Cựu nhân viên Nokia giải thích tại sao Lumia EOS lại dùng màn trập cơ
trên camera PureView
Qua video trình diễn hoạt động của camera PureView trên Nokia EOS , chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chiếc camera này sử dụng màn trập cơ học tương tự Nokia 808 PureView . Đây cũng là chủ đề được bàn tán sôi nổi trong những ngày qua trên các diễn đàn công nghệ. Nhằm trả lời cho câu hỏi tại sao camera lại có màn trập cơ và tại sao có nó lại tốt hơn không, Damian Dinning - cựu lãnh đạo bộ phận thiết kế camera của Nokia đã đưa ra lời giải đáp. Sở dĩ camera trên Nokia EOS phải có màn trập cơ bởi đi kèm với nó là flash Xenon . Ông nói: " … Nói một cách đơn giản, lý do chính phải trang bị màn trập cơ là để sử dụng với đèn flash Xenon. Thông thường, các cảm biến CMOS sẽ "đọc" ánh sáng dọc theo cảm biến từ trái sang phải và từ trên xuống dưới. Thời gian mỗi pixel được đọc là tốc độ hiệu quả của màn trập. Với đèn flash LED thì cơ chế này OK bởi ánh sáng LED liên tục và không đổi. Trong hầu hết trường hợp, đèn flash LED có thể xem như một chiếc đèn pin, bật lên trước khi phơi sáng và tắt đi sau khi đã phơi sáng xong. Qua đó, đèn flash LED giúp tăng độ sáng trong khung cảnh, nhiều hay ít thì tùy theo thời gian phơi sáng. Đối với flash Xenon, đèn chỉ nháy một xung ánh sáng rất ngắn. Xung ánh sáng này có thể phát ra trong thời lượng chỉ 1/25.000 giây, vì vậy đèn Xenon có thể bắt được chuyển động ở tốc độ cao. Với một cảm biến CMOS thông thường, sai lệch thời gian giữa pixel đầu tiên được đọc và pixel cuối cùng được đọc lớn hơn nhiều. Kết quả là một số pixel có thể được phơi đủ sáng trong khi số khác lại bị tối hoặc thậm chí đen thui. Để khắc phục, tất cả các pixel cần phải được đọc trong cùng một thời điểm. Nhưng để đạt được điều này, tất cả các pixel phải mở, màn trập mở, nhá flash, màn trập đóng và pixel tắt. Và đây là lý do tại sao màn trập cơ được trang bị trên những sản phẩm như Nokia N8, N82 và 808 PureView. Trong một số trường hợp, những thế hệ cảm biến mới nhất có thể đọc tất cả các pixel ở tốc độ rất cao nên có thể dùng với đèn Xenon. Chẳng hạn như Nikon 1, thế hệ cảm biến trang bị trên máy cho phép dùng màn trập điện tử để mang lại những lợi thế về tỉ lệ khung hình cao mà màn trập cơ không thể có được. Ngoài ra, loại màn trập lai cũng có thể được sử dụng, chẳng hạn như trên một sản phẩm của Sony Ericsson cách đây vài năm. Chiếc máy cũng có đèn flash Xenon nhưng chỉ dùng cho màn trập cơ, còn lại đều dùng màn trập điện tử. Vì vậy, nó không thể khai thác tối đa những lợi thế của đèn flash Xenon. Với màn trập cơ, do tất cả pixel đều được đọc trong cùng một thời điểm nên nó sẽ loại trừ hiện tượng móp méo chuyển động - thường xảy ra với cảm biến CMOS do sai lệch thời gian đọc giữa pixel đầu và pixel cuối. Khi thời gian đọc của cảm biến CMOS được cải thiện (thời gian đọc ngắn hơn), hiện tượng méo chuyển động cũng ít xảy ra hơn. Màn trập cơ chiếm thêm không gian của cụm camera, vì vậy yếu tố tiết kiệm không gian trên thiết kế sẽ bị hạn chế. Thêm vào đó, về vấn đề chống bụi thì mặc dù đã có một số biện pháp về mặt lý thuyết nhưng thực tế thì camera nào cũng bị lọt bụi (theo kinh nghiệm của tôi) và có một số hạn chế cơ bản để có thể ngăn bụi xâm nhập. Hy vọng phần giải thích của tôi sẽ làm sáng tỏ mọi thứ..."