Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

[Nhiều hình ảnh] Offline "xế độ" lần 2 do D1WS tổ chức, 28/07/2013

Tinhtevn_Offline_Car_Tuning-top

Sáng nay, 28/07/2013 tại Vietnam Star Automobile Mercedes Benz - Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM, đã diễn ra buổi offline "xế độ" lần thứ 2 do D1 Work Shop tổ chức. Buổi offline mở cửa tự do cho khách tham quan và đón nhận tất các "xế độ" đến tham dự tranh tài mà không cần đăng ký trước. Đây là một cơ hội tốt để những người đam mê xe hơi, yêu thích độ xe đến để "khoe" chiếc xe của mình, đồng thời giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Còn đối với những người chưa có cơ hội sở hữu xe và thoả đam mê "vẫy vùng" với chiếc xe mà họ thích, thì đây là ngày để đến ngắm nhìn, xem cận cảnh, vào trong xe, hay chụp ảnh với những chiếc xe đã được độ lại. Có khá nhiều các bạn trẻ và người đam mê xe đã đến tham dự.

Có gần 30 mẫu xe đã đến tham gia tranh tài ở offline "xế độ" lần thứ 2 của D1WS, trong đó có sự xuất hiện của khá nhiều mẫu BMW thuộc dòng M3, M5 hay Series-3, ngoài ra còn có sự góp mặt của các xe thuộc thương hiệu Porsche, Audi, Hyundai, hay Mercedes… Đặc biệt, tại khu vực trưng bày ở tầng 1, có các sản phẩm do D1WS shop độ. Đây là nơi thu hút nhiều người tham gia nhất, vì các mẫu xe này được độ độc đáo hơn so với phần còn lại. Trong khu vực này có thể nhận ra sự hiện diện của những mẫu xe thể thao của Nissan, Mercedes hay Hyundai.

Các xe đến tham dự offline lần này được độ theo nhiều phong cách khác nhau, nhưng chủ yếu là độ phần ngoại thất, nội thất, âm thanh hoặc là bô, không có nhiều mẫu được độ động cơ. Theo quan sát thì các mẫu xe tham gia đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, như là Bình Phước, Đồng Nai, hay cả Khánh Hoà. Ban tổ chức có lập ban giám khảo và chấm điểm cho từng mẫu xe theo các tiêu chí về độ ngoại thất, nội thất và động cơ. Mình không tham gia đến cuối cùng nên không rõ là chiếc nào giành được giải cao nhất.

Sau đây là một số hình ảnh về buổi offline "xế độ" sáng nay:


Teamviewer QuickSupport, ứng dụng giúp truy cập thông tin và hỗ trợ cho iPhone/iPad từ xa

quicksupport__tinhte_003

Teamviewer là một cái tên có lẽ không còn quá xa lạ với người dùng máy tính. Nó là công cụ giúp điều khiển máy tính từ xa với nhiều mục đích khác nhau, ví dụ như bạn có thể sửa PC giúp bạn gái trong khi đang ngồi ở nhà mình. Mới đây tình cờ lướt qua danh sách ứng dụng được phát triển bởi Teamviewer thì mình thấy phần mềm Teamviewer QuickSupport vừa được cập nhật lên phiên bản mới để hỗ trợ cho thiết bị iOS (còn Android thì đã được hỗ trợ từ lâu). Vậy Teamviewer QuickSupport cho iOS là gì và có chức năng như thế nào? Mình không nói quá nhiều mà sẽ đi thẳng vào những gì nó sẽ hỗ trợ cho bạn.

- QuickSupport cho phép bạn truy cập vào iPhone/iPad thông qua phần mềm Teamviewer trên máy tính (Bạn phải cập nhật phiên bản mới nhất dành cho máy tính mới có thể truy cập vào QuickSupport được cài trên các thiết bị iOS nhé)

- Từ Teamviewer trên máy tính, bạn có thể xem các thông tin và các thành phần quan trọng của thiết bị iOS như CPU, RAM, Battery, Storage,... Bạn cũng được quyền gửi tin chat trao đổi qua lại giữa Teamviewer trên máy tính và QuickSupport trên iOS. Ví dụ như iPhone của bạn gái có vấn đề, bạn có thể xem thông tin từ xa và nói bạn gái chỉnh sửa vài thứ cần thiết.

- Vì còn nhiều hạn chế do không được phép can thiệp sau vào hệ thống nên người điều khiển chỉ có thể gửi 1 yêu cầu để người dùng idevices chụp hình và gửi đi.

- Tại Tab Settings, người điều khiển có thể hỗ trợ cho người dùng iOS thiết lập các cấu hình liên quan đến Wifi/E-mail/Microsoft Exchange rất đơn giản và trực quan.

- Ngoài ra, QuickSupport còn cho phép người điều khiển xem các xử lý, nhật ký hệ thống thông qua Tab Processes và System Logs.

Các bạn lưu ý rằng QuickSupport trên iOS không cung cấp đầy đủ những tính năng cho phép kiểm soát và xử lý mọi chuyện như TeamViewer trên máy tính hay trên các thiết bị Android bởi những hạn chế của iOS. Apple không cho phép phần mềm thứ 3 có quyền can thiệp sâu vào hệ thống nên QuickSupport chỉ có thể hỗ trợ như vậy.

Bạn không cần phải jailbreak máy, tải miễn phí Teamviewer QuickSupport tại App Store


Đại học California chế tạo màng dẻo tương tác với áp lực bằng đèn LED

da_nhân_tạo_01

Một nhóm các kỹ sư tại đại học California, Berkeley đã vừa tạo ra một tấm nhựa dẻo mỏng chứa mạng lưới cảm biến tương tác bằng đèn LED. Họ gọi phát minh này là "da điện tử" hay e-skin và nếu áp lực đặt lên e-skin càng nhiều thì đèn LED sẽ càng sáng.

Dẫn đầu nhóm nghiên cứu, giáo sư Ali Javey cho biết: "Chúng tôi không chỉ tạo ra các thiết bị mà còn tạo ra các hệ thống. Với màng tương tác e-skin, chúng tôi đã chứng minh một hệ thổng phức tạp trên nhựa có thể được bọc trên nhiều bề mặt vật thể khác nhau, qua đó tạo ra một dạng tương tác mới giữa người và máy."

E-skin được phát triển dựa trên một nghiên cứu trước đó của UC Berkeley về một da nhân tạo bằng sợi nano. Theo các kỹ sư, bên cạnh việc mang lại cho những con robot khả năng cảm nhận xúc giác tốt hơn, công nghệ e-skin còn có thể được dùng để tạo ra những thứ như giấy dán tường hoạt động như màn hình cảm ứng, bảng khí cụ cán mỏng cho phép tài xế điều chỉnh điện tử bằng việc vẫy bàn tay hay thậm chí băng gạc thông minh giúp theo dõi các dấu hiệu sống của bệnh nhân theo thời gian thực.

da_nhân_tạo

Để tạo ra e-skin, các nhà nghiên cứu đã cho lắng đọng một lớp polymer mỏng bên trên một phiến silicon, sau đó họ sử dụng các kỹ thuật sản xuất bán dẫn thông thường để xếp lớp một bóng bán dẫn, đèn LED hữu cơ và một cảm biến áp lực lên nhau. Cuối cùng, lớp nhựa được bóc tách ra khỏi phiến silicon, để lại một tấm phim mỏng duy nhất với hệ thống cảm biến được tích hợp bên trong. Nguyên mẫu hiện tại của e-skin là một ma trận gồm 16 x 16 cảm biến với độ tương tác cao, thời gian tương tác chỉ 1 mili giây.

"Điều khiến công nghệ này tiềm năng có thể được thương mại hóa dễ dàng là quy trình chế tạo đơn giản với các máy móc bán dẫn hiện có," Javey nói. Hiện tại, các kỹ sư đang nghiên cứu một phiên bản tiên tiến hơn của các cảm biến để chúng có thể phản hồi với nhiệt độ và ánh sáng tương tự như áp lực. Nghiên cứu của Ali Javey cùng nhóm kỹ sư đã được đăng tải trên tạp chí Nature Materials.



[Video] Leap Motion - một nền tảng mới cho việc tương tác giữa máy tính và người dùng

LeapMotion

Leap Motion là một thiết bị điều khiển máy tính bằng cử chỉ, có thể theo dõi các chuyển động tay của người dùng với độ chính xác cao. Khi kết nối với máy tính, Leap Motion sẽ giúp chúng ta có thể thao tác hoàn toàn bằng tay không thay vì phải cần đến chuột và bàn phím. Hiện tại, Leap Motion mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, tuy nhiên những thứ mà nó có thể làm được khá ấn tượng và hứa hẹn sẽ còn tốt hơn nữa trong tương lai.

Điều quan trọng mà Leap Motion làm được không chỉ là điều khiển máy tính bằng cử chỉ, mà nó tạo ra một nền tảng mới, một phương pháp mới để con người điều khiển máy tính nói riêng và có thể là nhiều các thiết bị điện tử khác trong tương lai. Leap Motion tạo ra cả một chợ ứng dụng để các lập trình viên có thể phát triển phần mềm hỗ trợ Leap Motion và đem lên bán.

Hiện tại trên chợ ứng dụng Airspace cho Leap Motion đã có khá nhiều phần mềm, từ game giải trí, khoa học, giáo dục hay tin tức, bao gồm miễn phí vào có phí. Leap Motion cũng đã cung cấp bộ SDK và tặng các cảm biến miễn phí để các nhà lập trình phát triển thêm nhiều ứng dụng có hỗ trợ Leap Motion. Ngoài ra với khoản đầu tư gần 13 triệu USD từ công ty Highland Capital Partners, Leap Motion hứa hẹn sẽ có đủ tiềm lực để ứng dụng thiết bị của họ vào cuộc sống nhiều hơn nữa.

AirspaceHome

Để bắt đầu sử dụng Leap Motion, bạn cần tải ứng dụng AirSpace từ trang www.leapmotion.com/setup, hiện tại nó có hỗ trợ cho Mac OS X và Windows. Sau khi cài xong, bạn chạy ứng dụng Airspace để vào trang Airspace Home, tại đây có hiển thị chợ ứng dụng Airspace Store và các ứng dụng mà bạn đã tải về. Khi đã kết nối Leap Motion với máy tính rồi thì các bạn chỉ cần bấm vào ứng dụng muốn xài là đã có thể bắt đầu.

Sau đây là video dùng thử Leap Motion, các bạn xem qua sẽ hiểu hơn về nó thay vì mình giải thích bằng chữ:


Boeing và NASA trình làng mô hình thực của tàu vũ trụ CST-100 dự kiến phóng năm 2015

CST-100_04

Trong một sự kiện được tổ chức tại trung tâm hỗ trợ sản phẩm của Boeing, Texas, tập đoàn hàng không và phòng thủ đa quốc gia của Mỹ cùng NASA đã trình làng mô hình thử nghiệm khoang cư trú và làm việc của tàu vũ trụ Crew Space Transportation - 100 (CST-100). CST-100 là tàu vũ trụ có người lái được phát triển bởi Boeing theo hợp đồng chương trình Commercial Crew Integrated Capability (CCiCAP) ký kết với NASA. Mục tiêu của chương trình là phát triển các giải pháp do cá nhân sở hữu và được điều hành bởi chính phủ Hoa Kỳ nhằm thay thế cho tàu con thoi Space Shuttle để đưa phi hành gia lên và trở về từ trạm không gian quốc tế ISS. CST-100 được thiết kế để vận chuyển 5 hành khách và phi hành đoàn nhưng nó có thể chứa tối đa 7 phi hành gia hoặc kết hợp giữa hành khách và hàng hóa.

Khoang cư trú của CST-100 được phát triển như một phiên bản mở rộng của mô-đun chỉ huy của tàu Apollo nhưng vỏ tàu được đúc nguyên khối không dùng mối hàn và sở hữu lớp chịu nhiệt cải tiến. Theo NASA, thiết kế này giúp giảm khối lượng và rút ngắn thời gian chế tạo. Bên trong, CST-100 sử dụng nhiều công nghệ hiện đại bao gồm hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED và hệ thống điện tử hàng không tối tân, mang lại khả năng điều khiển tự động tốt hơn.

CST-100_02
Phi hành gia Randy Bresnik.

Chris Ferguson, giám đốc bộ phận Crew & Mission Operations của Boeing cho biết: "Khi những phi hành gia bước vào bên trong khoang, nhiệm vụ chính của họ không phải là để vận hành con tàu mà là đi cùng con tàu đến trạm không gian để làm việc tại đây trong vòng 6 tháng. Vì vậy, chúng tôi không muốn tăng thêm gánh nặng cho họ với một khóa huấn luyện dài hạn để điều khiển phương tiện này. Chúng tôi muốn mọi thứ phải trực quan."

Sự kiện hôm thứ 2 vừa qua bao gồm 2 phiên trình diễn kéo dài trong 4 giờ do phi hành gia Serena Aunon và Randy Bresnik thực hiện. Họ mặc quần áo du hành màu cam tiêu chuẩn của NASA và bước vào khoang cư trú trong khi các kỹ sư của Boeing giám sát các kết nối liên lạc, trang thiết bị và môi trường bên trong.

CST-100_01

Trong thời đại của mô hình máy tính và thực tế ảo, những mô hình thật vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng để xác định những nhược điểm về thiết kế. Bằng cách cho phi hành gia thực hành bên trong mô hình tàu vũ trụ, các kỹ sư có thể tìm ra hầu hết các sai sót từ một cái công tắc khó bấm cho đến chốt cửa thoát hiểm cách xa ghế ngồi chỉ 1 inch.

"Khách hàng của chúng tôi là những người sẽ bay cùng con tàu và nếu không chế tạo nó theo cách họ muốn thì có nghĩa chúng tôi đang mắc sai lầm. Vì vậy, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để đảm bảo rằng mọi thứ sẽ theo ý thích của họ," Ferguson nói.


Một số thông tin thêm về tàu vũ trụ CST-100:

Vào năm 2011, Boeing đã ký hợp đồng với NASA và trung tâm không gian Kennedy tại Florida để sử dụng xưởng Orbiter Processing Facility số 3 (OPF-3) để chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm CTS-100.

Cũng giống như tàu con thoi, CTS-100 có thể tái sử dụng nhưng nhỏ gọn hơn với sức chứa tối đa 7 người và tương thích với nhiều loại tên lửa đẩy khác nhau. Boeing đã chọn bệ phóng Atlas V của United Launch Alliance để thực hiện các chuyến bay thử nghiệm cho CTS-100 vào năm 2015.

Như đã đề cập ở trên, CTS-100 sẽ được sử dụng để đưa các phi hành gia lên trạm không gian quốc tế ISS và trong tương lai là trạm không gian thương mại thế hệ mới Bigelow hiện đang được phát triển bởi Bigelow Aerospace.

CST-100_06

Vào cuối năm 2011, Boeing và Bigelow Aerospace đã thực hiện một loạt các bài thử nghiệm với mô hình tàu CTS-100, trong đó bao gồm việc thả rơi từ trên cao để kiểm tra hệ thống túi khí. Các túi khí được thiết kế để giảm thiểu tác động lên tàu khi hạ cánh và chúng hoạt động kết hợp với 3 dù giảm tốc lớn được bung ngay trước khi các túi khí phí được bơm căng.

Trong lần thả đầu tiên để kiểm tra hệ thống hạ cánh kết hợp, CTS-100 được thả từ máy bay trực thăng Erickson Sky Crane ở độ cao 3,6 km phía trên lòng hồ cạn Delamar, gần Alamo bang Nevada. Khi rơi xuống độ cao 3,3 km, cả 3 dù tự động bung và chúng đã giảm tốc thành công cho CTS-100 trước khi 6 túi khí được bơm căng. Cùng với dù giảm tốc và các túi khí, CTS-100 đã hạ cánh nhẹ nhàng xuống mặt đất.


Samsung bắt đầu sản xuất đại trà chip nhớ nhúng nhanh nhất thế giới dùng chuẩn eMMC 5.0

eMMC_Pro_Samsung

Samsung mới đây đã giới thiệu dòng chip nhớ NAND eMMC (embedded multimedia card) nhanh nhất thế giới mang tên "eMMC PRO" và hãng đã bắt đầu đưa nó vào sản xuất hàng loạt. Con chip nhúng này hỗ trợ chuẩn eMMC 5.0 với tốc độ truyền tải lý thuyết lên đến 400MB/s và đây cũng là sản phẩm eMMC 5.0 đầu tiên trên thị trường. Samsung cung cấp các phiên bản 16GB, 32GB và 64GB cho chip nhớ mới. Trong đó, hai bản 32GB và 64GB sở hữu tốc độ đọc ngẫu nhiên và ghi ngẫu nhiên đều là 7000 IOPS, còn tốc độ đọc liên tục là 250MB/s, ghi liên tục 90MB/s. So với thẻ nhớ microSD class 10 vốn có tốc độ đọc và ghi là 24MB/s và 12MB/s, Samsung nói sản phẩm của mình nhanh hơn mười lần, do đó nó sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ khởi chạy cũng như chuyển đổi ứng dụng, hỗ trợ ghi các tập tin đa phương tiện dung lượng lớn một cách nhanh chóng.

Với kích thước 11,5 x 13mm, chip eMMC PRO phù hợp để dùng làm bộ nhớ trong của các thiết bị di động. Đi kèm theo chip này, Samsung cũng có sản xuất bộ điều khiển NAND với firmware riêng để cung cấp tốc độ tối ưu cho eMMC PRO. Cả ba phiên bản 16GB, 32GB và 64GB đều được sản xuất dựa trên dây chuyền công nghệ 10nm. Riêng chuẩn eMMC 5.0 thì đang sắp được hoàn thiện và phê chuẩn tại JEDEC, hiệp hội chuyên đặt ra các quy chuẩn trong ngành vi điện tử.

Cách đây tám tháng, Samsung cũng là hãng sản xuất nên chip nhớ flash eMMC 4.5 nhanh nhất thế giới.