệu nhựa, chính vì thế mà chúng mới có độ dẻo và tất nhiên là độ bền cao hơn màn hình OLED thông thường. Công nghệ này vào một ngày nào đó có thể được áp dụng cho những sản phẩm cong thật thụ, ví dụ như đồng hồ đeo tay chẳng hạn, khi mà những linh kiện khác (như pin, chip, mạch...) có được độ cong cần thiết. Trong chiếc G Flex, LG cũng có sử dụng viên pin "chồng và gập" do chính mình thiết kế nên, nhưng đại diện của hãng nói rằng công nghệ pin cong thật sự thì còn phải mất nhiều năm nữa thì mới phổ biến được.

[IMG]

Đó là chuyện của tương lai, còn bây giờ, quay trở lại hiện tại thì chúng ta đang có Galaxy Round và G Flex. Cả hai chiếc máy này tới bây giờ vẫn chưa chứng minh được lý do chính mà chúng tồn tại. Nhà thiết kế Cockerill tin rằng việc hai chiếc điện thoại này có hình dáng cong khác hẳn nhau cho thấy rằng hiện chúng không mang lại điều gì gì cả. "Nếu có những vấn đề mấu chốt mà hai chiếc smartphone cong này có thể giải quyết, tôi nghĩ rằng cả hai nhà sản xuất đã hướng đến một điểm chung nào đó rồi". Thay vào đó, ông nói Galaxy Round và G Flex chỉ đơn giản là để Samsung hay LG chứng minh sự khác biệt của mình.

Trong những năm gần đây, các chiêu mẹo marketing hay sự khác biệt không còn nằm ở thiết kế của sản phẩm. Nhưng bạn hãy thử nhìn lại quá khứ mà xem, nhiều công ty đã từng cho ra những thiết kế điện thoại di động rất lạ chứ không phải chỉ có Samsung Galaxy Round hay LG G Flex. Ví dụ dễ thấy nhất: Nokia. Hãng từng công bố các kiểu dáng điện thoại cực kì khác biệt, chẳng hạn như chiếc máy N-gage chơi game, Nokia 7650 bàn phím xoay, Nokia 7610 chiếc lá, Nokia 7280 thỏi son... Còn trong thời đại ngày nay, màn hình cảm ứng đã khiến các smartphone trong tương tự, na ná như nhau.

Cockerill nói: "Nếu bạn nhìn vào một chiếc smartphone ngày nay, nó đã thực sự 'trưởng thành' khi nói về những gì chúng có thể làm được. Tôi không thấy được lý do để tôi bỏ màn hình phẳng chuyển sang sử dụng màn hình cong. Nhìn sâu hơn, nó cũng chỉ là một công nghệ được áp dụng cho một thể loại sản phẩm sẵn có". G Flex hay Galaxy Round vẫn có kiểu dáng chữ nhật đó thôi.

LG_G_Flex_OLED_cong_5.

Mặc dù vẫn còn nhiều nghi ngờ xoay quanh thế hệ smartphone màn hình cong đầu tiên nhưng cả hai vị Lamason và Cockerill đều đồng ý rằng công nghệ này vẫn có giá trị nhất định. Ví dụ, bạn có thể có được màn hình rộng hơn trong một chiều dài ngắn hơn. Với người ngồi ở giữa, màn hình cong sẽ giảm hiệu tượng phản xạ, hình ảnh sẽ tốt hơn do cách đều mắt người dùng. Đây cũng là những điều mà LG và Samsung đã nói khi họ ra mắt những chiếc TV OLED cong của mình. Nhưng một khi bạn đặt chiếc điện thoại này ở góc lệch, hoặc khi nhiều người cùng nhìn vào màn hình cong thì những tác dụng nói trên không còn hiệu quả nữa.

Cả Lamason và Cockerill cũng đều nói rằng chẳng có gì sai khi smartphone được trang bị màn hình cong như những gì LG và Samsung đang làm, chỉ là không có thứ gì thật sự đúng mà thôi. Việc sản xuất OLED dẻo còn có rất nhiều lợi điểm khác chứ không phải chỉ để uốn cong rồi cho vào một chiếc điện thoại. Vậy thì thật ra chúng ta có thể làm gì với OLED cong?

Theo Cockerill, những nhà thiết kế sản phẩm công nghiệp đã "mơ về màn hình cong và dẻo" hàng thập kỉ nay. "Bạn hãy thử tìm trên Google về những từ khóa đó và bạn sẽ ra được hàng đống nguyên mẫu hay ý tưởng về sản phẩm màn hình cong". Giờ đây khi công nghệ đó đã xuất hiện, chúng ta không nên bỏ nó vào smartphone mà không có một lý do tốt. Thay vào đó, Cockerill hi vọng rằng các công ty và đội ngũ thiết kế của mình sẽ tập trung vào một câu hỏi khác: thể loại sản phẩm mới nào trong tương lai có thể được hiện thực hóa nhờ màn hình cong?

Hiện nay, thứ được nhiều quan tâm đó là smartwatch. Nhiều công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, LG, Apple đều đang được đồn là sẽ cho ra smartwatch trong thời gian rất sớm. Và theo nhà thiết kế Lamason, đây chính là một trong những nơi tuyệt vời mà màn hình cong có thể phát huy hết sức mạnh của mình. Không dừng lại ở đó, ông còn thấy được tiềm năng của màn hình cong khi chúng xuất hiện trên những đồ trang sức hay thiết bị giám sát sức khỏe. Đường cong của màn hình phù hợp một cách tự nhiên với những hình khối trên cơ thể con người".

[IMG]

Những sản phẩm như vòng đeo tay Nike Fuelband hay Fitbit Force có thể là những ứng cử viên sáng giá cho màn hình dẻo. "Bạn có thể có nhiều màn hình chính cuộn xung quanh cổ tay mình, mỗi màn hình chính sẽ thể hiện thông tin khác nhau", Lamason gợi ý. "Nếu sản phẩm có liên quan đến thể thao như Fuelband hay Fitbit, nó có thể hiển thị nhiều màu khác nhau tùy theo hành động của bạn. Tôi nghĩ như thế sẽ thú vị hơn, khi mà bạn thật sự có thể dùng sự linh hoạt của màn hình để khớp với cơ thể người". Cả hai nhà thiết kế của chúng ta cũng mơ về những màn hình có thể gập, cuộn lại thoải mái một ngày nào đó sẽ xuất hiện trong các thiết bị điện tử tiêu dùng.

Cockerill có một sự so sánh dễ hiểu khi nói về tầm ảnh hưởng của màn hình cong đến việc thiết kế sản phẩm. "Hãy nhìn vào ngành kiến trúc, và hãy xem nó đã đi đến đâu khi kính cong ra đời... Chỉ 50 năm trước, thứ kính duy nhất mà các kiến trúc sư có thể dùng chỉ là kính phẳng, còn bây giờ thì bạn có kính cong và có thể tạo ra nhiều hình dáng khác nhau. Điều này cho phép tạo ra những kiến trúc với thiết kế theo hướng tự do hơn và hướng đến nhiều thứ khác nhau hơn".

Trong 50 năm, chúng ta có thể sẽ nhìn vào ảnh hưởng của màn hình dẻo và màn hình cong theo một cách tương tự như thế. "Màn hình cong và dẻo thật sự rất giá trị và có nhiều tiềm năng thực sự", Cockerill chia sẻ, "tôi chỉ không nghĩ rằng những tiềm năm đó nằm trong thiết kế hiện tại của smartphone".