Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Đánh giá iPad Air: chiếc máy tính bảng 10" tốt nhất

iPad_Air_Review-8.

iPad Air là một chiếc tablet kích cỡ đầy đủ rất tuyệt, nó gọn và mỏng đi đáng kể so với thế hệ trước trong khi thời lượng pin tăng lên và mạnh mẽ hơn gấp đôi. Tuy nhiên, nếu bạn đang mong chờ iPad Air sẽ thay thế được iPad mini/mini Retina thì điều đó gần như không thể xảy ra. iPad Air vẫn hơi nặng để dùng bằng một tay.

Thiết kế:

iPad_Air_Review-6.

Có 3 điều bạn cần nhớ khi nói về thiết kế của iPad Air: đồng nhất hơn với các sản phẩm Apple khác, nhẹ hơn và gọn gàng hơn. Trong các đặc điểm trên, nhẹ hơn là thay đổi sáng giá nhất.

Để dễ hình dung, các bạn hãy cứ liên tưởng iPad Air giống một chiếc mini phóng lớn. So sánh trực tiếp với iPad 4, Air giữ nguyên chiều dài mà chỉ thay đổi về chiều rộng với các viền màn hình hai bên nhỏ hơn. Mình không đánh giá cao việc thay đổi một phần như vậy, Air vẫn hơi lớn hơn mức cần thiết cho khi mà người ta đã đang dần tìm về những thứ gọn gàng hơn. Nếu Apple thiết kế cho viền benzel phía trên và dưới nhỏ lại thì chắc chắn máy sẽ hoàn thiện hơn rất nhiều. Bản chất viền benzel không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sử dụng iPad do nó có khả năng phát hiện khi nào chúng ta vô tình chạm vào phần màn hình gần viền và khi nào cố tình rất chính xác.

iPad_Air_Review-2.
iPad_Air_Review-4.

Trên iPad Air, Apple vẫn tiếp tục sử dụng khung nhôm truyền thống nhưng những đường vát chéo khá sắc ở các cạnh đã bị loại bỏ, thay vào đó là những đường bo nhẹ vuông vắn hơn. Với mình thì các đường nét ở cạnh này sẽ giúp cầm máy dễ chịu hơn, nó không còn bị cấn vào tay khi cầm sâu. Tuy vậy, điều gì cũng có tính hai mặt của nó. Thiết kế khung vuông, phẳng và bản lớn sẽ làm cho màn hình không còn sát với các linh kiện như kiểu thiết kế cắt chéo góc ở mặt đáy, hệ quả là máy có thể sẽ kêu bộp bộp khi bạn dùng tay gõ mạnh vào màn hình. Điều này không phải là lỗi và cũng chẳng gây ảnh hưởng đến quá trình sử dụng nhưng nó cũng là một nhược điểm không đáng có. Một nguyên nhân khác có thể kể đến là việc cắt giảm đèn nền cho màn hình đi còn 1/3 so với trước kia. Để phần nào khắc phục đặc điểm này, Apple lại phải đẩy tấm nền màn hình xuống sâu hơn nhưng khi đó lại xuất hiện thêm những nhược điểm khác về mặt hiển thị, điều mình sẽ diễn giải chi tiết hơn ở mục màn hình.

iPad_Air_Review-5.

Nhìn chung. iPad Air vẫn là một sản phẩm được thiết kế rất đẹp và tốt so với mặt bằng chung của các máy tính bảng hiện tại. Tuy nhiên, nó đã phần nào mất đi cảm giác cao cấp của các máy cũ mà hơi phổ thông hơn giống iPad mini.

iPad_Air_Review-3.

Sử dụng:
Việc giảm cân của iPad Air đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sử dụng máy. Mình phải từ bỏ iPad 4 khi mini ra vì gần như không thể sử dụng máy trên giường mà không có điểm đỡ. Với Air, mọi thứ trở nên dễ chịu hơn, chúng ta có thể nằm ngửa đọc sách với iPad Air mà không gặp khó khăn nhiều như bản 4. Tuy vậy, bạn vẫn buộc phải có bàn tay lớn kết hợp với gối ôm để có thể dùng thoải mái nhất, ước mơ dùng máy bằng một tay như mini vẫn còn khá xa vời.

iPad_Air_Review-8.

Với những ai đang sử dụng iPad lớn thì việc chuyển sang iPad Air là một thay đổi rất lớn. Tuy nhiên, điều đó lại không đúng với các bạn từ iPad mini chuyển lên. Máy vẫn lớn hơi và nặng hơn hơn mức cần thiết. Cá nhân mình sẽ quay trở lại với iPad Air vì trọng lượng ở mức chấp nhận được và màn hình lớn nhưng bạn vẫn nên thử thật kỹ trước khi đưa ra kết luận mua máy. Nếu như năm ngoái, việc lựa chọn giữa iPad 4 và iPad mini là rất dễ thì năm nay mọi thứ lại phức tạp hơn rất nhiều với việc cắt giảm kích thước, trọng lượng iPad Air và sự xuất hiện của iPad mini Retina.

Màn hình:
Mặc định thì màn hình iPad luôn được đánh giá rất cao ở các năm mà nó ra mắt. Màn hình iPad Air không có nhiều khác biệt so với iPad 4 về mặt thông số, có vẻ như Apple vẫn sử dụng chung tấm nền màn hình 2048x1536 9,7” của đời trước. Tuy vậy, họ đã cải tiến công nghệ sản xuất, loại bỏ một lớp kính trong quá trình sản xuất làm cho màn hình mỏng hơn, đồng thời cắt giảm gần 2/3 số đèn LED chiếu sáng cho màn hình để tiết kiệm điện năng và làm cho máy nhẹ hơn. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu những cải tiến đó có làm tăng chất lượng hiển thị của iPad Air hay không? Rất tiếc, câu trả lời là không.

iPad_Air_Review-7.

Điểm yếu nhất trên màn hình iPad Air là tấm nền nằm sâu hơn bình thường so với lớp kính bảo về phía trên, hệ quả là bạn sẽ thấy màn hình không nổi như mong đợi, chìm hơn cả iPad 4. Điều này hoàn toàn có thể khắc phục nếu Apple chấp nhận dùng công nghệ in-cell như iPhone hay iMac mới nhưng họ vẫn chưa chịu dùng nó trên iPad. Việc dùng in-cell sẽ giúp màn hình nổi hơn, cảm ứng nhạy hơn nhưng nhược điểm là chi phí thay cực kỳ mắc (dù chi phí chế tạo rẻ hơn), phải thay toàn bộ cụm màn hình bao gồm cả panel và kính cường lực khi bị có bất cứ lỗi nào xảy ra. Bạn nào từng bị vỡ màn hình iPhone 5 thì chắc sẽ hiểu được điều này, chi phí thay không dưới 5 triệu vào thời điểm cuối năm ngoái, giờ thì đã rẻ hơn do xác máy bị dính iCloud khá nhiều:D

Như thường lệ, việc Apple cân chỉnh màu màn hình theo thị trường sẽ làm một số người khó chịu. Màu sắc các máy Châu Á thường vàng hơn so với xanh của các máy Mỹ. Mình thì thích màu trung tính hơn nóng nên ưu tiên các máy từ thị trường Mỹ hơn là máy HongKong dùng để review.

Tổng kết lại, màn hình iPad Air vẫn rất tốt nhưng không nổi là một điểm yếu lớn cần khắc phục. Ngoại trừ việc panel màn hình sâu hơn, sự khác biệt giữa màn hình iPad 4 và Air là không lớn, trừ khi bạn quá tinh ý mới nhận ra được điều này.

Bạn nào quan tâm hơn về kỹ thuật chế tạo mà Apple dùng trên iPad Air thì có thể đọc đoạn phía dưới, còn không thì chúng ta có thể chuyển qua mục tiếp theo vì nó khá kỹ thuật.

Khi mổ ra, người ta phát hiện module màn hình mà Apple sử dụng trên iPad Air mắc tiền hơn iPad 4 vì những cải tiến của nó. Thông thường, phía dưới lớp kính cường lực thường có thêm một lớp cảm ứng để nhận tín hiệu từ tay người dùng nhưng Apple đã tích hợp trực tiếp cảm biến cycle-olefin poymer (COP) để loại bỏ lớp cảm ứng thông thường, phần nào loại bỏ khoảng trống giữa lớp kính bảo vệ và panel. Hệ quả là cụm màn hình iPad Air chỉ còn mỏng 1,8mm thay cho 2,23mm của iPad 4. Ngoài ra, Apple cũng sử dụng 36 bóng đèn LED chiếu sáng thay vì 84 đèn của thế hệ cũ. Chưa có kết luận chính xác nhưng có thể dự đoán Apple đã lợi dụng độ mỏng này, kết hợp với tấm phim quang học mới phủ rộng hơn, đèn LED mạnh mẽ hơn để có thể giảm số bóng đèn mà vẫn bảo đảm khả năng chiếu sáng cho màn hình. Thông tin từ IHS cho biết riêng cụm màn hình iPad Air đã tốn tới 133$ để chế tạo, trong đó có 90$ cho màn hình và 43$ cho phần cảm ứng.

Sức mạnh:
Không cần phải bàn về sức mạnh của iPad Air vì chúng ta đã nói quá nhiều về nó rồi. Ở các bài thử benchmark thì điểm số của iPad Air luôn cao gấp đôi iPad 4. Apple vẫn dùng chip A7 trên iPad Air nhưng họ đã nâng xung nhịp nó lên 100MHz so với iPhone 5s. Nghe có vẻ không nhiều nhưng khi kết hợp với mức TDP cao hơn sẽ giúp hiệu năng iPad Air cao hơn khoảng 20% so với iPhone 5s về tổng thể.

[IMG]
[IMG]
Nói một cách dễ hiểu, hiệu năng xử lý thuần của iPad Air không hơn iPhone 5s nhiều nhưng do kích cỡ máy lớn, tản nhiệt tốt hơn nên Apple có thể giữ cho con chip A7 hoạt động ở năng lực tối đa trong thời gian dài hơn (TDP cao hơn). Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi giới thiệu iPad Retina Apple sử dụng chung chip đồ họa giữa iPad và iPhone thay vì phải tạo ra một bản A7X nào đó có năng lực xử lý đồ họa mạnh mẽ hơn A7 thường. Chip Rouge của A7 trên iPad Air cũng mạnh gấp đôi chip trên A6X.

Đó là về các phép thử benchmark, còn thực tế thì sao? Máy khởi chạy ứng dụng cực kỳ nhanh, các game như Clash Of Clans gần như không tốn thời gian tải như trên iPad mini hay iPad 4. Các ứng dụng dùng nhiều hiệu ứng phức tạp cũng được hưởng lợi với năng lực xử lý mạnh mẽ của A7.

Nhưng, lại là một cái nhưng khác: iPad Air vẫn hơi khựng nhẹ khi thoát khỏi ứng dụng, tình trạng chung của các máy iOS 7. Chạy ứng dụng thì rất mượt nhưng chuyển về màn hình chủ hoặc qua ứng dụng khác thì sẽ tốn khoảng 0,5 giây trước khi máy mượt trở lại. Điều này là do Apple vẫn tiếp tục sử dụng 1GB RAM trên iPad Air, khá thấp so với 2 hay thậm chí là 3GB của các máy Android. Tuy iOS quản lý tài nguyên hệ thống rất tốt nhưng chắc chắn 2GB sẽ loạt bỏ hẳn tình trạng hơi lag nhẹ khi chuyển đổi ứng dụng.

Chi tiết về sức mạnh iPad Air

Camera:
Mình không thích người ta cầm máy tính bảng đi vòng vòng chụp hình nhưng đó là sở thích cá nhân, chúng ta không nên can thiệp.:D Trên iPad, Apple không hề quảng cáo bất cứ điều gì nhưng ảnh của nó tốt một cách đáng ngạc nhiên, dải tần nhạy sáng (dynamic range) của máy thậm chí còn tốt hơn cả iPhone 5s trong một số điều kiện. Các bạn có thể tham khảo một số hình ảnh từ iPad Air.

iPad_Air_Review-9.

Loa:
iPad Air có 2 loa thay vì chỉ một loa như iPad 4. Với thay đổi này thì loa máy sẽ lớn hơn rất nhiều so với đời cũ. Dù vậy, bạn cũng được mong đợi sẽ thưởng thức nhạc hay bằng cặp loa này nhé!

iPad_Air_Review.

Nhiệt độ:
iPad Air rất mát khi hoạt động, kể cả khi chơi game trong thời gian dài. Khu vực duy nhất bạn có thể nhận thấy sự khác biệt về nhiệt độ là mặt sau bên phải, hơi chếch xuống dưới. Đây là khu vực chứa bảng mạch của máy và một phần viên pin.

Pin:
Màn hình là điểm gây tốn pin nhất trên các thiết bị di động, việc cắt giảm đèn LED giúp tiết kiệm năng lượng rất nhiều. Bên cạnh đó, con chip A7 & M7 cũng có hiệu suất hoạt động tốt hơn. Hệ quả của điều này là pin iPad Air tốt hơn iPad 4 dù nó dùng chỉ 2 cell pin với tổng dung lượng 32,9W còn iPad 4 phải 3 cell pin 43W, tức chỉ bằng 3/4. Thử nghiệm thực tế của Tinhte.vn cho thấy pin iPad Air có thể xem phim MKV 720p bằng phần mềm AVPlayer liên tục 12 tiếng với độ sáng màn hình 50%. Nếu bạn xem phim MP4 trên iTunes Store được nén tốt hơn với phần mềm mặc định thì chắc chắn thời lượng sử dụng sẽ lâu hơn.

[IMG]

Bạn có thể xem chi tiết về pin của iPad Air

Kết luận:
Cứ mỗi khi Apple giới thiệu một sản phẩm mới, họ lại tiếp tục bài ca: ”đây là sản phẩm tốt nhất của chúng tôi”. Thành thật mà nói, iPad Air vẫn giữ đúng lời hứa đó, bạn làm sao có thể đòi hỏi hơn ở một thiết bị có giá không đổi mà chip mạnh mẽ hơn gấp đôi, pin tốt hơn, máy mát hơn và đặc biệt là nhẹ hơn đáng kể? Trừ một số trường hợp đặc biệt, sẽ không sai khi nói iPad Air đang là chiếc tablet full size dành cho tất cả mọi người tốt nhất trên thị trường. Đối thủ lớn nhất của iPad Air không phải là các máy tính bảng Android mà chính là iPad mini Retina.

Nhìn xa hơn, iPad Air vẫn tiếp tục dẫn đầu cuộc đua tablet nhưng Apple đã không còn là Apple của ngày hôm qua nữa rồi. Thay vì chấp nhận ra mắt chậm hay tăng chi phí sản xuất để đưa những thứ tốt nhất vào (in-cell, touchID…), Tim Cook vẫn giữ lại một vài đặc điểm để nâng cấp cho năm sau, gần giống với phong cách của các công ty Nhật Bản. Nếu bạn đang dùng iPad 4 và không cảm thấy quá áp lực phải nâng cấp thì nên tạm thời bỏ qua iPad Air để chờ tới bản Air 2 có thể sẽ khắc phục hoàn toàn những điểm thiếu sót trên. Và biết đâu đấy, có thể sự chờ đợi sẽ được đền đáp bằng việc tiếp tục giảm trọng lượng (dùng màn hình IGZO siêu tiết kiệm năng lượng để dùng pin nhỏ hơn nữa) và thu gọn máy lại như những bằng sáng chế mà Apple sở hữu gần đây.

Ưu điểm:
  • Nhẹ hơn đáng kể
  • Máy chạy rất mượt
  • Pin lâu
  • iOS 7 vẫn là hệ điều hành tốt nhất cho tablet
Nhược:
  • Vẫn cần làm viền trên và dưới nhỏ hơn
  • Không tích hợp những thứ tốt nhất Apple có thể làm