"Chuyện đó chuyện đây" là chủ đề được kể bằng hình ảnh, và hình ảnh được chụp bằng điện thoại. Đây là một chủ đề bản thân mình thích, nay xin tiếp tục. Hầu hết mọi người đều có một chiếc điện thoại và có thể lưu lại ảnh mọi cảnh mình sống, khoảnh khắc mình gặp, con người với con người, trong xã hội và với thiên nhiên vạn vật. Mình chỉ là người thích chụp, chụp rồi thì mang đi kể lại và "Chuyện đó chuyện đây" kỳ này là câu chuyện 2 ngày lang thang ở Cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Bộ ảnh này được chụp bằng Nokia Lumia 1020, Lumia 1520, Oppo N1, iPhone.
Chuyến đò nên nghĩa sao không nhớ,
Lên nữa hay là một chuyến thôi?
Mượn thơ Bà Huyện để nhớ câu hỏi của gia đình dân tộc Thái hỏi mình khi chia tay Bản Áng - Mộc Châu. Chẳng biết có lên nữa không, hay chỉ một chuyến. Chỉ biết rằng ít ai đã lên Mộc Châu mà không tìm dịp lên lại. Người ta bảo bởi đây là thiên đường của hoa. Cảnh hoa nợ rộ lung linh, hoa trắng núi trắng trời, hoa nở mà không kịp rụng, nở tràn ra tận xa lộ. Có vô vàn bức tranh thuỷ mạc mờ sương trong nắng mênh mông hoa cải, hoa mận, hoa đào, hoa ban. Đến đây là như đến một không gian trong veo vẻo xanh ngát của da trời ôm lấy núi rừng uốn lượn. Mọi người đi về đều bảo như thế! Nhưng có một điều làm cho "nên nghĩa khó quên", ấy là con người sống ở đó. Mình đã gặp một sự sống, bất ngờ, ngỡ ngàng, đồng cảm và rất giản dị. Câu chuyện thế này!
Mình đi một mình và đi lần đầu. Chỉ nhớ mỗi câu anh bạn dặn là: "Anh cứ lên đó, có người đón". Xe đò thả mình xuống trung tâm thị trấn Mộc Châu (cách Hà Nội khoảng 200km). Trời tối như mực. Đang loay hoay thì một anh dân tộc Thái đến đưa về nhà ở Bản Áng - một ngôi nhà sàn mênh mông giữa ruộng đồng dọc theo dãi núi đá Tây Bắc.
Anh bảo gia đình anh gia truyền thuốc Nam. Cha anh dắt anh lên rừng hái lá đào rễ, về pha trộn gói thuốc cho người nhà cho làng cho xóm. Hôm mình đến, anh đang chữa cho một người ở Điện Biên bị liệt bán thân. Hỏi anh khả năng hồi phục thế nào. Anh bảo khoảng bốn năm tháng. Mỗi bao thuốc như bao đựng gạo, anh bán 300 nghìn. Và, phải lên rừng nhiều ngày và thời gian pha trộn nhiều ngày để có một bao. Gia đình anh chủ yếu làm ruộng. Gạo thu hoạch đủ nuôi cả nhà trong năm. Ở Bản này, gạo nhà nào lo đủ nhà ấy, không bán. Bắp là lương thực phụ thêm. Nên, trong nhà sàn, dành riêng một góc chứa lương thực quanh năm.
Hôm ấy, cả nhà anh ra đồng. Ruộng ở đây chỉ trồng lúa một vụ một năm. Lý do: không có đủ nước. Thời gian từ trước Tết đến mùa mưa là khoảng giữa năm, người Thái họ trồng bắp (trỉa ngô). Sớm đó mình theo cả nhà đi "trỉa ngô". Anh dắt trâu ra cày, đường cày vừa xong, một người sẽ bỏ phân, và theo sau là người khác sẽ thả những hạt bắp xuống và lấp lại. Hôm sau, họ phải đưa nước về cho bắp nảy mầm. Anh chị hẹn mình tháng Tư lên ăn bắp.
Em cũng thử cày.
Anh nông dân người Thái chụp bức ảnh chuẩn Điện thoại thật dễ dàng!
Ruộng ở đây cứ sát với dãy núi đá. Họ phải đập đá, nhặt hết đá trong ô đất ra ngoài, rồi mới cày lên và trồng ngô.
Gần trưa, anh ấy đưa mình lên nông trường chè. Anh kể, trước đây là những cánh đồng hoang rộng mù mịt tầm nhìn. Nay là nông trường chè rộng lớn, những đồng cỏ nuôi bò sữa, những xưởng máy chế biến công nghiệp. Mình đến khi mặt trời gần đứng bóng. Chỉ còn lác đác một số người đang làm cho xong cái dỡ dàng để về nghỉ trưa. Vậy mà, đứng lẫn giữa luống chè, vo tròn một lá để ngửi, phóng tầm mắt xa trập trùng các đồi chè tuyệt đẹp. Bạn nào thích chụp hình, có lẽ đi hết khu vực này cũng hết nhiều thời gian.
Nhiều đôi nam nữ dẫn nhau lên đây chụp album cưới.
Chè Olong, người ta chỉ hái 3 đọt trên cùng, công nghệ xử lý đặc biệt các lá chè non thành những viên tròn tròn. Người dùng Olong sẽ chọn loại hợp "gout" với mình. Khui túi hút chân không. Làm nóng ấm tách bằng nước sôi, cho chục viên tròn tròn ấy vào ấm, bạn sẽ thấy nó nở ra như cái búp chè nguyên vẹn từng lá. Chữ trà có các chữ "thảo, nhân, mộc" nếu bạn chiết tự sẽ là người trong giữa cây thảo mộc. Tâm trạng uống trà giống như người trong một không gian thiên nhiên bao la vậy.
Chính vì vậy, sau khi hái những đọt trên cùng, thì người ta sẽ cắt bỏ cành lá cây trà để cho mùa thu hoạch khác. Những người mình gặp đang thu gom trà chính là thu gom những thứ bị cắt bỏ. Hỏi thì được biết đó là các hãng trà xanh đóng chai đến thu gom về làm nguyên liệu cho sản phẩm của họ. Họ thuê người Thái hoặc người Dao cho công việc này.
Nhưng, đây lại là công nghân của nông trường. Họ là những người chăm sóc cho cây trà. Hôm nay họ kiểm tra từng gốc chè để chăm bón. Còn những người trên kia là những người của hãng trà đóng chai được thuê để "mót" chè.
Mình đi miết xuống bên kia đồi, bắt gặp một thiếu nữ Dao đang hái hoa cải. Mộc Châu nổi tiếng Hoa Cải, Hoa Ban. Hoa cải trắng và hoa cải vàng. Hoa ở sau lưng em, hoa ở trước mặt em, hoa ở bên phải em, hoa ở bên trái, ở trên đầu, dưới bàn chân, trong lòng lũng. Không như hoa ban mà người Dao gọi là "Bà Chúa Hoa", còn người Thái gọi là "Nàng Ban" là cả một hương tình của tình sử Thái, là hương thơm làm cho người già trẻ lại như cô gái, hoa cải giản dị hơn, gần gụi hơn. Thiếu nữ Dao tranh thủ giờ nghỉ trưa của nông trường chè, đi hái hoa cải, về nhà nấu cơm cho chồng! Ôi, nãy giờ cứ tưởng thiếu nữ, rất xinh.
Nhà em ở bên kia đồi, sau lưng rừng thông già đó!
Ở nơi này, có hoa cải vàng từng luống từng luống. Người Thái gieo cải để lấy hạt ép dầu. Hễ đâu có đất trống là họ lại gieo cải. Bởi thế nên những cánh đồng ngút ngàn chân mây đẹp đến ngỡ ngàng hoa cải là thế. Bức tranh Mộc Châu là kết hợp của hoa và nhấp nhô dãy núi với ngôi nhà tranh nho nhỏ, giữa rừng hoa với thiên nhiên. Đẹp nhưng mang mác vắng lặng buồn buồn khó nói!
Dạo một vòng quanh đồi này, hoa cải, hoa mận dưới nắng trưa. Thầm nghĩ, nếu một buổi ban mai, ngồi ở đây chờ mặt trời bình mình có lẽ phải nín thở cảm nhận.
Bữa trưa nhà anh chị thật tuyệt! Mình bảo: "Hôm nay anh chị làm cơm thịnh soạn!" Chị bảo: "Không phải đãi chú Tuấn đâu, ở đây ngày nào cũng ăn như thế cả!" Nhiều món phong phú và đơn giản là văn hoá ẩm thực của người Thái. Họ chỉ cho mình cách ăn cơm nếp với các gia vị của họ. Riêng cơm là ăn bốc.
Chiều hôm ấy, mình được dẫn lên Đông Sơn Mộc Hương hay còn gọi là Hang Dơi. Bên trong động là những thạch nhũ tạo cảm giác là lạ. Nghe kể đây là nơi người Việt cổ sinh sống cách nay 3.000 - 3.500 năm. Bên trong hang có nhiều hình thù cấu trúc thạch nhũ tạo nên. Có một cái vòm lớn ở giữa, trên vòm có nhiều cái hốc, người dân nói là tổ của dơi, nên người ta gọi là Hang Dơi.
Thái Dãi Yếm là điểm nên đến. Truyền thuyết kể rằng có người con gái cứu chàng trai thoát khỏi dòng nước cuốn, và dãi yếm của cô gái ấy sau biến thành dòng thác cao hơn 100m và rất nhiều tầng. Thật tiếc hôm đến không được chiêm ngưỡng vuốt ve dãi yếm nhiều tầng, vì nước rất ít. Thành thử, muốn có ảnh ở Dãi Yếm đẹp, phải canh mùa khác mà lên (tháng 4 - 9).
Buổi chiều hôm ấy!
Mình ngồi chờ mặt trời lặn. Lạnh lắm! Nhưng thật đẹp.
Bao nhiêu trạng huống trong một ngày, bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu nụ cười chia sẻ, cách ngàn trùng mà như quen muôn thuở... gia đình anh chị người Thái với vùng đất Mộc Châu với những điều thú vị không thể kể ra trọn vẹn được.
Tối đó chia tay, anh rót rượu, rượu do nhà anh nấu. Tục của họ là cứ một cốc là bắt tay, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ. Rượu ngon và nhiều tình cảm. Không cười kiểu cụ Yên Đỗ, cười khoái chí:
Lâu nay ta vẫn xem bằng mũi,
Đếch có mùi thơm, một tiếng khà!
Mộc Châu là nơi các bạn phía Bắc nghỉ cuối tuần lý tưởng. Còn các bạn trong Nam, đi Mộc Châu khi mùa hoa đang trở lại là một lựa chọn đáng giá để cảm nhận Tây Bắc là gì. Mùa hoa ban đang nở tháng Ba.
Anh hẹn mình sang năm dẫn đi chợ tình biên giới!
[Nhiếp ảnh điện thoại] - Chuyện làng H'mông
[Nhiếp ảnh điện thoại] - Một ngày ở Hà Nội
tuanlionsg
Saigon 6/3/2014