Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Microsoft All-in-One Media Keyboard - bàn phím kiêm bàn rê cho hệ thống giải trí tại gia, giá $39,99

aio_media_Keyboard_02.

Ngay sau khi Logitech ra mắt chiếc bàn phím Illuminated Living-Room K830 dành cho hệ thống giải trí trong nhà thì hôm nay, Microsoft đã giới thiệu phụ kiện mới nhất với tên gọi All-in-One Media Keyboard. Tương tự K830 của Logitech, AiO Media Keyboard là một chiếc bàn phím tích hợp bàn rê đa điểm cùng một loạt các phím đa phương tiện dành cho hệ thống giải trí trong phòng khách.

Mặc dù được biết đến là một công ty phần mềm hàng đầu thế giới nhưng Microsoft cũng sản xuất phụ kiện cho máy tính chạy Windows. Thiết kế phụ kiện của Microsoft thường mang tính công thái học nhằm tạo sự thoải mái, thuận tiện và giảm thiểu tổn thương cho người dùng, điển hình như dòng bàn phím chuột Sculpt Ergonomic.

aio_media_Keyboard - Copy.

Chiếc bàn phím AiO Media Keyboard được thiết kế để sử dụng khi bạn nghỉ ngơi trên ghế sofa và xem hình ảnh hoặc video trên Xbox Video, Netflix qua một màn hình được kết nối với máy tính. Bàn phím kết nối không dây trong cự ly tối đa 10 m, có tính năng chống thấm nước và tích hợp bàn rê đa điểm hỗ trợ các cử chỉ như vuốt, kéo thả, phóng to thu nhỏ v.v..

aio_media_Keyboard_01 - Copy.

Tại cạnh trái của bàn phím là các nút tăng giảm âm lượng và 3 phím nóng có thể tùy biến phía trên bàn rê cũng như một loạt các phím chuyên dùng để điều khiển trình chiếu đa phương tiện được gán trong dãy phím Fn. Một điều đáng tiếc là chiếc bàn phím này không có đèn nền như K830 của Logitech.

Bàn phím hỗ trợ Windows RT 8.1 và Windows 7/8/8.1, tương thích với một số SmartTV và máy chơi game. AiO Media Keyboard hiện đã được bán trên Microsoft Store với mức giá 39,99 USD, rẻ hơn rất nhiều so với K830 của Logitech (99,99 USD).

Nguồn: Microsoft

LG ra mắt Connect SDK giúp thiết bị Android/iOS truyền nội dung không dây đến nhiều nền tảng TV

Connect_SDK.

LG vừa chính thức ra mắt bộ phát triển phần mềm "Connect SDK" dành cho lập trình viên. Đây là một dự án mã nguồn mở cho phép ứng dụng trên thiết bị iOS và Android truyền video hoặc hình ảnh đến nhiều màn hình ngoài nhất có thể. Ở thời điểm hiện tại thì tính năng này cho phép truyền nội dung không dây đến các sản phẩm như đầu thu Roku, Chromecast, set-top box FireTV mới của Amazon và các Smart TV của LG. Trong thời gian tới hãng sẽ bổ sung thêm Apple TV vào danh sách.

Vấn đề mà LG đang cố gắng giải quyết với Connect SDK đó là sự phân mảnh trong thị trường TV: mỗi nền tảng TV có một cách thức riêng để truyền nội dung không dây từ thiết bị di động ra set-top box hoặc TV. Apple có chuẩn AirPlay của mình, Chromecast cũng có chuẩn Google Cast, trong khi Smart TV của LG thì dùng Miracast. Vậy là LG quyết định nhảy vào và khắc phục vấn đề này. Thay vì sáng tạo ra một giải pháp mới để thay thế tất cả những thứ kể trên, LG tung ra một công cụ xây dựng phần mềm hỗ trợ hầu hết các chuẩn hiện có. Nhờ bộ Connect SDK, lập trình viên chỉ cần dùng một mã lệnh duy nhất cho các tác vụ như play, pause, họ sẽ không cần viết lại lệnh cho từng chuẩn riêng nữa.

Cũng cần nói thêm rằng Connect SDK sẽ truyền video trực tiếp từ Internet xuống TV, còn điện thoại hoặc máy tính bảng chỉ đóng vai trò chọn lựa và điểu khiển việc phát nội dung. Đây cũng là cách mà Chromecast hoạt động. Ngoài ra, lập trình viên cũng có thể thiết lập dịch vụ truyền video thông qua giao thức HTTP để phát video trong mạng nội bộ chứ không cần phải bước ra Internet. LG đang nghiên cứu thêm cách làm cho các nội dung nền web cũng có thể tương thích với Connect SDK. Connect SDK cũng chưa cho phép mirror nội dung (hiển thị tất cả mọi thứ trên màn hình thiết bị di động ra TV) như Miracast hay AirPlay.

Bộ Connect SDK cũng có tích hợp tính năng tự động tìm kiếm TV, do đó người dùng sẽ không phải truy cập thông qua địa chỉ IP phức tạp. Tính đến thời điểm hiện tại thì mới có ứng dụng Plex và musiXmatch sử dụng bộ SDK của LG, còn trong thời gian tới công ty hi vọng sẽ có thêm lập trình viên sử dụng Connect SDK bởi nó miễn phí và được mã nguồn mở hóa.

Video trình diễn khả năng của Connect SDK

Nguồn: Connect SDK

QR for Cortana - shortcut giúp mở nhanh trình quét mã QR Bing Vision cho Windows Phone 8.1

Cortana_QR_Bing_Vision.

Trên Windows Phone 8.1, nếu anh em đã kích hoạt trợ lý ảo Cortana thì chúng ta không còn nút Bing Vision để nhanh chóng quét mã QR như trước đây mà phải đi vòng sang ứng dụng camera khá mất công, phải thực hiện đến bốn năm bước. Để tiết kiệm thời gian, mời anh em cài đặt ứng dụng "QR for Cortana". Nó đơn giản là một shortcut và ngay khi chạm vào thì mục Lenses của trình camera sẽ được mở sẵn, anh em chỉ cần chạm thêm một lần nữa để chạy Bing Vision lên và thực hiện việc quét mã như bình thường. Anh em có thể ghim QR for Cortana ra màn hình Start để việc truy cập được nhanh hơn nhé.


Facebook giới thiệu tính năng Nearby Friends - Chia sẻ vị trí, thông báo khi có bạn bè ở gần đó

nearby-friends-press-1.
Facebook ngày hôm nay đã cho ra mắt tính năng Nearby Friends mới dành cho các thiết bị di động - chức năng này cho phép người sử dụng sẽ dễ dàng nhận biết khi bạn bè đang ở đâu đó gần mình. Cụ thể hơn, khi bạn và bạn bè kích hoạt Nearby Friends, smartphone/tablet của bạn sẽ tự động gởi các thông báo nhắc nhở nếu như đang có một hay vài người bạn đang ở xung quanh đây. Điều kiện để sử dụng đó là cả hai phải đều bật chức năng Nearby Friends, và cả hai phải nằm trong danh sách ưu tiên chia sẻ của nhau.

Facebook cho biết bạn hoàn toàn có thể tắt hoặc bật Nearby Friends, có thể lựa chọn ai sẽ nhận được thông báo khi bạn đang ở gần. Ngoài ra, còn có một điểm nổi bật nữa của Nearby Friends mà Facebook muốn nhấn mạnh: đó là bạn được quyền chia sẻ vị trí chính xác của mình cho một người bạn trong một khoảng thời gian nhất định. Lúc này, người bạn đó sẽ biết cụ thể bạn đang ở đâu trên bản đồ - tất nhiên nó chỉ hữu dụng trong một vài giờ, tuỳ vào người chia sẻ.

Hiện thì Nearby Friends vẫn còn đang thử nghiệm, nó sẽ có mặt trên ứng dụng Facebook dành cho người dùng iPhone và smartphone Android tại Mỹ trong vài tuần tới.


nearby-friends-press-2.

nearby-friends-press-3.


[NYIAS 2014] BMW công bố thêm nhiều hình ảnh về mẫu xe xanh Concept X5 eDrive

bmw-x5-edrive-16-002.
Bên cạnh chiếc mui trần thể thao M4 Convertible thì tại NYIAS 2014, gian hàng BMW còn gây chú ý bằng mẫu xe ý tưởng thân thiện với môi trường có tên Concept X5 eDrive. Trên thực tế, Concept X5 eDrive đã được BMW ra mắt hồi tháng 8 năm ngoái nhưng thời điểm đó có rất ít hình ảnh được công bố. Giờ đây BMW đã bổ sung thêm nhiều hình ảnh chi tiết về mẫu xe xanh này, đặc biệt là ở phần nội thất.

Được phát triển dựa trên X5 tiêu chuẩn, Concept X5 eDrive cũng sở hữu kiểu dáng tương tự nhưng có thêm một số chi tiết khác biệt như đường viền xanh ở cản trước, lưới tản nhiệt và hốc cắm điện bên trái xe. Nét đặc biệt của Concept X5 eDrive nằm ở khả năng vận hành với sự kết hợp của một động cơ xăng tăng áp I4 2.0, công suất 245 mã lực cùng một động cơ điện công suất 95 mã lực và mô-men xoắn 250 Nm.

BMW cho biết, động cơ điện này có khả năng hoạt động riêng biệt mà không cần sự hỗ trợ từ động cơ xăng, nó giúp xe có thể chạy được 30 km với tốc độ tối đa lên đến 120 km/h. Mức tiêu hao nhiên liệu trung bình mà BMW công bố cho xe chỉ vào khoảng 3,8 lít/100 km.

Giống như những mẫu xe lai xăng điện khác, Concept X5 eDrive cũng có 3 chế độ hoạt động gồm Auto eDrive được thiết lập để mang đến cảm giác lái thể thao, Max eDrive hoạt động với duy nhất động cơ điện và Save Battery, với khả năng lưu trữ điện trong bộ pin và hỗ trợ cho động cơ xăng khi cần. Hiện BMW chưa tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan đến khả năng thương mại hóa mẫu xe này.


Nguồn: Autoblog

[Infographic] Vòng quanh thế giới với 31 loại cafe

header.

Ngày nay, cà phê đã trở thành một loại đồ uống vô cùng quen thuộc và không thể thiếu của nhiều người. Sau khi ăn sáng, uống cà phê là một khởi đầu hoàn hảo cho một ngày mới, nó giúp cho tinh thần con người tỉnh táo, sảng khoái.

Cà phê đã có mặt trên thế giới từ rất lâu rồi, và tùy theo khẩu vị của từng nơi, cách pha chế cà phê cũng có sự khác biệt. Điều đó đã góp phần tạo nên sự đa dạng về hương vị cà phê, cũng như phong phú thêm sự lựa chọn cho những người yêu thích cà phê. Tuy nhiên, điều đó cũng gây khó khăn cho việc lựa chọn đúng loại cà phê mình mong muốn đối với những người mới tập tành uống cà phê.

Infographic dưới đây đưa ra thông tin về 31 loại cà phê phổ biến nhất trên thế giới để giúp bạn không bị bối rối lựa chọn ly cà phê cho mình.

Vong quanh the gioi voi 31 loai cafe.

Nguồn: businessinsider

[Infographic] Câu chuyện về những sân vận động hoành tráng của Brazil 2014

header.

Trong sự háo hức chờ mong của người hâm mộ, ngày khai mạc giải bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2014 đang đến rất gần. Chủ đề nóng hổi đang được bàn tán suốt những ngày qua là về những sân vận động hoành tráng của Brazil sẽ được đăng cai tổ chức World Cup 2014.

Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, vẫn còn 4 vận động vẫn chưa xây xong. Trong số đó, sân vận động ở Curitiba sẽ chỉ khánh thành trước ngày khai mạc một tháng. Điều đó dấy lên sự lo ngại của nhiều người hâm mộ. Bên cạnh đó, hàng loạt các tai nạn lao động và nhiều ý kiến tranh cãi về sử dụng ngân sách xây dựng các sân bóng này đã làm nổi lên một dòng phản đối từ người dân.

Dù thế nào đi nữa, cũng không thể phủ nhận được sự hoành tráng và sức hấp dẫn của các sân vận động này. Những thông tin chi tiết về 12 sân vận động của Brazil 2014 được tóm tắt trong Infographic dưới đây.

Cau chuyen ve nhung san van dong hoanh trang cua brazil 2014.

Nguồn: graphs.net

The Illusion of Life: Thiết bị tương lai giúp tổng hợp lời thì thầm, thần giao cách cảm với máy móc

[​IMG]
Công nghệ ngày nay đang tập trung thái hóa vào lĩnh vực độ nét cao, như màn hình Retina, TV chuẩn Ultra HD(hay còn gọi là chuẩn 4K), và các hệ thống âm thanh Hi-Fi. Vấn đề là chúng đã phát triển đến mức vượt ngưỡng con người cần thiết và đã đến lúc chúng ta hướng đến những công nghệ đột phá hơn. Xuất phát từ băn khoăn đó, kỹ sư thiết kế người Hàn Quốc Minsu Kim đã lập nên một dự án để nghiên cứu về phương thức tương tác mới giữa công nghệ và các giác quan con người trong tương lai. Và ý tưởng The Illusion of Life, một thiết bị làm từ túi trợ thở, ống thổi khí silicon, cùng một máy phân tích chuyển động ra đời để giúp tổng hợp những lời thì thầm khó nói ra.

[​IMG]
Nguyên lý hoạt động của chiếc máy này dù còn khá trừu tượng theo những gì Kim giải thích. Nhưng chúng ta có thể hiểu được là The Illusion of Life sẽ dựa trên các thông tin lý tính như: nhiệt độ hơi thở, độ ẩm, mùi vị và chất âm từ lời thì thầm để tạo nên sự liên lạc và kết nối giữa máy móc và người sử dụng. Qua đó, sẽ giúp chúng ta tương tác ở mức thân mật hơn nữa với thiết bị.

Đây quả là một ý tưởng lý thú. Hy vọng chàng Kim sẽ sớm hoàn thiện The Illusion of Life để một ngày nào đó con người và thiết bị có thể thần giao cách cảm với nhau qua lời thì thầm. Và dĩ nhiên là không làm chúng ta rơi vào tình huống éo le như trong bài Careless Whisper(gọi vui là Miếng Băng Bất Cẩn) bất hủ của George Michael.

"Was what I did so wrong, so wrong
That you had to leave me alone..."



Sự thật về phòng thí nghiệm Google X và tham vọng thay đổi thế giới của những "phù thủy" nơi đây

Google_X.

Astro Teller là nhà khoa học đứng đầu phòng thí nghiệm bí mật Google X, nơi Google thử nghiệm và sáng tạo ra những thứ điên rồ như xe tự hành, mắt kính thông minh, ván trượt lướt trên không, thậm chí là cả thang máy để đi lên… vũ trụ. Trong bài viết hôm nay, mời các bạn nghe Teller hé lộ những bức màn bí mật xung quanh Google X để chúng ta có thêm cái nhìn chân thực hơn về một nơi khởi nguồn của những ý tưởng không bình thường, đồng thời xem phần tường thuật của phóng viên trang Fast Company về nơi mà trước đây chưa có người nào ở mảng truyền thông được đặt chân đến. Bài hơi dài, nhưng càng đọc thì bạn sẽ càng thấy được sự điên rồ cũng như tham vọng biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn của những người đang làm việc tại đây.

Teller không phải là “chủ tịch” hay “giám đốc” gì của X cả, thay vào đó, chức danh của ông là “Thuyền trưởng đội khám phá mặt trăng” (nguyên văn tiếng Anh: Captain of Moonshots - trong đó chữ Moonshots thường dùng để chỉ những ý tưởng lạ lùng mà trước giờ chưa ai làm được). Những thứ được sinh ra ở Google X không chắc là sẽ thành công khi đem ra đời thực và thương mại hóa, tuy nhiên, như chữ Moonshot đã gợi ý, nếu thật sự tốt thì chúng sẽ mang lại một cuộc cách mạng rất lớn.

Google_X_7.
Astro Teller

Teller nhớ lại rằng ở những buổi đầu, ông đã có một cuộc nói chuyện không dễ dàng với đồng sáng lập Google Sergey Brin và CFO Patrick Pichette. Ông nói đây là một buổi họp “phức tạp” bởi ông đang chuẩn bị thông báo về một số tin không vui cho hai trong số những quan chức cấp cao nhất của Google. “Tôi đã nói với họ rằng một trong số các nhóm của tôi đang gặp khó khăn, chúng tôi cần một con đường đúng để đi, và điều đó sẽ tốn tiền. Và không chỉ là những khoản lặt vặt mà thôi”. Teller cùng đồng nghiệp của mình đã rất căng thẳng trong quá trình đối thoại, thế nhưng CFO Pichette chỉ đơn giản lắng nghe và phản hồi lại: “Cảm ơn anh đã cho tôi chuyện này ngay khi anh vừa biết nó. Chúng tôi sẽ làm cho nó trở thành sự thật”.

Jon Gertner, phóng viên của trang Fast Company, cho biết anh đã được hướng dẫn đi đến nhiều nơi trong Google X và nói chuyện với nhiều thành viên của nhóm “Đánh giá nhanh Google X” (gọi tắt là Rapid Eval). Họ sử dụng tất cả những gì con người và công nghệ có thể làm được để đánh giá những ý tưởng mới, sau đó xây dựng nguyên mẫu và thử nghiệm những ý tưởng có tính khả thi cao. Rapid Eval chính là sự khởi nguồn của tất cả mọi quy trình sáng tạo ở X và nhóm có số lần từ chối ý tưởng mới nhiều hơn là số lần chấp thuận. Như lời Rich DeVaul, trưởng nhóm Rapid Eval, thì “Tại sao phải hoãn việc từ chối lại ngày mai hoặc tuần sau trong khi bạn có thể làm điều đó ngay hôm nay?”.

Google X hoạt động theo một cách rất riêng

X không thuê người theo cách mà các công ty ở Thung lũng Silicon thường làm. Thực chất thì Google cũng có một nhóm riêng chuyên thực hiện công việc thử nghiệm, đó chính là Google Research, tuy nhiên bộ phận này chủ yếu tập trung tìm hiểu và phát triển những công nghệ liên quan đến khoa học máy tính và Internet. Trong khi đó, Google X thì có thể nhắm đến nhiều thứ khác nhau. X làm ra những thứ có khả năng tương tác với thế giới thực, và chúng ta cũng có thể thấy được điều đó thông qua những sản phẩm như xe tự hành, Google Glass, bong bóng Wi-Fi.

Trong hầu hết các trường hợp, X tìm kiếm những người thích chế tạo và phát triển những thứ từ nhỏ đến lớn, và những người đó phải không dễ nản chí. Trong phòng thí nghiệm này hiện có hơn 250 nhân viên bao gồm rất nhiều thành phần, từ những người từng làm bảo vệ cho các khu bảo tồn, họa sĩ điêu khắc, nhà triết học cho đến kĩ sư cơ khí. Ngoài ra còn có một người từng lãnh hai giải thưởng hàn lâm về hiệu ứng hình ảnh. Bản thân Teller trước đây cũng viết tiểu thuyết, làm trong ngành tài chính, và đạt bằng tiến sĩ ở Đại học MIT về trí tuệ nhân tạo.

Teller cũng cho biết thêm một người khác trong nhóm của ông đã dành cả cuối tuần trong garage của mình để chế tạo trực thăng và nó hoàn toàn có thể hoạt động được. Tuy nhiên kĩ năng công nghệ của anh ấy không phải là thứ giúp anh được nhận vào Google X, mà chính là chiếc trực thăng. “Định nghĩa truyền thống về một chuyên gia đó là một người biết càng ngày càng nhiều về những thứ ít ai biết. Và những người đó có thể sẽ rất hữu ích trong một khía cạnh nào đó. Nhưng đó không phải là những người làm ở X”, DeVaul chia sẻ.

Google_X_1.

Nếu như hỏi về một kế hoạch lớn của X thì đó là giải quyết những vấn đề khó khăn nhất của thế giới. Bản thân Google X cũng là một thí nghiệm của chính nó - một nỗ lực tái định nghĩa lại quy trình mà một phòng thí nghiệm của công ty hoạt động, và trong trường hợp của X thì họ phải gánh lấy rủi ro rất cao xuyên suốt nhiều lĩnh vực công nghệ nhưng không thể đi quá xa khỏi lĩnh vực kinh doanh của công ty mẹ. Chúng ta có thể xem X như một mô hình hoàn toàn mới mẻ trước giờ chưa từng có tiền lệ.

Nhưng điều này lại rất có lý. Google có rất nhiều cơ hội để thực hiện những giấc mơ của mình và cơ hội đó có thể sẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Hiện nay công ty đang sở hữu tình hình tài chính tốt, tiền nhiều và một cơ số nhân tài. Google đang ở đỉnh cao của mình trong thời đại mà kết nối mạng, sức mạnh điện toán và trí tuệ nhân tạo đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoài ra, hãng còn đang nỗ lực rất nhiều để xây dựng thêm nhiều dịch vụ bổ trợ cho việc kinh doanh chính của mình.

Vậy thì tại sao Google không tiếp tục làm điều đó thông qua X? Theo Teller, phòng thí nghiệm yêu-thất-bại của ông đang tiến vào khám phá một khoảng không khổng lồ. Những công ty nhỏ nghĩ rằng họ không có đủ nguồn lực và tiền bạc để tạo ra những thay đổi lớn, trong khi các công ty lớn lại sợ họ sẽ làm phật lòng cổ đông khi đầu tư không đúng chỗ. Chính phủ thì tin rằng họ không đủ tiền để nghiên cứu và phát triển, còn các nhà lập pháp thì lo sợ về những bước đi sai lầm sẽ tạo ra scandal. Mọi người đều nghĩ rằng việc sáng tạo là của người khác, sẽ có người khác lo, mình cứ làm việc của mình. Và đó chính là lỗ hổng mà Teller đang nhắc đến.

Google_X_9.

Cũng cần nói thêm rằng các sản phẩm của X không chỉ là những thứ làm ra cho vui, mà nó thật sự giúp ích cho việc kinh doanh của Google. Xe tự hành chắc chắn sẽ cứu được nhiều mạng sống, nhưng nó đồng thời cũng giúp người lái xe có thời gian rảnh để vào web và dùng Gmail. Bong bóng Wi-Fi hiển nhiên sẽ đem Internet đến những vùng hẻo lánh, và điều này “vô tình” giúp cho số lượng người tìm kiếm Google tăng lên. Nhưng công bằng mà nói thì những ý tưởng của hãng cũng rất đáng trân trọng và chúng thật sự mang tính thực tiễn cao. Khi được hỏi vì sao Google chọn đầu tư vào X thay vì những thứ hấp dẫn hơn đang bày ra ở phố Wall, Teller cười và nói: “Người ta đã chọn sai đấy chứ” và không có lời giải thích nào thêm.

Nơi làm việc của các phù thủy

Google X nằm ở phần rìa của trụ sở Google và hầu hết các hoạt động của phòng thí nghiệm này diễn ra trong một tòa nhà ba tầng màu đỏ gạch. Phòng thí nghiệm này không có bảng hiệu, cũng chẳng có website riêng (Tell nói: “Nếu có website thì chúng tôi đăng nội dung gì lên đó bây giờ?”). Cửa chính của tòa nhà sẽ dẫn bạn vào một quầy cafe tự phục vụ, xung quanh là một không gian hiện đại và mang tính công nghiệp. Về phía bên trái là một phòng lớn với nhiều khu vực nhỏ cùng nhiều phòng họp, còn bên phải là nơi dừng xe đạp và phòng ăn với một bản hiệu nói rằng chỉ có nhân viên của X mới được phép sử dụng. Ngoài những thứ này ra thì không nhiều chi tiết cho bạn thấy rằng đây là một phòng thí nghiệm siêu bí mật. Hầu hết những khu vực làm việc nhóm đặt ở tần dưới, còn những tầng trên thì có một số phòng với cái tên ngộ nghĩnh như “Tòa lâu đài đầu lâu xám”.

Nguồn gốc của X bắt đầu từ năm 2009 khi Brin và nhà đồng sáng lập Larry Page tìm kiếm một vị trí gọi là “Giám đốc quản lý những thứ khác”. Người này sẽ chịu trách nhiệm quản lý những thứ khác xa với công cụ tìm kiếm của Google. Thế rồi dần dần người này cùng với nhóm của mình đã trở thành Google X vào năm 2010 khi kĩ sư Sebastian Thrun quyết định phát triển một chiếc xe không người lái (tất nhiên là có sự hỗ trợ của Brin và Page). Thrun chọn Teller là một trong những cộng sự của mình, nhưng khi dự án xe tự hành tiến xa hơn thì Thrun muốn dành trọn vẹn thời gian của mình cho sản phẩm nên ông không tiếp tục quản lý những dự án khác của X. Đó cũng là lúc Teller nhận lấy trách nhiệm trông coi phòng thí nghiệm bí mật nhưng không bí mật của Google.

Google_X_3.

Có nhiều lời giải thích về chữ X trong cái tên Google X. Ở thời gian đầu nó chỉ đơn giản là chỗ để chèn một cái tên khác hay hơn vào, nhưng giờ đây nó mang ý nghĩa rằng Google X muốn tìm kiếm những giải pháp tốt hơn hiện tại gấp 10 lần. Một số nhân viên khác thì nghĩ rằng X có nhiệm vụ tạo ra những công nghệ mà phải 10 năm sau nó mới gây ảnh hưởng lớn.

Google X cũng là một thứ rất đặc biệt trong thời buổi ngày nay. Các công ty khác không phải là không nghĩ đến việc đầu tư vào những dự án điên rồ, nhưng cứ tới mỗi kì báo cáo tài chính thì họ lại bắt đầu lo ngại về số tiền đã đổ vào việc nghiên cứu nhưng chưa thu được lợi nhuận. Thế là dần dần những nghiên cứu đó bị loại bỏ. Trong buổi họp cổ đông gần đây, các nhà đâu tư đã hỏi CEO Page về số tiền khổng lồ mà ông đã chi cho bộ phận nghiên cứu và phát triển. Ông chỉ nói rằng chi phí đó không lớn so với lợi nhuận của Google, sau đó còn hỏi ngược lại rằng chẳng phải các nhà đầu tư luôn muốn công ty đổi mới và sáng tạo trong dài hạn đó sao?

Về cơ bản, có ba tiêu chuẩn mà các dự án của X cùng chia sẻ:
  • Tất cả đều phải giải quyết những vấn đề liên quan đến hàng triệu người, hoặc hơn nữa là hàng tỉ người
  • Tất cả đều phải sử dụng một giải pháp căn cơ có sử dụng ít nhất một yếu tố lấy từ khoa học viễn tưởng
  • Tất cả đều phải sử dụng những công nghệ có sẵn hoặc gần hoàn thiện

Ngoài ra, theo lời DeVaul thì còn một yếu tố quan trọng nữa kết nối ba tiêu chuẩn này đó: không một dự án nào được phép là một nâng cấp nhỏ cho giải pháp hiện có. Ông nói thêm: “Rất khó để làm hầu như bất cứ việc gì trong thế giới ngày hôm nay. Ngủ dậy và bước ra khỏi giường là một chuyện rất khó đối với tôi. Nhưng tấn công vào một vấn đề lớn gấp 10 lần thì không nhất thiết giải pháp phải khó hơn 10 lần”. DeVaul tin rằng việc giải quyết một vấn đề lớn sẽ dễ hơn nhiều so với việc “cố gắng tối ưu hóa để một quy trình nào đó tốt hơn 5% hay 2%”.

Google_X_8.
Chân dung của DeVaul

Hãy nghĩ về xe hơi. Nếu bạn muốn một chiếc xe chạy được 50km với 1 lít xăng thì bạn sẽ phải làm việc rất nhiều. Nhưng nếu bạn muốn một chiếc chạy được 500km với 1 lít nhiên liệu thì bạn phải bắt đầu lại từ đầu vì cơ bản là hiện nay không có công nghệ nào có thể làm việc đó. Bạn phải nghĩ về một loại động cơ khác, một loại nhiên liệu khác, thậm chí có thể bạn sẽ phải bỏ ý tưởng về xe hơi để tìm ra một loại phương tiện khác có thể đạt con số tiêu thụ nhiên liệu như mong muốn.

Từ ý tưởng đến hiện thực

DeVaul cũng dành ít thời gian để nói về những người trong X. Ông mời thêm hai người nữa là Dan Piponi và Mitch Heinrich cùng tham dự một buổi họp mô phỏng. Piponi là một nhà toán học và một nhà vật lý được đánh giá cực kì cao trong X. Heinrich lại là một chuyên gia thiết kế trẻ tuổi, người đã xây dựng nên “bếp ăn thiết kế” nằm kế bên phòng thí nghiệm chính của X. Nơi đây có đầy các máy in 3D, máy cưa và rất nhiều những vật dụng chế tạo khác. Còn DeVaul thì học về nhiều thứ, từ thiết kế, vật lý, nhân loại học cho đến ngôn ngữ máy tính. Ông cũng là người đã nghĩ ra dự án bong bóng Wi-Fi Loon. Ông đã cố gắng hết sức để làm cho Loon này thất bại về mặt kĩ thuật nhưng không thể, vậy là ông đồng ý dẫn đầu dự án này trong vòng một năm.

Google_X_5.

Về một số khía cạnh nào đó, việc xem nhóm của DeVaul làm việc cũng giống như việc xem một ban nhạc đang tập luyện. Ý tưởng được chuyển từ người này sang người khác một cách nhanh chóng, được phân tích kĩ và rất có động lực. Tất cả mọi thứ đều nhắm đến việc khiến cho ý tưởng trở nên tốt hơn. Ngoài ra họ cũng thường gặp nhau vào bữa ăn trưa một lần một tuần để nói về những đề xuất mà họ mới nghĩ ra hoặc kiếm được từ bên ngoài - từ công ty mẹ (Google), hoặc từ những người quen biết. Sau đó, những ý tưởng này sẽ tiếp tục được thảo luận một cách kĩ càng hơn: liệu giải pháp đó có giải quyết vấn đề hay không? Thứ đó có thể được chế tạo ra hay không? Và liệu người ta có chịu dùng sản phẩm hay không?

Lý do mà nhân viên Google X phải nghĩ đến những yếu tố trên đó là nếu bạn nghĩ ra một thứ mới mẻ chưa ai làm thì bạn cũng phải nghĩ đến những chướng ngại có thể gặp phải. Với xe không người lái, những vấn đề chưa giải quyết được đó là sự phức tạp của luật pháp, cơ sở hạ tầng đường xá, bảo hiểm, còn với Google Glass thì đó là vấn đề quyền riêng tư. Nếu nhóm cảm thấy những chướng ngại trên là có thể vượt qua được, họ sẽ nhờ Heinrich hoặc Piponi tạo ra một nguyên mẫu của nó trong vòng vài ngày để rồi chính thức nhảy vào làm việc. Nhưng những điều này cực kì hiếm xảy ra. DeVaul nói: “Rất hiếm khi chúng tôi nói rằng ‘Đây sẽ là dự án mới của Google X’. Và điều đó không có nghĩa là dự án sẽ bị ngừng lại ngay cả khi nó đang được phát triển”.

Đôi khi những vấn đề ở Google X rất dễ để định hình, ví dụ như 2/3 dân số thế giới hiện không có Internet đủ rẻ và tốt. Vậy là ông cùng nhóm của mình quyết định sẽ tiếp tục với ý tưởng bong bóng Wi-Fi. Nhưng đôi khi vấn đề lại nằm tuốt ở tương lai và khi đó, nhân viên Google X phải đứng ở tương lai để trông ngược lại quá khứ. “Vấn đề là phải nhìn ra được một tương lai nơi mà ai ra đường cũng đeo kính mắt thông minh. Tôi muốn được kết nối với thế giới thông tin, nhưng phải theo một cách dễ dàng và không gây ảnh hưởng nhiều đến những việc làm khác của tôi”.

Ván trượt trên không và thang máy vũ trụ

Cũng còn đó các câu chuyện xoay quanh việc xây dựng đến những thứ như ván trượt lướt trên không khí và thang máy để đi lên vũ trụ. DeVaul là một người rất thích chơi ván trượt và việc tạo ra một chiếc ván nổi trên không là điều ông đã ước mơ từ lâu. “Chỉ là tôi muốn một cái thôi”, ông nói. “Nếu có một ý tưởng nào hoàn toàn điên rồ và buồn cười, ý tưởng đó chắc chắn sẽ đến từ tôi”. Thực chất thì ván trượt trên không rất hay và có tính ứng dụng cao. Hãy thử tưởng tượng rằng trong những kho hàng, nơi những tấm pallet đựng đồ có thể nổi lên để di chuyển dễ dàng thì sẽ tiết kiệm được biết bao nhiêu là chi phí và thời gian. Hoặc trong một phòng thí nghiệm nào đó, nơi bạn chỉ cần búng tay là đồ vật sẽ tự bay đến cho bạn dùng.

3028156-slide-s-4-185-the-google-x-way.
Một chiếc ván trượt bình thường xuất hiện trong không gian của Google X

Sau đó Heinrich có kêu Piponi trình diễn tấm ván trượt mà anh đang phát triển. Nó là một hình chữ nhật nhỏ cỡ bìa một quyển sách bìa cứng và trên bề mặt thiết bị này là một vòng nam châm. “Vậy câu hỏi đầu tiên ở đây liên quan đến vật lý”, Piponi nói. “Bạn thật sự có thể làm một thứ gì đó lướt lên trên được không? Và người ta đã thử làm điều này bằng nam châm”. Đây cũng là cách thức mà Nhật và Trung Quốc áp dụng cho những tuyến tàu cao tốc của họ. Tuy nhiên, tàu cao tốc lại dùng hệ thống nam châm chỉ cho phép tàu chạy tới theo một hướng xác định, trong khi tấm ván trượt cần phải di chuyển theo bất kì hướng nào người dùng muốn. Ngoài ra, nam châm cũng thường xuyên bị đảo cực nên tấm vấn sẽ lật vòng vòng khi người dùng trượt đi đây đó. Bất kì tay trượt ván nào cũng có thể nói với bạn rằng tấm ván bạn đang dùng quá tệ.

Thế nhưng may mắn thay đây lại là vấn đề mà Google X sinh ra để giải quyết. Piponi nói: “Có những lỗ hổng mà bạn phải tìm được cách giải quyết. Có những loại vật liệu rất lạ kì và nó không giống như những gì nam châm thông thường có thể làm được”. Piponi khám phá ra rằng nếu sử dụng một tấm graphite rất mỏng thì nó có thể hoạt động tốt với một tấm nền nam châm. Vậy là ông làm ra một cái cho nhóm của mình. Piponi đẩy tấm ván nhỏ đó qua cho phóng viên của trang FastCompany và quả thật nó đang nổi lên bên trên nam châm. Khi anh trượt nhẹ về một phía nào đó thì tấm ván sẽ di chuyển theo. DeVaul nói rằng lần đầu tiên ông thấy thiết bị này, ông đã thật sự cảm thấy kinh ngạc.

Tuy nhiên, khi Piponi thử tính toán để tăng kích thước của tấm ván lên mức có thể sử dụng được, anh nhận thấy rằng đến một lúc nào đó khi đạt đến một điểm trọng lượng nhất định thì đệm không khí sẽ không còn tồn tại nữa, tấm ván không còn có thể nổi lên. Anh cũng có nghĩ đến việc thay đổi nguyên vật liệu nhưng điều đó kéo theo chi phí khổng lồ cùng sự phức tạp không cần thiết so với những gì mà một tấm ván bay có thể thay đổi thế giới. Thế là Google X quyết định hủy dự án này. DeVaul nói: “Khi chúng tôi từ bỏ, đó là một thứ tích cực. Chúng tôi nói với nhau: ‘Cái này rất là tốt, và giờ thì chúng ta phải làm việc trên những thứ khác nữa’”.

Như thang máy không gian chẳng hạn. Và đây là một trong những thứ mà X được đồn đại từ lâu là đang phát triển nhưng Google chưa bao giờ thừa nhận. DeVaul hỏi: “Bạn biết thang máy không gian là gì mà đúng không?”. Ông nhanh chóng mô tả sơ lược rằng nó là một sợi cáp lớn nối với một chiếc vệ tinh trong không gian, cách cả nghìn cây số so với mặt đất, với hai chiếc tàu chạy dọc theo chiều dài của cáp. Chiếu theo các tiêu chuẩn của X thì kiểu thang máy này đáp ứng được việc mang yếu tố khoa học viễn tưởng. Nó cũng giúp giảm chi phí du hành không gian so với hiện nay.”

Và lại một lần nữa nhóm gặp vấn đề giống như chiếc ván đệm không khí. DeVaul biết rằng sợi cáp dùng cho dự án phải cực kì bền, “ít nhất là bền hơn vài trăm lần so với loại thép bền nhất mà chúng ta đang có”, theo tính toán của Piponi. Anh cũng đã tìm ra một vật liệu phù hợp cho ý tưởng này: ống nano carbon. Tuy nhiên hiện chưa ai có thể sản xuất được một ống nano carbon có chiều dài hơn 1m, vậy thì làm sao có thể tìm được một sợi cáp dài để nối từ mặt đất lên không gian? Thế là dự án thang máy này “được đem đi đông lạnh” và dừng lại.

Nhưng những tình huống trên là áp dụng cho khoa học vật liệu, còn với những vấn đề liên quan đến điện toán thì khác. Định luật Moore dự đoán sức mạnh của chip sẽ tăng theo số mũ nên tốc độ khai thác khả năng tính toán sẽ nhanh hơn. Đây cũng là lý do vì sao mà nhóm ủa DeVaul tự tin rằng Google Glass sẽ trở nên thông dụng hơn trong vài năm tới. Trong khi đó, chúng ta không thể dự đoán được khi nào thì một loại vật liệu mới sẽ được phát minh. Có thể ngay năm sau, nhưng cũng có thể đến 100 năm sau.

3028156-slide-s-3-185-the-google-x-way.

Nói như thế không có nghĩa là Google X không quan tâm đến thế giới vật liệu. Hiện tại, nhóm Rapid Eval đang theo dõi công trình nghiên cứu của một số học viên, những dự án đang ngày đêm nỗ lực tạo ra những thứ siêu bền và siêu nhẹ. Một giáo sư tên Julia Greer hiện đang làm việc với một thứ gọi là “nanotrusses” và DeVaul vô cùng hứng thú với công trình này. “Nó sẽ thay đổi toàn bộ cách mà chúng ta xây dựng những toàn nhà. Bởi vì nếu tôi có một thứ cực bền và siêu nhẹ, tôi có thể dệt nên cả một tòa nhà trong tích tắc. Bình thường nó sẽ nằm gọn trong một chiếc hộp, tôi mang nó đến công trường mà nó sẽ bật ra như kiểu origami và trở thành một tòa nhà bền hơn bất kì thứ gì mà chúng ta đang có hiện nay”. Và rồi có một khoảng lặng trong phòng. “Tôi biết nó nghe hết sức điên rồ”.

Người đưa Google X trở lại mặt đất

Vào cuối ngày, phóng viên của Fast Company được gặp Obi Felten, người giúp kéo cả nhóm Google X trở về mặt đất sau khi họ bàn về những ý tưởng của mình. DeVaul nói người phụ nữ này là người bình thường duy nhất trong nhóm có khả năng kéo nhân viên của X về thực tại chỉ bằng những câu hỏi đơn giản, ví dụ như “Điều đó có hợp pháp không?”, “Có ai sẽ mua nó không?”, “Người ta có thích nó không?”. Felten không phải là một kĩ sư, bà làm việc cho bộ phận marketing của Google ở Châu Âu trước khi về với X. Felten hóm hỉnh: “Chức vụ hiện tại của tôi đó là Trưởng bộ phận giúp các dự án moonshot liên hệ với thực tế”. Một vấn đề mà Felten gặp phải đó là không ở đây có sẵn một hình mẫu, một mô hình giúp thực thi các ý tưởng điên rồ mà X đưa ra bởi nó quá mới mẻ, quá lạ lùng. Nhưng may mắn với X là không phải sản phẩm nào cũng cần có doanh thu. “Toàn tuyến sản phẩm thì phải làm ra tiền, nhưng không phải là mọi thứ trong đó. Có những sản phẩm đem đi kinh doanh tốt hơn những thứ còn lại nếu bạn muốn tính ra đô la. Có những thứ khác sẽ gây ảnh hưởng lớn với thế giới, nhưng không mang lại lợi nhuận cao”.

Google_X_6.
Obi Felten

Vào khoảng cuối năm nay X dự tính sẽ giới thiệu một dự án siêu bí mật rơi vào trường hợp thứ hai. Đó sẽ là gì? Hiện chúng ta chưa có bất kì manh mối nào, nhưng nhiều khả năng nó sẽ liên quan đến phương tiện giao thông, năng lượng sạch, thiết bị chẩn đoán y tế.

Cuối cùng, người phóng viên này kể cho Teller nghe về ý tưởng mà ông đã từng nói với DeVaul về một viên đạn có khả năng tránh né nạn nhân và chỉ nhắm đến những tội phạm đang đứng gần đó. Anh phóng viên nói đây là một ý tưởng tốt nhưng nó thật sự không cần thiết. Teller đáp lại: “Điều đó cũng bình thường thôi. Hầu hết mọi ý tưởng đều không áp dụng được. Nên cũng bình thường nếu chuyện đó cũng áp dụng cho ý tưởng của bạn”. Ông dừng lại suy nghĩ thêm và nói: “Vậy nếu một viên đạn mang độc dược nhưng có thể được cứu chữa trong một tuần thì sao?”. Nó sẽ không giết kẻ phạm tội ngay, nhưng một khi đã bị bắn thì tội phạm phải tự nộp mình cho cảnh sát để có được thuốc chữa. Rồi Teller nghĩ thêm: “Tôi không biết. Tôi chỉ đang suy nghĩ về những thứ xung quanh nó mà thôi”.

Nguồn: Fast Company