Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Hoa cỏ mùa xuân - Tokyo

Xem ảnh các anh chị trên diễn đàn đã nhiều nay mới dám mở topic cho riêng mình.
Nhật Bản đang vào mùa hoa anh đào nở. Xin chia sẻ với mọi người chút sắc màu mùa xuân.
Rất mong được sự góp ý của các Cô Chú Anh Chị cũng như các Bạn trong diễn đàn .( Ảnh được chụp bởi Sony nex 5 Lens SEL 1855. Cắt cúp,add text... trên điện thoại với pisct art và Snap seed) PicsArt_1394867990288.PicsArt_1394867432612.PicsArt_1394867338715.PicsArt_1394859370734.PicsArt_1394859197254.PicsArt_1394859073896.PicsArt_1394858931080.PicsArt_1394858861075.PicsArt_1394858789550.PicsArt_1394858649279.PicsArt_1394858557440.PicsArt_1394858474369.PicsArt_1394854551825.PicsArt_1394854551825.PicsArt_1394867990288.

CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã mua lại WhatsApp như thế nào?

Whats_App_Facebook_mua_lai.

Được công bố vào ngày 19/2, việc Facebook mua lại WhatsApp với tổng số tiền 19 tỉ USD là một trong những sự kiện đáng chú ý trong thời gian gần đây ở lĩnh vực công nghệ. Mặc dù việc mua bán chỉ mới kết thúc vài ngày trước đó nhưng để thuyết phục WhatsApp về với mình, Facebook đã phải mất đến hàng năm trời. Mới đây hãng tin Forbes đã có một bài viết nói sâu về mối quan hệ giữa CEO Jan Koum đến từ WhatsApp với CEO Mark Zuckerberg của Facebook để giúp chúng ta hiểu thêm về thương vụ giữa hai công ty này.

Tóm tắt các điểm chính của bài:
  • Mọi chuyện bắt đầu từ một bức email do Zuckerberg gửi đến Koum vào năm 2012, họ đã trở thành bạn và nói chuyện nhiều lần về những vấn đề công nghệ.
  • Koum muốn WhatsApp được tiếp tục hoạt động độc lập, còn giá trị thương vụ phải gần với con số 20 tỉ USD
  • Koum chấp nhận lời đề nghị về với Facebook vào ngày 14/2 năm nay, hai CEO đã cùng nhau ăn mừng bằng một chai rượu Johnnie Walker Blue Label.
  • Trước đó không lâu, các nhà đồng sáng lập WhatsApp đã gặp CEO của Google và họ không nhận thấy ý định mua lại dịch vụ nhắn tin tức thời này. Tuy nhiên, nếu thực sự Google muốn thâu tóm WhatsApp thì lúc đó cũng đã quá muộn.
  • WhatsApp đặt sự ổn định lên hàng đầu, và sự cố rớt kết nối sau khi thương vụ được công bố chỉ là ngẫu nhiên.
  • Koum muốn rằng đến năm 2017, WhatsApp sẽ có khoảng 1 tỉ người dùng toàn cầu, và công ty đang tìm kiếm đơn giản hóa việc thanh toán phí sử dụng bằng cách thông qua các nhà mạng.
  • Ở thời điểm hiện tại, Koum đang dành sự chú tâm của mình cho hai ưu tiên: giữ cho WhatsApp chạy tốt và không để người dùng bỏ sang dịch vụ đối thủ.
Nội dung chính:

Bức thư mời

"Bắt tay cùng nhau nhé?"

Đây là dòng tiêu đề rất thường thấy trong hộp thư đến của Jan Koum trong mùa xuân năm 2012. Đó là những email đến từ các nhà đầu tư muốn đổ tiền vào công ty của ông, WhatsApp. Kể từ khi ra đời vào đúng ngày sinh nhật của Koum hồi 24 tháng 2 năm 2009, WhatsApp đã phát triển và trở thành một hiện tượng mang tính toàn cầu. Khoảng 90 triệu người đã sử dụng ứng dụng này để gửi đi những tin nhắn và hình ảnh miễn phí, không phải chi tiền SMS/MMS cho nhà mạng. Chưa có một công cụ xã hội nào lại tăng trưởng nhanh như thế. Ngay cả Facebook cũng chỉ mới có 60 triệu người dùng sau ba năm hoạt động. Và đã có lúc hơn 50% số người dùng xài WhatsApp mỗi ngày, một tỉ lệ đáng mơ ước đối với bất kì công ty mạng xã hội nào.

Quay trở lại với bức thư, Koum cũng nhìn vào đó và liếc xem tên người gửi Mark Zuckerberg. Đây lại là lần đầu tiên một nhân vật như thế gửi thư cho ông. Nhà sáng lập Facebook đã sử dụng WhatsApp và muốn mời Koum ăn tối. Koum như chết đứng, sau đó viết lại rằng ông sắp sửa phải đi du lịch và cũng đang phải đối mặt với vấn đề server của mình. Zuckerberg đề nghị rằng vậy thì họ hãy gặp nhau trước khi Koum đi. Thế là ông chuyển tiếp bức thư đó cho đồng sáng lập WhatsApp, ông Brian Acton, cũng như nhà đầu tư mạo hiểm của công ty, ông Jim Goetz, cũng là một đối tác của Quỹ tài chính Sequoia. Ông chèn thêm một chữ vào thư: "Phải theo vụ này!".

Đọc qua về lời mời, Acton nói: "Khi một người tầm cỡ Mark liên lạc với anh trực tiếp, anh phải trả lời lại họ". Cuối cùng thì Koum cũng đã có một bữa ăn trưa với Zuckerberg vào cuối tháng đó tại một tiệm ăn tên German Bakery với một sân vườn phía sau và cách 20 dặm (khoảng 32km) tính từ trụ sở Facebook. Trong bữa ăn, Zuckerberg nói ông rất xem trọng những gì Koum đã xây dựng được và gợi ý về việc sát nhập WhatsApp vào Facebook.

Kể từ đó trở đi là giai đoạn "tán tỉnh" kéo dài hai năm giữa hai công ty công nghệ đều trẻ và có lượng người dùng lớn. Từ sự ngưỡng mộ đến tình bạn và trong những phút cuối là một thương vụ diễn ra. Trong thương vụ này, Facebook sẽ chi cho WhatsApp 4 tỉ USD tiền mặt, cộng thêm vào đó là số cổ phiếu trị giá 12 tỉ USD (chiếm cổ phần 8,5% trong WhatsApp). Ngoài ra, Facebook cũng sẽ chi thêm khoảng 3 tỉ USD nữa cho 45 triệu cổ phiếu giới hạn vốn sẽ được phân phối cho nhân viên WhatsApp trong vòng 4 năm tới.

0304_whatsapp-chart_1024x510.

Thương vụ đã củng cố thêm cho vị trí "hái ra tiền tỉ" của Zuckerberg. Còn Koum, một kĩ sư ngại ngùng nhưng lại cực kì sáng dạ đi từ Ukraine sang Mỹ với hai bàn tay trắng, sẽ gia nhập vào hàng ngũ của Facebook với số tiền 6,8 tỉ USD trong túi sau khi đã tính thuế.

Đồng sáng lập của ông, Brian Acton, một người đàn ông 42 tuổi từng là kĩ sư cho Yahoo và cũng là người bị Twitter và Facebook từ chối nhận vào làm việc, sẽ có được số tiền 3 tỉ USD sau thuế. Ông nhận xét về thương vụ này là "đáng kinh ngạc". Trong khi đó, Sequoia, quỹ đầu tư duy nhất nhất có phần trong thương vụ, thì thu được 3,5 tỉ USD, gấp 60 lần so với khoản đầu tư 58 triệu USD mà họ đã bỏ ra trước đó ở những buổi đầu của WhatsApp.

Những con số nói trên hoàn toàn "điên rồ" cho một công ty có 56 nhân viên với doanh thu tầm 20 triệu USD, nhưng điều đó lại hết sức có lý với Facebook. Ít ai ngờ được WhatsApp - một công ty thậm chí còn chẳng có được tấm bản hiệu tại cơ quan của mình ở thành phố Mountain View, bang California - lại trở thành một trong số những công cụ giao tiếp được sử dụng nhiều nhất sau email và điện thoại. Và họ đang chuẩn bị giới thiệu tính năng video call vào cuối năm nay nữa.

Sự phổ biến của WhatsApp trên thế giới

470 triệu người dùng hiện nay của WhatsApp đã lấy đi 33 tỉ USD doanh thu SMS từ các nhà mạng trên khắp thế giới vốn giàu lên từ việc tính tiền những tin nhắn gửi đi. Trong khi đó, WhatsApp không tính một xu nào cho người dùng của mình trong năm đầu tiên, và mỗi năm sau đó chỉ yêu cầu họ trả 1$ duy nhất để nhắn bao nhiêu tin tùy thích. Không quảng cáo, không bán sticker vui vẻ, không tính phí dịch vụ cao. Trong những cuộc thảo luận sau đó, Zuckerberg hứa rằng các nhà sáng lập WhatsApp sẽ không phải chịu "bất kì áp lực nào" từ việc kiếm tiền và nhiệm vụ của họ chỉ "đơn giản" là kết nối 4, 5 tỉ người trên toàn cầu lại với nhau trong vòng năm năm tới.

WhatsApp có thể sẽ giúp cho Zuckerberg kiếm được rất nhiều tiền. Với mỗi người dùng của mình, WhatsApp tốn 5 cent (tức 0,05$) để hỗ trợ cho người đó, và họ tính phí ở các quốc gia như Mỹ và Anh, những nơi mà việc trả tiền cho các dịch vụ di động đã trưởng thành. WhatsApp tin rằng doanh thu 1 tỉ USD mỗi năm là hoàn toàn trong tầm tay vào năm 2017 khi mà dịch vụ của công ty đã phát triển đủ mạnh. Những nguồn tin nội bộ nói rằng WhatsApp thậm chí còn có thể tính tiền các doanh nghiệp để họ có quyền gửi tin nhắn quảng cáo với sự cho phép từ phía người dùng.

Rủi ro lớn nhất, cũng như mọi khi, đó là sự ra đi hàng loạt của người dùng đối với các dịch vụ kiểu như WhatsApp. Điều đó chưa diễn ra ở thời điểm hiện tại. Đồng sáng lập Acton xác nhận rằng WhatsApp đã ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 1 triệu người dùng mới mỗi ngày kể từ ngày 1/12/2013.

WhatsApp-growth.

Hầu hết mọi người ở Hong Kong có smartphone sẽ xài WhatsApp. Ở Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, bạn còn có thể thấy được chương trình WhatsApp Academy chiếu trên TV. Ở Hà Lan, khoảng 9,5 triệu người đang tích cực sử dụng nó, và từ "Whatsappen" giờ đây đã trở thành một động từ có nghĩa là hành động gửi tin nhắn bằng WhatsApp. Trong khi đó, các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở Brazil thì dùng tính năng chat nhóm của WhatsApp để tổ chức các cuộc đình công ngay trong những trận đấu.

Goetz, đối tác của quỹ đầu tư Sequoia, nói rằng "Vào một thời điểm nào đó trong tương lai không xa, WhatsApp có thể sẽ loại bỏ toàn bộ SMS trên toàn cầu". Mới tuần trước thôi có tin đồn rằng Zuckerberg đã có một cuộc họp kín với khoảng 20 quan chức đến từ các nhà mạng để xoa dịu nỗi lo lắng rằng công ty của họ sẽ bị chôn vùi bởi những dịch vụ Internet miễn phí như Facebook và WhatsApp.

Cái hẹn với Google

Quay trở lại năm 2012, trước khi tất cả mọi điều điên rồ diễn ra, Koum đã có thời gian không muốn làm gì sau bữa ăn trưa với Zuckerberg. Ông và Acton nhận 8 triệu USD từ quỹ Sequoia và không muốn gì hơn là sự độc lập và tự do. Họ hiếm khi đi tới các sự kiện gặp gỡ tại Thung lũng Silicon và cũng không thích thú gì lắm đối với các lời mời hợp tác. Vậy mà Facebook đã làm được điều tưởng như không thể. Zuckerberg và Koum khi đó lại trở thành bạn của nhau, họ gặp nhau một lần mỗi tháng để ăn tối.

Trong một năm sau đó, WhatsApp tập trung vào việc tăng lượng người dùng lên 300 triệu. Vào tháng 6 năm 2013, nhà sáng lập Koum đã gặp Sundar Pichai, phó chủ tịch chịu trách nhiệm mảng Android và Chrome của Google. Họ nói về tình yêu của mình đối với các sản phẩm kĩ thuật số có thiết kế sạch sẽ và đơn giản. Vào đầu năm nay, Pichai quyết định rằng sẽ tốt hơn cho Koum và Acton khi họ gặp CEO Larry Page. Họ đồng ý gặp nhau vào ngày 11/2/2014, tức là ngày thứ Ba.

Vào thứ Sáu trước khi cuộc gặp đó diễn ra, một nhân viên WhatsApp đã chạy đến trưởng bộ phận kinh doanh của Facebook, ông Amin Zoufonoun, và nói với ông này rằng Koum đang chuẩn bị gặp Page. Zoufonoun, người từng giúp Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỉ USD vào tháng 4/2012, quay trở lại công ty thật nhanh để thúc đẩy thương vụ vốn đã có những tiến độ nhất định trong một thời gian dài.

Whats_App_1.

Zuckerberg mời Koum đến nhà vào đêm thứ Hai sau đó và nói về một thương vụ có thể giúp WhatsApp trở nên độc lập song song với việc biến Koum trở thành một thành viên trong ban quản trị Facebook. "Đó là một việc hợp tác mà tôi có thể giúp đưa ra các quyết định về công ty", Koum nhớ lại. "Sự kết hợp của tất cả mọi thứ từng được thảo luận chính là thứ làm cho chúng tôi cảm thấy thú vị".

Ngày hôm sau Koum và Acton lái xe đến trụ sở Google và gặp Larry Page cũng như Pichai tại một trong những phòng họp "rực rỡ" nhất tại công ty này. Họ nói khoảng một tiếng đồng hồ về những chuyện thế giới cũng như các chuyện về di động và mục tiêu của WhatsApp. "Đó là một cuộc đối thoại thú vị, và Page là một người rất thông minh", Koum nói.

Khi được hỏi liệu ông có biết rằng Page đang có ý muốn mua WhatsApp hay không, Koum nói ngay: "Không. Có lẽ tôi không giỏi đọc tâm trí anh ấy".

Nếu Page có hứng thú mua lại WhatsApp như một số bài báo từng viết thì cuộc gặp mặt đó cũng đã quá muộn. Mọi thứ dường như đã sẵn sàng và tại WhatsApp, các nhà đồng sáng lập cũng như ban cố vấn của mình đang tính xem họ nên đòi bao nhiêu cho thương vụ này. Một nguồn tin thân cận với công ty nói rằng các nhà lãnh đạo WhatsApp dành nhiều mối quan tâm hơn cho sự độc lập chứ không phải là tiền bạc, nhưng một số khác lại nói họ tin rằng công ty của họ có giá ít nhất phải là 20 tỉ USD, một con số được tính dựa vào giá trị thị trường của Twitter (hiện đang là 30 tỉ USD), cộng với đó là dữ liệu về số lượng người dùng WhatsApp toàn cầu cũng như kế hoạch tương lai của họ liên quan đến việc kiếm tiền.

Những bữa ăn tối quan trọng

Vào ngày thứ Năm kế tiếp, Koum và Acton đến nhà Zuckerberg để ăn tối vào lúc 7 giờ, và đó cũng là lần đầu tiên Acton gặp Zuckerberg. "Một ngày nào đó tôi muốn các bạn sẽ phát triển lớn hơn cả chúng tôi tính theo số lượng người dùng", Zuckerberg nói với họ, "Những gì các bạn làm được không phải là một điều bình thường". Vị CEO Facebook nói với Koum và Acton rằng ông muốn họ tiếp tục làm những gì họ đang làm, nhưng dưới sự bảo hộ về mặt pháp lý, tài chính và nguồn lực kĩ thuật mạnh mẽ của Facebook.

Đến khoảng 9 giờ tối hôm đó, Acton về nhà với gia đình nhỏ của mình, trong khi Koum và Zuckerberg thì ở lại chơi bài poker với nhau. Một nguồn tin nói với Forbes rằng Zuckerberg đã đưa ra giá 15 tỉ USD hoặc cao hơn, trong khi Koum chia sẻ rằng ông muốn khoảng 20 tỉ USD. Nhà sáng lập Facebook nói rằng hãy cho ông thêm thời gian.

Koum-and-Acton-e1393958437244.
Hai nhà sáng lập WhatsApp

Một ngày sau, tức là 14/2/2014, Koum và Acton có một buổi chụp ảnh với tờ Forbes tại trụ sở làm việc của mình. Khi nhiếp ảnh gia rời đi lúc 6 giờ 30 chiều, Koum lên chiếc Porsche và đi đến nhà của Zuckerberg cho một buổi họp khác nữa. Koum đã bác bỏ một bài báo nói rằng ông đã chen ngang vào bữa tiệc Valentine của Zuckerberg với vợ. "Không phải ở đó đang có bữa ăn tối và nến mà tôi lại tông vào cửa đâu", Koum nói.

Ngay lúc đó Priscilla Chan, vợ của Zuckerbergs, vừa đi làm về. Trong bữa ăn, Koum cùng với Zuckerbergs đã bàn về các chi tiết cuối cùng của thương vụ cũng như sự tự do của WhatsApp khi về với Facebook, nhưng cả hai vẫn chưa quyết định sẽ kí vào bản hợp đồng.

Quyết định về với Facebook

Cuối cùng, lại thêm một ngày nữa, tức là vào tối thứ Bảy, Koum và Zuckerberg chuyển từ một cuộc nói chuyện trong bếp sang ngồi ở ghế sô-pha trong phòng khách. Zuckerberg khi đó đưa ra số tiền 19 tỉ USD tổng cộng kèm theo những điều khoản mà Koum muốn.

Koum chờ Zuckerberg rời khỏi phòng để lấy điện thoại ra gọi cho Acton, lúc đó đang ở nhà của mình. Khi đó là khoảng 9 giờ tối. Koum nhớ lại ông đã nói cho người bạn của mình về những chi tiết trong thương vụ và hỏi: "Anh có muốn tiến tới hay không?" Acton trả lời: "Tôi thích Mark. Chúng ta có thể làm việc cùng nhau. Hãy chốt thương vụ này đi".

Koum đi ra khỏi phòng vào gặp Zuckerberg. Ông nói: "Tôi vừa nói chuyện với Acton xong. Anh ấy cũng nghĩ rằng chúng ta nên làm việc cùng nhau, rằng anh là một người tốt và chúng ta nên làm chuyện đó".

Hai người họ ngay lập tức bắt tay rồi ôm nhau. Zuckerberg nói rằng nó việc đó thật là "hứng thú *** ***" và khui một chai Johnnie Walker Blue Label để ăn mừng. Đây cũng là loại rượu mà Zuckerberg biết rằng Koum rất thích. Ngay sau đó mỗi người bọn họ gọi cho giám đốc phát triển kinh doanh của mình để ghé qua và tiến hành hoàn tất các thủ tục liên quan. Khoảng một tiếng sau Koum lái xe về nhà và đi ngủ.

Jan-Koum.
Jan Koum
Trong cuối tuần đó, các luật sư cũng như ngân hàng đã chạy đua với thời gian để soạn thảo những giấy tờ cần thiết trước khi nhân viên của WhatsApp và Facebook đi dự triển lãm MWC 2014 ở Barcelona, Tây Ban Nha. Thay vì kí kết thương vụ ở trụ sở WhatsApp, họ lái xe đến số 101 Đại lộ Moffett cách đó hai dãy nhà, cũng là tòa nhà bỏ hoang nơi Koum từng lấy phiếu thực phẩm hồi thời niên thiếu. Koum kí tờ giấy ở cửa chính.

Khi họ quay trở lại văn phòng, Koum gửi một tin nhắn bằng WhatsApp cho "All WhatsApp", nhóm chat được thành lập riêng cho nhân viên công ty, để nói họ đến phòng họp chung vào 2 giờ chiều hôm đó. Sau khi mọi người đã vào đầy đủ, ông nói: "Thưa các bạn, đây là những gì đang diễn ra. Chúng ta sẽ sát nhập với Facebook". Koum và Acton nói với các nhân viên đang bị sốc của mình rằng họ sẽ ổn thôi và sẽ tiếp tục hoạt động độc lập. Vào 2 giờ 30, cửa phòng họp lại mở ra và Mark Zuckerberg bước vào. Ông nói một vài điều với lượng nhân viên ít ỏi của WhatsApp và bắt tay họ. Sau một cuộc họp với các nhà đầu tư, Koum quay trở lại công việc của mình. "Chúng ta vẫn còn một công ty để điều hành".

Con đường phía trước và hai mục tiêu quan trọng

Giờ thì đến lúc Zuckerberg và Koum nghĩ cách làm cho WhatsApp xứng đáng với số tiền 19 tỉ USD mà Facebook vừa đồng ý chi. Bước đầu tiên cả hai cần làm đó là đảm bảo rằng ứng dụng này tiếp tục hoạt động như từ trước đến nay. Ngay hôm thứ Bảy sau khi thương vụ chính thức công khai, mọi người trên khắp thế giới đã truy cập vào server của WhatsApp để đăng kí sử dụng, thế là dịch vụ nhắn tin này bị tê liệt trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Thời điểm này chỉ là vô tình trùng hợp, nhưng theo lời Acton thì dù sao đi nữa nó vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực đến một công ty khởi nghiệp vốn xây dựng danh tiếng nhờ sự ổn định trong hoạt động và kết nối của mình.

Koum và Acton từ trước đến giờ vẫn luôn hết sức quan tâm đến máy chủ của WhatsApp đến nỗi không ai được nói chuyện với nhân viên quản trị hệ thống trong những tháng chuẩn bị cho đợt bùng nổ tin nhắn vào thời điểm Giáng Sinh. Khách đến công ty cũng không được phép vào khu vực này bởi WhatsApp sợ nhân viên sẽ sao nhãng. Ở đây còn có một tấm bảng trắng ghi số ngày tính từ lần hỏng hóc hoặc lỗi gần đây nhất, tương tự như cách mà các nhà máy hiển thị thông tin về số thương vong trong quá trình lao động.

Acton nói: "Một tin nhắn cũng giống như là đứa con đầu lòng của bạn. Chúng ta không bao giờ được phép đánh rơi nó". Anh lấy cho phóng viên Forbes xem một tấm ảnh cha dượng của mình được gửi vào điện thoại hồi tháng 4/2012. "Đây là lý do vì sao tôi ghét Snapchat", dịch vụ nhắn tin nhưng có đặc điểm là ảnh và tin chat sẽ bị xóa sau khi người dùng xem chúng.

Sự thành công của WhatsApp còn phụ thuộc vào một số lợi thế về mặt kĩ thuật: Koum đã làm cho WhatsApp trở thành một trong những ứng dụng di động đầu tiên có khả năng đồng bộ danh bạ với điện thoại. Sau lần anh nổi đóa vì quên tên tài khoản và mật khẩu Skype, anh đã thiết lập nên một quy trình đồng hóa số điện thoại cho WhatsApp, loại bỏ đi việc sử dụng username và password truyền thống mà biết bao dịch vụ trực tuyến vẫn còn đang sử dụng. Điều đó khiến việc nhắn tin WhatsApp cũng đơn giản như là nhắn tin SMS. Koum nói, những số điện thoại của bạn bè mà bạn lưu trong điện thoại chính là "mạng lưới ngoài đời thực của bạn".

Koum và Acton cũng lấy kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Yahoo của họ để dựng lên một mạng lưới server có thể đảm đương dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng mà không bị nghẽn. "Thay vì áp dụng chiến lược khuếch trương nhanh chóng, chúng tôi sử dụng cách khác", hai nhà sáng lập chia sẻ. Thay vì chỉ sử dụng dịch vụ đám mây của Amazon, WhatsApp còn dùng các máy chủ của riêng mình và thiết lập cho chúng chạy những hệ điều hành rất hiếm người dùng, ví dụ như Erlang - được xây dựng cho ngành viễn thông, và FreeBSD - một giải pháp không phổ biến bằng Linux nhưng được tối ưu hóa cho server. Điều này mang lại cho WhatsApp khả năng kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng của mình.

Sự đơn giản trong giao diện người dùng cũng như tốc độ hoạt động nhanh chóng của WhatsApp có thể loại bỏ hoàn toàn những đối thủ khác trong cùng lĩnh vực, tương tự như cách Facebook đánh bại MySpace và Orkut, nhưng mô hình kinh doanh của hãng thì lại khác. Những dịch vụ nhắn tin Over-The-Top khác (như KakaoTalk, LINE, Kik hay thậm chí là Zalo của Việt Nam) liên tục đuổi theo WhatsApp về số lượng người dùng, tuy nhiên họ lại không tính tiền người dùng cuối về việc chat. Thay vào đó, họ thu tiền quảng cáo, tiền bán game, sticker và những vật phẩm khác có thể dùng kèm trong app.

Và dường như nguồn thu này béo bở hơn so với cách thu tiền 1$/năm từ năm sử dụng thứ hai như WhatsApp. Kakao được dự báo sẽ là sẽ đem về 200 triệu USD lợi nhuận trong cả năm tài chính 2013, trong đó phân nửa đến từ game. LINE, dịch vụ nhắn tin được kì vọng sẽ sớm mở bán cổ phiếu ra công chúng (IPO), đang được định giá khoảng 8 tỉ USD và họ đã kiếm được 336 triệu USD doanh thu trong năm qua nhờ việc bán sticker điện tử, các game cũng như cung cấp tài khoản đặc biệt cho nhiều công ty quảng cáo.

Còn theo Acton, những thứ bán thêm đó đều là "đồ tạp nham". Ông sợ rằng việc cung cấp sticker sẽ kéo WhatsApp vào mảng kinh doanh nội dung, giống như cách mà các con thỏ, con gấu của ứng dụng LINE giờ đây đã được mang lên truyền hình tại Nhật. Nhiệm vụ tối cao của WhatsApp phải là tính ổn định.

Ưu tiên số hai của WhatsApp là giữ cho người dùng không chuyển sang xài các dịch vụ nhắn tin đối thủ. Và nỗi lo về việc này cũng là nguyên nhân Zuckerberg đồng ý chi rất đậm mặc dù những đối thủ khác nói rằng không có gì ngăn được người dùng rời bỏ Zuckerberg, và rằng các nhà sáng lập công ty đang có một tầm nhìn hẹp.

Mô hình kinh doanh của WhatsApp sẽ tiếp tục thành công?

Tiền sẽ chảy về túi WhatsApp nhiều hơn nữa khi mà công ty tìm được cách thanh toán dễ dàng cho người dùng thông qua nhà mạng. Koum không muốn nhận lấy rủi ro khi buộc người dùng phải sử dụng một hệ thống yêu cầu thanh toán phức tạp nào đó để rồi người dùng bỏ chạy sang các dịch vụ đối thủ. Ở thời điểm hiện tại, WhatsApp chỉ mới tính tiền ở một số nước như Mỹ và Anh, những nơi tỉ lệ người dùng sở hữu thẻ tín dụng lớn hoặc các phương thức thanh toán di động đã phổ biến. Trong khi đó, tại Hà Lan, nơi một nửa dân số đang xài WhatsApp nhưng vẫn chưa thu tiền được một cách dễ dàng.

Google hiện cũng đang bắt tay với các nhà mạng để giúp việc trả tiền cho các ứng dụng Android trở nên dễ dàng hơn, cụ thể là trừ thẳng vào tài khoản của thuê bao, nhưng hiện tiến độ vẫn chưa đủ nhanh. Đến giờ chỉ mới có 21 quốc gia chấp thuận các thanh toán này, và việc thanh toán cũng chưa được chuẩn hóa. Koum nghĩ rằng tiền sẽ thật sự chảy về từ năm 2017 trở đi, và thời điểm đó ông dự đoán WhatsApp sẽ có khoảng 1 tỉ người dùng.

Neeraj Arora, quản lý trưởng bộ phận phát triển kinh doanh của WhatsApp, cho biết: "Chúng tôi vẫn đang trong quá trình kiếm thêm tiền. Doanh thu không quan trọng đối với chúng tôi". Arora là người đã giúp WhatsApp hợp tác với hơn 50 nhà mạng để họ tích hợp sẵn ứng dụng này vào các gói cước nhắn tin. WhatsApp cũng ký một thỏa thuận phi thương mại với Nokia để thêm vào nút WhatsApp vào mẫu điện thoại giá rẻ Asha 210.

Ted Livingston, một cựu kĩ sư BlackBerry và cũng người đã lập ra ứng dụng nhắn tin dành cho các bạn teen mang tên Kik, từng phát biểu: "Trong năm năm qua WhatsApp đã tập trung vào việc cung cấp 'SMS nhưng miễn phí', và họ đã làm tốt điều đó. Nhưng đến một lúc nào đó, người dùng sẽ tiếp tục bước đi". Kik hiện đang bán các sticker điện tử vui nhộn cũng như cho phép người dùng chơi game cùng nhau trong ứng dụng của mình bên cạnh tính năng nhắn tin thông thường. "Đây là lý do vì sao đối với tôi, WhatsApp trông cũng giống như BlackBerry. Trong hàng năm trời BlackBerry đã tập trung chỉ riêng vào mảng email. Nhưng khi người dùng hiểu được điều đó, họ sẽ hỏi 'Vậy cái gì sẽ là cái tiếp theo?'. iPhone đã trở lời câu hỏi đó, và trong phút chốc BlackBerry bị bỏ lại đằng sau".

Kết

Ở thời điểm hiện tại, Koum đang dành sự chú tâm của mình cho hai ưu tiên: giữ cho WhatsApp chạy tốt và không để người dùng bỏ sang dịch vụ đối thủ. Ông có thể làm điều này mà không phải lo gánh nặng về tài chính và pháp lý như khi còn là một công ty độc lập. "Cơ bản điều mà chúng tôi quan tâm đó là xây dựng một sản phẩm tốt, một trải nghiệm tốt cho người dùng. [Zuckerberg] hiểu rõ hiệu ứng dây chuyền và anh ấy lúc nào cũng nói về việc làm cho thế giới mở và kết nối hơn. Việc kết nối mọi người chính là chỗ dành cho chúng tôi".

Nguồn: Forbes

Nokia được cấp bằng sáng chế sử dụng ánh nhìn và cử chỉ bàn tay để tương tác với kính mắt thông minh

Ban_quyen_Nokia_tuong_tac.
Nokia mới đây đã được cấp một bằng sáng chế liên quan đến cơ chế điều khiển những chiếc kính thông minh, thứ mà hãng gọi là Near to Eye Display - NED (tạm dịch: màn hình cận mắt). Nokia ghi trong bản quyền rằng các phương thức điều khiển hiện tại như theo dõi chuyển động, theo dõi mắt, chạm cảm ứng thường phức tạp, không tiện nghi và khó sử dụng. Để khắc phục, hãng đưa ra hai đề xuất dễ dàng và thân thiện hơn: theo dõi ánh nhìn của người dùng bằng một chiếc camera hồng ngoại đặt phía trước thiết bị và hướng vào mắt, và xài thêm chiếc camera thứ hai hướng ra ngoài để theo dõi sự di chuyển bàn tay.

Cụ thể hơn, ở giải pháp thứ nhất, ánh nhìn của người dùng "sẽ được cấu hình để di chuyển con trỏ trên màn hình". Đến một lúc nào đó khi người dùng ngừng nhìn hoặc chỉ đưa mắt đi một khoảng rất ít, thiết bị đeo được sẽ theo dõi chuyển động bàn tay bằng camera và chạy thao tác tương ứng nếu ít nhất một cử chỉ được phát hiện. Những cử chỉ này có thể là cái nắm tay, lắc tay hoặc di chuyển lòng bàn tay lại gần/ra xa camera. Màn hình sẽ hiển thị những biểu tượng hoặc hình động để người dùng biết được điều gì đang xảy ra. Bằng sáng chế này cũng đề cập đến việc sử dụng chớp mắt để chọn lấy một menu nào đó nữa.

Nguồn: W.Pat.tc

Steve Jobs từng nói không với TV trong cuộc họp kín cùng các nhân viên Apple

[​IMG]
Ảnh minh họa
Trong một cuộc họp kín với nhân viên của mình vào năm 2010, Steve Jobs từng tiết lộ rằng Apple sẽ không ra mắt TV. Câu trả lời này được vị cố CEO đưa ra một cách dứt khoát, đồng thời chia sẻ thêm rằng "TV là một mảng kinh doanh không tốt. Nó không có lời nhiều và biên độ lợi nhuận thì quá tệ". Theo trang Business Insider, một chiếc iPhone sẽ được người dùng thay mới sau 2 năm và sản phẩm này mang lại lợi nhuận rất lớn cho Apple, trong khi một chiếc TV phải đến 8 năm mới được thay thế và không đạt mức lời cao. Từ đó đến nay đã hơn 3 năm, và một mẫu TV thực thụ với logo Apple vẫn chưa xuất hiện.

Mặc dù vậy, Steve Jobs nói ông vẫn muốn kiểm soát phòng khách của người tiêu dùng. Ông cũng cho biết rằng Apple TV, chiếc hộp truyền nội dung nhỏ nhỏ, vẫn sẽ tiếp tục là một sản phẩm "làm theo sở thích" cho đến khi nào Apple có đủ tất cả những nội dung số cần thiết.

Một số nhân viên trong phòng lúc đó tin chắc rằng Steve Jobs hoàn toàn không muốn Apple bước vào mảng TV, trong khi một số khác thì nghĩ rằng Jobs nói đội ngũ nhân viên của mình hãy tập trung cho các sản phẩm mà họ đang bán thay vì cố gắng làm ra một chiếc TV quá sớm.

Những chi tiết nói trên được Yukari Iwatani Kane, một cựu phóng viên của trang Wall Street Journal, thu thập cho quyển sách "Haunted Empire: Apple After Steve Jobs" của mình. Bà viết thêm là cuộc họp kín này mang tên Top 100 bởi nó có sự tham gia của 100 nhân viên cao cấp nhất trong cơ cấu Apple. Đây cũng là nơi các sản phẩm mới thường được giới thiệu trước cho nội bộ công ty, và tất nhiên là không một ai được tiết lộ về những thiết bị xuất hiện trong cuộc họp Top 100.

Thông tin về việc Apple không làm TV mâu thuẫn với những gì Steve Jobs từng nói với Walter Isaacson, người đã giúp viết quyển tiểu sử của ông. "Tôi muốn tạo ra một chiếc TV với tính tích hợp cao và hoàn toàn dễ sử dụng... Nó sẽ đồng bộ hóa một cách tuyệt vời với thiết bị của bạn và với iCloud. Nó sẽ sở hữu giao diện người dùng đơn giản nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra. Tôi cuối cùng cũng bẻ được nó". Jobs nổi tiếng là một người nói một đằng làm một nẻo, và những sản phẩm "một nẻo" đó thường gây ra ảnh hưởng rất lớn, ví dụ như iPad chẳng hạn. Chúng ta hãy chờ xem sao.

Nguồn: Business Insider

Rò rỉ hình ảnh của Samsung ATIV SE chạy Windows Phone 8 với 6 cột Live Tile

Samsung_ATIV_SE.

Tài khoản Twitter evleaks mới đây đã cho đăng tải hình ảnh của chiếc Samsung ATIV SE chạy Windows Phone 8 dành cho nhà mạng Verizon, Mỹ. Thiết bị này sở hữu thiết kế nhìn giống với Galaxy S4 và cũng kế thừa nhiều đường nét từ người tiền nhiệm Samsung ATIV S 4,8". Không nhiều thông tin được tiết lộ, evleaks chỉ nói máy sẽ được ra mắt ngay trong năm nay. Nhìn hình ảnh chúng ta có thể thấy màn hình Start của ATIV SE hỗ trợ hiển thị đến 6 cột Live Tile dạng nhỏ, điều chỉ áp dụng cho các điện thoại chạy Windows Phone 8 Update 3 trở lên (biết đâu lại là Windows Phone 8.1) và sở hữu màn hình lớn hơn 5" độ phân giải Full-HD. Tinh tế sẽ tiếp tục chuyển đến bạn những thông tin mới nhất liên quan đến sản phẩm này.

Nguồn: Twitter

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

[Infographic] Microsoft chính thức ngưng hỗ trợ Windows XP vào ngày 08/04/2014

header.

Vào ngày 8 tháng 4 sắp tới, Microsoft sẽ chính thức ngưng hỗ trợ cho Windows XP sau 11 năm phát triển và cung cấp hệ điều hành này. Microsoft cho biết “Đã đến lúc chúng tôi, cùng với các đối tác về phần cứng và phần mềm, phải đầu tư nguồn lực nhằm hỗ trợ những công nghệ mới hơn để chúng tôi có thể tiếp tục mang đến những trải nghiệm mới tuyệt vời cho người dùng.”

Sau ngày đó sẽ không còn hỗ trợ kỹ thuật cho Windows XP, bao gồm cả bản cập nhật tự động giúp hỗ trợ bảo vệ máy tính của bạn. Bạn vẫn có thể sử dụng máy tính của mình bình thường nhưng có thể dễ gặp rủi ro về bảo mật và virus. Ngoài ra, vì các nhà sản xuất phần mềm và phần cứng ngày càng tối ưu các sản phẩm của họ cho các phiên bản mới của Windows nên bạn có thể sẽ gặp phải vài tính huống ứng dụng và thiết bị không hoạt động trên môi trường Windows XP.

Hãy theo dõi Infographic dưới đây để biết thêm thông tin và sớm cập nhật một hệ điều hành mới cho chiếc máy tính của bạn.

Microsoft-chinh-thuc-ngung-ho-tro-windows-xp.

Nguồn: visual.ly

[GMS 2014] Fiat nâng cấp 500 với động cơ mới, bổ sung thêm phiên bản Cult

Fiat-500-Cult-023.
Chiếc xe nhỏ Fiat 500 vừa qua đã được nâng cấp lên phiên bản 2014 với một số thay đổi ở thiết kế trong khi động cơ có thêm một phiên bản mới mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, Fiat còn bổ sung thêm một phiên bản cao cấp có tên 500 Cult với phần mui được sơn màu đen bóng, có thêm 3 màu mới cho thân xe là xanh lá, trắng ba lớp và xanh dương nhạt. Ngoài ra phiên bản này còn có 3 kiểu vành hợp kim mới với hai kích cỡ 15 và 16", nội thất bọc vải hoặc da, bảng điều khiển trung tâm mới tích hợp màn hình TFT 7".

Một số thay đổi ở ngoại thất trên 500 2014 có thể kể đến như ốp gương màu đen bóng hoặc màu crôm, viền đèn hậu màu đen và vành hợp kim 16" mới. Bên trong, nội thất xe nổi bật với ghế da mới có ba màu đen, nâu hoặc đỏ, bảng điều khiển đồng màu với thân xe để tạo điểm nhấn. Trang bị tiêu chuẩn bao gồm màn hình màu 7", điều hòa tự động, cảm biến đỗ xe, mui xe làm bằng kính với khả năng chống ánh nắng và tay lái trợ lực điện bọc da với tính năng Blue&MeTM.

Bên cạnh 4 loại động cơ khác, Fiat 500 2014 giờ đây được bổ sung thêm một động cơ mới và cũng là động cơ mạnh nhất. Đó là loại xăng TwinAir tăng áp, 2 xy lanh, dung tích 0,9 lít và có công suất 104 mã lực. Kết hợp với hộp số tay 6 cấp, xe chỉ cần đúng 10 giây để tăng tốc từ 0-100 km/h trước khi đạt tốc độ tối đa 188 km/h. Mức tiêu hao nhiên liệu kết hợp là 4,2 lít/100 km trong khi lượng khí thải CO2 là 99 g/km.

Ngoài ra người dùng còn có 4 tùy chọn khác đó là MultiJet II 1.3 công suất 94 mã lực, TwinAir Turbo 1.2 công suất 95 mã lực, TwinAir Turbo 0.9 công suất 84 mã lực và 1.2 công suất 68 mã lực. Hiện Fiat chưa tiết lộ giá cho 500 2014 mà chỉ cho biết thời điểm bán ra là vào quý 2 tới.


Nguồn: Carscoops