Galaxy F series, câu chuyện về chiến lược xuất sắc của Samsung và lý do
Galaxy S5 không như mong đợi
Samsung Mobile từng không được đánh giá cao về mặt chiến lược, có cảm giác như họ vung tiền quá bừa bãi khắp nơi, phủ mọi kênh truyền thông có thể với nguồn lực gần như không giới hạn mà không có một mục tiêu thật sự rõ ràng .Thế nhưng đó lại là một phần trong chiến lược rất thâm sâu khác của hãng: xây dựng một S series cao cấp, ngang bằng với các đối thủ khác như Z series của Sony, One của HTC, G của LG để rồi tự tay đạp đổ S series bằng F series xuất sắc hơn. Trong 4 năm qua, Samsung đã thành công trong việc đóng đinh vào tâm trí người dùng: S series là sản phẩm cao cấp nhất, ngang bằng hoặc hơn One, Z & G. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ đẩy thêm được dòng F còn mạnh mẽ hơn cả S? Khi đó, F sẽ không có đối trọng trên thị trường, ít nhất là về mặt hình ảnh. Z2, G3 hay the new HTC One nghiễm nhiên trở thành sản phẩm hạng 2.
Ảnh mang tính minh họa
Tóm tắt:
- Samsung sẽ thành công trong việc hạ sản phẩm flagship của các đối thủ xuống một bậc.
- Chiến lược này có lẽ mới chỉ được hình thành sau thất bại của S4.
- iPhone vẫn sẽ không ảnh hưởng bởi F series, ít nhất về mặt hình ảnh.
- Có thể F-series sẽ không thật sự thống lĩnh nếu Sony và LG phản ứng đủ nhanh.
- F-series tiếp tục thể hiện rõ cố gắng nâng thương hiệu Samsung thành hơi cao cấp như Sony từng làm được trong quá khứ.
Lưu ý:
- Bài viết này dựa trên giả định là F-series thật sự tồn tại (99% điều này là sự thật)
- Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết.
Thành công của S3:
Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ thành công quá lớn của Galaxy S3. Chúng ta hãy nói về cả sản phẩm và chiến lược để thấy được thành công của chiếc điện thoại này:
Trước và khi tung ra S3, Samsung liên tục cải tiến sản phẩm của họ về mọi mặt, kể cả kiểu dáng lẫn tính năng. Họ cố gắng nhồi nhét càng nhiều tính năng càng tốt vào sản phẩm này mà không cần biết người dùng có sử dụng nó hay không. So với một LG 4X thừa sức mạnh nhưng “trí não kém phát triển”, One X không thật sự nổi trổi và Xperia S thua kém nhiều về cấu hình thì S3 nổi bật hơn hẳn về cả phần mềm và phần cứng. Nên nhớ từ S tới S3, thiết kế của dòng S thay đổi liên tục.
Xét về hình ảnh, S3 vẫn trung thành theo con đường mà S series đã đi trước đó, vẫn thuộc thương hiệu Galaxy S cao cấp được người dùng biết tới 2 năm qua. Ở phân khúc cao cấp này thì hình ảnh thương hiệu/sản phẩm có quyết định rất lớn đến việc mua hàng của người dùng. Nhìn sang Sony ở thời điểm 2011, ta có Xperia Arc, Xperia Arc S, HTC có Sensation, Sensation XL, LG có Optimus 2X, Optimus 3D, tất cả đều quá rối, không có tính kế thừa và không xây dựng được hình ảnh lâu dài như S series. Có thể nói Samsung đã học được bài học rất tốt từ Apple ở điểm này. Đến nay thì tất cả các hãng khác cũng đã biết cách xây dựng hình ảnh của họ đơn giản và dễ tiếp cận hơn: LG từ bỏ Optimus để thành LG G2 và sắp tới là G3 thuộc G-series, Sony thành Z-series và HTC là One series.
Rõ ràng là các hãng khác quá rối so với Samsung và Apple
S4 không rực rỡ và một S5 lỡ cỡ:
Xây dựng rất thành công thương hiệu S từ S1 lên S3 nhưng Samsung lại gặp vấn đề với S4. Hãy nhìn toàn cảnh hơn để thấy rõ được lý do tại sao S4 không thật sự thành công như Samsung mong đợi. S-series được xây dựng như một kẻ đột phá, liên tục đưa ra những cải thiến mạnh mẽ về thiết kế, phần cứng và phần mềm nhưng S4 lại không như thế. Khi S4 ra mắt thì cuộc đua phần cứng bắt đầu nhận được những chỉ trích khi không chứng tỏ được lợi ích lớn cho người tiêu dùng. Thiết kế cũng gặp bất lợi khi không khác biệt nhiều so với S3 và các tính năng vô thưởng vô phạt được bổ sung cũng chẳng gây được nhiều ấn tượng. Cả 3 mảng lớn mà Samsung dấy lên với cuộc cách mạng Galaxy S đều không đạt mục tiêu.
Lý do cho sự thiếu đột phá này cũng bắt nguồn từ S3, Samsung đã quá tự tin khi mà S3 thậm chí còn vượt mặt hơn iPhone 4S (S3 ra khi iPhone 5 chưa giới thiệu) ở nhiều thị trường, các nhà sản xuất khác tỏ ra bệ rạc hoặc thiếu tính cạnh tranh. Hơn thế nữa, Samsung cũng chủ động kìm chân S-series lại nhằm xây dựng nhịp đập 2 năm cải tiến lớn một lần như Apple đang làm với iPhone. Quả thật các tính năng trên điện thoại đang đi tới mức bão hòa và thật khó để tạo ra một cuộc cách mạng mới nên con đường 2 năm một lần hoàn toàn dễ hiểu. Hơn thế nữa, vòng xoay 2 năm cũng phù hợp với cách mua điện thoại của người dùng Âu Mỹ, vốn bị khóa chặt vào hợp đồng với nhà mạng.
Dù không thật sự thành công về hình ảnh với những người thích smartphone nhưng với nguồn lực marketing khổng lồ và tính phù phiếm (thích cái mới, mua mà không cần quan tâm sẽ dùng nó để làm gì…) của người dùng thì S4 vẫn bán tốt. Người ta đã mong chờ S5 là một đột phá khác nhưng không, S5 lại là một nâng cấp nhẹ của S4.
Trên S5, Samsung lại tiếp tục cải tiến nhẹ về thiết kế, cấu hình, tích hợp thêm cảm biến vân tay, đo nhịp tim hay tích hợp camera tốt hơn nhưng người dùng Samsung cần hơn thế nữa, một thiết kế hoàn toàn mới, một cấu hình đụng nóc, và đó là vị trí của F-series.
F series, con át chủ bài:
Những tin đồn về F-series dấy lên vào cuối năm 2013 và người ta mong đợi nó sẽ xuất hiện ở MWC 2014 cùng với S5, nhưng đó là một suy nghĩ hơi quá lạc quan. Rõ ràng Samsung không dùng MWC để trưng bày sản phẩm tốt nhất của họ mà luôn tổ chức sự kiện riêng như S4 trước đó. MWC 2014 diễn ra vào thời điểm hơi cưỡng ép, Qualcomm không thể sản xuất kịp SnapDragon 805 với cải tiến về CPU và GPU cho các hãng mà họ phải đưa ra một SnapDragon 801 chắp vá với mục tiêu giúp các hãng quảng bá hình ảnh là chính. Samsung cần nhiều hơn thế: một thân máy kim loại, bộ xử lý 8 nhân Exynos 64bit để hỗ trợ 4GB RAM, màn hình 2K và rất nhiều các tính năng khác.
Khi mới xuất hiện thông tin về F series, người ta cho rằng nó sẽ mang cấu hình của S5 hiện tại và S5 vẫn là sản phẩm chủ lực cao cấp nhất nhưng rõ ràng chúng ta đã lầm. Câu hỏi đặt ra rất đơn giản: khi nào F series sẽ xuất hiện?
Như đã nói, Samsung muốn một sân khấu riêng thật hoành tráng cho F-series. Sự kiện thường niên vào tháng 4 của họ có lẽ sẽ không diễn ra khi nó quá sát MWC vừa rồi. HTC sẽ giới thiệu the new HTC One và tháng 3, LG hay tổ chức vào tháng 8 và Apple là tháng 9. Sẽ rất an toàn khi phỏng đoán F series sẽ xuất hiện ở nửa cuối năm nay, quá đủ thời gian cho Samsung hớt những váng dầu đầu tiên của S5, chuẩn bị cấu hình mới với màn hình 2K và các con chip 64 bit cao cấp cho F, hay thậm chí là bổ sung thêm cả quét mống mắt vốn thiếu vắng trên S5.
S-series sẽ đi về đâu:
Nếu những phân tích trên là đúng (khi và chỉ khi F-series cao cấp hơn S-series) thì chắc chắn S-series sẽ được Samsung định vị thấp hơn một chút so với mức giá 16 triệu khi ra mắt ở Việt Nam của S4. Không có gì ngạc nhiên khi những tin đồn cho thấy giá S5 chính hãng sẽ rơi vào tầm 13-15 triệu đồng, đủ khoảng cách cho F series tung hoành mà vẫn đảm bảo một khoảng lợi nhuận lớn cho Samsung. Các sản phẩm cao cấp thường lời rất nhiều nên Samsung sẵn sàng hy sinh biên lợi nhuận để hạ giá các nhà sản xuất khác. Một khi S5 đã bán giá 13 triệu thì sẽ rất khó để the new One, Z2 hay G3 tung hoành trên thị trường với mức giá 16-17 triệu (trừ G2) mà Sony hay HTC đang ấn định ở Việt Nam. Nên nhớ giá chính hãng S4 đang rơi vào tầm 12 triệu và Samsung vẫn còn lời rất nhiều. Nguồn tin của mình cho biết F-series sẽ được định giá cao hơn Note series.
F-series có phải là vô đối:
Thật không may cho Samsung là Sony đã và đang trở lại với tốc độ cao nhất có thể. Tưởng chừng như Sony sẽ tiếp tục chậm chân hơn một thế hệ so với các nhà sản xuất khác như thời điểm 2012 nhưng họ đã thay đổi rất nhanh trong năm 2013, đẩy ra 2 thế hệ flagship (Z/Z1) chỉ trong vòng một năm. Với tốc độ đó thì Sony hoàn toàn có thể phản ứng kịp với F-series của Samsung và đưa ra một chiếc Z3 hay Y-series nào đó ngang về sức mạnh với sản phẩm đến từ Samsung.
Bên cạnh Sony, có vẻ năm 2014 cũng sẽ là năm thay đổi rất lớn của Apple. Rất nhiều người chờ đợi iPhone mà hình lớn có thể sẽ được thỏa mãn trong năm nay.
HTC đột ngột tỏ ra chậm chạp trong 2 năm vừa qua và chưa cho thấy một dấu hiệu khởi sắc trong năm nay. Có thể họ sẽ gặp thêm nhiều khó khăn và cần thay máu để tăng tính cạnh tranh.
Đợt giới thiệu sản phẩm mới của LG sẽ diễn ra vào tháng 8, gần với F-series nên có lẽ G3 sẽ đủ sức cạnh tranh với chiếc máy của Samsung.
Kết luận:
Rất có thể chiến lược F-series được đưa ra ngay sau khi S4 không đạt được những thành công mà Samsung mong muốn. Sự thất bại của S4 đã phần nào khẳng định Samsung vẫn chưa thể tạo ra một lượng fan đông đảo như Apple đang làm với dòng sản phẩm iPhone nhưng nó lại tạo cho họ một con đường mới để hạ bệ các hãng khác. Samsung hoàn toàn có thể tạo ra một chiếc S kim loại nhưng bằng vào việc hạ S xuống một nấc và nâng F lên, rõ ràng Samsung đã đi trước một bước rất xa.
Cập nhật: Sau khi mình viết xong bài viết này thì 1 ngày sau, Sony cũng đã công bố họ sẽ ra 2 chiếc điện thoại flagship mỗi năm, thật tuyệt vời. Như vậy, ít nhất Sony cũng đã đưa được đối trọng với Samsung ở cả đầu và cuối năm.