Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Mercedes-Benz giới thiệu C-Class 2015 với ngôn ngữ thiết kế mới, nhẹ hơn 100 kg, nhiều loại động cơ

2015-Mercedes-C-Class-003.

Sau khá nhiều thông tin và hình ảnh rò rỉ, cuối cùng Mercedes-Benz đã chính thức giới thiệu phiên bản 2015 hoàn toàn mới của dòng sedan cỡ trung C-Class. Mặc dù đã rất thành công khi phát triển CLA, thế nhưng không vì thế mà Mercedes-Benz từ bỏ C-Class, dòng xe có doanh số bán tốt nhất trong lịch sử của hãng.

Ngoại thất

Về ngoại hình, C-Class 2015 trong có phần hiện đại hơn trước nhờ được áp dụng ngôn ngữ thiết kế mới. Kiểu thiết kế mà chúng ta đã thấy trên E-Class và S-Class thế hệ mới nhất. Không ngoa khi nói rằng C-Class mới là một phiên bản thu nhỏ của S-Class bởi nó rất giống ở thiết kế, đặc biệt là ở phần đèn pha và đèn hậu.

So với thế hệ trước, C-Class mới không chỉ có chiều dài cơ sở lớn hơn mà chiều dài tổng thể và chiều rộng của nó cũng lớn hơn khá nhiều. Cụ thể, chiều dài cơ sở được tăng thêm 76mm, ở mức 2.840mm trong khi chiều dài tổng thể và chiều rộng lớn hơn lần lượt là 95mm và 40mm, ở mức 4.686mm và 1.810mm. Nhờ những cải tiến này mà không gian cho hàng ghế sau được tăng thêm đáng kể, bên cạnh đó thể tích khoang hành lý cũng đạt mức 480 lít.

Mặc dù lớn hơn, thế nhưng trọng lượng tổng thể của C-Class mới lại nhẹ hơn đến 100 kg so với người tiền nhiệm của nó. Lý giải về điều này, hãng xe Đức cho biết hãng đã sử dụng ý tưởng thiết kế gọn nhẹ thông minh, chủ yếu là nhờ thân xe lai nhôm với khoảng 70 kg nhẹ hơn so với thân xe bằng thép thông thường. Hai lợi ích nổi bật nhất của việc cắt giảm trọng lượng này đó là mức tiêu hao nhiên liệu giảm đến 20% và khả năng xử lý được cải thiện.

Nội thất

Bên trong, nội thất xe khiến người ta liên tưởng đến dòng CLA hơn là dòng S-Class. Mercedes-Benz cho biết họ tự hào về chất lượng vật liệu và mức độ hoàn thiện nội thất C-Class mới, điều hiếm gặp ngay cả ở những dòng xe cao cấp hơn.

Bảng điều khiển trung tâm được thiết kế theo kiểu dòng chảy với một mảng lớn chạy từ cửa gió trung tâm xuống tay vịn. Chính giữa là một màn hình kích cỡ 7" tiêu chuẩn, trong khi nếu muốn khách hàng có thể tùy chọn màn hình 8,4" với gói trang bị Multimedia Package. Ngoài ra, những vật liệu sang trọng như da, gỗ và kim loại là điều không thể thiếu trên C-Class 2015.

Một tính năng thú vị trên C-Class mới đó là bàn điều khiển cảm ứng giống như S-Class, nó cho phép người dùng điều khiển tính năng bằng các cử chỉ ngón tay một cách dễ dàng và thuận tiện. Bên cạnh đó cũng phải kể đến công nghệ hiển thị thông tin lên kính chắn gió (HUD), nó giúp người lái dễ dàng theo dõi các thông số mà không cần rời mắt khỏi tầm nhìn phía trước.

Động cơ, khả năng vận hành

Phiên bản 2015 chứng kiến lần đầu tiên C-Class được trang bị hệ thống treo khí nén Airmatic tiên tiến, tuy nhiên người dùng phải đặt hàng tính năng này chứ không được trang bị tiêu chuẩn.

Tại châu Âu, C-Class 2015 có tất cả ba phiên bản động cơ, trong đó có hai máy xăng (C180C200) và một máy dầu (C220 BlueTEC). Phiên bản C220 BlueTEC được trang bị động cơ 2.1 công suất 168 mã lực và cũng là phiên bản kinh tế nhất với mức tiêu hao nhiên liệu chỉ là trung bình 4 lít/100 km. Trong khi đó, phiên bản C180 với máy xăng 1.6 công suất 154 mã lực có mức tiêu hao 5 lít/100 km còn bản C200 với máy xăng 2.0 công suất 181 mã lực có mức tiêu hao 5,3 lít/100 km. Thời gian tăng tốc từ 0-100 km/h của C200 là nhanh nhất với 7,5 giây.

Sau khi ra mắt một thời gian, Mercedes-Benz sẽ tung ra các phiên bản động cơ mới bao gồm một động cơ dầu 1.6 công suất 114 mã lực hoặc 134 mã lực và nhiều phiên bản của động cơ dầu 2.1 với công suất cao nhất là 201 mã lực.

Năm động cơ xăng I4 với công suất từ 154 đến 235 mã lực cũng sẽ xuất hiện, bao gồm cả phiên bản đặc biệt C180 ECO Edition. Một phiên bản động cơ xăng 6 xy lanh 329 mã lực và một phiên bản lai C300 BlueTEC Hybrid với sự kết hợp của máy dầu 2.1 và động cơ điện 27 mã lực có thể sẽ xuất hiện trong thời gian tới.

Về hệ truyền động, các động cơ 4 xy lanh sẽ đi kèm với hộp số tay 6 cấp tiêu chuẩn hoặc hộp số tự động 7G-Tronic Plus tùy chọn.

Tại Mỹ, C-Class mới có hai tùy chọn động cơ xăng. Thứ nhất là I4 2.0 tăng áp, phun nhiên liệu trực tiếp công suất 235 mã lực và mô-men xoắn 370 Nm trên phiên bản C300 4MATIC. Thứ hai là V6 3.0 tăng áp, phun nhiên liệu trực tiếp công suất 329 mã lực và mô-men xoắn 480 Nm trên phiên bản C400 4MATIC.

Hiện người dùng tại Đức đã có thể đặt hàng ngay từ bây giờ với giá 33.558 Euro (46.200 USD) cho phiên bản thấp nhất C180. Phiên bản C200 có giá 36.414 Euro (50.090 USD) và phiên bản C220 BlueTEC có giá 38.675 Euro (53.250 USD). Giá bán tại thị trường Mỹ hiện chưa được Mercedes-Benz công bố.

2015-Mercedes-C-Class-2[3].2015-Mercedes-C-Class-3[3].2015-Mercedes-C-Class-4[3].2015-Mercedes-C-Class-10[3].2015-Mercedes-C-Class-12[3].2015-Mercedes-C-Class-13[3].2015-Mercedes-C-Class-15[3].2015-Mercedes-C-Class-16[3].2015-Mercedes-C-Class-18[3].2015-Mercedes-C-Class-20[3].2015-Mercedes-C-Class-21[3].2015-Mercedes-C-Class-22[3].2015-Mercedes-C-Class-24[3].2015-Mercedes-C-Class-25[3].2015-Mercedes-C-Class-26[3].2015-Mercedes-C-Class-31[3].2015-Mercedes-C-Class-32[3].2015-Mercedes-C-Class-33[3].2015-Mercedes-C-Class-34[3].2015-Mercedes-C-Class-35[3].2015-Mercedes-C-Class-36[3].2015-Mercedes-C-Class-42[3].2015-Mercedes-C-Class-43[3].2015-Mercedes-C-Class-44[3].2015-Mercedes-C-Class-49[3].2015-Mercedes-C-Class-50[3].2015-Mercedes-C-Class-51[3].2015-Mercedes-C-Class-52[3].2015-Mercedes-C-Class-53[3].2015-Mercedes-C-Class-54[3].2015-Mercedes-C-Class-55[3].2015-Mercedes-C-Class-56[3].2015-Mercedes-C-Class-57[3].2015-Mercedes-C-Class-58[3].2015-Mercedes-C-Class-59[3].2015-Mercedes-C-Class-61[3].2015-Mercedes-C-Class-62[3].2015-Mercedes-C-Class-63[3].2015-Mercedes-C-Class-64[3].2015-Mercedes-C-Class-65[3].2015-Mercedes-C-Class-66[3].2015-Mercedes-C-Class-68[3].


Apple phát hành OS X 10.9.1: tiếp tục khắc phục những vấn đề với Gmail, sửa nhiều lỗi

OS_X_10_9_1_500px.

Apple mới đây đã phát hành bản OS X 10.9.1, phiên bản update lớn đầu tiên kể từ khi hệ điều hành của hãng ra mắt vào tháng 10 năm nay. Trong bản nâng cấp lần này, Apple tiếp tục cải thiện việc sử dụng Gmail trong ứng dụng Mail của hệ thống, khắc phục lỗi với những người dùng đã tùy chỉnh lại cấu hình hộp thư Google cũng như tăng độ ổn định với tính năng Smart Mailbox và tìm kiếm của app. Bên cạnh đó, hãng cũng khắc phục vấn đề không thể update bộ app iLife và iWork với những người sử dụng ngôn ngữ hệ thống khác tiếng Anh, loại bỏ lỗi liên tục đòi hỏi cấp quyền sử dụng "keychain" cho một số "nội dung nội bộ". Safari cũng được nâng cấp lên bản 7.0.1 để sửa các lỗi liên quan đến VoiceOver, tự cập nhật những dòng tweet trong Shared Link thường xuyên hơn và tăng tính tương thích với một số website.

Ngay bây giờ bạn đã có thể tải về bản OS X 10.9.1 bằng cách vào  > Software Update... hoặc tải bộ cài thủ công ở đây.

OS_X_10_9_1.


Notion Ink ra mắt Adam II: màn hình 10,1", chip hai nhân, dải LCD phụ đơn sắc dọc cạnh máy

Notion_Ink_Adam_II_6.

Notion Ink, một cái tên từng được chú ý nhiều khi thị trường máy tính bảng Android bắt đầu khởi sắc, hôm nay đã ra mắt chiếc tablet mới mang tên Adam II để kế nhiệm cho mẫu Adam I ra mắt hai năm trước. Thiết bị chạy Android 4.2.2 này có kiểu dáng giống như một quyển sách, được trang bị màn hình LCD 10,1" độ phân giải 1280×800 với tấm nền IPS chứ không phải là màn hình tiết kiệm điện Pixel Qi như kế hoạch ban đầu. Điểm lạ của Adam II đó là một dải màn hình LCD đơn sắc siêu mỏng chạy dọc theo cạnh của tablet. Nó được dùng để hiển thị các thông báo hệ thống hoặc hiển thị tiêu đề sách (giống một cái gáy sách vậy). Ngoài ra, Adam II còn được trang bị hai loa và cả hai đều nằm ở mắt trước, hướng về phía người dùng khi cầm máy.

Các thành phần cấu hình còn lại gồm có vi xử lí hai nhân 1,5GHz, RAM 1GB, GPU Mali 400, bộ nhớ trong 8GB, khe thẻ nhớ microSD, camera trước và sau đều có độ phân giải 3,15 megapixel. Adam II phiên bản chỉ có Wi-Fi đã được bán ra tại Ấn Độ với giá 16.499 rupi, tương đương 266 USD. Nếu muốn có thêm kết nối 3G, người mua sẽ phải chi ra 18.499 rupi, tương đương 298 USD.

Cấu hình cơ bản của Notion Ink Adam II:
  • Màn hình: 10,1" độ phân giải 1280 x 800, tấm nền IPS
  • CPU: hai nhân Cortex-A9 xung nhịp 1,5GHz
  • GPU: Mali 400
  • RAM: 1GB DDR3
  • Camera chính: 3,15 megapixel
  • Camera phụ: 3,15 megapixel
  • Pin: 6000mAh, thời lượng 10 giờ
  • Hệ điều hành: Android 4.2.2
  • Tính năng đặc biệt: màn hình phụ LCD đơn sắc chạy dọc cạnh máy, độ phân giải 100x5
  • Kết nối: ZigBee, Bluetooth, Wi-Fi a/b/g/n, microUSB, microHDMI, tùy chọn 3G
  • Bộ nhớ trong/Thẻ nhớ: 8GB, có hỗ trợ khe thẻ microSD
  • Kích thước: không rõ
  • Trọng lượng: không rõ
Notion_Ink_Adam_II_1.
Notion_Ink_Adam_II_2.
Notion_Ink_Adam_II_3.
Notion_Ink_Adam_II_4.
Notion_Ink_Adam_II_8.
Notion_Ink_Adam_II_5.

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Đánh giá chi tiết LG G Pad

LG_G_Pad_8.3-13.

Chiếc máy tính bản mới nhất của LG có tên gọi chính thức là GPad, nhưng không hiểu vì sao mà về VN thì lại được đổi tên thành G Tablet, để thống nhất với các bài viết trước đây thì mình vẫn sẽ gọi là GPad cho dễ hiểu. Chiếc máy không có phiên bản 3G nhưng có bộ nhớ trong 32GB và khe thẻ nhớ mở rộng. Vấn đề là với giá bán gần 8tr thì đây có phải là sự lựa chọn xứng đáng không? Thử đánh giá chi tiết xem sao nhé.

Trước tiên nhắc qua về cấu hình: G Pad sử dụng snapdragon 600, trong khi các thiết bị đỉnh cao hiện nay đều được trang bị snapdragon 800. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng trong thế giới máy tính bảng Android thì thực ra con chip này cũng thuộc dạng mạnh nhất nhì hiện nay rồi. Các chi tiết khác để cân nhắc lựa chọn như: màn hình IPS độ phân giải FullHD (1920 x 1200), ram 2GB, có khe cắm thẻ nhớ, có hỗ trợ OTG, cổng hồng ngoại ...

Thiết kế, chất lượng phần cứng

LG G Pad có thiết kế khá đẹp và chất lượng phần cứng tốt. Bao quanh máy là khung viền chắc chắn cùng nắp lưng kim loại bóng loáng. Nắp lưng này sẽ hết bóng khi bạn cầm tay vào vì nó khá là bám vân tay, khung viền thì chống trầy và cũng chống bám vân tay luôn. Bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng hoàn thiện của LG trên chiếc máy tính bảng này. Tham khảo thêm:
Máy được thiết kế đối xứng, có vẻ như LG hướng đến việc người dùng sẽ dùng máy theo chiều ngang nhiều hơn là chiều dọc. Trong thực tế sử dụng thì lướt web, facebook mình cầm máy dọc, còn xem film, chơi games thì theo chiều ngang. Việc cầm máy theo chiều ngang rất là thoải mái, hai cạnh được làm đủ lớn để ngón chạm vào, không gây mỏi tay. Với thiết kế đối xứng thì nhiều khi mình nhầm lẫn không biết đâu là đầu, đâu là đuôi của máy, việc mò mẫm tìm nút mở màn hình cũng khó hơn. Rất may là với tính năng Knock ON thì bạn chỉ cần nhấp đúp vào màn hình để mở máy, rồi nhấp đúp để tắt màn hình, quên đi nút power cũng được.

tinhte_lg gpad-2.

Với việc cầm máy theo chiều dọc để lướt web hay facebook thì cũng không gây mỏi tay lắm. Mình thường xuyên dùng một tay để lướt web và vấn đề gây khó chịu là do máy dài quá nên có thể gây mỏi nếu cầm lâu. Phần phía trên dài nên nó cũng nặng đầu. Còn một điểm nữa đó là G Pad nặng hơn Nexus 7 2013, đây cũng là một yếu tố cần quan tâm. Trước khi dùng G Pad thì mình dùng Nexus 7, khi mới chuyển qua thì có phần hơi khó chịu vì tay cầm nhẹ quen rồi. Bù lại, độ mỏng của G Pad là bù đắp phần nào cảm giác khó chịu này, việc cầm tay vào nắp lưng kim loại cũng khá là thích thú.

LG_G_Pad_8.3.

Có thể nói cảm giác cầm G Pad là sướng nhất trong số những chiếc máy tính bản mình dùng thời gian gần đây (nexus 7, asus fonepad, kindle hdx). Ngoài chất liệu, độ mỏng thì kích thước mà hình cũng đóng góp khá nhiều. G Pad có chiều ngang vừa đủ để bạn cầm 2 tay sử dụng thoải mái. Mình đã dùng Evernote cùng với bộ gõ GoTiengViet ICS để soạn toàn bộ bài đánh giá này và không cảm thấy khó chịu, rất thoải mái để gõ lâu. Cảm giác này giống với năm trước khi mà lần đầu tiên được sử dụng iPad mini (tham khảo).

Điểm cuối cùng mình muốn nói đến trong phần chất lượng phần cứng là về loa của máy. G Pad được trang bị loa stereo ở đằng sau, nhìn khá đẹp. Tuy nhiên chất lượng âm thanh chỉ ở mức vừa phải, âm lượng cũng không quá lớn nếu không muốn nói là nhỏ, trong phòng yên tĩnh thì mới có thể nghe thoải mái được.

LG_G_Pad_8.3-6.

Màn hình

Thiết bị di động của LG thường được trang bị màn hình công nghệ IPS với chất lượng hiển thị rất tốt, và G Pad cũng không phải ngoại lệ. Màn hình của chiếc máy tính bảng này rất đẹp, nếu so với LG G2 thì nó chỉ thua một chút về độ nổi của màn hình. Màn hình trên G Pad hơi ngả vàng một chút, màu trắng sẽ bị ám vàng chứ không phải trắng như tuyết. Màu đen thì rất tuyệt vời, đen tuyền. Góc nhìn rộng, hơi loá một chút khi sử dụng ngoài trời.

So sánh trực tiếp với Nexus 7 2013 sẽ thấy sự khác biệt của hai màn hình này. G Pad có màu đen tốt hơn nhưng màu trắng thì không trắng bằng. Nhưng đây là so sánh trong nội bộ 2 chiếc máy này, nếu so với những chiếc máy tính bảng khác thì nó vẫn rất là tuyệt.

2216714_DSC_7330.

Kích thước 8.3 wide khá là lý tưởng để xem film, ở mặt này thì G Pad làm khá tốt, với MX player máy có thể giải mã film mkv bằng phần cứng. Vấn đề là khi bạn quay ngang máy thì dàn phím bấm cảm ứng trên màn hình cũng quay ra theo chiều ngang, làm cho màn hình đã hẹp nay càng hẹp hơn. Để giải quyết chuyện này thì bạn cần phải root máy rồi cài thêm phần mềm ẩn phím ảo, như Full!screen chẳng hạn (tham khảo)

Phần mềm - Hiệu năng

LG G Pad có điểm benchmark cao hơn cả Nexus 7 2013 (tham khảo tại đây), tuy nhiên cảm giác dùng lại không mượt mà bằng. Vấn đề không nằm ở hiệu năng của máy, mà lí do chính vì LG trang điểm cho G Pad khá nhiều hiệu ứng làm đẹp, chúng có tốc độ chuyển cảnh không cao, nên tạo cho người dùng có cảm giác chậm chạp. Hiệu năng tổng thể của G Pad là rất tốt, cảm giác dùng không có khó chịu.

Tuy nhiên, vẫn có những chi tiết nhỏ nhặt là bạn bị ảnh hưởng chút xíu, như việc máy bị giựt khi chuyển qua lại giữa các phần mềm với nhau. Đặc biệt là nếu bạn có sử dụng facebook messenger thì thỉnh thoảng thấy bị đơ một chút.

Phần mềm trên G Pad giống như G2, ngoài ra bạn còn có QPair để kết nối điện thoại với chiếc máy tính bảng này. QPair sẽ hiển thị cuộc gọi cũng như tin nhắn ở trên máy tính bảng, sử dụng 3G của điện thoại để vào mạng. LG cũng trang bị cho người dùng khá nhiều những phần mềm cần thiết như: Ghi chú nhanh, Điều khiển tivi (qua hồng ngoại), Diệt virus McAfee, Polaris Office và trình quản lý tập tin.

tinhte_lggpad-2. tinhte_lggpad-3. tinhte_lggpad-4. tinhte_lggpad-5. tinhte_lggpad-6. tinhte_lggpad-7. tinhte_lggpad-8. tinhte_lggpad-9.

Thời lượng pin của G Pad cũng ở mức khá, trong điều kiện sử dụng bình thường thì máy có tổng thời gian onscreen là khoảng 6 tiếng đồng hồ. Mình chơi games và lướt web khá nhiều. Ở những tác vụ nặng thì máy cũng không quá nóng, phần nóng nhất nằm ở đỉnh máy gần camera, chính vì thế nếu bạn cầm dọc máy thì cũng không chạm vào khu vực nóng, không bị khó chịu.

tinhte_lggpad-1.

Kết luận

Đã rất nhiều người vui mừng và chờ đợi để mua G Pad khi mà tin đồn trước đây máy sẽ được bán với giá vào khoảng 6 đến 7tr, tuy nhiên thực tế lại là 8tr, hơi vượt mức một chút. Cân đo đong đếm lại thì G Pad vẫn có nhiều điểm hơn Nexus 7 2013, vì thế lựa chọn này cũng sẽ không làm bạn thất vọng. Với G Pad bạn sẽ có màn hình to hơn, thiết kế đẹp hơn, chất lượng hoàn thiện tốt hơn, khe cắm thẻ nhớ mở rộng cùng với những tính năng kèm theo hấp dẫn.

Samsung - Gian nan con đường của người dẫn đầu

Samsung_nguoi_dan_dau.

Samsung hiện nay đang là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. Hãng nắm trong tay ngôi vị đầu bảng ở thị trường smartphone, là công ty bán được nhiều điện thoại Android nhất, và cũng là một trong những tên tuổi đầu tiên tham gia vào mảng thiết bị đeo được với đồng hồ Galaxy Gear. Thế nhưng, con đường trở thành một người dẫn đầu của Samsung vẫn còn đó rất nhiều khó khăn trắc trở, và tờ New York Times mới đây đã có một bài viết rất hay để phản ánh về việc này. Bài hơi dài, nhưng sau các bạn đọc xong sẽ hiểu hơn về Samsung, về cách hoạt động của tập đoàn khổng lồ này cũng như khó khăn mà hãng đang phải đối mặt và vượt qua để thật sự trở thành một công ty đi đầu trong làng hi-tech.

Bức thử gửi nhân viên

Lee Kun-hee, một trong những người đã xây dựng Samsung và biến nó thành một tập đoàn khổng lồ trị giá 288 tỉ USD, có một thông điệp gửi đến toàn thể nhân viên của mình trong năm nay: Bạn cần phải làm tốt hơn nữa. Samsung hiện đang chuyển hóa từ một hãng sản xuất đồ điện gia dụng hạng hai lên thành một tổ hợp công nghiệp kinh doanh gần như đủ tất cả các mảng của thị trường điện tử và đang cho hầu hết các đối thủ của mình “ngửi khói”. Sẽ không có những cái vỗ lưng tán thưởng với đội ngũ 470.000 người của Samsung, thay vào đó, Kun-hee lại gửi một bức thư thúc giục nhân viên của mình phải làm việc tốt hơn.

“Trong quá trình chúng ta tiến về phía trước, chúng ta phải chống lại sự đắc ý cũng như suy nghĩ rằng mình đã đủ tốt rồi, bởi những thứ đó sẽ ngăn cản chúng ta trở nên tốt hơn”, Lee viết. Là một người lãnh đạo cả công ty, ông nói với cấp dưới của mình rằng Samsung cần “bắt đầu lại lần nữa nhằm đạt được những mục tiêu và ý tưởng cao hơn”.

Hai thập kỉ trước, sau khi kế thừa lại Samsung từ cha của mình, Lee đã gặp những giám đốc dưới quyền và ra một mệnh lệnh tương tự nhau cho tất cả bọn họ, một nhiệm vụ mà ngày nay đã ăn sâu vào từng nhân viên Samsung: “Hãy thay đổi tất cả mọi thứ, trừ vợ và con của bạn”.

Thông điệp này thật sự rất hiệu quả. Doanh thu của Samsung hiện nay đã bằng 1/4 tổng giá trị sản phẩm của nền kinh tế Hàn Quốc. Samsung Electronics, bộ phận đầu tàu của tập đoàn, thu về số tiền lên đến 190 tỉ USD chỉ trong năm ngoái, bằng với doanh thu của Microsoft, Google, Amazon và Facebook cộng lại.

Cũng trong năm 2012, Samsung đã giao được 215 triệu smartphone đến tay khách hàng cũng như các kênh phân phối của mình, bằng khoảng 40% doanh số smartphone toàn cầu. Đến năm nay, các công ty phân tích dự báo rằng con số này sẽ tăng thành 350 triệu máy, tức tăng vọt 62%. Interbrand, một công ty tư vấn marketing, xếp Samsung vào hạng thứ 8 trong số những công ty có giá trị nhất thế giới, và điều đó giúp Lee trở thành một trong những người đàn ông giàu có nhất hiện nay.

Như đã nói ở trên, ngày nay thế mạnh của Samsung là đồ điện tử: hãng có sản xuất chip, tấm nền màn hình, pin cùng hàng loạt linh kiện khác, sau đó lắp ghép thành smartphone, tablet và nhiều thiết bị của riêng mình, sau đó cũng do chính hãng đem đi bán hàng. Kiểu “tích hợp theo chiều dọc” (vertical integration) như thế này đã quá lỗi thời ở phương Tây. Trong khi đó, Apple thì chỉ thiết kế phần cứng và phần mềm, sau đó đi mua đồ từ những công ty khác, trong đó có cả Samsung. Hãng thậm chí còn đi thuê ngoài để sản xuất iPhone, iPod, iPad nhằm giảm gánh nặng về chi phí cũng như nguồn nhân công.

Nhiều năm trước, Lee nói với các lãnh đạo của Samsung rằng họ nên xem việc tích hợp theo chiều dọc của công ty là một lợi thế cạnh tranh, không phải một gánh nặng. Và thật sự là như thế, đến bây giờ nó vẫn giúp Samsung rất nhiều. Theo lời Chetan Sharma, một nhà phân tích chuyên tư vấn cho các nhà mạng di động, thì “Tôi không nghĩ là người ta có thể nhận ra rằng Samsung là một cỗ máy hiệu quả như thế nào khi nói đến việc họ có thể nhanh chóng thay đổi các sản phẩm của mình để đáp ứng lại sự thay đổi trên thị trường”.

Vậy tại sao lại có bức email như đã nói ở đầu bài? Điều gì khiến Lee Kun-hee lo lắng đến mức soạn thư và gửi cho nhân viên của mình để thúc giục họ làm tốt hơn?

Một người bắt chước

Lee lo lắng về thứ được gọi là “vấn đề của một người bắt chước” (nguyên văn: fast-follower problem). Samsung là một cỗ máy vận hành trơn tru: nếu hãng nhận ra một xu hướng có tiềm năng và quyết định sẽ theo đuổi nó, Samsung có thể chi nhiều tiền hơn bất kì công ty nào khác để đi nhanh hơn và dẫn đầu. Nhờ cấu trúc tích hợp theo chiều dọc mà Samsung có thể nhanh chóng xóa đi các đối thủ cạnh tranh. Samsung rất giỏi trong việc sử dụng lợi thế của mình để vươn lên ở những thị trường mà trước đó hãng không phải là một công ty có thị phần lớn.

[IMG]
Bỗng nhiên, Samsung trở thành một người dẫn đầu, thậm chí còn có cả nhiệm vụ tạo ra xu hướng mới nữa. Điều này đã gây ra một vấn đề: theo lời Chang Sea-jin, tác giả cuốn sách viết về những chuyện nội bộ giữa Sony và Samsung*, thì “bạn đã lên đến đỉnh núi và nhìn xem nên tiếp tục đi đâu - đây là một thứ mới đối với Samsung. Trong quá khứ, họ không cần chiến lược bởi họ luôn có sẵn một ai đó để nhìn vào đó và làm theo”.

*Tiêu đề đầy đủ của sách là “Sony vs. Samsung: The Inside Story of the Electronics Giants’ Battle for Global Supremacy.”

Smartphone đã và đang là một động lực chính cho sự tăng trưởng của Samsung trong những năm gần đây, và tất nhiên điều đó thôi thúc Lee hướng dẫn “hạm đội” của mình đấu tranh với những “ông trùm” khác trong cùng lĩnh vực: Motorola, Ericsson, HTC, Nokia, BlackBerry...

Bên cạnh đó, các công ty mới nổi từ Trung Quốc cũng đang giành đất trên thị trường smartphone bằng những thiết bị rẻ hơn cả trăm đô la so với các máy Galaxy S của Samsung hay iPhone của Apple, trong khi vẫn có những tính năng tương đương. Và một trong những thương hiệu Trung Quốc đó là Xiaomi. Mới đây Xiaomi đã thuê cựu phó giám đốc Hugo Barra của Google về làm cho mình trong nỗ lực mở rộng việc kinh doanh ra thị trường quốc tế.

Chính vì những nguyên nhân nói trên mà Lee thúc giục công ty của mình suy nghĩ theo hướng táo bạo hơn. Việc phát triển các sản phẩm mới không là chưa đủ, Samsung muốn tạo ra những thiết bị có thể định nghĩa cho cả những thể loại máy móc mới. Hãng cũng muốn xây dựng nên một bộ các phần mềm nhằm giúp những thiết bị này có khả năng hoạt động tốt, một điều trước đây thường chuyển cho các công ty khác làm.

Phần lớn những công việc đó được diễn ra tại “Thành phố Kĩ thuật số”, nơi Samsung Electronics đóng trụ sở chính và thuộc địa phận của khu vực Suwon, cách khoảng 25km về phía Nam của thủ đô Seoul. Trụ sở này có kích thước bằng 320 sân bóng với sức chứa 40.000 nhân viên, chưa kể đến bãi đậu xe lớn nhất ở Châu Á. Bên trong bức tường của khu vực này là những bí mật được canh cẩn rất kĩ của Samsung, ngoài ra còn một tòa nhà 27 tầng mới được xây dựng tên là R5. Đây chính là nơi mà nhóm nghiên cứu và phát triển của bộ phận di động làm việc.

Vài tháng trước, trong một phòng hội thảo của R5, Lee Young-hee, trưởng nhóm marketing của bộ phận di động, đã trình diễn một số sản phẩm mới của hãng với tờ New York Times, trong đó có cả phiên bản Galaxy Note mới lẫn chiếc smartwatch Galaxy Gear. Việc này diễn ra trước khi những thiết bị này được công bố chính thức, nhưng trọng tâm của buổi hội thảo lại nằm ở “chiến lược bao quát” của Samsung. “Chúng tôi muốn tạo ra một xu hướng mới”, Lee nói, “Nếu bạn đeo Galaxy Gear, nó là một thứ thật tuyệt đới với những người trẻ tuổi”.

Bà Lee là một trong những nhân tố quan trọng giúp thay đổi danh tiếng của Samsung. “Chúng tôi sẽ làm cho tất cả những người nổi tiếng, những nhân vật quan trọng đeo nó (Galaxy Gear). Nếu bạn không đeo Gear, bạn sẽ trở nên lỗi thời”.

Thế nhưng, trước khi Samsung có thể lên nắm vai trò tiên phong hay lãnh đạo thì hãng sẽ phải làm cách nào đó để trút bỏ được “cái tiếng” là một kẻ đi theo sau người khác. Nhiều quan chức Samsung tỏ ra tức giận khi sản phẩm của họ bị nói là một thứ bắt chước, nhưng một số khác vẫn đồng ý rằng Samsung đang đi theo Apple trong lĩnh vực smartphone.

Những vụ án, kiện tụng càng làm tăng thêm “cái tiếng này”. Apple đã thành công trong việc nói Samsung đi sao chép nhiều bằng sáng chế của mình bằng chiến thắng tại phiên tòa ở California, và giờ thì Samsung phải chi cho Apple khoảng 900 triệu USD tiền đền bù. Cả hai công ty cũng đang chuẩn bị tham gia một vụ án khác trong năm sau, với những sản phẩm và bản quyền mới.

Người đề ra xu hướng

Những thiết bị như Galaxy Gear giúp Samsung trở thành một công ty đề ra xu hướng (trendsetter), không phải một kẻ đi theo người khác (follower). Apple đã phát triển nên nhiều thiết bị đeo được, và hãng thậm chí còn đăng kí cả thương hiệu iWatch nữa. Nhưng vấn đề là Apple vẫn chưa ra mắt sản phẩm này, còn Samsung thì, với Galaxy Gear, đã chiến thắng Apple. J.K Shin, trưởng nhóm di động của Samsung, nói rằng Gear giúp “thu hẹp khoảng cách giữ mobile device với thời trang để tạo ra một công nghệ thật sự có thể đeo được lên người”.

[IMG]

Nhưng bản thân Samsung cũng phát hiện ra rằng việc trở thành một trendsetter không phải là chuyện dễ dàng. Công ty phải đổ rất nhiều nguồn lực của mình vào Gear, tạo ra những chiến dịch marketing khổng lồ, những mẫu quảng cáo hấp dẫn. Những đoạn clip quảng cáo này được khen nhiều, nhưng không may, bản thân chiếc Gear bị giới công nghệ phê bình vì thiết kế và phần mềm chưa tốt. Một số người tiêu cực hơn thì còn nghi ngờ rằng vì sao một sản phẩm như thế này lại ra đời.

Doanh số của Gear thì tốt hơn. Samsung nói họ đã giao được 800.000 chiếc đồng hồ thông minh này trong vòng hai tháng sau khi thiết bị lên kệ, nhiều hơn những gì hãng đã kì vọng. Tuy nhiên, bao nhiêu chiếc thật sự được bán ra đến tay người dùng thì chúng ta không rõ mặc dù nhiều nhà phân tích đã nói Gear là chiếc smartwatch bán chạy nhất hiện nay. Không chỉ với Gear mà Samsung còn gặp khó khăn với những sản phẩm mới khác, ví dụ như TV OLED màn hình cong chẳng hạn, bởi giá bán quá cao trong khi nhu cầu không nhiều, nếu không muốn nói là cực kì hạn chế. Theo lời Ross Rubin, một nhà phân tích về điện tử tiêu dùng của công ty Reticle Research, thì Samsung “chắc chắn gây được ấn tượng tốt từ góc nhìn về công nghệ, và họ thậm chí có thể dẫn đầu về mặt này, nhưng dường họ chỉ cường điệu hóa các sản phẩm của mình nhằm đưa tên tuổi của mình lên cao trong làng công nghệ.”

Những khó khăn nói trên, cộng với việc phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường smartphone, đã làm các nhà đầu tư của Samsung thất vọng Cổ phiếu của hãng đã giảm tròng mùa hè này trước khi tăng trở lại. Trong một động thái nhằm trấn an các cổ đông, Samsung nói với họ trong một buổi họp tại Seoul rằng hãng sẽ tăng lượng trả cổ tức để các nhà đầu tư nhận được nhiều tiền hơn. Đáng tiếc rằng cổ phiếu Samsung lại thêm một lần nữa giảm sút bởi các nhà đầu tư đã hi vọng Samsung sẽ chi nhiều hơn như thế.

Sự lệ thuộc vào Android

Các nhà phân tích công nghệ và người dùng thường hay so sánh Samsung với Apple. Tuy nhiên, một cái tên cũng rất đáng được nhắc đến, đó chính là Google. Hiện nay hầu hết điện thoại của Samsung đều chạy Android, OS do Google phát triển. Họ đã cùng nhau chiếm lấy thị trường smartphone toàn cầu từ tay Apple. Theo số liệu từ IDC, trong quý 3 năm nay, Android có mặt trên 81% số điện thoại di động được giao, trong khi iOS chỉ chiếm 12,9% và Windows Phone nắm tỉ trọng 3,6%. Horace Dediu, một nhà phân tích độc lập tại Phần Lan, nhận xét rằng “Google đã tạo ra một sản phẩm có khả năng giúp Samsung kiếm được nhiều tiền hơn cả Google”.

Android vẫn còn tỏ ra rất hiệu quả với Samsung tính đến thời điểm hiện tại, nhưng điểm yếu của chiến lược này đó là Samsung phải phụ thuộc nhiều vào hệ sinh thái của Google. Trên con đường lên đỉnh vinh quang ở thế giới smartphone, Samsung đã phải hi sinh đi sự kiểm soát đối với vận mệnh mobile của chính mình.

Theo thời gian, phần cứng của smartphone càng ngày càng giống nhau - màn hình cảm ứng lớn phủ kính, camera đẹp, một vài cái nút… Chính ví thế mà hệ điều hành, ứng dụng, dịch vụ - những thứ thuộc về phần mềm, cùng với các yếu tố như thiết kế và trải nghiệm người dùng, sẽ là những thứ thật sự giúp các sản phẩm trở nên khác biệt trên thị trường. “Khi một ai đó mua điện thoại của chúng tôi, chúng tôi muốn họ cảm thích thú với trải nghiệm chung của toàn bộ máy”, theo lời Hong Won-pyo, chủ tịch của Media Solution Center, một nhánh chuyên về nội dung và dịch vụ của Samsung. “Kết hợp với sự sáng tạo xuất sắc về phần cứng cũng như cách tân trong phần mềm, khi bạn kết hợp chúng một cách phù hợp, thì giá trị (của smartphone) sẽ được tối đa hóa và khi đó người tiêu dùng sẽ trân trọng sản phẩm của chúng tôi hơn”.

Đối thủ lớn nhất của Samsung - Apple - đã thành công nhờ sự kết hợp cực kì tốt giữa phần cứng và phần mềm. Khi một người dùng đã gia nhập vào hệ sinh thái của Apple, thật khó để họ có thể rời đi và chuyển sang một hệ sinh thái khác. Việc bỏ iPhone và chuyển sang xài điện thoại Android khiến người dùng không còn được truy cập vào các phần mềm độc quyền của Apple, ví dụ như dịch vụ nhắn tin iMessage, kho nhạc iTunes, dịch vụ gọi điện FaceTime, ngoài ra còn có hàng đống app bên thứ ba được viết chỉ riêng cho iPhone. Điều này giúp Apple có được một lợi thế cạnh tranh gọi là “lock-in” (tạm dịch: khóa cứng lại), và thật không may, đây là thứ mà Samsung không sở hữu. Một người xài điện thoại Samsung vẫn có thể dễ dàng và nhanh chóng chuyển sang smartphone của HTC, LG, Motorola, Sony mà vẫn có được nhiều tính năng tương đương.

[IMG]

Chính vì thế, trong nhiều năm qua, Samsung đã có những nỗ lực nghiên cứu hệ điều hành di động cho riêng mình. Hồi năm ngoái, Samsung đã cùng chung tay với Intel và nhiều hãng công nghệ khác phát triển Tizen. Hãng được kì vọng là sẽ ra mắt điện thoại chạy Tizen trong khoảng đầu năm sau.

Khi Samsung tham gia vào dự án này, nhiều nghi vấn đã được đặt ra là liệu Tizen có giúp hãng rời xa khỏi Google hay không. Khi đó, Samsung đáp lại rằng hãng chỉ muốn cung cấp cho người tiêu dùng nhiều thiết bị thay thế mà thôi. Thật ra chuyện này là đúng, ít nhất là trong ngắn hạn. Theo một cựu nhân viên Samsung, người yêu cầu giấu tên: “Tôi không nghĩ là họ có thể thống trị thị trường OS dành cho smartphone trong tương lai gần. Tuy nhiên, đây là một bước đi quan trọng mà công ty cần phải thực hiện ngay lúc này. Nếu Samsung muốn một câu chuyện thành công mới, họ sẽ phải tập trung vào mảng phần mềm cho các thiết bị của mình”.

Tiến vào thung lũng Silicon

Một trong những người đứng sau mảng phần mềm của Samsung là David Eun, phó chủ tịch cấp cao từng làm việc cho AOL cũng như Google. Sau khi ông về đầu quân cho Samsung từ năm 2011, Eun đã đề xuất rằng một số quan chức Samsung nên đáp máy bay đến Thung lũng Silicon để ghé thăm một số công ty tại đây. “Tôi muốn làm điều này để họ (các quan chức) hiểu rằng điều gì đã khiến người ta ở lại với Thung lũng Silicon”. Chuyến đi đã giúp ban lãnh đạo công ty sáng ra, thế là Samsung quyết định rằng hãng cần phải tăng sự hiện diện của mình tại nơi này nếu muốn thật sự cạnh tranh tốt trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ Internet.

Một thời gian ngắn sau đó, Lee Kun-hee quyết định sẽ mang “văn hóa Samsung” đến với Thung lũng Silicon. Hồi tháng 2 năm nau, Samsung tuyên bố họ sẽ mở cửa trung tâm Open Innovation Center với các văn phòng ở Hàn Quốc, Thung lũng Silicon (California) cũng như New York. Trong những văn phòng này, nhân viên của Samsung sẽ tìm kiếm những công ty khởi nghiệp để đầu tư vào, để mua lại hoặc để hợp tác với nhau. Đến tháng 7, Samsung mua lại Boxee, một công ty nhỏ chuyên sản xuất các hộp set-top box cũng như phần mềm giải trí. Hãng cũng bắt tay cùng Flipboard, một công ty cung cấp ứng dụng đọc báo cho nhiều nền tảng. Tất cả đều xuất phát từ Open Innovation Center. Giờ đây Flipboard đã có mặt sẵn trên tất cả các smartphone cao cấp của Samsung.

Samsung-Campus-NBBJ-6.
Bản phối cảnh trụ sở Samsung ở Silicon Valley

Eun cũng có chạy một chương trình gọi là “Samsung Accelerator” (tạm dịch: tăng tốc với Samsung), được mở cửa lần đầu tiên vào tháng 7 ở Mỹ. Trong chương trình này, Samsung sẽ đóng vai trò như một nhà đầu tư và hãng sẽ đổ tiền cho các công ty khởi nghiệm có đăng kí tham gia, đối xử với nhân viên của những công ty nhỏ này như là nhân viên của chính Samsung, với đầy đủ các quyền lợi, hỗ trợ về mặt pháp lý. Thậm chí các start-up còn được quyền truy cập vào những lộ trình bí mật của Samsung nữa. Đổi lại, các công ty nhỏ sẽ phải sản xuất sản phẩm của mình dành riêng cho Samsung.

Việc hãng tiến đến Thung lũng Silicon cũng như chương trình Samsung Accelerator gợi ý rằng Samsung rất nghiêm túc trong việc củng cố sự sáng tạo cũng như tinh thần hợp tác trong việc phát triển phần mềm. Hãng cũng muốn đi theo những nơi mà đầu óc sáng tạo của mọi người có thể nghĩ tới. Tuy nhiên, những quyết định lớn nhất thì vẫn được đưa ra ở Suwon hoặc Seoul, nơi mà hàng loạt các công ty thuộc tập đoàn Samsung đóng đô. “Đây vẫn là một công ty rất Hàn Quốc, với lối suy nghĩ cũng theo hướng Hàn Quốc, theo lời Chang, tác giả quyển Sony vs. Samsung. Theo lời ông thì “tất cả đều xoay quanh tốc độ, mức độ hiệu quả và giảm chi phí sản xuất, không có gì liên quan đến sự sáng tạo cả”.

Thật trùng hợp, quá trình cách tân của Samsung lại diễn ra cùng lúc với chiến lược khuyến khích sự sáng tạo của tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Trong kì tranh cử năm ngoái, bà hứa sẽ mang “sự dân chủ hóa về kinh tế” cho Hàn Quốc. Đây cũng là một điều dễ hiểu khi mà 30 chaebol, tức những tổ hợp công nghiệp khổng lồ lâu đời, chiếm đến hơn 80% giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2010, theo số liệu từ Bộ công nghiệp nước này. Tất cả họ, những công ty như Hyundai và LG, đã dần khẳng định vị thế của mình theo thời gian, và Samsung là hãng lớn nhất trong số đó.

Các chaebol như Samsung được khuyến khích phát triển vào những năm 1960 - 1970 dưới thời Park Chung-hee, cha của bà Park Geun-hye. Trong nỗ lực nhằm mang lại sự phát triển kinh tế cho Hàn Quốc sau chiến tranh, chính phủ thời bấy giờ đã cung cấp các khoan vay với lãi suất thấp và dành nhiều chính sách ưu tiên cho chaebol. Và trong thời kì khủng hoảng tài chính năm 1997, Hàn Quốc đã trở thành một trong những con hổ của Châu Á.

Việc nới lỏng các chaebol cũng như những gia đình đầy quyền lực đứng sau nó là chuyện không dễ dàng tí nào. Kể từ năm 1987 tới nay, Lee Kun-hee đã thay cha mình làm chủ tịch của Samsung. Trong thời gian tới, Lee Kun-hee được kì vọng sẽ nhường lại chiếc ghế này cho con trai ông là Lee Jae-yong, người hiện đang giữ vị trí phó chủ tịch Samsung Electronics.

Tính đến thời điểm hiện tại, cách hoạt động của một chaebol theo kiểu cha truyền con nối đã giúp Samsung thành công bằng cách đưa suy nghĩ về kỉ luật vào trong từng nhân viên của mình. Điều còn lại mà chúng ta cần chờ xem đó là liệu chính cách hoạt động như thế có gây cảnh trở cho sự phát triển của Samsung hay không. Trong bức thư hồi tháng 6, Lee đã từng nói: “Chúng ta phải tạo nên một môi trường có tính cởi mở cao độ, nơi mà sự tự giác và tinh thần sáng tạo là trung tâm”.Chúng ta hãy cùng đợi xem Samsung sẽ kinh doanh như thế nào trong những năm sắp tới, và liệu hãng có tiếp tục duy trì được thành công của mình hay không.



Tàu IRIS của NASA phát hiện lớp vật chất mờ chưa từng được quan sát trên Mặt Trời

solar.

IRIS (Interface Region Imaging Spectrograh) là vệ tinh thăm dò không gian được NASA phóng lên quỹ đạo hồi tháng 6 năm nay. Nhiệm vụ của IRIS là nghiên cứu về các điều kiện vật lý của quyển sắc Mặt Trời. Sau gần 6 tháng bay trên quỹ đạo, mới đây IRIS đã gởi về một loạt hình ảnh về một lớp vật chất mờ ảo chưa từng được quan sát trước đây trên bề mặt ngôi sao của chúng ta.

Theo các nhà khoa học, phát hiện của IRIS có thể làm sáng tỏ một số bí mật về Mặt Trời, chẳng hạn như sự tăng vọt về nhiệt độ từ ~ 55378 độ C tại bề mặt đến 999.982 độ C tại vành nhật hoa.

Mỗi giây trên quỹ đạo, IRIS sẽ ghi lại hình ảnh phân giải cao với phạm vi bao phủ tối thiểu đến 150 dặm. Con tàu cũng được trang bị máy đi quang phổ để phân tích ánh sáng Mặt Trời, chia ánh sáng thành nhiều bước sóng để đo đạt sự biến đổi về nhiệt độ, mật độ và tốc độ. Các siêu máy tính dưới mặt đất sẽ hỗ trợ kiểm tra và so sánh dữ liệu này với các mô hình hiện tại của Mặt Trời.


Bart De Pontieu, nhà khoa học dẫn đầu chương trình IRIS tại Lockheed Marktin cho biết: "Chúng tôi đã nhìn thấy những hình ảnh giàu chi tiết và không thể ngờ tới về hoạt động dữ dội của Mặt Trời. Khí được phóng thích ra khỏi bề mặt ở vận tốc, gia tốc rất cao trong khi nhiệt độ đột ngột tăng lên hàng trăm nghìn độ. Hoạt động quan sát và dữ liệu từ IRIS đã đặt ra những thử thách quan trong đối với các mô hình học thuyết hiện tại."

De Pontieu đang tập trung vào dữ liệu thu được từ IRIS dựa trên 2 đặc tính của Mặt Trời là tai lửa (prominence) và ống khí (spicule).

Tai lửa là những đợt phun trào bức xạ cường độ mạnh, kéo dài từ nhiều phút đến nhiều giờ trên bề mặt Mặt Trời. Chúng lạnh hơn, độ sáng thấp hơn so với bề mặt và hình dạng giống như những chiếc vòng khổng lồ. Sự bùng nổ của tai lửa thường dẫn đến những cơn bão Mặt Trời. Theo các nhà khoa học, dữ liệu từ IRIS đã tiết lộ những dòng vật chất với cấu trúc tinh vi và năng động đã quét qua các tai lửa.

Trong khi đó, ống khí là những vòi khí được bắn ra từ bề mặt Mặt Trời ở tốc độ trên 240 nghìn km/h và có thể đóng vai trò làm nóng vành nhật hoa. Nhờ dữ liệu từ IRIS, lần đầu tiên các nhà khoa học có thể quan sát sự tiến triển của các ống khí.

"Chúng tôi đã nhận ra sự thiếu nhất quán giữa hoạt động quan sát từ IRIS và các mô hình hiện có. Đây sẽ là những thông tin cần thiết để nâng cao kiến thức về Mặt Trời. Với việc quan sát một thứ gì đó mà chúng tôi chưa hiểu, chúng tôi có cơ hội để học được một thứ gì đó mới mẻ hơn," Mats Carlsson - một nhà thiên văn đến từ đại học Oslo, Na Uy cho biết.

IRIS là một phần của chương trình Small Explorer của NASA - đây là một nổ lực gây quỹ cho các sứ mạng với chi phí dưới 120 triệu USD. IRIS được phát triển bởi Lockheed Martin, nặng chỉ 181 kg, kích thước 2,1 x 3,6 m và sử dụng nguồn năng lượng vận hành từ các tấm pin mặt trời. Hệ thống IRIS bao gồm tàu thăm dò và máy đo quang phổ do phòng thí nghiệm Mặt Trời và vật lý học thiên thể Lockheed Martin (LMSAL) chế tạo. Ngoài ra, IRIS còn được trang bị một kính thiên văn do viện vật lý học thiên thể Smithsonian phát triển.


Một kĩ sư phần mềm quan trọng của Microsoft Bing Maps và Photosynth chuyển sang làm cho Google

Blaise_Aguera_y_Arcas.

Kĩ sư Blaise Agüera y Arcas của Microsoft mới đây đã chuyển sang làm cho Google. Arcas đã về làm việc cho Microsoft từ năm 2006 sau khi công ty khởi nghiệp Seadragon của ông được hãng mua lại vào năm 2006. Ông là một trong những kiến trúc sư phần mềm quan trọng đã giúp xây dựng nên dịch vụ Bing Maps cũng như phần mềm dựng ảnh ba chiều Photosynth. Theo tờ New York Times, Arcas sẽ làm việc cho bộ phận machine learning của Google (một nhánh của trí tuệ nhân tạo, nó liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng những hệ thống có khả năng học hỏi từ các dữ liệu đầu vào). Đây cũng là một vấn đề mà các nhóm nghiên cứu của Microsoft rất quan tâm trong thời gian gần đây.

Agüera y Arcas mô tả việc rời Microsoft là "quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời". 8 năm làm việc cho công ty phần mềm này là "quãng thời gian tuyệt vời được đong đầy bởi sự sáng tạo, phát triển và những người bạn tốt. Thật buồn khi phải để lại phía sau rất nhiều dự án tuyệt vời còn đang dở dang, và thậm chí còn buồn hơn vì tôi phải rời khỏi một nhóm những người đồng nghiệp tuyệt vời như thế".

Việc Agüera y Arcas chuyển chỗ làm có nghĩa là Microsoft đã mất đi một trụ cột quan trọng trong chiến lược chuyển hóa thành một công ty chuyên về "thiết bị và dịch vụ". Đây là kế hoạch mà Microsoft đang theo đuổi trong khoảng 2 năm trở lại đây. Một người phát ngôn của Microsoft nói rằng "Agüera y Arcas là một đồng nghiệp tốt và công ty chúc cho anh tất cả mọi điều tốt đẹp nhất trong sự nghiệp của mình".

Thật sự mà nói thì không nhiều kĩ sư cao cấp của Microsoft chuyển sang làm cho Google. Trước đây Microsoft từng kiện Google sau khi hãng tìm kiếm này thuê lại cựu phó chủ tịch Kai-Fu Lee vì lo ngại các vấn đề cạnh tranh. Mark Lucovsky, một cựu nhân viên Microsoft, thì mô tả trong một hồ sơ nộp lên tòa rằng CEO Steve Ballmer đã ném một chiếc ghế sau khi anh thông báo về việc chuyển qua làm cho Google. Microsoft mới đây cũng chạy một chiến dịch quảng cáo, thậm chí hãng còn bán một số vật phẩm, nhằm chê bai các chính sách và dịch vụ của Google.