Motorola RAZR V3 - một tượng đài về thiết kế của điện thoại
Motorola RAZR có lẽ là một trong những cái tên được giới yêu thích điện thoại ghi nhớ nhiều nhất. Mẫu đầu tiên trong dòng RAZR là V3 được ra mắt vào đầu năm 2004 và nó đã tạo ra một cú hít lớn cho ngành điện thoại di động thời bấy giờ bởi dáng vẻ thời trang, bàn phím kim loại với đèn nền ấn tượng cùng độ mỏng không thể ngờ tới cho một chiếc máy nắp gập. Hôm nay, mời các bạn cùng ngược dòng lịch sử để tìm hiểu thêm một số thông tin về dòng RAZR huyền thoại này.
Jim Wicks là trưởng bộ phận thiết kế của Motorola cho đến nay 2000 hoặc 2001 (ông không nhớ chính xác), nói rằng RAZR V3 nằm trong một kế hoạch để "thay đổi thế giới". Ông chia sẻ: "Vào thời điểm đó, tất cả điện thoại đều là những sản phẩm không có đặc tính riêng và vô định hình. Do đó ý tưởng của chúng tôi (về RAZR) sẽ rất khác biệt và đi ngược lại với những gì mà mọi người đang làm với điện thoại di động".
Thế là Wicks cùng nhóm của mình khởi động dự án với hai khẩu hiệu chính: "vua của độ mỏng" và "không nhân nhượng". Những cụm từ này nghe có lẽ rất quen trong thời buổi smartphone hiện nay, nhưng 10 năm trước thì đây là những khái niệm đi ngược lại với những lý lẽ thông thường. Chưa kể đến việc rất khó để tạo ra một sản phẩm mang trong mình cả hai khẩu hiệu trên: trong quá trình tạo ra chiếc điện thoại mỏng nhất thời bấy giờ, Motorola phải phát minh và chỉnh sửa hết công nghệ này đến công nghệ khác. Wicks muốn V3 phải được làm bằng kim loại, mà phải là "kim loại chất lượng cao chứ không phải là vật liệu rẻ tiền". Tuy nhiên kim loại khiến việc thu nhận sóng di động gặp vấn đề, thế nên Motorola phải đi dây lại thiết bị để tất cả ăng-ten và những bộ tín hiệu nằm ở dưới cạnh đáy thiết bị. Trong khi đó, dòng RAZR chạy Android hiện nay chỉ được tạo ra vì nhu cầu chứ không phải là một kiệt tác công nghệ như V3.
Ngay cả bàn phím của máy cũng được tạo ra theo kiểu "mỏng như dao cạo" với các phím lớn, không phải theo xu hướng phím nhỏ như hầu hết các điện thoại thời bấy giờ. "Khi bạn đặt một bàn phím lớn vào đó, bạn không muốn xài tới bàn phím thông thường với kiến trúc hình vòm và các nút rẻ tiền - chỉ riêng những thứ đó sẽ chiếm 5-10% độ dày thiết bị. Thế nên chúng tôi phải sáng tạo ra một bàn phím siêu phẳng. Vấn đề là nếu bạn làm một cái bàn phím phẳng như thế thì không thể xài màng dẻo được, vậy là chúng tôi chuyển xài kim loại".
Video quảng cáo RAZR
Chiếc điện thoại có dáng vẻ và cảm giác dùng không giống như bất kì thứ gì trên thị trường. RAZR không được tạo ra để bán được hàng triệu chiếc, nó chỉ có nhiệm vụ đơn giản là chứng minh cho thế giới thấy Motorola có thể làm gì. Wicks nói "khi tôi đem máy trình diễn cho các nhà mạng, nhiều nơi có phản ứng kiểu 'Không, thứ này làm sao mà bán'. Cũng có nhiều người cảm thấy thích thú, nhưng dường như họ không định kí hợp đồng mua máy". RAZR V3 được định giá 449$, và đây là mức giá không tưởng ở thời điểm đó. Những nhà bình luận nói đây là một món trang sức chứ không phải là điện thoại bởi nó quá đắt so với những điện thoại khác trên thị trường.
Tại sự kiện ra mắt V3 ở Copenhagen, Đan Mạch, Wicks nhận thấy người ta nói rằng đây là một sản phẩm rất tuyệt. Sau đó, RAZR V3 xuất hiện trong những túi quà tại lẽ trao giải Oscar, trong quảng cáo với nữ diễn viên quần vợt Maria Sharapova, trong túi của Jason Bourne, và một vật phẩm trong trò chơi Monopoly. Wicks nói đây là thiết bị đầu tiên trở thành một thứ vượt xa khỏi biên giới của một chiếc điện thoại - một thông điệp mà Motorola muốn gửi đến người dùng thông qua việc chi mạnh tay cho các chiến dịch quảng cáo. "Đây là thiết bị đầu tiên thật sự di chuyển từ một công cụ liên lạc trở thành một sản phẩm tiêu dùng thực thụ, một sản phẩm thời trang thực thụ". Tờ báo USA Today thậm chí còn so sánh V3 với những chiếc đồng hồ đắt tiền hay các chiếc xe thể thao - chẳng ai sẽ mua RAZR cho những mục đích thực dụng, thế nhưng nếu bạn đủ tiền chi cho nó thì V3 sẽ không có đối thủ.
Thế nhưng, vào những năm 2005 và 2006, nhiều người đã sở hữu RAZR V3 hoặc ít nhất là muốn sở hữu nó. Mình cũng may mắn được tặng một chiếc V3 đen mang từ Mỹ về, và chỉ có một từ "tuyệt" để nói về nó. Vào thời điểm này, Motorola cũng tăng cường quảng bá cho V3 ở Việt Nam, và rất nhiều người Việt cũng yêu thích sản phẩm này với những lý do như trên. Ngoài phiên bản màu đen, V3 còn có bản màu bạc nữa, và mình nhớ là bản màu bạc ở nước ta được định giá cao hơn do người ta chuộng model này hơn. Tất nhiên, cũng như ở Mỹ, giá bán V3 RAZR ở Việt Nam không hè rẻ so với thị trường di động thời bấy giờ, nhưng máy vẫn chiếm được tình cảm của nhiều người. Sau này những biến thể khác như V3i, V3re, V3x cũng có mặt nhưng không thu hút như V3.
Trong nhiều năm liền, vấn đề duy nhất mà V3 gặp phải đó là giá bán - các nhà mạng khi đó đang muốn bán máy thật rẻ để tăng lượng thuê bao. Chiếc RAZR đã thay đổi điều đó và tạo ra một kỷ nguyên mới: Motorola đã chứng tỏ rằng mọi người sẵn sàng chi nhiều tiền để có được một chiếc điện thoại tốt và đẹp. Lúc đó không có app store, không có các hệ điều hành đối thủ, tất cả những gì người tiêu dùng quan tâm là phần cứng. Và chính vì thế, không một hãng nào có thể sánh với Motorola khi V3 đã xuất hiện trên thị trường.
Thực chất thì nhiều hãng cũng từng thử cạnh tranh trực tiếp với V3, chẳng hạn như Samsung có chiếc SGH-A900 hay chiếc Katana của Sanyo, nhưng không một ai có thế tiến gần đến thành công của V3. Trong vòng 12 quý liên tục, từ năm 2004 đến 2008, RAZR V3 và một số biến thể nhỏ của mình là chiếc điện thoại bán chạy nhất nước Mỹ, điều chưa từng có tiền lệ.
Trong lúc đang thành công với RAZR cùng các chiến lược giảm giá hay giảm biên lợi nhuận để giữ cho máy vẫn còn xuất hiện trên kệ hàng, Motorola đã bỏ qua giai đoạn mới của điện thoại di động: phần mềm và dịch vụ. Wicks nói: "Chúng tôi không nhìn vào những thứ có thể cản trở RAZR. Những người khác thì có. Chúng tôi không đầu tư để phá vỡ thế dẫn đầu của chính mình". Và ngay cả khi Motorola cố gắng cải thiện tình hình, hãng lại gặp sự chống đối từ phía các nhà mạng. "Chúng tôi lâm vào thế khó". Wicks kể rằng người dùng nói họ "muốn có một thứ giống như thế (V3)", nhưng khi Motorola tập trung vào việc tạo ra theo ý muốn đó thì mọi người lại nói "ừ, nhưng mà trông nó cũng y như chiếc RAZR thôi". "Thế rồi iPhone ra đời, mà đánh dấu một sự chuyển biến khác cho ngành công nghiệp điện thoại".
Smartphone đã giết chết RAZR một lần và mãi mãi, nhưng đáng lý ra mọi thứ có lẽ đã tốt hơn. Wicks nói về dòng Motorola Ming ra mắt ở Trung Quốc năm 2006, một chiếc điện thoại nắp bật hai màn hình với bút stylus và khả năng nhận biết chữ viết tay, và đáng lẽ ra nó đã có thể giúp mang lại cho Motorola một sự sống mới trong thời buổi smartphone. "Đó là một trong những sản phẩm của chúng tôi mà ít người biết đến nhất nhưng lại tuyệt vời nhất". Thế nhưng Ming hầu như chỉ được bán ra ở Trung Quốc, và sau đó thì iPhone đã định nghĩa lại thế nào là một chiếc smartphone hiện đại.
Motorola là công ty đầu tiên chứng rằng một chiếc điện thoại có thể được bán nhờ vào thiết kế, và trong vòng ba năm sau đó vẫn không một sản phẩm nào có thể cạnh tranh lại V3. Thời thế có thể đã thay đổi, nhưng bài học mà Wicks và nhóm của ông học được thì vẫn còn nguyên như thế. Motorola đã học được rằng các công ty phải vượt trội hơn đối thủ về mặt kĩ thuật, thiết kế, marketing, hoặc công ty đó chẳng thể làm được gì. Thiết kế là giai đoạn khó nhất và quan trọng nhất: "Nếu bạn làm kĩ thuật tốt nhưng thiết kế bèo, bạn sẽ không có được kết quả tốt".
RAZR V3 giờ đây không còn nữa, điện thoại nắp gập dạng vỏ sò thì đã đi vào dĩ vãng, nhưng Wicks vẫn không loại trừ khả năng dạng điện thoại này sẽ trở lại. "Tôi nghĩ công nghệ sẽ tiến hóa. Nếu bạn không phải chạm vào điện thoại để sử dụng nó thì...". Ông bỏ lửng tại đây. Biết đâu sau này chúng ta lại thấy một chiếc Moto X dạng gập thì sao? Có thể 130 triệu người từng sở hữu RAZR V3 cũng sẽ cảm thấy hứng thú với ý tưởng này đấy.