Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Audi công bố hình ảnh chính thức đầu tiên về TT 2015

New-Audi-TT-003.
Ngay trước thềm triển lãm ô tô Geneva 2014, Audi đã hé lộ hình ảnh chính thức đầu tiên về chiếc coupe thể thao TT phiên bản 2015. Mặc dù tấm hình này không thật sự rõ nét thế nhưng chúng ta có thể thấy được phần nào thiết kế của TT 2015. Theo đó, TT 2015 sở hữu phong cách thiết kế thể thao với những đường gờ sắc nét, cụm đèn hậu công nghệ LED và phần mái xe vuốt ra phía sau rất mềm mại. Trước đó, tại CES 2014 thì những hình ảnh về nội thất xe cũng xuất hiện cho thấy TT 2015 không có cụm đồng hồ truyền thống mà thay vào đó là một màn hình kỹ thuật số kích thước lớn.


Nguồn: Carscoops

Rò rỉ hình ảnh của Samsung Chromebook 2: Mặt lưng được phủ lớp giả da như Note 3?

Screen Shot 2014-03-03 at 3.43.44 AM.

Hình ảnh rò rỉ mới nhất từ @evleaks cho thấy chiếc Chromebook kế tiếp của Samsung sẽ mang âm hưởng thiết kế từ chiếc Galaxy Note 3 hiện nay. Cụ thể hơn, Chromebook 2 từ Samsung nhiều khả năng sẽ có phần lưng được phủ một lớp giả da - tương tự như mặt sau của Note 3. Mặt trên của lớp da này, Samsung vẫn khắc tên của hãng cùng với đó là logo Chrome, không rõ là chất liệu thật sự mà Samsung áp dụng cho chiếc Chromebook của họ là gì, có thể sẽ là nhựa. Rõ ràng, việc áp dụng lớp da lên laptop là một điều rất hiếm, nhiều người cho biết ý định của Samsung trong việc mang da lên Chromebook là để chống phần nào va đập, cùng với đó là giúp nó trông đồng bộ với chiếc Note 3.

Chưa có thông tin về ngày ra mắt của chiếc Samsung Chromebook 2 này.


Mazda3 đạt sản lượng 4 triệu chiếc kể từ khi ra mắt

mazda3_2014.
Mazda vừa chính thức thông báo rằng chiếc compact Mazda3 của hãng đã đạt sản lượng 4 triệu chiếc kể từ khi ra mắt vào năm 2004. Đây là một con số đáng ngạc nhiên bởi kể từ khi ra đời đến nay, Mazda3 mới trải qua quãng thời gian là 10 năm 7 tháng. Điều này chứng tỏ sự thành công mà dòng xe này mang đến cho Mazda bởi với quãng thời gian hơn 10 năm, không nhiều mẫu xe có thể đạt được cột mốc 4 triệu xe được sản xuất.

Được giới thiệu lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 2004 để thay thế cho người tiền nhiệm 323, Mazda3 hiện đã bước sang thế hệ thứ 3 với ngôn ngữ thiết kế KODO - Soul of Motion bắt mắt. Cùng với đó là công nghệ SkyActiv tiên tiến giúp xe vận hành ưu việt hơn rất nhiều so với những thế hệ trước. Hai biến thể chủ yếu mà nhà sản xuất áp dụng cho Mazda3 là sedan bốn cửa và hatchback 5 cửa. Ngoài ra, Mazda còn phát triển một phiên bản sử dụng động cơ lai (Hybrid) hứa hẹn mang đến hiệu suất vận hành vượt trội.

Nguồn: Autoevolution

Hai quan chức cấp cao của Microsoft chuẩn bị rời công ty theo sau việc thay đổi CEO?

Tami_Reller_Tony_Bates.
Tony Bates (phải) và Tami Reller (trái)

Theo trang tin Re/code, nội bộ Microsoft lại tiếp tục có sự thay đổi về nhân sự sau khi Satya Nadella chính thức lên làm CEO của công ty. Nguồn tin cho biết Tony Bates, phó chủ tịch điều hành việc phát triển kinh doanh, cùng với Tami Reller, trưởng nhóm marketing cho Microsoft, hiện đang chuẩn bị rời công ty. Việc ra đi của hai vị này dự kiến sẽ được Microsoft thông báo vào thứ Ba tuần này theo giờ Mỹ. Trong số hai người nói trên thì Bates, trước đây là cựu CEO của Skype, từng được cho là đã ở trong danh sách ứng cử viên rút gọn cho vị trí CEO của Microsoft, nhưng cuối cùng thì Nadella lại được công ty tiến cử.

Re/code nói thêm rằng Eric Rudder, hiện đang là phó chủ tịch về chiến lược cao cấp, sẽ được đưa lên thay thế tạm thời cho Bates trong quá trình Microsoft tìm kiếm một người thích hợp để lấp vào chỗ trống này. Trong khi đó, một quan chức marketing khác là Chris Capossela sẽ lên thay cho bà Reller.

Cũng trong dịp này, Mark Penn, người đứng sau chiến dịch phản đối Google do Microsoft tổ chức, sẽ được chuyển sang làm phó chủ tịch điều hành kiêm giám đốc chiến lược. Trước đây Penn vừa lo về chiến lược và vừa phải lo về mảng quảng cáo, còn bây giờ thì vai trò quảng cáo của ông sẽ được giao cho Chris Capossela. Nguồn tin nói Penn sẽ khám phá "các lĩnh vực sản phẩm mới và việc đầu tư chiến lược" và nằm trong dàn quan chức cấp cao có trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho Nadella.

Việc thay đổi bộ máy điều hành là một điều thường thấy ở các công ty sau khi một người mới lên giữ chức CEO. Recode nói rằng việc ra đi của Tami Reller không phải là điều đã được dự đoán trước khi mà bà, cùng với cựu CEO Steve Ballmer, là những người theo phong cách cổ điển và không hợp khi làm việc với Penn. Về phần Tony Bates thì ông đã từng nói với Nadella rằng ông không thể tiếp tục cống hiến trong thời gian dài cho Microsoft. Hiện chưa rõ hai người này sẽ chuyển đến công ty mới nào.

Nguồn: Re/code

Google Glass được cập nhật Android 4.4, có thể không còn cập nhật theo tháng

google-glass-prescription-frame.

Mắt kính thông minh Google Glass vừa được cập nhật lên phiên bản Android 4.4 KitKat mới nhất, đây là bản cập nhật phần mềm lớn nhất từ trước đến nay của nó và trong tương lai có thể sẽ không còn kiểu cập nhật phần mềm thường xuyên theo tháng, một nhân viên của Google cho biết. Bản cập nhật mang lại nhiều tính năng mới bao gồm Bluetooth 4.0, OpenGL ES 3.0, bảo mật tốt hơn, thêm một số tính năng tiết kiệm pin, tăng hiệu năng, tốc độ xử lý và nhiều thứ linh tinh khác.

Kể từ khi Google tung ra chương trình Explorer dành cho các đối tượng được thử nghiệm Google Glass cách đây chưa đầy 1 năm, hãng đã đều đặn tung ra tổng cộng 8 bản cập nhật khác nhau nhưng theo nhận định của trang VentureBeat thì chiếc kính Google Glass đã và đang tiến rất gần đến giai đoạn hoàn chỉnh và sẵn sàng để tiếp cận với người tiêu dùng bình thường, do đó việc giảm số lượng nhưng tăng chất lượng của các bản cập nhật là điều hết sức cần thiết.


Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Galaxy F series, câu chuyện về chiến lược xuất sắc của Samsung và lý do Galaxy S5 không như mong đợi

Samsung Mobile từng không được đánh giá cao về mặt chiến lược, có cảm giác như họ vung tiền quá bừa bãi khắp nơi, phủ mọi kênh truyền thông có thể với nguồn lực gần như không giới hạn mà không có một mục tiêu thật sự rõ ràng .Thế nhưng đó lại là một phần trong chiến lược rất thâm sâu khác của hãng: xây dựng một S series cao cấp, ngang bằng với các đối thủ khác như Z series của Sony, One của HTC, G của LG để rồi tự tay đạp đổ S series bằng F series xuất sắc hơn. Trong 4 năm qua, Samsung đã thành công trong việc đóng đinh vào tâm trí người dùng: S series là sản phẩm cao cấp nhất, ngang bằng hoặc hơn One, Z & G. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ đẩy thêm được dòng F còn mạnh mẽ hơn cả S? Khi đó, F sẽ không có đối trọng trên thị trường, ít nhất là về mặt hình ảnh. Z2, G3 hay the new HTC One nghiễm nhiên trở thành sản phẩm hạng 2.

s5-promo.
Ảnh mang tính minh họa
Tóm tắt:
  • Samsung sẽ thành công trong việc hạ sản phẩm flagship của các đối thủ xuống một bậc.
  • Chiến lược này có lẽ mới chỉ được hình thành sau thất bại của S4.
  • iPhone vẫn sẽ không ảnh hưởng bởi F series, ít nhất về mặt hình ảnh.
  • Có thể F-series sẽ không thật sự thống lĩnh nếu Sony và LG phản ứng đủ nhanh.
  • F-series tiếp tục thể hiện rõ cố gắng nâng thương hiệu Samsung thành hơi cao cấp như Sony từng làm được trong quá khứ.
Lưu ý:
  • Bài viết này dựa trên giả định là F-series thật sự tồn tại (99% điều này là sự thật)
  • Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết.
Thành công của S3:
Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ thành công quá lớn của Galaxy S3. Chúng ta hãy nói về cả sản phẩm và chiến lược để thấy được thành công của chiếc điện thoại này:

Trước và khi tung ra S3, Samsung liên tục cải tiến sản phẩm của họ về mọi mặt, kể cả kiểu dáng lẫn tính năng. Họ cố gắng nhồi nhét càng nhiều tính năng càng tốt vào sản phẩm này mà không cần biết người dùng có sử dụng nó hay không. So với một LG 4X thừa sức mạnh nhưng “trí não kém phát triển”, One X không thật sự nổi trổi và Xperia S thua kém nhiều về cấu hình thì S3 nổi bật hơn hẳn về cả phần mềm và phần cứng. Nên nhớ từ S tới S3, thiết kế của dòng S thay đổi liên tục.

Xét về hình ảnh, S3 vẫn trung thành theo con đường mà S series đã đi trước đó, vẫn thuộc thương hiệu Galaxy S cao cấp được người dùng biết tới 2 năm qua. Ở phân khúc cao cấp này thì hình ảnh thương hiệu/sản phẩm có quyết định rất lớn đến việc mua hàng của người dùng. Nhìn sang Sony ở thời điểm 2011, ta có Xperia Arc, Xperia Arc S, HTC có Sensation, Sensation XL, LG có Optimus 2X, Optimus 3D, tất cả đều quá rối, không có tính kế thừa và không xây dựng được hình ảnh lâu dài như S series. Có thể nói Samsung đã học được bài học rất tốt từ Apple ở điểm này. Đến nay thì tất cả các hãng khác cũng đã biết cách xây dựng hình ảnh của họ đơn giản và dễ tiếp cận hơn: LG từ bỏ Optimus để thành LG G2 và sắp tới là G3 thuộc G-series, Sony thành Z-series và HTC là One series.

Screen Shot 2014-02-28 at 9.15.03 AM.
Rõ ràng là các hãng khác quá rối so với Samsung và Apple
S4 không rực rỡ và một S5 lỡ cỡ:
Xây dựng rất thành công thương hiệu S từ S1 lên S3 nhưng Samsung lại gặp vấn đề với S4. Hãy nhìn toàn cảnh hơn để thấy rõ được lý do tại sao S4 không thật sự thành công như Samsung mong đợi. S-series được xây dựng như một kẻ đột phá, liên tục đưa ra những cải thiến mạnh mẽ về thiết kế, phần cứng và phần mềm nhưng S4 lại không như thế. Khi S4 ra mắt thì cuộc đua phần cứng bắt đầu nhận được những chỉ trích khi không chứng tỏ được lợi ích lớn cho người tiêu dùng. Thiết kế cũng gặp bất lợi khi không khác biệt nhiều so với S3 và các tính năng vô thưởng vô phạt được bổ sung cũng chẳng gây được nhiều ấn tượng. Cả 3 mảng lớn mà Samsung dấy lên với cuộc cách mạng Galaxy S đều không đạt mục tiêu.

Lý do cho sự thiếu đột phá này cũng bắt nguồn từ S3, Samsung đã quá tự tin khi mà S3 thậm chí còn vượt mặt hơn iPhone 4S (S3 ra khi iPhone 5 chưa giới thiệu) ở nhiều thị trường, các nhà sản xuất khác tỏ ra bệ rạc hoặc thiếu tính cạnh tranh. Hơn thế nữa, Samsung cũng chủ động kìm chân S-series lại nhằm xây dựng nhịp đập 2 năm cải tiến lớn một lần như Apple đang làm với iPhone. Quả thật các tính năng trên điện thoại đang đi tới mức bão hòa và thật khó để tạo ra một cuộc cách mạng mới nên con đường 2 năm một lần hoàn toàn dễ hiểu. Hơn thế nữa, vòng xoay 2 năm cũng phù hợp với cách mua điện thoại của người dùng Âu Mỹ, vốn bị khóa chặt vào hợp đồng với nhà mạng.

Dù không thật sự thành công về hình ảnh với những người thích smartphone nhưng với nguồn lực marketing khổng lồ và tính phù phiếm (thích cái mới, mua mà không cần quan tâm sẽ dùng nó để làm gì…) của người dùng thì S4 vẫn bán tốt. Người ta đã mong chờ S5 là một đột phá khác nhưng không, S5 lại là một nâng cấp nhẹ của S4.

Trên S5, Samsung lại tiếp tục cải tiến nhẹ về thiết kế, cấu hình, tích hợp thêm cảm biến vân tay, đo nhịp tim hay tích hợp camera tốt hơn nhưng người dùng Samsung cần hơn thế nữa, một thiết kế hoàn toàn mới, một cấu hình đụng nóc, và đó là vị trí của F-series.

F series, con át chủ bài:
Những tin đồn về F-series dấy lên vào cuối năm 2013 và người ta mong đợi nó sẽ xuất hiện ở MWC 2014 cùng với S5, nhưng đó là một suy nghĩ hơi quá lạc quan. Rõ ràng Samsung không dùng MWC để trưng bày sản phẩm tốt nhất của họ mà luôn tổ chức sự kiện riêng như S4 trước đó. MWC 2014 diễn ra vào thời điểm hơi cưỡng ép, Qualcomm không thể sản xuất kịp SnapDragon 805 với cải tiến về CPU và GPU cho các hãng mà họ phải đưa ra một SnapDragon 801 chắp vá với mục tiêu giúp các hãng quảng bá hình ảnh là chính. Samsung cần nhiều hơn thế: một thân máy kim loại, bộ xử lý 8 nhân Exynos 64bit để hỗ trợ 4GB RAM, màn hình 2K và rất nhiều các tính năng khác.

Khi mới xuất hiện thông tin về F series, người ta cho rằng nó sẽ mang cấu hình của S5 hiện tại và S5 vẫn là sản phẩm chủ lực cao cấp nhất nhưng rõ ràng chúng ta đã lầm. Câu hỏi đặt ra rất đơn giản: khi nào F series sẽ xuất hiện?

Như đã nói, Samsung muốn một sân khấu riêng thật hoành tráng cho F-series. Sự kiện thường niên vào tháng 4 của họ có lẽ sẽ không diễn ra khi nó quá sát MWC vừa rồi. HTC sẽ giới thiệu the new HTC One và tháng 3, LG hay tổ chức vào tháng 8 và Apple là tháng 9. Sẽ rất an toàn khi phỏng đoán F series sẽ xuất hiện ở nửa cuối năm nay, quá đủ thời gian cho Samsung hớt những váng dầu đầu tiên của S5, chuẩn bị cấu hình mới với màn hình 2K và các con chip 64 bit cao cấp cho F, hay thậm chí là bổ sung thêm cả quét mống mắt vốn thiếu vắng trên S5.

S-series sẽ đi về đâu:
Nếu những phân tích trên là đúng (khi và chỉ khi F-series cao cấp hơn S-series) thì chắc chắn S-series sẽ được Samsung định vị thấp hơn một chút so với mức giá 16 triệu khi ra mắt ở Việt Nam của S4. Không có gì ngạc nhiên khi những tin đồn cho thấy giá S5 chính hãng sẽ rơi vào tầm 13-15 triệu đồng, đủ khoảng cách cho F series tung hoành mà vẫn đảm bảo một khoảng lợi nhuận lớn cho Samsung. Các sản phẩm cao cấp thường lời rất nhiều nên Samsung sẵn sàng hy sinh biên lợi nhuận để hạ giá các nhà sản xuất khác. Một khi S5 đã bán giá 13 triệu thì sẽ rất khó để the new One, Z2 hay G3 tung hoành trên thị trường với mức giá 16-17 triệu (trừ G2) mà Sony hay HTC đang ấn định ở Việt Nam. Nên nhớ giá chính hãng S4 đang rơi vào tầm 12 triệu và Samsung vẫn còn lời rất nhiều. Nguồn tin của mình cho biết F-series sẽ được định giá cao hơn Note series.

F-series có phải là vô đối:
Thật không may cho Samsung là Sony đã và đang trở lại với tốc độ cao nhất có thể. Tưởng chừng như Sony sẽ tiếp tục chậm chân hơn một thế hệ so với các nhà sản xuất khác như thời điểm 2012 nhưng họ đã thay đổi rất nhanh trong năm 2013, đẩy ra 2 thế hệ flagship (Z/Z1) chỉ trong vòng một năm. Với tốc độ đó thì Sony hoàn toàn có thể phản ứng kịp với F-series của Samsung và đưa ra một chiếc Z3 hay Y-series nào đó ngang về sức mạnh với sản phẩm đến từ Samsung.

Bên cạnh Sony, có vẻ năm 2014 cũng sẽ là năm thay đổi rất lớn của Apple. Rất nhiều người chờ đợi iPhone mà hình lớn có thể sẽ được thỏa mãn trong năm nay.

HTC đột ngột tỏ ra chậm chạp trong 2 năm vừa qua và chưa cho thấy một dấu hiệu khởi sắc trong năm nay. Có thể họ sẽ gặp thêm nhiều khó khăn và cần thay máu để tăng tính cạnh tranh.

Đợt giới thiệu sản phẩm mới của LG sẽ diễn ra vào tháng 8, gần với F-series nên có lẽ G3 sẽ đủ sức cạnh tranh với chiếc máy của Samsung.

Kết luận:
Rất có thể chiến lược F-series được đưa ra ngay sau khi S4 không đạt được những thành công mà Samsung mong muốn. Sự thất bại của S4 đã phần nào khẳng định Samsung vẫn chưa thể tạo ra một lượng fan đông đảo như Apple đang làm với dòng sản phẩm iPhone nhưng nó lại tạo cho họ một con đường mới để hạ bệ các hãng khác. Samsung hoàn toàn có thể tạo ra một chiếc S kim loại nhưng bằng vào việc hạ S xuống một nấc và nâng F lên, rõ ràng Samsung đã đi trước một bước rất xa.

Cập nhật: Sau khi mình viết xong bài viết này thì 1 ngày sau, Sony cũng đã công bố họ sẽ ra 2 chiếc điện thoại flagship mỗi năm, thật tuyệt vời. Như vậy, ít nhất Sony cũng đã đưa được đối trọng với Samsung ở cả đầu và cuối năm.

Hình ảnh: AUSDroid

Đánh giá Fitbit Force - Vòng tay theo dõi sức khoẻ tốt nhất hiện nay

500.
Kể từ bài viết về Fitbit One trên Tinh tế từ năm ngoái, hãng chuyên sản xuất các thiết bị theo dõi sức khoẻ này đã có thêm hai sản phẩm mới là Flex và Force, Flex thì ra đời trước Force, Force giống Flex nhưng có thêm màn hình hiển thị đầy đủ thông số giống như Fitbit One, có thể nói rằng đây là sản phẩm thay thế hoàn hảo cho Fitbit One và theo cá nhân mình, Force hiện đang là chiếc vòng theo dõi sức khoẻ tốt nhất trên thị trường!

Lý do làm Force nổi bật vẫn là sự kết hợp tốt giữa phần cứng và phần mềm, về mặt phần mềm, Force tiếp tục được hậu thuẫn bởi nền tảng theo dõi sức khoẻ cực kỳ tốt và chi tiết của Fitbit như là ghi chú thức ăn hàng ngày, ghi chú theo dõi giấc ngủ, chia sẻ bạn bè và nhiều thứ khác, nền tảng phần mềm này được nhiều người đánh giá tốt chứ không phải chỉ có mình mình thôi đâu, và vì cùng nền tảng với Fitbit One, mời các bạn xem lại bài mình có dẫn link ở phía đầu để hiểu rõ hơn nhé.

fitbit.

Nếu bạn chưa rõ, xin mời xem lại hình để phân biệt 3 sản phẩm đeo được chính của Fitbit hiện nay là Force, Flex và One


THIẾT KẾ FITBIT FORCE

Tinhte-2.

Thiết kế dạng vòng đeo tay của Force là một cải tiến rất lớn so với Fitbit One, thiết bị dày ở mặt trước, phần dây đeo là cao su dẻo, có khoá bằng kim loại, mặt hiển thị là màn hình OLED rất sáng ngay cả khi trời nắng gắt, còn ban đêm thì thậm chí nó đủ sáng để có thể dùng làm đèn pin dã chiến

Tinhte-1.
Phụ kiện đi kèm là cục USB bluetooth và sợi cáp sạc được xếp ngăn nắp trong hộp



ĐÁNH GIÁ FITBIT FORCE

Mang chiếc vòng này trên tay gần hai tuần, cảm nhận của mình là rất thích nó, Force nhẹ và mềm dẻo, linh động chứ không cứng ngắc như Fuel Band, nếu như bạn khó có thể mang Fuelband đi ngủ mà thức dậy không bị nhức hoặc hằn tay, thì với Force, mang đi ngủ chỉ là chuyện nhỏ. Trong suốt 2 tuần sử dụng, thời gian mình tháo cái vòng ra có thể đếm được bằng phút, chứng tỏ mang nó thoải mái như thế nào.

Một điều lưu ý là vào những ngày đầu, việc bóp cho cái khoá dính vào là khá khó khăn, phải mất cả hơn chục phút làm quen trầy trật mình mới bóp cái khoá chắc chắn, nhưng sau đó thì OK

Thiết bị ghi chú hoạt động trong ngày của mình khá chính xác, việc đi bộ và vận động của mình được cập nhật đều đặn với điện thoại qua bluetooth 4.0 không hao pin, mình thử ngồi yên quay tay thì thấy là nó không tăng thêm bước chân, và lượng calo tiêu thụ không tăng đột biến, chứng tỏ sự chính xác khá cao của Force.

Tuy nhiên khi mình đẩy xe đưa con đi chơi, vòng không đếm được bước chân của mình vì tay mình không đung đưa, ở mặt này nó chưa chính xác lắm.

Tinhte-1-2.
Bạn dễ dàng kiểm tra hoạt động trong ngày của mình bằng cách bấm nút bên hông vòng đeo

Pin của thiết bị khá ấn tượng, hãng quảng cáo là bạn có thể dùng từ 7 đến 10 ngày mới phải sạc pin, mình thì dùng 10 ngày rồi mà vẫn chưa phải sạc, thiết bị thì vẫn sync đều qua bluetooth, à, bạn có thể up firmware cho cái này bằng điện thoại thông qua bluetooth nữa.

Hãng cũng quảng cáo là sau này sẽ nâng cấp firmware cho Force, lúc đó nó có thể rung lên báo cho bạn khi có điện thoại gọi tới, khá hay.

Phần mềm trên điện thoại của cái này chạy tốt trên iOS, còn trên Android thì chỉ tốt trên vài thiết bị của Samsung, cái này là cái nhược điểm của Google, hy vọng sẽ sớm được khắc phục.

Một điều mình rất thích là cái vòng này đẹp và khá kín đáo, mình có thể đeo và mặc đồ đẹp đi làm mà không hề thấy lệch tông, đây là một điểm cộng so với cái màu mè của Fuelband

Tinhte-1.
Fitbit Force đeo đi làm vẫn đẹp

KẾT LUẬN
Theo ý kiến cá nhân, Fitbit Force đánh bại các vòng đeo theo dõi sức khoẻ khác một cách toàn diện, nó nhỏ, nhẹ, đẹp, pin lâu và nhiều chức năng. Nếu bạn nghiêm túc sử dụng nó, bạn dễ dàng đạt được số cân nặng bạn muốn cho dù đó là tăng cân hay giảm cân (thông qua việc ăn uống và theo dõi chế độ ăn uống, được Fitbit app hỗ trợ nhắc nhở)

Cái này vẫn có chỗ để phát triển, vì hiện nay nó không có chức năng đo nhịp tim, với mình thì cũng không quan trọng, nhưng với các vận động viên chuyên nghiệp thì khác, chắc là sau này sẽ có phiên bản khác có hỗ trợ thôi.

Screen Shot 2014-02-18 at 11.34.53 PM.
Đây là hình chụp màn hình tóm tắt một ngày của mình, bạn có thể xem chi tiết nhiều mục khác nhau

Điều khiến mình thích nhất của cái này là khả năng rung đánh thức buổi sáng, hoặc nhắc nhở công việc. từ khi có Force, vợ con mình buổi sáng được ngủ thêm vì không phải nghe tiếng chuông báo thức ồn ào của mình, thật là tuyệt!

Với giá bán ở Mỹ khoảng 130$ chưa có thuế và phí này nọ, đây là một sản phẩm hoàn toàn xứng đáng với giá tiền bạn bỏ ra.

Ưu điểm:
  • Nhẹ
  • Đeo thoải mái
  • Pin lâu
  • Bluetooth 4.0, có cục bluetooth nếu bạn xài máy tính
  • Đẹp
  • Không vô nước, mang đi bơi thoải mái
  • Thuật toán đo chính xác, ít sai số
  • Hàng tuần Fitbit đều email kết quả tổng kết cho bạn xem
weekly.
Khuyết điểm:
  • Khoá hơi khó đeo lúc đầu
  • Đo chưa chính xác nếu bạn đi bộ mà không đánh tay, hoặc đẩy xe đẩy
Xin cám ơn TMTShop đã hỗ trợ sản phẩm

Thật tiếc là Fitbit đã phải thu hồi hàng loạt sản phẩm này do một số vấn đề về pin và làm ảnh hưởng đến tay người dùng. Hy vọng họ sẽ sớm đưa nó xuất hiện trở lại

[Mỗi tuần 1 phát minh] Các nhà khoa học đã làm gì với bộ não của Albert Einstein sau khi ông mất?

Albert-Einstein-genius.
Albert Einstein (1879-1955) là nhà bác học thiên tài và kiệt xuất trong lịch sử phát triển nhân loại. Ông đã có nhiều đóng góp vĩ đại với thuyết tương đối rộng được ví như 1 trong 2 trụ cột của vật lý học hiện đại. Là tác giả của phương trình nổi tiếng nhất thế giới, phương trình chỉ mối liên hệ giữa khối lượng và năng lượng E=mc2 và được trao giải Nobel vật lý vào năm 1921 cho công trình nghiên cứu phát hiện ra hiệu ứng quang điện, bước ngoặc khai sinh ra lý thuyết lượng tử ánh sáng. Ngoài ra, ông còn có những đóng góp không nhỏ đặt nền móng vững chắc cho nhiều ngành khoa học khác và đặc biệt là khoa học vũ trụ. Ông cũng là người có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự chế tạo và vận hành của năng lượng nguyên tử sau này.

Tất cả những đóng góp của ông đều xuất phát từ những suy nghĩ và ý tưởng không ngừng nghỉ bên trong 1 bộ não kiệt xuất: 1 bộ não thiên tài khó ai bì được. Những câu chuyện xoay quanh cuộc đời và những nghiên cứu của ông luôn là chủ đề được các nhà khoa học tìm hiểu và khám phá. Thậm chí các nhà khoa học luôn muốn lý giải nguyên nhân nào đã tạo nên 1 bộ não kiệt xuất đến thế. Dĩ nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng nghiên cứu bộ não của ông sau khi ông qua đời. Tuy nhiên, đó vẫn là những bí ẩn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Chuyên mục "Mỗi tuần 1 phát minh" tuần này sẽ kể lại cho các bạn câu chuyện về những việc xảy ra với bộ não của Einstein sau khi ông mất. Đó là cuộc phiêu lưu của bác sĩ bệnh lý học Thomas Harvey cùng với cộng sự của mình, mang theo bộ não của Einstein qua nhiều vùng đất khác nhau để khám phá những bí ẩn ẩn chứa bên trong bộ não siêu việt ấy. Quá trình sẽ nhận được sự giúp sức của 2 nữ tiến sĩ trong lĩnh vực thần kinh học là Diamond và Witelson. Liệu cuối cùng bí ẩn có được khám phá? Mời các bạn theo dõi nhé.

Mọi chuyện bắt đầu từ bác sĩ bệnh lý học Thomas Harvey tại bệnh viện Princeton

einstein-1954-32a6d20d26d0802d.
Ảnh chụp Einstein 13 tháng trước khi mất​

Trong những năm cuối đời, Albert Einstein biết rõ tình trạng bệnh tật của mình và từ chối mọi biện pháp y khoa để cố gắng cứu chữa ông. Ông chỉ có 1 mong muốn cuối cùng: “Tôi muốn được hỏa táng để không ai có thể đến để không ai phải thờ phụng cúng bái tôi.” Einstein mất ngày 18 tháng 4 năm 1955 ở tuổi 76 do chứng phình mạch dẫn tới vỡ động mạch chủ. Và mong muốn lúc cuối đời của ông đã được thực hiện: thi thể của ông được hỏa táng và tro đươc rải xuống 1 địa điểm bí mật và mãi mãi không được tiết lộ.Thế những, bộ não của ông lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

einstein_nhung_luc_cuoi_doi.
Những giây phút cuối đời trên giường bệnh của Albert Einstein​

Trong quá trình khám nghiệm tử thi được thực hiện tại bệnh viện Princeton, 1 nhà bệnh lý học mang tên Thomas Harvey đã tách và giữ lại bộ não của Einstein - bộ não đã tạo ra cuộc cách mạng trong vật lý với phương trình E=mc2, thuyết tương đối, sự hiểu biết về vận tốc ánh sáng và cả ý tưởng thực hiện các quả bom nguyên tử. Bác sĩ Harvey đã lưu lại bộ não thiên tài của Einstein và giữ cho riêng mình.

Nhiều dòng dư luận trái chiều đã phát sinh khi mọi người biết được hành động của Harvey. Có ý kiến cho rằng đây chỉ đơn thuần là 1 nghiên cứu tuyệt vời cho khoa học, có ý kiến lại khẳng định đây là hành động vi phạm thân thể người quá cố và chẳng khác gì trộm mộ cả.

Lúc sinh thời, Einstein đã tham gia vào nhiều nghiên cứu để xác định xem bộ não của ông có gì khác so với người bình thường. Thậm chí có người còn quả quyết rằng Einstein đã từng có ý định hiến tặng chất xám của mình sau khi ông mất nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu. Một số người khác lại cho rằng Einstein không hề muốn hiến tặng bất cứ phần cơ thể nào và hành động lấy não của Harvey thật sự là 1 sự xúc phạm nghiêm trọng.

manh_nao_cua_Einstein.
Chiếc hộp chứa 42 mẩu não của Einstein tại Philadenphia vào năm 2011​

Trên một phương diện nào đó, phần nào di nguyện của Einstein đã được thực hiện: cơ thể của ông đã được hỏa táng và không một ai có thể thờ phụng bộ não của ông do chỉ có Harvey mới biết được bộ não đang được cất giữ ở đâu. Sau khi xoa dịu được dư luận xung quanh hành động của mình, và dưới sự cho phép của con trai Einstein, ông bắt đầu thực hiện các nghiên cứu về bộ não của Einstein với điều kiện kết quả nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín.

Ban đầu, Harvey nghĩ rằng sẽ không mất nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ về bộ não của Einstein và điểm khác biệt của nó so với các bộ não thông thường khác. Harvey nghĩ rằng 1 bộ não thiên tài sẽ khác rất xa so với bộ não của người bình thường. Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu 4 năm từ khi Einstein mất, Harvey không hề có 1 thành quả nghiên cứu nào. Và ông đã biến mất cùng với bộ não. Một số ý kiến cho rằng Harvey không đủ khả năng nghiên cứu do ông chỉ là 1 nhà bệnh lý học mà không phải là nhà thần kinh học.

Vậy bộ não sẽ đi về đâu? Mời các bạn theo dõi tiếp bên dưới.


Nỗ lực của tiến sĩ Marian Diamond về bộ não của Elbert Einstein. Liệu các tế bào thần kinh đệm có phải là nguyên nhân của vấn đề?

Theo các thông tin kể lại, lúc vừa được sinh ra, mẹ của Albert Einstein đã rất ngạc nhiên khi con trai của mình có 1 cái đầu với kích thước lớn và đầy góc cạnh. Tuy nhiên khi Einstein mất đi, kích thước bộ não của ông không hề lớn hơn so với bất kỳ người nào khác có cùng độ tuổi. Trong quá trình khám nghiệm tử thi, bác sĩ Harvey đã xác định não của Einstein có trọng lượng 1,22 kilograms. Harvey đã chụp lại những hình ảnh về bộ não, sau đó cắt nó ra thành 240 mảnh nhỏ và bảo quản trong Celloidin, 1 loại hóa chất phổ biến trong kỹ thuật bảo quả và nghiên cứu não bộ.

tien_si_diamond.
Tiến sĩ Marian Diamond, người lý giải điêm khác biệt bộ não của Einstein dựa trên các tế bào thần kinh đệm​

Harvey muốn gởi những mẫu nhỏ của bộ não cho các nhà khoa học khác từ khắp nơi trên thế giới để cùng thực hiện nghiên cứu với ông. Các chuyên gia tham gia sẽ gởi kết quả nghiên cứu lại cho Harvey và sẽ được công bố rộng rãi để thế giới có thể biết được những bí ẩn bên trong 1 bộ não thiên tài.

Sau đó là 1 khoảng thời gian chờ đợi lâu dài của chính Harvey và cả thế giới. Bộ não của Einstein có kích thước bình thường và số lượng tế bào não có kích thước trung bình giống như nhiều người khác. Dù vậy, Harvay vẫn kiên trì với niềm tin của mình rằng sẽ có người khám phá ra được 1 điều gì đó. Bất cứ khi nào được hỏi về kết quả nghiên cứu, Harvey đều trả lời rằng chỉ 1 năm hoặc lâu hơn thì chắc chắn sẽ có 1 điều gì đó được khám phá ra. Tại thời điểm đó, người ta báo cáo rằng Harvey đang sống tại Kansas và bộ não của Einstein được đặt trong một chiếc bình nằm trong chiếc máy làm mát bia.

Sau đó, vào năm 1985, cuối cùng thì Harvey cũng có 1 cái gì đó để báo cáo với cộng đồng. Tiến sĩ Marian Diamond đến từ đại học California tại Berkeley đang thực hiện nghiên cứu về thuộc tính dẻo của não chuột. Nghiên cứu của tiến sĩ Diamond cho thấy những con chuột sống trong môi trường phong phú hơn sẽ có 1 bộ não mạnh mẽ hơn. Cụ thể, những con chuột có nhiều tế bào thần kinh đệm có liên quan với các nơ ron thần kinh. Diamond nhận thấy rằng có thể áp dụng kết quả trên để nghiên cứu bộ não của Einstein.

te_bao_than_kinh_dem.
Hình ảnh mô tả tế bào thần kinh đệm​

Tế bào thần kinh đệm (Gilal cell) có chức năng đệm và cung cấp chất dinh dưỡng để các nơ ron thần kinh hoạt động, giúp các tế bào não có thể giao tiếp với nhau. Trong một số trường hợp, tế bào thần kinh đệm còn thực hiện chức năng vệ sinh cho các nơ ron thần kinh. Khi các nơ ron giao tiếp với nhau, chúng sẽ sản sinh ra chất thải dưới dạng các ion Kali. Các ion kali sẽ liên tiếp chồng chất lên nhau bên ngoài các nơ ron thần kinh.

Nếu số lượng rác thải quá lớn sẽ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của các nơ ron và cần phải có 1 cơ chế để loại bỏ nó. Và chính các tế bào thần kinh đệm sẽ thực hiện chức năng làm sạch các nơ ron thần kinh để đảm bảo chúng luôn sạch sẽ và hoạt động tốt nhất. Ngoài ra, các tế bào thần kinh đệm cũng giúp các đường dẫn truyền giữa các nơ ron thông thoáng, giúp đảm bảo đường dây thông tin giữa các tế bào thần kinh không bị tắc nghẽn.

Khi tiến sĩ Diamond nhận được phần não của Einstein để thực hiện nghiên cứu, bà đã so sánh nó với nhóm 11 mẫu não khác. Diamond đã báo cáo rằng bộ não của Einstein có tỷ lệ các tế bào thần kinh đệm nhiều hơn so với các bộ não khác. Bà đã đưa ra giả thuyết rằng số lượng tế bào thần kinh đệm trong não Einstein tăng lên để phục vụ cho nhu cầu trao đổi chất lớn của các nơ ron thần kinh. Nói cách khác, Einstein cần nhiều tế bào thần kinh đệm hơn để dọn dẹp rác thải ra trong quá trình suy nghĩ liên tục của mình.

Thật không may, các nhà khoa học khác cho rằng kết luận của tiến sĩ Diamond là không có căn cứ và không được công nhận. Hơn nữa, các tế bào thần kinh đệm liên tục được phân chia trong suốt cuộc đời mỗi người. Mặc dù Einstein mất lúc 76 tuổi, Diamond lại so sánh mẫu não của ông với não của những người có độ tuổi trung bình là 64. Do đó, lẽ dĩ nhiên là số lượng tế bào thần kinh đệm của Einstein nhiều hơn so với những người khác trẻ tuổi hơn. Ngoài ra, những mẫu não do Diamond thu thập được có nguồn gốc từ các bệnh nhân tại bệnh viện VA.

Mặc dù theo báo cáo của Diamond thì các bệnh nhân đều chết bởi những nguyên nhân không có liên quan đến vấn đề thần kinh nhưng tiểu sử nhân thân của những bệnh nhân đó không được tìm hiểu rõ ràng, đặc biệt là điểm số IQ của họ. Một nhà khoa học khác đã chỉ ra rằng phương pháp đo lường của tiến sĩ Diamond chỉ là 1 trong số 28 cách để đo lường số lượng các tế bào. Diamond cũng đã thừa nhận rằng bà chưa tính đến sự phổ quát trong nghiên cứu của mình.

Các nhà khoa học tuyên bố nếu bạn càng thực hiện nghiên cứu trên số lượng cá thể càng lớn và áp dụng càng nhiều phương pháp (kích thước mẫu lớn), bạn sẽ có thể đưa ra nhận xét đồng tình hoặc bác bỏ 1 tính chất nào đó với độ chính xác càng cao (ý nghĩa thống kê trong nghiên cứu khoa học).

Đến đây thì mọi chuyện tưởng chừng như đã sáng tỏ lại tiếp tục rơi vào vòng bí ẩn. Liệu các nhà khoa học có chịu từ bỏ? Nhà nghiên cứu Thomas Harvey nhưng có phát hiện gì mới hay không? Hãy cùng khám phá bên dưới nhé.


Bí ẩn được giải quyết? Tiến sĩ Sandra Witelson đã khám phá ra điều gì?

Tiến sĩ Diamond đã không thể bảo vệ công trình nghiên cứu của mình do những thiếu sót trong quá trình thực hiện. Vào năm 1996, một nhà nghiên cứu tại đại học Alabama, Britt Anderson đã công bố một công trình nghiên cứu khác về bộ não của Einstein với quá trình thực hiện kỹ càng hơn. Anderson đã khám phá ra rằng vỏ não trước của Einstein mỏng hơn so với người bình thường nhưng lại có các nơ ron thần kinh dày đặt hơn.

Anderson đã báo cáo kết quả nghiên cứu của mình với Thomas Harvey, đang là nhà nghiên cứu tại đại học McMaster ở Hamilton, bang Ontario. Trong suốt thời gian nghiên cứu, Harvey là người đã khám phá sự khác nhau về mật độ nơ ron thần kinh trên vỏ não giữa nam và nữ. Theo đó, não bộ của nam giới có kích thước lớn hơn, trong khi não bộ của nữ giới lại có các nơ ron thần kinh phân bố khít nhau hơn. Điều đó giải thích nguyên nhân nữ giới có khả năng giao tiếp nhanh hơn so với đàn ông.

Harvey đã gởi fax cho tiến sĩ Sandra Witelson cũng đang nghiên cứu tại đại học McMaster. Nội dung bức điện chỉ với 1 dòng duy nhất: “Bạn có sẵn sàng hợp tác với tôi để nghiên cứu bộ não của Albert Einstein?”. Tiến sĩ Witelson là nhà nghiên cứu nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu có liên quan đến não bộ như chỉ số IQ, những nhân tố tác động đến sức khảo và tâm lý con người,… Witelson đã đồng ý hợp tác nghiên cứu bộ não của Einstein.

brainsa.
Tiến sĩ thần kinh học Sandra Witlson, người đưa ra giả thuyết cho sự đặc biệt của bộ não Einstein dựa trên điểm khác biệt về rãnh Sylivan​

Nghiên cứu của Witelson được thực hiện trong điều kiện tốt hơn so với tiến sĩ Diamond do tính đến thời điểm bấy giờ, hiểu biết của các nhà khoa học về não bộ đã có bước tiến lớn với số lượng cơ sở dữ liệu về chỉ số IQ là khá phong phú. Witelson đã sử dụng 35 bộ não của nam giới có chỉ số IQ trung bình là 116 và 56 bộ não của nữ giới làm phương tiện so sánh với não của Einstein. Đây là số lượng mẫu hoàn toàn đủ để đưa ra các kết luận khoa học. Tiến sĩ Witelson đã cùng các bác sĩ và y tá thu thập số lượng mẫu thử nghiệm trên trong nhiều năm trời để đủ số lượng nhằm thực hiện nghiên cứu của mình. Đây là nghiên cứu lớn nhất trong lĩnh vực này.

Harvey đã chuyển đến Canada và tiến sĩ Witelson được cho phép sử dụng đến 1/5 bộ não Einstein để nghiên cứu, nhiều hơn bất kỳ nhà khoa học nào trước đó. Bà đã chọn vùng não thuộc thùy thái dương và thùy đỉnh đồng thời sử dụng các bức ảnh do bác sĩ Havey chụp lúc Einstein vừa mất để phục vụ công tác nghiên cứu của mình. Witelson nhận thấy rằng rãnh Sylvian trên não của Einstein hầu như không tồn tại. Rãnh Sylvian chia tách thùy đỉnh của não thành 2 ngăn riêng biệt và việc không có đường phân chia này làm cho thùy đỉnh của não Einstein rộng hơn người bình thường 15 phần trăm.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thùy đỉnh chịu trách nhiệm xử lý các kỹ năng toán học, lý luận không gian và các hình thể 3 chiều. Điều này dường như hoàn toàn phù hợp với những lĩnh vực và thành công trong nghiên cứu của thiên tài Einstein. Điều này cũng lý giải cho những suy nghĩ và tưởng tượng độc đáo của Einstein mà sau này đã trở thành những khám phá của ông. Trong quá trình phát hiện ra thuyết tương đối rộng, Einstein đã tưởng tượng rằng mình đang đi xe chạy trên 1 chùm ánh sáng xuyên qua vũ trụ. Từ những hình ảnh tưởng tượng đó, ông đã tìm các từ ngữ để diễn tả cho suy nghĩ của mình và thuyết tương đối đã ra đời.

sylvian_fissure.
Hình ảnh rãnh Sylvian trên não người​

Tiến sĩ Witelson giả thuyết rằng chính việc thiếu đi rãnh Sylvian đã cho phép các tế bào não phát triển gần nhau hơn, từ đó cho phép chúng giao tiếp với nhau nhanh hơn bình thường. Chính cấu trúc não này cũng đã lý giải nguyên nhân mắc chứng nói lắp của Einstein cũng như của những người khác. Nếu Einstein biết được bộ não của mình khác biệt so với những người khác, liệu rằng ông có nghỉ học hay không?

Tại thời điểm bấy giờ, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được bộ não làm việc như thế nào nên chưa thể kiểm chứng được mức độ chính xác trong nghiên cứu của tiến sĩ Witelson. Mặc dù, đó là nghiên cứu đúng trên mặt lý thuyết. Với một số hình dáng bên ngoài, có thể bộ não của Einstein là bình thường, nhưng chỉ với 1 biến đổi nhỏ, đó có thể là biểu hiện của 1 bộ óc thiên tài thật sự. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa kiểm chứng được giả thuyết trên 1 cách tuyệt đối do vẫn chưa tìm được 1 bộ não tương tự Einstein: não của người có cùng chỉ số IQ với ông. Mọi nghiên cứu và giả thuyết chỉ dựa trên các bộ não trung bình.

Tạm kết. Mọi chuyện trở lại nơi đã bắt đầu. Bí ẩn vẫn còn chờ đợi các nhà khoa học tiếp tục giải đáp

Harvey chưa bao giờ từ bỏ niềm tin của mình rằng 1 ngày nào đó, bộ não sẽ tiết lộ ra những sự thật ẩn chứa bên trong. Vào thời gian cuối đời, sau khi đã đi qua nhiều đất nước khác nhau, ông lại trở về nơi mọi chuyện bắt đầu: bệnh viện Princeton. Ông đã trao bộ não của Einstein lại cho 1 cộng sự cũ của mình, nhà văn Michael Paterniti, người đã cùng đi với Harvey và bộ não qua nhiều quốc gia khác nhau. Paterniti đã viết quyển sách với nhan đề “Driving With Mr.Albert”. Quyển sách như một cuốn tự truyện của Harvey, kể về câu chuyện những chuyến đi của nhà bệnh lý học nhằm tìm lời giải đáp cho câu hỏi của mình.

thomas-harvey_va_bo_nao_einstein.
Thomas Harvay và mẫu não của Einstein​

Cuối cùng thì Harvey vẫn chưa có cơ hội được chứng kiến những bí mật đằng sau bộ não của Einstein được giải mã. Ông mất hồi năm 2007 khi đã 94 tuổi. Và cuối cùng thì Einstein và những bí ẩn xoay quanh bộ não của ông vẫn còn đó. Chúng ta lại tiếp tục chờ đợi nghiên cứu của những nhà khoa học sau này sẽ có thể giải đáp được bí ẩn trên. Hy vọng rằng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay, chúng ta sẽ có lời giải đáp trong tương lai không xa.

albert-einstein_quote.

Đây cũng là kết thúc cho câu chuyện trong chuyên mục mỗi tuần 1 phát minh tuần này. Hy vọng câu chuyện có thể phần nào cung cấp thêm một số thông tin về thiên tài Albert Einstein, nhà bác học đã có những cống hiến vĩ đại cho sự phát triển khoa học của nhân loại. Chúc các bạn có 1 cuối tuần vui vẻ và hẹn gặp lại trong chuyên mục mỗi tuần 1 phát minh kỳ sau. Chúc vui.


Theo HSW, NJ, NYT (1), (2), NPR, LAT, Time