Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Đại học Adelaide phát triển thành công hệ thống xử lý nước sạch giá rẻ từ túi bánh snack

tui_banh_snack.

Nhóm các sinh viên tại Đại học Adelaide vừa thiết kế thành công một hệ thống xử lý nước sạch đơn giản, giá thành rẻ từ các túi đựng bánh snack, gỗ dán và ống thủy tinh với tổng giá thành vào khoảng 67 đô la. Theo nhóm nghiên cứu, hệ thống có phương thức lắp đặt, vận hành hết sức đơn giản nên tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng một cách dễ dàng. Phương pháp trên vừa thân thiện với môi trường do có thể giúp giảm đáng kể lượng rác thải, đồng thời giúp tạo ra nguồn nước sạch cho con người, vốn đang là vấn đề cấp bách hiện nay tại rất nhiều nơi trên thế giới.

Tại một số nước phát triển, nước sạch dường như là vấn đề khá đơn giản và dễ dàng. Tuy nhiên, tại nhiều nơi khác trên Trái Đất, việc có một nguồn nước sạch, an toàn để sử dụng lại là một khái niệm khá xa xỉ. Theo cơ quan phòng chống bệnh tật (CDC) thuộc bộ Y tế Hoa Kỳ, trung bình 1/9 người trên thế giới không thể tiếp cận với nguồn nước an toàn (tương đương với 780 triệu người). Một nguồn nước không an toàn có chứa nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho con người. Theo ước tính, trong số 1,5 triệu người chết mỗi năm thì có 90% ca tử vong bởi các vấn đề có liên quan tới nguồn nước bẩn.

xu_ly_nuoc.
Mô hình xử lý nước của nhóm nghiên cứu​

Nhằm tìm cách giải quyết vấn đề nước sạch, nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Adelaide đã hợp tác với Tổ chức ChildFund Australia và thực hiện nghiên cứu tại nhiều cộng đồng dân cư ở Papua New Guinea. Tại nơi đây, phần lớn người dân đều dùng các thùng lớn để chứa nước mưa, vốn là một nguồn nước dễ dàng bị nhiễm khuẩn gây bệnh. Mục tiêu đề ra của nhóm chẳng những là tạo ra một hệ thống xử lý nước đơn thuần mà phải tìm ra cách đơn giản nhất để người dân có thể tự chế tạo và vận hành hệ thống đó.

Ban đầu, nhóm đã sử dụng các loại vật liệu chất lượng cao để phát triển một hệ thống xử lý nước. Sau đó, dựa trên thiết kế cơ bản ban đầu, nhóm tìm cách chế tạo ra một hệ thống tương tự nhưng lại sử dụng những vật liệu đơn giản, dễ tìm với giá thành rẻ hơn rất nhiều. Về cơ bản, đây là hệ thống dùng các ống thủy tinh để chứa nước, sau đó dùng vật liệu phản chiếu bọc nửa xung quanh để tập trung và phản chiếu ánh sáng Mặt Trời. Chính bức xạ UV-A từ Mặt Trời sẽ kích thích phản ứng oxy hóa làm đảo ngược bộ DNA khiến vi khuẩn bị tiêu diệt. Cuối cùng, nhóm đã chọn túi snack đã qua sử dụng do mặt trong thường sáng bóng và có thể phản xạ hiệu quả ánh sáng Mặt Trời. Theo báo cáo, hệ thống có thể làm giảm hàm lượng E. Coli trong nước tới mức không thể phát hiện chỉ trong chưa tới 30 phút.

Theo người dẫn đầu nghiên cứu, Cristian Birzer thì: "Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu là không phải là một thiết bị người dùng cuối. Đó đơn thuần là 1 khái niệm, một phương pháp mà tất cả mọi người đều có thể vận dụng dễ dàng. Vì vậy, phương pháp trên sẽ có giá thành rẻ và có thể chế tạo hàng loạt nhằm đáp ứng nhu cầu cho đại đa số người dùng. Nếu muốn sử dụng trên quy mô lớn, xử lý nhiều nước thì chỉ cần kết nối nhiều hệ thống nhỏ lại với nhau."

Với mức giá là 67 đô la Mỹ, hệ thống trên có thể làm sạch khoảng 40 lít nước chỉ trong 4 giờ đồng hồ. Nếu kết hợp nhiều hệ thống lại với nhau sẽ tạo đồng thời xử lý được lượng nước lớn hơn nhằm cung cấp cho các cộng đồng dân cư số lượng lớn. Hiện tại, mô hình trên đang được áp dụng thí điểm tại một số cộng đồng dân cư ở PNG, nếu thành công, mô hình sẽ được nhân rộng ra cho cả quốc gia hoặc thậm chí là nhiều nơi khác trên thế giới nhằm giải quyết vấn đề nước sạch luôn tồn tại từ trước đến nay.