Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

[Mỗi tuần 1 phát minh] Lịch sử phát triển xe đạp

BANNER 2.

Xe đạp là một phương tiện giao thông có lịch sử phát triển lâu đời và trước tình hình chi phí nhiên liẹuleo thang, người ta lại tìm về với xe đạp như một giải pháp vừa tiết kiệm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cũng là một phương pháp rèn luyện sức khỏe.

Để trở thành một phương tiện giao thông hoàn thiện như ngày nay, xe đạp đã trải qua một lịch sử phát triển với hàng loạt các cải tiến của nhiều nhà phát minh. Chuyên mục "Mỗi tuần một phát minh" tuần này mời các bạn cùng điểm lại những cột mốc lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của xe đạp nhé.

Năm 1817: Cỗ máy đi bộ của Drais - xe đạp được khai sinh

Khái niệm đầu tiên về xe đạp xuất hiện từ đầu thế kỷ 19. Nam tước người Đức - Baron von Drais đã có ý tưởng phát minh một phương tiện dùng sức người và có thể giúp ông di chuyển nhanh quanh khu vườn hoàn gia. Năm 1817, ông đã trình làng một chiếc xe "đi bộ" có tên Laufmaschine (trong tiếng Đức có nghĩa là "cỗ máy chạy bằng chân"). Trong lần sử dụng đầu tiên vào ngày 12 tháng 6 năm 1817, ông đã đi được đoạn đường 13 km mà chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ.

1_ZweiRadMuseumNSU_Draisine1.JPG
Mẫu xe đạp Draisine được lưu trữ ở bảo tàng xe 2 bánh tại Đức

Laufmaschine còn được gọi với là Draisine (tiếng Anh) hay draisienne (tiếng Pháp) hoặc Hobby Horse (ngựa gỗ) vì nó được chế tạo gần như hoàn toàn từ gỗ. Chiếc xe nặng 22 kg với cấu tạo gồm 2 bánh xe bằng gỗ được bọc sắt có kích thước bằng nhau và được lắp thẳng hàng trên một chiếc khung gỗ. Bánh trước có thể lái được và bánh sau được trang bị một chiếc phanh. Chiếc xe được vận hành bằng cách người điều khiển sẽ đẩy chân xuống đất ra phía sau và nó sẽ tiến về phía trước.

Ông được cấp bằng sáng chế thương mại cho phát minh này vào năm 1818. Hàng nghìn chiếc đã được sản xuất chủ yếu tại thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ nhưng vẫn còn một khuyết điểm là rất khó để có thể giữ thăng bằng khi điều khiển. Phát minh của Drais nhanh chóng bị người sử dụng từ chối do số lượng các vụ tai nạn ngày càng nhiều khiến chính quyền một số thành phố phải cấm sử dụng loại phương tiện này.

Những năm 1960: Bàn đạp xuất hiện và chiếc xe Boneshaker hay Velocipede

2_Boneshaker,_European,_circa_1868.JPG
Xe đạp Boneshaker tại Châu Âu vào những năm 1868

Sự phát triển tiếp theo của xe đạp là chiếc xe tương tự như Laufmaschine của Drais nhưng được trang bị thêm trục khuỷu và bàn đạp lắp trực tiếp vào trục bánh xe trước. Mô hình này được Pierre Michaux - một nhà phát minh người Pháp, giới thiệu vào những năm 1865 với tên gọi là Fast-Foot và gây nên một cơn sốt thời trang khi mọi người đua nhau sở hữu. Thời bấy giờ, người ta còn đặt cho nó một tên gọi khác là xe lắc xương (Boneshaker). Tên gọi hài hước Boneshaker bắt nguồn từ việc bánh xe được làm bằng gỗ trong khi viền bánh xe được chế tạo từ kim loại. Sự kết hợp này khiến việc chạy xe trên những con đường gồ ghề trở nên cực kỳ khó chịu, dằng xóc giống như vừa đi vừa "lắc xương". Cũng chính vì lí do nêu trên mà Boneshaker trong giai đoạn này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Những năm 1870: Xe đạp bánh cao (The High Wheel Bicycle)

Sự phát triển của trình độ luyện kim thời bấy giờ cho phép tạo ra những chi tiết kim loại nhỏ, mảnh nhưng đủ chắc chắn để chịu được trọng lượng cơ thể người. Năm 1870, chiếc xe đạp được chế tạo hoàn toàn bằng kim loại đầu tiên được phát minh bởi hai nhà sản xuất xe đạp là James Starley và William Hillman. Chiếc xe này được đặt tên là "Ariel" với bánh trước lớn và bánh nhỏ phía sau.

3_ariel-bicycle-18702.
Xe đạp Ariel năm 1870 với đặc trưng bánh trước to và bánh sau nhỏ.

Với một khung xe có trọng lượng nhẹ, Ariel có thể di chuyển với vận tốc 24 km/h, một vận tốc kỷ lục của xe đạp vào thời đó. Tương tự Boneshaker, bàn đạp vẫn được lắp trực tiếp vào trục bánh trước và chưa có cơ cấu líp. Lốp xe được chế tạo từ cao su cứng và đặc ruột cộng với các nan hoa dài, mảnh cho phép chiếc xe chuyển động mượt mà hơn rất nhiều so với các mẫu xe trước đây.

Xuất phát từ nhu cầu một mẫu thiết kế xe đạp dành cho phụ nữ, năm 1876, James Starley tiếp tục phát minh mẫu xe đạp 3 bánh mang tên Salvo. Đây là chiếc xe đạp đầu tiên được trang bị dây xích nối bánh răng kép trên bánh xe với nhau, thiết kế này cho phép bánh xe quay được 2 vòng khi người điều khiển đạp 1 vòng. Cả 2 bánh xe đều được trang bị các nan hoa bằng kim loại. Thời gian sau đó, mẫu xe này trở nên rất phổ biến do có giá thành rẻ, dễ điều khiển và vận hành một cách an toàn.

Starley-in-Royal-Pavilion-Brighton-1877.
James Starley (người thứ 3 từ phải qua) cùng mẫu xe đạp Salvo trong bức ảnh được chụp vào năm 1977. Ông chính là người phát minh ra cơ cấu dây xích nối 2 bánh răng lắp trên xe đạp với nhau. Ông được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp sản xuất xe đạp.

Năm 1878, 2 nhà sản xuất xe đạp đến từ nước Anh là Otto và Wallace phát minh nên mẫu xe đạp 2 bánh mang tên Kangaroo. Đây là chiếc xe đạp được phổ biến rộng rãi đầu tiên được trang bị hệ thống sên - dĩa đầy đủ nhất. Kangaroo có bánh trước to hơn bánh sau rất nhiều cho phép nó có thể di chuyển nhanh hơn. Các nhà nhà sản xuất nhận thấy rằng nếu bánh xe càng lớn thì một vòng đạp của người điều khiển sẽ đưa chiếc xe đi được quãng đường dài hơn. Chính vì lí do đó mà các nhà sản xuất đua nhau làm nên những chiếc xe với bánh trước ngày càng to hơn. Người mua sẽ phải lựa chọn một chiếc xe với độ lớn của bánh trước phù hợp với chiều dài chân của mình để đảm bảo họ có thể sử dụng được. Đây cũng là lần đầu tiên người ta dùng từ Bicyle (xe đạp) để chỉ phương tiện di chuyển 2 bánh bằng, dùng sức người "đạp và chạy".

5_Kangaroo_Bicycle_Rev.
Xe đạp Kangaroo của Otto và Wallace năm 1878

Khuyết điểm lớn nhất của các mẫu xe đạp trong thời kỳ này là do chỗ ngồi của người lái quá cao nên trọng tâm trên xe không được phân bố đều. Nếu bánh trước vấp phải một hòn đá hoặc đang di chuyển xuống một con dốc, toàn bộ chiếc xe sẽ bổ nhào về phía trước trong khi chân của người lái bị mắc kẹt vào bàn đạp cộng với việc vị trí điều khiển khá cao nên rất dễ xảy ra những chấn thương nguy hiểm, đặc biệt là chấn thương đầu.

Năm 1879, Bayliss Thomas phát minh xe đạp "The Bayliss Thomas" với khung xe chế tạo bằng những ống thép rỗng ruột và được trang bị phuộc trước. Cùng thời gian đó, nhà phát minh người Anh là Harry John Lawson chế tạo mẫu xe đạp đầu tiên có sử dụng dây sên. Dây sên được nối giữa dĩa ở trục bánh sau với bàn đạp của người điều khiển. Mẫu xe này được gọi là xe đạp an toàn. Đây là tiền thân của chiếc xe đạp ngày nay.

plus safe bicyle.
Hình ảnh xe đạp an toàn được chế tạo vào năm 1879 bởi Lawson. Xe đạp an toàn sử dụng dây sên để nối dĩa ở trục bánh sau với bàn đạp của người điều khiển. Đây chính là hệ thống sên-dĩa hoàn thiện đầu tiên trên xe đạp.

Năm 1874, Đến năm 1878, những chiếc xe đạp đầu tiên được sản xuất công nghiệp với số lượng lớn tại Mỹ bởi công ty Pope thuộc sở hữu của Albert Augustus Pope.

Những năm 1880 - 1899: giai đoạn hoàng kim

Năm 1880, nhà phát minh người Anh là E.C.F. Otto chế tạo mẫu xe đạp "dicycle" với hai bánh xe có kích thước bằng nhau được đặt song song cạnh nhau. Người điều khiển ngồi ở giữa 2 bánh xe và vận hành xe bằng bàn đạp ở hai bên. Khi muốn điều khiển xe rẽ trái hay phải, người điều khiển dừng đạp ở bên tương ứng với hướng muốn rẽ. Mẫu xe này không được sản xuất đại trà do việc điều khiển khá phức tạp và gặp nhiều khó khăn.

6_60774_otto-dicycle_lg.
Mẫu xe đạp của E.C.F. Otto năm 1880

Năm 1885, John Kemp Starley, cháu của nhà phát minh James Starley, đã chế tạo ra mẫu xe đạp an toàn với 2 bánh xe có kích thước bằng nhau được lắp thẳng hàng trên một khung kim loại rỗng. Xe được trang bị đầy đủ các bộ phận như phanh, hệ thống dây sên - dĩa. Đây chính là nguyên mẫu của chiếc xe đạp hiên đại. Khoảng 2 đến 3 năm sau đó, mẫu xe này được đưa vào sản xuất hàng loạt và phổ biến một cách rộng rãi.

7_ John Kemp Starley.
Mẫu xe đạp mang tên Rover do John Kemp Starley (cháu của James Starley) phát minh năm 1885.

Năm 1888, nhà phát minh người Scotland, John Dunlop phát minh ra lốp xe khí nén áp dụng cho xe đạp. Chiếc lốp này cho phép xe đạp vận hành êm ái và nhẹ nhàng hơn trên những con đường gồ ghề, khắc phục được những nhược điểm của lốp xe đặc ruột. Sau đó, người ta cũng tìm thấy được mô hình thiết kế khung xe gọi là kiểu "kim cương" với khả năng chịu lực tốt hơn. Thiết kế lốp xe khí nén và khung xe kiểu "kim cương" đơn giản làm xe đạp có trọng lượng nhẹ giúp vận hành trơn tru, hiệu quả hơn. Đồng thời, các cải tiến nói trên cũng tạo điều kiện cho việc bảo trì, sữa chữa trở nên thuận lợi hơn.

8_dunlop-history.
John Dunlop (1840 -1921) người phát minh ra lốp xe khí nén. Ông chính là người sáng lập nên công ty Dunlop nổi tiếng chuyên sản xuất lốp xe và các dụng cụ thể thao.

Với các khía cạnh quan trọng là dễ điều khiển, an toàn, thoải mái và di chuyển nhanh chóng, xe đạp trở thành phương tiện giao thông phổ biến đối với tầng lớp trung và thượng lưu tại châu Âu và Bắc Mỹ trong nửa cuối những năm 1890. Mẫu xe đạp có lốp cao su, kích thước 2 bánh bằng nhau được lắp trên khung với "thiết kế kim cương" chính là mẫu xe đạp đầu tiên mà cả nam và nữ đều có thể sử dụng một cách thuận lợi. Giai đoạn này là thời kỳ phát triển hoàng kim trong lịch sử phát triển xe đạp với hàng loạt những cải tiến góp phần hoàn thiện mô hình xe đạp hiện đại ngày nay.

Từ thế kỷ 20 đến nay…

Xe đạp ngày càng trở thành một phương tiện di chuyển quan trọng ở châu Âu trong nửa đầu thế kỷ 20, nhưng nhu cầu sử dụng xe đạp lại giảm đi đáng kể tại Mỹ từ năm 1900 đến năm 1910 do sự ra đời của xe hơi. Đến những năm 1920, xe đạp dần biến thành một món đồ chơi trẻ em và vào năm 1940, hầu hết xe đạp tại Mỹ đều được sản xuất dành cho trẻ em. Tuy nhiên, tại châu Âu, xe đạp vẫn được sử dụng hết sức rộng rãi.

Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, xe đạp luôn được tiếp tục phát triển cho phù hợp với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Hệ thống líp xe nhiều dĩa cỏ thể chuyển đổi qua lại khi đang chạy được phát triển tại Pháp từ năm 1900 đến 1910 và dần được hoàn thiện theo thời gian. Năm 1930, Tổ chức đua xe đạp châu Âu đã cho phép các tay đua sử dụng hệ thống này. Trước đó, nếu muốn thay đổi dĩa xe trong cuộc đua, tay đua phải dừng lại, tháo bánh xe ra để thay đổi chiếc dĩa mong muốn và lắp lại. Điều này cực kỳ mất thời gian. Hệ thống này giúp các tay đua tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi muốn thay đổi tốc độ của chiếc xe.

9_Velocio velo chains.
Hệ thống nhiều dĩa có thể luân chuyển khi đang xe đang chạy

Khoảng giữa thế kỷ 20, nhiều thiết bị khác trên xe đạp được tiếp tục chế tạo và hoàn thiện như hệ thống phanh tay, vòng đạp nhẹ hơn, hệ thống đèn chiếu sáng chạy bằng dinamo gắn trên bánh xe, lốp xe cũng được thiết kế hẹp hơn giúp giảm ma sát cho phép xe đạp di chuyển trơn tru và nhẹ nhàng hơn. Những chiếc xe đạp này trở nên rất phổ biến tại châu Âu đặc biệt là tại Anh vào những năm 1950 và luôn được cải tiến trong suốt những thập niên còn lại của thế kỷ 20. Xe đạp dần trở thành là một sở thích phổ biến của nhiều người.

Kể từ đầu thế kỷ 21, xe đạp bắt đầu được cải tiến mạnh mẽ với sự phát triển của công nghệ. Trong thiết kế, khung xe được chế tạo bằng các vật liệu khác nhau để giảm trọng lượng nhưng vẫn đảm bảo độ bền cũng như các yêu cầu về khí động họ. Sự cân bằng của xe đạp được tính toán và mô phỏng bởi các phần mềm máy tính cho phép chế tạo những chiếc xe đạp an toàn với người điều khiển hơn. Các công nghệ mới được áp dụng như chế tạo các chi tiết bằng sợi cacbon hay hệ thống tự chuyển đổi líp bằng điện tử khiến chiếc xe đạp ngày càng hiện đại hơn. Cho đến thời điểm hiện tại, xe đạp vẫn luôn được cải tiến song song với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của người dùng.

10_BMW Mountain Bike Enduro 2012 (image 1).
Mẫu xe đạp thể thao của BMW ra mắt năm 2012


Adobe ra bản cập nhập Lightroom 5.3: hỗ trợ Sony A7/A7R, Fuji X-E2/XQ1, Nikon D610...

tinhte_camera_Lightroom-51.

Adobe vừa đưa ra bản cập nhập Lightroom 5.3 RC (Release Candidate) nhằm sửa một số lỗi trong quá trình sử dụng trước đó và bổ sung khả năng hỗ trợ ảnh RAW cho một loạt các máy ảnh vừa ra mắt trong thời gian gần đây. Các máy được cập nhập khả năng xử lý RAW trên Lightroom 5.3 lần này là Canon S120, Fujifilm X-E2/XQ1, Nikon D610/D5300, Nikon 1 AW1, Coolpix P7800, Olympus OM-D E-M1, STYLUS 1, Panasonic DMC-GM1, Sony A7/A7R, RX10 và Phase One IQ280/IQ260. Ngoài ra còn có 8 mẫu ống kính được hỗ trợ để tối ưu hoá thông số cho việc xử lý ảnh đến từ Canon, Nikon, Sigma và Sony.

Tóm tắt một số sửa lỗi trong Lightroom 5.3
- Khắc phục lỗi nâng cấp Catalog từ các phiên bản Lightroom trước đó.
- Sửa ảnh hiển thị không đúng khi chuyển đổi từ Publish Collection.
- Khắc phục lỗi không tự lưu giá trị cân bằng trắng trong Snapshots.
- Hiểu được thông số ống kính 18-55mm của Hasselblad Lunar (thực chất cũng là Sony E-mount 18-55mm).
- Khắc phục lỗi tự động chạy Slideshow mặc dù đã thiết lập bằng tay.
- Khắc phục lỗi tải ảnh lên Flickr trong mục Publish Service.
- Sửa lỗi viền đen xuất hiện xung quanh video trình chiếu khi được tạo ra.
- Khắc phục lỗi thoát ứng dụng khi nhấn giữ phím Shift trên bàn phím và nút reset trong ứng dụng.
- Khắc phục lỗi xuất ảnh không chuẩn xác với các thiết lập làm nét (sharpening) và giảm nhiễu với giá trị chênh lệnh 1/3-step so với ảnh gốc.

Cập nhập các ống kính được hỗ trợ thông số cho việc tối ưu khi xử lý ảnh:
  • Canon EF-M 11-22mm f/4-5.6 IS STM
  • Nikon 1 NIKKOR AW 11-27.5mm f/3.5-5.6
  • Nikon 1 NIKKOR AW 10mm f/2.8
  • Nikon AF-S NIKKOR 58mm f/1.4G
  • Sigma 18-35mm F1.8 DC HSM A013
  • Sigma 18-35mm F1.8 DC HSM A013
  • Sony E 20mm F2.8
  • Sony FE 28-70mm F3.5-5.6 OSS
Tải về Adobe Lightroom 5.3 cho Windows(825 MB)
Tải về Adobe Lightroom 5.3 cho MAC (460 MB)


Đánh giá iPad Air: chiếc máy tính bảng 10" tốt nhất

iPad_Air_Review-8.

iPad Air là một chiếc tablet kích cỡ đầy đủ rất tuyệt, nó gọn và mỏng đi đáng kể so với thế hệ trước trong khi thời lượng pin tăng lên và mạnh mẽ hơn gấp đôi. Tuy nhiên, nếu bạn đang mong chờ iPad Air sẽ thay thế được iPad mini/mini Retina thì điều đó gần như không thể xảy ra. iPad Air vẫn hơi nặng để dùng bằng một tay.

Thiết kế:

iPad_Air_Review-6.

Có 3 điều bạn cần nhớ khi nói về thiết kế của iPad Air: đồng nhất hơn với các sản phẩm Apple khác, nhẹ hơn và gọn gàng hơn. Trong các đặc điểm trên, nhẹ hơn là thay đổi sáng giá nhất.

Để dễ hình dung, các bạn hãy cứ liên tưởng iPad Air giống một chiếc mini phóng lớn. So sánh trực tiếp với iPad 4, Air giữ nguyên chiều dài mà chỉ thay đổi về chiều rộng với các viền màn hình hai bên nhỏ hơn. Mình không đánh giá cao việc thay đổi một phần như vậy, Air vẫn hơi lớn hơn mức cần thiết cho khi mà người ta đã đang dần tìm về những thứ gọn gàng hơn. Nếu Apple thiết kế cho viền benzel phía trên và dưới nhỏ lại thì chắc chắn máy sẽ hoàn thiện hơn rất nhiều. Bản chất viền benzel không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sử dụng iPad do nó có khả năng phát hiện khi nào chúng ta vô tình chạm vào phần màn hình gần viền và khi nào cố tình rất chính xác.

iPad_Air_Review-2.
iPad_Air_Review-4.

Trên iPad Air, Apple vẫn tiếp tục sử dụng khung nhôm truyền thống nhưng những đường vát chéo khá sắc ở các cạnh đã bị loại bỏ, thay vào đó là những đường bo nhẹ vuông vắn hơn. Với mình thì các đường nét ở cạnh này sẽ giúp cầm máy dễ chịu hơn, nó không còn bị cấn vào tay khi cầm sâu. Tuy vậy, điều gì cũng có tính hai mặt của nó. Thiết kế khung vuông, phẳng và bản lớn sẽ làm cho màn hình không còn sát với các linh kiện như kiểu thiết kế cắt chéo góc ở mặt đáy, hệ quả là máy có thể sẽ kêu bộp bộp khi bạn dùng tay gõ mạnh vào màn hình. Điều này không phải là lỗi và cũng chẳng gây ảnh hưởng đến quá trình sử dụng nhưng nó cũng là một nhược điểm không đáng có. Một nguyên nhân khác có thể kể đến là việc cắt giảm đèn nền cho màn hình đi còn 1/3 so với trước kia. Để phần nào khắc phục đặc điểm này, Apple lại phải đẩy tấm nền màn hình xuống sâu hơn nhưng khi đó lại xuất hiện thêm những nhược điểm khác về mặt hiển thị, điều mình sẽ diễn giải chi tiết hơn ở mục màn hình.

iPad_Air_Review-5.

Nhìn chung. iPad Air vẫn là một sản phẩm được thiết kế rất đẹp và tốt so với mặt bằng chung của các máy tính bảng hiện tại. Tuy nhiên, nó đã phần nào mất đi cảm giác cao cấp của các máy cũ mà hơi phổ thông hơn giống iPad mini.

iPad_Air_Review-3.

Sử dụng:
Việc giảm cân của iPad Air đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sử dụng máy. Mình phải từ bỏ iPad 4 khi mini ra vì gần như không thể sử dụng máy trên giường mà không có điểm đỡ. Với Air, mọi thứ trở nên dễ chịu hơn, chúng ta có thể nằm ngửa đọc sách với iPad Air mà không gặp khó khăn nhiều như bản 4. Tuy vậy, bạn vẫn buộc phải có bàn tay lớn kết hợp với gối ôm để có thể dùng thoải mái nhất, ước mơ dùng máy bằng một tay như mini vẫn còn khá xa vời.

iPad_Air_Review-8.

Với những ai đang sử dụng iPad lớn thì việc chuyển sang iPad Air là một thay đổi rất lớn. Tuy nhiên, điều đó lại không đúng với các bạn từ iPad mini chuyển lên. Máy vẫn lớn hơi và nặng hơn hơn mức cần thiết. Cá nhân mình sẽ quay trở lại với iPad Air vì trọng lượng ở mức chấp nhận được và màn hình lớn nhưng bạn vẫn nên thử thật kỹ trước khi đưa ra kết luận mua máy. Nếu như năm ngoái, việc lựa chọn giữa iPad 4 và iPad mini là rất dễ thì năm nay mọi thứ lại phức tạp hơn rất nhiều với việc cắt giảm kích thước, trọng lượng iPad Air và sự xuất hiện của iPad mini Retina.

Màn hình:
Mặc định thì màn hình iPad luôn được đánh giá rất cao ở các năm mà nó ra mắt. Màn hình iPad Air không có nhiều khác biệt so với iPad 4 về mặt thông số, có vẻ như Apple vẫn sử dụng chung tấm nền màn hình 2048x1536 9,7” của đời trước. Tuy vậy, họ đã cải tiến công nghệ sản xuất, loại bỏ một lớp kính trong quá trình sản xuất làm cho màn hình mỏng hơn, đồng thời cắt giảm gần 2/3 số đèn LED chiếu sáng cho màn hình để tiết kiệm điện năng và làm cho máy nhẹ hơn. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu những cải tiến đó có làm tăng chất lượng hiển thị của iPad Air hay không? Rất tiếc, câu trả lời là không.

iPad_Air_Review-7.

Điểm yếu nhất trên màn hình iPad Air là tấm nền nằm sâu hơn bình thường so với lớp kính bảo về phía trên, hệ quả là bạn sẽ thấy màn hình không nổi như mong đợi, chìm hơn cả iPad 4. Điều này hoàn toàn có thể khắc phục nếu Apple chấp nhận dùng công nghệ in-cell như iPhone hay iMac mới nhưng họ vẫn chưa chịu dùng nó trên iPad. Việc dùng in-cell sẽ giúp màn hình nổi hơn, cảm ứng nhạy hơn nhưng nhược điểm là chi phí thay cực kỳ mắc (dù chi phí chế tạo rẻ hơn), phải thay toàn bộ cụm màn hình bao gồm cả panel và kính cường lực khi bị có bất cứ lỗi nào xảy ra. Bạn nào từng bị vỡ màn hình iPhone 5 thì chắc sẽ hiểu được điều này, chi phí thay không dưới 5 triệu vào thời điểm cuối năm ngoái, giờ thì đã rẻ hơn do xác máy bị dính iCloud khá nhiều:D

Như thường lệ, việc Apple cân chỉnh màu màn hình theo thị trường sẽ làm một số người khó chịu. Màu sắc các máy Châu Á thường vàng hơn so với xanh của các máy Mỹ. Mình thì thích màu trung tính hơn nóng nên ưu tiên các máy từ thị trường Mỹ hơn là máy HongKong dùng để review.

Tổng kết lại, màn hình iPad Air vẫn rất tốt nhưng không nổi là một điểm yếu lớn cần khắc phục. Ngoại trừ việc panel màn hình sâu hơn, sự khác biệt giữa màn hình iPad 4 và Air là không lớn, trừ khi bạn quá tinh ý mới nhận ra được điều này.

Bạn nào quan tâm hơn về kỹ thuật chế tạo mà Apple dùng trên iPad Air thì có thể đọc đoạn phía dưới, còn không thì chúng ta có thể chuyển qua mục tiếp theo vì nó khá kỹ thuật.

Khi mổ ra, người ta phát hiện module màn hình mà Apple sử dụng trên iPad Air mắc tiền hơn iPad 4 vì những cải tiến của nó. Thông thường, phía dưới lớp kính cường lực thường có thêm một lớp cảm ứng để nhận tín hiệu từ tay người dùng nhưng Apple đã tích hợp trực tiếp cảm biến cycle-olefin poymer (COP) để loại bỏ lớp cảm ứng thông thường, phần nào loại bỏ khoảng trống giữa lớp kính bảo vệ và panel. Hệ quả là cụm màn hình iPad Air chỉ còn mỏng 1,8mm thay cho 2,23mm của iPad 4. Ngoài ra, Apple cũng sử dụng 36 bóng đèn LED chiếu sáng thay vì 84 đèn của thế hệ cũ. Chưa có kết luận chính xác nhưng có thể dự đoán Apple đã lợi dụng độ mỏng này, kết hợp với tấm phim quang học mới phủ rộng hơn, đèn LED mạnh mẽ hơn để có thể giảm số bóng đèn mà vẫn bảo đảm khả năng chiếu sáng cho màn hình. Thông tin từ IHS cho biết riêng cụm màn hình iPad Air đã tốn tới 133$ để chế tạo, trong đó có 90$ cho màn hình và 43$ cho phần cảm ứng.

Sức mạnh:
Không cần phải bàn về sức mạnh của iPad Air vì chúng ta đã nói quá nhiều về nó rồi. Ở các bài thử benchmark thì điểm số của iPad Air luôn cao gấp đôi iPad 4. Apple vẫn dùng chip A7 trên iPad Air nhưng họ đã nâng xung nhịp nó lên 100MHz so với iPhone 5s. Nghe có vẻ không nhiều nhưng khi kết hợp với mức TDP cao hơn sẽ giúp hiệu năng iPad Air cao hơn khoảng 20% so với iPhone 5s về tổng thể.

[IMG]
[IMG]
Nói một cách dễ hiểu, hiệu năng xử lý thuần của iPad Air không hơn iPhone 5s nhiều nhưng do kích cỡ máy lớn, tản nhiệt tốt hơn nên Apple có thể giữ cho con chip A7 hoạt động ở năng lực tối đa trong thời gian dài hơn (TDP cao hơn). Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi giới thiệu iPad Retina Apple sử dụng chung chip đồ họa giữa iPad và iPhone thay vì phải tạo ra một bản A7X nào đó có năng lực xử lý đồ họa mạnh mẽ hơn A7 thường. Chip Rouge của A7 trên iPad Air cũng mạnh gấp đôi chip trên A6X.

Đó là về các phép thử benchmark, còn thực tế thì sao? Máy khởi chạy ứng dụng cực kỳ nhanh, các game như Clash Of Clans gần như không tốn thời gian tải như trên iPad mini hay iPad 4. Các ứng dụng dùng nhiều hiệu ứng phức tạp cũng được hưởng lợi với năng lực xử lý mạnh mẽ của A7.

Nhưng, lại là một cái nhưng khác: iPad Air vẫn hơi khựng nhẹ khi thoát khỏi ứng dụng, tình trạng chung của các máy iOS 7. Chạy ứng dụng thì rất mượt nhưng chuyển về màn hình chủ hoặc qua ứng dụng khác thì sẽ tốn khoảng 0,5 giây trước khi máy mượt trở lại. Điều này là do Apple vẫn tiếp tục sử dụng 1GB RAM trên iPad Air, khá thấp so với 2 hay thậm chí là 3GB của các máy Android. Tuy iOS quản lý tài nguyên hệ thống rất tốt nhưng chắc chắn 2GB sẽ loạt bỏ hẳn tình trạng hơi lag nhẹ khi chuyển đổi ứng dụng.

Chi tiết về sức mạnh iPad Air

Camera:
Mình không thích người ta cầm máy tính bảng đi vòng vòng chụp hình nhưng đó là sở thích cá nhân, chúng ta không nên can thiệp.:D Trên iPad, Apple không hề quảng cáo bất cứ điều gì nhưng ảnh của nó tốt một cách đáng ngạc nhiên, dải tần nhạy sáng (dynamic range) của máy thậm chí còn tốt hơn cả iPhone 5s trong một số điều kiện. Các bạn có thể tham khảo một số hình ảnh từ iPad Air.

iPad_Air_Review-9.

Loa:
iPad Air có 2 loa thay vì chỉ một loa như iPad 4. Với thay đổi này thì loa máy sẽ lớn hơn rất nhiều so với đời cũ. Dù vậy, bạn cũng được mong đợi sẽ thưởng thức nhạc hay bằng cặp loa này nhé!

iPad_Air_Review.

Nhiệt độ:
iPad Air rất mát khi hoạt động, kể cả khi chơi game trong thời gian dài. Khu vực duy nhất bạn có thể nhận thấy sự khác biệt về nhiệt độ là mặt sau bên phải, hơi chếch xuống dưới. Đây là khu vực chứa bảng mạch của máy và một phần viên pin.

Pin:
Màn hình là điểm gây tốn pin nhất trên các thiết bị di động, việc cắt giảm đèn LED giúp tiết kiệm năng lượng rất nhiều. Bên cạnh đó, con chip A7 & M7 cũng có hiệu suất hoạt động tốt hơn. Hệ quả của điều này là pin iPad Air tốt hơn iPad 4 dù nó dùng chỉ 2 cell pin với tổng dung lượng 32,9W còn iPad 4 phải 3 cell pin 43W, tức chỉ bằng 3/4. Thử nghiệm thực tế của Tinhte.vn cho thấy pin iPad Air có thể xem phim MKV 720p bằng phần mềm AVPlayer liên tục 12 tiếng với độ sáng màn hình 50%. Nếu bạn xem phim MP4 trên iTunes Store được nén tốt hơn với phần mềm mặc định thì chắc chắn thời lượng sử dụng sẽ lâu hơn.

[IMG]

Bạn có thể xem chi tiết về pin của iPad Air

Kết luận:
Cứ mỗi khi Apple giới thiệu một sản phẩm mới, họ lại tiếp tục bài ca: ”đây là sản phẩm tốt nhất của chúng tôi”. Thành thật mà nói, iPad Air vẫn giữ đúng lời hứa đó, bạn làm sao có thể đòi hỏi hơn ở một thiết bị có giá không đổi mà chip mạnh mẽ hơn gấp đôi, pin tốt hơn, máy mát hơn và đặc biệt là nhẹ hơn đáng kể? Trừ một số trường hợp đặc biệt, sẽ không sai khi nói iPad Air đang là chiếc tablet full size dành cho tất cả mọi người tốt nhất trên thị trường. Đối thủ lớn nhất của iPad Air không phải là các máy tính bảng Android mà chính là iPad mini Retina.

Nhìn xa hơn, iPad Air vẫn tiếp tục dẫn đầu cuộc đua tablet nhưng Apple đã không còn là Apple của ngày hôm qua nữa rồi. Thay vì chấp nhận ra mắt chậm hay tăng chi phí sản xuất để đưa những thứ tốt nhất vào (in-cell, touchID…), Tim Cook vẫn giữ lại một vài đặc điểm để nâng cấp cho năm sau, gần giống với phong cách của các công ty Nhật Bản. Nếu bạn đang dùng iPad 4 và không cảm thấy quá áp lực phải nâng cấp thì nên tạm thời bỏ qua iPad Air để chờ tới bản Air 2 có thể sẽ khắc phục hoàn toàn những điểm thiếu sót trên. Và biết đâu đấy, có thể sự chờ đợi sẽ được đền đáp bằng việc tiếp tục giảm trọng lượng (dùng màn hình IGZO siêu tiết kiệm năng lượng để dùng pin nhỏ hơn nữa) và thu gọn máy lại như những bằng sáng chế mà Apple sở hữu gần đây.

Ưu điểm:
  • Nhẹ hơn đáng kể
  • Máy chạy rất mượt
  • Pin lâu
  • iOS 7 vẫn là hệ điều hành tốt nhất cho tablet
Nhược:
  • Vẫn cần làm viền trên và dưới nhỏ hơn
  • Không tích hợp những thứ tốt nhất Apple có thể làm

Đánh giá router WiFi Dlink 868L AC1750: WiFi ac 1300Mbps, N 450Mbps, tầm phát sóng chưa ngon

dlink-868l-ac1750.

Để có mạng WiFi, chúng ta phải có một router phát sóng WiFi, đó là điều bắt buộc. Ngày nay kiểu phát sóng không dây này đã phát triển lên chuẩn ac, với băng thông tối đa lên tới 1300Mbps, tức gấp 3 lần so với 450Mbps của WiFi chuẩn N trước đây. Do đó, các hãng chuyên sản xuất thiết bị mạng cũng đã có nhiều bộ phát sóng WiFi chuẩn ac để phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường. Bài viết này sẽ giới thiệu với các bạn bộ router WiFi 868L AC1750 của Dlink.

  • Tổng quan
Theo tên gọi AC1750 thì chiếc router 868L của Dlink có băng thông 1750Mbps, thực ra đây là một chiêu quảng cáo của các nhà sản xuất. Trên thực tế, chuẩn WiFi ac hiện nay có băng thông tối đa là 1300Mbps theo băng tần 5GHz, còn WiFi N là 450Mbps theo băng tần 2,4GHz, vì vậy, những router nào có thể phát được cùng lúc ac và N thì nhà sản xuất sẽ cộng dồn 2 băng thông này lại với nhau để tạo cảm giác là router của mình phát sóng mạnh, điển hình ở đây là chiếc AC1750 của Dlink kể trên. Như vậy với Dlink 868L, chúng ta có băng thông của mạng N là 450Mbs và ac là 1300Mbps.

  • Thiết kế
Chiếc router Dlink 868L có dạng hình trụ, màu đen và cao khoảng 23cm. Nếu nhìn sơ qua thì chúng ta có thể thấy nó khá giống với chiếc Mac Pro 2013 của Apple, tuy nhiên kiểu thiết kế hình trụ trên 868L đã được Dlink áp dụng từ cách đây nửa năm, tức là sản phẩm của Dlink ra trước chứ không phải một mẫu copy của Apple. Nhìn ở mặt sau thì chiếc router vuốt dài sau, tạo cạnh vuông để chứa các cổng kết nối như LAN, WAN, cổng nguồn, cổng USB 3.0 và nút power. Ở mặt trước của router có 2 đèn tín hiệu, với 1 đèn nguồn và 1 đèn báo chức năng Mylink Cloud, quản lý thiết bị thông qua điện toán đám mây. Nhìn chung thì từ xa xa chúng ta dễ hình dung đây là một ổ cứng mạng NAS, đầu HP Player hoặc là một thiết bị khác chứ không phải router WiFi bởi thiết kế khá khác biệt của nó.

dlink-8608l (1). dlink-8608l (2). dlink-8608l (3). dlink-8608l (4). dlink-8608l (5). dlink-8608l (6). dlink-8608l (7). dlink-8608l (8). dlink-8608l (9). dlink-8608l (10).

  • Cấu hình mạng WiFi
Nếu những modem internet thường được cấu hình với IP mặc định là 192.168.1.1 thì router 868L AC1750 có IP là 192.168.0.1, mật khẩu cũng được tạo sẵn và in dưới đáy router, do đó với một số đối tượng khách hàng không rành về việc cấu hình mạng internet, họ có thể chỉ cần mua router về, cắm điện và cắm dây LAN từ modem qua 868L là có thể sử dụng WiFi được, khá tiện lợi. Tuy nhiên, do cấu hình mặc định nên lúc này router chỉ phát ra mạng WiFi N ở băng tần 2,4GHz mà thôi, cần phải cấu hình thêm thì mới phát được sóng WiFi ac ở băng tần 5GHz.

Ở lần đầu tiên cài đặt cho router, giao diện thiết lập được đơn giản hóa tối đa, chỉ gồm có 5 bước, trong đó có bước giới thiệu, vài bước hướng dẫn và chỉ có 1 bước quan trọng là đặt tên và mật khẩu cho mạng WiFi, gồm cả 2 băng tần 2,4GHz cho WiFi N và 5GHz cho WiFi ac. Sau khi đặt xong, router sẽ khởi động lại và chúng ta có thể bắt đầu sử dụng mạng bình thường. Lưu ý, ở những nơi có mạng internet tương đối phức tạp, ví dụ tiệm internet, công ty, quán cà phê mà chúng ta cần thiết lập nhiều modem internet, nhiều router WiFi thì chúng ta cần cài đặt sâu hơn cho router, ví dụ đổi lớp mạng IP, chỉnh thông số DHCP để các thiết bị mạng không bị xung đột với nhau, dẫn tới mạng không ổn định. Giao diện này cũng rất đơn giản, có thể dễ dàng tìm thấy trong trang thiết lập router.

dlink-8608l (12). dlink-8608l (13). dlink-8608l (14).

Cách thứ 2 để cấu hình cho router mà không cần dùng máy tính, là chúng ta tải về phần mềm QRS Mobile do Dlink phát triển cho smartphone, hỗ trợ iOS, Android để thiết lập cho 868L AC1750. Ứng dụng này cũng có giao diện nền web, đơn giản và dễ thiết lập như sử dụng trang web trên máy tính. Tuy nhiên hạn chế của phần mềm này nằm ở tên của nó, QRS Mobile chứ không phải Dlink Mobile hay từ khóa nào có liên quan tới Dlink, do đó với những ai không rành về dòng sản phẩm của Dlink khi cần tìm phần mềm này mà search từ khóa Dlink thì sẽ không ra kết quả như ý.

Một điểm hạn chế của ứng dụng QRS Mobile nữa là vì sử dụng cho smartphone nên nó sẽ bị giới hạn rất nhiều mục thiết lập, chúng ta chỉ có thể đặt tên và mật khẩu cho mạng WiFi, không có những cài đặt khác như tạo lớp mạng, tạo Media Server, up firmware cho router... Vì vậy để sử dụng những tính năng khác, Dlink có những phần mềm khác như One-Touch, SharePort Mobile, mydlink lite... khá rườm rà và phức tạp.

Giao diện thiết lập mạng WiFi bằng phần mềm QRS Mobile trên điện thoại iPhone.

dlink-cloud (1). dlink-cloud (2). dlink-cloud (3). dlink-cloud (4). dlink-cloud (5). dlink-cloud (6). dlink-cloud (7). dlink-cloud (8).
  • mydlink Cloud
Đây là tính năng cho phép chúng ta cắm một chiếc USB hoặc ổ cứng di động vô cổng USB 3.0 trên router và sử dụng tính năng media server, một dạng máy lưu trữ cá nhân với những dữ liệu đa phương tiện như nhạc, hình, phim, tài liệu. Cổng USB của Dlink 868L hỗ trợ USB 3.0 và 2.0, tuy nhiên khi bật 3.0 thì nhà sản xuất có khuyến cáo là nó sẽ làm giảm cường độ phát sóng của WiFi N băng tần 2,4GHz, tức là tầm phủ sóng sẽ bị giảm bớt.

Theo thử nghiệm, việc cấu hình cho chức năng media server này chỉ đơn giản khi bạn đang ở chung mạng WiFi của router: cắm một USB hoặc ổ cứng di động (hỗ trợ thiếtt bị dung lượng 2TB, định dạng NTFS và FAT32, không hỗ trợ exFAT) vô trang cấu hình của router và bật tính năng này lên là xong. Sau đó chúng ta có thể truy cập từ xa thông qua phần mềm Shareport trên smartphone hoặc một địa chỉ IP định sẵn trên máy tính. Khi chúng ta khác mạng WiFi của router, ví dụ muốn truy cập media server từ xa (từ 3G, khi ở ngoài đường, trên công ty), việc thiết lập một tài khoản được cấp quyền đăng nhập rất phức tạp và mất thời gian, cần có hiểu biết tương đối về cách thiết lập mạng.

dlink-8608l (15).

Điểm trừ thứ 2 là vì chỉ hỗ trợ media server, không có tính năng giả lập NAS, do đó chúng ta không thể up file trên ổ đĩa cắm vô router Dlink 868L AC1750 mà chỉ sử dụng nó như một kho lưu trữ nhạc, hình, phim mà thôi. Thêm nữa, ứng dụng Shareport khi stream video khá kén định dạng file, ví dụ không hỗ trợ dạng MKV, trên iOS một số video MP4 không chạy được (có lẽ do không có codec giải mã) còn trên Android phải sử dụng phần mềm riêng thì mới chạy được.

dlink-8608l (16).
Giao diện media server nền web, hỗ trợ 4 định dạng như trên
  • Thử nghiệm khả năng phát sóng của Dlink 868L AC1750
Việc thử tốc độ của một router WiFi thường không đơn giản, bởi tốc độ sẽ bị phụ thuộc trực tiếp vào các yếu tố như tốc độ mạng internet, độ ổn định, khoảng cách phát sóng... Ở đây mình chỉ đưa ra nhận xét về khả năng phát sóng WiFi và băng thông của mạng này để các bạn có cái nhìn tổng quát nhất.

Như đã nói ở trên, Dlink 868L AC1750 phát được cùng lúc mạng WiFi b/g/n và WiFi ac, với tổng băng thông lên tới 1750Mbps, chia ra 450Mbps cho b/g/n và 1300Mbps cho ac. Mạng internet ở Việt Nam phổ biến với các gói cước tốc độ trung bình chỉ vài Mbps tới vài chục Mbps, băng thông hàng trăm Mbps của mạng WiFi chỉ thực sự phát huy tác dụng với những nhu cầu sử dụng đặc thù như kết nối nhiều thiết bị cùng lúc, stream dữ liệu từ media server, sử dụng với ổ cứng mạng...

Ở thử nghiệm tốc độ của media server, mình cho gắn 1 USB nhớ hỗ trợ kết nối USB 3.0 (chiếc USB này có tốc độ đọc khoảng 140MB/giây) với router, tiến hành tải 1 file phim dung lượng 2,9GB từ ổ cứng đó về máy tính. Bài test thực hiện ở cả 2 mạng WiFi b/g/n (đặc tên là Dlink bgn) và WiFi ac (tên là Dlink ac1300) để cho thấy tốc độ tải file sẽ khác nhau như thế nào khi sử dụng 2 mạng này, đồng thời cũng so sánh khi sử dụng giữa USB 2.0 và USB 3.0 có thực sự khác nhau về băng thông hay không.

dlink-8608l (16).

Với mạng WiFi N, khi tải file 2,9GB từ media server về máy tính, tốc độ đạt được trong khoảng 3-5MB/giây, ổn định ở mức trung bình 4MB/s, ở chế độ USB nhớ kết nối ở USB 3.0; khi chuyển xuống USB 2.0, mặc dù tầm phát sóng của mạng WiFi N có thể mạnh hơn, nhưng tốc độ tải file lại bị chậm đôi chút, giảm khoảng 5% còn dưới 4MB/giây.

dlink-8608l (17).
Kết nối bằng WiFi N, USB 3.0

dlink-8608l (19).
Khi USB nhớ kết nối ở chuẩn 2.0

Khi chuyển qua mạng WiFi ac, một thay đổi đáng kể là khi USB kết nối ở 3.0 lẫn 2.0 thì tốc độ tải file từ media server về máy tính đều xấp xỉ nhau, chênh lệch khoảng 10% mà thôi, thấp nhất đạt 15MB/giây và có thể lên tới 20MB/giây. Điều kiện thử là máy tính và router WiFi cách nhau khoảng 5 mét, không bị tường ngăn cản, và máy tính thử nghiệm sử dụng card WLAN broadcom ac, băng thông 1300Mbps (Macbook Pro 15 Retina cuối 2013) và một máy tính khác dùng WLAN ac băng thông 867Mbps.

dlink (3).


Khi thử đem máy tính ra xa router, cách 10 mét và bị chắn bởi 2 bức tường, tốc độ tải file có giảm nhưng không xuống quá thấp, đạt khoảng 14MB/giây.

dlink (4).
Cách 10 mét, bị chắn vởi 2 bức tường

  • Cường độ phát sóng
Sử dụng anten gắn bên trong chứ không phải loại anten râu chỉa ra ngoài, do đó tầm phát sóng của Dlink AC1750 cũng chỉ ở mức trung bình. Trong thực tế sử dụng, ở khoảng cách trong phòng làm việc, laptop thử nghiệm cách router Dlink trong tầm 10 mét, không bị vật chắn thì cường độ sóng thu được ở mức tốt, phần mềm NetSpot cho biết cường độ của mạng WiFi ac là 63% và WiFi N là 54%; so sánh với Linksys EA4500 cũng đặt gần đó có mức sóng 75% cho băng tần 2,4GHz và 52% cho băng tần 5GHz.

dlink-8608l (20).

Khi dời máy tính đi ra xa, cách khoảng 10 mét theo đường thẳng (cùng 1 tầng lầu) và bị ngăn cách bởi 3 bức tường, sóng WiFi đã bị giảm cường độ đi đáng kể, mức sóng mà máy tính thu được của WiFi ac là 19% và của WiFi N là 27%.

dlink-8608l (23).

  • Kết luận
Chiếc router Dlink 868L AC1750 có giá bán tham khảo ở Mỹ là 160$, khả năng phát sóng WiFi ac băng thông 1300Mbps và kết hợp b/g/n 450Mbps ở 2 băng tần 2,4GHz và 5GHz, do đó 2 mạng WiFi này sẽ không bị xung đột cũng như gây nhiễu sóng cho nhau. Tuy nhiên, trên thực tế thì chuẩn WiFi ac vẫn còn đang ở phiên bản dự thảo (draft), tức là chưa được hoàn thiện với những thông số kĩ thuật cuối cùng, do đó những chiếc router WiFi ac trên thị trường hiện nay lẫn card WLAN trên laptop đều là WiFi ac draft. Vì vậy trong quá trình sử dụng, rất có thể mạng WiFi ac vẫn còn bị lỗi về tầm phát sóng, băng thông lẫn độ ổn định, nên việc chọn mua router ac để sử dụng cho mạng không dây vẫn còn cần được cân nhắc kĩ.

Với Dlink 868L, sản phẩm có thiết kế lạ, phá cách, tuy nhiên vỏ nhựa bóng bên ngoài bị nhược điểm là dễ dơ và rất dễ trầy, đồng thời anten gắn trong cho khả năng phát sóng không mạnh như một số sản phẩm khác. Bù lại, sản phẩm có ưu điểm là WiFi ac, giao diện thiết lập mạng đơn giản, hỗ trợ media server, vì vậy đây sẽ là một lựa chọn nữa cho người dùng khi mua bộ router WiFi ac cho mình.