Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

[Mỗi tuần 1 phát minh] Lịch sử hình thành và phát triển của kem

banner.

Vào những ngày hè nóng bức như hiện nay, ngoài một cốc nước giải khát mát lạnh thì một ly kem cũng có thể làm chúng ta vơi đi phần nào cơn nóng. Kem là một loại thực phẩm phổ biến không chỉ là niềm đam mê đối với trẻ nhỏ mà còn được nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau yêu thích. Thế nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi kem có nguồn gốc từ đâu? Ai đã khai sinh ra kem mà chúng ta vẫn sử dụng hiện nay? Nó có lịch sử phát triển như thế nào? Chuyên mục "Mỗi tuần 1 phát minh" kỳ này mời các bạn cùng lên cỗ máy thời gian, trở về Trung Quốc cổ đại vào thời điểm 200 năm trước công nguyên để xem người xưa đã biết thưởng thức loại thực phẩm mát lạnh này như thế nào nhé.

Những ly kem đầu tiên

Trong thời kỳ của đế quốc Ba Tư, người ta đã biết đổ nước ép nho đậm đặc lên bát chứa đầy tuyết để dùng. Đây là loại thực phẩm thường được sử dụng trong những ngày nắng nóng. Tuyết từ mùa đông được lưu trữ trong những buồng ngầm gọi là "yakhchai" và sau đó được mang ra sử dụng dần khi mùa đông kết thúc. Ngoài ra ngay trong mùa hè, người dân vẫn có thể khai thác băng tuyết từ dãy núi Ecbatana gần đó.

Yakhchal_of_Yazd_province.
Những căn lều yakhchai được người Ba Tư dùng để trữ nước đá​

Vào năm 400 trước công nguyên, những người Ba Tư đã phát minh ra phương pháp ướp lạnh đặc biệt nhằm giữ lạnh cho nước hoa hồng và bún miến để cung cấp cho hoàng gia vào mùa hè. Băng tuyết được trộn với nghệ tây, trái cây và nhiều hương vị khác để tạo thành món ăn có dạng như kem.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy một người cụ thể nào có công phát minh ra kem. Theo những ghi chép được phát hiện và lưu trữ đến ngày nay cho thấy, nguồn gốc của kem có từ những năm 200 trước Công nguyên, khi người Trung Quốc cổ đại tạo ra món ăn từ gạo trộn với sữa sau đó được làm lạnh bằng cách đóng gói và vùi trong tuyết. Bấy giờ là thời Thương dưới sự trị vì của vị vua đầu tiên là Thiên Ất. Ông đã chiêu mộ hơn 90 "người đàn ông băng" để trộn một hỗn hợp gồm bột, long não và sữa trâu với nước đá.

Người Trung Quốc cũng được ghi nhận là chế tạo máy làm kem đầu tiên. Họ dùng một chậu chứa đầy hỗn hợp si rô, sau đó đóng gói chậu lại và vùi vào trong tuyết và muối.

Một trong số những loại thực phẩm có hình thức giống kem được chế tạo từ thời Alexander Đại đế, một người rất ưa thích tuyết trộn với mật ong. Có ghi chép lại rằng, hoàng đế Nero Claudius Caesar từ Rome cũng từng cho người tới những dãy núi để thu thập băng tuyết về sau đó trộn với nước trái cây tạo nên một hỗn hợp tương tự như kem trái cây ngày nay. Đây chính là những hình thức kem đầu tiên của con người. Tuy nhiên, bấy giờ kem chỉ phù hợp với tầng lớp quý tộc, vua chúa vì không phải ai cũng có điều kiện gởi người đi thu thập băng tuyết từ những đỉnh núi cao.

Kem bắt đầu lan tới Châu Âu

Một trong những tiền thân sớm nhất của kem hiện đại do Marco Polo đã mang một công thức chế biến từ Trung Quốc về Italy. Những công thức này tương tự như loại nước trái cây ướp đá mà chúng ta sử dụng ngày nay. Loại thực phẩm này ngay lập tức được giới quý tộc Ý rất ưa chuộng, trong số đó có nữ công tước Catherine de Medici (1519-1589). Do đó, khi bà kết hôn với vua nước Pháp bấy giờ là Henry II vào năm 1533, bà đã mang món tráng miệng này đến với nước Pháp.

Catherine-de-medici.
Catherine de Medici (1519-1589) Người đã mang kem từ Ý đến Pháp​

Đến những năm 1600, vua Charles I của nước Anh đã tỏ ra cực kỳ yêu thích món "kem" và ông cho rằng đây chỉ có thể được sử dụng trong hoàng gia. Do đó, ông đã ban thưởng tiền cho các đầu bếp của mình để giữ công thức làm kem như một loại tài liệu tuyệt mật và không được công bố rộng rãi ra bên ngoài. Tuy nhiên, 2 câu chuyện trên tại Pháp và Anh cho đến thế kỷ 19 mới được công bố. Do đó, hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về mức độ tin cậy của sự việc này.

Một trong những nơi đầu tiên phục vụ kem cho công chúng tại châu Âu là quán cà phê Procope ở Pháp vào cuối thế kỷ 17. Kem tại đây được chế biến từ sữa, kem, bơ và trứng. Tuy nhiên, kem vẫn chỉ phục vụ cho tầng lớp thượng lưu mà chưa thật sự phổ biến đến tất cả mọi người.

Kem xuất hiện và phát triển tại Mỹ

Những đề cập đầu tiên về kem tại Mỹ xuất hiện vào năm 1744, khi một thực dân Scotland đến thăm một ngôi nhà của thống đốc Maryland Thomas Bladen. Tại đây, ông đã được dùng bữa tối cùng với chủ nhà với món tráng miệng kem dâu đen. Ông đã ghi nhận lại trong nhật ký của mình về vị ngon của món ăn mà ông nếm được.

Mãi đến năm 1777, quảng cáo đầu tiên về kem xuất hiện trên tờ New York Gazette, một người bán kẹo trở về từ London mang tên Phillip Lenzi tuyên bố rằng cửa hàng của ông có thể cung cấp kem mỗi ngày cho tất cả mọi người. Lenzi đã trở về từ London cùng với công thức nấu kẹo từ mứt và thạch. Ngoài ra, ông còn mang về nhiều công thức bánh ngọt khác nhau và cao cấp nhất chính là kem. Kem được sản xuất bằng cách tạo nên hỗn hợp của kem, đường sau đó sử dụng muối và nước đá để làm lạnh nên có giá thành khá rẻ.

lenzi_quang_cao_kem_dau_tien.
Mẩu quảng cáo kem của Phillip Lenzi đăng tải trên tờ New York Gazette​

Những vị tổng thống Mỹ đầu tiên cũng tỏ ra khá thích thú đối với món ăn có tên là kem. Tổng thống George Washington đã mua tổng cộng khoảng 200 đô la kem (tương đương với 3000 đô la hiện nay) vào mùa hè những năm 1790 để sở hũu 2 thùng thiếc chứa kem. Một vị tổng thống Mỹ khác là Thomas Jefferson đã sáng tạo nên một công thức làm kem vani cho riêng mình và vợ của ông cũng đóng góp bằng món kem dâu đen của mình.

Mãi đến những năm 1800, kem vẫn là một món ăn dành cho những dịp đặc biệt do bấy giờ vẫn chưa có tủ lạnh để giữ kem dài ngày. Người ta vẫn sử dụng phương pháp làm lạnh bằng cách lấy băng từ các hồ nước và lưu trữ nó trong những thùng chứa bằng gạch phủ rơm xung quanh để giữ nhiệt. Kem vào thời điểm này được sản xuất bằng cách cho hỗn hợp làm kem vào trong một chiếc lọ, đóng kín miệng và cho vào một thùng nước đá trộn với muối.

Vào năm 1843, phương pháp này được thay thế bởi thùng có tay quay do Nancy Johnson sáng chế. Hỗn hợp làm kem được cho vào một hộp ngăn cách với nước đá và muối xung quanh. Sau đó một tay khuấy được đặt vào hỗn hợp để khuấy đều lên tạo thành một kem mịn hơn so với phương pháp trước đó.

Dù vậy, kem vẫn chưa được chính thức thương mại hóa và sản xuất với quy mô lớn cho tới khi Jacob Fussell xây dựng nhà máy sản xuất kem đầu tiên tại Pennsylvania vào năm 1851. Trước đó, Fussell là một thương lái mua sản phẩm sữa từ các nông dân ở Pennsylvania và bán chúng ở Baltimore. Ông nhận thấy rằng nhu cầu tiêu dùng sữa thường biến động không ổn định dẫn đến có lúc ông bị ứ động khá nhiều sản phẩm.

Do đó, ông có ý tưởng sẽ sản xuất kem nhằm đa dạng hóa sản phẩm mà mình buôn bán. Bên cạnh đó, do được sản xuất hàng loạt nên chi phí kem được cắt giảm đáng kể, từ đó khiến kem phổ biến với nhiều tầng lớp hơn. Dù vậy, thời điểm này vẫn chưa có sự xuất hiện của tủ lạnh.

Sự xuất hiện của công nghệ làm lạnh - Kem bắt đầu phát triển rộng rãi

Cho đến những năm 1870, sự phát triển của kem đã nhận được một bước tiến lớn nhờ vào việc Carl von Linde, một nhà phát minh người Đức đã phát triển thành công nền công nghiệp điện lạnh. Song song với sự phát triển của tủ lạnh, sự ra đời của các công nghệ tiên tiến như công nghệ hơi nước, mô tơ điện và đặc biệt là sự phổ biến của hệ thống điện đã đóng góp một phần không nhỏ cho phép việc sản xuất, vận chuyển và lưu trữ kem được thuận lợi hơn. Chính những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp này đã tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của kem như ngày nay.

Cho tới cuối những năm 1800, cùng với sự phổ biến rộng rãi của kem, những công thức làm kem tinh vi hơn bắt đầu được hình thành. Năm 1874 chứng kiến sự hình thành của kem soda. Tuy nhiên, tên gọi của loại kem này cũng có một điểm khá thú vị. Ban đầu, người nghĩ ra kem soda đặt tên nó là "sunday". Sau đó, các lãnh đạo tôn giáo đã ra "đạo luật xanh" nhằm cấm sử dụng tên gọi này do có phát âm giống với "Sunday" nghĩa là ngày Chúa nhật, hay trong tôn giáo gọi là ngày Sa bát. Do đó, người ta chọn từ "Sundae" để chỉ loại kem có trộn với mứt này.

kem_oc_que.
Kem Ốc quế​

Vào năm 1888, nữ đầu bếp Marshall đã xuất bản quyển sách dạy nấu ăn mang tên bà. Trong đó bà đã đề cập tới một dạng mới của kem là: kem ốc quế. Tuy nhiên, cách thực hành chế biến món kem này đến năm 1904 mới chính thức được phổ biến rộng rãi do sự xuất hiện của nó nhân dịp hội chợ tiêu dùng thế giới. Kể từ đây, loại kem với viên kem đặt lên miếng bánh hình nón bắt đầu được phổ biến rộng rãi đến tất cả mọi người.

Vào những năm 1930, kem bắt đầu được bán rộng rãi tại các cửa hàng bách hóa. Sau đó, kem trở thành một món ăn được cho là có lợi cho tinh thần của binh lính Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2. Cũng trong thời kỳ chiến tranh này, lực lượng vũ trang Hoa Kỳ trở thành nhà sản xuất kem lớn nhất nước Mỹ nhằm cung cấp đủ số lượng kem cho binh lính của mình.

Ngày nay, người ta ước tính có hơn 1,6 tỷ gallon kem và các sản phẩm tương tự được sản xuất ra tính riêng tại Mỹ, Thêm vào đó, trung bình mỗi người Mỹ ăn khoảng 4 gallons kem mỗi năm. Một điểm thú vị khác là quán cà phê Procope, nơi phục vụ kem đầu tiên tại châu Âu vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay và trở thành nhà hàng hoạt động lâu đời nhất tại Paris. Hiện tại theo thống kê, loại kem được ưa chuộng nhất chính là chocolate và vani. Tại Merida, Venezuela có tới 860 hương vị kem được sản xuất bao gồm cả vị nấm, vị rượu, vị mì ống, phó mát và cả kem cua.

Kết

Strawberry-Ice-Cream-ice-cream.

Cuối cùng thì chúng ta đã kết thúc chuyến hành trình tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của kem. Một ly kem nhỏ mà ngày nay chúng ta thưởng thức cũng có cả một bề dày lịch sử, từng là một món ăn vô cùng xa xỉ của tầng lớp thống trị, là một công thức bí mật chỉ có hoàng gia mới có thể chế biến,... Cuối cùng, mời các bạn bước xuống cỗ máy thời gian và bài viết cũng dừng lại tại đây.

Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hy vọng rằng qua bài viết, mỗi khi có dịp ăn kem cùng bạn bè, các bạn có thêm một câu chuyện tuyệt vời xoay quanh một ly kem tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng có cả một lịch sử lâu đời của nó. Hẹn gặp lại các bạn vào phát minh tiếp theo trong chuyên mục "mỗi tuần 1 phát minh" lần tới. Chúc các bạn có một ngày cuối tuần vui vẻ.


Lumia 1520 với Windows Phone 8.1 đã có thể up hình độ phân giải cao 2048 lên Facebook

Mình up thử hình chụp bằng 1520 với rom Windows Phone 8.1 lên Facebook và kết quả là nó đã cho up ở độ phân giải tốt nhất 2048px thay vì giảm độ phân giải và chất lượng xuống giống như hầu hết những chiếc máy khác trên trái đất. Vậy là sau iPad Retina, Xperia Z2 thì Lumia 1520 là chiếc tiếp theo có khả năng tuyệt vời này. Mình chưa rõ là với Windows Phone 8.1 thì tất cả những chiếc điện thoại chạy nó đều có thể như thế hoặc chỉ có 1520 và một số máy. Cái này chúng ta sẽ làm rõ hơn khi bản Windows Phone 8.1 được phân phối rộng rãi hơn. Lumia 1520 là chiếc điện thoại chụp hình tốt nhất hiện nay, và với khả năng up hình độ phân giải tốt nhất lên Facebook một cách trực tiếp thì rõ ràng nó lại được thêm điểm.

Dưới đây là 3 hình mình tải về từ Facebook. 3 hình này mìnnh up trực tiếp từ Lumia 1520 với WP8.1 lên Facebook.

793848_10203162295035548_1066247699565169791_o.860916_10203156164802296_9013356156860831860_o.1493365_10203162265874819_5230592402047898786_o.

[Tổng hợp] Các launcher và lockscreen thông minh dành cho Android

Android_launcher_thong_minh.

Android là một hệ điều hành mở, chính vì thế mà các nhà phát triển bên thứ ba có rất nhiều ý tưởng để giúp người dùng tùy biến chiếc điện thoại của mình. Màn hình chính/màn hình khóa thông minh cũng là một trong số đó và loại phần mềm này ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong khoảng một năm trở lại đây. Các launcher và lock screen thông minh sẽ giúp chúng ta sắp xếp các ứng dụng tự động theo từng mục khác nhau, hiển thị các thông tin liên quan dựa theo ngữ cảnh và thời điểm trong ngày, thậm chí còn đề xuất sẵn những app bạn thường dùng tùy theo địa điểm hoặc thời gian nữa. Hôm nay mình sẽ giới thiệu với các bạn vài launcher và lock screen như thế, hi vọng nó sẽ giúp các bạn sử dụng chiếc máy Android của mình một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn. Nếu các bạn có app nào tương tự thì đừng quên chia sẻ cho mọi người nhé.

1. Cover

Để mở màn thì mình giới thiệu với anh em một màn hình khóa thông minh mang tên Cover. Ứng dụng này vẫn còn đang trong giai đoạn beta nhưng nó hoạt động rất tốt, mình xài thì không thấy vấn đề gì xảy ra hết. Thậm chí Twitter cũng đã mua lại phần mềm này để chuẩn bị cho tương lai của hãng và may mắn là Twitter vẫn tiếp tục duy trì Cover trên App Store để chúng ta thoải mái tải về trải nghiệm.

Nói về tính năng thì Cover sẽ thay đổi danh sách các app thường dùng tùy theo ngữ cảnh. Nó bao gồm 3 giao diện Home (ở nhà), Work (văn phòng) và Car (lái xe). Tùy vào địa điểm hiện tại của bạn đang ở đâu mà Cover sẽ tự động chuyển đổi giữa 3 cái Lockscreen này với các ứng dụng tương ứng mà bạn hay xài ở những địa điểm đó. Ví dụ ở nhà thì hiện các app nghe nhạc, giải trí, lên văn phòng thì hiện các app email, công việc, còn lái xe thì chuyển sang các app bản đồ, radio. Tương ứng với mỗi nơi bạn cũng có thể cài đặt chế độ chuông để máy tự động chuyển nữa. Tất nhiên, vì mang tiếng là "thông minh" nên việc xác định vị trí, thời gian hoàn toàn do Cover thực hiện, chúng ta không phải chuyển tay một cách thủ công.

Cover.

Với những ứng dụng được Cover đẩy lên trên, bạn có thể nhanh chóng chạy chúng từ màn hình khóa bằng cách chạm tay vào biểu tượng tương ứng rồi kéo ngón tay sang phải. Ngay lập tức app sẽ mở ra, bạn không cần phải mở khóa lockscreen, sau đó mò mẫm tìm app như những gì chúng ta thường làm trước đây. Ngay ngoài lockscreen bạn cũng có thể trượt ngón tay lên xuống để duyệt qua nhiều ứng dụng khác nhau nữa đấy.

Tải về Cover (miễn phí)

2. Aviate

Đây không còn là lockscreen nữa mà là một launcher thông minh. Aviate đã được Yahoo mua lại, và cũng như trên, Yahoo vẫn quyết định mở cửa app cho chúng ta thoải mái xài chứ không đóng cửa nó. Tính năng chính của Aviate đó là sắp xếp lại các ứng dụng theo từng nhóm có liên quan đến nhau. Ngoài ra nó còn có khả năng học hỏi thói quen sử dụng điện thoại, xác định thời gian và địa điểm trong ngày rồi dựa vào đó đẩy những thông tin mà Aviate nghĩ rằng bạn cần nhất lên launcher.

Aviate.

Ví dụ đơn giản như thế này, vào buổi sáng mình thường hay kiểm tra email, thế là Aviate sẽ đưa ứng dụng Gmail ra ngoài để mình có thể chạy nó lên chỉ bằng một lần chạm duy nhất, ngoài ra nó còn cung cấp thêm thông tin thời tiết trong ngày. Còn khi tối xuống, vì mình hay nghe nhạc nên Aviate sẽ cho ứng dụng Music sẽ xuất hiện, kèm theo đó là một tính năng cho phép cài giờ báo thức để mình không dậy muộn ngày hôm sau. Những thao tác này bình thường bạn phải làm thủ công, phải chạy từng app lên để kiểm tra thông tin nên rất mất thời gian. Còn với Aviate thì mọi chuyện đã được “dọn sẵn”, bạn chỉ việc nhấn để xác nhận mà thôi. Thật tuyệt phải không nào?

Tải về Aviate (miễn phí)

Một số lưu ý khi dùng Aviate:
  • Lúc mới chạy lên, khi được hỏi về việc nhập code, bạn chọn dòng “Enter the Code” rồi nhập chữ HONEYBADGER vào
  • Để Aviate thật sự học hết thói quen của bạn thì cần khoảng một đến hai ngày.
  • Aviate có 4 khu vực chính: khu vực trung tâm là nơi bạn được chọn hình nền và xem các app mình thường dùng, trượt lên trên là khu vực thông minh với các thông tin hiển thị theo ngữ cảnh, trượt sang trái sẽ thấy nút chuyển giữa các chế độ với nhau, còn trượt qua phải là danh sách tất cả các app bạn đã cài vào máy (chúng được nhóm sẵn dựa theo mức độ liên quan).
3. EverythingMe

Phần mềm này đủ tốt và thông minh để Mozilla chọn làm launcher mặc định cho hệ điều hành Firefox OS phiên bản 2.0 sắp ra mắt. Ngoài khả năng tự động sắp xếp ứng dụng theo từng mục, EverythingMe cũng có khả năng học hỏi những ứng dụng nào bạn thường dùng tùy theo địa điểm và thời điểm trong ngày và đề xuất nó launcher thông qua một khu vực gọi là “Prediction bar”. Trong Prediction bar không chỉ có icon của các app mà còn có tính năng để bạn xem những thông tin trong ngày, chẳng hạn như sáng mới ngủ dậy thì mình sẽ coi được thời tiết ra sao, hôm nay mình có lịch hẹn nào không, có tin tức gì mới trên thế giới không.

EverythingMe.

Một tính năng rất hay khác của EverythingMe đó là Instant Search, một khu vực tìm kiếm hợp nhất cho phép chúng ta tìm kiếm nhiều loại nội dung khác nhau cả trong điện thoại lẫn trên Internet. Khi mình nhập chữ Tinhte thì EverythingMe sẽ tự tìm hết những số liên lạc nào có chữ Tinhte trong máy, sau đó nó lên mạng và tìm thấy nhiều kết quả khác nhau cho cụm từ này, từ trang web cho đến ứng dụng để duyệt diễn đàn. Sau đó, tất cả kết quả đều sẽ hiển thị ở một nơi duy nhất, rất thuận tiện cho chúng ta trong việc thao tác. Bạn không phải mở nhiều ứng dụng khác nhau để làm điều này. EverythingMe còn có khả năng tìm kiếm cả trong các tập tin nhạc, hình, phim được bạn lưu trên thiết bị của mình nữa đấy.

EverythingMe được cung cấp miễn phí, nhưng ngặt cái là không cho người dùng Việt Nam tải. Nhưng không sao, mình đã có cách khắc phục tình trạng này, đó là bạn hãy sao chép đường link của EverythingMe trên Play Store, dán qua trang APK Downloader rồi nhấn nút “Generate Download Link”. Tập tin APK sẽ được tạo ra cho bạn tải về, bước tiếp theo bạn chỉ việc cài nó như lúc cài bao app Android khác là đã có thể sử dụng được.

4. Themer

Themer cũng có tính năng thông minh đó là tự động nhóm các ứng dụng có liên quan vào các thư mục khác nhau, tuy nhiên điểm nhấn thật sự của nó nằm ở chỗ tùy biến giao diện launcher. Themer cung cấp cho bạn rất nhiều lựa chọn chủ đề khác nhau (khoảng hơn 200 cái), từ lãng mạn, huyền bí cho đến hiện đại, và những thành phần được áp dụng theme không chỉ là giao diện chung mà còn là biểu tượng của các app, thậm chí là cả widget nữa. Nếu bạn đã quá ngán với launcher mặc định của nhà sản xuất hoặc của Android thì bạn nên thử qua Themer. Nó giống như một làn gió mới thổi vào điện thoại của chúng ta, và thật sự Themer đem lại cho mình cảm hứng để tiếp tục dùng chiếc smartphone mua đã lâu.

Themer.

Để sử dụng Themer, sau khi cài đặt xong, bạn sẽ được chuyển vào khu vực chọn theme. Ở đây có rất nhiều thứ cho bạn lựa chọn, một số theme thậm chí còn có khu vực tương tác ví dụ như trình đọc tin tức hay ứng dụng gọi điện nữa. Các theme bạn đã tải về sẽ được liên kết vào tài khoản của bạn nên nếu bạn có đổi điện thoại mới hay dùng cùng lúc nhiều máy thì cũng không có vấn đề gì. Tất cả đều sẽ hiển thị như nhau. Bên dưới là một số hình từ các theme mà mình đã thử qua, anh em xem nhé.

Tải về Themer (miễn phí)

5. Google Now Launcher

Cuối cùng là một trình launcher khá quen thuộc với anh em, đó là Google Now Launcher. Thực chất ứng dụng này đã có mặt trên Nexus 5 từ lâu, nhưng mình muốn chia sẻ nó cho những người đang sử dụng cả các máy khác. Google Now Launcher nhắm đến sự đơn giản hóa nên Google thiết kế nó theo đúng phong cách của một launcher Android truyền thống với màn hình chính để đặt icon, widget và một khu vực duyệt qua tất cả phần mềm đã cài lên máy. Điểm khác biệt đó là launcher này được tích hợp Google Now, người trợ lý ảo thông minh sử dụng dữ liệu của Google. Google Now sẽ xuất hiện khi bạn cuộn hết qua cạnh trái của màn hình launcher. Bạn cũng có thể nói “OK Google” khi đang ở launcher để chạy tính năng tìm kiếm lên.

Google_Now_Launcher.

Google Now sẽ thông báo cho bạn biết thời tiết hôm nay ra sao, những tin tức gì mới, thời gian di chuyển từ nơi bạn đang đứng đến một nơi nào đó bạn vừa tìm kiếm là bao lâu. Hoặc nếu ngày thường 8 giờ bạn đi làm thì Now sẽ hiển thị bản đồ và thời gian ước tính từ nhà đến cơ quan, rồi 5 giờ chiều thì Now hiển thị đường đi theo hướng ngược lại. Chưa hết, khi bạn đi sang một chỗ lạ thì Now sẽ hiển thị những địa điểm đẹp xung quanh, thậm chí khi bay ra nước ngoài thì công cụ chuyển đổi tiền tệ sẽ xuất hiện sẵn sàng để chúng ta sử dụng. Nói cách khác, Now chính là trí thông minh của launcher này và sự thông minh của Now gần như là vô tận bởi Google rất thường xuyên cập nhật tính năng mới để Now có khả năng dự đoán và học hỏi nhiều hơn nữa.

Vì đây là ứng dụng độc quyền cho Nexus 5 nên để cài nó thì hơi rắc rối hơn một chút so với bình thường:
  1. Đảm bảo rằng bạn có ứng dụng Google Search phiên bản mới nhất trên máy
  2. Tải về tập tin nén này và giải nén, bạn sẽ được file GoogleHome.apk, PrebuiltGmsCore.apkVelvet.apk
  3. Chép chúng sang điện thoại, bạn có thể xài email, Dropbox hay chuyển tập tin bằng cáp USB đều được
  4. Tiến hành cài theo thứ tự sau: PrebuiltGmsCore.apk > Velvet.apk > GoogleHome.apk
  5. Khởi động lại máy và bắt đầu sử dụng Google Now Launcher.

Cách tiếp cận khác đối với các loại tài nguyên khan hiếm dựa trên nguyên lý cung-cầu

dong_ho_cat.

Chúng ta có lo lắng về sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên? Trong nghiên cứu mới của nhà khoa học Rachel Nuwer, vấn đề không hề đơn giản như chúng ta tưởng tượng. Trong số tất cả những tài nguyên trên thế giới, cái nào sẽ cạn kiệt đầu tiên? Xã hội càng tiêu thụ nhiều tài nguyên, chúng ta lại càng nghe nhiều về tình hình suy giảm của các loại khoáng chất và các loại nhiên liệu hóa thạch. Dĩ nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể giả định rằng một ngày nào đó tất cả tài nguyên sẽ vĩnh viễn biến mất.

Tuy nhiên, tất cả những giả thuyết trên có thể hoàn toàn sai trong cách nhìn nhận vấn đề. Theo các chuyên gia về tài nguyên thiên nhiên, nhiều loại vật liệu mà chúng ta đang sử dụng trong cuộc sống hiện đại này có thể sẽ không bao giờ "hoàn toàn" biến mất. Dù vậy, những kịch bản mà các chuyên gia đưa ra trong tương lai gần là hầu như đen tối.

Nhiều loại thiết bị mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như smartphone, máy tính hoặc các thiết bị y tế đề có nguồn gốc sử dụng các loại tài nguyên thiên nhiên. Chỉ riêng bên trong 1 chiếc điện thoại di động đã chứa từ 60 đến 64 nguyên tố. Armin Reller, nhà hóa học và chủ tịch hiệp hội chiến lược tài nguyên thiên nhiên tại Đại học Augsburg, Đức cho biết: "Nhiều kim loại dù được sử dụng một lượng rất nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng đối với các chức năng của thiết bị di động. Đó không chỉ là đồng, nhôm hoặc sắt mà còn là một loại vật liệu khác - nguyên tố đất hiếm. Người Nhật gọi đây là "hạt giống của công nghệ."

ipad.
Máy tính bảng và smartphone đều sử dụng đất hiếm - một loại nguyên tố hiếm trên Trái Đất

Loại nguyên tố vô cùng quan trọng trên nhận được sự quan tâm rất lớn từ chính phủ cho đến các công ty công nghệ hàng đầu. Đây là 1 thành phần quan trọng trong hầu hết các sản phẩm công nghệ mới từ smartphone, xe điện, tua bin gió, máy tình và nhiều thứ khác. Trung Quốc - quốc gia cung cấp hơn 90% lượng nguyên tố đất hiếm cho toàn thế giới - tuyên bố rằng trữ lượng đất hiếm chỉ đủ dùng cho 15 - 20 năm nữa. Điều tương tự cũng xảy ra đối với indium. Với nhu cầu sử dụng như hiện nay, indium cũng sẽ cạn kiệt trong vòng 10 năm tới. Đối với Bạch kim là 15 năm, bạc là 20 năm. Nhìn tới một tương lai xa hơn, một vài nhà nghiên cứu cho rằng nhôm sẽ cạn kiệt trong vòng 80 năm tới.

Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng rhodi, theo sau là vàng, bạch kim, telua là những nguyên tố hiếm nhất xét trên tỷ lệ phần trăm trong vỏ Trái Đất và tầm quan trọng đối với xã hội loài người. Một điều nghe có vẻ đáng ngạc nhiên từ một nghiên cứu gần đây: bạc, bạch kim, nhôm và một số nguồn khoáng chất khác sẽ không bao giờ hoàn - toàn - biến - mất khỏi Trái Đất. Đây là kết luận của Thomas Graedel, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sinh thái học tại Học viện lâm nghiệp và môi trường Yale.

Nguyên lý cung cầu có đủ khả dụng để giải quyết vấn đề?

Vấn đề "cạn kiệt" các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần phải được tiếp cận một cách đúng đắn. Trước tiên, chúng ta hãy nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực. Các nhà khoa học có thể không bao giờ khẳng định rằng "Trái Đất không còn Bạc nữa" khi chưa kiểm chứng được lượng bạc từ mọi ngóc ngách trên hành tinh này. Một lý do khác thực tế hơn, nếu thời điểm các nguồn tài nguyên thực sự cạn kiệt, giá thành của nó sẽ vô cùng đắt đỏ. Và lẽ dĩ nhiên, các nhà sản xuất sẽ tìm một loại vật liệu khác thay thế. Họ không bao giờ tạo nên một sản phẩm mà không sinh ra lợi nhuận. Các nhà sản xuất sẽ chọn một loại vật liệu thay thế khác, thậm chí là chấp nhận hiệu quả sử dụng sẽ thấp hơn.

Lawrence Meinert, Điều phối viên của chương trình Khảo sát địa chất và các nguồn tài nguyên cho biết: "Nguồn cung và nguồn cầu luôn có sự thay đổi cùng nhau. Khi giá cả thay đổi, con người luôn thích ứng với những thay đổi đó bằng cách thay đổi những gì họ cần và cách họ sử dụng nó. Điều này có nghĩa là bạn không bao giờ sử dụng những gì có giá quá cao. Và khi đó, bạn sẽ ngừng sử dụng nó."

Vào những năm 1980, việc khai thác các mỏ Cryôlit - sử dụng để khai thác quặng nhôm - đã dừng lại với lý do trữ lượng còn quá ít và không cân xứng giữa chi phí bỏ ra với lợi nhuận thu về. Sau đó, người ta đơn giản là chuyển sang phương pháp sản xuất nhôm mới bằng cách tổng hợp từ các tiền chất khác.

Tuy ví dụ về khai thác nhôm nói trên không phải là 1 loại tài nguyên quá hiếm trên Trái Đất. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng lối suy nghĩ tương tự cho các loại tài nguyên khác. Lawrence cho biết: "Thay vì suy nghĩ về còn bao nhiêu nguyên tố X hay khoáng sản Y nào đó trên vỏ Trái Đất, tại sao chúng ta không nghĩ tới một phương diện khác của vấn đề là chúng ta phải đối xử với những loại tài nguyên trên như thế nào thông qua việc xem chúng như 1 loại hàng hóa và chịu sự điều chỉnh cân bằng cung - cầu của thị trường."

indium.
Indium - nguyên tố sử dụng cho các thiết bị điện tử​

Một ví dụ điển hình với một vài loại tài nguyên thiên nhiên chẳng hạn như indium, được sử dụng rộng rãi trong màn hình máy tính và smartphone. Indium hiện đang là 1 sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào việc khai thác khoáng sản. Gần như toàn bộ nguồn cung indium hiện nay đều từ việc khai thác các mỏ kẽm và hầu như không hề có mỏ indium trong tự nhiên. "Thiên nhiên đã định nên cái giá của việc khai thác và sư dụng một loại nguyên tố nào đó. Có loại tài nguyên như nước hay năng lượng được ban tặng cho con người một cách gần như miễn phí. Ngược lại, con người phải trả một cái giá xứng đáng để có thể sử dụng các loại tài nguyên khác."

Mặt khác, nhu cầu sử dụng có thể vượt quá khả năng của nguồn cung ngay cả khi các nguyên tố cần dùng tồn tại ngoài tự nhiên dưới dạng mỏ. Con người hoàn toàn có thể điều chỉnh nhu cầu sử dụng của mình. Các nhà khoa học ví nguyên tố hay kim loại hiếm như một loại gia vị cho món ăn của con người. Có thể nó chiếm một lượng nhỏ trong món ăn, nhưng nếu thiếu nó món ăn không còn hoàn hảo nữa. Điều đó có thể thấy các loại nguyên tố trên quan trọng như thế nào đối với các chức năng của thiết bị di động.

Nguyên tố Palladium, được sử dụng để chế tạo các tụ điện điện thoại di động, chỉ chiếm 0,015% thành phần tạo nên thiết bị. Toàn bộ ngành công nghiệp chế tạo thiết bị di động cần tới 15 tấn palladium mỗi năm. Nếu lượng palladium ngày càng hiếm đi, giá của nó sẽ tăng lên kéo theo các sản phẩm sử dụng nó như xe hơi, nha khoa, thiết bị y tế và điện từ cũng vì vậy mà tăng giá lên. Tới một lúc nào đó, con người sẽ nhận ra rằng mức giá tăng quá cao so với giá trị thật của sản phẩm. Họ sẽ chọn một sản phẩm thay thế với các chức năng tương tự dù chấp nhận mất đi khoảng giá tri gia tăng không cần thiết.

Yếu tố chính trị cũng có thể ảnh hưởng tới cuộc chơi kim loại hiếm này. Hầu hết các kim loại quý đều xuất phát từ các mỏ khai thác tại Trung Quốc. Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã quyết định kiểm soát gắt gao thông qua việc cắt giảm xuất khẩu những nguyên tố này. Hệ quả dẫn tới là giá của các nguyên tố hiếm này và những sản phẩm có sử dụng nó ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phần còn lại của thế giới không có nguyên tố hiếm. Ví dụ, Mỹ là nguồn dự trữ khoảng 38% lượng khoáng sản của thế giới, nhưng chỉ có 1 mỏ tại miền Nam California là đang hoạt động (đã từng bị đóng cửa nhiều năm).

Những loại tài nguyên thay thế có khả dụng?

Chúng ta có nên thật sự lo lắng về việc cạn kiệt tài nguyên? Lịch sử đã chứng minh rằng nếu một trong những yếu tố nào đó cạn kiệt, con người sẽ tìm một lựa chọn thay thế nào đó thậm chí là ưu việt hơn so với ban đầu? Thật không may, tuy nhiên, trong thế giới ngày càng phát triển một cách phức tạp như hiện nay, việc tìm một sản phẩm thay thế là việc không mấy dễ dàng.

Trong một nghiên cứu gần đây, nhà nghiên cứu Graedel và các đồng nghiệp của ông đã cố gắng tìm kiếm sự thay thế cho 62 kim loại đang được sử dụng. Nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng 12 trong số những kim loại này không thể thay thế bằng bất cứ nguyên tố nào khác. Thêm vào đó, những tùy chọn thay thế hầu như không khả dụng cho nhu cầu tiêu thụ hiện nay. Gaedel cho biết: "Chúng tôi đã chọn những gì là tốt nhất trong một danh sách dài những vật liệu. Và cuối cùng những loại vật liệu có thể thay thế nhưng sẽ khiến hiệu suất sử dụng suy giảm, điển hình như máy tính sẽ chạy chậm đi, động cơ sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn,... "

Trong những năm tới, Graedel hy vọng sẽ có những ý tưởng tốt hơn để sớm có được nguồn cung cấp vật liệu trong ngắn hạn. Những nhóm nghiên cứu sản phẩm nên bắt đầu suy nghĩ để tìm những vật liệu thay thế, và tập trung vào việc phát triển những loại thiết bị có thể sản xuất từ những vật liệu có nguồn cung cấp đáng tin hơn.

tai_che.
Nhiều loại thiết bị điện tử đã bị quẳng vào thùng rác thay vì mang đi tái chế​

Trong khi chờ đợi những sản kiến thay thế, giải pháp trước mắt có thể là tái sử dụng các nguyên tố thông qua việc tái chế các thiết bị điện tử đã qua sử dụng. Trong năm 2009, công dân Mỹ chỉ tái chế 25% lượng TV và máy tính đã qua sử dụng của họ. Ngoài ra, chỉ có 8% lượng thiết bị di động đã qua sử dụng được tái chế. Graedel cho biết: "Đây thật sự là một thảm kịch khi chúng ta phải mất quá nhiều chi phí để khai thác vàng, bạch kim và nhiều nguyên tố hiếm khác sử dụng trong các thiết bị điện tử. Để rồi chúng ta chỉ sử dụng 1 lần và không quan tâm tới việc chúng sẽ như thế nào sau đó. Đây thật sự là 1 lãng phí quá lớn. Việc tái chế sẽ giúp chúng ta rất nhiều ít nhất là trong hiện tại và tương lai gần."

Nếu thế giới bắt đầu thực hiện tái chế với một nỗ lực xứng dáng bằng những công nghệ hiệu quả. Kết hợp với việc nâng cao chất lượng thăm dò, khai thác, tách xuất và phân phối các nguồn tài nguyên cần thiết, chúng ta có thể dần tách rời sự phụ thuộc của thế giới hiện đại với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, đó chỉ là một giấc mơ màu hông tính đến thời điểm hiện tại.

Sự cân bằng giữa cung và cầu có ảnh hưởng rất lớn đối với ứng xử của con người và môi trường. Bàn tay vô hình có thể can thiệp mạnh mẽ tới giá cả và tính khả dụng của công nghệ trong cuộc sống chúng ta. Vì vậy, trong khi mãi lo lắng về sự cạn kiệt của một loại tài nguyên nào đó, chúng ta nên thay đổi cách ứng xử với nó và nhanh chóng tìm một sự thay thế hoàn hào nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc quá lớn vào thiên nhiên.

Theo BBC, Pnas

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Tóm tắt diễn biến tuần đầu tiên của vụ kiện giữa Apple và Samsung

[​IMG]

Sau gần 5 ngày trước tòa, Apple giờ đây đã kết thúc phần tranh luận của mình trong vụ kiện mới nhất với Samsung, đồng thời chính thức công bố số tiền mà hãng muốn Samsung phải đền bù vì vi phạm các bằng sáng chế của mình. Apple nói Samsung có thể đã vi phạm đến 50 bằng sáng chế của mình, tuy nhiên do bị giới hạn về quy mô vụ kiện nên họ chỉ có thể đem 5 bản quyền ra tòa mà thôi.

Trong khi đó, Samsung với phần mở đầu của mình đã đưa ra cái nhìn sơ bộ về kế hoạch kiện tụng của hãng để làm nền cho những diễn biến khác trong hai tuần tới. Nhà sản xuất Hàn Quốc cho thấy nỗ lực giảm nhẹ những cáo buộc của Apple bằng cách tập trung nói về những tính năng mà sản phẩm Apple không có (ví dụ như pin có thể tháo được, kết nối LTE, bút stylus, cảm biến NFC và một số tính năng phần mềm, ví dụ khả năng chạy đa nhiệm trong cửa sổ).

Samsung cũng đưa ra một số tài liệu dùng trong nội bộ Apple cũng như các bài báo nói đến sự thành công trong chiến dịch marketing của mình. Thông qua đó, chúng ta biết được vài thông tin thú vị, chẳng hạn như Apple hằng năm có tổ chức một buổi họp chúc mừng 100 nhân viên tốt nhất trong công ty, và tại sự kiện này hãng thường tiết lộ những sản phẩm mới trước khi chính thức ra mắt chúng. Chúng ta cũng biết thêm rằng Steve Jobs từng đề cập đến Apple TV thế hệ mới với tính năng duyệt web và kho phần mềm riêng, nhu cầu ngày càng tăng của người dùng đối với smartphone màn hình to cũng như tham vọng của ông trong việc "trói buộc" người dùng vào hệ sinh thái Apple.

Có một điều không may mắn với Samsung đó là hãng đã bị cáo buộc đưa ra số liệu sai về doanh số Galaxy Tab đời đầu. Hồi tháng 1/2011, báo cáo từ công ty nghiên cứu Strategy Analytics trích lời quan chức Samsung cho biết hãng đã bán được 2 triệu chiếc Galaxy Tab đời đầu chỉ trong vòng sáu tuần. Lúc đó, nhiều người đã tranh cãi xung quanh tính chính xác của con số này, và liệu rằng trong 2 triệu đơn vị đó thì bao nhiêu máy thật sự được người tiêu dùng đặt mua. Giờ đây, tài liệu tuyệt mật của Samsung cho biết rằng doanh số tablet của hãng hồi năm 2011 thực chất rất thấp, chỉ khoảng 1 triệu chiếc được bán ra tại Mỹ cho cả năm2011, không giống như những gì Samsung đã công bố trước các nhà đầu tư của mình.

Mối nguy cơ đối với cả hai công ty đó là khoản tiền phạt tương đối lớn đang lơ lửng trên đầu nếu như một trong hai bị tuyên vi phạm các bằng sáng chế của bên còn lại. Trong trường hợp của Apple, họ muốn Samsung phải đền bù cho mình 2,191 tỉ USD, trong khi Samsung đòi Apple 6,9 triệu USD. Mặc dù hai con số này cách nhau rất xa nhưng chúng đều là những số tiền lớn. Tất nhiên, quyết định cuối cùng vẫn sẽ do bồi thẩm đoàn đưa ra sau khi họ thực hiện việc tính toán theo pháp luật. Đó cũng là trường hợp của vụ kiện giữa Apple và Samsung hai năm về trước khi mà Apple muốn đòi 2,5-2,75 tỉ USD nhưng cuối cùng chỉ được 939,8 triệu USD mà thôi. Nếu muốn xem thêm về phương thức Apple tính toán ra khoản tiền khổng lồ nói trên, mời các bạn xem bài viết: Cách Apple tính toán số tiền 2,19 tỷ đô la yêu cầu Samsung phải trả cho cáo buộc vi phạm bản quyền.

Tính đến thời điểm hiện tại, Apple đang chọn con đường đi khá khác biệt so với những gì hãng từng làm hồi năm 2012. Trước đây hãng dùng nhiều nhân chứng chuyên gia đã tham gia vào quá trình tạo ra một số tính năng được đăng kí bản quyền, còn kì này hãng dùng những chuyên gia để nói sâu về cách tạo ra bản quyền đó. Tuy nhiên, vấn đề là các nhân chứng này đang nói chuyện cho một bồi thẩm đoàn gồm có 8 người bình thường nghe, thế nên việc chuyển đổi này có thể không gây tác dụng nhiều lắm.

Greg Christie, một quản lý của Apple đã nghỉ việc, người từng dẫn đầu nhóm phát triển giao diện người dùng, mô tả những điểm khởi đầu của iPhone và iPad như một kế hoạch đầy rủi ro và có thể phải hi sinh nhiều thứ. Tiếp đến Apple đưa Phil Schiller, phó chủ tịch chịu trách nhiệm marketing, lên nói về việc iPhone là một "ván cược đối với công ty" và nó có thể khiến Apple bị tổn thất nặng nề cả về mặt tài chính lẫn danh tiếng. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của Alex Snoeren, một giáo sư ngành khoa học máy tính tại Đại học San Diego, người đã giải thích cho bồi thẩm đoàn nghe về hai bằng sáng chế của Apple, trong đó có một cái nói đến phương thức đồng bộ dữ liệu. Một nhân chứng khác thì nói về bản quyền slide-to-unlock và sự "thoải mái" khi sử dụng tính năng này.

Trong ngày cuối cùng của phiên trang luận, Samsung đã dành thời gian để thẩm vấn Chris Vellturo, chuyên gia tư vấn về khoản tiền đền bù cho Apple, và ông phải nói thêm về cách tính cũng như số tiền mà Samsung phải trả nếu bị tuyên vi phạm. Vellturo cũng đã cố gắng thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng Apple đang muốn tính phí 1,61$ đến 15,03$ tùy bản quyền, như vậy mỗi thiết bị vi phạm sẽ phải gánh 40,1$ tiền phạt. Con số này tiếp tục được nhân với số 37,36 triệu smartphone và tablet mà Samsung đã bán được tại Mỹ.

Xin nhắc lại một chút về các bằng sáng chế mà mỗi bên đem đến vụ kiện. Về phía Apple:
  • Bản quyền số 5,946,647: "data tapping", nói về việc hiệu chỉnh dữ liệu, tự động phân tích các đoạn văn bản nhằm xác định số điện thoại, email và cho phép người dùng tương tác nhanh với chúng
  • Bản quyền số 6,847,959: "unified-search", nói về việc nhập liệu thông qua một giao diện duy nhất rồi từ đó tìm kiếm dữ liệu ở nhiều nơi khác trong hệ thống cũng như trên Internet
  • Bản quyền số 7,761,414: nói về việc đồng bộ dữ liệu số trong lúc người dùng đang thực hiện một tác vụ khác trên máy
  • Bản quyền số 8,046,721: bản quyền slide-to-unlock cho phép người dùng trượt ngón tay để mở khóa màn hình
  • Bản quyền số 8,074,172: "auto-complete", nói về việc tự động điền khuyết nội dung khi sử dụng bàn phím
Về phía Samsung:
  • Bản quyền số 6,226,449: ghi nhận và tái tạo hình ảnh, giọng nói kĩ thuật số, tính năng duyệt thư viện ảnh mà bạn có thể thấy trên smartphone và tablet của mình
  • Bản quyền số 5,579,239: hệ thống truyền tải video từ xa. Samsung dùng bằng sáng chế này để kiện tính năng FaceTime
Trong phiên mở đầu của mình, luật sư phía Apple đã nói với bồi thẩm đoàn rằng hai bằng sáng chế mà Samsung mang ra tòa thực chất chỉ được hãng mua lại chứ không phải do chính họ phát triển nên. "Quý vị sẽ không được nghe các kĩ sư Samsung nói về những bản quyền này. Họ mua chúng bởi vì họ muốn các vị tin rằng những bằng sáng chế đó không có nhiều giá trị. Họ muốn quý vị tin rằng những bằng sáng chế đó chẳng đáng bao nhiêu".

Đến lượt mình, Samsung đã bác bỏ những luận điểm của Apple và nói rằng những tính năng mà hãng bị Apple kiện thực chất là của Android, và rằng Apple đã theo đuổi sai người để kiện (ý Samsung đó là Apple nên kiện Google, công ty đã phát triển nên Android). "Vụ án này không phải là về năm tính năng phần mềm nhỏ. Nó không phải là về việc chúng đã khiến người dùng không mua iPhone và chuyển sang mua điện thoại Samsung", John Quinn, luật sư đại diện cho Samsung nói. "Cuộc chiến này đúng ra là giữa Apple với Google và Android".

Trong thời gian tới theo sẽ là phần tranh tụng của Samsung cũng như thời gian dành cho hãng sản xuất Hàn Quốc phỏng vấn các nhân chứng chuyên gia của mình.

Nguồn: The Verge

Nghị sĩ Mỹ trình dự luật khuyến khích sử dụng công cụ tìm kiếm miễn phí để tra cứu thông tin

Let_me_google_that_for_you.
Nghị sĩ Tom Coburn và Claire McCaskill (Mỹ) mới đây đã công bố dự thảo luật mới mang tên "Let Me Google That For You Act of 2014" nhằm ưu tiên việc sử dụng các trang web để tìm kiếm thông tin. Hiện nay, các cơ quan chính phủ Mỹ thường tìm kiếm thông tin cần thiết thông qua Dịch vụ kĩ thuật thông tin quốc gia (NTIS) và điều đó làm tiêu tốn khá nhiều tiền thuế của người dân. NTIS sẽ tìm được thứ mà các cơ quan cần, tuy nhiên những lượt truy vấn đó rất tốn kém, chi phí có thể lên đến 100$/lượt, trong khi phần lớn những thông tin đó có thể tìm bằng Google trong chỉ vài giây. Nếu được thông qua, bộ luật này sẽ loại bỏ NTIS và khuyến khích nhân viên nhà nước sử dụng các công cụ tìm kiếm trực tuyến để tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Và nếu bạn chưa biết thì Let Me Google That For You cũng là tên một website thường được dùng khi có ai đó hỏi bạn quá nhiều về một vấn đề trong khi bản thân họ có thể tự tìm kết quả trên Google. Web sẽ mô tả chi tiết cách xài Google, cách nhập từ khóa như thế nào, cách nhấn nút thế nào, để rồi chuyển tiếp đến trang search thật sự của Google. Bạn có thể thử vào trang http://lmgtfy.com/ để xem nhé.


Phi hành gia có thể sử dụng nước tiểu làm năng lượng cho cơ thể và tàu vũ trụ

Astronauts.

Hiện tại thì các phi hành gia đã có thể uống chính nước tiểu của mình, tất nhiên là sau khi được tái chế. Tuy nhiên, nhờ một kỹ thuật mới, các nhà khoa học đã có thể tận dụng “nguồn nước vô tận” này và biến chúng thành năng lượng để phục vụ cho nhu cầu của phi hành gia lẫn tàu vũ trụ.

Khoảng một nửa tổng số lượng rác trong các sứ mệnh vũ trụ là xuất phát từ việc phục vụ nhu cầu cơ thể của các phi hành gia, và việc mang nước vào không gian đòi hỏi nhiều chi phí. Vì thế, tìm được phương pháp tái chế chất thải của con người trong vũ trụ là hết sức quan trọng. Giờ đây, thay vì sử dụng một máy cất lớn, NASA ứng dụng một phương pháp gọi là thẩm lọc tiên tiến.

Về cơ bản thì phương pháp này cũng sẽ biến nước tiểu thành nước uống được. Tuy nhiên, cái mới của nó là nó có thể chuyển hoá urê trong nước tiểu thành amoniac nhờ một lò phản ứng sinh học. Và lượng amoniac sau đó được dùng để chuyển hoá thành năng lượng bằng cách kết hợp chúng với các tế bào nhiên liệu.

Không chỉ riêng các nhà phi hành vũ trụ sẽ được hưởng lợi từ phương pháp mới này mà ngay cả những người sống trên mặt đất cũng có thể tận dụng những nguồn nước thải có chứa urê hoặc amoniac và biến chúng thành nguồn năng lượng. Các bạn có thể xem qua đoạn video dưới đây để rõ hơn.