Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Những tính năng nhỏ nhỏ mà hay của LG G2

Tinhte_lg g2-0.

LG G2 ngoài việc có cấu hình tốt cùng màn hình đẹp thì trong quá trình dùng mình còn thấy nó được trang bị kha khá những tính năng nho nhỏ mà hay, những tính năng hỗ trợ người dùng giúp họ có thể sử dụng máy được thoải mái hơn. Bên cạnh đó cũng còn có những lỗi vặt còn tồn tại cũng ảnh hưởng không ít, hi vọng trong thời gian tới LG sẽ cung cấp bản cập nhật để sửa đổi. Dưới đây là một số những tính năng hấp dẫn cũng như không hấp dẫn trên LG G2, mình đặc biệt thích popup sms cũng như call, khả năng kết nối USB qua cable OTG, các tính năng nho nhỏ hỗ trợ nghe điện thoại, không thích sự chập chờn của KnockON.

Cần thay đổi khu vực thông báo và phím cảm ứng

Giờ thì bắt đầu tìm hiểu từ từ nhé. Trước tiên nhìn thấy là giao diện màn hình chính, đây là điểm đầu tiên LG đã làm không tốt, hệ thống notification nhiều dòng chiếm nhiều diện tích, các phím cảm ứng trên màn hình cũng chiếm diện tích và gây vướng víu trong quá trình sử dụng. Chính vì thế nên root máy và thay đổi các mục này (tham khảo thêm tại đây).
Tinhte_lg g2_1 copy.

Thông báo SMS và Call bằng Popup

Cách thức G2 hiển thị khi có tin nhắn hay điện thoại tới khá là hay. Cùng với icon nháy trên thanh thông báo thì một cửa sổ nhỏ sẽ mở ra giúp bạn có thể trả lời tin nhắn nhanh. Với điện thoại tới cũng vậy, nếu bạn đang dùng phần mềm nào đó mà có điện thoại tới thì màn hình thông báo cũng chỉ là một cửa sổ popup nhỏ chứ không chiếm hết màn hình.
Tinhte_lg g2_2.

Tính năng chặn tin nhắn sms

Nếu trong trường hợp bạn sợ người khác đọc tin nhắn thì có thể vào phần Cài đặt của SMS và bỏ lựa chọn "Xem trước" đi. Trong phần cài đặt của SMS còn có mục khá hay đó là “Cài đặt Spam”, ở mục này bạn có thể thiết lập các lựa chọn để chặn các tin nhắn spam, chặn sms từ những số điện thoại không mong muốn.
Tinhte_lg g2_3.

Tính năng chặn cuộc gọi

Nhân việc nói đến chặn tin nhắn thì LG G2 cũng có thêm mục chặn khác nữa đó là chặn cuộc gọi. Bạn có thể thiết lập chặn cuộc gọi trong phần Cài đặt -> Mạng -> Gọi -> Từ chối cuộc gọi.
Tinhte_lg g2_4.

Nhiều tuỳ chỉnh hữu ích cho tính năng thoại

Các tính năng phụ trợ nho nhỏ cho điện thoại cũng được LG trang bị khá nhiều, toàn là những tính năng hữu ích. Các tính năng phụ trợ này được đặt rải rác ở nhiều mục khác nhau (!?), dưới đây là một số tính năng xoay quay cuộc gọi:
  • Trong mục: Cài đặt -> Mạng -> Gọi -> Từ chối cuộc gọi, có lựa chọn: Rung khi kết nối, nâng cao chất lượng âm thanh trong những môi trường ồn ào.
  • Trong mục: Cài đặt -> Âm thanh, có lựa chọn: Rung nhẹ - mức độ rung tăng dần
  • Trong mục: Cài đặt -> Chung -> Cử chỉ, có lựa chọn: Khi có điện thoại đến chỉ cần đưa máy lên tai là tự trả lời, Giảm âm lượng nhạc chuông khi bạn nhấc máy lên, lật thiết bị để chuyển qua chế độ im lặng.
Tinhte_lg g2_5.

Tính năng KnockON chưa ngon

Trong mục Cài đặt -> Cử chỉ, còn có các tùy chỉnh cho tính năng KnockON - bật tắt màn hình bằng cách nhấp đúp vào các vùng trống trên màn hình. Như đầu bài mình có nói, mình không hài lòng với tính năng này, trên chiếc máy của mình thì việc nhấp đúp để mở máy không mượt mà, nhiều khi nhấp lần đầu không ăn thì lần thứ 2 phải tự giác gõ mạnh hơn.
Tinhte_lg g2_6.

Chế độ bảo mật với 2 mật khẩu khác nhau

Với Tùy chỉnh Guest Mode hay còn gọi là Chế độ Khách (trong mục Cài đặt -> Chung) thì có lẽ anh em đã được nghe nói nhiều rồi. Đây là tính năng hai mật khẩu được LG trang bị cho các điện thoại mới ra mắt gần đây của họ. Với mật khẩu chính thì bạn dùng máy bình thường, với một mật khẩu phụ thì bạn có thể ẩn một số phần mềm nào đó đi, chỉ giới hạn các phần mềm nhất định cho “khách” coi.
Tinhte_lg g2_7.

Hỗ trợ USB OTG

Đang ở trong khu vực Cài đặt -> Chung thì kéo xuống dưới còn có thêm mục “Phụ kiện”. Đây là mục khá quan trọng, đặc biệt là có tùy chỉnh cho kết nối với USB gắn ngoài thông qua cable OTG. Nếu ai dùng cover có màn hình thì cũng cần vào đây để kích hoạt chế độ “vỏ QuickWindow”.
Tinhte_lg g2_8.

Nhận dạng chữ viết tay

Giống như một số chiếc điện thoại Android khác, LG G2 cũng được trang bị tính năng nhận dạng chữ viết tay. Để dùng tính năng này thì bạn buộc phải sử dụng bàn phím mặc định của máy, mình có thử thì khả năng nhận tiếng Việt cũng tạm được, dùng lâu quen có lẽ sẽ khá hơn.
Tinhte_lg g2_9.

Có hướng dẫn sử dụng bằng video

Cuối cùng, máy nào cũng có hướng dẫn dùng và với LG G2 thì phần mềm đó có tên “Video Guide”, nếu đã sở hữu G2 thì bạn nên xem qua để hiểu rõ về chiếc máy của mình hơn nhé. Rất vui nếu nhận được những chia sẻ của các bạn ở dưới đây về kinh nghiệm sử dụng máy.
Tinhte_lg g2_10.

Motorola RAZR V3 - một tượng đài về thiết kế của điện thoại

Motorola_RAZR_V3_500px.

Motorola RAZR có lẽ là một trong những cái tên được giới yêu thích điện thoại ghi nhớ nhiều nhất. Mẫu đầu tiên trong dòng RAZR là V3 được ra mắt vào đầu năm 2004 và nó đã tạo ra một cú hít lớn cho ngành điện thoại di động thời bấy giờ bởi dáng vẻ thời trang, bàn phím kim loại với đèn nền ấn tượng cùng độ mỏng không thể ngờ tới cho một chiếc máy nắp gập. Hôm nay, mời các bạn cùng ngược dòng lịch sử để tìm hiểu thêm một số thông tin về dòng RAZR huyền thoại này.

Jim Wicks là trưởng bộ phận thiết kế của Motorola cho đến nay 2000 hoặc 2001 (ông không nhớ chính xác), nói rằng RAZR V3 nằm trong một kế hoạch để "thay đổi thế giới". Ông chia sẻ: "Vào thời điểm đó, tất cả điện thoại đều là những sản phẩm không có đặc tính riêng và vô định hình. Do đó ý tưởng của chúng tôi (về RAZR) sẽ rất khác biệt và đi ngược lại với những gì mà mọi người đang làm với điện thoại di động".

Thế là Wicks cùng nhóm của mình khởi động dự án với hai khẩu hiệu chính: "vua của độ mỏng" và "không nhân nhượng". Những cụm từ này nghe có lẽ rất quen trong thời buổi smartphone hiện nay, nhưng 10 năm trước thì đây là những khái niệm đi ngược lại với những lý lẽ thông thường. Chưa kể đến việc rất khó để tạo ra một sản phẩm mang trong mình cả hai khẩu hiệu trên: trong quá trình tạo ra chiếc điện thoại mỏng nhất thời bấy giờ, Motorola phải phát minh và chỉnh sửa hết công nghệ này đến công nghệ khác. Wicks muốn V3 phải được làm bằng kim loại, mà phải là "kim loại chất lượng cao chứ không phải là vật liệu rẻ tiền". Tuy nhiên kim loại khiến việc thu nhận sóng di động gặp vấn đề, thế nên Motorola phải đi dây lại thiết bị để tất cả ăng-ten và những bộ tín hiệu nằm ở dưới cạnh đáy thiết bị. Trong khi đó, dòng RAZR chạy Android hiện nay chỉ được tạo ra vì nhu cầu chứ không phải là một kiệt tác công nghệ như V3.

Motorola_RAZR_V3_7.


Ngay cả bàn phím của máy cũng được tạo ra theo kiểu "mỏng như dao cạo" với các phím lớn, không phải theo xu hướng phím nhỏ như hầu hết các điện thoại thời bấy giờ. "Khi bạn đặt một bàn phím lớn vào đó, bạn không muốn xài tới bàn phím thông thường với kiến trúc hình vòm và các nút rẻ tiền - chỉ riêng những thứ đó sẽ chiếm 5-10% độ dày thiết bị. Thế nên chúng tôi phải sáng tạo ra một bàn phím siêu phẳng. Vấn đề là nếu bạn làm một cái bàn phím phẳng như thế thì không thể xài màng dẻo được, vậy là chúng tôi chuyển xài kim loại".

Video quảng cáo RAZR

Chiếc điện thoại có dáng vẻ và cảm giác dùng không giống như bất kì thứ gì trên thị trường. RAZR không được tạo ra để bán được hàng triệu chiếc, nó chỉ có nhiệm vụ đơn giản là chứng minh cho thế giới thấy Motorola có thể làm gì. Wicks nói "khi tôi đem máy trình diễn cho các nhà mạng, nhiều nơi có phản ứng kiểu 'Không, thứ này làm sao mà bán'. Cũng có nhiều người cảm thấy thích thú, nhưng dường như họ không định kí hợp đồng mua máy". RAZR V3 được định giá 449$, và đây là mức giá không tưởng ở thời điểm đó. Những nhà bình luận nói đây là một món trang sức chứ không phải là điện thoại bởi nó quá đắt so với những điện thoại khác trên thị trường.

Tại sự kiện ra mắt V3 ở Copenhagen, Đan Mạch, Wicks nhận thấy người ta nói rằng đây là một sản phẩm rất tuyệt. Sau đó, RAZR V3 xuất hiện trong những túi quà tại lẽ trao giải Oscar, trong quảng cáo với nữ diễn viên quần vợt Maria Sharapova, trong túi của Jason Bourne, và một vật phẩm trong trò chơi Monopoly. Wicks nói đây là thiết bị đầu tiên trở thành một thứ vượt xa khỏi biên giới của một chiếc điện thoại - một thông điệp mà Motorola muốn gửi đến người dùng thông qua việc chi mạnh tay cho các chiến dịch quảng cáo. "Đây là thiết bị đầu tiên thật sự di chuyển từ một công cụ liên lạc trở thành một sản phẩm tiêu dùng thực thụ, một sản phẩm thời trang thực thụ". Tờ báo USA Today thậm chí còn so sánh V3 với những chiếc đồng hồ đắt tiền hay các chiếc xe thể thao - chẳng ai sẽ mua RAZR cho những mục đích thực dụng, thế nhưng nếu bạn đủ tiền chi cho nó thì V3 sẽ không có đối thủ.

Thế nhưng, vào những năm 2005 và 2006, nhiều người đã sở hữu RAZR V3 hoặc ít nhất là muốn sở hữu nó. Mình cũng may mắn được tặng một chiếc V3 đen mang từ Mỹ về, và chỉ có một từ "tuyệt" để nói về nó. Vào thời điểm này, Motorola cũng tăng cường quảng bá cho V3 ở Việt Nam, và rất nhiều người Việt cũng yêu thích sản phẩm này với những lý do như trên. Ngoài phiên bản màu đen, V3 còn có bản màu bạc nữa, và mình nhớ là bản màu bạc ở nước ta được định giá cao hơn do người ta chuộng model này hơn. Tất nhiên, cũng như ở Mỹ, giá bán V3 RAZR ở Việt Nam không hè rẻ so với thị trường di động thời bấy giờ, nhưng máy vẫn chiếm được tình cảm của nhiều người. Sau này những biến thể khác như V3i, V3re, V3x cũng có mặt nhưng không thu hút như V3.

motorola_razr_v3_mobile_phone__2_.

Trong nhiều năm liền, vấn đề duy nhất mà V3 gặp phải đó là giá bán - các nhà mạng khi đó đang muốn bán máy thật rẻ để tăng lượng thuê bao. Chiếc RAZR đã thay đổi điều đó và tạo ra một kỷ nguyên mới: Motorola đã chứng tỏ rằng mọi người sẵn sàng chi nhiều tiền để có được một chiếc điện thoại tốt và đẹp. Lúc đó không có app store, không có các hệ điều hành đối thủ, tất cả những gì người tiêu dùng quan tâm là phần cứng. Và chính vì thế, không một hãng nào có thể sánh với Motorola khi V3 đã xuất hiện trên thị trường.

Thực chất thì nhiều hãng cũng từng thử cạnh tranh trực tiếp với V3, chẳng hạn như Samsung có chiếc SGH-A900 hay chiếc Katana của Sanyo, nhưng không một ai có thế tiến gần đến thành công của V3. Trong vòng 12 quý liên tục, từ năm 2004 đến 2008, RAZR V3 và một số biến thể nhỏ của mình là chiếc điện thoại bán chạy nhất nước Mỹ, điều chưa từng có tiền lệ.

Trong lúc đang thành công với RAZR cùng các chiến lược giảm giá hay giảm biên lợi nhuận để giữ cho máy vẫn còn xuất hiện trên kệ hàng, Motorola đã bỏ qua giai đoạn mới của điện thoại di động: phần mềm và dịch vụ. Wicks nói: "Chúng tôi không nhìn vào những thứ có thể cản trở RAZR. Những người khác thì có. Chúng tôi không đầu tư để phá vỡ thế dẫn đầu của chính mình". Và ngay cả khi Motorola cố gắng cải thiện tình hình, hãng lại gặp sự chống đối từ phía các nhà mạng. "Chúng tôi lâm vào thế khó". Wicks kể rằng người dùng nói họ "muốn có một thứ giống như thế (V3)", nhưng khi Motorola tập trung vào việc tạo ra theo ý muốn đó thì mọi người lại nói "ừ, nhưng mà trông nó cũng y như chiếc RAZR thôi". "Thế rồi iPhone ra đời, mà đánh dấu một sự chuyển biến khác cho ngành công nghiệp điện thoại".

Smartphone đã giết chết RAZR một lần và mãi mãi, nhưng đáng lý ra mọi thứ có lẽ đã tốt hơn. Wicks nói về dòng Motorola Ming ra mắt ở Trung Quốc năm 2006, một chiếc điện thoại nắp bật hai màn hình với bút stylus và khả năng nhận biết chữ viết tay, và đáng lẽ ra nó đã có thể giúp mang lại cho Motorola một sự sống mới trong thời buổi smartphone. "Đó là một trong những sản phẩm của chúng tôi mà ít người biết đến nhất nhưng lại tuyệt vời nhất". Thế nhưng Ming hầu như chỉ được bán ra ở Trung Quốc, và sau đó thì iPhone đã định nghĩa lại thế nào là một chiếc smartphone hiện đại.

motorola_razr_v3_razor_promo__2_.

Motorola là công ty đầu tiên chứng rằng một chiếc điện thoại có thể được bán nhờ vào thiết kế, và trong vòng ba năm sau đó vẫn không một sản phẩm nào có thể cạnh tranh lại V3. Thời thế có thể đã thay đổi, nhưng bài học mà Wicks và nhóm của ông học được thì vẫn còn nguyên như thế. Motorola đã học được rằng các công ty phải vượt trội hơn đối thủ về mặt kĩ thuật, thiết kế, marketing, hoặc công ty đó chẳng thể làm được gì. Thiết kế là giai đoạn khó nhất và quan trọng nhất: "Nếu bạn làm kĩ thuật tốt nhưng thiết kế bèo, bạn sẽ không có được kết quả tốt".

RAZR V3 giờ đây không còn nữa, điện thoại nắp gập dạng vỏ sò thì đã đi vào dĩ vãng, nhưng Wicks vẫn không loại trừ khả năng dạng điện thoại này sẽ trở lại. "Tôi nghĩ công nghệ sẽ tiến hóa. Nếu bạn không phải chạm vào điện thoại để sử dụng nó thì...". Ông bỏ lửng tại đây. Biết đâu sau này chúng ta lại thấy một chiếc Moto X dạng gập thì sao? Có thể 130 triệu người từng sở hữu RAZR V3 cũng sẽ cảm thấy hứng thú với ý tưởng này đấy.


Google đưa Chrome OS vào trong Windows 8 thông qua phiên bản trình duyệt thử nghiệm

Chrome_OS_Windows_5.

Google mới đây đã ra mắt phiên bản Chrome thử nghiệm mới dành cho các lập trình viên, trong đó cải tiến lớn nhất đó là trình duyệt sẽ cho phép chúng ta chạy cả Chrome OS trong chế độ "Modern UI" của Windows 8. Khi đã thiết lập làm trình duyệt mặc định, Chrome sẽ có thể khởi động trong môi trường Modern để cung cấp cho chúng ta một thanh tác vụ ở cạnh dưới màn hình với các icon Chrome, Gmail, Google, Docs, YouTube. Tương tự như Chrome OS, chúng ta có thể mở nhiều cửa sổ trình duyệt cùng một lúc. Một trình khởi chạy các Chrome App và ứng dụng nền web cũng xuất hiện trong phần mềm này, không khác mấy so với một chiếc máy tính Chrome OS thực thụ.

Điểm đáng nói ở đây đó là toàn bộ những thứ trên đều chạy dưới dạng một ứng dụng Windows 8 bình thường. Nó chỉ tận dụng một chế độ mà Microsoft đã đưa ra để các trình duyệt khai thác môi trường Modern UI một cách hiệu quả. Khi cài Chrome Develepors, tất nhiên chúng ta vẫn có một phiên bản trình duyệt Chrome trong môi trường desktop truyền thống. Xin lưu ý rằng chế độ đặc biệt của Microsoft không áp dụng cho Windows RT, nên bạn không thể áp dụng tính năng mới của Chrome trên những thiết bị chạy OS này.

Hiện tính năng nhúng Chrome OS vào trong Windows 8 vẫn còn khá nhiều lỗi, chạy chậm, giật, chưa hỗ trợ độ phân giải màn hình cao bởi vì đây chỉ mới là phiên bản thử nghiệm. Dù sao đi nữa thì nó cũng cho chúng ta thấy rõ hơn về tham vọng của Google trong việc biến Chrome OS thành một hệ điều hành máy tính thực thụ có khả năng cạnh tranh với Windows hay OS X. Trước đây hãng cũng đã ra mắt Chrome Apps, những ứng dụng viết bằng ngôn ngữ web nhưng có thể hoạt động offline như một ứng dụng độc lập với Chrome. Có vẻ như chú ngựa thành Troy mang tên Chrome của Google đang ngày càng trở nên to lớn hơn.

Cách sử dụng Chrome OS bên trong Windows 8:
  • Tải trình duyệt Chrome phiên bản developer dành cho Windows ở đây
  • Tải về xong thì tiến hành cài đặt như bình thường
  • Khi chạy Chrome lên, Chrome sẽ hỏi về việc chọn trình duyệt mặc định. Nhớ chọn Chrome nhé.
  • Quay lại màn hình Start, chạy Chrome trong môi trường Modern lên là đã có thể sử dụng
Chrome_OS_Windows_1.
Chrome_OS_Windows_2.
Chrome_OS_Windows_3.

Genymotion, chạy ứng dụng Android trên máy tính Windows hoặc OS X một cách dễ dàng

Genymotion_Android_PC_11.

Trước đây mình từng giới thiệu với các bạn ứng dụng BlueStacks để chạy ứng dụng Android trên máy tính Windows hay OS X, tuy nhiên nhược điểm của phần mềm này đó là chúng ta không thể truy cập được vào kho ứng dụng Google Play đầy đủ, cũng không có một môi trường chạy Android đầy đủ như trên các smartphone hay tablet. Để giải quyết vấn đề này thì hôm nay mình mời các bạn dùng thử Genymotion, phần mềm giúp tạo các máy ảo Android trên PC để có thể thoải mái cài và vọc app từ Google Play. Chúng ta cũng được phép truy cập vào những thành phần hệ thống khác, ví dụ như homescreen, phần cài đặt, thanh thông báo... y hệt như trên thiết bị di động, và lại hoàn toàn miễn phí.

Genymotion thực chất sử dụng VirtualBox để tạo ra các máy ảo, tuy nhiên nó sẽ giúp chúng ta đơn giản được nhiều bước thiết lập. Genymotion được viết nên chủ yếu để các lập trình viên kiểm tra phần mềm của mình trước khi đưa Google Play, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dùng nó cho nhu cầu chạy app thông thường cũng được.

Để sử dụng Genymotion, trước hết các bạn cần tải những công cụ sau:
Khi đã tải và cài đặt xong Genymotion, hãy chạy ứng dụng này lên. Chúng ta sẽ đi qua một số bước thiết lập như sau:

1. Đăng nhập vào ứng dụng Genymotion bằng tài khoản mà bạn mới vừa đăng kí ở trên.

Genymotion_Android_PC_1.

2. Bạn sẽ được hỏi về việc chọn thiết bị giả lập môi trường Android ảo. Có rất nhiều máy ảo, ví dụ như HTC One, Xperia Z, Samsung Galaxy S4 cho đến các máy Nexus, có cả một số tablet ở đây nữa. Chọn lấy máy nào đó bạn thích, rồi tiếp tục nhấn nút Add và nút Next. Đợi cho máy ảo tải về, có thể sẽ hơi lâu đấy vì đến một hai trăm MB lận. Nên chọn những máy ảo có chữ "with Google Apps" để có sẵn những kho Google Play.

Genymotion_Android_PC_3.

3. Sau khi tải về xong, hãy nhấn đúp vào máy ảo bạn tính sử dụng. Một hộp thoại thông báo sẽ xuất hiện, ở hộp thoại "Path to Android SDK", hãy trỏ đường dẫn đến thư mục Android SDK mà bạn mới vừa tải về ở trên. Lưu ý là phải trỏ đúng vào thư mục có chữ sdk bên trong nữa nhé, đến khi nào dòng chữ "ABD from Android Developer Tools successfully found là được". Nhấn OK để hoàn tất.

Genymotion_Android_PC_2.

4. Quay trở lại giao diện chính của Genymotion, nhấp vào máy ảo mà bạn muốn chạy. Chờ một lát là máy sẽ xuất hiện lên như hình bên dưới. Tiếp đó bạn có thể dùng chuột để tương tác với máy ảo Android, đăng nhập tài khoản Google, thiết lập màn hình, tải app, nghịch app, vào phần settings...

5. Tận hưởng thôi. Chúc các bạn thành công. Đừng quên là bạn có thêm một loạt nút ảo giả lập ở bên cạnh màn hình đấy nhé. Có cả nút để truy cập vào webcam với dữ liệu địa điểm nữa.


Chrome Apps, "chú ngựa thành Troy" có thể giúp Google chiếm lấy Windows và OS X

Chrome_Apps_Troy_OS_X_Windows_thay_the_Google.

Hồi đầu tháng 9/2013, Google đã giới thiệu một thứ mà hãng gọi là Chrome Apps. Đây là một thể loại ứng dụng rất đặc biệt được phát triển dựa trên các kĩ thuật lập trình web nhưng hoàn toàn có thể chạy offline và thậm chí không cần phải mở trình duyệt Chrome. Chúng có khả năng hoạt động giống như các ứng dụng thông thường mà bạn hay cài vào máy tính của mình thông qua file *.exe (Windows) hay *.app (Mac). Cách đây ít hôm chúng ta đã có bài giới thiệu về một số Chrome App hay để sử dụng. Còn hôm nay chúng ta sẽ bàn về tiềm năng của Chrome App trong việc thay thế những ứng dụng gốc của Windows, OS X, thậm chí là cả iOS và Android vào một ngày nào đó.

Một loại ứng dụng mới

Các ứng dụng Chrome Apps có vẻ ngoài và cách hoạt động gần như y hệt những phần mềm mà bạn đang dùng trên Windows hay OS X. Tất cả đều được xây dựng bằng những ngôn ngữ web, chẳng hạn như HTML5, CSS, JavaScript, tuy nhiên chúng có sử dụng một số đoạn mã riêng của Chrome nên bạn không thể mang Chrome Apps và chạy với các trình duyệt khác - chúng thật sự là các "app của Chrome".

[IMG]
Wunderlist - một trong những Chrome Apps có tính năng và giao diện không thua gì so với phiên bản dành cho desktop của chính mình

Nhóm Chrome nói với trang The Verge rằng tham vọng của họ là làm cho Chrome App trở nên đẹp và mạnh mẽ tới mức người dùng không thể phân biệt được đâu là những ứng dụng Chrome, đâu là những phần mềm Windows chính gốc. Chrome Apps ban đầu được thiết kê để giúp Chrome OS, hệ điều hành đám mây của Google, trở thành một nền tảng desktop thực thụ có khả năng cạnh tranh với Windows thay vì chỉ là một chiếc máy tính dự phòng. "Chúng tôi muốn biến Chrome OS thành một hệ điều hành đầy đủ", ông Brian Rakowski, phó chủ tịch mảng Chrome đã nói như thế. "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng không có lý do gì mà nó (máy tính chạy Chrome OS) không trở thành là một sản phẩm tốt cho mọi người".

Ở thời điểm ra mắt, Google cho biết rằng họ đang có hơn 50 Chrome App trên Chrome Web Store, cửa hàng ứng dụng trực tuyến tích hợp trong trình duyệt Chrome. Những tên tuổi lớn vẫn chưa tham gia vào việc phát triển app theo kiểu này, tuy nhiên chúng ta cũng đã có những ứng dụng rất tốt và có thể thay thế hoàn toàn app trên Windows. Có thể kể đến như Pixlr Touch Up của Autodesk - công cụ Chrome App giúp chỉnh sửa ảnh khá mạnh mẽ; Wunderlist - ứng dụng quản lí danh sách những việc cần làm có giao diện và tính năng không khác gì so với app gốc, hay như Remo.Music, trình nghe nhạc với giao diện đẹp lại có thể được điều khiển từ xa bằng smartphone.

[IMG]
Ứng dụng Pixlr Touch Up Chrome Apps

Chúng ta có thể xem Chrome Apps như là một "con ngựa thành Troy" của Google. Bằng cách sử dụng trình duyệt Chrome, Google có thể đặt cả một hệ sinh thái của mình ngay bên trong Windows và OS X. Rakowski nói rằng "vẫn còn đó những lý do khiến lập trình viên phát triển nên các ứng dụng gốc, thế nhưng chúng tôi đang làm việc để giải quyết từng lý do một". Thực chất thì Google cũng đã bắt đầu quảng bà cho Chrome Apps từ hồi tháng 5 năm nay, lúc đó nó được gọi bằng cái tên Chrome Package Apps. Đến tháng 7, Google chính thức ra mắt một trung tâm thanh báo cho trình duyệt Chrome trên Windows và Chrome OS, cho phép các trang web hoặc app nền web gửi thông báo ra ngoài cửa sổ trình duyệt. Và kể từ nhiều tháng nay, phiên bản thử nghiệm của Chrome đã được tích hợp Chrome App Launcher, một khu vực liệt kê toàn bộ Chrome Apps và các app nền web khác.

[IMG]
Thông báo mà Chrome gửi ra ngoài qua hệ thống thông báo mới

Không từ bỏ web

Tuy nhiên, với Chrome Apps, cũng cần phải nói thêm rằng Google sẽ không từ bỏ web, hãng chỉ đang cung cấp cho người dùng thêm một lựa chọn khác nếu cần chạy ứng dụng mà thôi. Hãng chưa có kế hoạch để thúc đẩy người dùng chuyển sang dùng Chrome Apps thay cho các ứng dụng nền web nếu như chưa có tình huống nào cần đến chuyện đó. Rahul Roy-Chowdhury, một quản lí chịu trách nhiệm về Chrome App, nói rằng "người dùng không quan tâm đến công nghệ được sử dụng để tạo ra ứng dụng. Họ thậm chí có thể không hiểu rõ Chrome Apps là gì, và điều này hoàn toàn ổn. Chúng tôi muốn Chrome Apps trở tốt đến mức bạn không thể nhận biết được sự khác biệt của nó với các thể loại ứng dụng khác".

Roy-Chowdhury nói thêm rằng hiện nhóm của ông đang tập trung cho desktop bởi vì đó là nơi có "phần lớn người dùng của chúng tôi. Chúng tôi muốn chắc chắn về mảng đó trước. Nhưng mục đích cuối cùng của chúng tôi đó là làm cho Chrome App chạy trên mọi nơi mà Chrome có thể hoạt động được." Theo hãng nghiên cứu StatCounter, khoảng 42% lượng người dùng web trên toàn thế giới sử dụng Chrome, điều này giúp Chrome trở thành trình duyệt phổ biến nhất thế giới. Cũng chính vì sự phổ biến đó, Roy-Chowdhury nói rằng đây là "một đại lộ dành những lập trình viên muốn tiếp cận với càng nhiều người dùng càng tốt". Hiện các nhà phát triển có thể lựa chọn giữa việc viết web app, viết native app hay viết Chrome app. Google muốn đơn giản hóa điều này, rằng khi lập trình viên muốn ứng dụng của mình hiện diện trên nhiều nền tảng khác nhau, họ chỉ cần viết Chrome App mà thôi.

Desktop trước đã, mobile để sau

Tính đến bây giờ thì Chrome Apps chỉ mới có mặt trên máy tính, còn kế hoạch dài hạn mới là đem nó lên các thiết bị di động. Hãng cũng muốn phân phối Chrome Apps qua các nhiều kênh khác nhau, chẳng hạn như kho Google Play trên Android hoặc App Store trên iOS, chứ không chỉ là thông qua Chrome Web Store như hiện nay. "Chúng tôi không muốn tái tạo lại mọi thứ. Chúng tôi mốn xây dựng Chrome App cho tương lai, chúng tôi muốn phát triển một nền tảng có thể đem ứng dụng đến khắp mọi nơi, bất kể hệ điều hành của thiết bị là gì, và chúng cũng cần được đồng bộ giữa máy tính với máy di động." Roy-Chowdhury cẩn thận nói rằng Chrome Apps sẽ chưa sớm xuất hiện trên smartphone hay tablet

Gạt qua một bên chuyện hỗ trợ cho thiết bị di động, với Chrome Apps, chúng ta có thể thấy rằng Google đang lùi một bước so với cách hoạt động của Chrome từ trước đến nay, đó là lấy hết mọi thứ từ Internet. Tuy nhiên, nhóm Chrome nói rằng họ làm như vậy không phải vì muốn từ bỏ các quy chuẩn web. Có những thứ mà Google cần để cạnh tranh với Windows và OS X nhưng ứng dụng nền web thông thường không thể làm được.

[IMG]
Ứng dụng Pocket Chrome Apps

Erik Kay, một giám đốc kĩ thuật, người đã giúp tạo ra công cụ dùng để viết Chrome Apps, nói rằng hai trong số những thứ đó là việc Chrome Apps truy cập vào ổ đĩa lưu trữ trên máy tính và sử dụng các thiết bị kết nối qua cổng USB. Những web app truyền thống thì không thể làm được chuyện này. "Chúng tôi vẫn tin vào web như từ trước đến nay. Nhưng đây (Chrome Apps) là cách duy nhất để viết ra các ứng dụng desktop đầy đủ với chất lượng cao dành cho Chrome OS. Chrome OS là một ván cược lớn cho công ty, do đó chúng tôi muốn mọi khía cạnh của nó phải mạnh mẽ như một hệ điều hành desktop thực thụ."

Chrome Apps không phải là canh bạc lớn duy nhất mà Google đang chơi khi nói về web. Google mới đây đã tạo ra Blink, một bộ nguồn dựng trang mới dựa trên WebKit dành cho Chrome. Cả Chrome Apps lẫn Blink đều đang đưa Chrome tiến vào lãnh địa có chủ quyền, đi ngược lại xu hướng mở mà Google theo đuổi trong nhiều năm qua. Chúng đều là phần mềm mã nguồn mở, tuy nhiên Google đang khiến cho các chuẩn web trở nên kém quan trọng hơn. Cơ hội để Chrome trở thành một nền tảng ứng dụng mới vẫn chưa rõ ràng, tương tự cho vị trí hàng đầu của trình duyệt Chrome cũng như danh tiếng của Google trong việc gây ảnh hưởng đến thế giới web.

Rakowski nói rằng những nỗ lực của Google đối với Chrome Apps và Blink là cần thiết để giúp Chrome OS trở thành một hệ điều hành có thể cạnh tranh với Windows với OS X. Đáng tiếc rằng tính đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có được những bộ ứng dụng "khủng" như Photoshop, Microsoft hay các app đa phương tiện trong bộ iLife của Apple. Chrome Apps cần phải có được những phần mềm mạnh như thế, thậm chí phải tốt hơn, nếu muốn cho thế giới thấy rằng Chrome có thể trở thành một nền tảng app thực thụ chứ không chỉ là một trình duyệt đơn thuần.


Skype sẽ nâng cao khả năng đồng bộ tin chat xuyên suốt nhiều thiết bị, cải thiện việc gọi điện

Skype_dong_bo_tot_hon.

Microsoft vừa cho biết rằng hãng sẽ thực hiện một số thay đổi về mặt cấu trúc của Skype để giúp việc đồng bộ những dòng được tốt hơn. Hiện nay, đôi khi người dùng Skype trên nhiều thiết bị, PC, smartphone, tablet, không thể tiến hành đồng bộ nội dung chat của mình một cách ổn đinh, có máy đồng bộ được, trong khi máy khác thì không. Một bản cập nhật cho Skype dành cho nhiều nền tảng sẽ được ra mắt trong vài tháng tới để khắc phục vấn đề này. Không chỉ sync tin nhắn, Skype sắp tới còn cho phép đồng bộ cả những cuộc gọi nhỡ nữa.

Nhóm Skype cho biết thêm rằng họ đang cải thiện việc xử lí dữ liệu theo kiểu ngang hàng (Peer-to-Peer, các máy tính sẽ xử lí phần công việc rồi chuyển tín hiệu qua mạng), đồng thời tăng cường hỗ trợ cho nó bằng điện toán đám mây. Hãng nói động thái này sẽ phù hợp hơn với xu hướng ngày càng nhiều dùng Skype trên thiết bị di động, vốn không có sức mạnh như PC và yêu cầu phải có thời lượng pin dài. Việc sử dụng đám mây để xử lí cũng sẽ giúp duy trì kết nối ổn định hơn, nhóm Skype nói.

Vậy việc nhận cuộc gọi trên ứng dụng Skype sẽ diễn ra như thế nào trong bối cảnh hãng chuyển sang xử lí trên mây? Microsoft mô tả như sau: khi một người thực hiện cuộc gọi, dữ liệu về người gửi (Skype ID, địa chỉ IP, thời gian...) sẽ được chuyển lên máy chủ của Microsoft. Máy chủ này gửi một thông báo "push" về ứng dụng Skype của người nhận cuộc gọi và hai người có thể bắt đầu nói chuyện, kết nối Peer-to-Peer được thiết lập. Trong quá trình đó, Microsoft cũng sẽ ghi nhận thời lượng của cuộc gọi, cuộc gọi có thành công hay không... Dựa trên những dữ liệu này, hãng hứa hẹn sẽ cải thiện trải nghiệm sử dụng Skype của người dùng trên mây, đồng thời cho phép tính năng sync cuộc gọi nhỡ diễn ra và giảm tải việc xử lí cho thiết bị đầu cuối.