Theo báo cáo mới nhất, Samsung sẽ đầu tư số tiền 14,7 tỷ đô la để xây dựng thêm một nhà máy sản xuất chip tại Hàn Quốc. Hãng tin Reuters nhận định đây là một bước đi mạo hiểm của Samsung khi đặt cược vào lĩnh vực kinh doanh bán dẫn của hãng trong thời điểm doanh thu kinh doanh smartphone bắt đầu có dấu hiệu chững lại trong thời gian qua.
Theo kế hoạch, nhà máy chip mới sẽ được xây dựng tại Pyeongtaek, một thành phố nằm cách Seoul 75km về phía Nam và dự kiến sẽ được hoàn thành vào nửa cuối năm 2017. Hiện tại, Samsung là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng ổn định tương ứng với nhu cầu sử dụng cho các thiết bị di động ngày càng tăng. Hãng đang sở hữu 2 nhà máy chip tại Giheung, Hwaseong ở Hàn Quốc và các nhà máy chip khác đặt tại Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Lợi nhuận từ lĩnh vực kinh doanh thiết bị di động của Samsung đang giảm đi bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng khác trên thị trường. Đối với Samsung, Apple là một đối thủ lớn ở phân khúc thiết bị cao cấp trong khi các hãng sản xuất từ Trung Quốc như Lenovo hoặc Xiaomi đang là mối đe dọa với các mẫu thiết bị giá rẻ, nhiều tính năng. Những điều này đã góp phần xối mòn đi lợi nhuận của Samsung trên thị trường thiết bị di động.
Một số nhà phân tích dự đoán rằng thời gian tới có thể sẽ là lần đầu tiên trong 3 năm qua lợi nhuận từ mảng kinh doanh bán dẫn của Samsung sẽ cao hơn so với việc kinh doanh thiết bị di động. Kwon Oh-hyun, phó chủ tịch Samsung cho biết rằng: "Khoản đầu tư này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc định hình mảng kinh doanh bán dẫn của Samsung trong tương lai."
Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014
Samsung đầu tư 14,7 tỷ đô la để xây dựng thêm nhà máy chip tại Hàn Quốc
Một số thông tin về DARPA: Nơi những ý tưởng táo bạo biến thành hiện thực
Nếu như các bạn thường xuyên theo dõi tin tức về những công nghệ robot, vũ khí tiên tiến và trang bị của tương lai,... chắc hẳn DARPA là một cái tên không còn xa lạ. DARPA là tên viết tắt của Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến trực thuộc Lầu Năm Góc, Hoa Kỳ. Một tên gọi khác khá thú vị cũng được gán cho cơ quan này chính là "nơi của những ý tưởng khoa học điên rồ!" Vậy thật ra cơ quan này có nhiệm vụ gì và đã thực hiện những nghiên cứu nào? Có phải chăng chỉ là robot dành cho chiến tranh? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
DARPA ra đời như thế nào?
Vào năm 1958, Tổng Thống đời thứ 34 của Hoa Kỳ, Dwight Eisenhower đã chính thức thành lập Defense Advanced Research Projects Agency (DARPA) với mục tiêu phát triển các công nghệ tiên tiến nhất phục vụ đất nước. Ban đầu, cơ quan này lấy tên ARPA (không có từ Defense) và được xem như phản ứng của Mỹ trước sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik.
Trụ sở chính của DARPA
Theo DARPA, sự ra đời của họ là thật sự cần thiết và hết sức cơ bản cho sự phát triển của khoa học và công nghệ quốc phòng tại Hoa Kỳ. Kể từ đó, nhiều sự kiện khoa học công nghệ quan trọng đều có sự đóng góp của DARPA. Điển hình như cơ quan đã phát triển ra ARPANET, một mạng lưới chuyển mạch gói đầu tiên hoạt động và chính là tiền thân của mạng Internet toàn cầu hiện nay. Có thể nói, đây chính là phát minh đã làm thay đổi thế giới của chúng ta.
Trong một ví dụ khác, chắc hẳn các bạn đã quen thuộc với những trợ lý ảo như Siri hay Cortana. Bạn có biết rằng DARPA đã từng thực hiện chương trình nghiên cứu Speech Understanding Research (SUR) hồi những năm 1970 nhằm tìm kiếm công nghệ hiểu được giọng nói con người. Nghiên cứu này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ nhận diện giọng nói được ứa dụng rộng tãi như ngày nay.
DARPA hoạt động ra sao?
Mặc dù là một phần của Lầu Năm Góc, nhưng DARPA lại là một cơ quan hoạt động độc lập với công tác nghiên cứu của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ. Nhân viên của DARPA được chia thành các nhóm nhỏ được dẫn đầu bởi một người quản lý. Mỗi nhóm sẽ đảm nhận nghiên cứu giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó do nhóm tự do tìm kiếm ý tưởng và tổ chức thực hiện nghiên cứu giải quyết vấn đề. Ngoài ra, DARPA cũng chi tiền tài trợ cho các công ty công nghệ khác nhằm thực hiện các dự án mà cơ quan cho là hứa hẹn nhiều triển vọng.
DARPA sẽ tài trợ cho mỗi nhóm số tiền từ 10 đến 40 triệu đô la để thực hiện nghiên cứu. Một vài dự án nhận được ít tài trợ, một số dự án lớn khác có thể nhận được số tiền lên tới 100 triệu đô la. Theo báo cáo mới nhất, ngân sách dành cho DARPA trong năm 2014 là 2,78 tỷ đô la và năm 2015 sẽ là 2,91 tỷ đô la để "nuôi dưỡng" các dự án. Vậy với nguồn tài trợ khổng lồ như thế, chính xác DARPA đang làm gì? Dưới đây là một số dự án nổi bật, táo bạo và mới nhất của cơ quan này.
Những dự án robot
Hình ảnh robot Shakey và 2 nhà nghiên cứu tại DARPA
Một trong những dự án robot đầu tiên của DARPA chính là robot Shakey được bắt đầu thực hiện từ năm 1966. Shakey là một cỗ máy đa năng di chuyển bằng bánh xe và được thiết kế đểthực hiện các nhiệm vụ như giúp con người bật tắt đèn,... Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, các thế hệ robot do DARPA chế tạo ngày càng được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến và không chỉ dừng lại ở việc tắt mở đèn mà còn có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ vô cùng phức tạp.
Điển hình như dòng robot 4 chân Cheetah đến từ công ty Boston Dynamic trực thuộc DARPA với khả năng chạy ở vận tốc 46 km/h. Một trường hợp khác là BigDog, một dự án robot khác cũng do DARPA tài trợ cho Boston Dynamic. Đây là dòng robot 4 chân được thiết kế để mang theo nhiều trang thiết bị nặng và di chuyển trên nhiều dạng địa hình khác nhau kể cả băng tuyết.
Những thước phim về quá trình thử nghiệm và vận hành của robot BigDog
Cùng với những dòng robot 4 chân nói trên, Boston Dynamics còn tiếp tục phát triển cho DARPA thế hệ robot có hình dáng và khả năng di chuyển rất giống con người mang tên Atlas. Thậm chí theo kế hoạch, ATLAS có thể tự bước đi mà không cần phải hỗ trợ bởi giá đỡ. Dù Boston Dynamics đã được mua lại bởi Google hồi cuối năm ngoái, nhưng các điều khoản trong hợp đồng quân sự với DARPA vẫn cho phép hãng tiếp tục theo đuổi cac dự án robot trên. Tuy nhiên, đó chỉ là 1 trong số hàng loạt dự án robot đầy triển vọng mà DARPA đang trực tiếp hay gián tiếp thực hiện.
Video giới thiệu robot hình người ATLAS
Bên cạnh việc tự phát triển robot, DARPA cũng tổ chức cuộc thi Robotics Challenge nhằm tìm kiếm và tài trợ cho những ý tưởng chế tạo robot giành chiến thắng. Trong cuộc thi đang diễn ra trong năm nay, chủ đề được nhấn mạnh là mẫu robot dáng người có thể thực hiện những nhiệm vụ khó khăn ở vùng bị thiên tai, thảm họa. Ban đầu, cuộc thi dường như đã tìm được người chiến thắng với SCHAFT, robot đến từ hãng công nghệ Nhật Bản. Cuối cùng, SCHAFT đã bất ngờ được Google mua lại và chính thức rời khỏi cuộc thi để tập trung phát triển phiên bản thương mại hóa.
Chân tay nhân tạo và công nghệ y tế
Chi nhân tạo cũng là một trong những chủ đề đầy hứa hẹn mà DARPA theo đuổi trong nhiều năm qua. Cho đến nay, cơ quan đã chi số tiền lên tới 150 triệu đô la cho các chương trình phát triển chi nhân tạo. Thành quả rõ ràng nhất là hồi năm 2006, một người phụ nữ đầu tiên đã được ghép thành công một cánh tay nhân tạo có thể điều khiển bằng não bộ. Không dừng lại ở đó, DARPA vẫn tiếp tục thực hiện nghiên cứu nhằm tạo ra những sản phẩm tổt hơn.
Hồi năm 2013, DARPA đã thực hiện một dự án nhằm chế tạo ra tay chân giả với chi phí thấp. Đó là một bàn tay nhân tạo với 3 ngón tay có khả năng cảm giác và gởi thông tin về não bộ. Gần đây nhất là hồi tháng 5 vừa qua, Cục tổ chức thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã chính thức công nhận cánh tay nhân tạo của DARPA có thể nhận thức và hiểu được nhiều mệnh lệnh cùng một lúc.
Một khía cạnh nghiên cứu khác của DARPA tuy không nổi trội như công nghệ robot nhưng trên thực tế, DARPA cũng tham gia tài trợ một số dự án nhằm phát triển công nghệ y học. Điển hình như nghiên cứu dùng biện pháp cấy ghép não nhằm giúp binh lính có thể tránh được chứng rối loạn stress sau chấn thương hay trầm cảm nghiêm trọng. Một nghiên cứu y học khác là tìm kiế một loại chất lỏng tạo bọt giúp cầm máu tức thời khi bị thương. Dù những nghiên cứu trên đây được thực hiện với mục đích ban đầu là dành cho quân sự nhưng dĩ nhiên vẫn có thể áp dụng rộng rãi đối với nhiều đối tượng khác.
Khoa học quân sự
Thiết bị cấy ghép vào não để điều trị chứng chấn thương tâm lý sau bị thương
Lẽ dĩ nhiên, phát triển công nghệ phục vụ quân đội là một trong những nhiệm vụ của cơ quan tại Lầu Năm Góc. Tất cả những nghiên cứu của DARPA đều đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển khoa học công nghệ quân sự trong tương lai. Hồi năm 2011, DARPA đã thử nghiệm một loại vũ khí siêu âm thế hệ mới có khả năng bay xuyên Thái Bình Dương. Hồi năm ngoái, DARPA cũng đã ký một hợp đồng trị giá 6 triệu đô la nhằm phát triển ống ngắm laser cực chính xác cho súng bắn tỉa. Gần đây nhất, DARPA lại tiếp tục tiết lộ thiết bị đeo dạng màn hình hiển thị cho phép binh lính có thể giao tiếp với nhau và phát hiện ra vị trí của kẻ thù. Hay một chiếc khiên bảo vệ dựng vừa trong một lon nước ngọt nhưng có thể tự bung ra để bảo vệ binh lính khi phát hiện nguy hiểm.
Găng tay mô phỏng chân thạch sùng giúp binh lính có thể leo trèo như người nhện.
Và DARPA sẽ không còn là DARPA nếu họ không tạo nên những thứ mà thế giới thực này chưa hề nghĩ ra. Một trong số các dự án điên rồ đó chính là phát triển công nghệ leo tường giống như người nhện bằng găng tay mô phỏng chân thạch sùng hoặc thiết kế xe đạp lai có thể tàng hình khi thực hiện những nhiệm vụ bí mật. Một dự án khác cũng không kém phần siêu thực chính là Plan X nhằm tạo ra những loại vũ khí ảo cho phép binh lính có thể thực hiện chiến tranh công nghệ cao trong thế giới 3D của Oculus Rift. Khi sử dụng loại vũ khí này, binh lính có thể bắn hạ tin tặc như trong một chiến trường thật sự.
Thiết bị đeo tương tự như kính thông minh hỗ trợ binh lính trong tác chiến
Ngoài những dự án trừu tượng trên, DARPA cũng dành nhiều thời gian cho máy bay không người lái, công nghệ đang có tốc độ vô cùng nhanh chóng. Trong một dự án gần đây nhất, DARPA đang phát triển kỹ thuật biến các máy bay giám sát không người lái cũ thành phương tiện phát WiFi di động nhằm phục vụ cho các nhu cầu quân sự hoặc điều khiển robot tác chiến từ xa. Hay chương trình ALIAS nhằm phát triển hệ thống bay tự động cho máy bay quân sự.
Không gian
Video mô phỏng chương trình Phoenix của DARPA
Những ý tưởng của DARPA không bị giới hạn trên Trái Đất này mà còn mở rộng ra không gian bao la vô tận. Một trong những chương trình không gian của DARPA mang tên XS-1 với hy vọng sẽ phát triển một mẫu tàu vũ trụ không người lái rẻ hơn nhiều so với các mô hình hiện tại. Tiếp theo đó là chương trình Phoenix nhằm mục đích tái sử dụng các vệ tinh nhân tạo đã ngừng hoạt động đồng thời còn gởi những robot vào không gian để lắp ráp vệ tinh dạng mô đun.
Ngoài ra, từ năm 2002, DARPA đã khởi động chương trình Kính viễn vọng giám sát không gian nhằm chụp lại hình ảnh của những vật thể nhỏ trong không gian xung quanh bao gồm cả các thiên thạch có kích thước nhỏ nhưng có khả năng gây ra va chạm nguy hiểm. Đồng thời, dự án này còn được thiết ké với khả năng có thể tiêu diệt vệ tinh quân đội của kẻ địch trong tình huống chiến tranh.
DARPA: Nơi ý tưởng sẽ được hiện thực hóa
Một cơ quan quốc gia "ngốn" hàng tỷ đô la mỗi năm nhằm mục đích theo đuổi các kế hoạch siêu tưởng chắc chắn sẽ vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều khác nhau. Và tranh cãi cũng như ý kiến nghi ngờ là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc theo đuổi quá nhiều dự án sẽ bộc lộ một điểm bất lợi là không thể dồn sức tập trung vào một dự án trọng tâm. Điều này phần nào khiến thời gian thực hiện dự án có thể sẽ bị chậm lại trong tương lai. Tuy nhiên, rõ ràng với ý nghĩ biến điều không thể thành có thể thì mọi ý tưởng tại DARPA đều có thể biến thành hiện thực. Rõ ràng, đây sẽ là những công nghệ thú vị góp phần định hình thế giới tương lai ngay từ hôm nay.
Các phương tiện vận chuyển trong tương lai có thể đạt tốc độ bao nhiêu?
Tốc độ có thể đạt được là một trong những thước đo sự tiến bộ của các phương tiện vận chuyển hiện nay. Khi nhắc đến máy bay, xe hơi hay tàu điện,... chúng ta thường xét tới tốc độ tối đa mà nó có thể đạt được. Hiện nay, chúng ta đã có những chiếc máy bay có thể đạt được tốc độ âm thanh, tốc độ 434 km/h của chiếc siêu xe Hennessey Venom GT hay những con tàu điện tại Nhật chỉ mất hơn 3 giờ để đi từ Tokyo đến Osaka. Vậy tốc độ của những phương tiện vận chuyển trong tương lai sẽ như thế nào?
Máy bay
Có một sự thật đáng ngạc nhiên và trái ngược với suy nghĩ của chúng ta là những chiếc máy bay chở khách thương mại hiện nay đang bay với tốc độ chậm chí còn chậm hơn so với máy bay trong những năm 1960. Hiện tại, tốc độ thông thường của những chiếc máy bay thương mại là từ 890 đến 945 km/h (480 - 510 knot). Trong khi đó, tốc độ trung bình của chiếc Boeing 707 trong thập niên 1960 là 972,3 km/h (525 knot).
Bạn có tin chiếc Boeing 707 hồi những năm 1960 có tốc độ trung bình lớn hơn cả những chiếc máy bay chở khách hiện nay?
Vậy tại sao lại có sự "đi lùi" về tốc độ của máy bay? Theo Giáo sư hàng không vũ trụ Mark Drela: "Vấn đề chủ yếu chính là do để tiết kiệm nhiên liệu. Đi với tốc độ nhanh hơn tương ứng với lượng nhiên liệu trên mỗi hành khách - dặm bay cũng theo đó mà tăng lên. Điều này đặc biệt đúng với những động cơ phản lực high-bypass (động cơ turbofan có hệ số tách dòng cao) thường được thấy cùng với những chiếc cánh quạt có đường kính lớn."
Ngoại lệ gần như duy nhất cho tới hiện nay chính là Concorde. Đây là chiếc máy bay chở khách siêu thanh thương mại được sản xuất bởi Aérospatiale (thuộc tập đoàn hàng không Anh Quốc) với khả năng bay với vận tốc gấp đôi tốc độ âm thanh. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên cuối cùng Concorde đã chính thức ngừng hoạt động vào năm 2003. Bên cạnh đó, 1 nhược điểm khá lớn của Concorde chính là do đi với tốc độ quá cao nên nó sẽ tạo ra một làn sóng sốc âm và kết quả cuối cùng là những tiếng nổ lớn trên trên bầu trời.
Concorde - máy bay chở khách siêu thanh thương mại được sản xuất bởi Aérospatiale có khả năng bay với tốc độ gấp đôi vận tốc âm thanh
Tuy đã dừng hoạt động nhiều năm, nhưng Concorde đã phần nào cho chúng ta định hướng được xu hướng của những chiếc máy bay thương mại trong tương lai. Đồng thời, nó cũng góp phần truyền cảm hứng cho nhiều hãng sản xuất máy bay từ khắp nơi trên thế giới không chỉ ở khía cạnh tốc độ mà còn giải quyết nhiều tồn đọng của ngành hàng không trong quá khứ.
Cho tới hiện tại, vài hãng đang phát triển những chiếc máy bay siêu thanh thương mại thế hệ mới. Vấn đề tiếng ồn khi vận hành đã được giải quyết bằng thiết kế thân máy bay đặc biệt, nhỏ gọn giúp giảm hoặc thậm chí là loại bỏ tiếng ồn. Đồng thời, giáo sư Drela cũng cho biết rằng lượng nhiên liệu trên mỗi hành khách - dặm bay đã được cải thiện và không còn là mối lo ngại đối với các hãng hàng không như trong quá khứ.
Tàu điện
Tàu điện Shinkansen - niềm tự hào của ngành đường sắt Nhật Bản
Ở đây, chúng ta sẽ bắt đầu từ 50 năm về trước, thời điểm chiếc tàu điện Shinkansen chính thức được khánh thành tại Nhật Bản, hoạt động trên tuyến đường giữa Tokyo và Osaka với vận tốc lên đến 209 km/h. Nhờ đó, thời gian đi từ Tokyo đến Osaka đã giảm từ 6 giờ xuống còn 4 giờ. Và rất nhanh sau đó, con số này đã giảm xuống chỉ còn 3 giờ 10 phút nhờ vào những cải tiến vượt bậc thực hiện bởi các kỹ sư Nhật Bản.
Kể từ đó, tàu điện cao tốc đã trở thành phương tiện di chuyển được phát triển rộng khắp Nhật Bản. Từ các thành thị cho đến thị trấn lớn trên khắp nước Nhật đều có thể bắt gặp phương tiện vận chuyển này. Cho tới hiện tại, tốc độ di chuyển của tàu điện đã đạt con số gần 320 km/h và con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai.
Ảnh minh họa dự án Skytran của NASA với những "chiếc xe" di chuyển trên monorail đệm khí
Không chỉ vậy, Nhật Bản còn được mệnh danh là sở hữu ngành đường sắt có hoạt động đáng tin cậy và an toàn nhất trên thế giớ. Toàn bộ những chuyến tàu đều khởi hành đúng giờ với độ trễ tính bằng giây và chưa bao giờ xảy ra một tai nạn chết người nào kể từ khi bắt đầu đi vào vận hành.
Vậy tương lai của ngành đường sắt sẽ ra sao? Dĩ nhiên đã có một số công ty đang nghiên cứu các ý tưởng góp phần thay đổi diện mạo của ngành đường sắt trong tương lai. Gần đây nhất là dự án SkyTran với hệ thống monorail trên đệm khí của NASA hoặc ý tưởng hệ thống tàu điện dựng thẳng đứng trên các tòa nhà cao tầng có thể đạt vận tốc lên tới 965 km/h, gấp đôi so với tốc độ tàu điện của Nhật hiện nay.
Xe hơi
Austin 1100 - Một trong những chiếc xe bán chạy nhất tại London vào những năm 1960 với vận tốc tối đa 140 km/h
Những năm 1960 là thời điểm mà nhu cầu sử dụng xe hơi ngày càng tăng và dần trở thành phương tiện di chuyển phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới. Đến giữa thập niên 1960 đã có 1,5 triệu chiếc xe được đăng ký tại London. Vào thời điểm đó, một trong những mẫu xe bán chạy nhất tại Anh là Austin 1100 với vận tốc tối đa là 140 km/h và mất 17,3 giây để tăng tốc từ 0 lên 96 km/h.
Trong suốt 50 năm phát triển cho tới ngày hôm nay, chắc chắn một điều rằng xe hơi đã có nhiều bước tiến bộ vượt bậc. Trong năm 2012 đã có có 2,6 triệu chiếc xe được đăng ký tại London và 54% số hộ dân tại đây sở hữu ít nhất là 1 chiếc xe hơi. Chiếc xe bán chạy nhất tại London tại thời điểm 2012 là Ford Fiesta với khả năng đạt tốc độ tối đa là 196 km/h và thời gian tăng tốc từ 0-96 km/h chỉ vỏn vẹn có 9,2 giây.
Trên đây chỉ là 2 số liệu so sánh tại London, nước Anh giữa 2 mốc thời gian 1960 và 2012. Dĩ nhiên là tất cả các mẫu của nhiều nhà sản xuất từ khắp nơi trên thế giới đều tiến hóa, và khái niệm tốc độ tối đa luôn được chú ý như thước đo sự phát triển của xe hơi. Chúng ta đã chứng kiến tốc độ 434 km/h của chiếc Hennessey Venom GT, một trong những chiếc xe nhanh nhất thế giới hiện nay. Vậy tương lai thì sao?
Hennessey Venom GT- Một trong những chiếc xe nhanh nhất thế giới hiện nay với tốc độ lên tới 434 km/h
Câu trả lời chắc chắn sẽ là nhanh hơn nữa, tốc độ cao hơn nữa. Nhưng đi kèm với tốc độ cao đó là yếu tố an toàn nhất định phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, tương lai của những chiếc xe hơi còn được vẽ lên bởi viễn cảnh của những chiếc xe tự lái. Rõ ràng, những chiếc xe tự lái thậm chí còn an toàn hơn so với được điều khiển bởi con người. Đó sẽ là những chiếc xe biết tự giới hạn tốc độ cho phù hợp với quy định, cho phù hợp với tình hình đường giao thông,... và dĩ nhiên tất cả những điều đó đều hướng tới mục đích chung là tiện lợi và an toàn cho con người.
Thậm chí, Google còn tuyên bố rằng tính đến hiện tại, 2 vụ tai nạn do xe hơi tự lái gây ra có nguyên nhân là do con người đã điều khiển. Nếu không có gì thay đổi thì chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng tương lai của xe hơi sẽ được định hình bởi những chiếc xe hơi tự lái. Rào cản duy nhất khiến giấc mơ đó trở thành hiện thực là hệ thống giao thông và quy chế pháp luật của các nước trên thế giới. Vâng, đó chính là tương lai của xe hơi, tương lai mà có lẽ sẽ không còn những vi phạm luật do quá tốc độ, do say rượu hay nhắn tin khi chạy xe, do vượt đèn đỏ,... gây ra.
Phương tiện của con người trong tương lai?
Ảnh minh họa ý tưởng hệ thống di chuyển ET3
Có rất nhiều ý tưởng được đề xuất nhằm phát triển một hệ thống phương tiện vận chuyển trong tương lai. Một trong những ý tưởng mà mình nhận thấy khá thú vị chính là dự án ET3. Một cách nôm na, ET3 là hệ thống di chuyển theo kiểu không gian ngay trên Trái Đất (Space Travel on Earth). Đây sẽ là một hệ thống di chuyển im lặng, chi phí thấp, an toàn, vận hành bằng điện và đặc biệt là nhanh hơn cả máy bay phản lực.
Theo ý tưởng cơ bản ban đầu, đây sẽ là một khoang hành khách hình con nhộng có kích thước cỡ một chiếc xe hơi, đường kính 1,5 mét, nặng 186 kg và có thể chở được 6 người. "Con nhộng" này sẽ di chuyển bên trong một ống chân không và sẽ được gia tốc bởi động cơ điện tuyến tính. Khi dừng lại tại các trạm, một cơ cấu đóng ống sẽ được kích hoạt nhằm đảm bảo hành khách có thể di chuyển lên xuống mà không cho không khí bên ngoài tràn vào ống dẫn.
Theo dự kiến, hệ thống ET3 sẽ vận chuyển hành khách với tốc độ 600 km/h trong nội địa và con số này sẽ tăng lên 6500 km/h nếu di chuyển xuyên quốc gia. Với nó, bạn có thể đi từ Hà Nội đến New York chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ. Dĩ nhiên, dự án trên mới chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng ban đầu hết sức sơ khai. Còn phải có nhiều nỗ lực nghiên cứu phát triển trên quy mô lớn và mất khá nhiều thời gian nữa thì nó mới có thể trở thành hiện thực trong tương lai. Tuy nhiên, ý tưởng trên cũng phần nào gợi mở ra cho chúng ta một tương lai nào đó với việc di chuyển sẽ được thực hiện trong những hệ thống ống với tốc độ lên tới 6500 km/h. Hãy chờ câu trả lời từ tương lai nhé.
Cortana được bổ sung thêm tính năng tung đồng xu và đổ xí ngầu
Nếu như trước đây chúng ta đã chứng kiến được khả năng "tiên tri bóng đá" hoặc tra từ điển tiếng Anh của cô trợ lý ảo Cortana thì mới đây, Cortana đã có thêm một khả năng nữa là giúp chúng ta tung đồng xu để ra quyết định khi đứng giữa 2 sự lựa chọn. Ngoài ra, bản cập nhật này cũng cho phép bạn yêu cầu Cortana đổ những viên xí ngầu để đưa ra các điểm số ngẫu nhiên.
Ngay từ bây giờ các bạn có thể thử yêu cầu Cortana tung đồng xu hoặc đổ viên xí ngầu bằng các lệnh giọng nói như: "flip a coin," "roll a die," hoặc "roll the dice". Chú ý là tính năng trên chỉ mới được phát hành cho các thiết bị cài đặt Cortana theo region tại Mỹ. Bên cạnh đó, khi các bạn ra lệnh tung đồng xu hoặc đổ xí ngầu thì Cortana chỉ trả về kết quả là sấp, ngửa hoặc hình ảnh các viên xí ngầu với các điểm số bên trên mà không hiển thị hiệu ứng lúc đồng xu đang tung hoặc viên xí ngầu đang quay. Tuy nhiên, đây cũng là cập nhật khá thú vị nhằm tăng khả năng của cô trợ lý ảo thông minh này.Tham khảo Wpcentral
Wounded In Action - bị thương trong khi làm nhiệm vụ ^^
Thực ra cũng không phải là "Làm nhiệm vụ" mà là sau nhiệm vụ rồi, rảnh rỗi sinh nông nổi - chụp hình và bị té
Chuyện là thế này, nhiệm vụ chính đã xong và còn vài tiếng nữa chuyến bay Phú Quốc - Sài Gòn mới khởi hành. Rảnh rang tôi xách máy với ống 35mm đi thẳng ra Dinh Cậu, hoàn toàn ngẫu hứng với một tâm trạng thoải mái chỉ là giết thời gian.
Chiều nắng đẹp, mát mẻ từng chiếc thuyền về bến
Từ Dinh Cậu nhìn xuống, con nít bơi lội tung tăng
Và chủ đề tôi ưa thích hiện ra: Ngư dân.
Nhanh chân chạy xuống, tôi chụp một số kiểu, tuy chưa cảm thấy hài lòng lắm vì hậu cảnh chưa ưng ý
Tôi chỉ thấy hơi lạ và tự nghĩ, sao họ lại cặp thuyền vào cầu cảng như vậy mà không vào bến cá chỉ cách đó 100m, thì ra những con ốc nhảy này họ cần ngâm vào nước lại, mà bên phía họ neo đậu lại là nước sông chứ không mặn, vì vậy họ vác từng túi ốc, băng qua cầu tàu và xuống bên bờ biển bên kia
Cảnh ném từng bao ốc xuống biển thật thú vị, nhưng góc ảnh từ cầu tàu xuống không ngoạn mục, tôi quyết định trèo xuống ngang tầm với họ, và đây là sự bắt đầu của tấn bi kịch,
Trông từ trên cao, các tấm bê tông "có vẻ" đứng được và thực tế là 2 ngư phủ bước đi cũng khá nhẹ nhàng, và vì vậy sau khi cảnh giác hết đoạn dốc thì tôi bước một cách bình thường và ... hạ cánh bằng mông và bằng tay. Chiếc máy ảnh trên cổ đập vào cằm gây 1 vết xước nhỏ rồi nằm lại trên bụng nên chẳng hề hấn gì, nhưng tay phải của tôi thì hứng chịu phần lớn trọng lượng và bị tổn thương khá nặng ở bàn tay phía ngón út.
Chắc cú ngã đẹp quá nên 4-5 bà con ở trên trông xuống cười khúc khích mà không hề biết thằng hề ở dưới khá đau, dĩ nhiên nó phải cười lại với khán giả và đánh giá nhanh thương tích. Bàn tay phải tê dại với đầu ngón 3 và 5 tứa máu, nhưng ngón cái và trỏ hoàn toàn lành lặn. Nếu không chụp tiếp thì cái cảnh mà mình vất vả vì nó sẽ chấm dứt nhanh chóng.
Tôi ngồi xổm và bước từng bước tới gần mép nước, hốt hụi chót được 2 tấm ưng ý, và lại lết ra, bò 1 tay lên cầu tàu
Sau đó chỉ vài hôm, tôi đã phải làm bài trên tay và trải nghiệm chiếc Nikon D750, ống Nikon 500mm f/4 với bàn tay phải vẫn còn đang nẹp vải - vì cuộc sống là không chờ đợi. Giờ đây sau 14 ngày thì tôi có thể gỡ nẹp và gõ máy tính túc tắc bằng 2 tay và chắc sẽ phục hồi 99,99% công lực trong 1-2 tuần tới
....Và sẽ tổ chức offline cuối tuần này 12/10
Cẩn thận ít thì có thể tai nạn, cẩn thận quá thì không có hình ... đâu là giới hạn cẩn thận của bạn? Mỗi người sẽ có một ngưỡng cho riêng mình; nhưng nói chung là phải cẩn thận
Viết bài chia sẻ 3 tính năng hay của Xperia Z3/Z3 Compact, trúng SmartWatch 2 và SmartBand
Mời các bạn tham gia viết bài chia sẻ 3 tính năng mà mình cho là hay nhất của Xperia Z3 hoặc Z3 Compact, phần thưởng là 1 chiếc đồng hồ SmartWatch 2 dành cho bài viết hay nhất được BTC chọn ra. Ngoài ra còn có 1 phần thưởng bốc thăm may mắn dành cho tất cả những ai có share link hay chia sẻ về cuộc thi này lên Facebook đó là một chiếc vòng đeo tay Sony SmartBand.
Nội dung thi
Chia sẻ 3 tính năng mà bạn cho là hay nhất của Z3 hoặc Z3 Compact thông qua các trải nghiệm, hoặc có thể ứng dụng nó trong thực tế như thế nào.
Hôm nay các cửa hàng đã bắt đầu bán Z3, bạn có thể đến đó trải nghiệm thực tế để có thêm thông tin viết bài.
Giải thưởng
- 1 đồng hồ Sony Smartwatch 2: dành cho bài viết hay nhất do BTC chọn.
- 1 vòng đeo tay Sony Smartband: bốc thăm may mắn cho tất cả những người có chia sẻ bài viết lên Facebook.
Đối tượng dự thi
Hình thức dự thi
- Thành viên Tinh Tế (Admin không được tham gia).
Tiêu chí chấm bài
- Viết bài trên diễn đàn, trong box này: Trải nghiệm 3 tính năng trên Xperia Z3/Z3 Compact.
- Không hạn chế hình thức viết: có thể dùng video, hình ảnh, Infographic...
Thời gian cuộc thi
- Bài viết hay, nội dung ngắn gọn, súc tích.
- Đúng thực tế.
Cách thức chia sẻ bài lên Facebook
- Viết bài: 2 tuần, bắt đầu từ ngày 6/10 đến 19/10/14.
- Thời gian chia sẻ lên Facebook: tương tự như trên.
- Công bố kết quả: 21/10/14, bao gồm phần thưởng cho bài hay nhất và phần thưởng may mắn.
- Chia sẻ chính bài thông báo này hoặc chia sẻ bất cứ bài viết dự thi nào mà mình thấy hay (ở chế độ Public/Công khai).
- Bấm vào nút "THAM GIA" phía trên bài viết này và điền thông tin Facebook của mình (tên, địa chỉ FB) để BTC quay số ngẫu nhiên chọn ra 1 người may mắn nhất.
- Nhớ lưu lại link (hoặc ảnh chụp màn hình) chứng tỏ mình đã share trên Facebook.
Lưu ý
- Không sao chép bài viết của người khác.
- Không được sửa nội dung bài viết.
- BTC giữ quyết định sau cùng.
Facebook muốn phát triển thêm mảng "chăm sóc sức khỏe"?
(Ảnh minh họa: virtualmdperu.com)
Báo cáo từ trang Reuters cho biết Facebook đang có ý định thành lập một mảng mới trên mạng xã hội của mình chuyên về lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Theo đó, dịch vụ (hoặc ứng dụng) này sẽ giúp những người đang cùng mắc phải những triệu chứng nào đó tìm thấy nhau, trao đổi với nhau và đưa ra những lời khuyên chăm sóc phù hợp nhất.
Reuters cho biết có tới 3 nguồn tin nói rằng Facebook đang tổ chức các buổi gặp gỡ với nhiều chuyên gia y tế khác nhau và đang thiết lập một bộ phận mới trong công ty để phát triển các ứng dụng và dịch vụ về chăm sóc sức khỏe. Trong đó, sẽ có một nhóm đảm nhiệm công việc viết app với chức năng "phòng ngừa bệnh tật" để giúp người ta sống khỏe mạnh hơn. Còn nhóm thứ hai phụ trách tạo ra một "cộng đồng hỗ trợ y tế" giữa những người có chung bệnh với nhau để từ đó có thể kết nối và chia sẻ thông tin giữa tất cả mọi người, ví dụ như các triệu chứng, cách chữa trị, chăm sóc...
Thực tế thì ngay ở thời điểm hiện tại, đang có rất nhiều người lên Facebook để tìm kiếm thông tin và câu trả lời cho những triệu chứng mà họ gặp phải. Trước khi đến gặp bác sĩ thì họ thường có thói quen lên Facebook để kể triệu chứng của mình, tham khảo ý kiến và câu trả lời của bạn bè để biết mình bị gì rồi sau đó mới đến bệnh viện hoặc bác sĩ để khám. Do đó, việc thành lập một mảng mới chuyên về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là một việc làm rất hợp lý và biết đâu trong tương lai nó sẽ kết hợp tốt với các thiết bị như Smartwatch và smartphone có cảm biến nhịp tim chẳng hạn.
Lộ diện hình ảnh Samsung Galaxy A3 và A5: kim loại nguyên khối
Hai hình ảnh vừa được tài khoản AndroidMX tung lên twitter mà theo như họ tiết lộ thì đây chính là 2 chiếc điện thoại thuộc dòng Galaxy A mà Samsung sắp ra mắt. Đặc trưng chung của dòng Galaxy A này chính là việc nó được làm bằng nhôm nguyên khối với khung sườn liên mạch với lưng luôn, chứ không phải nắp nhựa như trên Galaxy Alpha. Nhìn sơ thì thấy A3 và A5 khá tương đồng do đó chúng ta chưa biết được sự khác biệt giữa 2 sản phẩm này. Nguồn tin cho biết Galaxy A3 sẽ hỗ trợ 2 sim với 2 khe cắm ở cạnh bên. Còn A5 có màn hình 5-inch Super AMOLED, Snapdragon 400 và camera13-megapixel. Giá dự đoán cho A5 vào khoảng 400$ đến 450$, còn A3 sẽ thấp hơn một chút.
Thông tin từ một nguồn tin khác đáng tin cậy thì dòng Galaxy A này có khung bằng kim loại, cầm khá chắc tay. Khung sườn máy thẳng chứ không có bo góc cách điệu 4 cạnh như trên Alpha, cảm giác cầm thích hơn Alpha nhiều. Ngoài ra nhờ thiết kế nguyên khối nên A5 đẹp hơn, hoàn thiện tốt hơn Alpha nhiều, có chăng là màn hình có thể xấu hơn một chút.
Nguồn: AndroidMX (1), (2)
Tháng 9 xui xẻo của Apple và sự nguy hiểm của chu kỳ ra mắt iOS / OS X
Cây bút Mark Crump của trang tin GigaOM đã có một bài viết nói về những lỗi phần mềm mà người dùng gặp phải sau khi cập nhật lên iOS và OS X phiên bản kế tiếp. Từ Apple Maps, lỗi Mail trong OS X cho đến vấn đề với iCloud Drive, Crump nghĩ rằng vấn đề mà Apple gặp phải nằm ở việc hãng dàn trải nguồn lực không tốt cho cả iOS lẫn OS X, thế nên việc thử nghiệm và phát hiện lỗi không chính xác trong bối cảnh hai nền tảng này được phát hành rất gần nhau. Mời các bạn theo dõi một góc nhìn khá thú vị của Mark Crump.
Rắc rối bắt đầu từ năm 2012. Đó là khi Apple chuyển chu kỳ ra mắt của OS X cho giống với iOS. Và bởi vì Apple đang dùng nguồn lực của OS X để đổ sang iOS, tôi lo ngại rằng Apple đang chi tiền cho những thứ hãng không thể tính tiền.
Cuối năm đó, iOS 6 ra mắt với vụ lùm xùm xung quanh ứng dụng Apple Maps mới. Phần mềm này định vị không chính xác như Google Maps, lại có nhiều lỗi và sai sót về dữ liệu bản đồ. Tuy nhiên, chuyện này có thể dễ dàng bỏ qua bởi vì Apple Maps vẫn còn rất mới, và trong bối cảnh quan hệ giữa Apple với Google không còn tốt đẹp, Apple không có cách nào khác ngoài việc phải "ly dị" với Google Maps, và điều đó cũng gây ảnh hưởng không ít cho cả công ty lẫn người dùng.
Năm 2013 cũng chẳng tốt hơn cho Apple. iOS 7 ra mắt với lời cáo buộc về việc hao pin quá nhanh và kết nối Wi-Fi gặp lỗi, còn với OS X 10.9 Mavericks thì có rắc rối khi gửi nhận thư Gmail.
Đến năm 2014, nỗi lo sợ về chuyện này vẫn chưa chấm dứt. Nó giống như một cơn ác mộng, và ngày càng trở nên tệ hơn. Hãy nhớ lại hôm 9/9 vừa rồi, video truyền hình trực tiếp sự kiện ra mắt iPhone và smartwatch do chính Apple cung cấp đã không hoạt động tốt, và khi hình ảnh chạy lên thì người dùng lại bị làm phiên bởi việc lồng tiếng Trung Quốc.
Vấn đề với iOS 8
Apple ra mắt iOS 8 vào ngày 17/9 và trong khoảng 1 tiếng sau đó người dùng có thể tải về các app có khả năng tương thích với công cụ quản lý sức khỏe mới - HealthKit. Thế rồi bởi vì một ít lỗi vào phút chót, toàn bộ các app sử dụng hàm API HealthKit đều bị gỡ bỏ khỏi App Store.Một tuần sau, Apple ra mắt iOS 8.0.1, nhưng bản cập nhật này đã khiến cho nhiều iPhone, iPad bị lỗi mạng và cảm biến vân tay Touch ID nên Apple tháo bỏ nó khỏi máy chủ trong vòng một tiếng. Chưa hết, mới đây một số thử nghiệm còn chứng minh rằng việc khôi phục lại cài đặt của thiết bị iOS 8 sẽ khiến dữ liệu trong iCloud Drive bị xóa hết.
Tất cả những thứ trên cho thấy một sự sai sót có hệ thống trong việc thử nghiệm của Apple. Quả thật không thể bào chữa được khi mà một tính năng lớn như HealthKit lại không thể hoạt động bởi vì các lỗi bị bỏ sót trong quá trình kiểm tra. Mọi chuyện càng tệ hơn khi một bản cập nhật hệ điều hành lại khiến cho điện thoại của bạn chẳng thể gọi điện được.
Ngay cả khi Apple nói rằng HealthKit đã chạy thì vẫn còn lỗi ở đây. Cả tuần qua tôi đã theo dõi bước đi của mình và xem nó trong ứng dụng Health trên iOS 8. Ngày hôm nay, tôi mất toàn bộ dữ liệu của mình và bảng thông báo trong app hoàn toàn trống lốc. Nếu tôi thử xem các mốc dữ liệu thì chỉ thấy được một bánh xe xoay xoay. Tôi phải khởi động lại máy 3 lần trong cơn đau tim thì mới thấy lại dữ liệu của mình. Thật khó để gửi niềm tin vào một ứng dụng có thể tự nhiên làm mất hết dữ liệu của bạn.
iCloud Drive
Cũng là một phần của iOS 8 nhưng đặc biệt hơn, đó chính là iCloud Drive. iCloud Drive là giải pháp để quản lý tập tin trên iCloud một cách đơn giản hơn, không chỉ cho người dùng mà còn cho các ứng dụng bên thứ ba. Tính năng nay vẫn còn ở giai đoạn beta. Người dùng OS X muốn truy cập vào iCloud Drive thì phải đơi đến khi OS X 10.10 Yosemite chính thức ra đời, còn người dùng Windows thì đã có app.
Vấn đề mà tôi gặp phải nằm ở việc tổ chức thư mục. Thư mục iWork của tôi cũng như thư mục của các app khác chính là vấn đề. Ví dụ, thư mục iCloud Drive của phần mềm GoodReader chỉ lộ ra khi tôi mở GoodReader trên iOS, còn trên nền web, trên chiếc máy tính chạy OS X bản GM hay Windows 7 thì nó không có mặt. Tôi cũng có thử tạo folder tên là "PDFs" trên web và bỏ dữ liệu vào đó nhưng nó không được đồng bộ xuống iCloud Drive trên máy tính. Rõ ràng có điều gì đó kì lạ ở đây. Trong khi đó, tôi không cần phải lo lắng về dữ liệu iCloud của mình kể từ năm 2011 cho đến lúc này.
Tôi thừa nhận rằng việc sử dụng một bản OS X beta có thể dẫn đến vấn đề. Tuy nhiên, phiên bản mà tôi đang xài là phiên bản rất gần với bản ra mắt chính thức, và hàng triệu người dùng máy tính Mac sẽ sớm tải nó về trong khoảng vài tuần nữa. Chính vì vậy tôi kỳ vọng rằng mọi thứ đều phải chạy được. Tôi có liên hệ với GoodReader thì được biết lỗi này xảy ra lác đác, có người bị và có người không.
Vậy Apple có thể làm gì?
Apple có một câu nói nổi tiếng rằng "có hàng nghìn chữ không cho mỗi chữ có". Hãng thậm chí còn có câu hỏi như thế này: nếu mọi người đều lo làm tất cả mọi thứ, vậy làm sao chúng ta có được một thứ hoàn hảo?
Đây là câu hỏi mà Apple phải tự hỏi chính thức. Đồng thời, công ty cũng phải tự hỏi rằng "liệu việc trói buộc các bản cập nhật iOS lớn với iPhone đời mới có phải là một chiếc lược tốt hay không?". Tôi không nghĩ điều đó khả thi. Ở thời điểm hiện tại, Apple đang dính với chu kỳ ra mắt iPhone và iOS trong tháng 9, còn iPad, OS X và máy tính Mac thì trong tháng 10.
Vấn đề là, tháng 9 đen đủi của Apple có thể trở thành tháng 10 đen đuổi, và điều đó là một sự khởi hành không tốt để bước vào năm 2015. Trong tháng này chúng ta có thể sẽ thấy được iPad và OS X Yosemite mới. iCloud Drive khi đó cũng sẽ chính thức được truy cập từ mọi thiết bị. Sang năm sau, chúng ta có thêm Apple Watch. Tất cả những thứ này đều sẽ cần một bản cập nhật nhỏ dành cho iOS để nó tương thích với hệ sinh thái của Apple.
Vậy mọi chuyện sẽ ra sao? Liệu có vấn đề nào hay không? Chúng ta hãy chờ xem.Nguồn: GigaOM
[Video] Cậu bé 16 tuổi mang Windows 95, Doom và Minecraft lên Samsung Gear Live
Một cậu bé mới chỉ 16 tuổi, có tên là Corbin Davenport, mới đây đã tung đoạn 3 đoạn video trình diễn một chiếc Samsung Gear Live chạy được Windows 95, và hai game Doom cùng Minecraft. Davenport cho biết em đã sử dụng một phần mềm giả lập dành cho Android, aDosBox, để thực hiện ý tưởng rất độc đáo của mình. Thật đặc biệt khi chúng ta thấy được logo cũng như giao diện rất quen thuộc của Windows 95 ngày xưa trên một chiếc smartwatch hiện đại thời nay, từ con trỏ chuột cho đến thanh Start rất đặc trưng. Hơn nữa, chúng ta còn thấy được game Doom và game Minecraft rất nổi tiếng hoạt động trên Gear Live. Mời các bạn xem chi tiết hơn ở dưới đây.
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)