Nghiên cứu lý giải nguyên nhân một số người không hề có cảm xúc khi
nghe nhạc
Đôi khi bạn mời một người nào đó nghe bài hát rất hay mà bạn yêu thích nhưng người đó lại không hề có một cảm xúc gì khi nghe nó. Bạn cho rằng có thể bài hát đó không thuộc thể loại mà người đó thích? Tuy nhiên, vẫn còn có 1 trường hợp khác xảy ra.
Mới đây, nhà thần kinh học Josep Marco-Pallerés tại đại học Barcelona cùng với các nhà nghiên cứu thực hiện công trình nghiên cứu khám phá lý do tại sao một số người lại lãnh đạm với âm nhạc. Josep cho biết: “Đối với một số người, âm nhạc không phải là một thứ để họ thưởng thức. Âm nhạc không thể tác động gì đến cảm xúc của những người này.”
Để giải đáp nguyên nhân vấn đề, các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn 30 sinh viên đại học và cho họ làm 1 bài kiểm tra đáng giá tâm lý nhằm chia ra làm các nhóm: rất nhạy cảm với âm nhạc, nhạy cảm mức vừa phải và hoàn toàn không nhạy cảm.
Để đảm bảo tính khách quan của nghiên cứu, các nhà khoa học đã đảm bảo rằng những đối tượng tham gia vẫn trong tình trạng sức khỏe tâm lý bình thường và không bị mắc chứng không phân biệt được nốt nhạc hoặc bị lãng tai. Tất cả những chứng bệnh trên đều tác động không nhỏ với cảm xúc của người nghe đối với âm nhạc.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi nhịp tim và tuyến mồ hôi của các sinh viên trong suốt quá trình nghe nhạc. Các bản nhạc được chọn theo tiêu chí quen thuộc với người nghe do theo một nghiên cứu trước đó, người ta sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn đối với những bản nhạc mà mình từng nghe.
Marco-Pallerés cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu họ nghe những bản nhạc mà họ yêu thích và hầu hết mọi người đều làm theo. Thậm chí, chúng tôi phải tìm các bản nhạc mà họ yêu cầu tại nhà riêng của họ do trong phòng thí nghiệm không đáp ứng được.”
Kết quả nghiên cứu đáng ngạc nhiên đã được công bố trên tạp chí Current biology. Một số người tham gia đã không có bất cứ biểu hiện gì về thể chất cũng như cảm xúc mặc dù họ đã nghe những bài hát buồn hoặc hạnh phúc. Họ không hề thoáng buồn mặc dù ca sĩ đã trình bày ca khúc vô cùng sầu thảm và nhịp tim của họ cũng không có bất cứ phản ứng nào.
Để kiểm chứng, nhóm nghiên cứu dùng 1 mẹo: cho các sinh viên chơi 1 trò chơi có liên quan đến âm nhạc và người thắng cuộc sẽ được 1 số tiền rất lớn. Những người không phản ứng với âm nhạc lại có cảm xúc rất mạnh mẽ với trò chơi được bày ra với biểu hiện là nhịp tim tăng mạnh. Sau 1 năm, những sinh viên trên được thực hiện thử nghiệm lại 1 lần nữa và kết quả vẫn không đổi.
Kết quả trên không hề nhầm lẫn với sở thích về âm nhạc. Trong bài kiểm tra, các sinh viên được yêu cầu đánh giá tác động của âm nhạc đối với họ theo thang điểm từ 1 đến 10. Những người không phản ứng với âm nhạc đều có xu hướng chọn đánh giá ở mức 5 điểm.
Các nhà nghiên cứu gọi tên trường hợp này là “sự mất khoái cảm âm nhạc đặc thù.” (specific musical anhedonia). Trên quan điểm tâm lý học, thuật ngữ “mất khoái cảm” (anhedonia) được dùng để diễn tả những người không có khả năng nhận biết niềm vui từ những hoạt động nào đó trong khi hầu hết mọi người đều có cảm xúc ngược lại.
Biện pháp kiểm chứng bằng mẹo tiền thưởng cho thấy “sự mất khoái cảm” trong âm nhạc thuộc về phần tiềm thức của con người. Marco-Pallerés cho biết: “Bây giờ chúng ta đã biết được có tồn tại chứng “mất khoái cảm trong âm nhạc”. Giờ đây là dùng bộ môn thần kinh học để lý giải vấn đề trên.”
Nhóm nghiên cứu dự định sẽ thực hiện thử nghiệm mới sử dụng ảnh chụp cộng hưởng từ để nghiên cứu hệ thống não của những người lãnh cảm với âm nhạc.
Thí nghiệm đầu tiên của các nhà nghiên cứu đã chứng thực được có tồn tại chứng “mất khoái cảm với âm nhạc.” Tuy nhiên vẫn chưa thể tìm hiểu căn nguyên của vấn đề và câu hỏi vẫn còn để ngỏ. Thậm chí các nhà nghiên cứu dự đoán rằng triệu chứng trên còn được chia thành nhiều hình thức khác nhau.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng triệu chứng trên có liên quan đến những quan điểm về tiến hóa của con người.
Tuy các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được hiện tượng trên. Nhưng kết quả nghiên cứu đầu tiên đã phần nào giải thích được một số câu hỏi của chúng ta đặt ra. Đồng thời, chúng ta đã hiểu được “tại sao người ta lại bỏ tiền ra để đi tới một buổi trình diễn ca nhạc?”