Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Microsoft tuyển người để mang tính năng trợ lý ảo Cortana lên Windows

Cortana_Windows.

Trang việc làm của Microsoft mới đây đã đăng tải thông tin tìm kiếm một kĩ sư phần mềm để "giúp định hình sự tiến hóa của thế hệ trợ lý ảo kế tiếp". Cụ thể hơn, Microsoft đang muốn tìm kiếm một người nào đó tham gia vào nhóm phát triển Cortana nhằm "đẩy lên trên giới hạn" và "định nghĩa lại trải nghiệm cá nhân hóa trên Windows". Mẫu tin tuyển dụng còn nhắc đến "cơ hội làm việc với ngôn ngữ tự nhiên, sử dụng các công nghệ web, tích hợp nhiều dịch vụ và xử lý các vấn đề cứng liên quan đến kĩ thuật". Tất cả những thông tin nói trên gợi ý rằng tính năng Cortana có thể sẽ được mang lên các máy tính chạy Windows trong một tương lai không xa. Hiện tại "cô trợ lý ảo" này chỉ mới có mặt trên các điện thoại chạy Windows Phone 8.1 mà thôi.

Xem thêm: Cortana trên Windows Phone 8.1 có thể làm được gì?

Nguồn: Microsoft

Đại học Harvard chế tạo thành công thiết bị ngắt mạch lượng tử, bật/tắt chỉ bằng 1 photon duy nhất

041714_Lukin_309_605_MAIN.
Tiến sĩ Lukin (bên trái) cùng các cộng sự tại Đại học Harvard

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard do tiến sĩ Mikhail Lukin đứng đầu đã chế tạo thành công một thiết bị ngắt mạch lượng tử có khả năng bật và tắt bằng cách sử dụng 1 photon duy nhất. Các nhà khoa học xem đây là 1 thành tựu công nghệ đột phá có thể mở đường cho việc tạo nên các mạng máy tính lượng tử với độ bảo mật vô cùng cao trong tương lai. Các thông tin chi tiết về nghiên cứu của tiến sĩ Lukin và các cộng sự đã được công bố trên tạp chí Nature số tháng 4 vừa qua.

Theo các nhà khoa học, điện toán lượng tử sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong nền công nghiệp máy tính với chỉ 1 nguyên tử duy nhất nhưng có khả năng tăng cường tốc độ xử lý, sức mạnh và tính bảo mật theo cấp số nhân so với các thế hệ máy tính hiện tại. Mặc dù tính đến thời điểm này, máy tính lượng tử vẫn chưa thật sự cần thiết đối với đại đa số người dùng nhưng đối với các nhà khoa học hoặc các chuyên gia, thì đây là công cụ cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu đòi hỏi phải xử lý, phân tích những khối dữ liệu vô cùng lớn.

Tiến sĩ Lukin cho biết: "Về mặt khái niệm, ý tưởng của nghiên cứu là hết sức đơn giản: Đẩy các quy ước về việc đóng/mở công tắc bình thường lên tới giới hạn cuối cùng của nó. Có thể hiểu nôm na về những gì chúng tôi làm được ở đây chính là dùng 1 nguyên tử như 1 công tắc. Tùy thuộc vào trạng thái của nó mà bạn có thể đóng hoặc mở dòng dịch chuyển của các photon theo ý muốn. Khi nhiều công tắc được kết hợp lại với nhau sẽ vận hành như một máy tính lượng tử thật sự."

Theo tiến sĩ Lukin, tiếp theo nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để áp dụng công nghệ trên vào các sợi cáp quang nhằm như một công cụ mã hóa với độ bảo mật vô cùng cao. Việc sử dụng các bộ ngắt mạch lượng tử sẽ cho phép truyền thông tin đi trong phạm vi từ hàng chục đến hàng nghìn kilomet một cách an toàn.

Để thực hiện điều đó, nhóm nghiên cứu đã phát triển một thiết bị kết hợp các bộ ngắt mạch photon với ống chân không truyền thống. Tiến sĩ Lukin cho biết: "Từ lúc máy tính hình thành và phát triển hiện đại như ngày nay đều sử dụng các ống chân không tích hợp trong các bảng mạch. Nếu hệ thống máy tính lượng tử phát triển thì sẽ vẫn sử dụng công nghệ ống chân không tương tự để cô lập và giữ 1 nguyên tử duy nhất bằng trường điện từ."

Mặc dù được xây dựng theo phương pháp truyền thống, nhưng các con chip của nhóm nghiên cứu chế tạo lại sử dụng ánh sáng để vận hành thay vì điện. Những con chip này được trang bị công nghệ nano, về cơ bản nó có khả năng kiểm soát đường đi của ánh sáng, từ đó tạo nên các bảng mạch và kết nối với sợi cáp quang.

Sau khi các sợi cáp quang được đặt vào trong buồng chân không, các nhà nghiên cứu sử dụng một chiếc "kẹp quang học" bằng laser để "bắt" 1 nguyên tử và làm lạnh nó về nhiệt độ gần như bằng 0. Cuối cùng, nguyên tử này sẽ được di chuyển trong phạm vi vài trăm nano mét trong con chip và thực hiện nhiệm vụ đóng mở của mình.

Tiến sĩ Lukin cho biết thêm: "Để thực hiện được điều trên vẫn không hề đơn giản, nguyên tử được dùng làm công tắc phải tồn tại trong một trạng thái chồng chất đặc biệt. Trạng thái này khiến nguyên tử cực kỳ mỏng manh và dễ vỡ. Khi các photon va vào sẽ khiến trạng thái của nguyên tử thay đổi. Chính sự thay đổi trạng thái theo chu kỳ cho phép nó thực hiện nhiệm vụ như một cái van, đóng hoặc mở tùy theo trạng thái."

Hiện tại, hệ thống trên của nhóm nghiên cứu vẫn còn hết sức sơ khai. Tiến sĩ Lukin còn dự đoán rằng mô hình mạng máy tính lượng tử vẫn cần phải được tiếp tục nghiên cứu ít nhất là 1 thập kỷ tới mới có thể trở được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, những thành công ban đầu đã mở ra một viễn cảnh xán lạn về một công nghệ mạng máy tính ưu việt trong tương lai.


Hiểu cách thức ứng dụng Mail trên OS X lưu tập tin đính kèm và sử dụng nó thật hiệu quả

Email_OS_X_3.

Bạn nhận được một bức thư mới bằng ứng dụng Mail mặc định của OS X, trong đó có những tập tin đính kèm. Tất cả những gì chúng ta cần làm là nhấp đôi chuột vào file đó để mở nó ra ngay lập tức, không nhất thiết phải chọn chỗ lưu như phương thức truyền thống. Những gì hiện lên trước mắt chúng ta là thế, nhưng còn phía sau thì sao? Thực chất Mail cũng phải download rồi lưu tập tin này vào một chỗ nào đó trên máy tính, có điều chỗ đó rất khó kiếm, và trong một số trường hợp file có thể được tải về nhiều hơn một lần. Hi vọng bài viết sau sẽ giúp bạn biết rõ cách thức Mail lưu file và tránh được những rắc rối phiền toái.

Thư mục tải về của Mail nằm ở đâu?

Khi bạn mở một tập tin đính kèm thông qua Mail bằng cách nhập chuột hai lần vào file mong muốn, ứng dụng này sẽ lưu file vào thư mục mang tên Mail Downloads nằm ở đường dẫn sau:

~/Library/Containers/com.apple.mail/Data/Library/Mail Downloads (OS X 10.9)

hoặc

~/Library/Mail Downloads (OS X 10.8 trở về trước)

Bạn có thể thử mở folder này bằng cách nhấn chuột ra desktop, chọn menu Go > Go to Folder > nhập đường dẫn ở trên rồi nhấn Enter. Và bây giờ thì bí ẩn đang dần dần hé lộ, hàng đống tập tin, thư mục con xuất hiện đầy trong thư mục cha Mail Downloads này, và vâng, đây chính là những tập tin đính kèm mà Mail lưu vào đây để có thể mở ra chọn bạn xem, ngay cả khi bạn chưa tự mình chọn vị trí để lưu file.

Email_OS_X_1.

Ở trên máy của mình thì thư mục này có dung lượng là 50MB, nhưng trên máy của bạn mình thì nó lên đến khoảng vài trăm MB. Có người còn nói folder Mail Downloads trong máy họ lên đến cả vài GB, tức là nó đang chiếm một khoảng dung lượng lớn không cần thiết. Nếu muốn giải phóng không gian lưu trữ cho chiếc máy Mac của mình, bạn có thể xóa những thư mục và tập tin con nằm bên trong Mail Downloads đi nhé. Nhớ vào thùng rác (Trash) rồi nhấn Empty Trash để thực sự chia tay những file tạm này. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tận dụng Mail Downloads để lục lại những tập tin đính kèm trong tình huống lỡ xóa mất email gốc của nó.

Bên cạnh đó, nếu bạn nâng cấp từ OS X 10.8 hoặc các bản cũ hơn lên OS X 10.9, nhiều khả năng thư Mail Downloads của phiên bản trước vẫn còn tồn tại nhưng nằm ở địa chỉ ~/Library/Mail Downloads. Bạn cũng nên xóa những file tạm nằm ở đây nếu không cần đến chúng nữa. Mình mở ra thử thì có những file đã tồn tại cả năm trời rồi.

Vậy khi nào thì Mail sẽ lưu tập tin vào Mail Downloads?

Một tập tin đính kèm sẽ được tự động lưu vào thư mục này khi bạn làm một trong những thao tác sau:
  • Nhấn hai lần chuột vào file đính kèm hoặc chọn "Open Attachment" từ menu chuột phải
  • Nhấn Control + click chuột vào một file đính kèm và sử dụng bất kì lệnh nào trong menu chuột phải. Nếu bạn Control + click nhưng nghĩ lại và chỉ nhấp chuột ra ngoài thì cũng muộn rồi. Miễn là menu chuột phải có xuất hiện thì file đã được lưu vào Mail Downloads.
  • Dùng Quick Look để xem nhanh tập tin (nhấn chuột rồi bấm phím Spacebar)
Lưu ý rằng mỗi lần bạn "rời đi" rồi "quay lại" cửa sổ xem email và thực hiện một trong ba tác vụ nói trên, tập tin sẽ lại một lần nữa được lưu vào Mail Downloads, không quan trọng trước đó bạn đã mở file bao nhiên lần! Và việc "rời đi", "quay lại" được Apple định nghĩa là một trong ba trường hợp sau: đóng và mở lại cửa sổ email, xem một email khác rồi quay lại email có tập tin đính kèm, thoát và chạy lại ứng dụng Mail.

Còn khi bạn chọn lưu tập tin đính kèm một cách thủ công bằng menu Save As hoặc khi bạn kéo thả nó vào một thư mục xác định thì file sẽ được lưu như ý muốn của bạn. Lúc này, Mail sẽ không đưa file vào thư mục Mail Downloads nữa.

Chuyện gì xảy ra khi chỉnh sửa tập tin đính kèm?

Lấy ví dụ như thế này: mình nhận được một email có đính kèm file Word. Mình nhấp chuột hai lần để xem tập tin này ngay và luôn bằng phần mềm Microsoft Word. Đến đây thì không có gì lạ. Nhưng nếu mình muốn xem lại tập tin gốc trong email thì đôi khi nó hiện ra phiên bản chưa chỉnh sửa, đôi khi lại hiện ra tập tin đã biên tập? Vậy là sao?

Chuyện thật ra cũng không có gì phức tạp lắm đâu. Chúng ta có ba tình huống sau:
  • Nếu bạn đã mở file, chỉnh sửa rồi lưu lại bằng Word nhưng chưa đóng cửa sổ Mail (hoặc chưa chuyển sang xem một email khác), tập tin mà Mail mở ra khi bạn double click vào file đính kèm chính là tập tin đã chỉnh sửa. Nói cách khác, bạn sẽ không xem được file gốc.
  • Còn nếu bạn đã đóng cửa sổ Mail hoặc chuyển sang xem nội dung của một bức thư khác, Mail sẽ tự động tải về lại file đính kèm từ máy chủ của nhà cung cấp email và mở ra bản gốc cho bạn xem. Đó cũng là nội dung của dòng Lưu ý mà mình ghi trong phần trên.
  • Một số ứng dụng đặc biệt như Pages, Numbers, TextEdit, Preview sẽ đối xử với tập tin đính kèm hơi khác một chút. Chúng sẽ mở các file đính kèm như là một file mới và tiêu đề sẽ trở thành "Untitled", khi đó bạn buộc phải lưu thủ công file vào một chỗ khác sau khi đã chỉnh sửa chứ không thể lưu đè lên cái có sẵn trong Mail Downloads.
Để tránh tình huống nhức đầu như trên, cách tốt nhất để mở một tập tin đính kèm đó là chúng ta lưu nó xuống một thư mục nào đó, có thể là Documents hay Desktop hoặc Photos tùy bạn. Để làm việc này, bạn vào menu File > Save Attachments hoặc nhấn nút Save All nằm ở gần tiêu đề thư như hình minh họa bên dưới. Sau khi đã lưu vào một chỗ cố định rồi, bạn đóng cửa sổ Mail lại rồi bắt đầu chỉnh sửa. Như vậy bạn sẽ không còn bị rối, lúc này lúc khác nữa.

Email_OS_X_2.

Nguồn: MacWorld

Samsung ra mắt Galaxy Tab 4 Education cho trường học, có vỏ bảo vệ, kho Play Store đặc biệt

Galaxy_Tab_4_Education_2.

Samsung mới đây đã ra mắt Galaxy Tab 4 Education, chiếc máy tính bảng đầu tiên của công ty được thiết kế dành riêng cho mục đích sử dụng tại các trường tiểu học hoặc trung học cơ sở. Thiết bị này sở hữu bộ vỏ bảo vệ độ bền cao bên ngoài và có thể được quản lý từ xa. Trên máy có cài sẵn Google Play for Education, một phiên bản đặc biệt của cửa hàng Play cho phép học sinh truy cập vào những nội dung "đã được giáo viên chấp thuận", bao gồm sách, video và ứng dụng. Trong tương lai, Galaxy Tab 4 Education sẽ được bổ sung thêm tính năng tích hợp với dịch vụ Samsung School cho phép chia sẻ nội dung giữa giáo viên và học sinh.

Về mặt cấu hình, Galaxy Tab 4 Education được trang bị màn hình 10,1" độ phân giải 1280 x 800, kính bảo vệ Corning Gorilla Glass, camera trước và sau, bộ nhớ trong 16GB (hỗ trợ mở rộng bằng thẻ microSD). Người dùng cũng có thể tùy chọn thêm một bàn phím USB để việc nhập liệu được dễ dàng hơn. Kết nối AllShare Cast sẽ giúp xuất hình ảnh từ tablet sang màn hình ngoài, ngoài ra máy còn có NFC. Mẫu máy tính bảng dành cho giáo dục này được cài sẵn Android 4.4 KitKat và cũng sở hữu chế độ MultiWindow để người dùng chạy hai ứng dụng cùng lúc. Thời lượng pin của thiết bị là 10 giờ, đủ cho một ngày học ở trường.

Galaxy Tab 4 Education sẽ được bán ra trong năm học 2014 - 2015 tại Mỹ với giá 369,99$ mỗi máy.

Cấu hình cơ bản của Samsung Galaxy Tab 4 Education:
  • Màn hình: 10,1" độ phân giải 1280 x 800, phủ kính Gorilla Glass
  • CPU: Qualcomm, bốn nhân xung nhịp 1,2GHz (chưa rõ model)
  • RAM: 1,5GB
  • Camera chính: chưa rõ độ phân giải
  • Camera phụ: chưa rõ độ phân giải
  • Pin: 6800mAh
  • Hệ điều hành: Android 4.4 KitKat
  • Tính năng đặc biệt: vỏ bảo vệ bên ngoài, Galaxy Tab 4 Education
  • Kết nối: NFC, Bluetooth 4.0, Wi-Fi a/b/g/n
  • Bộ nhớ trong/Thẻ nhớ: 16GB, hỗ trợ thẻ microSD tối đa 64GB
  • Kích thước: 243 mm x 176 mm x 7,9mm
  • Trọng lượng: 490g


Nguồn: Samsung

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Thử tốc độ ổ lưu trữ ngoài: SSD, HDD, USB, Thunderbolt...

tinhte_test_toc_do_hdd-2.

Trong bài này mình sẽ thử nghiệm tốc độ các ổ lưu trữ ngoài qua các giao tiếp USB2.0, USB3.0, và Thunderbolt. Còn về loại ổ lưu trữ ngoài thì chúng ta có USB Flash loại thường, ổ HDD, ổ SSD và loại ổ gắn ngoài có khả năng raid hai ổ HDD lại thành 1 để tăng tối đa tốc độ bằng cách dùng hai đầu từ cùng một lúc. Kết quả cho thấy ổ SSD với giao tiếp Thunderbolt vẫn thể hiện tốc độ cao nhất và tiếp theo là hai ổ HDD nhập thành 1. Giao tiếp Thunderbolt nhanh hơn USB3.0 và hơn nhiều so với USB2.0. Dĩ nhiên là lý thuyết thì những điều này đã đúng rồi. Mình chỉ muốn cho các bạn thấy rõ được sự khác biệt để các bạn có thể chọn đúng.


Cách thức thực hiện:
Chép một thư mục gần 10Gb với đủ thứ các tài liệu mà anh em hay dùng như: hình, văn bản, phim, nhạc, các thể loại tập tin khác. Đo xem thời gian chép từ máy tính của mình qua USB3.0 và Thunderbolt (dùng ổ SSD giao tiếp PCI Express với tốc độ ghi và chép vượt trội hơn nhiều so với các ổ lưu trữ ngoài mà mình thử) đến ổ gắn ngoài. Dựa trên thời gian đo để đưa ra kết luận về tốt độ.

Các ổ tham gia
  1. USB flash nhớ giao tiêp 2.0, dung lượng 16GB
  2. Ổ Lacie Fuel giao tiếp USB 3.0, HDD dung lượng 1000GB
  3. Ổ Lacie Rugged giao tiếp Thunderbolt, SDD dung lượng 960GB
  4. Ổ WD My Passport Pro giao tiếp Thunderbolt, HDDx2 dung lượng 4000GB
tinhte_test_toc_do_hdd.

Kết quả:
  • Cùng là HDD nhưng nếu bạn dùng Thunberbolt thì sẽ nhanh hơn so với USB3.0 đáng kể. Điều này cho thấy kể cả USB3.0 cũng chưa khai thác hết được tốc độ của ổ HDD.
  • Nếu cùng dùng hai ổ một lúc thì tốc độ tăng gần như gấp đôi so với dùng một ổ. Đây là giải pháp tăng tốc độ dễ dàng nhất. Việc dùng hai ổ cùng lúc cũng có lợi ích là chúng ta có dung lượng gấp đôi. Như ổ mình thử trong bài này có dung lượng đến 4TB, là ổ lưu trữ di động không cần điện ngoài lớn nhất hiện nay
  • SSD vẫn là giải pháp cho tốc độ nhanh nhất thiện nay nhưng cái giá của SDD thì lại vượt quá xa so với HDD.
  • Thunderbolt không chỉ nhanh mà còn có điện đủ mạnh để nuôi hai ổ HDD cùng lúc.
  • Từ năm 2014 anh em không nên dùng USB2.0 hay ổ lưu trữ ngoài dùng cổng USB2.0 nữa.

tinhte_test_toc_do_hdd-3.

[Trên tay] Laptop Asus K551LN: máy 15.6" mỏng nhẹ, pin không lâu; 12,5 - 19 triệu

Asus-K551L.

Vivobook K551 là một trong những mẫu laptop giá rẻ mà Asus bán ra thị trường Việt Nam trong tháng 5/2014. Máy có màn hình rộng 15.6", độ phân giải chỉ giới hạn ở 1366 x 768 pixel, nhưng bù lại nó được trang bị cấu hình khá tốt: tùy chọn CPU Intel Haswell Core i3/i5/i7, RAM 4GB/8GB, ổ cứng 500GB, tùy chọn GPU tích hợp hoặc nVIDIA GT 840M. Giá bán của Asus K551 ở Việt Nam dao động từ 12,5 tới 19 triệu đồng theo tùy cấu hình, trong đó có phiên bản không kèm Windows để giảm giá bán của máy.

Cấu hình của máy Asus Vivobook K551LN-019D trong bài:

spec.
Asus là một trong những hãng máy tính chăm chỉ ra mắt laptop nhất hiện nay, họ có gần như đầy đủ các dòng máy để trải đều cho các phân khúc, từ văn phòng cho tới trường học, game thủ và kể cả máy trạm. Với dòng K551, Asus cho biết thiết kế của chiếc máy được làm hướng tới người dùng, do đó máy có vẻ ngoài thanh thoát hơn, tuy là máy 15.6" nhưng nó cũng mỏng và nhẹ hơn đời trước, gần đạt với chuẩn Ultrabook và vẫn được trang bị ổ ghi DVD. Máy có kích thước là 380 x 258 x 22,5mm.

Asus-K551L (10).

Mặt trên của máy được làm bằng nhôm, thừa hưởng từ thiết kế của dòng S550 hồi năm 2013, lớp nhôm nhám này tương đối ít bám vân tay, đồng thời tạo cảm giác mát và chắc tay khi cầm nắm, một phần nữa là máy cũng không quá nặng nên nhìn chung khi cầm sẽ cho chúng ta cảm giác là K551 không quá to và nặng. Với thiết kế nhôm như vậy như mặt trên không quá chắc chắn, nó dễ bị lún khi chúng ta bóp mạnh tay, vì vậy dễ dàng đoán đây là kiểu thiết kế lắp ráp từng miếng theo truyền thống, chứ không phải thiết kế khung nhôm unibody cao cấp.

Asus-K551L (8).

Đáy máy bằng nhựa nhám, nhìn rất đơn giản, liền mạch một tấm và được cố định bằng nhiều ốc. Kiểu thiết kế này cũng đồng thời không cho phép chúng ta tháo pin của máy ra được. Nghe tới đây chắc nhiều bạn có thói quen sử dụng laptop mà tháo pin rồi cắm sạc sẽ không thích, nhưng cá nhân mình thì không khuyến khích việc tháo pin, lỡ như đang xài mà bị cúp điện thì rất là phiền phức.

Asus-K551L (16).

Nếu mua bản Asus K551 có 4GB RAM, thì Asus cho biết máy vẫn còn trống 1 khe RAM để nâng cấp, tuy nhiên nắp lưng này làm liền luôn nên việc mở ra có khó khăn hơn một chút. Ở Việt Nam nơi bán thường sẽ không khuyến khích chúng ta tự tháo máy để nâng cấp, vì sẽ làm máy mất bảo hành.
  • Bàn phím và Touchpad
Có thể nói Asus làm bàn phím laptop khá tốt, kể cả những chiếc máy dòng phổ thông. Với K551, nó được gắn một cái bàn phím chiclet có đèn nền, với các phím màu đen, trơn tru và kích thước mỗi phím tương đối lớn, nằm tách bạch nhau. Đồng thời với chiều dài 38cm của máy cũng cho phép họ trang bị thêm dãy phím numpad nằm bên phải cho máy.

Asus-K551L (6).

Cảm giác gõ phím trên K551 khá ổn, hành trình phím tốt, mềm và độ nảy rất vừa tay. Xung quanh phần chiếu nghỉ tay là một lớp nhôm nhám mát lạnh, do đó việc sử dụng rất thoải mái. Tuy nhiên, 4 phím lên/xuống/trái/phải được làm nhỏ chỉ bằng 1/3 so với các phím khác, dễ gây khó chịu nếu phải sử dụng cụm phím này nhiều.

Mình đặc biệt rất thích những laptop có touchpad kích thước lớn, điển hình là K551. Phải nói là diện tích của bàn rê này rất lớn, bằng khoảng lòng bàn tay của một người lớn. Cùng với việc rộng rãi, chất liệu mà Asus sử dụng cho bàn rê này là kim loại, hơi hơi nhám nhẹ do đó việc sử dụng cũng khá là thích tay. 2 nút chuột trái/phải được làm ẩn luôn bên dưới touchpad.

Asus-K551L (18).
  • Loa
Asus có công nghệ âm thanh SonicMaster trang bị trên những PC của mình, kể cả laptop. Hiểu đơn giản thì đây là một ứng dụng giúp người dùng tùy chỉnh chất âm cho bộ loa của máy, giống như chỉnh equalizer, để phù hợp hơn với từng thể loại nhạc cụ thể. Ở chế độ mặc định, loa của K551 không quá to, chỉ dừng ở mức trung bình, đi kèm theo đó thì chất âm cũng chỉ ở mức chung chung mà thôi, không quá ấn tượng, điều này cũng dễ hiểu vì đây chỉ là dòng máy phổ thông mà thôi.

Asus-K551L (2).
  • Màn hình
Điều làm mình không thích nhất ở K551 đó là độ phân giải màn hình chỉ dừng lại ở mức 1366 x 768 pixel, ngay cả ở phiên bản cấu hình cao nhất giá gần 19 triệu đồng bán ở Việt Nam, trong khi đó Asus lại có tùy chọn Full HD cho dòng máy này ở nước ngoài, hi vọng là vài tháng tới thì nó cũng được bán ở Việt Nam.

Việc sử dụng độ phân giải 720p (thấp hơn smartphone cao cấp hiện nay) trên màn hình 15.6" cho chúng ta diện tích làm việc rất hẹp, đơn giản là độ phân giải thấp thì chữ sẽ phải ở kích thước to thì mới rõ và không bị vỡ được, một tấm ảnh 800 pixel mở 100% cũng gần như full toàn màn hình. Thêm nữa ví dụ khi duyệt web thì gần như phải mở trình duyệt toàn màn hình, khi soạn Office cũng vậy, rất là phí phạm không gian.

Asus-K551L (7).

Về chất lượng hiển thị thì màn hình này ở mức chấp nhận được, Asus sử dụng cho nó màn hình gương, tấm nền TN, do đó góc nhìn cũng không rộng bằng IPS, giới hạn ở khoảng 100 độ. Và cái màn hình này cũng được phủ gương nên nó dễ bị chói khi sử dụng ngoài trời.. Nhưng vì là laptop tầm trung nên chúng ta cũng khó đòi hỏi nhiều hơn.
  • Pin và nhiệt độ
K551 được trang bị pin poly 3 cell dung lượng 50Wh. Thời lượng sử dụng của nó cũng không cao lắm. Ví dụ khi thử nghiệm để độ sáng màn hình 50%, mở 1 trang web và để màn hình không tắt. Máy trụ được khoảng 4 tiếng thì báo pin còn 10%.

Asus-K551L (20).

Bù lại, nhiệt độ máy mát là một ưu điểm của laptop Asus trong những năm gần đây. Ở điều kiện phòng làm việc có máy lạnh, sử dụng bình thường lướt web thì nhiệt độ CPU của K551 dao động trong khoảng 40 - 45 độ C. Nếu dùng phần mềm để stress máy thì nhiệt độ vượt ngưỡng 60 độ C và có khi chạm 70 độ C, dĩ nhiên là vẫn còn nằm trong mức chấp nhận được.

Asus-K551L (9).
  • Chip đồ họa
Dòng laptop K551 có 2 tùy chọn về GPU, hoặc sử dụng chip tích hợp Intel HD 4400 trong CPU Intel Haswell, hoặc nVIDIA GeForce GT 840M cho những máy giá tiền cao hơn. GT 840M là dòng GPU Maxwell thế hệ đầu tiên của nVIDIA, được ra mắt hồi tháng 3/2014. Do mới là Maxwell thế hệ đầu tiên nên nó chỉ được áp dụng cho những model cấp thấp và trung mà thôi, điển hình là GT 830M, GT 840M, GT 850M và GTX 860M.

Chip GT 840M trên K551 có 384 nhân CUDA, chạy ở xung nhịp 1029MHz và có RAM 2GB DDR3, hỗ trợ DirectX 11. Bảng so sánh thông số của GT 840M Maxwell với các GPU 800M khác:

GT-840M.
  • Tổng kết
Asus K551 bán chính hãng ở Việt Nam khởi điểm khoảng 12,8 triệu đồng cho bản CPU Core i3, GPU tích hợp và cao nhất là 19 triệu đồng cho bản CPU Core i7, GPU rời GT 840M. Phiên bản tầm trung giá 14,7 triệu thì dùng CPU Core i5 và cũng có GPU rời. Như vậy là K551 trải khá dài ở mức giá và cấu hình cũng tương đối phong phú, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng của người dùng. Mặc dù chip đồ họa GT 840M không mạnh mẽ để chơi game, nhưng nó cũng đủ sức thỏa mãn người dùng chơi khá nhiều game hiện nay ở độ phân giải 720p trên màn hình 15.6" này.


Đa số dân văn phòng không thực sự cần dùng đến các ứng dụng Office

Office.

Mới đây, công ty khởi nghiệp SoftWatch đã nghiên cứu về việc nhân viên văn phòng sử dụng các phần mềm Office và đưa ra kết luận rằng, nhiều doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhiều tiền bằng cách chuyển từ ứng dụng Office sang các ứng dụng nền đám mây có giá rẻ hơn.

SoftWatch cho biết trong một nghiên cứu trên 148.000 nhân viên văn phòng ở 51 công ty quốc tế khác nhau có sử dụng Microsoft Office bản quyền, 70% trong số đó chỉ sử dụng các ứng dụng này để xem hoặc chỉnh sửa đơn giản.

Đa số (68%) tổng thời gian mà nhân viên dành ra để thao tác với các ứng dụng Office trong một ngày làm việc căn bản đó là dành cho ứng dụng quản lý email Outlook, chiếm khoảng nửa tiếng đồng hồ trên một ngày làm việc trung bình của nhân viên. Chỉ khoảng 8 phút mỗi ngày họ làm việc với Excel, 5 phút dành cho Word, và có đúng 2 phút cho PowerPoint.

Trong số những nhân viên nói chung, 29% thậm thí chưa từng dùng tới Excel hay Word, hoặc là chỉ dùng để xem tài liệu sẵn có, còn 70% chưa từng cần đến việc chỉnh sửa một tập tin PowerPoint.

Với ứng dụng Word, 62% nhân viên chỉ sử dụng những tính năng rất đơn giản, trong khi số sử dụng thực sự nghiêm túc chỉ là 9%. Còn với Excel, 53% nhân viên chủ yếu dùng để xem tài liệu và thực hiện các tính năng đơn giản, số người sử dụng đến những tính năng tính toán phức tạp là 18%.

Công ty đứng sau những nghiên cứu này sau đó đã bán một ứng dụng phân tích thời lượng sử dụng đến cho các công ty như là một cách để họ xác định được nhu cầu thực sự cho bộ ứng dụng Office có bản quyền, và các đối tác của họ vốn là các nhà bán lẻ ứng dụng Google Apps, vốn đang dần thay thế những ứng dụng truyền thống.

Office-365-Microsoft.

Các công ty phát triển phần mềm có vẻ cũng đã nhận ra được vấn đề này và đã đưa ra thêm lựa chọn cho khách hàng, bao gồm các ứng dụng nền tảng đám mây. Hiện tại Microsoft đang bán Office 365 cho nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả Windows, Mac, Android và iOS. Ngoài ra thì họ còn có một ứng dụng đặc biệt dành cho màn hình cảm ứng.

Nếu nhìn ra môi trường làm việc xung quanh thì cũng không khó để thấy rằng nghiên cứu này là hoàn toàn có lý. Từ thực tế bản thân, mình cũng nhận thấy không có nhiều đồng nghiệp cần sử dụng đến các ứng dụng văn phòng thực thụ. Hiếm khi mình cần đến các ứng dụng như Word, Excel trên Windows, hay Pages, Numbers trên OS X. Các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng đám mây vẫn là một lựa chọn hợp lý, vừa tiện lợi cho việc đồng bộ tài liệu trên nhiều thiết bị khác nhau, vừa hạn chế được chi phí bản quyền, tất nhiên là không cần phải “vi phạm bản quyền” nữa.


Phải đến năm 2017 thì BMW X4 M mới xuất hiện

393432.

Theo thông tin từ chính Friedrich Nitschke, chủ tịch của M Division thuộc BMW, BMW X4 M sẽ bị hoãn cho đến năm 2017 do những hạn chế về kỹ thuật. Ông Friedrich cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang phát triển mẫu X5 M và X6 M mới, và chúng tôi sẽ cho ra mắt trong năm tới. Tôi nghĩ rằng nếu ra đồng thời mang tới thêm mẫu X4 M sẽ khiến chúng tôi rơi vào tình trạng khó khăn về kỹ thuật và vì thế ở thời điểm này rất khó để chúng tôi phát triển nhiều mẫu M thực thụ.”

“X4 là phiên bản thể thao nhất của X3 và trong tương tai có thể chúng tôi sẽ tạo ra một chiếc xe như vậy, nhưng chúng tôi sẽ không làm điều đó ở chu kỳ sản phẩm này.”

Tóm lại là chúng ta sẽ không thấy BMW X4 M cho đến khi chiếc compact SUV này sẽ được lên facelift cùng vài nâng cấp khác vào năm 2017.

Khi ra mắt có thể X4 M sẽ sử dụng động cơ tương tự như trên BMW M2, đó là động cơ 3.0 6 xi-lanh, với công suất dự kiến là 380 mã lực. Và nếu BMW X4 M đến đúng hẹn thì nó sẽ đối thủ cạnh tranh với Mercedes-Benz GLA 45 AMG.

393424.393419.393426.393428.


[Video] Liệu đây có phải là Galaxy S5 Active với vỏ kim loại?

Screen Shot 2014-05-18 at 5.59.40 PM.

Chiếc Galaxy S5 trong video dưới đây thoạt nhìn qua thì không khác gì so với phiên bản chính thức vừa mới được Samsung Việt Nam bán ra gần đây, tuy nhiên vẫn có những điểm mới làm bạn phân vân. Điểm khác biệt lớn nhất mà có thể nhận thấy ngay được đó là khung sườn làm bằng kim loại cũng như nắp lưng kim loại chắc chắn, đúng như tin đồn mà chúng ta vẫn nghe về Prime. Ngoài ra thì có vẻ như độ phân giải màn hình sẽ là 2K, theo như trong video khẳng định: màn hình rất sắc nét, hơn những chiếc S5 hiện tại.

Hơi khó để khẳng định đây là chiếc Samsung Galaxy S5 Prime đang được đồn đại bấy lâu nay vì nó giống với S5, nhiều khả năng đây là phiên bản Active giống với cách mà Samsung đã làm với Galaxy S4 Active.